Từ khóa: Đánh giá cán bộ; tư tưởng Hồ Chí Minh; Đảng bộ Vĩnh Phúc.

Bà
Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trao quyết định giao chỉ tiêu,
nhiệm vụ năm 2022 cho lãnh đạo một số cơ quan trong tỉnh. (Ảnh:
Cổng TTĐT Vĩnh Phúc)
Đặt vấn đề
Đánh giá cán bộ là một nội dung
lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Vấn đề đánh giá cán bộ giữ vị trí đặc biệt quan
trọng. Đánh giá cán bộ có nghĩa là nhận xét, xem xét, cân nhắc, bày tỏ thái độ
và quan điểm của tổ chức hoặc cá nhân được tổ chức phân công đối với cá nhân
người khác trên những khía cạnh như: phẩm chất đạo đức, lối sống; bản lĩnh
chính trị, lập trường tư tưởng; năng lực công tác, trình độ nhận thức; tinh
thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật,... Mục đích của đánh giá cán bộ là để
phân loại cán bộ, tìm và sử dụng cán bộ một cách hợp lý, phát huy được hiệu quả
của người cán bộ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Nhận thức
việc đánh giá cán bộ là hết sức quan trọng trong công tác cán bộ, thời gian
qua, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh
giá cán bộ trong công tác cán bộ hiện nay để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ
tài, đảm đương và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
1. Tư tưởng Hồ Chí
Minh về đánh giá cán bộ
Hồ Chí Minh khẳng định, đánh
giá cán bộ là điểm khởi đầu làm cơ sở cho việc bố trí, sử
dụng đúng cán bộ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:
“Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”[1, tr.313]. Người cho rằng, đánh giá cán bộ là điểm khởi đầu
làm cơ sở cho việc bố trí, sử dụng đúng cán bộ, do đó, muốn dùng cán bộ, trước
hết “phải biết rõ cán bộ”[1, tr.314]. Người cho rằng, “trong thế giới, cái gì cũng biến
hoá”[1, tr.317]; con người là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội khách
quan, “từng lớp xã hội khác nhau, trình độ, văn hoá khác nhau; tính tình cá
nhân cũng không giống hệt”[1. tr.316], do đó “không có
ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay”[1, tr.314], do vậy, đánh giá
cán bộ là việc xác định đúng ai tốt, ai xấu, mặt nào mạnh, mặt nào yếu; khả
năng công tác của họ thế nào, để từ đó mà bố trí, sử dụng cho đúng người, đúng
việc.
Người khẳng định, cứ mỗi lần
xem xét lại cán bộ, “một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì
những người hủ hoá cũng lòi ra”[1, tr.314]. Đánh giá
đúng cán bộ không chỉ nhằm phát hiện cái hay của họ để khuyến khích, phát huy
mà còn thấy cái dở để góp ý, giúp đỡ họ sửa chữa, khắc phục.
Khi đánh giá cán bộ, Người yêu cầu những người làm công tác cán bộ phải có quan
điểm biện chứng, nhìn mọi sự vật, hiện tượng đều không ngừng biến đổi. Vì thế,
khi xem xét, đánh giá cán bộ, “quyết không nên chấp nhất” mà phải có cái nhìn
toàn diện[1, tr.317].
Người yêu
cầu đánh giá đúng cán bộ phải khách quan, khoa học, độ lượng. Phải xem xét cán
bộ cả trong quá trình làm việc, thấy được thế mạnh cũng như hạn chế của cán bộ
để phát huy mặt mạnh, đẩy lùi mặt yếu vì theo Hồ Chí Minh “Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ
xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”[1, tr.318]. Khi xem xét, đánh giá cán bộ khách quan, công tâm
sẽ khiến cho họ đem hết tài năng và nhiệt huyết của người phục vụ cho công việc.
Làm thế nào đánh giá
đúng cán bộ?
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng,
một người cán bộ tốt phải là người có đủ đức và tài. Người chỉ rõ: “Đức” là đạo
đức cách mạng, là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; “tài” là người có khả
năng hành động, làm việc mang lại hiệu quả cao. Đức và tài phải thống nhất với
nhau, trong đó, đức là gốc, “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có
nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng
phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được
nhân dân”[1, tr.292].
