Đặt vấn đề
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò
quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức quần chúng
nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Di sản báo chí quý báu của
Hồ Chí Minh với những giá trị, chỉ dẫn về nội dung, tư tưởng đã góp phần định
hướng, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam trưởng thành và phát triển.
Trong bối cảnh hiện nay, báo chí Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức như sự
phát triển của công nghệ số, thông tin xấu độc lan tràn và yêu cầu ngày càng
cao về tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề báo. Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh
nhằm xây dựng nền báo chí cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
là một yêu cầu khách quan cấp bách hiện nay.
1. Tư tưởng
Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng
Thứ nhất, báo chí là lực lượng xung
kích trong đấu tranh chính trị và công tác tư tưởng của Đảng và cách mạng
Trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một
trong những luận điểm nổi bật và có giá trị xuyên suốt là: “Báo chí là vũ khí
tư tưởng sắc bén của Đảng và cách mạng”. Ngay từ những năm đầu hoạt động Hồ Chí
Minh đã sử dụng báo chí làm một trong những phương tiện đấu tranh cách mạng.
Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người sáng lập báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt
Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên do Người trực tiếp
chỉ đạo và biên tập. Sau khi thành lập tờ báo Thanh Niên, Người đã sử dụng tờ
báo làm vũ khí tư tưởng sắc bén để tuyên truyền, giác ngộ và giáo dục quần
chúng góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Đây là sự khẳng định
rõ ràng của Người về vai trò của báo chí không chỉ là công cụ thông tin mà còn
là một vũ khí đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - lý luận.
Tư tưởng “báo chí là vũ khí tư tưởng”
của Hồ Chí
Minh còn thể hiện ở quan điểm về tính chiến đấu của báo chí. Người nhấn mạnh rằng,
báo chí cách mạng phải có tính chiến đấu rõ nét: “Báo chí không những để tuyên
truyền, giáo dục, mà còn để đấu tranh, để phê bình, để sửa chữa”[8, tr.112]. Với quan
điểm đó, báo chí không chỉ phản ánh hiện thực mà còn phải vạch ra những bất cập,
sai phạm; đồng thời biểu dương những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc
tốt, từ đó góp phần xây dựng xã hội mới.
Người yêu cầu báo chí cách mạng phải có tính Đảng, tính
nhân dân và tính khoa học. Báo chí phải đứng trên lập trường của giai cấp công
nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam cho hành động. Trong bài nói
chuyện với cán bộ báo chí năm 1959, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải giữ vững lập
trường tư tưởng của Đảng, vì nếu không thì tuyên truyền sẽ sai đường, báo chí sẽ
mất phương hướng”[9, tr. 424].
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, báo chí
cách mạng trở thành mặt trận về tư tưởng, nơi truyền lửa cách mạng, khơi dậy
tinh thần yêu nước và đấu tranh kiên cường của toàn dân tộc. Hồ Chí Minh luôn
nhấn mạnh vai trò động viên đó của báo chí: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ
cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”[9, tr.421].
Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là “mặt
trận tư tưởng - văn hóa” và người làm báo là “chiến sĩ tiên phong”. Do đó, nhà
báo phải dũng cảm đấu tranh chống lại cái sai, cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội.
Trong bối cảnh kháng chiến cũng như xây dựng đất nước, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu
báo chí phải đi đầu trong công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu
và những biểu hiện thoái hóa, biến chất trong bộ máy. Người khẳng định: “Báo
chí có quyền và có nhiệm vụ phê bình, xây dựng. Phê bình là giúp người bị phê
bình tiến bộ. Chống tiêu cực là làm cho xã hội trong sạch hơn”[8, tr.112].
Thứ hai, báo chí phải gắn bó với quần
chúng nhân dân.
Theo Hồ Chí Minh, báo chí phải phục vụ cách mạng, phục vụ
nhân dân, phải là tiếng nói của Đảng, của chính quyền, của các đoàn thể cách mạng.
Người chỉ rõ: “Báo chí là để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, chứ không phải
để mua vui hay tuyên truyền một chiều”[7, tr.543]. Theo Người, “báo chí là của dân, do dân, vì dân” và mục tiêu tối thượng của báo chí làphục vụ lợi ích của nhân dân.
