Từ khóa: Hồ Chí Minh; nhà
cách mạng phi thường, đại nhân, đại trí.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu TTXVN).
1. Hồ Chí Minh – một nhà cách mạng phi thường
trong lịch sử Việt Nam
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt
Nam suốt 4000 năm, biết bao bậc tiên liệt phi thường của nhân dân đã lãnh đạo
dân tộc giành độc lập tự chủ, đặt nền móng cho đất nước phát triển đến ngày nay
và muôn đời sau. Người Việt Nam không bao giờ quên những mốc son trong lịch sử
dân tộc gắn với tên tuổi của các anh hùng dân tộc đã lãnh đạo nhân dân đứng lên
đánh đuổi quân xâm lược, giành quyền độc lập tự chủ khi bọn thống trị ngoại
bang giày xéo đất nước, thống trị tàn bạo nhân dân Việt Nam như: Năm 40 – 43
Hai Bà Trưng đánh đuổi bọn thống trị đương thời Nhà Hán, “lập quốc, xưng
vương”, đóng đô ở Mê Linh;
Năm 938 Ngô Quyền tiêu diệt quân Nam Hán. Trận Bạch Đằng Giang nổi tiếng “phá
được cường địch, bảo toàn được nước”, “cởi được cái ách Bắc thuộc hơn 1000 năm,
và mở đường cho Đinh, Lê, Lý, Trần về sau này được tự chủ ở cõi Nam”;
Năm 1418 - 1427 Lê Lợi lãnh đạo nhân dân Đại Việt đứng lên xóa bỏ chế độ thống
trị tàn bạo của Nhà Minh hòng “khiến cho người An Nam đồng hóa với người Tàu”,
giành độc lập tự chủ, xây nền văn hiến Đại Việt suốt từ thế kỷ XV đến thế kỷ
XIX…
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công dưới sự lãnh
đạo của nhà cách mạng phi thường Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, đã ghi thêm một
dấu son chói lọi trong trang sử hào hùng của dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng
Tháng Tám đã vĩnh viễn xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa, xây nền độc lập tự chủ; thực hiện xã hội công bằng, dân chủ,
văn minh muôn đời cho Tổ quốc Việt Nam.
Lịch sử đã chứng minh rằng quyết định ra đi tìm đường
cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành vào năm 1911, sự lựa
chọn đúng đắn của Người về con đường cách mạng Việt Nam, cũng như sự dẫn dắt
tài tình của Người, sự hy sinh cả cuộc đời Người cho sự nghiệp cách mạng ấy là
vô cùng phi thường và sáng suốt, quyết định vận mệnh của cả dân tộc. Sống trong
hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, chứng kiến sự thất
bại của các phong trào yêu nước, sự khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc
thời đó, Người đã sớm nhận thấy một logic tất yếu là muốn cứu nước thì phải tìm
ra một con đường cách mạng mới. Người quyết tâm “muốn ra nước ngoài xem, xem
nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về
giúp đồng bào chúng ta”. Trong bối cảnh xã hội lúc đó, quyết định như vậy đã
giúp Người vừa không lặp lại thất bại của những người đi trước, vừa tìm ra một
con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để dân tộc giành
được độc lập, tự do. Đến tận cuối đời, Người vẫn đau đáu nỗi niềm phụng sự Tổ
quốc, như thể hiện qua những dòng cuối bản Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng hết
sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt
thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục
vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
2. Hồ Chí Minh – một nhà cách mạng đại trí
Khí thiêng sông núi hội tụ từ thuở các Vua Hùng dựng
nước, Hai Bà Trưng…; thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn và
triều đại Nhà Nguyễn trong cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển quốc gia dân tộc
Đại Việt đã hun đúc nên và phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh bởi Nguyễn Ái
Quốc – Hồ Chí Minh – nhà cách mạng đại trí
thời cận, hiện đại của dân tộc Việt Nam.
