Từ khóa: Cơ chế bảo đảm quyền con người; tổ chức
chính trị - xã hội; quyền con người, Việt Nam.

Cử tri đi bỏ phiếu, thực
hiện quyền, nghĩa vụ của công dân. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Đặt vấn đề
Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam
đã đạt được nhiều thành tựu về nhân quyền, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực
của đời sống xã hội, trong quan hệ hợp tác quốc tế về nhân quyền. Đó là thành
tựu của quá trình hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền con người (QCN) ở Việt Nam.
Trong đó, các tổ chức chính trị - xã hội đã không ngừng đổi mới, phát huy ngày
càng tốt hơn vai trò của mình trong cơ chế bảo đảm QCN. Tuy nhiên, trước yêu
cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam hiện nay,
theo tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, việc
phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội đang đứng trước nhiều thách
thức mới, nhất là yêu cầu bảo đảm quyền tự do lập hội của công dân. Vì vậy,
việc nghiên cứu làm rõ và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội
trong cơ chế bảo đảm QCN phù hợp với bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay
là cần thiết, nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng về “lấy hạnh phúc, ấm no
của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[2; tr.218].
1. Vai trò của các tổ chức chính trị -
xã hội trong cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam
Quyền con người là “các đặc
quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng
đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống
pháp luật quốc gia và quốc tế”[4; tr.12]. Cơ chế bảo đảm
QCN được hiểu là “hệ thống các nguyên tắc, các quy trình, quy định và phương
thức vận hành trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau của các thiết chế nhằm mục
tiêu hướng tới là các nguyên tắc, quy phạm quyền con người trong Hiến pháp,
pháp luật được tôn trọng, thực hiện; ngăn ngừa, hạn chế nguy cơ lạm dụng quyền
lực, vi phạm quyền con người”[5; tr.206]. Ở Việt Nam, cơ
chế bảo đảm QCN bao gồm tất cả các thiết chế trong hệ thống chính trị, là Đảng
Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã
hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các thiết chế truyền thông, báo chí. Trong
đó, mỗi chủ thể, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, mà có một vị trí, vai
trò, cách thức tổ chức và hoạt động riêng nhưng cùng hướng tới bảo đảm thực
hiện các nguyên tắc, quy phạm QCN trong Hiến pháp năm 2013.
Các tổ
chức chính trị - xã hội là những thiết chế đặc thù, được quy định tại Điều 9 Hiến
pháp năm 2013. Bao gồm, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức thành
viên là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ; Hội Nông dân Việt Nam, Hội
Cựu chiến binh. Các tổ chức này được “thành lập trên cơ sở tự
nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên,
hội viên tổ chức mình”[7]. Trong thể chế chính trị của
Việt Nam hiện nay, MTTQ Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng, là “cơ sở chính
trị của chính quyền nhân dân”, MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã
hội thành viên có vị trí, vai trò rất quan trọng trong cơ chế bảo đảm QCN.
Trong cơ
chế bảo đảm QCN, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội được thể hiện qua
phương thức mà các tổ chức này thực hiện trong cơ chế bảo đảm QCN nhằm làm cho
các quy định về QCN trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam được tôn trọng, thực
hiện:
Thứ nhất, tuyên truyền, vận động các hội viên thực hiện tốt
đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông qua đó, các tổ chức chính trị
- xã hội giúp thành viên nhận thức đầy đủ về quyền của mình theo quy định của
pháp luật.
Thứ hai, đại diện bảo vệ thành viên của mình hoặc hỗ trợ,
hướng dẫn để các thành viên có điều kiện thực hiện và bảo vệ QCN của mình và
người liên quan.
Thứ ba, tham gia ý kiến, giám sát, phản biện xã hội trong
xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan nhà nước,
cá nhân có thẩm quyền. Kiến nghị tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi
phát hiện hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên.
Thứ tư, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, lắng nghe
tâm tư, nguyện vọng của hội viên để phản ánh tới các cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền nhằm tăng sự đồng thuận giữa nhân dân với các chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2. Thực trạng phát huy vai trò của các
tổ chức chính trị - xã hội trong cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện
nay
Trong những năm qua, các tổ
chức chính trị - xã hội đã có nhiều đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt
động, theo hướng thực chất hơn, hướng mạnh về các thành viên của mình; tích cực
tham gia vào các hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật. Chẳng hạn,
Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tham gia xây dựng Luật Bình đẳng giới (2006),
Luật Phòng chống bạo lực gia đình (2007)...; MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành
viên đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng nội dung chương trình phổ biến,
giáo dục pháp luật và cử đại diện tham gia vào Hội đồng Phổ biến và giáo dục
pháp luật ở địa phương. Việc tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân thực
hiện pháp luật đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số lượng các hoạt động tuyên
truyền phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm trên mỗi địa bàn là khá lớn, hình
thức tổ chức cũng rất đa dạng. Nhiều cán bộ Hội đã được tham gia các chương
trình tập huấn về nội dung, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và kỹ năng vận
động hội viên. Thông qua đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp
phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giúp cho các hội viên hiểu được quyền
và nghĩa vụ của mình, đặc biệt là các chế độ, chính sách dành cho hội viên:
củng cố lòng tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước.