Khi sáng lập báo Thanh
Niên năm 1925, Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò phục vụ quần chúng
của báo chí. Hồ Chí Minh viết: “Báo chí không phải để một nhóm người đọc chơi
mà là để phục vụ công nông, phục vụ cách mạng”[3, tr.276]. Quan điểm này cho thấy báo chí
phải gắn bó máu thịt với đời sống nhân dân.
Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của báo chí là phục
vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Muốn làm được điều đó thì người làm báo phải hiểu
dân, gần dân, sống với dân, lắng nghe dân nói”[5, tr.145]. Đây không chỉ là yêu cầu về nội
dung mà còn là phương pháp làm báo: báo chí phải xuất phát từ thực tiễn đời sống
của nhân dân, phải phản ánh đúng và kịp thời tiếng nói của họ.
Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng vai trò tuyên truyền giáo
dục, hướng dẫn và cổ vũ của báo chí đối với quần chúng nhân dân. Người chỉ rõ:
“Báo chí phải nâng cao dân trí, phải giúp dân hiểu biết về chính trị, văn hóa,
kinh tế… để dân tham gia vào việc xây dựng đất nước”[7, tr.543]. Như vậy, báo chí không chỉ là
công cụ truyền tải thông tin một chiều mà còn phải là cầu nối hai chiều giữa Đảng,
Nhà nước với Nhân dân; vừa tuyên truyền chủ trương, chính sách, vừa tiếp nhận,
phản ánh tâm tư, kiến nghị của quần chúng. Với tính chất phong phú, đa dạng về
loại hình, báo chí truyền tải nguồn tri thức kịp thời, chính xác về mọi lĩnh vực
của đời sống xã hội, giúp cho việc nâng cao dân trí được nhanh chóng, hiệu quả
góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phụng sự nhân dân là mục
tiêu tối thượng của báo chí cách mạng. Báo chí không tồn tại như một công cụ
quyền lực hay một hình thức giải trí đơn thuần, mà là phương tiện để phục vụ đời
sống tinh thần, chính trị, kinh tế của nhân dân. Do đó, người làm báo phải “vì
dân mà viết, vì dân mà nói”. Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của người làm báo là phục
vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải hiểu dân, gần
dân, học dân”[7, tr.543].
Phục vụ nhân dân không phải là khẩu hiệu, mà là sự nhập tâm và thể hiện trong từng
bài viết, từng tít báo, từng câu chữ – sao cho phản ánh trung thực cuộc sống, bảo
vệ quyền lợi chính đáng của quần chúng, đặc biệt là những người yếu thế.
Người luôn nhắc nhở báo chí phải dũng cảm tiên phong đấu
tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bất công – những điều làm tổn hại lợi ích của
nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ phê bình, góp ý
xây dựng chính quyền, xây dựng xã hội vì lợi ích của nhân dân”[9, tr.424]. Đây là một
nhận thức tiến bộ và dân chủ sâu sắc, cho thấy báo chí phải là lực lượng tiên
phong trong công cuộc giám sát xã hội và bảo vệ người dân.
Thứ ba, tác phẩm báo chí phải ngắn gọn,
dễ hiểu, thiết thực; tránh lý luận
suông, viết phải sát thực tiễn đời sống.
Báo chí phải ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực; tránh lý luận
suông, viết phải sát thực tiễn đời sống không chỉ là yêu cầu về kỹ thuật nghiệp
vụ báo chí, mà còn là nguyên tắc tư tưởng nhằm đảm bảo cho báo chí thực sự phục
vụ nhân dân, vì cách mạng. Ngay từ khi sáng lập báo Thanh Niên năm 1925, Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến
cách viết báo. Người cho rằng viết báo không phải để thể hiện tư duy học thuật
hay “khoe chữ”, mà là để tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức quần
chúng hành động. Người đặc biệt nhấn mạnh: “Viết cho quần chúng thì phải viết
giản đơn, dễ hiểu, rõ ràng, thiết thực, chớ dùng những từ ngữ cao siêu. Viết thế
nào cho đồng bào đọc mà hiểu được, nhớ được và làm được”[4, tr.325]. Không chỉ dừng ở yêu cầu dễ hiểu,
báo chí phải thiết thực, nghĩa là
phải gắn bó với thực tiễn đời sống nhân dân. Người từng phê bình hiện tượng viết
báo mang tính lý thuyết suông, xa rời thực tế: “Có người viết báo không sát với
đời sống, viết như viết để đọc một mình. Viết như vậy là không đúng. Viết báo
là để cho người khác đọc, phải viết thế nào cho có ích, cho thiết thực, cho
đúng lúc”[7, tr.544].
