Từ khóa: Đảng Cộng sản Việt Nam; đường lối, quan điểm; phát triển kinh tế tư
nhân.

(Ảnh: http://lyluanchinhtri.vn)
Đặt vấn đề
Kinh tế tư nhân (KTTN)
ngày càng chiếm tỷ trọng lớn và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế
đất nước. Mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa do Đảng ta khởi xướng và
lãnh đạo ngày càng hoàn thiện, theo đó KTTN ngày càng phát triển mạnh về số
lượng, chất lượng và quy mô. Trong các nhiệm kỳ đại hội của Đảng gần đây, KTTN
được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế và Nhà nước có nhiều quyết
sách phù hợp thúc đẩy KTTN tiếp tục phát triển. Thực tiễn đã chứng minh tính
đúng đắn, sáng tạo trong quan điểm, đường lối phát triển kinh tế tư nhân của
Đảng Cộng sản Việt Nam.
1. Quan điểm của
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về sở hữu tư nhân và kinh tế tư
nhân
-
Quan điểm “xóa bỏ chế độ tư hữu” của Mác - Ăngghen, không có nghĩa là xóa bỏ sở
hữu tư nhân và KTTN trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội
Quan điểm
về “xóa bỏ chế độ tư hữu” được Mác - Ăngghen trình bày trong nhiều tác phẩm,
vào nhiều thời điểm khác nhau. Quan điểm nhất quán là chủ nghĩa cộng sản không
xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà chỉ xóa bỏ “chế độ sở hữu tư sản” với tư
cách là “biểu hiện cuối cùng và đầy đủ nhất của phương thức sản xuất và chiếm
hữu sản phẩm dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc
lột những người kia”[8, tr.615]. Do vậy, khẩu hiệu: “Những
người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này
là: xóa bỏ chế độ tư hữu”[8, tr.616] đã được đưa ra trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng
sản từ năm 1848.
Qua đó có
thể hiểu rằng, việc “xóa bỏ chế độ tư hữu” mà Mác - Ăngghen muốn nói đến là xóa
bỏ chế độ sở hữu tư sản - chế độ sở hữu mà
giai cấp tư sản dùng để nô dịch lao động của người khác.
Về thời
điểm xóa bỏ chế độ tư hữu, trong tác phẩm Bản
thảo kinh tế - triết học (năm
1844) C.Mác cho rằng, việc xóa bỏ chế độ tư hữu là một vấn đề rất phức
tạp, cần có thời điểm và cách thức thực hiện phù hợp chứ không thể thực hiện
theo ý muốn chủ quan của con người. Cụ thể là, theo C.Mác, việc “xóa bỏ chế độ
tư hữu” chỉ xảy ra trên thực tế khi mâu thuẫn giữa “lao động, bản chất chủ quan
của chế độ tư hữu, với tính cách là cái loại trừ sở hữu” và “tư bản, lao động
đã khách quan hóa, với tính cách là cái loại trừ lao động, đó là chế độtư
hữu với tính cách là hình thức” phát triển đến “trình độ mâu thuẫn
của sự đối lập”[9, tr.163] sẽ thúc đẩy giải quyết mâu thuẫn đó. Theo đó, thời điểm xóa bỏ chế độ tư
hữu phụ thuộc vào sự phát triển của mâu thuẫn giữa lao động và tư bản khi “sự
tập trung
tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động đạt đến cái điểm mà chúng không còn
thích hợp với cái vỏ tư bản chủ nghĩa của chúng nữa làm cho cái vỏ ấy sẽ vỡ
tung ra và những kẻ đi tước đoạt bị tước đoạt”[9, tr.1059]. Do đó, từ thực trạng trình độ
lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay, việc thừa nhận sở hữu tư nhân và khuyến
khích KTTN phát triển là quan điểm, đường lối đúng đắn.
-
“Chính sách kinh tế mới” của Lênin - cơ sở lý luận trực tiếp cho chính sách
phát triển KTTN của Đảng Cộng sản Việt Nam
Kế thừa và
vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, Lênin đã đề
ra “Chính sách kinh tế mới” với nội dung cơ bản là sử dụng thương nghiệp
để khôi phục kinh tế, thực hiện chính sách thuế lương thực, sử dụng chủ nghĩa
tư bản nhà nước và tô nhượng cho tư bản nước ngoài để xây dựng chủ nghĩa xã
hội. Theo Lênin, trong bối cảnh giai cấp vô sản vừa giành được chính quyền và
chưa có kinh nghiệm trong quản lý kinh tế, thì việc thực hiện ngay chế độ sở
hữu xã hội đối với các tư liệu sản xuất là chưa phù hợp mà cần phát triển nhiều
thành phần kinh tế để phát triển lực lượng sản xuất. Điều đó có nghĩa là, trong
cơ cấu nền kinh tế quốc dân cần “có những thành phần, những bộ phận, những mảnh
của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội”[7, tr.248].
