
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động,
tại đây Người đã sáng lập tờ Thanh niên (1925)_Ảnh: IT
1. Mở đầu
Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng giải phóng dân
tộc. Trên hành trình tìm đường cứu nước, Người nhận thấy báo chí là vũ khí mạnh
mẽ của cách mạng. Trải qua các công việc, từ làm người bán báo, người phát hành
báo, trực tiếp viết báo và làm chủ bút với nhiều bút danh, Nguyễn Ái Quốc có
nhiều kinh nghiệm làm báo và tư tưởng của Người về báo chí là một hệ thống
những quan điểm toàn diện và sâu sắc về lĩnh vực báo chí. Đồng thời, Người cũng
sớm định rõ tự do báo chí là một giá trị của độc lập dân tộc, tự do, dân chủ
của nhân dân và đấu tranh quyết liệt để giành quyền tự do báo chí, tự do ngôn
luận.
2.Nội dung
2.1. Nguyễn Ái
Quốc trở thành nhà báo từ yêu cầu của quá trình tìm đường cứu nước và phát huy
vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng
Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đặt tự do
báo chí, tự do ngôn luận là một giá trị của độc lập, tự do, do vậy đấu tranh
giành quyền này là mục tiêu mà cách mạng hướng đến. Từ thực tiễn hoạt động và
kinh nghiệm trong việc sử dụng báo chí để thực hiện các mục tiêu đấu tranh cách
mạng, Hồ Chí Minh hiểu rất rõ bản chất “tự do báo chí” của chế độ tư bản và do
đó đã sớm tìm kiếm cách thức để xây dựng các cơ quan báo chí cách mạng.
Người đã vạch trần bản chất của “nền tự do” đó, thực chất trong xã
hội tư bản “quyền tự do” đó là chỉ trong phạm vi hạn hẹp và đối với đa số thì
lại không có tự do; báo chí không bao giờ hướng tới quần chúng lao động.
Ngay từ giữa năm 1919, thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước,
Nguyễn Ái Quốc đã ký gửi Yêu sách của nhân dân An Nam 8 điểm
đến Hội nghị hòa bình của các nước thắng trận tại Vécxây. Tại bản tuyên bố
chính trị đầu tiên của nhân dân Việt Nam, mở đầu cho cuộc đấu tranh đòi quyền
dân tộc cơ bản, quyền tự quyết thiêng liêng của dân tộc này, quyền tự do báo
chí là một trong 8 điểm mà người yêu cầu các nước thắng trận phải trả lại cho
nhân dân các thuộc địa.
Tại
Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (Pháp) tháng 12-1920, Nguyễn
Ái Quốc với tư cách là đại biểu Đông Dương, đã vạch
trần tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương, đặc biệt là chính sách ngu dân và
không có bất cứ quyền tự do nào, trong đó: “Chúng tôi không có quyền tự do báo
chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có”(1).
Trong tác phẩm Đông Dương (năm 1924), Người tố cáo mạnh mẽ tội ác của chế độ thuộc
địa. Trong đó, Người chỉ ra rằng, việc cấm đoán ngặt
nghèo các hoạt động báo chí là một tội ác vô cùng sâu xa, thâm độc: “Sự thật là
người Đông Dương không có một phương tiện hành động và học tập nào hết. Báo
chí, hội họp, lập hội, đi lại đều bị cấm… Việc có những báo hoặc tạp chí mang
tư tưởng tiến bộ một chút hoặc có một tờ báo của giai cấp công nhân Pháp là một
tội nặng”(2).
Bên cạnh đó, Người đã vạch trần tính chất phản động của chính sách
báo chí thực dân ở các nước thuộc
địa, “Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ
báo! (...) Không có lấy một tờ báo tiếng mẹ đẻ của chúng tôi. (...)
Mãi đến bây giờ, chưa có người An Nam nào được phép
xuất bản một tờ báo cả”(3).