Để đánh giá đúng cán bộ, đòi
hỏi người đánh giá phải công tâm, vô tư, khách quan. Do đó, bản thân người đánh
giá cũng phải “tự sửa mình’’. “Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng
đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình”[1, tr.317], vì “nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc
không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu’’[1, tr.317]. Đó là tinh thần tự kiểm điểm phê bình của cá nhân người cán bộ; sau đó
được tập thể cấp ủy và đơn vị góp ý kiến xây dựng theo tiêu chuẩn của người cán
bộ cách mạng. Đánh giá cán bộ phải dựa vào dân, lấy ý kiến của dân, đem ra tập
thể bàn bạc và đi đến thống nhất.
Vì vậy, “nhận xét cán bộ không
nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ
công việc của cán bộ. Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm,
trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người
khác, hay tự tâng bốc mình, những người như
thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt. Ai cứ cắm đầu làm việc,
không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình,
không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh
của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người
như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt’’[1, tr.318].
Bố trí và sử dụng cán
bộ
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định
rõ: Có đánh giá đúng cán bộ mới có cơ sở để bố trí, sử dụng cán bộ đúng vào
những công việc và vị trí phù hợp. Từ cơ sở lý luận đến thực tiễn cho thấy:
Việc đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng.
Người chỉ ra 3 chứng bệnh có thể gặp phải khi bố trí cán bộ. Đó là: “1- Ham
dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người
ngoài. 2- Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. 3- Ham dùng những người tính tình hợp với
mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình. Vì những bệnh đó, kết
quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến
cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông
tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả
danh giá của người lãnh đạo”[1, tr.318-319].
Trong bố trí và sử dụng cán bộ,
Người nhấn mạnh mục đích “cốt để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính
phủ”. Bởi vì, bất kỳ việc bố trí, sử dụng một cán bộ nào cũng đều nhằm thực
hiện phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho một yêu cầu nào đó. Như vậy việc sử
dụng cán bộ mới có ý nghĩa. Cũng với yêu cầu này mà công tác đánh giá cán bộ sẽ
được thực hiện tốt. Chẳng hạn như muốn đề bạt, bổ nhiệm hoặc luân chuyển cán bộ
thì phải thực hiện việc đầu tiên là lên kế hoạch, đánh giá, nhận xét về một cán
bộ nào có những mặt mạnh, mặt yếu nào. “muốn cán bộ làm được việc, phải khiến
cho họ yên tâm làm việc...”[1, tr.319]. “Trước khi trao
công tác, cần phải bàn kỹ với cán bộ. Nếu họ gánh không nổi, chớ miễn cưỡng
trao việc đó cho họ”[1, tr.320]. Từ đó mới sắp xếp, luân chuyển vào vị trí công tác
thì mới phù hợp. Nhất là ở những cương vị chủ chốt phải lãnh đạo, quản lý những
lĩnh vực yêu cầu chuyên môn, sở trường thì nhất thiết phải nắm, hiểu được khả
năng chuyên môn của cán bộ đó đến mức độ nào để có khả năng hoàn thành nhiệm vụ
được giao.
Những năm qua, công tác đánh
giá cán bộ ngày càng được Đảng, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương quan
tâm chỉ đạo. Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 89-QĐ/TW “Quy định khung tiêu
chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý
các cấp”, Quy định số 90-QĐ/TW “Quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh
giá cán bộ diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, Quy định số
132-QĐ/TW “Quy định về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm
đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị”. Chính phủ ban hành Nghị
định số 56/2015/NĐ-CP cụ thể hóa những quy định về trình tự, thủ tục đánh giá,
phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Ban Tổ chức Trung ương ban hành các
hướng dẫn kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức
đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp... góp
phần đưa việc đánh giá cán bộ đi vào nền nếp. Việc đánh giá cán bộ ngày càng
được định lượng rõ hơn, từng bước sát thực tế và thực chất.
Tuy nhiên, công tác đánh giá
cán bộ vẫn còn hạn chế: một số tổ chức đảng đánh giá cán bộ chưa đúng thực
chất, còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn phổ
biến; tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao nên trong đánh giá, xếp loại
hầu hết vẫn xếp loại xuất sắc. Nguyên tắc lấy kết quả công việc làm thước đo
chủ yếu chưa thực sự được phát huy trong thực tiễn do chưa lượng hóa được công
việc. Quy trình đánh giá còn rườm rà, hình thức, hiệu quả không cao.
2. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc
vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá cán bộ trong giai đoạn hiện nay
Nhận thức rõ tầm quan trọng và
trước thực trạng chung của công tác đánh giá cán bộ, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc
đã xác định cần phải đổi mới để công tác đánh giá cán bộ có chuyển biến căn
bản. Từ năm 2013, căn cứ Quy chế đánh giá cán bộ, công chức ban hành theo Quyết
định số 286-QĐ/TW ngày 8-2-2010 của Bộ Chính trị và tình hình thực tiễn của địa
phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 1546-QĐ/TU
ngày 6/8/2013 về quy định tiêu chí đánh giá cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý. Thực hiện yêu cầu đổi mới công tác đánh giá, phân
loại cán bộ, công chức, viên chức theo Quy định số 132-QĐ/TW ngày
08/3/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của
Ban Chấp hành Trung ương, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch
số 105/KH-TU ngày 10/8/2018 thực hiện Nghị quyết số
26-NQ/TW ngày 19/5/ 2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là
cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Trên cơ sở
Kế hoạch của Tỉnh ủy, ngày 24/10/2018 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số
8268/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 và Kế hoạch số
105/KH-TU ngày 10/8/2018, nội dung triển khai tập trung vào công tác xây dựng đội
ngũ cán bộ các cấp, trong đó có việc đổi mới công tác đánh giá theo quy định
của Đảng và Nhà nước, cụ thể việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên
chức theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm,
kết quả hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao gắn đánh giá cá nhân với tập
thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ cơ quan.
Căn cứ vào
Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn
vị trong tỉnh đã cụ thể hóa thành những tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc thẩm
quyền quản lý cho phù hợp. Việc ban hành các tiêu chí đánh giá thể hiện rõ hơn
sự minh bạch, công khai, công bằng trong đánh giá cán bộ. Vì vậy, từ năm 2013,
tỷ lệ cán bộ xếp loại xuất sắc nhiệm vụ tuy có giảm nhưng đã thể hiện rõ hơn
tính thực chất và đảm bảo đúng định hướng, quy định của Trung ương. (Tỷ lệ cán
bộ được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã giảm theo các năm: năm 2015 là
45%, năm 2016 là 42,6%, năm 2017 là 35,3%, năm 2018 là 25,8%, năm 2019 có 15,8%,
từ năm 2020 đến nay kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức
ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị của tỉnh
luôn ở mức dưới 20%).
Tiếp tục
chú trọng, đảm bảo công tác đánh giá cán bộ phản ánh đúng thực chất, năm 2021,
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc triển khai sáng kiến “đánh giá cán bộ bằng sản phẩm cụ thể”,
coi đó là giải pháp đột phá thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Cụ
thể:
Đặc biệt
thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ
XVII, bên cạnh việc ban hành các nghị quyết, quy định, hướng dẫn cụ thể về công
tác cán bộ, đầu năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao chỉ tiêu cho các
ngành và địa phương trong tỉnh. Đến tháng 7/2021, Tỉnh ủy tiếp tục giao nhiệm
vụ trọng tâm cho các ban xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính
trị - xã hội cấp tỉnh, các đảng ủy khối cơ quan và khối doanh nghiệp tỉnh. Ngày
22/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 371-QĐ/TU về thực hiện
thí điểm giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đối với 6 giám đốc sở
và bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND của chín huyện, thành phố (Quy định 371). Việc
“khoán sản phẩm” cho lãnh đạo, quản lý là cách làm mới nhằm tăng yêu cầu đối
với các cấp, các ngành, tranh thủ thời cơ đẩy nhanh tốc độ phát triển. Đây được
coi là bước đột phá để khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm
trong đánh giá cán bộ.
Sau khi
giao nhiệm vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ
khó khăn cho các đơn vị. Tháng 11/2021, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp
riêng với người đứng đầu 9 huyện, thành phố và 6 Sở để nhắc nhở, khẳng định
quan điểm nhất quán “nói đi đôi với làm”, làm phải có hiệu quả. Trước sự chỉ
đạo quyết liệt của tỉnh, các ngành và địa phương phải chạy đua với thời gian để
hoàn thành các chỉ tiêu trong những tháng cuối năm. Nhiều huyện ủy, thành ủy tổ
chức hội nghị chuyên đề về xử lý điểm nghẽn, xử lý vi phạm đất đai. Nhiều bí
thư huyện ủy, thành ủy trực tiếp đi vận động thành lập tổ chức đảng trong doanh
nghiệp ngoài nhà nước.
