
Giai cấp công nhân Việt Nam đổi mới, sáng tạo, đóng góp vào sự nghiệp
CNH, HĐH đất nước (ảnh news.vnanet.vn)
Đặt vấn đề
Biến đổi
ở giai cấp công nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là một xu hướng tất yếu.
Sự biến đổi ở giai cấp công nhân diễn ra trên nhiều phương diện: số lượng, chất
lượng (trình độ, ý thức kỷ luật lao động, ý thức chính trị...), nghề nghiệp, việc
làm, thu nhập và mức sống, chất lượng sống, thành phần kinh tế... có cả mặt
tích cực và tiêu cực. Trí thức hóa hay trí tuệ hóa công nhân là một xu hướng biểu
hiện của sự biến đổi tích cực về chất lượng giai cấp công nhân hiện nay. Có nhiều
yếu tố tác động tạo nên xu hướng biến đổi này ở giai cấp công nhân, bao gồm cả
yếu tố chủ quan và khách quan. Việc nghiên cứu xu hướng trí thức hóa ở giai cấp
công nhân và những yếu tố tác động đến xu hướng này có ý nghĩa thiết thực trong
xây dựng chính sách phù hợp nhằm xây dựng và phát triển toàn diện giai cấp công
nhân trong giai đoạn hiện nay.
1. Xu hướng trí thức hóa giai cấp công nhân ở Việt Nam
Sau gần
40 năm đổi mới, trong đó có hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục
xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, 04 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác xây dựng giai
cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh đạt được những kết quả quan trọng: có
sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, bước đầu hình thành đội ngũ công
nhân trí thức, có tay nghề, kỹ năng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển
kinh tế, xã hội của đất nước. Cho đến nay, công nhân nước ta đã có hơn 15 triệu
người, chiếm khoảng 15% dân số, 29% lực lượng lao động xã hội, tạo ra gần 70%
giá trị tổng sản phẩm xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng
giai cấp công nhân Việt Nam vẫn còn một số hạn chế về số lượng, chất lượng; một
bộ phận công nhân nước ta sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn hạn chế, thờ
ơ trước các sự kiện chính trị - xã hội, vận mệnh của dân tộc; việc đào tạo, bồi
dưỡng công nhân còn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường...[5].
Ngay từ
khi chịu tác động của cuộc Cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ nhất (cách mạng
1.0) thì trí thức hóa đã diễn ra ở giai cấp công nhân nhưng chưa biểu hiện rõ
thành xu hướng nổi bật. Ngày nay, trước tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học
- kỹ thuật, nhất là trước tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã cho thấy tri thức
và công nghệ đã tạo ra sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế; đồng thời thúc đẩy
không ngừng xu hướng trí thức hóa công nhân.
Trí thức
hóa công nhân không có nghĩa là biến công nhân thành trí thức và ngược lại, mà
được hiểu là xu hướng nâng cao trình độ tri thức khoa học, đặc biệt là tri thức
khoa học chuyên ngành, nhằm giúp nâng cao trình độ tay nghề, năng suất lao động
cho giai cấp công nhân. Xu hướng trí thức hóa công nhân đã làm xuất hiện những
thuật ngữ mới dùng để chỉ giai cấp công nhân như: “công nhân tri thức”, “công
nhân - trí thức”, “trí thức - công nhân” hoặc “nông dân - công nhân”, công nhân
cổ cồn trắng, cổ cồn xanh, cổ cồn vàng, cổ cồn nâu...[3].
Xu hướng
trí thức hóa công nhân diễn ra mạnh hơn ở các nước phát triển, có quốc gia số
lượng công nhân trí thức đang là 71%[2]. Đi cùng với đó thì công nhân trí thức
sẽ có năng suất lao động cao hơn, được trả giá trị sức lao động cao hơn và xu
hướng trung lưu hóa cũng diễn ra nhanh hơn ở các nước phát triển so với các nước
đang phát triển. “Hiện có 408 triệu công nhân trong các nước phát triển và số
còn lại (khoảng hơn 1.100 triệu) là ở các nước đang phát triển... Năm 2017, ILO
xếp hạng năng suất lao động thông qua so sánh việc tạo ra giá trị mới của một
lao động/năm ở một số nước phát triển: công nhân Mỹ tạo ra 63.885USD/người/năm;
công nhân Ai-len là 55.986USD/ người/ năm; công nhân Bỉ là 55.235USD/ người/
năm; công nhân Pháp là 54.609USD/ người/ năm...”(3).
Ở Việt
Nam, xu hướng trí thức hóa công nhân có một số đặc điểm là:
Ở các
doanh nghiệp FDI sẽ diễn ra nhanh hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác, bởi
vì doanh nghiệp FDI đầu tư khoa học - công nghệ hiện đại hơn.
