Từ khóa: Chủ tịch Hồ
Chí Minh; “Sửa đổi lối làm việc”; tổ chức thực hiện nghị quyết.
Đặt vấn
đề
“Sửa đổi lối làm việc” là
tác phẩm kinh điển về xây dựng Đảng, bàn đến rất nhiều vấn đề lớn về công tác
xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong đó có nội dung về tổ chức thực hiện nghị quyết
của Đảng. Phương thức lãnh đạo quan trọng hàng đầu của Đảng chính là lãnh đạo
bằng Cương lĩnh, đường lối, chủ trương thể
hiện thông qua nghị quyết của Đảng. Do đó, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng chính
là thể hiện ở việc Đảng đề ra được đường lối, chính sách đúng và tổ chức triển
khai có hiệu quả đường lối đó trong thực tiễn. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã có những lưu ý, chỉ dẫn rất sâu sắc, đầy đủ và rõ ràng trong tác
phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.
1.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
về những yêu cầu đối với việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng
Nghị quyết khi đã được
ban hành dù có đúng đắn, cần thiết, phù hợp nhưng nếu không được tổ chức thực
hiện thì cũng không phát huy tác dụng. Do đó, một khâu rất quan trọng trong quá
trình lãnh đạo của Đảng là phải lãnh đạo việc tổ chức thực hiện nghị quyết của
Đảng. Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến khâu tổ chức thực hiện nghị quyết của
Đảng, Người phê phán một số lãnh đạo chỉ chú ý đến việc viết chỉ thị, nghị
quyết mà không chú ý đến khâu tổ chức thực hiện. Người cũng chỉ ra hiện tượng ở
nhiều nơi, cán bộ lãnh đạo chỉ lo “khai hội” và “thảo nghị quyết”, “đánh điện
và gửi chỉ thị”, nhưng không biết những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có
những sự khó khăn, trở ngại gì, dân chúng có nhiệt tình tham gia hay không.
Chính vì thế, mặc dù “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” nhưng công
việc vẫn không chạy. Theo Người, nếu chỉ biết ra nghị quyết mà không chú ý đến
việc tổ chức thực hiện nghị quyết thì không chỉ là không phát huy được tác dụng
của nghị quyết trên thực tế mà còn rất nguy hại cho sự lãnh đạo của Đảng: “Đảng
phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành
như thế nào. Nếu không như vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra lời
nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”[1, tr.290]. Nếu nghị quyết không được tổ chức thực hiện hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến
niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân sẽ nghĩ Đảng chỉ biết
nói hay nhưng làm thì dở. Do đó, Đảng cũng phải hết sức chú ý đến khâu tổ chức
thực hiện. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Thành
công của Đại hội không phải là thông qua được Nghị quyết, bầu Ban Chấp hành
mới, quan trọng hơn, sắp tới phải đưa Nghị quyết vào cuộc sống thế nào, biến nó
thành hiện thực thế nào”[4].
Nghị quyết đã được ban
hành thì phải được truyền xuống cấp dưới, cho toàn thể đảng viên và quần chúng
biết, hiểu được nội dung của nghị quyết bởi lẽ những cơ quan lãnh đạo của Đảng
ban hành nghị quyết nhưng thực hiện nghị quyết là nhiệm vụ của toàn thể đảng viên
và quần chúng nhân dân: “Mỗi nghị quyết phải mau chóng truyền xuống các cấp
dưới, đến đảng viên, đến dân chúng”[3, tr.300].
Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng hình ảnh so sánh dễ hiểu, nghị quyết cũng giống
như mạch máu trong cơ thể, nếu nghị quyết được truyền đi khắp toàn Đảng, toàn
dân thì công việc sẽ trôi chảy, cơ thể khoẻ mạnh còn nếu nghị quyết dừng lại ở
đâu, mạch máu ách tắc ở đó, từ cấp đó trở xuống sẽ bị tê liệt, công việc không
trôi chảy, bởi lẽ Đảng lãnh đạo toàn dân, lãnh đạo các đảng viên bằng nghị
quyết. Nhiệm vụ, công việc phải thực hiện để có thể xây dựng và phát triển đất
nước thể hiện trong các nghị quyết, nên không có nghị quyết thì đảng viên và
nhân dân sẽ không biết công việc, nhiệm vụ của mình phải làm: “Mệnh lệnh và
nghị quyết cũng như mạch máu. Mạch máu chảy đều khắp cơ thể thì người mạnh
khoẻ. Mạch máu dừng lại đâu, không chạy thì chỗ đó sẽ tê liệt, sinh bệnh. Mệnh
lệnh và nghị quyết đi mau, đi suốt từ trên đến dưới, công tác mau chóng, việc
gì cũng xong xuôi. Nó ngừng lại cấp nào, từ cấp đó trở xuống là tê liệt, không
biết đường nào mà công tác”[3, tr.299].
Tổ chức thực hiện nghị
quyết của Đảng gồm nhiều bước như tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, xây
dựng chương trình, kế hoạch hành động để triển khai nghị quyết và thực hiện trên
thực tế, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cũng như sơ kết, tổng kết, rút kinh
nghiệm việc thực hiện nghị quyết. Trong đó, việc tổ chức, học tập quán triệt
nghị quyết để cho tất cả đảng viên và nhân dân đều biết, đều hiểu nội dung của
nghị quyết là bước đầu tiên rất quan trọng. Vì đảng viên và nhân dân có hiểu
nội dung nghị quyết mới thấy ý nghĩa, sự cần thiết, tầm quan trọng của việc
thực hiện nghị quyết và từ đó có quyết tâm thực hiện nghị quyết: “Mỗi khẩu hiệu
của Đảng phải là cái ý nguyện và mục đích của hàng... đảng viên và của hàng
triệu dân chúng. Mà muốn như vậy, phải làm cho quần chúng hiểu, phải học cách
nói của quần chúng”[3,
tr.345]. Trong đó, Người chỉ
ra một hình thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết là tổ chức khai hội, có
báo cáo viên đến giải thích làm rõ những nội dung trong nghị quyết: “Cách tiện
nhất là khai hội với các đảng viên, khai hội với dân chúng
(hoặc binh sĩ), phái người đến báo
cáo, giải thích”[3,
tr.300]. Trong quán
triệt, phổ biến nghị quyết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý phải bảo đảm có sự
thảo luận, tranh luận để người nghe thực sự hiểu đầy đủ, sâu sắc nội dung của
nghị quyết: “Các cấp dưới, đảng viên và dân chúng (hoặc binh sĩ)
phải thảo luận những mệnh lệnh và
nghị quyết đó cho rõ ràng, hiểu thấu ý nghĩa của nó và định cách thi hành cho
đúng”[5, tr.300]. Tuy nhiên, thực tế thì việc thảo luận,
tranh luận trong quá trình quán triệt, phổ biến nghị quyết hiện nay rất hạn chế
mà chỉ mới dừng lại ở khâu báo cáo, báo cáo viên trình bày những nội dung cơ
bản của nghị quyết. Chính vì thiếu sự tranh luận, thảo luận nên nhiều đảng
viên, quần chúng tham dự các buổi học tập nghị quyết đầy đủ nhưng mức độ hiểu
về nội dung nghị quyết thì còn rất hạn chế, chúng ta cũng chưa có cơ chế hiệu
quả để kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc nghiên cứu, học tập nghị quyết của đảng
viên và quần chúng. Điều này làm cho việc quán triệt, phổ biến nghị quyết không
đạt được như kết quả mong muốn, trở thành hình thức. Do đó, Hồ Chí Minh nhấn
mạnh đảng viên và quần chúng phải “hiểu thấu” ý nghĩa của nghị quyết, hiểu thấu
không chỉ là nắm sơ sơ nội dung mà phải hiểu đầy đủ, sâu sắc, toàn diện. Bởi
nếu không hiểu nội dung nghị quyết thì không thể “định cách thi hành cho đúng”.
