Từ khóa: Bảo vệ nền tảng tư tưởng; nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái; quyền tiếp cận thông tin.

Ngày 06 - 4 - 2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 đã thông qua
Luật Tiếp cận thông tin, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 - 7 - 2018
Đặt
vấn đề
Bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan
điểm của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan
điểm sai trái, làm thất bại những âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, trong toàn dân là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn nhằm đưa ra các luận cứ
xác đáng, phê phán quan điểm cho rằng Việt Nam không bảo đảm quyền tiếp cận
thông tin, vi Hiến cũng như không tuân thủ cam kết quốc tế về nhân quyền là vấn
đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc ở Việt Nam hiện nay.
1.
Nhận diện một số quan điểm sai trái về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam hiện
nay
Một là,các phần tử cơ hội, chống đối cho rằng: Năm 1977, Việt Nam là thành
viên tổ chức Liên hợp quốc, gia nhập các công ước quốc tế trong lĩnh vực dân
sự, chính trị; kinh tế - xã hội và văn hóa từ năm 1982 song chậm xúc tiến thực
hiện các cam kết quốc tế về quyền tiếp cận thông tin. Sự ghi nhận quyền tiếp
cận thông tin trong các bản Hiến pháp 1992, 2013 chỉ là quy định khung, mang
nặng tính hình thức với nhân dân và cộng đồng quốc tế. Trên thực tế, Việt Nam
không có hành lang pháp lý quy định cụ thể, chi tiết để bảo vệ, bảo đảm quyền
này cho nhân dân.
Quan điểm này được dẫn luận rằng: Quyền tiếp cận thông tin là một trong
những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị đã được
ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948: “Ai cũng có quyền tự do
quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can
thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến
tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia”[3]; và “Mọi người có
quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền
đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền
bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ
phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”[4].
Từ viện dẫn này, một số đối tượng cực đoan, chống đối khẳng định Việt
Nam đã tham gia ký kết các văn kiện từ năm 1982 song không bảo đảm các quyền đó
trong suốt một thời gian dài. Điều này vừa vi phạm các cam kết quốc tế, vừa thể
hiện tính dân chủ hình thức trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin của nhân
dân.
Hai là,các phần tử cơ hội chống đối cho rằng,dưới
sức ép và phong trào đấu tranh dân chủ lớn mạnh trên bình diện quốc tế và trong
nước, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 song
không tiến hành triển khai ngay mà kéo dài thời điểm phát sinh hiệu lực tận 2
năm sau đó. Các quy định trong Luật này đã thu hẹp quyền bằng việc đưa ra hàng
loạt “vùng cấm” với danh nghĩa thông tin
thuộc bí mật nhà nước mà nhân dân không được tiếp cận tại Điều 6
giúp cho một bộ phận cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức “độc quyền” về thông
tin nhằm trục lợi, từ đó mà bảo vệ ích nhóm, lợi ích cá nhân.
Cùng với việc trích dẫn các quy định tại Điều 6 của Luật Tiếp cận thông
tin, để xuyên tạc và làm sai lệch nội hàm “quyền tiếp cận thông tin” là “tự do
thông tin” không giới hạn; chúng cho rằng, việc xác định nội hàm: “Thông tin mà nếu để
tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc
gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của
cộng đồng; … thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà
nước; tài
liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ”[6] là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin. Từ đó dẫn dắt và quy
chụp cho rằng, mặc dù hiện nay đã có khung pháp lý song việc quy định đó chỉ
mang tính hình thức, che mắt cộng đồng quốc tế về việc thực thi nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa, rằng thực tế người dân Việt Nam không được bảo đảm quyền tiếp
cận thông tin, tự do thông tin của mình theo các tiêu chuẩn chung của thế giới,
mà xác lập một kiểu riêng biệt, đặc thù chỉ có ở nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Ba là, ở chiều ngược lại một số phần
tử cơ hội, quá khích cho rằng, mặc dù đã có khung pháp lý song Chính phủ Việt
Nam thiếu nhất quán tư tưởng, nói không đi đôi với làm trong bảo đảm quyền tiếp
cận thông tin. Nhận định trên được minh họa bằng việc lợi dụng công tác phòng
chống dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng các quyền tự do, bí
mật thông tin cá nhân. Những phần tử này đã cố tình lập lờ, đánh tráo bản chất
vấn đề khi cho rằng, “quyền bí mật đời tư” đã bị xâm phạm nghiêm trọng khi các
bệnh nhân nhiễm covid (F0)
bị công khai tên tuổi, lịch trình di chuyển cùng các mối quan hệ tiếp xúc riêng
tư; quyền tự do đi lại bị tùy tiện hạn chế thông qua việc cưỡng chế cách ly tập
trung và thực hiện bắt buộc giãn cách xã hội.
