Thứ Ba, ngày 19/03/2024, 08:54

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến tổng kết Nghị quyết 23 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh"

 (ảnh minh họa từ Thông tấn xã Việt Nam news.vnanet.vn)

Đặt vấn đề

Thấm nhuần truyền thống văn hóa đoàn kết của dân tộc Việt Nam, trong tư tưởng của Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh đến sức mạnh đoàn kết, nhất là đoàn kết, thống nhất trong đảng cầm quyền, trong hạt nhân lãnh đạo.

Tiếp nối tư tưởng đó của Người, trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chăm lo xây dựng, củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng, coi đó là sinh mệnh của Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng tiếp tục nêu cao và tìm tòi những giải pháp để phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, coi đó là giá trị cốt lõi, là nhiệm vụ then chốt đặt nền móng vững chắc cho thành công của cách mạng Việt Nam.

1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng

Sinh thời, một trong những nội dung quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là củng cố và giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Người nhiều lần nhấn mạnh về vai trò, ý nghĩa của đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Ngay từ những ngày đầu lãnh đạo toàn dân làm cách mạng, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người chỉ rõ: nhiệm vụ hàng đầu của Đảng cách mệnh là đoàn kết lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cách mệnh. Đảng có đoàn kết, thống nhất mới có thể lãnh đạo được nhân dân. Trong “Di chúc” để lại, Người căn dặn: “...Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[3, tr.510].

Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết chặt chẽ thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó; “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên ngay từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”[3, tr.510]. Như vậy, đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cơ sở, nền tảng vững chắc để xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân. Đảng đoàn kết, dân tộc đoàn kết và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân tạo nên sức mạnh vĩ đại để dân tộc ta vượt qua muôn vàn thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù, đi tới thắng lợi.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để giữ gìn được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng cần phải thực hiện tốt những nội dung sau:

Một là, phải quán triệt nhận thức đoàn kết, thống nhất trong Đảng vừa là nhiệm vụ lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách. Tư tưởng đoàn kết nổi bật của Người là: “Đoàn kết làm ra sức mạnh”; “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”[7; tr.145]; “Đoàn kết là thắng lợi”; “Đoàn kết là then chốt của thành công”[9; tr.186]; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”[8, tr.349]. Ở nhiều thời điểm, nhiều nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thể hiện sự quan tâm, nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân xây dựng khối đoàn kết, thống nhất. Người luôn nhắc nhở đoàn kết là một lực lượng vô địch, giúp kháng chiến thắng lợi. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Người nói: “Một chiếc thuyền phải có người chèo, phải có người lái... người chèo và người lái phải đoàn kết với nhau”[3; tr.49]

Hai là, để xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất thực sự, Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi. Đảng là tổ chức chính trị cao nhất của nhân dân, của dân tộc, các đảng viên đều tham gia tổ chức một cách tự giác, tự nguyện, việc giữ vững và thực hiện nghiêm minh các nguyên tắc của Đảng không chỉ là nguyện vọng của nhân dân mà còn là trách nhiệm của mỗi đảng viên: “Phải thực sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”[8; tr.118].

Trong sinh hoạt Đảng, phải bảo đảm thực sự dân chủ, công khai, cởi mở, bình đẳng, dân chủ giữa cấp trên và cấp dưới, thực hiện dân chủ trên mọi lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa..., kết hợp hài hòa giữa dân chủ gián tiếp và dân chủ trực tiếp, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong thực hiện dân chủ cần khắc phục tệ quan liêu, gia trưởng, mệnh lệnh, cửa quyền, độc đoán, coi thường ý kiến người khác, dân chủ hình thức; đồng thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng dân chủ để gây rối, vô tổ chức, vô kỷ luật, tự do vô chính phủ.

Ba là, thường xuyên tự phê bình và phê bình, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng. Theo Người: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình... mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ”[6; tr.223]. Đây cũng là quy luật phát triển của Đảng, tự phê bình và phê bình là để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, để công việc được hiệu quả hơn, để đoàn kết và thống nhất trong nội bộ. Để thực hiện đoàn kết thống nhất trong Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Người căn dặn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”[10; tr.622]. Theo Người, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Để có sự đoàn kết thật sự, không chỉ cần nguyên tắc, bản lĩnh, lý trí mà còn rất cần tình thương yêu, sự đồng cảm và chia sẻ với nhau.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người khẳng định: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”[5; tr.279] và nhấn mạnh “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[4; Tr.61]2 Theo Người, nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, đảm bảo công khai, dân chủ, từ trên xuống và từ dưới lên, gắn với sửa chữa, biểu dương, khen thưởng thì mới phát huy được tác dụng. Nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác là yêu cầu đối với mọi đảng viên và cũng là một nguyên tắc trong sinh hoạt đảng. Ngược lại, việc coi thường kỷ luật đảng, không tự giác chấp hành kỷ luật đảng sẽ làm suy yếu và tan rã Đảng.