Quan điểm báo chí gắn với thực tiễn phản ánh tư duy thực hành rất sâu sắc của Hồ
Chí Minh. Theo Người, báo chí không chỉ là phương tiện phản ánh đời sống mà còn
là công cụ tổ chức đời sống - tức là thông qua báo chí để định hướng dư luận,
thúc đẩy hành động tích cực, lan tỏa cái tốt, phê phán cái xấu.
Trong bài nói chuyện với cán bộ báo chí năm 1959, Hồ Chí
Minh từng nói: “Phải tránh viết dài dòng, lủng củng, lý luận suông. Đọc báo, đồng
bào cần biết tình hình sản xuất thế nào, đời sống có gì đổi mới, nên học ai,
tránh ai... chứ không cần đọc những chuyện xa vời”[9, tr.424]. Qua đó, Người nhấn mạnh chức
năng giáo dục của báo chí phải gắn với nhu cầu thực tế của nhân dân, từ sản xuất,
sinh hoạt đến tinh thần, đạo đức.
Thứ tư, đội ngũ người làm báo phải có
đạo đức cách mạng; có tinh thần phụng sự nhân dân, dũng cảm đấu tranh chống
tiêu cực, trung thực, không vụ lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành nhiều tâm huyết xây dựng đội
ngũ những người làm báo cách mạng vừa “hồng” vừa “chuyên”. Hồ Chí Minh luôn khẳng
định: người làm báo trước hết phải là người cách mạng, thấm nhuần và thực hành
đạo đức cách mạng, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Quan điểm của
Người: “Làm báo cũng như làm cách mạng, phải có lập trường vững vàng, phải đặt
lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”[9, tr.420]. Trong bài nói chuyện với cán bộ
báo chí ngày 8/9/1962, Người nhấn mạnh: “Người làm báo cách mạng phải giữ gìn phẩm
chất đạo đức trong sáng, không a dua, không vụ lợi, phải sống trung thực, giản
dị, trong sạch”[10, tr.614].
Lời dặn này đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự và là lời cảnh tỉnh cho những
người làm báo trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Trung thực là nguyên tắc đạo đức hàng đầu của nghề báo -
điều này được Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong các bài viết và chỉ đạo của Người.
Hồ Chí Minh cho rằng: “Viết báo là nói sự thật, là phản ánh sự thật. Không được
xuyên tạc, không được bóp méo, không được vì cá nhân hay tổ chức mà che giấu sự
thật”[9, tr.422].
Theo Người, người làm báo phải có cái tâm trong sáng, không được để lợi ích cá
nhân chi phối. Không vụ lợi không chỉ là không nhận hối lộ, không vì tiền bạc
mà còn là không lợi dụng nghề nghiệp để đánh bóng tên tuổi, trục lợi cá nhân hoặc
phục vụ cho những mục tiêu ngoài lợi ích của nhân dân, của cách mạng. Hồ Chí
Minh từng nhấn mạnh rằng: “Một người viết báo mà thiếu đạo đức thì dễ rơi vào
thói cơ hội, nói theo người khác, viết theo đơn đặt hàng sai trái. Như thế là
phản lại nhân dân”[10,
tr.620]. Đây là lời răn sâu sắc, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng
về những nguy cơ nghề nghiệp của báo chí trong xã hội hiện đại.