Theo đó,
đối với Việt Nam, khi mà trình độ lực lượng sản xuất còn đa dạng và chưa đồng
bộ, thì việc phát triển nhiều thành phần kinh tế, trong đó KTTN được xác định
là một động lực quan trọng của nền kinh tế là
quan điểm, đường lối đúng đắn và sáng tạo để phát triển lực lượng sản xuất và
thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, quan điểm: “Nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có nhiều hình thức sở
hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ
đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát
triển; KTTN là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội”[5, tr.128-129] là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
-
Quan điểm của Hồ Chí Minh về KTTN - khẳng định sự cần thiết phải phát triển
KTTN trong công cuộc kiến thiết kinh tế nước nhà
Là người
vận dụng sáng tạo và thành công chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng
Việt Nam, sau khi lãnh đạo nước nhà giành được độc lập, Hồ Chí Minh rất quan
tâm đến công cuộc kiến thiết đất nước về kinh tế. Không lâu sau khi Cách mạng
Tháng Tám thành công, trong Thư gửi giới công thương Việt Nam đăng trên Báo Cứu quốc ngày 13/10/1945, Hồ Chí Minh khẳng định:
“Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc
kiến thiết này.Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc
dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”[6, tr.53]. Quan điểm đó cho thấy, Hồ Chí
Minh rất coi trọng vai trò kinh tế của giới Công - Thương trong công cuộc kiến
thiết nước nhà.
Đặc biệt, các
quan điểm về
KTTN của Hồ Chí Minh được thể hiện rõ trong tác
phẩm Thường thức chính trị. Trong tác phẩm
này, khi bàn về các thành phần kinh tế của chế độ dân chủ nhân dân ở nước ta,
Người đã viết: “Hiện nay kinh tế nước ta có nhiều thành phần kinh tế mang tính
chất tư nhân hoặc gắn với sở hữu tư nhân như kinh tế địa chủ phong kiến, kinh
tế cá nhân của nông dân, kinh tế tư bản của tư nhân, kinh tế tư bản quốc gia”.
Đối với kinh tế tư bản tư nhân, Người nhận định: “Kinh tế tư bản tư nhân - họ
bóc lột công nhân, nhưng đồng thời họ cũng góp phần vào xây dựng kinh tế”[6,
tr.266]. Cũng trong tác phẩm này,khi bàn về
chính sách đối với KTTN, Người khẳng định: “Những nhà tư bản dân tộc và kinh tế
cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc
xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp họ phát triển”[6,
tr.267].
Có thể nhận
thấy, Hồ Chí Minh luôn khẳng định sự cần thiết phải phát triển KTTN trong công
cuộc kiến thiết kinh tế nước nhà. Do vậy, trong bối cảnh phát triển kinh tế thị
trường và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, quan điểm: “KTTN được
khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không
cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn KTTN mạnh, có sức
cạnh tranh cao. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với
doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần
có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động”[5,
tr.130] là quan điểm, đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Như vậy, từ Mác - Ăngghen đến Lênin và
Hồ Chí Minh đều khẳng định sự cần thiết phải sử dụng sở hữu tư nhân và khuyến
khích KTTN phát triển, hướng vào việc thực hiện các mục tiêu xây dựng chủ nghĩa
xã hội. Do đó, quan điểm, đường lối phát triển KTTN của Đảng hiện nay thể hiện
tính đúng đắn, sáng tạo trong nhận thức và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
2. Tính đúng đắn,
sáng tạo trong quan điểm, đường lối phát triển kinh tế tư nhân của Đảng Cộng
sản Việt Nam - nhìn từ góc độ thực tiễn
Thứ nhất, phát triển kinh tế tư nhân - quan
điểm, đường lối nhất quán và mang tính chiến lược của Đảng Cộng sản Việt
Nam
Quan điểm,
đường lối phát triển KTTN của Đảng Cộng sản Việt Nam được chính thức thể hiện
trong Văn kiện Đại hội VI (12/1986): “Cho phép kinh tế tư bản tư nhân sử dụng
vốn, kiến thức kỹ thuật và quản lý để tổ chức sản xuất, kinh doanh... hoạt động
của kinh tế tư bản tư nhân được hướng dẫn đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội
bằng nhiều hình thức, theo phương châm sử dụng để cải tạo, cải tạo để sử dụng
tốt hơn”[1, tr.61], quan điểm đó đã mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của KTTN ở
Việt Nam.
15 năm
sau, Đại hội lần thứ IX (4/2001) đã nhấn mạnh: “Nhà nước tạo điều kiện và
giúp đỡ kinh tế cá thể, tiểu chủ phát triển... khuyến khích phát triển kinh tế
tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất kinh doanh mà pháp luật
không cấm. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh
tế tư bản tư nhân phát triển trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả
đầu tư ra nước ngoài”[2, tr.98-99]. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã ban hành Nghị quyết số
14-NQ/TW ngày 18/3/2002 Về tiếp tục đổi mới cơ
chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN,
trong đó xác định KTTN là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc
dân. Đáng chú ý, tại Quyết định số 15 - QĐ/TW (8/2006) Ban Chấp hành Trung ương
đã cho phép đảng viên làm KTTN. Đến đại hội
XI (1/2011), KTTN được xác định là “một trong những động lực của nền kinh tế”[3,
tr.209] và hiện nay là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”[4,
tr.103].
