Tại
Việt Nam, các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) giữ vai trò chủ đạo, vị trí
then chốt trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh
xã hội. Bởi lẽ đó, trong những năm qua, đổi mới cơ chế hoạt động tại các cơ
quan này luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Điều này được thể hiện
qua việc Đảng đưa ra nhiều quan điểm định hướng là cơ sở để Nhà nước hoạch định
nhiều chính sách cụ thể trong đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động theo
hướng tinh gọn, tự chủ. Bài viết lựa chọn một số quan điểm, chính sách nổi bật
của Đảng và Nhà nước về nội dung trên, từ đó đưa ra một số nhận xét và đánh giá
kết quả thực hiện.
1. Quan
điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu
quả hoạt động tại các đơn vị sự nghiệp công lập
Sáng 12/5/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương Sơ kết Nghị quyết số 19-NQ/TW “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”_ Nguồn: https://dangcongsan.vn/
Trong
những năm gần đây, yêu cầu đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động
các ĐVSNCL luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Hàng loạt nghị quyết,
nghị định, văn bản quy phạm pháp luật đề cập tới những nội dung cơ bản trong
xây dựng, quản lý các ĐVSNCL đã được ban hành. Cụ thể, ngày 26/5/2011, trong
Thông báo số 37-TB/TW về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp
công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”, Bộ
Chính trị đã nêu lên một số kết luận trong đó nhấn mạnh chủ trương tiếp tục đổi
mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với
yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bảo đảm công bằng
xã hội.
Văn
kiện Đại hội XII của Đảng xác định rõ nhiệm vụ: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của
các đơn vị sự nghiệp công theo hướng nâng cao chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm
về tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính; xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ
công, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này”[1, tr.107].
Cụ
thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban
hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó tiếp tục khẳng định: Hoàn thiện thể chế,
đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL; trao quyền tự chủ, tự chịu
trách nhiệm đầy đủ cho các ĐVSNCL về phạm vi hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế,
nhân sự và tài chính gắn với cơ chế đánh giá độc lập.
Đặc
biệt, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) ban hành Nghị quyết
số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng
và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là một Nghị quyết
rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mà Nghị quyết
Đại hội XII của Đảng đã đề ra, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hết
sức quan tâm. Hội nghị đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo[1]:
1-
Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động
của các ĐVSNCL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm
vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp uỷ đảng, chính quyền
và toàn hệ thống chính trị.
2-
Nhà nước chăm lo, bảo đảm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (DVSNC) cơ bản, thiết
yếu, nâng cao khả năng tiếp cận và chất lượng DVSNC cho mọi tầng lớp nhân dân
trên cơ sở giữ vững, phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ đạo, vị trí then chốt, bản
chất tốt đẹp, ưu việt, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận của các ĐVSNCL.
3-
Đẩy mạnh xã hội hoá, nhất là trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực
ngoài công lập làm được và làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực
cho đầu tư phát triển lành mạnh thị trường DVSNC trong nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện công khai, minh bạch, không thương mại hoá. Bảo
đảm công bằng, bình đẳng giữa các ĐVSNCL và ngoài công lập.
4
- Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong quá
trình đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
của các ĐVSNCL, gắn với đổi mới hệ thống chính trị và cải cách hành chính, đồng
thời có lộ trình và bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường công
tác kiểm tra, giám sát, tổng kết thực tiễn để kịp thời bổ sung, hoàn thiện cơ
chế, chính sách.
5-
Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền tự chủ và tự chịu
trách nhiệm toàn diện về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài
chính của ĐVSNCL, phát huy vai trò giám sát của người dân trong quá trình đổi mới
hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các
ĐVSNCL.
Nghị
quyết số 19-NQ/TW đề ra nhiều mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, tiếp tục giảm tối
thiểu bình quân cả nước 10% ĐVSNCL và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ
ngân sách nhà nước so với năm 2021; phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài
chính; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn
thành chuyển đổi thành công ty cổ phần; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp
từ ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2016-2020...
Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua Chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, trong đó khẳng định chủ trương hoàn thiện
hệ thống các ĐVSNCL theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ,
quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cung ứng DVSNC cơ bản, thiết
yếu có chất lượng ngày càng cao; đẩy mạnh việc chuyển giao quyền tự chủ, tự chịu
trách nhiệm đối với các ĐVSNCL.