Nhận thức
rõ vai trò của báo chí và sự cần thiết phải có những tờ báo để tuyên truyền
cách mạng, trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập
nhiều tờ báo: Người cùng khổ (Le Paria, năm 1922), Quốc tế Nông
dân (1924),… Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc)
hoạt động, tại đây Người đã sáng lập tờ Thanh niên (1925), sau
đó là các tờ Công nông (1925), Lính Kách mệnh (1925), Thân Ái (1928), Tạp chí
Đỏ (1929),…
Sự ra đời tuần báo Thanh niên tại Quảng Châu
21-6-1925 do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, tờ báo cách mạng vô sản đầu tiên bằng
tiếng Việt, đánh dấu mốc lịch sử sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam với sự kiện ra số đầu của
một tờ báo của người Việt Nam tại nước ngoài là một chỉ dấu tạo nên đặc điểm
rất riêng và cũng phản ánh sâu sắc bối cảnh vô cùng khó khăn của cách mạng Việt
Nam ở thời điểm lịch sử đó. Đồng thời, thể hiện ý chí quyết tâm của lãnh tụ
Nguyễn Ái Quốc về việc xuất bản một tờ báo cách mạng.
Điều này trước hết xuất phát từ nhận thức của Nguyễn Ái Quốc về
vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của báo chí trong công tác tuyên truyền tư
tưởng cách mạng, trong công tác tổ chức, vận động quần chúng.
2.2. Những hoạt
động báo chí của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu - Trung Quốc
Nhằm chuẩn bị những tiền đề đầu tiên cho cách mạng Việt Nam, tháng
6-1925, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Người đã
trực tiếp chỉ đạo mở các lớp huấn luyện những thanh niên yêu tú đưa từ trong
nước sang, và cũng là người trực tiếp giảng bài. Đồng thời cho xuất bản tuần
báo Thanh niên - Cơ quan ngôn luận của Hội.
Ngày 21-6-1925, số đầu tiên của tuần báo Thanh niên được phát
hành. Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 3-6-1926 của Nguyễn Ái Quốc đã
cho biết điều đó: “Ở đây, chúng tôi đã xuất bản tờ báo hàng tuần Thanh
niên”(4). Với sự kiện tờ báo cách mạng đầu tiên ra đời tại nước ngoài đã
phản ánh bối cảnh ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam là đất nước đang dưới ách đô hộ của thực dân
Pháp, với chính sách cai trị hà khắc, kiểm duyệt báo chí mang tính chất bóp
nghẹt. Trong bối cảnh khắc nghiệt đó, báo chí ngay từ khi ra đời đã thực hiện
tốt nhiệm vụ tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể, đóng góp
quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang vì độc lập, tự do của dân tộc. Đồng
thời, sự ra đời của các tờ báo và những hoạt động của báo chí của Nguyễn Ái
Quốc tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã đóng góp to lớn vào xây dựng mối gắn bó,
tình đoàn kết, hữu nghị giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc nói
riêng, cách mạng thế giới nói chung.
Tuần
báo Thanh niên ra tổng cộng được 208
số, số cuối cùng là tháng 5/1930, tờ báo có hai thời kỳ trong lịch sử phát
triển.
Thời kỳ thứ nhất, từ số 1 ra ngày 21-6-1925 đến số 88 tháng 4-1927
do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo, biên tập, in, phát hành với sự cộng tác
của Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn cùng một số thành viên của nhóm Cộng sản đoàn.
Thời kỳ thứ hai, từ tháng 4-1927 khi Nguyễn Ái Quốc rời Quảng
Châu, đi Liên Xô, các thành viên thuộc Ban Biên tập của Tổng bộ Hội Việt Nam
Cách mạng thanh niên tiếp tục chỉ đạo xuất bản cho đến tháng 5-1930, đã ra được
208 số. Báo Thanh niên có nhiệm vụ tuyên truyền tôn chỉ, mục đích của Hội Việt
Nam Cách mạng thanh niên, trình bày một số vấn đề cơ bản về đường lối chiến
lược và sách lược của chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng Việt Nam. Báo sử dụng
tiếng Việt, ra hằng tuần, mỗi số in khoảng 100 bản.