Diễn ra ở
đội ngũ công nhân trẻ nhanh hơn vì họ là lực lượng tiếp cận nhanh với khoa học
- công nghệ mới.
Diễn ra ở
đội ngũ công nhân nam nhanh hơn so với đội ngũ công nhân nữ vì công nhân kỹ thuật
chủ yếu là nam giới.
Sẽ phụ
thuộc vào xu hướng biến đổi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Những yếu tố tác động đến xu hướng trí thức hóa giai cấp công nhân Việt
Nam hiện nay
Thứ nhất, quá trình toàn cầu hóa
Quá
trình toàn cầu hóa đã tạo sức cạnh tranh lớn hơn, không chỉ cạnh tranh trong nội
bộ giai cấp công nhân Việt Nam mà còn giữa công nhân Việt Nam với công nhân ở
các quốc gia khác. Điều này tạo động lực buộc giai cấp công nhân Việt Nam phải
không ngừng nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, trình độ chuyên môn, tay
nghề để tăng sức cạnh tranh trên thị trường lao động và việc làm.
Thứ hai, xu hướng hội nhập quốc tế
Bước
sang thế kỷ XXI, sự gia tăng xu thế toàn cầu hóa đã tạo điều kiện và thúc đẩy sự
hình thành các hiệp định thương mại đa phương thế hệ mới (FTA thế hệ mới). Từ
năm 2016 đến nay, Việt Nam tích cực tham gia vào các FTA thế hệ mới, trong đó
đáng chú ý là hiệp định EVFTA và CPTPP. Việc tham gia các FTA thế hệ mới đã mở
rộng thị trường, tạo nhiều ngành, nghề, lĩnh vực hoạt động mới; do đó đã tạo
nhiều việc làm và việc làm mới cho công nhân. Đồng thời, các FTA thế hệ mới
cũng đặt ra yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn đối với thương mại hàng
hóa và dịch vụ... về môi trường, phát triển bền vững mà công nhân tạo ra và
tiêu chuẩn lao động. Do đó, các FTA thế hệ mới có tác động rất lớn đến giai cấp
công nhân, đòi hỏi công nhân phải nắm vững những quy định mới mà các FTA truyền
thống chưa đề cập đến; phải cập nhật những tri thức khoa học - công nghệ mới để
ứng dụng vào sản xuất, tạo ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và có sức cạnh
tranh cao trên thị trường lớn hơn.
Thứ ba, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước
Công cuộc
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch
cơ cấu kinh tế với tốc độ nhanh hơn, quy mô lớn hơn và tính chất phức tạp hơn
trên tất cả các phương diện dẫn đến sự xuất hiện đội ngũ công nhân làm việc ở
những ngành nghề mới như: dầu khí, tin học, điện tử, viễn thông, chế tạo vật liệu
mới... Đồng thời cũng làm tăng nhanh đội ngũ công nhân ở nhiều ngành dịch vụ
công nghiệp như: ngành tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, du lịch,
chuyển giao kỹ thuật, đầu ra cho các sản phẩm... Đây là những ngành nghề đòi hỏi giai
cấp công nhân nước ta phải không ngừng nâng cao trình độ văn hoá, chuyên
môn, tay nghề, ngoại ngữ, khả năng tiếp thu nhanh những tri thức tiên tiến, những
công nghệ sản xuất hiện đại, có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao đối với
công việc, tác phong công nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp. Để thực hiện được mục
tiêu này, Việt Nam cần phải đi tắt đón đầu bằng khoa học - công nghệ và chuyển
đổi số.
Nhiều
công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng: hiện nay số lượng công nhân có trình độ
cao đẳng, đại học, sau đại học tăng lên đáng kể ở các ngành nghề và các thành
phần kinh tế. “Đến năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 27,2%, trong đó
trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm khoảng 17%, chủ yếu làm việc trong các
lĩnh vực công nghệ cao, như dầu khí, điện lực, điện tử viễn thông, công
nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ hóa học, sinh học...” (5).