Sau một năm thí điểm giao nhiệm
vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả khả
quan; nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt kế hoạch được giao với những kết quả
ấn tượng. Đã kết nạp hơn 2.100 đảng viên mới, thành lập mới 24 tổ chức đảng
trong doanh nghiệp, vượt năm tổ chức đảng so với cả nhiệm kỳ 2016-2020. Hơn 40
dự án trọng điểm hoàn thành giải phóng mặt bằng. Hầu hết các vụ vi phạm mới và
hơn 3.000 vụ việc vi phạm cũ liên quan đến đất đai được giải quyết dứt điểm. Có
8 trong số 9 địa phương hoàn thành chỉ tiêu về giải quyết vụ việc khiếu nại, tố
cáo phức tạp, kéo dài. Địa phương nào cũng nghiêm túc, mạnh mẽ trong tháo gỡ
điểm nghẽn, xử lý vi phạm, khai thông nguồn lực. Tinh thần đó lan tỏa đến cấp
xã và thấm sâu vào từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, đảng viên. Việc giao
nhiệm vụ cụ thể còn tạo hiệu ứng liên hoàn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát
triển mạnh mẽ.
Năm 2022,
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định việc triển khai giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho
các tập thể, cá nhân được dựa trên quan điểm, nguyên tắc bám sát vào các
nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ
XVII; căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương, cơ quan, đơn vị để lựa
chọn những việc khó, việc mới, việc chưa có tiền lệ, việc tồn tại nhiều năm
chưa giải quyết được hoặc không muốn giải quyết do tâm lý sợ trách nhiệm nhưng
phải thực hiện.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã rà soát, hoàn thiện
quy trình giao nhiệm vụ và quy trình đánh giá người đứng đầu; mở rộng đối tượng
giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đối với 43 người đứng đầu. Tăng
việc mới, việc khó, việc cần đột phá, sáng tạo để giải quyết các điểm nghẽn bất cập còn tồn tại của
các sở, ngành, địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thống nhất mở rộng
đối tượng giao nhiệm vụ đến 4 nhóm cơ quan, đơn vị. Cụ thể, nhóm các ban xây
dựng Đảng được giao 3 nhiệm vụ khó, nhiệm vụ mới. Nhóm Mặt trận Tổ quốc và các tổ
chức chính trị - xã hội, giao mỗi cơ quan 3 nhiệm vụ gắn với 3 nội dung về xây
dựng Đảng; xây dựng Chính quyền; phát triển kinh tế - xã hội.
Hưởng ứng
chủ trương của Tỉnh ủy, nhiều sở, ngành, huyện, thành phố đã triển khai giao
chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 cho người đứng đầu các đơn vị trực thuộc.
Cách làm này nhận được sự đồng tình ủng hộ lớn của cán bộ, đảng viên và nhân
dân trong tỉnh.
Kinh
nghiệm của Vĩnh Phúc cho thấy, phương pháp giao nhiệm vụ để đánh giá cán bộ
chính là “chìa khóa” quan trọng góp phần tháo gỡ khó khăn, duy trì mức tăng
trưởng cao. Để công tác đánh giá cán bộ bảo đảm thực chất, cần kết hợp đánh giá
định tính với đánh giá định lượng, đánh giá theo chỉ tiêu cam kết, định kỳ đối
chiếu với chương trình hành động của người đứng đầu. Cùng với hiệu quả công
tác, cần lấy tín nhiệm của nhân dân làm thước đo uy tín của người đứng đầu.
Những giải pháp đó cần được cụ thể hóa thành các quy định, quy trình, tiêu
chuẩn cụ thể, tạo cơ sở vững chắc cho công tác đánh giá và sử dụng cán bộ.
Kết luận
Có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí
Minh về đánh giá cán bộ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác cán
bộ của Đảng nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Nghị quyết Đại hội Đảng
bộ tỉnh lần thứ XVII xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh
công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch
của vùng và cả nước; đến năm 2030 xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết
cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của
thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2045 Vĩnh Phúc là thành phố
phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; nền
kinh tế phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức. Để hiện thực những
mục tiêu quan trọng này, trong thời gian tới Vĩnh Phúc cần tiếp tục vận dụng tư
tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá cán bộ và coi việc thực hiện đổi mới trong công tác cán bộ
là một trong những giải pháp quan trọng để sớm đạt được các mục tiêu mà Nghị
quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.