Quán
triệt quan điểm lãnh đạo của Đảng, trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ
luôn nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới khu vực sự nghiệp công, đặc biệt hoàn thiện
pháp luật về cơ chế tự chủ đối với các ĐVSNCL thuộc các ngành, lĩnh vực trên cơ
sở mức độ tự chủ về tài chính, tăng cường phân cấp và tăng tính chủ động cho các
ĐVSNCL.
Điều
10 Luật Viên chức, được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 (Luật số
58/2010/QH12) đã quy định những chính sách xây dựng và phát triển các ĐVSNCL và
đội ngũ viên chức. Trong 4 nội dung được nêu ra, có 3 nội dung đề cập trực tiếp
tới chính sách xây dựng và phát triển các ĐVSNCL. Theo đó:
1-
Nhà nước tập trung xây dựng hệ thống các ĐVSNCL để cung cấp những dịch vụ công
mà Nhà nước phải chịu trách nhiệm chủ yếu nhằm phục vụ nhân dân trong lĩnh vực
y tế, giáo dục, khoa học và các lĩnh vực khác mà khu vực ngoài công lập chưa có
khả năng đáp ứng; bảo đảm cung cấp các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục tại miền
núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2-
Chính phủ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo việc lập quy hoạch, tổ
chức, sắp xếp lại hệ thống các ĐVSNCL theo hướng xác định lĩnh vực hạn chế và
lĩnh vực cần tập trung ưu tiên phát triển, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, có hiệu
quả, tập trung nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Không
tổ chức ĐVSNCL chỉ thực hiện dịch vụ kinh doanh, thu lợi nhuận.
3-
Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các ĐVSNCL theo hướng tự chủ, tự chịu
trách nhiệm, thực hiện hạch toán độc lập; tách chức năng quản lý nhà nước của bộ,
cơ quan ngang bộ với chức năng điều hành các ĐVSNCL.
Nghị
quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền
kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã đề ra các giải pháp tổ chức sắp xếp, tổ chức lại
hoặc giải thể ĐVSNCL hoạt động kém hiệu quả, tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý
vào giá các dịch vụ công thiết yếu và tài sản công; chuyển từ cơ chế cấp phát
sang đặt hàng, từ giao kinh phí theo đầu vào sang theo số lượng và chất lượng đầu
ra, từ hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng
thụ hưởng...
Cơ
chế tự chủ của ĐVSNCL lần đầu tiên được áp dụng khi Chính phủ ban hành Nghị định
số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 quy định về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị
sự nghiệp có thu. Sau một thời gian thực hiện, cơ chế tự chủ dần được sửa đổi
và hoàn thiện khi Chính phủ lần lượt ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày
25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ
chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết
số 40/NQ-CP ngày 9/8/2012 của Chính phủ nhấn mạnh hai điểm nổi bật trong chỉ đạo:
(i) Chuyển từ giao dự toán ngân sách sang phương thức đặt hàng, mua hàng; (ii)
Thí điểm góp vốn cổ phần thành lập mới một số ĐVSNCL; Nghị định số
85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các
đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh công lập; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 06/4/2015 quy định
về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày
14/6/ 2016 về “Quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập”;
Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 về “Quy định cơ chế tự chủ của đơn
vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác”; Nghị
định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định về cơ chế tự chủ tài chính của
các đơn vị sự nghiệp công lập...
2. Thực
trạng đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
Thứ nhất,
để thích ứng với quá trình đổi mới và nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã
hội, doanh nghiệp, người dân, yêu cầu đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của
các ĐVSNCL được đặt ra cấp bách. Nhận thức sớm điều này, trong lãnh đạo, chỉ đạo,
Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị luôn quan tâm, chú ý và luôn điều chỉnh, sửa
đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.
Thứ hai,
hệ thống các văn bản pháp luật về ĐVSNCL dần từng bước được hoàn thiện theo hướng
tăng cường phân cấp, phân định rõ hơn thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở
Trung ương, địa phương và của mỗi cấp chính quyền; đã từng bước ban hành các
tiêu chí, điều kiện thành lập, sáp nhập, giải thể ĐVSNCL làm cơ sở cho việc sắp
xếp hệ thống các ĐVSNCL cả về tổ chức bộ máy và nhân sự.