Bốn là, mỗi đảng viên phải là hạt nhân xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Người khẳng định: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"[4; tr.622]. Mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ trọng trách lãnh đạo phải cương quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội trong chính bản thân mình trước những tác động từ bên ngoài. Đảng ta là đảng cầm quyền nên đội ngũ đảng viên của Đảng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định, mẫu mực về đạo đức, lối sống, phải có tầm cao trí tuệ để lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. “Giữ gìn Đảng ta thật trong sạch”, “xứng đáng là người lãnh đạo”, “là người đầy tớ trung thành của nhân dân” là ba yếu tố trong một chỉnh thể thống nhất, biện chứng, gắn bó, bổ sung cho nhau, làm tiền đề, nền tảng bảo đảm sự phát triển vững mạnh của Đảng theo tiến trình cách mạng.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam với việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát huy giá trị đoàn kết, thống nhất trong công tác xây dựng Đảng

Thấm nhuần tư tưởng và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng luôn coi trọng, giữ gìn và phát huy đoàn kết thống nhất trong tổ chức. Từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I (tháng 11-1939), Đảng chỉ rõ: Phải thống nhất ý chí và hành động” và “sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng buộc phải có ý chí giác ngộ của toàn thể đảng viên, chớ không phải nhắm mắt phục tùng”[1; tr.555-556]. Đến Đại hội VI (tháng 12-1986), Đảng rút ra 4 bài học kinh nghiệm quý, trong đó có bài học về tăng cường sự đoàn kết nhất trí, sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là ở cơ quan lãnh đạo, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng. Cán bộ, đảng viên giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức và tình yêu thương đồng chí”[2; tr.143-144].

Quá trình lãnh đạo sự nghiệp Đổi mới đất nước, Đảng càng ý thức sâu sắc hơn ý nghĩa của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Tại Đại hội XIII, trong Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng Đảng, đã rút ra các bài học kinh nghiệm trong đó bài học số hai là "phải đặc biệt coi trọng sự đoàn kết thống nhất ý chí và hành động trong Đảng... Người đứng đầu các cấp phải thực sự mẫu mực..." [3; tr.96] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Từ thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã tích lũy và đúc rút được nhiều bài học quý báu, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn và phát huy. Một trong số đó là truyền thống đoàn kết, thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí.

Những kết quả đạt được trong quá trình gần bốn thập kỷ thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước là minh chứng sinh động nhất cho sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, khẳng định sự trưởng thành và vững mạnh của Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được còn tồn tại nhiều khó khăn, phức tạp, nổi lên ở một số điểm sau:

Thứ nhất, trong bối cảnh hiện nay, đoàn kết thống nhất trong Đảng càng phải được xem là một chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng. Là Đảng duy nhất cầm quyền, Đảng ta phải xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất, có như vậy thì hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc mới đoàn kết xung quanh Đảng. Đoàn kết của Đảng chính là tấm gương cho cả hệ thống chính trị và là nhân tố quyết định bảo đảm đoàn kết dân tộc.

Thứ hai, bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, trước những tác động của kinh tế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao có xu hướng chạy theo chủ nghĩa cá nhân; một số tổ chức đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, chưa tôn trọng và thực hiện chưa đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc tự phê bình và phê bình có nơi trở nên hình thức, có nơi bị lợi dụng để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau.

Thứ ba, những nhân tố gây mất đoàn kết thống nhất trong Đảng vẫn tồn tại và không ngừng tạo ra thách thức. Thực tế, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên còn nói không đi đôi với làm; bề ngoài thì tỏ ra đoàn kết, nhưng bên trong thì kết bè kéo cánh, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm... Trong Đảng cũng xuất hiện những xu hướng, những biểu hiện bất đồng quan điểm, thiếu dân chủ trong thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của cấp ủy các cấp; bè cánh, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, cục bộ địa phương trong việc ban hành, tổ chức thực hiện các quyết sách. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động, phá hoại vẫn tìm đủ mọi cách gây mất đoàn kết, làm chia rẽ trong Đảng... Đây là thực tế đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên phải quan tâm tiếp tục có những giải pháp rèn luyện, giữ gìn, bồi đắp đoàn kết thống nhất.