Đầu thế kỷ thứ XX, trong bối cảnh nước mất nhà tan,
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đi tìm đường cứu nước. Vượt qua những hạn chế
của các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp đương thời, Hồ Chí Minh quyết ra đi
tới phương trời Tây “nơi mà các chữ tự do, bình đẳng, bác ái” - Ông được nghe
từ trạc tuổi 13, để tìm hiểu thực chất đó là gì. Con đường Người tìm đến là lặn
lội bôn ba đầy gian khổ của một người phi thường vì nước quên thân, trên chiếc
tàu Đô đốc Latouche Treville, với vai phụ bếp... Người đi khắp châu Phi, châu Á, châu Âu rồi sang châu
Mỹ, hy vọng về một điều mới lạ để tìm được con đường cứu nước, cứu dân... Thế
rồi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổ ra và kết thúc vào năm 1918. Rốt cuộc,
hai phe đế quốc đã phải tìm kiếm phương thức giải quyết cuộc chiến trong thế
tương quan so sánh mới. Hội nghị Vécxây được triệu tập... Nguyễn Ái Quốc đã
tranh thủ điều kiện đó để gửi “Yêu sách của nhân dân An Nam” gồm 8 điều, để một
bước đòi thực dân Pháp phải thực hiện những điều tối thiểu cho quyền con người
ở Việt Nam thông qua Nhà nước pháp quyền mà cách mạng tư sản thời đó, dù sao đã
mang lại một bước tiến bộ mới trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến...
Song, bản Yêu sách của Nguyễn Ái Quốc không được những người đại diện cho giai
cấp tư sản lúc đó chấp nhận mà còn bác bỏ thẳng thừng...
Hy vọng của Nguyễn Ái
Quốc về nền dân chủ tư sản thế là hẫng hụt... Đi theo con đường nào lúc này?
Chính lúc đó Đảng Xã hội Pháp, một Đảng mà những đảng viên “đã ủng hộ” Người về
vấn đề độc lập dân tộc... đang hoạt động. Nguyễn
Ái Quốc liền gia nhập Đảng Xã hội và những người đồng chí đã giúp đỡ Người,
hướng dẫn Người tìm tới tác phẩm vĩ đại của Mác: Bộ Tư bản.
Người đã say sưa đọc, coi đây như sách gối đầu giường... trong lúc vừa phải
kiếm sống, vừa đi tìm con đường giải phóng giống nòi...
Chính vào thời kì đó, Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại
nổ ra ở nước Nga (1917). Cách mạng Tháng Mười là một tia chớp báo hiệu mùa xuân
mới cho những người bị áp bức bóc lột về con đường đi tới giải phóng mình,
giành lấy tự do và độc lập cho Tổ quốc... Và Quốc tế III, Quốc tế Cộng sản đã
ra đời.
“Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân
tộc và thuộc địa” của Lênin được Đại hội II của Quốc tế Cộng sản họp năm 1920
thông qua, vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc
địa và phụ thuộc. Đối với Nguyễn Ái Quốc, đây chính là điểm nút quan trọng mở
ra nhận thức mới về con đường giải phóng dân tộc ở thuộc địa, cũng là nguyện
vọng tha thiết của Người. “Sơ thảo...” đã chỉ ra con đường đi tới độc lập cho
Tổ quốc, tự do cho nhân dân Việt Nam. Từ đây, con đường cứu nước đúng đắn đã
được tìm thấy, đó là con đường cách mạng vô sản, con đường của Cách mạng Tháng
Mười Nga. Người khẳng định: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động,
phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi
một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo:
“Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con
đường giải phóng chúng ta”.
Tại Đại hội XVIII của Đảng Xã hội Pháp từ ngày 25 đến
ngày 30 tháng 12 năm 1920 tại Thành phố Tua (Pháp), khi tranh luận rất gay gắt
về việc gia nhập Quốc tế III hay ở lại Quốc tế II, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh
đã đọc tham luận tại Đại hội và cùng với các nhà cách mạng Pháp đứng hẳn về
Quốc tế III, bỏ phiếu gia nhập Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc là một trong
những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành một trong những đảng viên đầu
tiên của Đảng Cộng sản Pháp và đồng thời cũng là người cộng sản Việt Nam đầu
tiên trong tổ chức này.
