Thứ Bảy, ngày 25/12/2021, 16:31

Đảng Cộng sản Việt Nam trong những bước ngoặt lịch sử của dân tộc từ năm 1930 đến nay

Kỷ niệm ngày lễ lớn

(GDLL) - Trong 90 năm hành trình cùng dân tộc (1930-2020), Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đại diện cho lợi ích giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Trong nhiều thời kỳ lịch sử, Đảng đã “hóa thân” vào dân tộc và tạo nguồn cảm hứng, khơi dậy ý chí, tinh thần quật cường của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ, các tầng lớp nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh cả tài sản, tính mạng vì lý tưởng cao đẹp của Đảng. Do đó, trong mỗi bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc ta từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2020), bài viết nghiên cứu khái quát những trang sử hào hùng của dân tộc đã ghi dấu ấn, vai trò của Đảng với tư cách là đảng cầm quyền, lãnh đạo thực hiện các chiến lược cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ từ năm 1930 đến nay

Từ khóa: Bước ngoặt, dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử. 

1.  Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Sau khi hoàn tất quá trình vũ trang xâm lược, thực dân Pháp thiết lập nền thống trị ở Việt Nam. Việt Nam t quốc gia phong kiến độc lập, trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Chính sách khai thác thuộc địa chuyên nghiệp và dã man, xảo quyệt của thực dân Pháp đã tác động mạnh vào nền chính trị, xã hội Việt Nam. Mâu thuẫn dân tộc (giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp) và mâu thuẫn giai cấp (giữa nông dân với địa chủ) trở nên gay gắt và đặt ra cho cách mạng Việt Nam hai nhiệm vụ bức thiết là giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Trong bối cảnh đó, với truyền thống và tinh thần yêu nước nồng nàn, nhiều đại biểu của các giai tầng đã tự nguyện đứng lên tập hợp lực lượng để chống thực dân Pháp, thực hiện giải phóng dân tộc. Tiêu biểu phải kể đến Phong trào Cần Vương do Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phát động, khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học, phong trào dân chủ tư sản của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh...Các phong trào đã thu hút nhiều lực lượng, giai tầng tham gia với nhiều xu hướng khác nhau, điển hình là xu hướng phong kiến và xu hướng dân chủ tư sản. Nhưng các phong trào này đều có đặc điểm chung là: Tự phát, thiếu tổ chức và không thể giải quyết song hành hai yêu cầu lịch sử Việt Nam đặt ra là giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Sự thất bại đồng loạt của các phong trào yêu nước ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu XX thực chất là cuộc khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Lịch sử Việt Nam đang chờ đón một xu hướng cách mạng mới, một giai cấp mới đủ tầm để đại diện cho lợi ích, khát vọng của dân tộc, của nhân dân, nhất là nhân dân lao động.

Với hướng đi và cách đi tìm đường cứu nước độc đáo, với nhận thức sâu sắc về đặc điểm, nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Việt Nam và xu thế thời đại... lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng vô sản thế giới. Tháng 7-1920, sau khi tiếp cận được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của V.I.LêninNguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[1]. Từ đây, Người bắt đầu tiến hành truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam bằng nhiều phương pháp sáng tạo và hiệu quả. Chủ nghĩa Mác - Lênin đến với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam đã làm chuyển biến về “chất” các phong trào này. Từ trào lưu đấu tranh với nhiều lập trường, xu hướng khác nhau đã căn bản chuyển sang lập trường và xu hướng vô sản. Nhiều tổ chức cộng sản ra đời tại Việt Nam, tiêu biểu là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Được sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, sự nỗ lực lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (2-1930) trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức cộng sản tiêu biểu trên. Đảng Cộng sản Việt Nam được xác đnh là lực lượng tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã định hình Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng. Cương lĩnh định hình rõ nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là: "tiến hành tư sản dân quyền cách mạng, thổ địa cách mạng, để đi tới xã hội cộng sản"[2]. Về lực lượng cách mạng, Cương lĩnh xác định: công nhân và nông dân là nòng cốt nhưng mở rộng mặt trận đại đoàn kết toàn dân tộc, mẫu số chung là tinh thần yêu nước... Từ đây, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó liên minh công - nông là nòng cốt đã trở thành nguồn cội sức mạnh của cách mạng Việt Nam. ơng lĩnh là sản phẩm điển hình của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử Việt Nam.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng là sự kiện lịch sử đặc biệt - chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối, về giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và mở đầu cho những thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH).

2. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc

Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động được phong trào cách mạng lớn mạnh trên phạm vi toàn quốc (Cao trào 1930-1931 và đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh). Đây cũng là thời điểm lịch sử đầu tiên Đảng thể hiện vai trò lãnh đạo trong thực tiễn với cách mạng Việt Nam. Do đó, việc lực chọn phương pháp cách mạng theo hướng vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản vào điều kiện cụ thể của Việt Nam đã thực sự là cuộc đấu tranh tư duy diễn ra mạnh mẽ trong nội bộ Đảng. Sự ra đời của Luận cương Chính trị tháng 10 năm 1930 thay thế Cương lĩnh chính trị đầu tiên (2-1930); tình trạng “tả khuynh” của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh khi đề cao và thực hiện các nhiệm vụ đấu tranh giai cấp trong bối cảnh nhiệm vụ giải phóng dân tộc chưa được giải quyết; việc co cụm lực lượng cách mạng chỉ gồm công nhân và nông dân và thực hiện khẩu hiệu: “trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ”... là minh chứng cụ thể, rõ nét của cuộc đấu tranh tư duy này.

Trải nghiệm từ những thành công và những khó khăn, thách thức đặt ra với cách mạng, nhất là thời điểm sau Cao trào cách mạng 1930-1931, cùng với sự nhạy bén trong nhận diện tình hình thế giới và những yêu cầu mới đặt ra với cách mạng, cuộc Vận động dân sinh dân chủ (1936 - 1939) đã đánh dấu bước chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng đầu tiên của Đảng. Coi trọng thực tiễn, điều chỉnh đường lối cho phù hợp và phục vụ thực tiễn cách mạng là giá trị mà Đảng đã sớm định hình trong những năm đầu lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trên tinh thần đó, sự chuyển hướng và hoàn chỉnh chuyển hướng chỉ đạo cách mạng từ Hội Nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11-1939) và Hội Nghị Trung ương lần thứ VIII (5-1941) đánh dấu bước phát triển vượt trội về tư duy lý luận, thể hiện rõ tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[3]. Giải phóng dân tộc được xác định là nhiệm vụ hàng đầu, xây dựng lực lượng cách mạng mà nòng cốt là liên minh công - nông nhưng mở rộng mặt trận đại đoàn kết toàn dân tộc... đánh dấu sự thành công của quá trình đấu tranh tư duy trong hình thành con đường giải phóng dân tộc phù hợp với cách mạng Việt Nam...

Những thành công lớn của Đảng trong lãnh đạo “tạo lực, lập thế, tranh thời”, đặc biệt là nghệ thuật lãnh đạo chớp thời cơ của Đảng đã góp phần quyết định tạo nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945). Thắng lợi này đã ghi mốc son quan trọng: “lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[4]. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Từ đây, Đảng có chính quyền để thực thi các nhiệm vụ cách mạng của chính thể mới vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

3. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đưa đất nước bước sang thời kỳ hòa bình, thống nhất, quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Con đường giải phóng dân tộc phù hợp với điều kiện của Việt Nam được hình thành trong thời kỳ 1930-1945 đã tạo nền móng cho sự ra đời, phát triển đầy sáng tạo của đường lối Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) và Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Nguyên tắc hàng đầu của quá trình này là: Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, với con đường cách mạng vô sản nhưng luôn phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong vận dụng lý luận sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Xét về lý luận, đến thời điểm này, cách mạng Việt Nam đã hoàn tất chặng đường cách mạng dân tộc dân chủ bởi đã hội đủ những điều kiện cơ bản như: Độc lập dân tộc, Đảng có chính quyền cách mạng... và chặng đường tiếp theo sẽ là cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Nhưng xuất phát từ thực tiễn, đặc biệt là tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của Việt Nam sau năm 1945, trong Chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc”, Đảng đã xác định: Cách mạng Việt Nam vẫn tiếp tục là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”; “Dân tộc trên hết”...  Đây là sự kiện tiếp tục thể hiện rõ tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng trong vận dụng lý luận vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tinh thần này lại được phát huy cao độ trong giai đoạn Đảng lãnh đạo đấu tranh bảo vệ chính quyền (1945-1946). Với nhiều phương thức sáng tạo, đầy tâm huyết Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công xuất sắc trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đưa cách mạng thoát khỏi tình thế hiểm nghèo. Đảng cùng nhân dân thực hiện thắng lợi nhiều chương trình lớn như: Diệt “giặc đói”, diệt “giặc dốt”, trong thực hiện phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” với thù trong, giặc ngoài...  để giữ vững chính quyền cách mạng và thành quả của Cách mạng Tháng Tám... 

Khi đất nước đã “phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới”5, khi cơ hội hòa bình cuối cùng không còn nữa, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bản lĩnh, sáng tạo lãnh đạo cách mạng Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với tinh thần: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[5][6]; “Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”[7], Đảng đã đồng hành cùng dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh là chính.

Với tinh thần “quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” của nhân dân Việt Nam, trong những năm tháng đầu tiên toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, với uy tín và sự sáng tạo lớn của Đảng trong lãnh đạo kháng chiến, sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam đã được phát huy cao độ. Sức mạnh đó đã tạo ra những chiến thắng toàn diện trên cả hai phương diện: Kháng chiến và kiến quốc, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954). Chiến thắng này tạo ra bước chuyển lớn của lịch sử dân tộc Việt Nam và là chiến thắng chấn động địa cầu: “lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một đế quốc hùng mạnh đã bị nhân dân một nước thuộc địa đánh cho tan tành tả tơi, và phải cút về nước”[8]. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) đã mở đầu cho thắng lợi của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết (1954), miền Bắc giải phóng, đi lên CNXH; miền Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ. Trong bối cảnh đó, Đảng đã thể hiện rõ bản lĩnh, tinh thần chủ động, sáng tạo trong kết hợp mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Miền Bắc đi lên CNXH, làm hậu phương, giữ vị trí quyết định nhất đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; miền Nam tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, giữ vị trí quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sáng tạo này của Đảng trong xử lý mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH ở hai miền Nam - Bắc là đóng góp mới đối với kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, là quyết định chưa có trong tiền lệ lịch sử.

Công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc được Đảng xác định: “Nhiệm vụ trước mắt của toàn dân ta là ra sức xây dựng và củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”[9]. Trên cơ sở mục tiêu chiến lược đó, mô hình CNXH ở miền Bắc đã được thiết kế, xây dựng với những nét đặc thù gắn với hai mục tiêu chiến lược: Xây dựng những tiền đề cơ sở vật chất lâu dài cho CNXH; hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ là hậu phương lớn huy động sức người, sức của cho miền Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Bắc triệu người như một hăng hái phấn đấu, cống hiến với mục tiêu “tất cả cho miền Nam ruột thịt”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”... Phong trào thi đua yêu nước đã lan tỏa tới mọi giới, mọi ngành: “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong; cờ Ba Nhất, tiếng trống Bắc Lý”; thanh niên với phong trào “ba sẵn sàng”, phụ nữ với phong trào “ba đảm đang”; nông dân với phong trào “Tay cày, tay súng” và nhân rộng những cánh đồng năm tấn; công nhân với phong trào “tay búa, tay súng”... Những phong trào thi đua này đã tạo thành hào khí của dân tộc Việt Nam. Nhân dân đã đồng hành cùng Đảng vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hậu phương lớn, mà những chiến thắng của miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần tạo ra những bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam.

Nhận được sự giúp đỡ, động viên cả vật chất và tinh thần, sức người, sức của của miền Bắc, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”[10], “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”[11], nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã liên tiếp đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ: Chiến tranh đặc biệt (1961-1965); Chiến tranh cục bộ (1965-1968); Việt Nam hóa chiến tranh (1968-1972)... Việc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (1973) đã đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam sang giai đoạn mới và tạo tiền đề cho thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.