3. Một số giải pháp tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng

Giữ gìn và phát huy đoàn kết, thống nhất trong Đảng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó vai trò quan trọng của tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần sâu sắc tinh thần, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng, “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thần của nhân dân”. Thực tiễn bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, bên cạnh nhiều thuận lợi, tích cực cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, đặt ra những yêu cầu cấp thiết cần giải quyết đối với việc phát huy đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Để tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tập trung giáo dục nâng cao nhận thức của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đối với việc xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh. Công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và tầm quan trọng của việc giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Công tác tuyên truyền làm cho đảng viên hiểu đầy đủ, đúng đắn và lãnh đạo, tổ chức quần chúng tiến hành thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời, các cấp ủy và tổ chức đảng cần chú trọng bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Thứ hai, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, thể hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao tính tổ chức và kỷ luật trong sinh hoạt và hoạt động của Đảng. Đoàn kết nhất trí trong Đảng không phải là sự đoàn kết xuôi chiều mà được xây dựng trên cơ sở đấu tranh để đi đến thống nhất về tư tưởng và hành động. Vì vậy, mở rộng dân chủ đi đôi với đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Cần phải làm cho tất cả đảng viên tự do biểu đạt tư tưởng, nhu cầu, đóng góp ý kiến của mình cho Đảng với ý thức trách nhiệm cao. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình để giải quyết mọi bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ tổ chức đảng. Thực hành dân chủ rộng rãi, tiến hành tự phê bình và phê bình là phương cách hữu hiệu để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm cho cán bộ, đảng viên yêu thương, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt tiêu biểu cho phẩm chất, năng lực của đội ngũ đảng viên, đủ uy tín và khả năng quy tụ đội ngũ, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong tổ chức đảng. Việc lựa chọn người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, có vai trò tiền phong, gương mẫu là rất quan trọng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thực sự công bằng, công tâm trong xử lý công việc, phải thực sự là trung tâm quy tụ khối đoàn kết của tổ chức Đảng, cơ quan và đơn vị.

Thứ tư, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiện tượng mất đoàn kết và nguyên nhân dẫn đến mất đoàn kết, thực hiện tốt chế độ thi đua khen thưởng và kỷ luật của Đảng. Trong hoạt động của tổ chức đảng, công tác kiểm tra giúp cho các cấp ủy đảng kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguyên nhân, hiện tượng mất đoàn kết, đồng thời biểu dương khích lệ kịp thời giúp cho cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật, không ngừng chăm lo, vun đắp cho khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Để tăng cường kiểm tra, giám sát của Đảng một mặt tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, đồng thời có cơ chế, quy chế cụ thể để bảo vệ và phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.

Kết luận

Đoàn kết, thống nhất là truyền thống ngàn đời của dân tộc, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu suốt, quán triệt trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bối cảnh hiện nay, để phát huy tốt truyền thống này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải luôn nêu cao tinh thần “Phụng sự” và “Kết nối” không chỉ trong thực hiện các nhiệm vụ công tác được giao mà còn trong xây dựng tập thể. Kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh loại trừ những yếu tố gây ảnh hưởng đến khối đoàn kết, nhất trí trong Đảng... Có như vậy mới thiết thực đóng góp vào xây dựng tổ chức Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng tầm yêu cầu và nhiệm vụ của cách mạng.

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[9] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[10] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 

Đọc thêm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm "Sửa đối lối làm việc" đối với rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Tác giả: TRẦN THỊ THIỀU HOA - ĐẶNG MINH PHỤNG

(GDLL) - Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng Đảng. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, trau dồi, giữ vững đạo đức cách mạng. Trên cơ sở truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, chắt lọc tinh hoa đạo đức nhân loại, Người phát triển và sáng tạo những giá trị đạo đức mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bài viết tìm hiểu việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đối với việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Ngô Quang Trung

(GDLL) - Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước hiện nay. Bài viết tập trung làm rõ những yêu cầu về năng lực, phẩm chất của cán bộ tuyên giáo, nhà báo trong bồi dưỡng nâng cao, quán triệt theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay.

Vận dụng sáng tạo hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 vào thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: BIỆN THỊ HOÀNG NGỌC

(GDLL) - Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam bằng nhiều phương thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả. Bài viết trình bày sự sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác các quan điểm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 và một số vấn đề cần vận dụng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân và sự vận dụng của Đảng trong thời kỳ đổi mới

Tác giả: NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

(GDLL) - Trong bối cảnh một thế giới đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ như hiện nay, việc nâng cao dân trí cho Nhân dân không chỉ là điều kiện để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mỗi người dân và xã hội mà hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững và tiến bộ của đất nước. Vì vậy, bài viết tập trung phân tích một số quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân, từ đó chỉ ra sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Nhận diện và phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề "tự do tôn giáo"

Tác giả: NGUYỄN GIA HÙNG - KIM THỊ MỘNG NHI

(GDLL) - Không gian mạng có thể được hiểu là một không gian ảo, nơi con người có thể thực hiện các hành vi xã hội mà không bị giới hạn về không gian và thời gian. Đây là nơi dễ bị kẻ xấu, các thế lực thù địch sử dụng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là lợi dụng về vấn đề “tự do tôn giáo”. Bài viết bước đầu nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề “tự do tôn giáo” trên không gian mạng. Trên có sở đó, bài viết đưa ra các luận cứ nhằm đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề “tự do tôn giáo”.