Nhiều tổ chức chính trị - xã
hội ở các địa phương đã phát huy rất tốt vai trò của mình, sâu sát địa bàn, nắm
bắt tâm tư nguyện vọng, điều kiện, hoàn cảnh của thành viên, hội viên. Nhiều
phong trào tương thân, tương ái như “hũ gạo tình thương”; nhiều hoạt động hỗ
trợ vốn và cách làm ăn... cho hội viên đã được triển khai. Nhờ đó, cải thiện
đời sống, thu nhập cho hội viên, bảo đảm các quyền có mức sống thích đáng,
quyền khám chữa bệnh, quyền học tập cho con em, phòng chống bạo lực gia đình...
Các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp của hội viên. Tổ chức công đoàn đã thực hiện tốt vai trò đại diện cho người lao động ký thỏa ước lao động tập
thể với người sử dụng lao động; tham gia ý kiến, khi các tổ chức sử dụng lao động giải quyết các vấn đề về lương, phụ cấp, bảo hiểm
phải có ý kiến của cộng đoàn...; tham gia hội
đồng lương, thi đua khen thưởng, kỷ luật của cơ quan doanh nghiệp.... Hội phụ nữ nhiều địa phương rất sáng tạo trong hỗ
trợ hội viên nhận thức về quyền và bảo vệ quyền của mình như: thông điệp cho
phụ nữ “Bạn không cô
đơn- chúng tôi luôn bên bạn”, cung cấp sổ tay “Những
điều cần biết về bình đẳng giới trong gia đình”, “Ngăn chặn bạo lực gia đình là
trách nhiệm của mọi người và của cả cộng đồng”... Xây dựng mô hình câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Không bạo lực gia đình”, “Không sinh
con thứ ba”, hỗ trợ hội viên nâng cao kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con, kỹ
năng tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức pháp luật cho phụ nữ... Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội đã phối
hợp tổ chức được nhiều hoạt động trợ giúp pháp lý cho hội viên.
Các hoạt động giám sát, phản
biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng ghi nhận được
nhiều kết quả. Các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức được nhiều đoàn giám
sát như: Giám sát của MTTQ đối với hoạt động bầu cử; giám sát việc thực hiện
các quy định về công tác cán bộ, việc ban hành và thực hiện các quy định của
chính quyền địa phương; giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trong
dịch bệnh Covid... Năm 2020, MTTQ đã giám sát, nghiên cứu tài liệu hồ sơ của 58
tỉnh, thành về thực hiện các quy định của Đảng về công tác cán bộ, phát hiện
437/1502 trường hợp vi phạm về thời gian ban hành quyết định bổ nhiệm lại,
chiếm tỷ lệ 29,23% và đã kiến nghị Chính phủ rà soát, khắc phục[4]. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng tổ chức phản
biện, góp ý kiến vào nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước. Theo báo cáo của 63/63 Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp
ở địa phương, trong năm 2021 đã tổ chức 4.819 cuộc phản biện xã hội, trong đó:
Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, chủ trì phản biện xã hội được 162 cuộc; Ủy ban
MTTQ Việt Nam cấp huyện, chủ trì phản biện xã hội được 696 cuộc; Ủy ban MTTQ
Việt Nam cấp xã, chủ trì phản biện xã hội được 3.961 cuộc[5].
Tuy nhiên, bên cạnh những
kết quả đạt được, việc phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội
trong cơ chế bảo đảm QCN còn bộc lộ những bất cập như:
Thứ nhất, hiệu quả của việc tuyên truyền pháp luật của các
tổ chức chính trị - xã hội còn chưa cao, chưa đến được với tất cả các thành
viên, hội viên, đặc biệt là hội viên ở các vùng khó khăn, dân tộc ít người.
Không ít vụ việc vi phạm pháp luật, thậm chí là vi phạm pháp luật hình sự đã
xảy ra thời gian qua do người thực hiện hành vi thiếu hiểu biết pháp luật. Việc
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội
mới chủ yếu tiếp cận từ góc độ vận động nhân dân thực hiện các nghĩa vụ pháp lý
của mình, chưa chú trọng nâng cao nhận thức về quyền của công dân; về việc sử
dụng pháp luật như phương tiện bảo vệ QCN theo tinh thần của Hiến pháp năm
2013.