2.
Phê phán và bác bỏ các quan điểm sai trái về quyền tiếp cận thông tin ở Việt
Nam hiện nay
Thứ nhất, ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX khi
vừa thoát khỏi chiến tranh, dù gặp muôn vàn khó khăn trên tất cả các lĩnh vực,
đặc biệt là bị cấm vận thương mại, Việt Nam đã chủ động gia nhập các điều ước
quốc tế quan trọng về quyền con người. Ngay trong năm 1982, Việt Nam đăng ký
trở thành thành viên của bốn(1)
công ước quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc về quyền con người trong đó nổi
bật là Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966); Công ước quốc
tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966). Điều này đã khẳng định quyết
tâm và nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc chủ động hội nhập quốc tế, bảo vệ
và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân.
Để tạo lập cơ sở pháp lý, Hiến pháp 1992 đã xác định quyền được thông
tin là quyền cơ bản của công dân. Từ sự Hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo
chí; có quyền được thông tin… theo quy định của pháp luật”[7], hệ thống pháp luật có sự cụ thể hóa quyền
này trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, là cơ sở, là nền tảng xây
dựng xã hội dân chủ, củng cố niềm tin, sự đồng thuận trong hoạt động của bộ máy
nhà nước, quản lý đời sống và xã hội và thúc đẩy bảo vệ, bảo đảm quyền con
người, quyền công dân. Đến Hiến pháp 2013, quyền tiếp cận thông tin được tái
khẳng định tại Điều 25: “Công dân có quyền
tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin... Việc thực hiện các quyền
này do pháp luật quy định”[8].
Cần phải hiểu rằng, quyền tiếp cận thông tin không chỉ quy định bởi một
luật là đủ, mà cần và đã được phủ rộng trong toàn bộ khung pháp
lý quốc gia như: Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Phòng,
chống tham nhũng, Luật Trưng cầu ý dân, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã,
phường, thị trấn… Năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin ra đời đã đánh dấu một bước
tiến quan trọng trong thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mở
rộng dân chủ; tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền tham gia quản lý xã
hội của mình. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một
lần nữa tái khẳng định sự nhất quán về tư tưởng chỉ đạo khi ghi nhận: “Thực
hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò
chủ thể của nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng
thuận xã hội”[2, tr.38]. Bởi, có bảo đảm được quyền tiếp cận thông
tin trong đời sống chính trị, xã hội của nhân dân mới “Thực hiện đúng đắn, hiệu
quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện… Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[2, tr.173].
Như vậy không thể nói mãi đến
năm 2016 khi ban hành Luật Tiếp cận thông tin, Việt Nam mới xây dựng cơ sở pháp
lý để bảo vệ quyền này của nhân dân hay Việt Nam lập lờ, cố tình vi phạm, không
tuân thủ các cam kết quốc tế đã phê chuẩn, ký kết.
Thứ
hai,
"Quyền con người gắn với quyền
dân tộc cơ bản và thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia"[1, tr.13]. Trong quá trình thực thi dân chủ, mỗi quốc
gia có quyền lựa chọn các giải pháp tối ưu nhằm ổn định chính trị - xã hội với
bảo đảm quyền con người; có quyền xây dựng lộ trình trong việc thực hiện cam
kết quốc tế về nhân quyền. "Quyền con người luôn luôn gắn liền với
lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của
đất nước. Do vậy không thể áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn, mô thức
của nước này cho nước khác"[1, tr.13]. Đây chính là lý do mà trong
suốt quá trình xây dựng và phát triển Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam, qua mỗi giai đoạn, chúng ta không ngừng mở rộng và từng bước đảm bảo điều
kiện để hiện thực hóa các quyền dân chủ trong đó có quyền tiếp cận thông tin
của nhân dân. Điều này không có nghĩa là sự biện minh, vin vàotính đặc thù, vào những khó khăn nhất thời
để trì hoãn việc thực hiện các cam kết, mà là sự định hướng, có lộ trình cụ thể
đảm bảo các điều kiện về chính
trị - pháp lý, kinh tế - văn hóa - xã hội … để vươn tới các giá trị tiến bộ,
văn minh, trong đó đề cao giá trị tự do, dân chủ.