2. Những khó khăn, thách thức đối với
báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ hiện nay
2.1. Tình hình cơ quan báo
chí cách mạng Việt Nam
Theo báo cáo của Cục Báo chí, đến ngày 30/11/2023, cả nước
có 882 cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình được chia thành 4 Khối sau:
1) Khối báo chí địa phương (bao gồm báo, tạp chí thuộc tỉnh, thành phố, tạp chí
thuộc hội văn học nghệ thuật của các địa phương): 143 đơn vị; 2) Khối báo chí
trung ương (Khối Đảng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức
chính trị - xã hội, hội trung ương, cơ quan thuộc tập đoàn, tổng công ty, nhà
xuất bản): 347 đơn vị; 3) Khối đài (bao gồm: cơ quan hoạt động phát thanh (báo
nói), truyền hình (báo hình): 72 đơn vị; 4) Khối Tạp chí Khoa học: 320 đơn vị[1]. Tính đến tháng
12-2024, cả nước có 812 báo và tạp chí. Về nguồn nhân lực, nhân sự hoạt động
trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người (bao gồm cả lĩnh vực phát thanh
truyền hình), trong đó có khoảng 21.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề)[12]. Quân đội hiện
có 51 cơ quan báo chí, trên 600 phóng viên có thẻ nhà báo. Đây là lực lượng
quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam. Các cơ quan báo chí của Quân đội gồm
đầy đủ các loại hình, đóng vai trò quan trọng trong nền báo chí cách mạng nói
riêng và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung [11].
Trải qua chặng đường lịch sử 100 năm và trong gần 40 năm
đổi mới đất nước, báo chí luôn là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm,
nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia đóng góp ý kiến với
Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình xây dựng và
phát triển đất nước. Báo chí kịp thời phê phán những quan điểm sai trái, âm mưu
và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
tạo đồng thuận xã hội, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân vào sự
lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta. Báo chí
còn là cầu nối quan trọng tăng cường tình đoàn kết, góp phần nâng cao vị thế Việt
Nam trong cộng đồng thế giới. Hiện nay, báo chí Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi
số, hoạt động của các cơ quan báo chí đang chuyển sang mô hình cơ quan báo chí
đa phương tiện, đa nền tảng, thực hiện nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều
dịch vụ truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của
công chúng. Trong bối cảnh bùng nổ của mạng xã hội, tin giả tràn lan, báo
chí luôn phải đối mặt với nguy cơ bị mạng xã hội chi phối và lấn át, nhất là
thông tin về các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp. Trong bối cảnh đó, nền báo
chí nước ta không chỉ đối mặt với cơ hội lớn mà còn đứng trước nhiều khó khăn,
thách thức cần vượt qua để tiếp tục phát huy vai trò là vũ khí sắc bén trên mặt
trận tư tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
2.2. Những khó khăn, thách thức
Một là, những đòi hỏi, thách thức từ sự
phát triển của công nghệ và mạng xã hội.
Sự bùng nổ của Internet và các nền tảng mạng xã hội như Facebook,
YouTube, TikTok đã làm thay đổi hoàn toàn thói quen tiếp nhận thông tin của
công chúng. Người dân ngày nay có xu hướng tìm kiếm thông tin nhanh, ngắn gọn
và có tính tương tác cao. Trong khi đó, nhiều cơ quan báo chí truyền thống vẫn
còn chậm trong việc đổi mới phương thức truyền tải nội dung. Theo thống kê của
Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến năm 2023, Việt Nam có hơn 70 triệu người
dùng Internet, trong đó hơn 65 triệu người sử dụng mạng xã hội. Đây là một thị
trường thông tin khổng lồ nhưng cũng đầy cạnh tranh. Nếu báo chí không thay đổi,
không chuyển mình, không tận dụng công nghệ mới thì sẽ bị mạng xã hội vượt qua
trong việc dẫn dắt dư luận xã hội.
Hai là, sự suy giảm niềm tin của công
chúng đối với tình trạng kém chất lượng trong một số hoạt động báo chí thời
gian qua.
Trong thời gian qua, thực tế về sự suy giảm độ tin cậy
và hoài nghi xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội, niềm tin của công chúng
vào báo chí ngày càng giảm. Nguyên nhân, do một số tờ báo, trang thông tin điện
tử đã chạy theo xu hướng "câu view", giật tít, đăng tải thông tin sai
lệch, chưa được kiểm chứng. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ
quan báo chí đó mà còn khiến toàn ngành báo chí chịu tác động dây chuyền. Hiện
tượng “báo hóa” trang tin điện tử, “tư nhân hóa” nội dung truyền thông, hay việc
doanh nghiệp chi phối nội dung bài viết cũng là những vấn đề nhức nhối.