Trên cơ sở nội dung của nghị quyết, căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ, chức năng
của từng địa phương, đơn vị mà các đảng viên, quần chúng mới xây dựng chương
trình, biện pháp hành động để thực hiện nội dung nghị quyết cho phù hợp với
mình. Do đó, không hiệu quả ở khâu đầu tiên này thì các khâu sau cũng sẽ không
thực chất, thiết thực. Những chỉ dẫn của Người về việc học tập, quán triệt nghị
quyết của Đảng vẫn còn có ý nghĩa thời sự hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải tiếp
tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những chỉ dẫn của Người.
Vấn đề quan trọng
trong tổ chức thực hiện nghị quyết là từng đảng viên, quần chúng, từng cơ quan,
đơn vị, địa phương phải nghiêm túc, nhanh chóng, kiên quyết triển khai thực
hiện nghị quyết của Đảng bằng những hành động, công việc cụ thể của mình. Người
phê phán hiện tượng một số nơi không nhanh chóng thi hành nghị quyết hoặc thi
hành một cách miễn cưỡng, làm cho có, không đầu tư nghiên cứu, đổi mới cách
nghĩ, cách làm để có thể thực hiện nghị quyết một cách hiệu quả: “Khi thi hành
thì kềnh kềnh càng càng, không hoạt bát nhanh chóng. Hoặc thi hành một cách
miễn cưỡng, không sốt sắng, không đến nơi đến chốn”[3, tr.299]. Người yêu cầu: “các địa phương phải kiên quyết thực hành những nghị
quyết của Đảng. Kiên quyết chống lại thói nghị quyết một đàng, thi hành một
nẻo”[3,
tr.307-308]. Thực tế hiện nay
cũng cho thấy, bên cạnh một số địa phương tích cực triển khai thực hiện các
nghị quyết của Đảng thì cẫn còn tình trạng: “Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức
quán triệt và thực hiện một số nghị quyết còn chậm,
chưa quyết liệt, chưa hiệu quả”[1, tr.90]. Do đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nghiêm khắc
yêu cầu: “Khắc phục dần tình trạng nghị quyết thì đúng, nhưng thực hiện không
nghiêm hoặc kém hiệu quả”[5, tr.122].
Một nội dung quan
trọng trong tổ chức thực hiện nghị quyết là kiểm tra, giám sát gắn liền với sơ
kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Kiểm soát là cần thiết trong công tác lãnh đạo
và đối với việc thực hiện nghị quyết của Đảng cũng vậy. Hồ Chí Minh khẳng định:
“muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn
biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát”[3, tr.327]. Kiểm soát thường xuyên, định kỳ cũng như đột xuất sẽ nâng cao ý thức
tổ chức thực hiện nghị quyết của đảng viên và cán bộ cấp dưới, đồng thời thông
qua kiểm soát sẽ nắm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để
có những điều chỉnh phù hợp, đồng thời nắm rõ ai tích cực thực hiện để có những
hình thức động viên, khen thưởng, ai không tích cực để có những nhắc nhở, chấn
chỉnh. Như vậy, kiểm soát sẽ góp phần bảo đảm nghị quyết được tổ chức thực hiện
nghiêm túc, hiệu quả. Kiểm soát gắn liền với đánh giá và sơ kết, tổng kết, rút
kinh nghiệm. Sau mỗi cuộc kiểm tra, giám sát, phải kịp thời ban hành kết luận
để đánh giá kết quả thực hiện, chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, những vấn đề cần
được rút kinh nghiệm, khắc phục những sai sót; đồng thời, bổ sung, điều chỉnh
nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết đạt hiệu
quả hơn. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện nghị quyết của
Đảng cần được coi là căn cứ quan trọng để đánh giá, xếp loại cấp ủy, tổ chức
đảng, xếp loại chính quyền; đánh giá, xếp loại tập thể và cá nhân cán bộ lãnh
đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. Nhận thức rõ tư tưởng của Hồ Chí Minh,
Đảng chỉ đạo “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát gắn với coi trọng việc sơ
kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng
ở các cấp”[2,
tr.255].