Thứ ba,
với những cố gắng, nỗ lực của Chính phủ và các ban, bộ, ngành, địa phương, việc
đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL trong những năm qua đã đạt
được nhiều kết quả bước đầu quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình hoàn thiện
thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Cơ
cấu tổ chức của các ĐVSNCL được tổ chức, kiện toàn lại theo hướng tinh gọn.
Tính đến năm 2020, ĐVSNCL ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm
4.963 đơn vị; đơn vị trực thuộc chính quyền địa phương giảm 4.860 đơn vị. Số lượng
cán bộ lãnh đạo, quản lý của ĐVSNCL ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
giảm 7.386 người. Đến hết năm 2021, lần đầu tiên biên chế công chức giảm
10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, qua sắp
xếp bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2017-2021 đã giảm chi ngân sách nhà
nước được 25.000 tỷ đồng. Cả hệ thống chính trị đến hết năm 2021 đã giảm
262.000 biên chế, tương đương hơn 20% so với năm 2015. Lần đầu tiên bộ máy
không bị phình ra sau khi thực hiện tinh giản[4].
Hoạt
động của các ĐVSNCL có nhiều đổi mới, ngày càng phát huy hiệu quả. Các ĐVSNCL
ngày càng được giao quyền tự chủ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân
sự và tài chính; đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển
và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp DVSNC. Theo đó, nguồn thu sự nghiệp
đã tăng lên, thực hiện tiết kiệm chi để tăng thu nhập cho người lao động.
Cơ
chế tài chính đối với ĐVSNCL bước đầu thay đổi theo hướng Nhà nước giao nhiệm vụ,
đặt hàng hoặc đấu thầu. Nhờ đó, các đơn vị phần nào chủ động ký kết với các đơn
vị trong và ngoài nước, được chủ động hơn trong việc lập kế hoạch, dự toán cũng
như triển khai thực hiện các dự án mở rộng cơ sở vật chất và các dự án đầu tư,
mua sắm tài sản. Nhờ đó, giảm dần nguồn ngân sách nhà nước cấp cho ĐVSNCL. Việc
quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công trong các ĐVSNCL được chú trọng hơn.
Nhiều đơn vị đã ban hành quy chế tài chính; quy chế quản lý, sử dụng tài sản
công, từng bước khắc phục việc sử dụng tài sản công lãng phí, sai mục đích, vượt
tiêu chuẩn, định mức, sử dụng vào mục đích cá nhân.
Thứ tư,
quá trình đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng của các ĐVSNCL gắn với vai trò
lãnh đạo trực tiếp của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, do nhiều nguyên nhân vẫn
tồn tại một số hạn chế: (i) Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các ĐVSNCL
chưa gắn liền với đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ về tài chính, nguồn
thu từ dịch vụ sự nghiệp ít và tăng trưởng chậm, vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách
nhà nước; (ii) Vẫn còn tồn tại nhiều ĐVSNCL trong cùng một bộ, ngành, lĩnh vực,
trên cùng địa bàn, có những nhiệm vụ còn chồng chéo gây lãng phí trong sử dụng
cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực và kinh phí; (iii) Công tác phân bổ kinh phí từ
ngân sách nhà nước vẫn chủ yếu theo yếu tố đầu vào và theo biên chế, chưa gắn với
đầu ra về số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; (iv) Quá trình xã hội hóa các
dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế, tiến độ còn chậm, kết quả đạt được thấp và
còn thiếu vững chắc, vẫn còn nhiều ĐVSNCL sử dụng ngân sách nhà nước hoạt động
trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp mà Nhà nước không cần thiết phải nắm giữ;
(v) Do đã quen với cơ chế bao cấp từ ngân sách nhà nước trong một thời gian dài
nên vẫn còn nhiều ĐVSNCL chưa thể thích nghi ngay với cơ chế tự chủ, chất lượng
dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, thậm chí, còn mang tâm thế
ỷ lại, kéo dài việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi mới hoạt động[5].
