Thứ Hai, ngày 25/11/2024, 09:00

Xây dựng xã hội số ở Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh hiện nay

PGS, TS. Trần Quang Diệu - ThS. Hà Thị Thu Hằng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Đại học Thủ đô

(TG) - Tiến trình chuyển đổi số quốc gia được Đảng và Nhà nước ta xác định là hoạt động quan trọng với mục tiêu hướng đến là xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hà Nội, với vai trò là trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội của cả nước, là đầu tàu trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia, trong đó có mục tiêu xây dựng xã hội số phát triển, hiện đại, mang tầm cỡ quốc tế.

Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Ảnh: Nguyễn Quang

1. Trên thế giới, khái niệm xã hội số đã được nhắc đến từ khá sớm, từ khi có sự ra đời của Internet và không gian mạng, đặc biệt cho đến khi có sự ra đời của mạng xã hội và truyền thông xã hội, thì xã hội số có không gian vô tận để phát triển.

Về cơ bản, xã hội số là xã hội mà công nghệ được tích hợp và tham gia vào các khía cạnh của cuộc sống. Ở đó, người dân có thể kết nối, tương tác, chia sẻ và sử dụng các dịch vụ số, có hành vi và thói quen số và đặc biệt là kiến tạo văn hóa số trên môi trường số. Xét theo nghĩa hẹp, xã hội số bao gồm công dân số và văn hóa số, trong đó công dân số là những chủ thể hoạt động trên không gian số, có khả năng sử dụng công nghệ trong các lĩnh vực trên mọi mặt của đời sống xã hôi với các kỹ năng và phương thức sống mới như kỹ năng giao tiếp, hoạt động, dịch vụ và truy cập không gian số để đáp ứng với nhu cầu xã hội của mình, có các hoạt động xây dựng các giá trị, chuẩn mực xã hội mới, tiếp thu văn minh theo cách thức, phương thức mới dựa trên công nghệ số. Bên cạnh đó, công dân số có các chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, có khả năng tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, thực hiện quyền và trách nhiệm công dân trên môi trường số.

Song song với công dân số, văn hóa số ra đời dưới tác động của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Văn hóa số là phương thức và hoạt động văn hóa cuả cá nhân và cộng đồng trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, từ hoạt động sáng tạo, lưu giữ, truyền bá, tiếp nhận, thưởng thức văn hóa; văn hóa số cũng là các quy tắc ứng xử, từ lối sống, phương thức giao tiếp, làm việc… đến các chuẩn mực đạo đức, pháp luật của con người trong môi trường số(1).

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao.

Công nghệ số nói chung, hoạt động chuyển đổi số quốc gia nói riêng tạo ra một xã hội mới với lượng tri thức đồ sộ của toàn nhân loại đã hình thành trong lịch sử và sản sinh những giá trị xã hội mới trên nền tảng số. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông mới ra đời như truyền thông xã hội, truyền thông Internet với sự đa dạng hóa của các kênh truyền thông như facebook, youtube, instagram, zalo… đã trở thành các kênh thông tin, giao tiếp và trở thành hiện tượng xã hội mới, là nơi công dân số hoạt động và cũng là nơi văn hóa số hình thành và phát triển.

2. Ở Việt Nam, kể từ khi hoạt động chuyển đổi số quốc gia được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo với đường lối, chủ trương, hành lang pháp lý cụ thể thì vấn đề xây dựng xã hội số đã được đặc biệt quan tâm.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”(2).

Về xã hội số, ngày 3/6/2020, Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu tạo điều kiện nhằm giúp người dân phát triển năng lực thích ứng với xã hội số. Ngày 30/7/2021, Quyết định số 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, trong đó có Chương trình “Xây dựng mô hình công dân học tập” trong điều kiện xã hội số. Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đưa ra khái niệm “xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt của đời sống, người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số”. Từ đây, có thể thấy nội hàm về xã hội số đã dần được hình thành để phù hợp với bối cảnh mới của nước ta. Chuyển đổi số đã tạo ra một môi trường văn hóa mới của con người, đó là môi trường số, môi trường trên internet, môi trường ảo, bên cạnh môi trường thực mà chúng ta đã, đang sống quen thuộc. Môi trường số đòi hỏi có văn hóa số, công dân số, con người thời đại số.