Trong 88 số đầu, được sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, báo Thanh
niên tập trung bài vở vào việc giáo dục lòng yêu nước, khơi sâu chí căm thù của
nhân dân đối với bọn đế quốc và phong kiến tay sai, giới thiệu Cách mạng Tháng
Mười Nga và nước Nga Xô viết. Từ số 89 trở đi, báo bắt đầu nêu những nguyên lý
cơ bản về xây dựng đảng vô sản kiểu mới, về yêu cầu thành lập chính đảng cộng
sản ở Việt Nam, phương hướng phát triển của cuộc vận động giải phóng dân tộc.
Bên cạnh đó, thống nhất với nội dung trên báo Thanh niên,
Tổng bộ còn xuất bản sách giới thiệu về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Tam Dân
của Tôn Dật Tiên. Đặc biệt là cuốn Đường cách mệnh của Nguyễn
Ái Quốc do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản đầu
năm 1927.
Báo Thanh niên có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc trực tiếp
tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị trong quá trình thành lập Đảng mà còn
có đóng góp to lớn cho xu hướng báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong thời gian này, hoạt động báo chí của các tổ chức cách mạng
Việt Nam ở Quảng Châu khá mạnh mẽ. Sau báo Thanh niên, lãnh tụ
Nguyễn Ái Quốc lập báo Công nông xuất bản từ tháng 12-1926 đến
đầu năm 1928. Ngày 01-10-1929 báo Búa liềm, cơ quan ngôn luận của
Đông Dương Cộng sản đảng ra số đầu tiên. Tháng 8-1929, Chi bộ An Nam Cộng sản
đảng ở Thượng Hải ra bảo Đỏ viết tay trên giấy sáp.
Kể từ tờ Thanh niên mở đường đến cuối năm 1929
báo chí cách mạng Việt Nam đã có trên 50 tờ báo và tạp chí là cơ quan của các
cấp hội của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và hai tổ chức cộng sản là Đông
Dương Cộng sản đảng và An Nam Cộng sản đảng. Hoạt động in ấn, xuất bản mở rộng
tại nhiều địa bàn ở Trung Quốc, Việt Nam và Xiêm.
Với vai trò là người tổ chức tập thể, báo Thanh niên trở
thành sợi dây kết nối, gắn kết mọi người dân yêu nước trong đó có cả các thành
viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thành một khối đoàn kết thống nhất.
Đối với phong trào đấu tranh chống thực dân ở Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch
sử lực lượng cách mạng đã xuất bản đều đặn một ấn phẩm định kỳ để giải thích
những nguyên tắc, những mục tiêu chỉ đạo, luôn quan tâm đến công tác cách mạng,
tuyên truyền tư tưởng cách mạng và đào tạo cán bộ. Các nội dung này đều có ảnh
hưởng lớn tới hoạt động của các chính đảng thời kỳ này như Hưng Nam, Tân Việt
và Việt Nam Quốc dân đảng.
Trên thực tế, cả Tân Việt và Việt Nam Quốc Dân đảng đều mượn những
khẩu hiệu cách mạng và kỹ thuật tổ chức như đã bàn luận trên báo Thanh
niên, điều đó có thể cho thấy rõ rằng báo Thanh niên đã có ảnh hưởng nhất
định đối với các đảng.
Những việc làm đó đã góp phần giúp cho tuần báo Thanh niên thực
hiện tốt sứ mệnh lịch sử của mình là tuyên truyền chuẩn bị về tư tưởng lý luận
và tổ chức cho việc ra đời các nhóm cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Việt
Nam trong đầu năm 1930.
Trong khi Tân Việt không xuất bản báo, Việt Nam Quốc Dân đảng phát
hành được một số báo Hồn nước rồi ngừng hẳn thì việc Hội Việt Nam Cách mạng
thanh niên sử dụng thành công, có hiệu quả cơ quan ngôn luận là phương tiện
truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam chính là điểm khác biệt vượt trội so
với các tổ chức chính trị cùng thời.
Không có báo chí thì không thể chuyển tải các chủ trương, quan
điểm đến tận các tổ chức cơ sở các hội viên, đặc biệt là trong điều kiện hoạt
động bí mật, trong sự cấm đoán gắt gao của chính quyền thực dân Pháp.