Đây là bước nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức
tư tưởng và lập trường chính trị của Người. Hành động của Người - chuyển từ chủ
nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản - là phù hợp với sự phát triển của lịch
sử, đã lôi cuốn theo cả một lớp người Việt Nam yêu nước chân chính đi theo chủ
nghĩa Mác - Lênin. Từ đó, chủ nghĩa Mác -Lênin có cơ hội thâm nhập và phát
triển trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Cách mạng
Việt Nam từ đây đã có phương hướng đúng đắn và trở thành một bộ phận khăng khít
của phong trào cách mạng thế giới.
Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Người hoạt động ở Pháp,
rồi sang Nga, tham dự các Đại hội của Quốc tế Cộng sản, vận động phong trào
cách mạng trong các tầng lớp người Việt Nam để đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào
phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam. Trong thời kỳ này Người
viết nhiều tác phẩm, nổi bật là “Bản án chế độ thực dân Pháp” (in năm 1925), chỉ
rõ cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản...
Sau đó được sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, Người về
Quảng Châu mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho phong trào giải phóng dân
tộc Việt Nam. Người lập ra Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội và trực
tiếp giảng cho đội ngũ cán bộ tại lớp học ở Quảng Châu. Những bài giảng của
Người được in thành tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927). Tác phẩm “Đường Kách
mệnh” phân chia cách mạng vô sản làm hai: dân tộc cách mạng và giai cấp cách
mạng, để chỉ rõ đi theo con đường cách mạng vô sản không phải là làm ngay cách
mạng vô sản như ở nước Nga năm 1917 hay làm cách mạng giống như các nước tư bản
chủ nghĩa phát triển khác, mà đi theo con đường cách mạng vô sản là phải tùy
theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội mỗi nước để định ra đường lối cách
mạng của nước mình. Tác phẩm còn chỉ rõ sự cấp thiết và con đường dẫn tới thành
lập một Đảng cách mạng chân chính để lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc
Việt Nam thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và bè lũ tay sai.
Sự phát triển phong trào cách mạng trong các tầng lớp
nhân dân trong nước thời kỳ đó được mở rộng... Nhiều nhóm cộng sản đã được
thành lập ở cả 3 miền Trung, Nam, Bắc, thúc đẩy phong trào yêu nước giải phóng
dân tộc Việt Nam. Trước yêu cầu của sự thống nhất các tổ chức cộng sản ở trong
nước, được sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế
Cộng sản đã thống nhất các tổ chức cộng sản này. Tại Hội nghị hợp nhất các tổ
chức cộng sản ở Hương Cảng ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã
được thành lập. Nguyễn Ái Quốc đưa ra “Chính cương vắn tắt”, “Điều lệ vắn tắt”
và “Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng”... Những văn kiện này trở thành Cương
lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh đầu tiên của Đảngxác định,cách mạng Việt
Nam có hai nhiệm vụ quan hệ khăng khít với nhau là: Chống đế quốc và chống
phong kiến, song phải đặt nhiệm vụ chống đế quốc thực dân và bè lũ tay sai là
nhiệm vụ hàng đầu. Để tập trung mũi nhọn chống đế quốc và phong kiến phản động
tay sai, cần phải đoàn kết rộng rãi mọi giai cấp, mọi tầng lớp yêu nước chống
đế quốc, bao gồm cả giai cấp tư sản dân tộc, nhân sĩ yêu nước, lấy công nông
làm nền tảng, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Đối với địa chủ và phú nông,
Người chủ trương phân hóa, nhằm lôi kéo hạng trung, tiểu địa chủ, ít nhất cũng
là làm cho họ trở thành trung lập, còn bộ phận nào đã lộ mặt phản cách mạng thì
phải đánh đổ. Chủ trương đó hoàn toàn đúng đắn, sát hợp thực tiễn Việt Nam,
nhằm mục tiêu trước hết là giải phóng dân tộc, để rồi thực hiện chế độ dân chủ
mới, tiến tới chủ nghĩa xã hội.
“Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường Kách mệnh” và
“Cương lĩnh đầu tiên của Đảng” do Nguyễn Ái Quốc đưa ra tại Hội nghị hợp nhất
các tổ chức cộng sản ngày 3 tháng 2 năm 1930 là cốt lõi của đường lối giải
phóng dân tộc Việt Nam, đặt nền móng xây nền dân chủ mới và tiến tới chủ nghĩa
xã hội ở Việt Nam.