Thứ
ba,
khi đề cập đến “quyền” tiếp cận thông tin cần phải hiểu đúng nội hàm, tránh
đánh tráo khái niệm. Tiếp cận thông tin không phải là quyền tuyệt đối, không bị
giới hạn của mỗi chủ thể, mà cần tuân thủ các quy định trong mối quan hệ giữa
lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng. Tuyên ngôn quốc tế nhân
quyền đã khẳng định: Ai cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách
của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ. Trong khi hành xử
những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt
ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng,
những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một
xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn[3].
Bên cạnh đó, luật quốc tế cũng cho phép các quốc gia thành viên đưa ra
những biện pháp hợp lý để hạn chế thực hiện một số quyền khi tuân thủ các điều
kiện: Các biện pháp hạn chế phải được quy định trong pháp luật quốc gia; không
trái với bản chất của quyền bị hạn chế; vì mục đích thúc đẩy phúc lợi chung
trong một xã hội dân chủ[5]. Quy định trên mang hàm nghĩa, biện pháp hạn chế
quyền không thể áp dụng theo cách thức độc đoán, tùy tiện. Trong một số trường
hợp, quyền phải chịu giới hạn vì các mục đích an ninh quốc gia, trật tự công
cộng, sức khỏe và đạo đức xã hội; và vì quyền và tự do của người khác.
Như vậy, về các thông tin không được tiếp cận, tiếp cận có điều kiện được
quy định trong Luật Tiếp cận thông tin là hoàn toàn phù hợp với quy định tại
khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp 2013 cũng như các văn kiện quốc tế mà Việt Nam đã
tham gia ký kết, gia nhập. Đó chính là sự hạn chế quyền con người, quyền công
dân “trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự,
an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”[8].
Tháng 3/2020, với những diễn biến đặc biệt nguy hiểm của bệnh viêm
đường hô hấp cấp, WHO đã công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu và Việt Nam
không đứng ngoài sự tấn công của dịch bệnh. Trước những khó khăn, hạn chế về cơ
sở vật chất, đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt thách thức trong việc tiếp cận,
bao phủ vacxin tạo hệ miễn dịch cộng đồng… việc hạn chế một số quyền của công
dân trong thực hiện phương pháp truy vết, khoanh vùng (giai đoạn đầu), giãn
cách xã hội là việc làm cần thiết. Các biện pháp quản lý trong giai đoạn này
nhằm mục đích phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân,
phù hợp với quy định của Hiến pháp cũng như Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm
(2007), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (2009)… Khi dịch bệnh dần được kiểm soát,
những biện pháp hạn chế một số quyền của công dân đã được Chính phủ, chính
quyền các địa phương tháo bỏ nhanh chóng nhằm bảo vệ, thúc đẩy các quyền tự do
dân sự, kinh tế. Đây là những quyết sách linh hoạt, kịp thời của công tác quản
lý để Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ trong kiểm soát, phòng và chữa trị dịch bệnh với
ít tổn thất nhất trong điều kiện của đất nước hiện nay. Chính vì thế, các quan
điểm cho rằng Việt Nam lợi dụng các quy định trong phòng, chống dịch để xâm
phạm các quyền riêng tư của công dân… về bản chất là xuyên tạc, kích động một
bộ phận có bất đồng về chính kiến chống lại các chủ trương, chính sách y tế,
giáo dục, thương mại… của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.
