Hội thảo quốc tế năm “Động lực đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi
số - Từ tầm nhìn đến thực tế
Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Đặt vấn đề
Chuyển đổi số là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhận
thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển
bền vững của đất nước, Đại hội XIII của Đảng (2021) đã đưa ra chủ trương, định
hướng lớn về đẩy mạnh chuyển đổi số trên thế “kiềng ba chân” là Chính phủ số,
kinh tế số, xã hội số góp phần tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả
và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2030.
1. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số
Để thích ứng với bối cảnh đất nước, tận dụng thành tựu
tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 27/09/2019, Bộ Chính trị ban hành
Nghị quyết số 52-NQ-TW Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu “hoàn thiện thể chế
tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và
quá trình chuyển đổi số quốc gia”[2].
Trên cơ sở đó, ngày 14/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số
01/CT-TTg Về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, khẳng định:
“Chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số,
Chính phủ điện tử. Đặc biệt, chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam
phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển cũng chỉ mới bắt đầu
quá trình chuyển đổi số”[9,
tr. 1].Ngày
03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về Phê duyệt
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục
tiêu năm 2030 thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu
về Chính phủ điện tử, kinh tế số đóng góp 30% GDP, năng suất lao động hằng năm
tăng tối thiểu 8%[10, tr. 3].
Việc ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia là bước ngoặt quan trọng giúp
Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về
chuyển đổi số song hành cùng với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Trong các văn kiện Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ XIII (2021), khái niệm chuyển đổi số lần đầu tiên được đề cập
và nhấn mạnh nhiều lần với nhiều nội dung, ở những phần khác nhau của mục tiêu,
quan điểm phát triển và các đột phá chiến lược, liên quan đến từng lĩnh vực cụ
thể. Đây là điểm mới trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030
của Đảng. Đại hội XIII đặt ra yêu cầu: “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát
triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; gắn kết
hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng,
hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”[4, tr. 114-115]. Trong Chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Đại hội nêu mục tiêu, đến năm 2030, hoàn
thành xây dựng chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp
thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số”[4, tr. 225]. Đại hội
XIII của Đảng đã làm rõ hơn, cụ thể hơn nhận thức về vị trí, vai trò của chuyển
đổi số đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những chủ trương, quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII về đẩy mạnh
chuyển đổi số đã góp phần mở đường cho định hướng phát triển đất nước trong kỷ
nguyên số. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam khai thác triệt để cơ hội mà
cuộc Cách mạng 4.0 mang lại, bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng. Quán triệt chủ trương của Đảng, ngày 15/6/2021, Thủ
tướng tiếp tục ban hành Quyết định
số 1690/QĐ - TTg ngày 26/12/2023
về Phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước
và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm
2025, định hướng đến năm 2030”. Năm 2024, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số ban hành Quyết định số 58/QĐ-UBQGCĐS ngày
19/4/2024 Về việc Ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc
gia về chuyển đổi số...
2. Thực trạng chuyển đổi số ở Việt Nam
2.1. Kết quả đạt được
Hạ tầng
công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển từ trung ương đến
địa phương, đáp ứng tốt nhu cầu chuyển đổi số. Mạng truyền số liệu chuyên dùng
của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối với bốn cấp hành chính tiếp tục được
phát triển, đã kết nối đến 100% huyện và hơn 97% các xã trên toàn quốc. Cả nước
đã phát triển được 35 nền tảng số quốc gia, trong đó có 31 nền tảng số đang sử
dụng thử nghiệm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã phối hợp phát triển 50 nền tảng
số khác, trong đó 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế
số, 16 nền tảng phục vụ xã hội số[11].
Đến tháng 12/2023, số lượt doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương
trình SMEdx: khoảng 1,1 triệu (+55,6% so với năm 2022); số lượng doanh nghiệp
nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEdx: 197 nghìn (+157% so với năm 2022)[12].
