Thứ Tư, ngày 16/10/2024, 10:43

Đoàn thanh niên tham gia chuyển đổi số - một số kinh nghiệm của Đoàn thanh niên tỉnh Quảng Ninh

Nguyễn Hải Yến
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) - Trên cơ sở phân tích vai trò, trách nhiệm của Đoàn Thanh niên trong tham gia chuyển đổi số toàn diện, bài viết nêu lên một số kinh nghiệm của Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Ninh tham gia chuyển đổi số toàn diện để các tổ chức Đoàn có đặc điểm, điều kiện phù hợp có thể tham khảo, nâng cao chất lượng tham gia chuyển đổi số ở cơ quan, địa phương, đơn vị mình.

Tỉnh đoàn Bắc Giang tổ chức Tọa đàm về chuyển đổi số

(nguồn news.vnanet.vn)

 

Đặt vấn đề

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội và đặt ra những thách thức mới, thanh niên Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát huy mạnh mẽ thể lực, trí lực, tâm lực để đóng góp quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò, sứ mệnh và sức mạnh của tuổi trẻ, thời gian qua đoàn viên, thanh niên tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số và đã tạo ra được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo nên sự chuyển động của hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công cuộc chuyển đổi số.

1. Vai trò, trách nhiệm của Đoàn Thanh niên tham gia chuyển đổi số toàn diện

Những chủ trương, nghị quyết, chính sách phát triển và hỗ trợ mà Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo là căn cứ quan trọng để Đoàn Thanh niên các cấp xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch tham gia chuyển đổi số. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” nhằm hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cùng các chính sách phát triển hạ tầng thiết yếu, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đặc biệt phải kể đến chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Trên cơ sở Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Quyết định số 749/QĐ-TTg tác động lớn đến vai trò, nhiệm vụ và hành động của các lớp thanh niên Việt Nam khi tham gia vào chuyển đổi số. Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 đã thể hiện quan điểm Chiến lược phát triển thanh niên là một bộ phận cấu thành của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Điều đó khẳng định thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong các chiến lược bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người.

Là tổ chức tập hợp của những thanh niên ưu tú, là người bạn đồng hành của thanh niên Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, đồng hành với thanh niên Việt Nam trên hành trình tham gia chuyển đổi số. Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã đề ra mục tiêu phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, Nghị quyết cũng xác định nhiệm vụ đột phá thứ ba đó là: “Nâng cao năng lực số nhằm hỗ trợ thanh, thiếu niên có nhận thức, thái độ đúng đắn về chuyển đổi số; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo,... trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ; góp phần tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong tương lai”[3, tr.52].

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, năm 2023 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xác định chủ đề công tác là “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”. Tiếp đó, “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số" được lựa chọn là chủ đề của tháng Thanh niên năm 2023. Điều đó cho thấy nhận thức và quyết tâm chính trị rất cao của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, thế mạnh của thanh niên tham gia thực hiện chuyển đổi số.

Việc tham gia chuyển đổi số của Đoàn Thanh niên thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau: i) Các tổ chức đoàn cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của cấp ủy cùng cấp thành nghị quyết, chương trình, kế hoạch. ii) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số toàn diện cho đoàn viên, thanh niên. iii) Tổ chức các hoạt động cho đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. iv) Kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, về sự tham gia chuyển đổi số của các tổ chức đoàn.

2. Một số kinh nghiệm của Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Ninh tham gia chuyển đổi số toàn diện

Hoạt động của Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Ninh tham gia chuyển đổi số có thể rút ra nhiều kinh nhiệm cho nhiều tổ chức đoàn tham khảo trong thực hiện nhiệm vụ này.

Thứ nhất, chú trọng các hoạt động nâng cao nhận thức số và năng lực số cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân.

Trong năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tập trung chỉ đạo triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức số và năng lực số cho đoàn viên, thanh niên, trọng tâm là gắn với phong trào thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cụ thể:

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thành công cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Ninh lần thứ VI, năm 2023 với chủ đề "Thanh niên Quảng Ninh với chuyển đổi số". Cuộc thi đã thu hút 35 ý tưởng, dự án đăng ký tham gia, trong đó có nhiều ý tưởng, dự án chứa hàm lượng khoa học công nghệ cao và có tính ứng dụng chuyển đổi số[1, tr.2]. Ngày 29/10/2023, trong khuôn khổ chương trình Hành trình Thanh niên khởi nghiệp năm 2023 của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn - Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức Vòng Chung kết Cuộc thi, trao 08 giải cho các dự án xuất sắc nhất.