Thứ hai, với vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của hội viên, các tổ chức chính trị - xã hội đã tham gia vào nhiều hoạt
động của bộ máy nhà nước, như hoạt động tố tụng tại tòa án nhân dân, tổ chức và
hoạt động của các cơ quan chính quyền dịa phương... nhưng nhìn chung chất lượng
chưa cao. Sự hỗ trợ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên với hội viên
của mình trong việc bảo vệ và thúc đẩy QCN chưa thường xuyên, chưa thực sự là
chỗ dựa cho hội viên “Nội dung và phương thức hoạt động có lúc, có nơi chưa
thiết thực, hiệu quả, thiếu sâu sát cơ sở”[1].
Thứ ba, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt
Nam và các tổ chức thành viên được tiến hành chưa nhiều, chất lượng giám sát,
phản biện chưa cao.
3. Một số giải pháp phát huy vai trò
của các tổ chức chính trị - xã hội trong bảo đảm quyền con người ở Việt Nam
hiện nay
Một là,
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ
chức chính trị - xã hội
Văn kiện Đại hội XIII chủ
trương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phải tăng cường “bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, làm
cầu nối quan trọng giữa Đảng và nhân dân. Củng cố, tăng cường lòng tin, sự
gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[2; tr.43]; “phát huy vai trò
của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng
trong quá trình hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội”[2; tr.288-289]... Các chủ trương
này cần được quán triệt đầy đủ đến các cấp ủy địa phương. Với vai trò của mình,
các cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị cần quan tâm đến việc bố trí nhân sự cho
các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm việc bố trí cán bộ lãnh đạo các tổ chức
chính trị - xã hội phải ngang tầm nhiệm vụ; cấp ủy đảng cần quan tâm chỉ đạo
nâng cao trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, đơn vị
giúp các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện
xã hội; các tổ chức Đảng cần chú trọng “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo
của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm
sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, đồng thời tôn trọng nguyên tắc
hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, phát huy mạnh mẽ vai trò, tính tự chủ, năng động, sáng tạo của Mặt trận
và các tổ chức chính trị - xã hội”[2; tr.197].
Hai là, đổi mới nội dung và phương thức
hoạt động, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội
Các tổ chức chính trị - xã
hội cần bám sát hội viên của mình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, giúp
đỡ hội viên vượt qua khó khăn trong cuộc sống gia đình và phát triển kinh tế,
nuôi dạy con cái... là chỗ dựa tin cậy của hội viên. Tổ chức chính trị - xã hội
nào, hoặc chưa có lòng tin từ hội viên của mình, hoặc chưa thật sự sâu sát,
chưa gần hội viên của mình, cần phải xem xét trách nhiệm, nhất là trách nhiệm
cá nhân của cán bộ hội, nhằm khắc phục tình trạng “hành chính hóa”, “quan liêu”
đã và đang tồn tại trong không ít các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay.
Ba là, cần
xây dựng chế độ chính sách hợp lý, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất phục vụ
hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội
Hiện nay, các tổ chức chính
trị - xã hội hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, từ chế độ chính sách
cho cán bộ, đến kinh phí cho các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn eo hẹp, thì đây là một khó khăn không dễ
để khắc phục. Các tổ chức chính trị - xã hội, một mặt cần “kiên quyết cắt giảm số lượng ban, phòng có chức năng, nhiệm vụ trùng lắp, chồng chéo, hoạt động kém hiệu quả”. “Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội
ngũ cán bộ chuyên trách các cấp, gắn với đổi mới
cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước và quản lý tài chính”[1]. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động để có điều kiện thu hút các
nguồn đóng góp từ hội viên và “tăng cường sử dụng đội ngũ công tác viên, tình
nguyên viên”[1]. Trên cơ sở đó thực hiện tốt đề án xây dựng vị trí
việc làm, cải thiện thu nhập cho cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội và
tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, nhất là các trang thiết bị phục vụ cho
việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các tổ chức chính trị - xã
hội.
Kết luận
Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền
XHCN Việt Nam, bảo đảm QCN, cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của các tổ
chức chính trị - xã hội trong cơ chế bảo đảm QCN. Từ đó, quán triệt các quan
điểm xây dựng các giải pháp cụ thể toàn diện về đổi mới tổ chức, hoạt động, nhằm
phát huy đúng vai trò của các tổ chức này, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng
trong giai đoạn hiện nay.