Trong
lĩnh vực cải cách hành chính, chuyển đổi số đã góp phần đẩy mạnh ứng dụng công
nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính. Năm 2023, 100% bộ,
ngành, địa phương đã rà soát và ban hành danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện
trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để triển khai dịch vụ công trực tuyến theo
quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương triển khai 81% thủ tục hành chính là dịch vụ công trực tuyến,
trong đó 48,5% thủ tục hành chính được triển khai là dịch vụ công trực tuyến toàn
trình. Tính đến tháng 12/2023, có 49/63 tỉnh đã ban hành chính sách giảm phí, lệ
phí và 13/63 tỉnh đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người
dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến[12].
Trong lĩnh vực kinh tế, chuyển đổi số đã góp phần quan trọng
giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Theo báo cáo “e-Conomy SEA 2021” do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối
hợp công bố, nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD,
đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015 và dự kiến đạt 57 tỷ
USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng năm
2021 đạt 31%[7].
Một số chỉ tiêu về chuyển đổi số trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia
đã sớm đạt mục tiêu như tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử là 100%, tỷ
trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ là 11,27%, vượt mục
tiêu đề ra là 7%; tỉ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán là 66%, vượt
mục tiêu đề ra là 65%[12].
Trong
lĩnh vực an ninh quốc gia, năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận,
cảnh báo và hướng dẫn xử lý hơn 12,8 nghìn cuộc tấn công, lừa đảo theo phương
thức: có 11,5 nghìn Phishing (giả mạo), khoảng 500 Deface (thay đổi giao diện),
hơn 800 Malware (mã độc), tăng 5,3% so với năm 2022; hơn 3,3 nghìn website vi
phạm, lừa đảo đã bị ngăn chặn, qua đó giúp bảo vệ 3,6 triệu người dân trên môi
trường trực tuyến. Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet (mạng
máy tính ma) là 456,7 nghìn địa chỉ, giảm 4,7% so với cùng năm 2022 (479,1
nghìn địa chỉ)[12]. Gần
đây, Bộ Công an đã tích cực phối hợp với các bộ ngành triển khai dữ liệu cơ sở
quốc gia về dân cư, kết nối và mở rộng dữ liệu dân cư, từng bước hình thành hệ
sinh thái công dân số phục vụ công tác an ninh quốc gia.
Trong lĩnh vực y tế, các hệ thống phần mềm y tế bảo đảm kết
nối liên thông, chia sẻ tích hợp dữ liệu tạo tiền đề cho việc nâng cao khả năng
tự động hóa. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho y tế từng bước được hoàn thiện. Đến nay,
100% bệnh viện đã triển khai tin học hóa, số hóa dịch vụ khám chữa bệnh và quản
lý bệnh viện, 99,5% cơ sở y tế trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống
giám định của bảo hiểm xã hội[3].
Đặc biệt, đề án khám, chữa bệnh từ xa thông qua hệ thống Telehealth với 1.000
cơ sở y tế đã được kết nối, qua đó xóa bỏ khoảng cách y tế giữa các vùng miền,
các tuyến trung ương và địa phương, nhờ đó giảm tỷ lệ chuyển tuyến xuống dưới
10% so với tỷ lệ 30% trước đây[6].
Trong
lĩnh vực giáo dục, việc áp dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý
đã có nhiều chuyển biến lớn góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất
lượng giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa. Đến tháng 10/2023, ngành
Giáo dục đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng, cụ thể, cơ sở dữ liệu về mầm non,
phổ thông đã thu thập thông tin của gần 53.000 trường học: 1,6 triệu hồ sơ giáo
viên và cán bộ quản lý giáo dục; 24 triệu hồ sơ cá nhân, kết quả học tập, thông
tin thể chất của học sinh; Kết nối (API) với hơn 17,083 trường học[1]. Đặc biệt, đã triển
khai được cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (HEMIS). Qua đó, thu thập, số hóa dữ
liệu của 442 cơ sở đào tạo, 152.470 giảng viên, 2.102.165 người học và dữ liệu
về: nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, tài chính, hợp tác với doanh nghiệp, hợp
tác quốc tế...[8].