Nếu như ở Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc
bóc trần và lên án những hành động xấu xa bỉ ổi ở những thuộc địa của thực dân
Pháp thì trên Thanh niên và trong tác phẩm tiếp theo Đường
cách mệnh người cộng sản Việt Nam đầu tiên đã trình bày bản chất của
học thuyết Mác-Lênin và phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam
nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam tạo điều kiện cho việc kết hợp
phong trào công nhân, phong trào yêu nước với chủ nghĩa Mác-Lênin.
Nói cách khác, ở quyển sách đầu là thức tỉnh và sau đó là định
hướng cho hành động. Nội dung bao trùm của cả báo Thanh niên và Đường
cách mệnh đều phản ánh những tư tưởng chủ đạo: Quan điểm về cách mạng
và quan điểm về đảng cách mạng.
Những bài viết trên tờ Thanh niên thể hiện cụ thể
quan điểm về cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, được trình bày một cách rõ ràng và
hết sức mới mẻ khái niệm cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu
đổi ra cái tốt. Từ luận điểm này có thể thấy tính chất là một giai đoạn phát
triển hợp với quy luật của xã hội cách mạng mở ra bước ngoặt căn bản trong sinh
hoạt của xã hội, bước ngoặt này đưa tới sự lật đổ chế độ đã lỗi thời và thiết
lập một chế độ mới tiến bộ; chính quyền chuyển từ tay một giai cấp này sang một
tay của giai cấp khác tiến bộ hơn. Đây cũng chính là luận điểm có tính chất
phát minh về quy luật vận động xã hội của C.Mác - Ph.Ăngghen đã nêu ra.
Trong xã hội có giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột, cách mạng
nổ ra là điều không thể tránh được vì các giai cấp thống trị đã dùng pháp luật
và bộ máy nhà nước để giữ quan hệ sản xuất cũ, muốn mở đường cho xã hội phát
triển hơn nữa những giai cấp mới phải xóa bỏ chế độ nhà nước đang tồn tại, đồng
thời tiêu diệt hoàn toàn mọi hình thái của ách áp bức xã hội, tiêu diệt tình
trạng người bóc lột người, tiến tới xây dựng một xã hội mới xã hội xã hội chủ
nghĩa đó là cách mạng.
Nói cách khác, cuộc cách mạng bao gồm sự cải biến toàn bộ trật tự
chính chính trị, kinh tế và xã hội.
Trên báo Thanh niên đã diễn giải cách mạng là sự
biến đổi xấu thành tốt, đó là căn nguyên của mọi hoạt động, nhờ đó mà một dân
tộc bị áp bức được giải phóng trở nên giàu mạnh. Lịch sử các nước đã dạy chúng
ta rằng chỉ bằng con đường cách mệnh thì mới có thể tiến tới hình thành được
một chỉnh thể có nền giáo dục, công nghiệp, tổ chức phục vụ xã hội tốt đẹp hơn.
Báo Thanh niên chỉ rõ cách mạng gồm hai thời kỳ:
“thời kỳ tiêu vong” và “thời kỳ tái thiết” với nội dung chủ yếu của mỗi thời
kỳ: Mục đích của thời kỳ đầu là lật đổ chính phủ chuyên chế. Ở An Nam nơi mà
nhân dân bị chính quyền thực dân đối xử như con vật, bị bóc lột và bị áp bức,
cần phải dùng lối tuyên truyền khéo léo để thức tỉnh những người vô sản nam lẫn
nữ, khắc sâu trong họ nỗi khổ nhục nô lệ và tình đoàn kết, thống nhất họ thành
một khối vững mạnh, thôi thúc họ chống lại những tên bạo chúa và đưa họ giành
lại những quyền lợi đó của họ.
Sau khi đánh đuổi người Pháp ra khỏi bờ cõi, cần phải tiêu diệt
những phân tử phản cách mạng, xây dựng đường sá giao thông, phát triển thương
mại và kỹ nghệ, giáo dục nhân dân sống trong hòa bình và hạnh phúc.