Ba là, những
thách thức về yêu cầu chuyển đổi số.
Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu
cầu bắt buộc với hệ thống cơ quan báo chí. Tuy nhiên, tiến trình này tại Việt
Nam còn gặp nhiều rào cản như thiếu nguồn lực tài chính, đội ngũ nhân sự chưa
đáp ứng được yêu cầu công nghệ, và đặc biệt là tư duy lãnh đạo còn lúng túng.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2023, có khoảng 60% cơ quan báo
chí bước đầu triển khai chuyển đổi số, nhưng chủ yếu dừng lại ở mức đưa nội
dung lên nền tảng số, chưa tận dụng được dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo
(AI), hay hệ thống quản trị nội dung số hiện đại.
Thực tiễn cho thấy, những cơ quan báo chí tiên phong
trong chuyển đổi số như VnExpress, Zing News, VietnamPlus… đã tạo được lợi thế
rõ rệt về lượng truy cập, doanh thu quảng cáo và ảnh hưởng xã hội. Điều này đặt
ra thách thức lớn cho các tờ báo truyền thống, đặc biệt là báo in, nếu không bắt
kịp xu hướng công nghệ. Báo chí Việt Nam đang đứng trước một thời điểm mang
tính bước ngoặt. Những khó khăn như cạnh tranh với mạng xã hội, giảm niềm tin
công chúng, khủng hoảng tài chính, và áp lực chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cấp
thiết phải đổi mới toàn diện – từ nội dung, tổ chức, mô hình tài chính đến
phương thức hoạt động. Để báo chí Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là lực
lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa – theo quan điểm của Chủ tịch Hồ
Chí Minh: “Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của người chiến sĩ cách mạng”
cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng
trong hoạt động hiện nay.
3. Giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ
Chí Minh về báo chí cách mạng trong hoạt động báo chí hiện nay
Một là, giữ vững tôn chỉ, mục đích của
báo chí cách mạng.
Một trong những nguyên tắc tư tưởng Hồ Chí Minh về báo
chí là phải gắn bó mật thiết với lợi ích của nhân dân, của cách mạng. Ngày nay,
báo chí Việt Nam đang vận hành trong môi trường có nhiều thay đổi sâu sắc do
tác động của công nghệ số, toàn cầu hóa thông tin và xu thế đa dạng hóa phương
tiện truyền thông. Do đó, báo chí phải đảm bảo kiên định tôn chỉ trong quá
trình hoạt động, tránh tình trạng “thương mại hóa” thông tin, xa rời lý tưởng
cách mạng. Báo chí cần tập trung vào việc phản ánh trung thực tình hình đất nước,
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại những luận điệu xuyên tạc, thù địch.
Đồng thời, cần phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội một cách xây dựng,
có trách nhiệm, nhằm hoàn thiện chính sách, phát triển đất nước bền vững.
Báo chí cách mạng Việt nam trong kỷ nguyên mới của dân tộc
cần nâng cao hơn nữa việc thực hiện vai trò lắng nghe và truyền đạt tâm tư, phản
ánh kiến nghị của người dân đến các cơ quan có thẩm quyền.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bùng nổ thông tin và sự
phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, công tác định hướng dư luận và phản bác các
luận điệu sai trái, xuyên tạc đang đặt ra nhiều thách thức cho báo chí cách mạng
Việt Nam. Sự xuất hiện dày đặc của các luồng thông tin giả, thông tin độc hại –
đặc biệt trên không gian mạng – không chỉ gây nhiễu loạn nhận thức mà còn tiềm ẩn
nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh tư tưởng và ổn định chính trị. Trước tình hình
đó, việc đẩy mạnh vai trò của báo chí là yêu cầu cấp thiết, góp phần bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin xã hội. Với chức năng thông tin, tuyên
truyền, định hướng dư luận xã hội, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò dẫn dắt,
cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, khách quan để định hướng nhận thức cho
công chúng.
Hai là, đổi mới phương pháp tuyên truyền,
phù hợp với thời đại số.
Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến yêu cầu phong
phú, linh hoạt hiệu quả, sinh động trong công tác tuyên truyền. Trong thời đại
4.0, báo chí cần đổi mới hình thức thể hiện, ứng dụng công nghệ để truyền tải
thông tin nhanh chóng, hấp dẫn, đa nền tảng. Nhiều cơ quan báo chí đã phát triển
báo điện tử, nền tảng số, sản phẩm đa phương tiện (infographic, podcast, video
clip), tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin của công chúng. Việc
chuyển đổi số báo chí nếu gắn liền với mục tiêu phục vụ nhân dân, nâng cao chất
lượng thông tin sẽ là sự tiếp nối đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại
mới.
Ba là, xây dựng đội ngũ người làm báo
“vừa hồng, vừa chuyên”.
Hồ Chí Minh luôn yêu cầu người làm báo cách mạng phải có
“đạo đức cách mạng trong sáng”, “viết để phục vụ nhân dân”. Trong bối cảnh hiện
nay, khi các luồng thông tin đa chiều dễ gây nhiễu, người làm báo càng phải có
bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp cao, tránh bị lôi kéo vào những
lợi ích cá nhân hay xu hướng giật gân. Cùng với đạo đức, người làm báo cần
không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, thích ứng với công nghệ mới.
Việc đào tạo, bồi dưỡng đội người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh về năng lực
và phẩm chất cần thực hiện theo Quy định
số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của
cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và chỉ thị 05 – CT/TW ngày 15/5/2016 của
Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh là giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng báo chí cách mạng.
Bốn là, báo chí phải “nói đúng, nói
trúng, nói trọn”.
Theo Hồ Chí Minh, báo chí không chỉ đưa tin đúng sự thật,
mà còn phải định hướng được nhận thức xã hội. Báo chí ngày nay phải nâng cao
tính phản biện, dũng cảm nói lên sự thật, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người
dân, phát hiện những bất cập trong đời sống xã hội để kiến nghị giải pháp khắc
phục. Không chỉ “nói đúng”, báo chí còn cần “nói trúng” – tức là chọn vấn đề trọng
tâm, cấp bách mà nhân dân quan tâm; và “nói trọn” – tức là phản ánh toàn diện,
tránh phiến diện, một chiều. Trong giai đoạn hiện nay, báo chí không chỉ là
“kênh thông tin” mà phải thực sự trở thành “lá chắn tư tưởng”, vũ khí sắc bén của
Đảng và nhân dân trong bảo vệ sự thật, lan tỏa giá trị tích cực và giữ vững niềm
tin xã hội.
Kết luận
Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí
cách mạng có giá trị lý luận và thực tiễn cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt
Nam.Trong bối cảnh toàn cầu hóa
và chuyển đổi số, việc vận dụng tư tưởng của Người không chỉ là yêu cầu về lý
luận, mà còn là chỉ dẫn thực tiễn để phát triển nền báo chí cách mạng hiện đại,
chuyên nghiệp, nhân văn. Báo chí Việt Nam hôm nay cần không ngừng đổi mới nhưng
phải luôn lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam trong mọi hoạt động trong đó
tập trung vào kiên định lập trường chính trị, đổi mới nội dung và hình thức thể
hiện, xây dựng đội ngũ người làm báo vừa có tâm, vừa có tầm, xứng đáng là “cầu
nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân”. Chỉ khi đó, báo chí mới thực sự hoàn
thành sứ mệnh cao cả của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội
chủ nghĩa.
Tài
liệu tham khảo:
[1] Chuyển đổi số báo chí năm 2023: Phần lớn các cơ quan báo chí ở mức yếu,
https://vjst.vn
[2] Hồ Quang Lợi (2025), 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Một nền báo chí
chiến đấu và nhân văn, https://www.qdnd.vn
[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia -
Sự thật, Hà Nội.
[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia -
Sự thật, Hà Nội.
[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia -
Sự thật, Hà Nội.
[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia -
Sự thật, Hà Nội.
[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia -
Sự thật, Hà Nội.
[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia
- Sự thật, Hà Nội.
[9] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia
- Sự thật, Hà Nội.
[10] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia
- Sự thật, Hà Nội.
[11] Huy Phúc và nhóm PV, BTV
(2024), Báo chí đồng hành cùng Quân đội bảo
vệ Tổ quốc, https://vietnamnet.vn
[12] Quản lý nhà nước về báo chí để kiến tạo cho sự phát triển,
https://www.vietnamplus.vn