Trong năm 2023, các cấp bộ Đoàn tổ chức 17 hội nghị, chương trình tập huấn, tuyên truyền nâng cao năng lực số của đoàn viên, thanh niên với trên 2.800 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia[1, tr.2], tập trung một số chuyên đề như: Ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động và công tác tuyên truyền của Đoàn; tuyên truyền về phòng chống lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, cập nhật các phương thức, thủ đoạn phạm tội; hướng dẫn các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để tự bảo vệ tài khoản, dữ liệu của cá nhân trên không gian số; đăng ký tài khoản và sử dụng các dịch vụ số mà trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet. Các hoạt động tiêu biểu như: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp Đoàn Thanh niên Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình tập huấn cho hơn 150 cán bộ, đoàn viên, thanh niên thành phố Móng Cái nhận thức về thời cơ và thách thức của chuyển đổi số; giải pháp nâng cao kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên không gian mạng trong tháng 2/2023; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức Lớp bồi dưỡng Chuyển đổi số cho cán bộ đoàn, phối hợp Đoàn Thanh niên Bộ Thông tin Truyền thông và Công an tỉnh tập huấn các chuyên đề về chuyển đổi số trong hoạt động tuyên truyền của Đoàn, phòng, chống lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (tháng 11/2023), tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về quyền trẻ em, kỹ năng phòng chống xâm hại, bảo vệ trẻ em, công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng tới 13 huyện, thị, thành đoàn.

Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động tham gia phát triển kinh tế số.

Để góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nhân dân, bám sát hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn về mô hình Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt, các huyện, thị, thành đoàn đã chủ động lựa chọn địa bàn để triển khai, phối hợp với Ban Quản lý chợ, các ngân hàng, nhà mạng, các tiểu thương của chợ lấy thông tin các kiot để tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh lập tài khoản ngân hàng, tạo mã QR-Code thông tin tài khoản chủ kiot để có thể thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử mà không cần dùng tiền mặt... Trong năm 2023, toàn Đoàn đã triển khai thực hiện 22 mô hình Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Tỉnh, qua đó hỗ trợ tạo mã QR-Code thanh toán miễn phí (bằng bộ nhận diện riêng của Đoàn Thanh niên) cho hơn 2.500 hộ kinh doanh, tiểu thương tại các chợ dân sinh, tổng nguồn lực triển khai mô hình trên 300 triệu đồng[1, tr.3]. Mô hình không chỉ được tập trung thực hiện ở địa bàn thành thị mà còn đang phủ rộng đến cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, được nhân dân hưởng ứng và tham gia.

Ngoài ra trong năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tích cực chỉ đạo tổ chức các hoạt động tập huấn cho đoàn viên, thanh niên về khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp thanh niên; quảng bá du lịch bản địa trên không gian số. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức 03 Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cho trên 700 lượt đoàn viên, thanh niên; đoàn cấp huyện tổ chức 06 chương trình tập huấn, toạ đàm về kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, khởi nghiệp trong thời đại 4.0 với sự tham gia của trên 1.000 lượt đoàn viên, thanh niên[1, tr.4]. Đoàn viên, thanh niên được tìm hiểu về thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiktok...); cách tiếp cận khách hàng trên sàn thương mại điện tử; cách chụp ảnh, xây dựng nội dung hình ảnh sản phẩm chuẩn marketing; chiến lược xây dựng, phát triển video ngắn; kỹ năng livestream bán hàng trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử... Đồng thời, đoàn viên thanh niên được hướng dẫn sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương.

Thông qua các hoạt động tập huấn của tổ chức Đoàn - Hội đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế thanh niên ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản, các mô hình Câu lạc bộ thanh niên cùng phát triển kinh tế. Nổi bật là mô hình Câu lạc bộ Streamer Móng Cái. Các thành viên Câu lạc bộ hỗ trợ nhau trong việc sử dụng công nghệ vào kinh doanh, cùng chia sẻ kinh nghiệm tạo dựng thương hiệu của riêng mình trên các nền tảng số; kết nối, hỗ trợ, góp phần đưa các sản phẩm, OCOP địa phương tiếp cận với các thị trường lớn trong và ngoài nước, tạo được chuỗi liên kết hiệu quả giữa sản xuất và bán hàng. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn, mời chuyên gia về trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn cách thức xây dựng kênh Tiktok; chỉnh sửa video ngắn bằng điện thoại, kỹ năng, các “mẹo” khi livestream bán hàng trên nền tảng số. Trong thời gian tới, thành viên Câu lạc bộ đang hướng tới livestream trực tiếp ngoài thực địa để quảng bá, kinh doanh sản phẩm thủy sản tươi sống của đoàn viên, thanh niên và nhân dân.

Thứ ba, tập trung các hoạt động tham gia phát triển xã hội số.

Triển khai Đề án số 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo đoàn cấp huyện và cơ sở duy trì các đội hình Tổ công nghệ số cộng đồng phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để tuyên truyền, hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử và cài đặt VNeID.

Tiếp tục triển khai Đề án “Phát huy vai trò của thanh niên trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 cho người dân tại khu dân cư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2025”, Trong năm 2023, đoàn viên, thanh niên đã hỗ trợ trên 50.000 lượt người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4[1, tr.5].