Chiến thắng 30-4-1975 đã kết thúc 21 năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Việt Nam đã hoàn thành những nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ. Chiến thắng này đã mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ độc lập, hòa bình, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Khi đánh giá về ý nghĩa lịch sử của cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976) của Đảng đã nhận định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng những thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trang chói lọi nhất, là biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, mang tầm vóc quốc tế và thời đại sâu sắc”[12].

4. Đảng Cộng sản Việt Nam với quá trình đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

Sau năm 1975, đất nước bước vào thời kỳ mới, quá độ đi lên CNXH. Do duy trì quá lâu cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp; cơ cấu đầu tư bất hợp lý... đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tìm hướng đi mới, đặc biệt là thiết kế mô hình, bước đi CNXH sao cho phù hợp đối với điều kiện cụ thể của Việt Nam là yêu cầu bức thiết mà  lịch sử đặt ra đối với Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là đảng cầm quyền.

Với bản lĩnh của một Đảng có bề dày truyền thống, luôn đặt lợi ích nhân dân, dân tộc lên trên hết, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước đổi mới tư duy, tiến hành công cuộc đổi mới từng phần (1979-1985). Đây là quá trình tạo dựng tiền đề căn bản cho bước chuyển biến căn bản trong tư duy lý luận của Đảng về con đường và bước đi của CNXH trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam được bắt đầu từ Đại hội VI (12-1986).

 Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12-1986), trên tinh thần trách nhiệm của Đảng cầm quyền với vận mệnh của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, ngay trong phần mở đầu của Báo cáo Chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ phương châm tiến hành Đại hội VI là: “Thái độ của Đảng ta trong việc đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”[13]. Điều này đã thể hiện sự nghiêm khắc của Đảng khi nhìn thẳng vào hiện thực kinh tế - xã hội của đất nước cũng như những sai lầm, hạn chế trong quản lý phát triển kinh tế - xã hội trước năm 1986. Sự thẳng thắn, nghiêm túc và đầy tâm huyết đó của Đảng tại Đại hội VI đã tạo những giá trị lịch sử của Đại hội trong tiến trình đổi mới toàn diện đất nước. Đây còn là bài học kinh nghiệm có ý nghĩa cho Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là đảng cầm quyền trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi giai đoạn. Chỉ có nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật, công tâm trong đánh giá tình hình, tránh những biểu hiện phô trương, thành tích, giấu giếm khuyết điểm... thì Đảng mới thực sự tỏa sáng về tư duy và trí tuệ trong xây dựng cũng như chỉ đạo đưa đường lối vào thực tiễn.