Bên cạnh nội dung cách mạng, báo Thanh niên cũng
chỉ ra nguyên nhân người mình chưa làm cách mạng được đại ý là do: Nhân dân chỉ
biết có vua, ý niệm về Tổ quốc xa lạ đối với họ. Họ chỉ nói với mình rằng nhà
Đinh bị nhà Lê thay thế, nhà Lê kế tục nhà nhà Trần, cuối cùng là nhà Nguyễn
thay thế nhà Lê. Vua này bị vua khác thay thế nhưng Tổ quốc không được thay
thế. Nhân dân luôn tin rằng cách mệnh là điều gì đó nguy hiểm, họ không hiểu
rằng cách mạng có thể được tiến hành hoặc là bằng bạo lực hoặc hay là bằng đấu
tranh kinh tế. Nhân dân ta không biết rằng mỗi người dân đều có nghĩa vụ với Tổ
quốc. Họ cho rằng chỉ những người có bằng cấp, hiểu biết thơ văn mới có khả
năng làm cách mạng. Họ đổ cho số phận, chờ đợi ở Trời Phật. Từ việc chỉ ra cách
mạng là gì, qua đó xác định một cách cụ thể đối tượng cách mạng, lực lượng cách
mạng và con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Trước hết là vấn đề xác định kẻ thù hay nói một cách khác là vấn
đề phải thấy ai là đối tượng cách mạng. Đối với nhân dân Việt Nam, muốn giải
phóng dân tộc thì phải đánh đế quốc Pháp và tay sai phong kiến. Nhưng đánh kẻ
thù nào trước thì chủ trương của những nhà cứu nước đương thời chưa nhất trí.
Báo Thanh niên nhấn mạnh vì bị áp bức mà sinh ra cách mệnh cho nên
ai mà bị cái bệnh càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mạng càng
quyết. Khi trước tư bản bị phong kiến áp bức cho nên nó cách mệnh. Bây giờ tư
bản lại đi áp bức công nông nên công nông là chủ cách mệnh. Cách mạng xã hội
diễn ra khi nông dân và công nhân bị những ông chủ của họ từ chối tăng lương,
họ quyết định làm cách mạng chống lại sự phi lý đó và phân phối thu nhập công
bằng hơn giữa tư bản và vô sản.
Trong hàm ý đó, báo Thanh niên muốn nói với người
đọc là “hoàn cảnh hiện thời buộc người Việt Nam phải cách mạng quốc gia chứ
không phải làm cách mạng giai cấp”. Khái niệm cách mạng quốc gia và cách mạng
giai cấp trên chừng mực nào đó trùng với khái niệm cách mạng chính trị và cách
mạng xã hội đã nói ở trên và trùng với khái niệm cách mạng giải phóng dân tộc
cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa mà ta vẫn dùng hiện nay
Như vậy, từ chỗ các nhà yêu nước trước kia chỉ sử dụng phương pháp
tuyên truyền miệng, đi tuyên truyền trực tiếp trong dân chúng, chưa biết đến
đến viết báo, xuất bản báo thì nay đã sử dụng cách thức tuyên truyền hiện đại
là báo chí.
Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng quan điểm của V.I.Lênin: báo chí không
phải chỉ là người tuyên tuyền và cổ động tập thể, mà còn là người tổ chức tập
thể. Quan điểm chỉ đạo này đã được quán triệt sâu sắc như một nguyên tắc lãnh
đạo báo chí cách mạng Việt Nam. Do đó, báo chí trở thành công cụ tuyên truyền
đường lối cách mạng, cổ động quần chúng thực hiện các khẩu hiệu hành động trong
các phong trào cách mạng, đoàn kết toàn dân, trước hết là công nhân, nông dân.
Báo chí cách mạng tham gia tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác -
Lênin, đường lối của Quốc tế Cộng sản, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; đấu
tranh với các tư tưởng chính trị sai trái, chính sách phản động của chủ nghĩa
đế quốc Pháp và tay sai. Mặc dù chính quyền thực dân truy lùng, khủng bố gắt
gao những người lưu truyền báo chí cách mạng, song báo chí cách mạng vẫn được
duy trì hoạt động và phát triển.