3. Một
số khuyến nghị đối với Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của
các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới

Đồng
chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng
Ban Chỉ đạo phát biểu tại phiên họp. Nguồn: https://dangcongsan.vn/
Giữ
vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng nên lãnh đạo, quản lý, tổ chức bảo đảm hiệu
quả, hiệu lực hoạt động của các ĐVSNCL luôn là một trong những ưu tiên của Đảng
và hệ thống chính trị. Đặt trong bối cảnh mới hiện nay, với đặc điểm nổi bật là
xu thế hội nhập, cạnh tranh, chuyển đổi số những yêu cầu ngày càng cao của người
dân, doanh nghiệp... yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các
ĐVSNCL lại càng được đặt ra cấp thiết. Từ nghiên cứu thực trạng của công tác
này thời gian qua, gắn với định hướng phát triển thời gian tới, bài viết đề xuất
một số kiến nghị, giải pháp đối với Đảng và Nhà nước trong công tác đổi mới quản
lý, nâng cao chất lượng hoạt động các ĐVSNCL:
Một là,
tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến tự chủ tài chính, tạo cơ sở
pháp lý cho các ĐVSNCL đẩy mạnh triển khai chuyển đổi nâng cao năng lực tự chủ,
tự chịu trách nhiệm trong giai đoạn mới. Gắn với quá trình này, cũng cần thiết
tiếp tục hoàn thiện cơ chế khuyến khích xã hội hóa đối với các ĐVSNCL của từng
ngành, từng lĩnh vực theo hướng chuyển đổi các đơn vị này sang hoạt động theo
hình thức tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động hoặc vận dụng cơ chế tài chính
như doanh nghiệp.
Hai là,
tiếp tục nhất quán chủ trương, trên cơ sở đó ban hành nhiều chính sách khuyến
khích, hỗ trợ các ĐVSNCL chuyển đổi cơ chế hoạt động thông qua tiếp cận vốn vay
ưu đãi, hỗ trợ lãi suất để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, ưu
đãi thuế thu nhập doanh nghiệp...
Ba là,
thường xuyên thực hiện việc rà soát về tổ chức bộ máy, xem xét lại chức năng,
nhiệm vụ, định biên của từng ĐVSNCL để có chủ trương kiện toàn củng cố các đơn
vị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Bốn là,
chú ý công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, viên chức,
người lao động cho phù hợp với tổ chức bộ máy đã được kiện toàn theo hướng tinh
gọn, hiệu lực, hiệu quả. Quá trình này đòi hỏi yêu cầu không chỉ đối với cấp ủy
đảng, người đứng đầu từ nhận thức tới sự chỉ đạo, mà còn rất nhấn mạnh ý thức tự
đào tạo, bồi dưỡng, trau dồi, không ngừng nâng cao năng lực của cá nhân mỗi cán
bộ, viên chức, người lao động trong các ĐVSNCL.
Năm là,
thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát quá trình chuyển đổi của các ĐVSNCL.
Gắn liền với công tác này cũng cần thiết thực hiện thường xuyên việc tổng kết,
đánh giá quá trình đối mới về tổ chức quản lý và hiệu quả hoạt động của các
ĐVSNCL. Từ đó kịp thời phát hiện, điều chỉnh những vướng mắc nảy sinh trong thực
tiễn triển khai cơ chế, chính sách. Việc kiểm tra, giám sát cũng nhằm khuyến
khích, động viên với những tập thể, đơn vị, cá nhân có ý thức chủ động, tích cực,
ngược lại có những giải pháp phù hợp với các tập thể, đơn vị, cá nhân còn tâm
lý bị động, trông chờ, ỷ lại.
Kết luận
Nhận
thức rõ vị trí, vai trò của các ĐVSNCL, đặc biệt trong bối cảnh mới hiện nay, Đảng
và Nhà nước đã đưa ra nhiều quan điểm, cụ thể hóa bằng nhiều chính sách cụ thể.
Đây là những gợi mở quan trọng đối với quá trình không ngừng đổi mới, tinh gọn,
hiệu quả về tổ chức quản lý và hoạt động của các ĐVSNCL ở nước ta. Trong thời
gian tới, để tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các
ĐVSNCL cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự
tham gia của cả hệ thống chính trị và tinh thần chủ động, ý thức trách nhiệm của
mỗi tập thể, cá nhân ở các ĐVSNCL.
Tài liệu
tham khảo:
[1] Ban Chấp hành Trung ương (2017), Nghị
quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng Hà Nội.
[4] Vương Đình Huệ (2018), Đổi mới hệ thống
tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập góp phần hoàn thiện thể
chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,
https://tapchicongsan.org.vn
[4] Nguyễn Minh Phương (2020), Tổ chức lại
đơn vị sự nghiệp công lập - Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Quản lý nhà nước.
[5] Lê Thị Tuyết, Nâng cao năng lực quản trị
của các đơn vị sự nghiệp công lập, Website: https:// tapchitaichinh.vn