Nhìn lại
chặng đường hơn 35 đổi mới, đặc biệt là từ những đóng góp của KTTN. Văn kiện
Đại hội XIII tiếp tục đưa ra những quan điểm về KTTN, trong đó nhất quán chủ trương: “Tạo mọi điều kiện
thuận lợi để KTTN phát triển nhanh, bền vững, lớn mạnh về quy mô, nâng cao về
chất lượng”[5, tr.45] với quan điểm chủ đạo là “Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều
kiện thuận lợi để phát triển KTTN”[5, tr.240]. Đặc biệt, để đưa KTTN thực sự
trở thành một động lực quan trọng trong quá trình thực hiện khát vọng hùng
cường của đất nước vào giữa thế kỷ XXI, văn kiện Đại hội XIII đã đề ra mục tiêu
đến năm 2025 “có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động với tỷ trọng đóng góp
của khu vực KTTN vào GDP khoảng 55%”[5, tr.126] và đến năm 2030 “có ít nhất 2
triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP đạt 60 - 65%”[5,
tr.240].
Thứ
hai, một số đóng góp của kinh tế tư nhân - cơ sở thực tiễn khẳng định tính đúng
đắn trong quan điểm, đường lối phát triển kinh tế tư nhân của Đảng
Không thể phủ nhận rằng, trong thời kỳ đổi mới, KTTN đã trở thành một
điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, KTTN đang đóng góp 42% GDP, 53% cơ cấu
vốn và 85% việc làm cho nền kinh tế[11].
Đáng chú ý, tính đúng đắn và sáng tạo trong quan điểm, đường lối phát triển KTTN của Đảng đã thúc đẩy sự hình
thành đội ngũ Doanh nhân Việt Nam, khi Việt Nam đã có hơn 800 nghìn doanh
nghiệp, khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh với số lượng doanh nhân hơn 5 triệu
người. Con số trên đã minh chứng việc mở đường cho doanh nghiệp phát triển là
hướng đi đúng đắn, nhiều doanh nhân Việt Nam đã trở thành “tỷ phú USD” toàn
cầu. Họ ôm giấc mơ lớn, hoài bão lớn với mong muốn đóng góp để xây dựng đất
nước hùng cường, người dân giàu mạnh, xã hội văn minh[10].
Trong vấn
đề thu hút lao động và giải quyết việc làm, KTTN luôn thể hiện tính hấp dẫn, khả năng thu hút, khai thác và sử dụng
một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động trong xã hội. Số liệu do Tổng cục
Thống kê Việt Nam công bố hàng năm cho thấy, trong 10 năm gần đây, tỷ trọng lao
động đang làm việc trong khu vực KTTN luôn tăng và chiếm đa số lực lượng lao
động xã hội. Cụ thể, năm 2010 số lao động làm việc trong khu vực KTTN là 43.873
ngàn người (chiếm 80,3% lực lượng lao động đang có việc làm của cả nước) thì
đến năm 2015 con số này là 47.906 ngàn người (chiếm 82,5%) và năm 2020 tăng lên
49.586 ngàn người (chiếm 85,7%). Đó là những con số hết sức thuyết phục để minh
chứng tính đúng đắn và sáng tạo trong quan điểm, đường lối phát triển KTTN của Đảng
Cộng sản Việt Nam.
Kết luận
Phát triển KTTN là quan điểm,
đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quan điểm, đường lối
đó được xây dựng dựa trên những luận điểm khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh về sở hữu tư nhân và KTTN, đồng thời phù hợp với thực tiễn
cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh mới hiện nay, việc hoạch định quan điểm, đường lối phát triển KTTN,
không chỉ là sự kế tục các quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng Cộng sản
Việt Nam, mà còn cần phải cập nhật được các thành tựu mới trong nghiên cứu về
chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về các vấn đề liên quan, cũng
như các nội dung mới trong nghiên cứu về sở hữu tư nhân và KTTN. Đặc biệt, để
hoàn thiện quan điểm, đường lối phát triển KTTN của Đảng Cộng sản Việt Nam, cần
định kỳ tiến hành công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết,
Quyết định, Kết luận đã ban hành về phát triển KTTN, nhằm kịp thời tháo gỡ khó
khăn, trở ngại mà KTTN Việt Nam đang gặp phải, làm cho quan điểm, đường lối
phát triển KTTN của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đúng đắn và sáng tạo,
mà còn là động lực pháp lý trực tiếp thúc đẩy KTTN phát triển, đưa KTTN thực sự
trở thành một động lực quan trọng trong quá trình hiện thực hoá khát vọng hùng
cường của đất nước đã được Đại hội XIII của Đảng xác định.