Tháp Rùa - Hồ Hoàn Kiếm.

Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng đã khẳng định “Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia”, theo đó, thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, người dân đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”(3). Trong bài viết « Chuyển đổi số phải thực sự là một cuộc cách mạng đưa đất nước vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau”(4).

Việt Nam với hơn 100 triệu dân đang trong giai đoạn dân số vàng, với 69% dân số ở trong độ tuổi lao động đang có những cơ hội thuận lợi cho tiến trình xây dựng và phát triển, góp phần nâng cao tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Song song đó, số người dùng Internet và sử dụng công nghệ số trong xã hội đang ngày càng tăng, người dân thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ. Đây cũng là tiền đề và điều kiện thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy và phát triển xã hội số thành công. Xây dựng và phát triển xã hội số sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số quốc gia, tạo nên những cơ hội cho sự phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí cho người dân và tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các ngành kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, dịch vụ số… Xã hội số cũng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các dịch vụ thông tin, tiếp cận các tiện ích xã hội nhanh chóng và hiệu quả hơn. Xã hội số cũng góp phần xây dựng và thúc đẩy giáo dục với sự trợ giúp của Internet và không gian mạng, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và mở ra mô hình giáo dục mới hiện đại, thông minh và hướng tới người học, nhu cầu của thị trường, của xã hội dựa trên các nền tảng số. Trong xã hội số, vấn đề quản trị tài nguyên cũng là một cơ hội để Việt Nam chuyển mình trong kỷ nguyên mới, với các công nghệ hiện đại như internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối… cũng tạo nên các sản phẩm mới, thúc đẩy văn hóa số phát triển. Xã hội số tạo ra một môi trường để con người số có khả năng kết nối, giao lưu, học hỏi và nâng cao kiến thức, tạo ra môi trường mới để tạo nên giá trị văn hóa mới trên nhiều công cụ, kỹ thuật mới.

3. Hòa chung với tiến trình chuyển đổi số quốc gia, Hà Nội cũng có những bước chuyển mình rõ nét cùng đất nước. Với quy mô dân số và địa bàn rộng, Thành ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội đã bắt đầu triển khai các hoạt động chuyển đổi số rất mạnh mẽ, với Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến 2030, xác định rõ những chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện về phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đến nay, 100 xã, phường, thị trấn trên địa bàn đã có hạ tầng cáp quang; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đến hộ gia đình đạt tỷ lệ 93,15%; số thuê bao di động là băng rộng đạt tỷ lệ 121%; số thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân đạt tỷ lệ 27,3%; tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng ít nhất 1 điện thoại thông minh đạt 122,7%; tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh trên tổng số thuê bao điện thoại đi động đạt 81,7%... Thành phố đã ban hành Danh mục dữ liệu mở của Thành phố năm 2023 để triển khai chia sẻ dữ liệu trong nội bộ cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Trung tâm dữ liệu chính của Thủ đô, các hệ thống thông tin phục vụ người dân và phục vụ phát triển xã hội số đang được đưa vào vận hành. Các quy định, quy chế cũng được Thành phố Hà Nội ban hành kịp thời. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt động xây dựng chương trình nông thôn mới để triển khai mô hình nông thôn thông minh, xã thông minh.

Năm 2024, Thành phố Hà Nội cũng đã ra mắt ứng dụng công dân thủ đô số (iHanoi – Chạm để kết nối), cung cấp những tiện ích phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và kết nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp… Trong lĩnh vực chuyển đổi số nói chung, phát triển xã hội số nói riêng, tới nay, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội đã vào cuộc, nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số và các nhiệm vụ đã được triển khai một cách đồng bộ.