Con đường ấy - con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa
xã hội - chính là sự vận dụng sáng tạo phép biện chứng duy vật của Mác,
Ăngghen, Lênin, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại vào thực tiễn cách mạng
Việt Nam. Sáng suốt và kiên trì dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi theo con đường
ấy, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – người suốt đời vì dân, vì nước, với tầm nhìn
của một bậc đại trí, đã đưa cách mạng Việt Nam tiến bước vững chắc: Đi theo con
đường cách mạng vô sản.
Tầm nhìn trí tuệ cao siêu của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí
Minh càng thể hiện rõ hơn ở sự lãnh đạo linh hoạt, hợp thời, ở việc biết thời
thế mà biến hóa phù hợp với quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy của con
người – dĩ bất biến, ứng vạn biến. Với Người, việc đi theo con đường cách mạng
vô sản không có nghĩa là rập khuôn theo cách mạng vô sản Nga, mà căn cứ vào
điều kiện cụ thể để thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, trước hết
chống đế quốc thực dân và bè lũ tay sai, giành độc lập dân tộc, rồi mới dần dần
tiến lên chủ nghĩa xã hội... Do đó mà chiến lược, sách lược cách mạng của Người
luôn phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Chỉ có đi theo con đường đó,
cách mạng mới tiến lên mạnh mẽ được. Đi trái con đường đó, hoặc tả khuynh, hoặc
hữu khuynh, cách mạng đều phải trả giá.
Cũng chính nhờ đó mà Nguyễn Ái Quốc -Hồ Chí Minh đã
vượt qua được những khó khăn, thử thách gay go trước diễn biến của tình hình
thế giới và trong nước những năm 1934 – 1940. Những thay đổi trong tình hình
thế giới khiến Quốc tế Cộng sản chủ trương lập Mặt trận chống chủ nghĩa phát
xít Đức, Ý, Nhật tại Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản (năm 1937). Những diễn
biến mới ở trong nước cũng tạo điều kiện cho Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh
đạo cách mạng. Trước tình hình ấy, Người đã xin về nước và được Quốc tế Cộng
sản chấp nhận.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Người, tháng 5 năm 1941
Mặt trận Việt Minh được thành lập, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc,
chống chủ nghĩa phát xít... Nhờ sự lãnh đạo tài tình của Người, phong trào giải
phóng dân tộc Việt Nam đã nắm bắt được thời cơ ngàn năm có một, tập hợp lực
lượng thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc và đến tháng 8 năm 1945 cuộc Tổng
khởi nghĩa cả nước giành chính quyền thắng lợi. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí
Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,
chấm dứt chế độ thực dân và phong kiến, đưa Tổ quốc Việt Nam tiến lên trên con
đường Độc lập - Tự chủ - Tự cường, phát triển kịp với trào lưu của thế giới.
Đất nước vừa mới giành được độc lập, những khó khăn
chồng chất... thì bọn thực dân Pháp trở lại xâm lược, hòng đặt ách thống trị
lên đầu lên cổ nhân dân Việt Nam một lần nữa. Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn Đảng
và toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ trong 9
năm... kết thúc bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ vang dội địa cầu. Hiệp
định Giơnevơ được ký kết, hòa bình được lập lại ở Việt Nam. Đất nước được giải
phóng, nửa nước đi lên chủ nghĩa xã hội nhưng miền Nam vẫn còn nằm dưới ách
thống trị của chế độ thực dân mới của Mỹ và bè lũ tay sai. Nhân dân Việt Nam
lại phải tiếp tục hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam và thúc
đẩy cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc... Sau 20 năm chiến đấu anh hùng
của nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày
30 tháng 4 năm 1975 cả nước được giải phóng, thống nhất đất nước và đi lên chủ
nghĩa xã hội...
Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta đã
đi xa, nhưng trí tuệ và tầm ảnh hưởng của Người vẫn tiếp tục dẫn dắt con đường
cách mạng Việt Nam. Từ sau năm 1975 đến năm 1989, Đảng Cộng sản và Nhà nước xã
hội chủ nghĩa Việt Nam đã kiên trì theo tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến”
của Người, linh hoạt thay đổi các chính sách và đối sách phù hợp với hoàn cảnh
để thúc đẩy cách mạng tiến lên... Nhờ vậy, đất nước đã vượt qua muôn vàn khó
khăn, giành thắng lợi ở cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, giúp nhân dân
Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, cũng như trong cuộc chiến tranh chống quân
xâm lược Trung Quốc ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc (1979-1989).
Bước vào thời kỳ đổi mới, tiếp tục đi theo con đường
mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vượt mọi gian khổ
khó khăn, sửa chữa những sai lầm trong thời kỳ thực hiện chính sách kinh tế - xã
hội thời quan liêu bao cấp kéo dài từ năm 1976 đến năm 1990... Đến nay, chúng
ta đã thu được những thành tựu vĩ đại... đất nước chưa bao giờ có được vị thế,
cơ đồ như ngày hôm nay.
Những thành công to lớn đó chính là do Đảng đã lãnh
đạo nhân dân theo đường lối cách mạng của Hồ Chí Minh, theo ánh hào quang đại
trí của Hồ Chí Minh. Theo cốt lõi tư tưởng của Người, con đường độc lập dân tộc
và chủ nghĩa xã hội là tất yếu của cách mạng Việt Nam. Để tiến lên giàu mạnh,
ấm no, dân chủ; để đất nước giành và giữ vững được độc lập, tự do, có chủ
quyền, cách mạng Việt Nam, con người Việt Nam cần luôn cố gắng tự chủ, tự
cường, song không bao giờ để bị rơi vào thế cô lập, bị lệ thuộc. Bị cô lập,
nghèo hèn thì không có con đường sống chứ đừng nói gì tiến lên chủ nghĩa xã
hội. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh là như vậy.
3. Hồ Chí Minh – một nhà cách mạng đại nhân
Triết lý sống của Hồ Chí Minh là lòng nhân ái, yêu
thương con người, vì con người... Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong lòng một
dân tộc có truyền thống nhân ái, tiếp nhận được những tinh hoa văn hóa Phương
Đông và Phương Tây, những nhân tố hợp lý trong “đạo làm người” của Nho giáo,
Thuyết “cứu khổ, cứu nạn”, nhân ái, khoan dung của Phật giáo, lý tưởng nhân văn
thời cách mạng tư sản đang lên, chống phong kiến, giải phóng xã hội. Khi đến
với chủ nghĩa Mác - Lênin, thấm nhuần học thuyết nhân đạo hiện thực mới, tư
tưởng nhân văn ở Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển mang tính tổng hợp từ
những tinh hoa của dân tộc và nhân loại. Tình yêu thương con người đã trở thành
lẽ sống của Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh quan niệm con người không phải là thần
thánh, mà có cả cái tốt và cái xấu. Bởi vậy, phải “làm cho phần tốt ở trong mỗi
con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi”.
Do vậy, lòng yêu thương con người ở Hồ Chí Minh gắn với lòng tin ở con người,
dùng sức của con người để giải phóng con người, vì con người và phục vụ con
người.
Trong khi đất nước còn bị chủ nghĩa thực dân đế quốc
thống trị, Người xác định: việc giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột của
chủ nghĩa đế quốc thực dân là điểm đầu tiên trong cuộc đấu tranh để đem lại
quyền làm người. Giành được độc lập rồi, theo Hồ Chí Minh: “Nếu nước độc lập mà
dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”.