Những năm đầu đưa đường lối Đại hội VI vào cuộc sống, đất nước gặp muôn vàn khó khăn tưởng chừng khó vượt qua. Khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, lạm phát phi mã lên đến 774,7%, đời sống mọi tầng lớp nhân dân khó khăn, thiếu thốn, nhiều vấn đề tiêu cực nảy sinh trong xã hội... Những khó khăn trong nước ngày càng nhân lên khi tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ vào Việt Nam. Cuộc khủng hoảng có tính hệ thống và sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu có thể coi là cơn “địa chấn” lớn làm rung chuyển thế giới và những quốc gia còn lại của hệ thống XHCN, trong đó có Việt Nam. Chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh, giữ vững định hướng XHCN là thách thức đặt ra đối với Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn (1986-1991). Tiến hành đổi mới toàn diện, trọng tâm là đổi mới kinh tế; đổi mới kinh tế đi đôi với ổn định chính trị, giữ vững định hướng XHCN; kiềm chế lạm phát; xóa bỏ triệt để cơ chế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu, bao cấp; đổi mới đường lối đi ngoại để từng bước phá thế bao vây, cấm vận về ngoại giao... là những giải pháp thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn của Đảng trong thời điểm cách mạng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Sự ra đời của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH tại Đại hội VII (1991) đánh dấu bước tiến mới trong đổi mới tư duy lý luận về mô hình và bước đi của CNXH ở Việt Nam. Từ đây, Việt Nam sẽ thiết kế, xây dựng mô hình CNXH dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và xu thế chung... Đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, hội đủ những điều kiện cơ bản để bước sang thời kỳ mới: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa... là thành tựu nổi bật của Việt Nam trong 10 năm đầu đổi mới toàn diện đất nước (1986-1996) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1996 đến nay, công cuộc đổi mới toàn diện và sự nghiệp CNH, HĐH đất nước được đẩy mạnh toàn diện. Đất nước đã đạt được thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh của Việt Nam không ngừng tăng lên, đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện, quan hệ đối ngoại được mở rộng, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế... Đó là kết quả phấn đấu không ngừng của Đảng và nhân dân Việt Nam trong vượt qua khó khăn, thử thách, khai thác và phát huy tối đa nguồn nội lực và ngoại lực. Trong hơn 30 năm đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục thể hiện rõ bản lĩnh chính trị của một đảng tiên phong, trí tuệ, luôn chủ động, sáng tạo trong đề ra đường lối và lãnh đạo thực hiện đổi mới vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Chín mươi năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2020), dân tộc đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Những thành tựu mà Đảng và Nhân dân ta đạt được từ năm 1930 đến nay là sự nối tiếp xứng đáng và đầy tự hào, góp phần làm rạng rỡ thêm những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Tổng kết, giáo dục truyền thống, nhận diện trách nhiệm của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với vận mệnh dân tộc; định hình khung giá trị cho mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, phấn đấsao cho xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Đảng, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân... là vấn đề cấp bách đang đặt ra trong tình hình hiện nay. 

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987.

2. Đảng Cộng sản Việt NamVăn kiện Đảng toàn tậpNxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội2004, tập 37.

4. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam những trang sử vẻ vang (1930-2002), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội2003.

5. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội2011tập: 3, 4, 7, 10, 11, 12, 15.

 


* Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực I.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 30.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tập 2, tr. 2.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.113.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 25. 

5, [6], 7 Hồ Chí Minh: Sđd, tập 4, tr. 534. 

[8] Hồ Chí Minh: Sđd, tập 11, tr. 398.

[9] Hồ Chí Minh: Sđd, tập 11, tr. 383.

[10]Hồ Chí Minh: Sđd, tập 15, tr. 130.

[11]Hồ Chí Minh: Sđd, tập 15, tr. 532.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 37, tr. 909.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.12. 

Nguyễn Vĩnh Thanh

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực I

Đọc thêm

Báo chí Việt Nam trước yêu cầu, nhiệm vụ và thử thách mới

Tác giả: PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ

(TG) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, 99 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của mình trước vận mệnh của đất nước.

Sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân tố quyết định chiến thắng Điện Biên Phủ

Tác giả: TS Phan Sỹ Thanh

(LLCT) - Cách đây 70 năm, dân tộc Việt Nam đã làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ năm 1954, là chiến thắng của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” - một quyết định chính xác mang tính lịch sử, khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo trong chỉ đạo chiến dịch của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Bài viết phân tích, làm rõ cục diện trên chiến trường Đông Dương; sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân tố quyết định thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I - 70 năm xây dựng và phát triển (1953-2023)

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị khu vực I (1953-2023) là dịp để Đảng uỷ và toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Học viện tổng kết những thành tựu, những đóng góp của Học viện đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng qua các thời kỳ cách mạng. Đây cũng là dịp tổng kết lại sự lãnh đạo của Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị giai đoạn hiện nay, từ đó rút ra những kinh nghiệm, định hình phương hướng phát triển của Học viện trong thời gian tới. Cùng với mục tiêu đã nêu trên, bài viết góp phần tôn vinh những giá trị truyền thống của Học viện qua 70 năm xây dựng và phát triển, tăng cường niềm tự hào, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, tinh thần phụng sự, khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động Học viện Chính trị khu vực I trong bối cảnh hiện nay.