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa, Sở Nông lâm Hà Nội (tháng 7-1960). (Ảnh: TTXVN)
Như vậy, theo Chủ tịch
Hồ Chí Minh, tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng bao gồm nhiều khâu như: quán
triệt, học tập nghị quyết, triển khai thi hành nghị quyết, kiểm soát việc thi
hành gắn liền với sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Người cũng có những lưu ý
trong từng khâu như: việc học tập nghị quyết phải bảo đảm nghiêm túc, có sự
tranh luận, thảo luận để bảo đảm tất cả quần chúng, đảng viên đều hiểu thấu đáo
nghị quyết; thi hành nghị quyết phải kiên quyết, nhanh chóng, có trách nhiệm.
2. Vận dụng
quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng
hiện nay
Thực hiện theo những chỉ dẫn của Người, thời gian qua Đảng đã có nhiều cố
gắng, nỗ lực trong tổ chức triển khai nghị quyết nhằm thực hiện thắng lợi những
nhiệm vụ cách mạng. Đảng đã rất chú ý đến công tác tổng kết thực tiễn làm cơ sở
cho việc xây dựng và hoàn thiện đường lối, nghị quyết của Đảng. Việc học tập và tổ chức thực hiện nghị quyết của
Đảng cũng được chú ý. Ví dụ sau khi ban hành Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 03-HD/BTGTW ngày
18/3/2021 về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai
thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hướng
dẫn yêu cầu việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực
hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phải được thực hiện một cách nghiêm túc,
bài bản, khoa học, chất lượng trong suốt cả nhiệm kỳ.
Tuy nhiên,
một số nghị quyết của các cấp ủy chưa thực sự
được nghiên cứu, tổng kết thực tiễn kỹ lưỡng; chưa đánh giá, dự báo những tác
động, ảnh hưởng một cách đầy đủ, khoa học. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về
việc lấy ý kiến của nhân dân tham gia đóng góp xây dựng các chủ trương, nghị
quyết của Đảng. Việc học tập nghị quyết ở một số đảng viên vẫn còn mang tính chất
đối phó, hình thức, chưa thực chất, chất lượng. Có những nội dung trong nghị
quyết đưa ra chưa đạt được hiệu quả, mục tiêu đặt ra. Vì vậy, trong thời gian
tới phải quán triệt sâu sắc Tư tưởng của Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi
lối làm việc”, khắc phục những hạn chế trong xây dựng và triển khai nghị quyết.
Đảng cần chi tiết hóa, quy chế hóa các quy trình trong xây dựng nghị quyết của
các cấp ủy Đảng. Học tập, quán triệt nghị quyết cần có những hình thức kiểm tra
để bảo đảm việc học tập nghiêm túc, các đảng viên đều nắm sâu sắc nội dung của
nghị quyết. Việc đánh giá đảng viên hàng năm cần dựa trên kết quả triển khai,
thực hiện nghị quyết của Đảng, đặc biệt là đối với những người đứng đầu tổ chức
đảng.
Kết luận
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn liền
với quá trình nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, mặc dù
có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thực hiện nghị quyết
nhưng như Đảng nhận định tổ chức thực hiện vẫn đang là khâu yếu. Vì vậy, việc
nghiên cứu sâu sắc những chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này trong
tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” có ý nghĩa thực tiễn rất lớn.
Tài liệu tham khảo:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam
(2021), Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia
Sự thật, Hà Nội.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam
(2021), Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật,
Hà Nội.
[3] Hồ Chí Minh
(2011), Toàn tập,
tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[4] Nguyễn Phú Trọng
(2022), Một số vấn
đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[5] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp báo sau Đại hội XIII, http://www.xaydungdang.org.vn