Chính vì vậy, chỉ một ngày sau khi đọc “Tuyên ngôn độc lập”, Người và Chính phủ
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đề ra:
“Chúng ta phải thực hiện ngay:
1. Làm cho dân có ăn
2. Làm cho dân có mặc
3. Làm cho dân có chỗ ở
4. Làm cho dân có học hành”.
Người đã nhiều lần nói rằng: Dân dĩ thực vi thiên; dân
chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Nhu
cầu tối thiểu tồn tại như một thực thể xã hội của con người cần được bảo đảm,
con người sống phải cho ra sống, phải có một cuộc sống có chất lượng, một cuộc
sống xứng đáng với con người. Đối với những người sống dưới mức nghèo khổ thì
việc nói đạo đức, lý tưởng với họ là điều vô nghĩa. Chính vì vậy, chủ trương ra
sức phát triển kinh tế mà Hồ Chí Minh đề ra trước hết là nhằm xóa đói giảm
nghèo, làm cho người nghèo bớt nghèo hơn, người khá thì khá hơn, người giàu thì
giàu hơn. Con người trước hết phải ăn, mặc, ở, được đảm bảo về nhu cầu tối
thiểu, rồi mới có thể tính đến làm giàu cho bản thân và cho xã hội. Con người
sống trong xã hội phải được hưởng mọi quyền lợi cả về văn hóa và mọi mặt khác
của đời sống xã hội, được đối xử với tính cách là con người, với chữ NGƯỜI viết
hoa.
Đối với Hồ Chí Minh, tình thương yêu con người gắn với
lòng tin ở con người, tin ở nhân dân, sự sáng tạo của nhân dân, đồng thời phải
quan tâm bồi dưỡng sức dân. Người tâm niệm: “Dễ mười lần không dân cũng chịu,
khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Người kế thừa tư tưởng quý báu của các anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo,
Nguyễn Trãi về sức mạnh của nhân dân: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền
gốc”, “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”; Kế thừa chủ nghĩa nhân
đạo hiện thực của học thuyết Mác để hình thành tư tưởng nhân văn mới, tin tưởng
mãnh liệt vào sức mạnh, tính chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân và luôn
tôn trọng nhân dân. Người thấy rõ vai trò của quần chúng nhân dân trong sự
nghiệp cách mạng, “người là gốc của làng nước”,
“nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền
nhân dân”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn quan tâm chăm lo bồi dưỡng, sử dụng
và phát huy sức mạnh của con người, của nhân dân. Trong kháng chiến kiến quốc,
Người luôn chú ý chăm lo bồi dưỡng sức dân, đoàn kết phát huy sức mạnh của dân,
dùng sức dân, tài dân để đem lại lợi ích cho nhân dân.
Đối với những người đã lầm đường lạc lối, Hồ Chí Minh
cũng rất khoan dung, rộng lượng. Người khẳng định: “Năm ngón tay cũng có ngón
vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người
cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ
tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ”.
Đồng thời với việc yêu thương dân, tin dân, chăm lo
bồi dưỡng sức dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở phải xây dựng bộ máy
Đảng, Nhà nước trong sạch, chống nạn tham nhũng, quan liêu, nhũng nhiễu nhân
dân, đặc biệt là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Đây cũng chính là những biện
pháp vô cùng hữu hiệu để đảm bảo lợi ích cho nhân dân.
Kết luận
Con người và sự nghiệp cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí
Minh là tấm gương sáng chói của một con người vĩ đại. Cả cuộc đời Người đã cống
hiến vì mục tiêu tự do, độc lập, hạnh phúc ấm no cho dân tộc Việt Nam. Bản lĩnh
và trí tuệ phi thường, sáng suốt, cùng với tấm lòng nhân ái bao la của Người đã
luôn và sẽ mãi mãi chiếu rọi sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong thời đại mới,
việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh
chính là thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong công cuộc
đổi mới hiện nay. Để làm được điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tự rèn
luyện nâng cao tri thức và kỹ năng làm việc cũng như phẩm chất đạo đức của
người cộng sản, nỗ lực chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Một khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đồng lòng như vậy, nhất định chúng ta
sẽ đạt được mục tiêu xây dựng đất nước như khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư,
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng:
“- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công
nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập
Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình
cao.
- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập
Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[14].
Thực hiện được những mục tiêu to lớn đó chính là làm
cho Việt Nam trở nên hùng cường, cũng chính là khát vọng muôn đời của dân tộc
Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập: 4,
5, 12.
2. Trần Trọng Kim (2000), Việt Nam sử
lược, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
3. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (2020), "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất
nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", Hà Nội,
https://nhandan.com.vn
Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 12, tr.562.