Như vậy, trong quá trình vận động thành lập chính đảng vô sản ở
Việt Nam, các đảng viên chuyển biến về nhận thức, tư tưởng, thấm nhuần quan điểm của lãnh tụ
Nguyễn Ái Quốc về vai trò của báo chí cách mạng.
Kể
từ tuần báo Thanh niên (6-1925), báo chí cách mạng đã tuyên
truyền những luận điểm của Nguyễn Ái Quốc về cách mạng Việt Nam thể hiện trong
đường lối chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng thanh
niên dưới hình thức nghiên cứu lý luận, lịch sử hay tác phẩm văn học, nghệ
thuật, tin tức thời sự, công khai trực tiếp hay kín đáo, gián tiếp.
Báo chí cách mạng tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, học
thuyết có sức sống trong thực tiễn đấu tranh của các dân tộc ở Đông Dương, có
khả năng kết hợp nhuần nhuyễn giữa đặc điểm hiện tại với truyền thống lịch sử
dân tộc. Những văn bản quan trọng của Quốc tế Cộng sản và các tổ chức trực
thuộc quốc tế và cách mạng thế giới, về khu vực thuộc địa, đặc biệt là về cách
mạng Đông Dương được giới thiệu, trích dịch hoặc đăng bản dịch toàn văn trên
các báo chí cách mạng thông tin trong đông đảo dân chúng, phối hợp hành động,
ủng hộ cách mạng quốc tế.
Báo chí tuyên truyền những thành tựu của công cuộc xây dựng xã hội
chủ nghĩa của Liên Xô. Những nghị quyết của đại hội và hội nghị của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô được trích đăng. Nhiều bài báo tuyên
truyền cho sự gắn bó giữa cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam với giai cấp
công nhân và Đảng Cộng sản Pháp; gắn bó với phong trào giải phóng dân tộc các
nước, trước hết là phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Á và các thuộc
địa của chủ nghĩa đế quốc Pháp.
Báo chí cách mạng quán triệt tính cách mạng, đứng vững trên lập trường
giai cấp vô sản, giáo dục, thuyết phục quần chúng tiến lên dưới ngọn cờ cộng
sản
Báo chí cách mạng nhận diện, phân biệt rõ con đường cách mạng của
giai cấp vô sản và con đường phi vô sản. Báo chí phản ánh tình hình các cuộc
đấu tranh diễn ra, biểu dương thành tích, hướng dẫn phát huy khí thế, đồng thời
uốn nắn những lệch lạc, chỉ dẫn cách khắc phục khuyết điểm.
3. Kết luận
Thực hiện tư tưởng của V.I.Lênin về phát triển báo chí, tiếp nối
những tờ báo trước đó, khi tới Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã ra báo Thanh
niên và các tờ báo cách mạng, sử dụng báo chí làm vũ khí sắc bén trên
mặt trận chính trị tư tưởng.
Nguyễn Ái Quốc là người đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng
Việt Nam, phát huy vai trò của báo chí cách mạng là người tuyên truyền tập thể,
người cổ động tập thể và tổ chức tập thể với tinh thần chiến đấu, thấm nhuần
tính đảng và tính nhân dân sâu sắc. Trong quá trình tìm đường - mở đường - dẫn đường giải phóng dân tộc Việt Nam,
giành độc lập dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sớm nhận thức vai trò và tác động
to lớn của báo chí trong đấu tranh xã hội.
Người
đã sáng lập nhiều tờ báo, trong đó, những hoạt động báo chí của Người tại Quảng
Châu (Trung Quốc), mà điển hình là cho ra đời và duy trì định kỳ tuần báo Thanh
niên, cơ quan tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đã đánh
dấu sự mở đầu nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đây,
báo chí trở thành một phương thức hoạt động quan trọng của tổ chức cách mạng
nhằm tuyên truyền, vận động, tập hợp lực lượng và liên hệ cách mạng Việt Nam
với phong trào cách mạng quốc tế.
(nguồn
lyluanchinhtri.vn)
Ngày nhận bài:
25-5-2025; Ngày bình duyệt: 13-6-2025; Ngày quyết định đăng: 15-6-2025
Email tác
giả: thangloictqg@gmail.com
(1), (2), (3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.1,
Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.34-35, 39. 428, 239