Bên cạnh việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo các Đề án, tổ chức đoàn các cấp luôn phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt tham mưu cấp uỷ, chính quyền tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chuyển đổi số toàn diện, tham gia xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; trong đó đoàn viên, thanh niên khối công chức, viên chức trẻ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Ba trách nhiệm”, tích cực tham gia ứng dụng chuyển đổi số trong thực thi công vụ. Các hoạt động tiêu biểu: Một là, Đoàn Thanh niên Cục Thuế tích cực ra quân hướng dẫn người nộp thuế đăng ký, sử dụng Etax Mobile. Hai là, Đoàn Thanh niên Cục Hải quan tỉnh đề xuất nhiều sáng kiến, cải tiến trong các lĩnh vực thu ngân sách nhà nước, hỗ trợ đồng hành doanh nghiệp, xử lý vi phạm; tham mưu xây dựng Phần mềm theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra - kiểm tra của Cục Hải quan tỉnh. Ba là, Đoàn Thanh niên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tham mưu đưa các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh vào Trung tâm, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thuê bao chính chủ để nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; xây dựng clip và tài liệu hướng dẫn người dân nộp hồ sơ cấp hộ chiếu phổ thông trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an. Bốn là, Đoàn Thanh niên Sở Y tế đăng ký và thực hiện các phần việc thanh niên cải tiến kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của đơn vị như Ứng dụng hệ thống Thanh toán không dùng tiền mặt (sử dụng kết nối qua ngân hàng và quét mã QR code để thanh toán); Xây dựng hệ thống lấy số, xếp hàng thông minh (triển khai hệ thống lấy số điện tử, xếp hàng tại phòng khám bằng màn hình chờ và hướng dẫn người bệnh xếp hàng chờ); Xây dựng hệ thống đăng ký khám online trên website của bệnh viện (đoàn viên trực tổng đài hỗ trợ người dân đăng ký).

Kết luận

Những kết quả mà Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Ninh đạt được trong tham gia chuyển đối là rất đậm nét, thể hiện toàn diện trên cả ba mặt: về nâng cao nhận thức số và năng lực số cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân; tham gia phát triển kinh tế số; tham gia phát triển xã hội số. Kết quả đó đã góp phần vào tốc độ chuyển đổi số toàn diện của tỉnh Quảng Ninh nói chung và cả nước nói riêng. Trong thời gian tới, với việc triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025” với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, cách làm sáng tạo của Đoàn Thanh niên Tỉnh Quảng Ninh thì chuyển đổi số sẽ thực sự trở thành động lực, phương thức để đoàn viên, thanh niên phát triển bản thân, tạo đột phá nhằm góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tài liệu tham khảo:

[1] Ban Chấp hành Đoàn Tỉnh Quảng Ninh (2023), Báo cáo số 136-BC-TĐTNPT ngày 14/12/2023, Báo cáo kết quả triển khai các hoạt động tham gia chuyển đổi số toàn diện năm 2023, Quảng Ninh.

[2] Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

[3] Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (2022), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thứ XII (2022 - 2027), Nxb. Thanh niên, Hà Nội.

[4] Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

[5] Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1331/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/07/2021, Ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021- 2030.

Ngày nhận: 02/05/2024 Ngày phản biện: 10/05/2024 Duyệt đăng: 16/07/2024

Đọc thêm

Vai trò của lực lượng dân quân tự vệ Hà Nội trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972

Tác giả: NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH - LÊ TRỌNG ĐẠI

(GDLL) - Trong quá trình đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Dân quân tự vệ luôn là lực lượng dự bị hùng hậu cho bộ đội chủ lực và xung kích trong lao động sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, là lực lượng nòng cốt cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân. Bài viết khái quát diễn biến chính của trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, làm rõ vai trò quan trọng của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội trong bảo vệ địa phương, địa bàn cơ sở, rút ra một số kinh nghiệm vận dụng về vai trò của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội.

30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022): Thành tựu và triển vọng

Tác giả: NGUYỄN VĂN ĐỨC - NGUYỄN THỊ THÚY

(GDLL) - Trải qua 30 năm, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có bước phát triển toàn diện, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc. Bài viết khái quát những thành tựu tốt đẹp đã gặt hái được trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc 30 năm qua (1992 - 2022) và chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Từ đó, đưa ra định hướng, khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tác giả: PGS. TS. Phạm Ngọc Linh

(TG) - Sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc LHHVN đã nâng cao vai trò của LHHVN trong việc tập hợp đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Các tổ chức KH&CN này được đánh giá là nhân tố mới ở Việt Nam trong công tác tham gia xã hội hóa các hoạt động KH&CN, GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới mô hình làng thông minh

Tác giả: TS ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA

(LLCT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của nhân loại. Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích chủ trương về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng làng thông minh ở nước ta, chỉ ra thực trạng một số mô hình làng thông minh hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh trong thời gian tới.