Hà Nội là một trong các tỉnh/thành phố đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ các dịch vụ công trực tuyến. Các dịch vụ chuyển đổi số của Thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện để người dân có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi, đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh, bảo mật dữ liệu, trong đó tập trung vào các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; hệ thống hóa đơn điện tử; cấp phiếu lý lịch tư pháp; thí điểm hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; hệ thống chi trả an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt… Các hoạt động này của Thành phố nhằm hướng tới một môi trường số bền vững, an toàn, an ninh, tạo tiền đề để xã hội số phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều người dân và các chủ thể khác trong xã hội ở Việt Nam nói chung, ở Hà Nội nói riêng chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của xây dựng xã hội số cũng như lợi ích của xã hội số mang lại. Bên cạnh đó, còn có sự không đồng đều trong nhận thức về xã hội số; hệ thống thể chế, pháp lý còn có những hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn của xu thế xây dựng xã hội số trên thế giới và Việt Nam. Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng đều, còn có sự phân hóa xã hội dẫn tới sự không đồng đều về nhận thức của người dân trên không gian số và xã hội số; vấn đề an toàn, an ninh thông tin và an ninh phi truyền thống đang có những tác động mạnh mẽ đến hoạt động xây dựng xã hội số; các mối đe dọa về an toàn, an ninh thông tin ngày càng trở nên phức tạp và khó nắm bắt, khó quản lý; xu thế và ranh giới của mối quan hệ giữa ảo - thật đang ngày càng trở nên mờ nhạt ; sự phụ thuộc của con người vào không gian số ngày càng nhiều và làm nảy sinh nhiều quan hệ phức tạp; các thông tin sai lệch gây hiểu lầm, gây chia rẽ trong xã hội, đặc biệt các thông tin xấu độc đã và đang gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

4. Thực tiễn cho thấy, xã hội số ở Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã và đang có những điều kiện để phát triển bền vững. Để thực hiện xây dựng xã hội số hiện đại, phát triển bền vững theo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, Thành phố Hà Nội cần thực hiện số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, tăng cường các hoạt động đánh giá thực tiễn nhằm tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, môi trường pháp lý về xã hội số. Đây là nhiệm vụ có vai trò quyết định, then chốt cần được ưu tiên và lồng ghép trong các quan điểm, chủ trương, đường lối cũng như kế hoạch, chiến lược, giải pháp của Đảng và Nhà nước về xây dựng quốc gia số với ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Cần hoàn thiện và tạo hành lang pháp lý để xã hội số phát triển bền vững, phục vụ trực tiếp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Hai là, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ chuyển đổi số quốc gia nói chung, hạ tầng công nghệ thông tin của Thành phố Hà Nội nói riêng một cách toàn diện, hiệu quả, hướng tới xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tập trung phát triển mạng lưới Internet tốc độ cao, có độ bao trùm và hướng tới bền vững cho tất cả mọi vùng, miền từ trung ương đến địa phương, từ biên giới đến hải đảo, đảm bảo bao phủ internet và các dịch vụ số trên toàn quốc. Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong mọi ngành, mọi lĩnh vực đảm bảo “trên dưới thống nhất, dọc ngang thông suốt” trên môi trường số.

Ba là, phát triển nền tảng số hiện đại, thể hiện rõ vai trò, vị thế của Thủ đô, ngang tầm quốc tế, đáp ứng với nhu cầu của người dân của Thành phố và toàn xã hội. Phát triển nền tảng số theo hướng đầu tư các giao dịch trực tuyến, đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm chi phí và tăng năng suất lao động, cung cấp khả năng tạo, lưu trữ và truy xuất dữ liệu một cách thuận tiện. Phát triển môi trường số an toàn, an ninh và phát triển bền vững. Nền tảng số cần đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng trên cơ sở nâng cao nhận thức, trách nhiệm trên cơ sở sử dụng các thiết bị, dịch vụ công nghệ số an toàn, hợp pháp.

Bốn là, phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái số phục vụ mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội, hướng tới phát triển xã hội số bền vững. Hệ sinh thái này bao gồm các hệ thống số trong khu vực chính phủ như dịch vụ công trực tuyến, cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư…; các hệ thống phục vụ kinh tế số như thương mại điện tử, hệ thống dữ liệu doanh nghiệp, hệ thống hỗ trợ ra quyết định cho doanh nghiệp…; và các hệ thống phục vụ xã hôi số như giáo dục, đào tạo trên không gian số, sáng tạo các sản phẩm số, kinh doanh trên môi trường số, quản lý xã hội số, các chuẩn mực, giá trị, đạo đức của con người số…

Bốn là, phát triển văn hóa số hiện đại, tạo lập môi trường văn hóa mới của con người “phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số”, đảm bảo xây dựng, kiến tạo và văn hóa số ở nước ta để đảm bảo sự phát triển bền vững, gắn kết chặt chẽ với các hoạt động về chính trị, xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội. Phát triển ngành công nghiệp văn hóa vươn ra toàn cầu trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ số, thúc dẩy sự thích ứng của ngành công nghiệp văn hóa với các sản phẩm sáng tạo trên không gian số.