Thứ tư, sự tác động của cuộc Cách mạng khoa học - kỹ thuật lần
thứ tư
Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) tập trung vào công nghệ kỹ thuật số
đã cho phép chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số; cung cấp cơ hội, khả
năng cạnh tranh gần như vô hạn để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững. Điều
này mang lại nhiều cơ hội cho giai cấp công nhân như: tạo nhiều việc làm mới,
đa dạng và chất lượng cao trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ số (lập
trình, thiết kế, phân tích, quản lý, tư vấn...); tận dụng các nền tảng số để học
hỏi, giao lưu, hợp tác trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chuyển đổi số sẽ làm giảm
hoặc biến mất một số công việc truyền thống, loại bỏ dần công nhân có trình độ
thấp, hạn chế trong tiếp cận công nghệ mới ra khỏi guồng máy công nghiệp, gây
áp lực về mặt tâm lý và sức khỏe cho người lao động. Điều này đòi hỏi giai cấp
công nhân Việt Nam phải thay đổi phương thức làm việc, nắm bắt cơ hội, phải
liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng và sáng tạo để ứng dụng các công nghệ số
vào công việc hiệu quả.
3. Một số giải pháp đề xuất nhằm thúc đẩy xu hướng trí thức hóa công nhân
ở Việt Nam trong thời gian tới
3.1. Giải pháp từ phía công nhân
Giai cấp công nhân phải tự ý thức được trách nhiệm và sự cần
thiết của bản thân trong việc vươn lên làm chủ khoa học, kỹ thuật và công nghệ
mới, là quá trình tự thân vận động.
Trong điều
kiện của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi người công nhân phải biết
thay đổi và biết thích nghi nhanh hơn. Chính vì vậy, để đẩy nhanh tốc độ trí thức
hóa thì trước tiên giai cấp công nhân phải tự nâng cao trình độ tri thức khoa học
công nghệ cho bản thân.
Muốn vậy,
giai cấp công nhân Việt Nam cần tích cực, chủ động trong việc tự đào tạo, bồi
dưỡng bằng việc chủ động tiếp cận, học hỏi các chuyên gia và những công nhân có
chuyên môn giỏi để nắm bắt những công nghệ mới, cập nhật và nâng cao sự hiểu biết
những tri thức khoa học tiên tiến, tay nghề.
Đồng thời,
công nhân cần chủ động tự học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, chuyển
đổi số, kỹ năng mềm, hiểu biết về chế độ, quy định, chính sách mới về quyền và
trách nhiệm bản thân khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, làm chủ tri thức
khoa học nhằm thích ứng tốt với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
3.2. Giải pháp từ góc độ nhà quản lý, lãnh
đạo
Cần cải cách triệt để hệ thống giáo dục và đào tạo chuyên
môn, nghiệp vụ và tay nghề cho giai cấp công nhân
Cụ thể:
Cần phải
bắt đầu từ sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục phổ thông và đào tạo nghề,
làm cơ sở cho việc đào tạo bậc đại học chuyên ngành và lao động chất lượng cao
theo yêu cầu hiện đại phù hợp với những đòi hỏi của nền kinh tế tri thức: không
chỉ nắm vững công nghệ đã có hay đã chín muồi mà còn phải làm chủ công nghệ mới,
phải biết sáng tạo ra công nghệ mới, đề xuất cái mới. Vì vậy ngay từ cấp học phổ
thông cần phải chuẩn bị cho học sinh trở thành những người lao động sáng tạo bằng
cách tăng thời gian thực nghiệm, gắn lý thuyết với thực hành; các cơ sở đào tạo
nghề phải cập nhật những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất đưa vào giảng dạy,
có hệ thống trung tâm thực nghiệm, đưa học sinh đi thăm quan và trao đổi tại
các trung tâm công nghệ cao, khu thực nghiệm công nghệ cao.
Quy hoạch
lại các trường dạy nghề, đào tạo công nhân theo chiến lược kinh tế - xã hội và
cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý mới.
Kế hoạch
hoá dạy nghề một cách tổng hợp, đồng bộ nhằm thực hiện sự cân đối trong nội bộ
hệ thống giáo dục cũng như giữa hệ thống đào tạo và hệ thống kinh tế, giữa đào
tạo và sử dụng. Coi trọng và quan tâm hơn nữa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất -
kỹ thuật cho các trường dạy nghề, chăm lo đời sống của cán bộ, giáo viên và học
sinh trong các trường dạy nghề.
Đổi mới
chương trình, cải cách nội dung, phương pháp đào tạo và hiện đại hoá công tác
đào tạo của các trường nghề và các trung tâm dạy nghề theo hướng công nhân giỏi
một nghề, biết thêm một vài nghề khác, lý luận gắn với thực hành, tạo điều kiện
để học sinh làm quen với sản xuất công nghiệp, với đời sống công nhân, với các
lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước.
Có chính
sách khuyến khích, thu hút để tuyển chọn được một bộ phận thanh niên ưu tú, học
sinh giỏi từ các trường phổ thông vào các trường dạy nghề. Chỉ có như vậy,
trong tương lai chúng ta mới có một đội ngũ công nhân giỏi; từ đó tuyển chọn và
đào tạo được những cán bộ quản lý, lãnh đạo giỏi xuất thân từ công nhân.
3.3. Giải pháp từ phía xã hội
Một là, nâng cao trách nhiệm xã hội trong việc đào tạo, bồi
dưỡng công nhân
Cần ban
hành hệ thống chính sách nhằm huy động các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp thuộc
tất cả các thành phần kinh tế, các ngành, các địa phương đều phải có nghĩa vụ
và trách nhiệm đầu tư vào công tác đào tạo và bồi dưỡng công nhân - khâu quan
trọng nhất của quá trình tái sản xuất; phải dành ngân sách và đóng góp vào quỹ
dạy nghề, đào tạo công nhân; tổ chức tốt việc bổ túc văn hoá và đào tạo nghề
trong phạm vi doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất... Đây chính là thực hiện
xã hội hoá công tác đào tạo, nâng cao trình độ học vấn và tay nghề cho công
nhân, trí thức hoá đội ngũ công nhân.
Hai là, không
chỉ chăm lo, đầu tư về ngân sách mà cần có sự kết nối chặt chẽ, thường xuyên giữa
cơ sở sản xuất, doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhằm gắn lý luận
với thực tiễn, gắn đào tạo với thực tiễn yêu cầu sử dụng công nhân và người lao
động của xã hội.
3.4. Giải pháp từ phía doanh nghiệp
Một là, doanh nghiệp cần đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ
nhiệm cán bộ xuất thân từ công nhân để có thực tiễn trong công tác lãnh đạo, quản
lý doanh nghiệp; đồng thời có đóng góp vào quan điểm và chính sách trí tuệ hóa
giai cấp công nhân Việt Nam của Đảng, Nhà nước.
Đội ngũ
cán bộ xuất thân từ công nhân sẽ là những người am hiểu thực tiễn một cách sâu
sắc. Họ thấu hiểu những bất cập, những khó khăn, thách thức và cả thời cơ đối với
giai cấp công nhân Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với
phát triển kinh tế tri thức, bối cảnh của thời đại; từ đó có những ý kiến đóng
góp vào quan điểm và chính sách trí tuệ hóa giai cấp công nhân Việt Nam của Đảng,
Nhà nước ta một cách sát với thực tiễn, mang tính khả thi.
Hai là, doanh nghiệp phải coi trọng việc đào tạo và đào tạo
lại nhằm nâng cao trình độ, năng lực trí tuệ, tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ,
văn hoá, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp cho công nhân.
Việc đào
tạo và đào tạo lại cho công nhân nhằm giúp họ nhanh chóng có điều kiện tiếp
thu, làm chủ công nghệ mới, có cơ hội tìm được việc làm, để nâng cao năng suất
lao động, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đủ sức cạnh
tranh với thị trường trong và ngoài nước. Đầu tư vào công tác đào tạo công nhân
là một hướng đầu tư vào chiều sâu cơ bản và có hiệu quả nhất, cả về kinh tế, xã
hội, chính trị của doanh nghiệp. Yêu cầu của nền sản xuất hiện đại đòi hỏi
doanh nghiệp phải có một đội ngũ công nhân vững vàng cả về lý thuyết lẫn tay
nghề, nắm vững công nghệ hiện đại.
Kết luận
Trí tuệ
hóa giai cấp công nhân làm hình thành đội ngũ công nhân trí thức, làm gia tăng
chất lượng và cơ hội cho giai cấp công nhân Việt Nam. Xu hướng này ngày càng
phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về xu hướng
này chưa thực sự phong phú, đa dạng. Việc tiếp tục nghiên cứu xu hướng này để
có những định hướng và chính sách phù hợp, thiết thực nhằm xây dựng, phát triển
giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại trong thời gian tới là yêu cầu cấp bách và
lâu dài của công tác lý luận hiện nay.
Tài
liệu tham khảo:
[1] Nguyễn Việt Dũng, Xu hướng vận động, phát triển và một số giải pháp xây
dựng giai cấp công nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu hiện nay,
https://www.tapchicongsan.org.vn
[2] Nguyễn
An Ninh, Những nhận thức mới về giai cấp
công nhân hiện nay.
https://www.tapchicongsan.org.vn
[3] Nguyễn
Viết Thảo, PGS.TS. Nguyễn An Ninh, Năm xu hướng
biến động của giai cấp công nhân trên thế giới hiện nay, Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. https://hdll.vn
[4] Ngân
hàng Thế giới, Báo cáo phát triển nhân lực
năm 2002.
[5] Xây
dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, https://www.tapchicongsan.org.vn