2.2. Hạn chế, khó khăn
Bên cạnh
những kết quả đạt được, công cuộc chuyển đổi số còn một số hạn chế như: việc
xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chậm so với yêu
cầu phát triển; vẫn chưa ban hành được phương pháp đo lường tỷ trọng kinh tế số
trong GDP, tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành lĩnh vực. Chất lượng dịch vụ
công trực tuyến còn chưa cao. Phát triển hạ tầng số còn gặp nhiều khó khăn,
thách thức. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ
liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhân lực số vừa thừa vừa
thiếu, do đào tạo số lượng lớn nhưng chưa bảo đảm chất lượng. Công tác thông
tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc
gia nhiều nơi chưa được coi trọng, mang tính hình thức, chiếu lệ...[5]. Vì vậy, trong thời
gian tới Việt Nam cần tiến hành đồng bộ, toàn diện các giải pháp có trọng tâm,
trọng điểm, phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực góp phần đưa đất nước phát
triển nhanh và bền vững.
3. Một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tạo đột phá phát triển
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong toàn xã hội,
gắn đổi mới, sáng tạo khoa học, công nghệ với sự phát triển bền vững đất nước.
Đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, vận động trong toàn xã hội, trên các phương tiện thông
tin đại chúng để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hiểu
được ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung chuyển đổi số. Từ đó, đổi mới, có tư
duy đột phá, tầm nhìn chiến lược rõ ràng, thực hiện có lộ trình, an toàn, bền vững,
phù hợp với bối cảnh đất nước. Tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, phát
huy mọi nguồn lực thúc đẩy chuyển đổi số gắn liền với đổi mới, sáng tạo khoa học,
công nghệ; đồng thời, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào
tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách số. Do đó, mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp
cần nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số, công nghệ số, kinh tế số và lợi ích của
chuyển đổi số mạng lại để chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý, điều kiện, kỹ năng cần
thiết để thích ứng và sẵn sàng tham gia chuyển đổi số.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tạo
điều kiện thuận lợi thúc đẩy chuyển đổi số.
Tập
trung rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy định pháp luật
về công nghệ thông tin, truyền thông, về doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh nhằm
khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào các hoạt động nghiên cứu
phát triển, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, phát triển thương mại
điện tử, thanh toán điện tử, quản lý thuế và các dịch vụ xuyên biên giới. Hoàn
thiện chính sách, pháp luật bảo đảm an toàn, an ninh của các hoạt động kinh
doanh trên mạng, bảo vệ bí mật thông tin doanh nghiệp, khách hàng; tăng cường
cơ chế kiểm tra, giám sát, phân tích dữ liệu bảo đảm an ninh, an toàn cho hệ thống
thông tin, phòng, chống tội phạm mạng. Xây dựng, thử nghiệm cơ chế, chính sách
đặc thù để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình
kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng chiến lược,
kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng
doanh nghiệp cụ thể.
Thứ ba, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng số quốc gia đồng bộ.
Xây dựng
và phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng số quốc gia đồng bộ, hiện đại, rộng khắp
mọi miền đất nước nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối an toàn, hiệu quả, không trùng lặp,
lưu trữ, xử lý dữ liệu, thông tin, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn mạng.
Trong đó, cần chú trọng xây dựng hệ thống định danh, xác thực điện tử quốc gia
phục vụ cho giao dịch điện tử giữa người dân với các cơ quan nhà nước dễ dàng,
đơn giản và thuận lợi hơn. Xây dựng, phát triển nền tảng số cho từng ngành,
lĩnh vực cụ thể như: nông nghiệp thông minh, thương mại điện tử, đào tạo trực
tuyến, năng lượng thông minh, khám, chữa bệnh từ xa. Xây dựng, phát triển hệ thống
băng thông rộng khắp, nhất là ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, trung
tâm văn hóa, giáo dục đào tạo. Nâng cấp mạng di động 4G, 5G, mở rộng kết nối
internet khu vực và quốc tế. Xây dựng hệ thống hạ tầng thanh toán số quốc gia đồng
bộ, thống nhất nhằm thúc đẩy việc thanh toán không sử dụng tiền mặt, kiểm soát,
quản lý chặt chẽ các thanh toán trực tuyến. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, khuyến
khích doanh nghiệp, người dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng số.
Thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, nâng cao tiềm lực
khoa học công nghệ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế.
Chuyển đổi
số đồng nghĩa với chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi về con người, đòi hỏi
các doanh nghiệp cần tạo ra một hệ sinh thái thống nhất. Phát huy vai trò của
các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đi đầu
trong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số; khuyến khích, hỗ trợ doanh
nghiệp trong các ngành, lĩnh vực truyền thống, nhất là các doanh nghiệp vừa và
nhỏ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ
doanh nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số, ứng dụng công nghệ số để tạo ra
các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Hỗ trợ
các doanh nghiệp chuyển từ gia công, lắp ráp sang thiết kế, chế tạo sản phẩm mới
dựa trên những ứng dụng tiên tiến của khoa học công nghệ, làm chủ máy móc, làm
chủ công nghệ trong sản xuất và quản lý.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực đổi mới sáng tạo
quốc gia.
Đẩy mạnh
phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách
mạng công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế. Ưu tiên phát triển đội ngũ chuyên gia,
các nhà khoa học đầu ngành, chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số,
nhân lực quản trị công nghệ, quản lý, quản trị doanh nghiệp. Thường xuyên quan
tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh đổi mới nội
dung, chương trình đào tạo theo hướng phát triển tư duy sáng tạo, thích ứng với
môi trường khoa học công nghệ phát triển. Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở ứng
dụng công nghệ số, khuyến khích các mô hình đào tạo dựa trên nền tảng số. Có cơ
chế khuyến khích tổ chức doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo về công
nghệ số, phát triển và nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng về chuyển đổi số, kinh tế
số của đất nước. Quan tâm, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, đào tạo nghề cho
người lao động chuyển đổi công việc trong quá trình chuyển đổi số.
Kết luận
Chuyển đổi
số đã và đang tham gia tích cực trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp
phần thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Do đó,
với những giải pháp trên trong việc thúc
đẩy chuyển đổi số tạo đột phá phát triển sẽ là bước đi quan trọng để thực
hiện nền kinh tế số, xã hội số, mở ra cơ hội, thời cơ đối với Việt Nam. Đồng thời,
cũng là “bệ phóng” giúp Việt Nam vươn xa kết nối với bên ngoài, nâng cao năng lực
cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, hoàn
thành mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có công nghệ hiện đại, thu nhập
trung bình cao vào năm 2030.
Tài liệu tham khảo:
[1]
Châu
Anh (2023), Thực hiện trực tuyến các thủ tục
hành chính thiết yếu của ngành Giáo dục, https://dangcongsan.vn
[2] Ban Chấp hành Trung ương (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019
của Bộ Chính trị Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư,
https://tulieuvankien.dangcongsan.vn
[3] Bộ Thông
tin và Truyền thông (2022), Chuyển đổi số ngành y tế:
Xu hướng công nghệ, https://www.mic.gov.vn
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb.
Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[5] Mạnh Hùng (2023), Tạo đột phá hơn nữa trong công cuộc chuyển đổi số, https://dangcongsan.vn
[6] Tường Huy (2021), Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi
số quốc gia, https://dangcongsan.vn
[7] Hiền
Minh (2022), Hợp lực chuyển đổi số để phát triển kinh tế
số, https://baochinhphu.vn
[8] Tường
San (2023), Những con số ấn tượng về kết quả
chuyển đổi số của ngành giáo dục, https://giaoduc.net.vn
[9] Thủ tướng
Chính phủ (2020), Chỉ thị số 01/CT-TTg Về thúc đẩy phát triển
doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn
[10] Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg về Phê duyệt về Chương trình Chuyển đổi số quốc
gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn
[11] Phạm Tiếp
(2022), Chuyển đổi số liên tục đổi mới với tư duy đột phá,
tầm nhìn chiến lược, https://www.vietnamplus.vn
[12] Mạnh Tuyền (2023), Kết
quả Chuyển đổi số quốc gia năm 2023, http://caicachhanhchinh.gov.vn