Năm là, phát triển con người số đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự phát triển. Thực hiện đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo, hướng tới giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân về xã hội số để phát triển bền vững. Xây dựng xã hội học tập hướng tới hoạt động học tập suốt đời với mục tiêu đảm bảo các năng lực cốt lõi với những kỹ năng, kiến thức, phẩm chất mong muốn cần cho sự phát triển bền vững của xã hội như kỹ năng tự học, học tập suốt đời; kỹ năng ngoại ngữ; kỹ năng công nghệ thông tin; kỹ năng hợp tác, chia sẻ, tôn trọng con người và văn hóa của người khác hướng tới phát triển hài hóa giữa năng lực và phẩm chất, giữa đức và tài với những công cụ hiện đại, mọi lúc, mọi nơi.

Như Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ đồng thời cũng là thách thức trên con đường phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, hướng tới quốc gia số với các trụ cột chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số. Tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại.

(theo tuyengiao.vn)

(1) Nguyễn Duy Bắc, Xây dựng, kiến tạo và lan tỏa văn hóa số ở nước ta hiện nay, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/941602/xay-dung%2C-kien-tao-va-lan-toa-van-hoa-so-o-nuoc-ta-hien-nay.aspx [truy cập 1/10/2024]

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 214

(3) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 172

(4) Tô Lâm: Chuyển đổi số - động lực quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. https://www.vietnamplus.vn/toan-van-bai-viet-ve-chuyen-doi-so-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-post973779.vnp

Tin liên quan

Đọc thêm

Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh

Tác giả: PGS, TS NGUYỄN VĂN SỰ - NGUYỄN HOÀNG ANH

(LLCT) - Nghị quyết số 37 - NQ/TW ngày 01-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, nhằm khai thác, phát huy lợi thế của vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới... Bài viết tập trung làm rõ những thành tựu, hạn chế sau 15 năm Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 37, trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm để vận dụng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa XIII trong thời gian tới.

Vai trò "đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết" của ngành Tuyên giáo tỉnh Điện Biên

Tác giả: MÙA A SƠN

(TG) - Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, công tác Tuyên giáo phải tiếp tục đóng vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” đối với tiến trình cách mạng của quê hương, đất nước; phải luôn nỗ lực, chủ động, có nhiều phương thức sáng tạo, tăng khả năng dự báo, góp phần ổn định chính trị, tạo tiền đề để tỉnh Điện Biên phát triển, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm...

Bình Phước: Những kết quả nổi bật sau 2 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị

Tác giả: VŨ TIẾN ĐIỀN

(TG) - Sau hai năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhận thức về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Bình Phước tiếp tục được nâng lên rõ rệt, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, từ đó giúp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hành động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhất là công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh hiện nay*

Tác giả: NGUYỄN THỊ THÙY LINH

(GDLL) - Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước về thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Với chủ trương đúng đắn, cách làm khoa học, việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên còn một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Bài viết phân tích thực trạng việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Củng cố niềm tin của người dân đối với dịch vụ công ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay

Tác giả: NGUYỄN VĂN KIỀU

(GDLL) - Từ khung lý thuyết về niềm tin của người dân đối với dịch vụ công, qua kết quả khảo sát người dân và tổ chức trong sử dụng dịch vụ công ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, bài viết đã phân tích, đánh giá thực trạng niềm tin của người dân đối với dịch vụ công ở khu vực này, chỉ ra những biểu hiện tích cực và những biểu hiện làm suy giảm niềm tin của người dân đối với dịch vụ công. Từ đó, đề xuất giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, thúc đẩy những yếu tố tích cực góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với dịch vụ công ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay.