
Hội thảo
xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới (nguồn news.vnanet.vn)
Đặt
vấn đề
Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo là
một dấu ấn đậm nét trong phong cách Hồ Chí Minh. Ở Hồ Chí Minh có sự thống nhất
và nhất quán, hoà quyện giữa tư duy với hành động, giữa phong cách với đạo đức
và tư tưởng. Khơi dậy tư duy độc lập, tự
chủ, sáng tạo thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc theo
tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo
phù hợp.
1. Nội
dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về tư
duy độc lập, tự chủ, sáng tạo
Tư duy độc lập, tự chủ của Hồ Chí
Minh thể hiện trong việc tìm kiếm, lựa chọn mục tiêu, con đường, cách thức tiến
hành cách mạng để đi tới thắng lợi. Hồ Chí Minh chỉ ra một trong những nguyên
nhân dẫn đến mất độc lập, tự chủ, sáng tạo ở thuộc địa là do “Một nước cậy có sức
mạnh đến cướp một nước yếu, lấy võ lực cai trị dân nước ấy, và giành hết cả quyền
kinh tế và chính trị. Dân nước ấy đã mất cả tự do độc lập, lại làm ra được bao
nhiêu thì bị cường quyền vơ vét bấy nhiêu”[3,
tr.286]; Chúng lại “làm cho dân quen tính ỷ
lại, mà quên tính tự cường”[3, tr.282]. Dân tộc muốn giành lấy độc lập, tự cường, xoá đi kiếp nghèo
nô lệ phải đồng tâm hiệp lực làm cách mạng: “Cách mệnh là
phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”[3,
tr.284].Đấu tranh
giành độc lập và cải biến xã hội cũ thành xã hội mới là trách nhiệm của mỗi người
dân, cũng như“Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”[6,
tr.232], Đảng Cộng sản đóng vai trò là người
lãnh đạo, dẫn dắt sự nghiệp cách mạng.
Lênin và Quốc tế III đánh giá cao
vai trò thuộc địa, “Lênin là người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một thời đại mới,
thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa”[3, tr.234], xem cách mạng
ở chính quốc có vai trò quan trọng quyết định tới sự thắng lợi của cách mạng ở
thuộc địa. Song, với tư duy độc lập,
sáng tạo khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cách mạng ở thuộc địa,
Hồ Chí Minh cho rằng thuộc địa đóng vai trò quan trọng trong cách mạng vô sản,
phải có sự phối hợp giữa cách mạng chính quốc với thuộc địa. Người ví: “Chủ
nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc
và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy,
người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi...”[3, tr.130]. Người xem chủ nghĩa tư bản như một con rắn độc, nọc độc và sức sống của
nó tập trung ở thuộc địa hơn là chính quốc, do vậy chớ đánh rắn đằng đuôi. Người
còn cho rằng cách mạng ở thuộc địa có thể nổ ra và giành được thắng lợi trước
cách mạng ở chính quốc, vì: “trong khi
thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế
quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải
phóng hoàn toàn[2, tr.48]; “An Nam dân tộc cách mệnh thành
công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách
mệnh cũng dễ”[3, tr.287].
Cách mạng là đổi mới, sáng tạo.
Sáng tạo cần từ bỏ cái cũ kỹ, lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp: “Đời sống mới
không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà
xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp
lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta
phải làm”[5, tr.112-113]. Sáng tạo là sự tìm tòi, đưa ra cái
mới, là sự thay đổi vượt ra khỏi cái cũ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra,
đúng với quy luật khách quan và quy luật phát triển của nhân loại. Cái mới có sự
kế thừa cái cũ, vượt lên cái cũ và bổ sung thêm nội dung mang giá trị mới mẻ.
Sáng tạo cũng là đào thải lạc hậu, bảo thủ, trì trệ ngay trong tư duy và hành động
để lựa chọn cách thức mới. Hồ Chí Minh khẳng định: “Độc lập
nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can
thiệp ở ngoài vào”[5, tr.162]. Song, độc lập, tự chủ ở đây không
phải là biệt lập, tách mình để cô lập mà là gắn liền với đoàn kết, hợp tác. Người
luôn xem “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mạng thế giới. Ai làm
cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”[3,
tr.329].
Trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”,
Người chỉ rõ “Cách làm là: dựa vào: Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để
gây: Hạnh phúc cho dân”[5, tr.556]. “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ
già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến
sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá”[5,
tr.556].
Khơi dậy
tư duy độc lập, khát vọng phát triển đất nước cần coi trọng sức
mạnh nội lực, phải“tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”; “không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác”[7, tr.445].Theo Hồ Chí
Minh, ngay cả khi muốn tranh thủ sự ủng hộ của lực
lượng quốc tế, phát huy sức mạnh thời đại cũng rất cần có
tinh thần chủ động, không thụ động trông chờ, đồng thời
không quên thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Hồ Chí Minh nêu cao khẩu hiệu: “Vận dụng
công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng
anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”[3 tr.138]; “Muốn vượt qua vòng nô lệ, chúng
ta chỉ có thể cậy vào sức của mình mà thôi”[3, tr.500]; “Việc ta ta phải gắng lo,
Chẳng nhờ trời phật, chẳng nhờ thần
linh.
Công nông mình cứu lấy mình”[3, tr.502].Coi trọng việc đấu tranh, tự giải phóng, phải “Đem sức
ta mà giải phóng cho ta”; “Phải trông ở
thực lực... Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng.
Chiêng có to tiếng mới lớn”[4, tr.147].Sức mạnh nội lực là nhân tố
quyết định thắng lợi và là cơ sở để bảo
đảm tiếp nhận ngoại lực đạt hiệu quả: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy
mình đã”; Người nhấn mạnh: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà
cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”[7, tr.445]. “Mỗi một người dân phải hiểu: có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự
do”[5, tr.553].
Phong cách tư duy độc lập, tự chủ,
sáng tạo độc đáo của Hồ Chí Minh được xuất phát từ yêu cầu khách quan của cách
mạng Việt Nam, trên nền tảng tư duy rộng mở, đứng trên lập trường chủ nghĩa Mác
- Lênin song không thành kiến với các trào lưu phi vô sản, luôn hướng tầm nhìn
ra thế giới, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ. Tư duy sáng tạo được thể hiện
thông qua hoạt động cụ thể, nắm được quy luật, vận dụng đúng quy luật, vận dụng
trên cơ sở nắm vững bản chất các sự kiện và các mối liên hệ bên trong, bên
ngoài. Vận dụng phù hợp với thực tiễn, đặc điểm tình hình. Đưa ra được chủ
trương, tìm được giải pháp, cách ứng xử hợp lý, sáng tạo đạt hiệu quả cao nhất.
Ngay sau năm 1945, công tác lãnh đạo,
quản lý đất nước còn mới mẻ, để thi hành và giải quyết có hiệu quả trong công
việc, Hồ Chí Minh đã viết bài “Tinh thần tự động trong uỷ ban nhân dân” chỉ rõ:
“Tự động là không phải tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết
thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú... Nhưng tự động không phải là tự tiện... các nhân
viên trong các Uỷ ban nhân dân phải rèn cho có một tinh thần tự động mạnh mẽ,
nhưng phải bỏ tính cái gì cũng tự tiện”[4, tr.44-45]. Người cho rằng trong sáng tạo rất cần làm việc có
kế hoạch, khéo sắp đặt công việc.
Nếu “Chia công việc không khéo thành ra bao biện”, “sắp đặt công việc không
khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng”[4, tr.42]. Sáng tạo
trong cách dùng người, quản lý, sử dụng nhân lực: “Việc dùng
nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe... Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về
việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì
thiếu cán bộ... Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ,
cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn
nữa”[4; tr.43].
Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo được thể hiện ở sự chủ động,
tích cực, dám nghĩ, dám làm. Hồ Chí Minh đã
từng nhắc nhở: Không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo, mà
phải so sánh, phân tích, chọn lấy ý kiến đúng. Việc nhận thức dám đưa ra quan điểm, chính kiến riêng một
cách đúng đắn cũng như đấu tranh
bảo vệ quan điểm đó, không phụ thuộc vào người khác, không ngại
khó, ngại khổ; kiên trì, quyết tâm thực hiện
mục tiêu, kế hoạch đặt ra. Đồng thời, muốn thực hiện được mục tiêu, mục đích đòi hỏi phải có sự trăn trở,
tìm tòi, sáng tạo, đề xuất được những cách thức hay,
những phương án tối ưu để thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. Cán bộ, đảng viên phải là những người “vừa hồng, vừa chuyên”, có đạo đức cách mạng, có
tinh thần anh dũng, gương mẫu, chịu đựng gian khổ, hi sinh và có năng lực thực
hiện nhiệm vụ được giao. Cũng từ phẩm chất chính trị ấy giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu
trách nhiệm, “có
gan phụ trách” trong công việc được giao.
Muốn rèn luyện và
thực hành phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, phải thường xuyên học hỏi,
không xa rời thực tế, xa rời quần chúng. Trong công việc phải điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng, không
đại khái, chung chung; lắng nghe ý kiến
của mọi người, nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình. Người thường lưu ý đối với cán bộ, đảng viên khi thấy cách
tổ chức và cách làm nào không phù hợp với quần chúng thì phải kịp thời đề nghị
lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Muốn cho dân
chúng thẳng thắn bày tỏ ý kiến,
cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói, phải mở rộng dân chủ, phải biết phát huy sáng kiến.
Hồ Chí Minh cũng chỉ rõnguy
hại của bảo thủ vì nó trói buộc, ngăn trở sự tiến bộ. Người luôncổ vũ, khuyến khích tinh thần đổi mới, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm; nói đi đôi với làm, trong đó cán bộ, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng trong việc chủ động,
kiên quyết khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, tránh đi theo đường mòn lối cũ, chậm đổi mới, thiếu
chí tiến thủ, quả cảm.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc,
để hiện thực hoá khát vọng hùng cường của dân tộc, cần khơi dậy tư duy độc lập,
tự chủ, sáng tạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn lấy thực tế Việt Nam làm điểm
xuất phát, lấy cải tạo, xây dựng xã hội mới làm mục tiêu hành động. Việt Nam
đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tích cực chủ động hội nhập quốc tế
sâu rộng, phát triển đất nước mạnh mẽ dưới sự tác động của khoa học công nghệ
thời kỳ Cách mạng 4.0; thực hiện từng bước khát vọng xây dựng Việt Nam phồn
vinh hạnh phúc tầm nhìn 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại,
thu nhập trung bình cao và định hướng đến năm 2045 trở thành nước phát triển,
thu nhập cao[1, tr.112].
2. Giải pháp
khơi dậy tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo để phát triển đất nước trong kỷ
nguyên mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ nhất, tiếp tục
đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền trong toàn Đảng, toàn dân về việc học tập, làm
theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó nhấn mạnh
phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo.
Giáo dục, tuyên truyền cần tổ chức
thường xuyên với nội dung phong phú, sinh động, đa dạng về hình thức phù hợp với
trình độ nhận thức của các đối tượng khác nhau trong việc cụ thể hoá Chỉ thị 05
của Bộ Chính trị ngày 15/5/2016; Kết luận 01 của Bộ Chính trị ngày 18/5/2021; Kết
luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng
động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng
viên và nhân dân không chỉ về nội dung, giá trị, ý nghĩa to lớn của tư tưởng Hồ
Chí Minh mà còn tập trung khơi dậy tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, về khát vọng
phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức rõ bổn phận, trách nhiệm
của mỗi cá nhân, tổ chức về trách nhiệm của mình trong xây dựng, phát triển đất
nước phồn vinh, hạnh phúc: “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm
tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và
khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc”[1, tr.47]. Nêu cao ý thức tự giác không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, năng lực
tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo theo phong cách Hồ Chí Minh nhằm nâng cao
năng lực, trình độ, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tổ chức trong xử lý,
giải quyết công việc đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn.
Hai là, tăng cường
vai trò lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính
trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch,
vững mạnh. Nâng cao năng lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức
chính trị - xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết, hợp tác
quốc tế nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng. Xây dựng kinh tế vững
mạnh, văn hoá phát triển, quốc phòng, an ninh vững chắc, phát huy nội lực,
tranh thủ tối đa ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hội
nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng để hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước.
Đổi mới để vươn lên, đẩy lùi nguy
cơ, vượt qua khó khăn thách thức cần có sự đột phá mạnh mẽ về chất lượng nguồn
nhân lực, nhất là trí tuệ, phẩm chất, năng lực tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo
của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó cán bộ cấp chiến lược đóng vai trò quan
trọng quyết định. “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong
chiến lược phát triển đất nước” [1, tr.91]. Phát huy tính tích cực cũng như quyền và trách nhiệm của nhân dân trong
xây dựng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Động
viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế, quản lý phát triển xã hội.
Ba là, các cấp uỷ
đảng, chính quyền, đoàn thể cần tạo điều kiện, xây dựng môi trường, thực hành tốt
công tác mở rộng dân chủ.
Điều này
làm cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng phát huy tư duy độc lập, tự chủ, sáng
tạo, thực hiện nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn, phát huy năng lực,
sở trường mỗi người trong mỗi tổ chức làm cho sáng kiến nảy nở, trọng dụng tài
năng. Phát huy vai trò nêu gương, nhất
là người đứng đầu các cấp uỷ đảng, chính quyền trong việc tu dưỡng, thực hành
xây dựng ý chí, khát vọng phát triển bản thân và tổ chức của mình. Coi trọng tổng
kết, kiểm tra, đánh giá, phát hiện nhân tố mới, sáng tạo, điển hình. Công tác động
viên khen thưởng, kỷ luật cần chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, nghiêm
túc, có tác dụng nêu gương hoặc răn đe, không hình thức.
Bốn là, đẩy mạnh
quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hiệu quả.
Cần giải quyết thực trạng yếu kém về
năng lực, trình độ chuyên môn, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống ở một bộ
phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ,
kém về lý thuyết và lý luận, xa rời thực tiễn; thiếu tu dưỡng, rèn luyện nâng
cao trình độ, nói và làm thiếu nhất quán; máy móc, giáo điều, chưa linh hoạt,
sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành.
Tư duy độc lập, tự chủ chính là
không phụ thuộc, lệ thuộc, không bắt chước, theo đuôi, giáo điều, tránh lối
mòn, dập khuân, máy móc; luôn trăn trở, tìm tòi, làm chủ suy nghĩ, làm chủ bản
thân, làm chủ công việc của mình, có ý thức trách nhiệm trước đất nước, trước
dân tộc. Sáng tạo là vận dụng đúng quy luật chung cho phù hợp với cái riêng, đặc
thù; từ bỏ cái cũ đã lạc hậu, đã sai, nghiên cứu tìm tòi cái mới giải đáp được
những đòi hỏi của thực tiễn đặt ra. Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo đòi hỏi phải
có bản lĩnh vững vàng, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước
nhân dân, Tổ quốc, Đảng; Ít lòng tham muốn về vật chất, không ba phải, không
“theo gió bẻ buồm”, “đập đi, hò đứng”, không có chính kiến, không có khí khái,
có gan chống lại vinh hoa phú quý không chính đáng.
Năm là, xây dựng
và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của
tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo,
dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cần khắc phục được tình trạng
e ngại, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Cụ thể hoá chủ trương khuyến khích và bảo vệ
cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung. Có cơ chế
thúc đẩy tư duy đột phá, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm,
dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[1, tr.192]. Chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, hình thức; bảo đảm
quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo phải trở thành nội dung, yêu cầu bắt buộc, là
một tiêu chí để bình xét, xếp loại thi đua, khen thưởng, phân loại cán bộ, đảng
viên; là nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, gắn với các cuộc vận động,
phong trào thi đua yêu nước và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết
các vấn đề nổi cộm ở địa phương, đơn vị. Việc học tập và làm theo phải
trở thành nghĩa vụ, bổn phận bắt buộc, được quy định thành nội quy, quy chế cụ
thể.
Kết luận
Hành trang Việt Nam bước vào kỷ
nguyên vươn mình, tạo vị thế mới với nhiều kỳ tích quan trọng là khơi dậy và
phát huy cao độ tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, là sức mạnh nội lực và là nguồn
động lực quan trọng để xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững nhằm nâng
cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đồng thời “góp phần xứng đáng
vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Tài
liệu tham khảo:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính
trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập
1, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập
2, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập
4, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập
5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập
6, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập
7, Nxb. Chính
trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.