Hiện nay, dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, kinh tế –
xã hội của đất nước giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được bảo đảm, lạm
phát trong tầm kiểm soát[9]. Thực tiễn đất nước cùng với nhận định về “nền
kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ”[10] của Ngân hàng Thế giới (WB) là những bằng chứng xác thực đập tan các
lập luận xuyên tạc, vu cáo về tình hình nhân quyền bị xâm phạm ở Việt Nam trong
giai đoạn chống dịch vừa qua.
3.
Một số giải pháp tăng cường đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống
lợi dụng quyền tiếp cận thông tin để xuyên tạc bản chất dân chủ ở Việt Nam

(Ảnh: https://dangcongsan.vn)
Một là, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền
chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về
bảo vệ, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin tới các quốc gia, bè bạn quốc tế. Tiếp
tục đẩy mạnh đối thoại song phương, đa phương với các tổ chức quốc tế, các quốc
gia, dân tộc… cùng hiểu đúng về quyền và cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông
tin ở Việt Nam. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai
trái cố tình xuyên tạc, vu khống về tình hình nhân quyền nói chung và tình hình
thực thi quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam nói riêng, qua đó tạo sự đồng
thuận, ủng hộ mạnh mẽ từ các quốc gia, cộng đồng quốc tế tiến bộ; tạo lập và
giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động tối đa các nguồn lực bên ngoài
phục vụ phát triển, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao vị thế, uy tín của đất
nước trên trường quốc tế.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phổ biến, giáo
dục pháp luật, nâng cao văn hóa pháp lý cho nhân dân, đặc biệt là quyền tiếp
cận thông tin… giúp cho người dân hiểu rõ giới hạn quyền cũng như trách nhiệm,
nghĩa vụ công dân khi tiếp cận thông tin, tránh hiểu sai lệch về bản chất quyền
dẫn đến tư tưởng thụ hưởng quyền song khước từ nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã
hội. Trong đó, cần chú trọng đa dạng hóa hình thức, phương pháp phổ biến, giáo
dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, nâng cao hiệu quả tuyên truyền
qua ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội.
Ba là, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp
thông tin phải bảo đảm nguồn nhân lực, trang bị cơ sở vật chất, đặc biệt là đầu
tư thiết bị hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân, người khuyết tật (nghe, nhìn, vận
động…) có điều kiện thụ hưởng quyền tiếp cận thông tin nhanh chóng, thuận lợi
với chi phí thời gian, kinh phí thấp nhất.
Bốn là, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền
tiếp cận thông tin như hành vi cản trở, yêu sách, trục lợi việc tiếp nhận và
cung cấp thông tin hoặc tùy tiện hạn chế quyền tiếp cận thông tin. Tiến hành
tổng kết thực tiễn thực hiện Luật Tiếp cận thông tin, lắng nghe ý kiến phản hồi
từ nhân dân, các nhà khoa học pháp lý để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện
khung pháp lý bảo đảm vừa tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, vừa phù hợp với điều
kiện kinh tế - văn hóa, xã hội của Việt Nam.
Kết luận
Tiếp cận thông tin không phải là quyền mới được ghi nhận từ năm 2016 ở
Việt Nam. Nó được hình thành và bảo đảm thực hiện trên tất cả các lĩnh vực cơ
bản của đời sống xã hội trong suốt quá trình xây dựng Nhà nước dân chủ, đặc
biệt là từ sau khi Việt Nam gia nhập, ký kết các văn kiện quốc tế về quyền con
người. Luật Tiếp cận thông tin 2016 là sự cụ thể hóa, phát triển tiếp nối các
giá trị quyền con người trong đời sống dân chủ. Nội luật hóa tiêu chuẩn quốc tế
về quyền tự do thông tin, Luật đã xác định rõ hơn nội dung, quy trình tiếp cận,
đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong cung cấp thông tin. Đây
chính là những cơ sở pháp lý bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về
nhân dân - nhân dân là chủ thể tối cao trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
(1) Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966); Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1979); Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (1969).
[1] Ban Chỉ đạo về nhân quyền của
Chính phủ, Văn phòng Thường trực (2012), Tài liệu tổng kết Chỉ thị 12 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về
"Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta",
Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội.
[10]WB: Kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ, https://baochinhphu.vn