Chủ nhật, ngày 26/12/2021, 10:12

Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về lấy “dân làm gốc” đến quan điểm của Đảng về “dân làm gốc” trong tiến trình lịch sử

NGUYỄN THỊ THU HÀ
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Từ những kinh nghiệm lịch sử của dân tộc, những giá trị đúc kết tư tưởng “dân làm gốc” của Hồ Chí Minh, trong công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quán triệt và phát huy cao độ bài học kinh nghiệm lấy “dân làm gốc” tạo nên nguồn sức mạnh to lớn, đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh và vững chắc; thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Từ khóa: Đảng Cộng sản Việt Nam; lấy dân làm gốc; tư tưởng Hồ Chí Minh.

Mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19-8-1945

(Ảnh: https://www.sggp.org.vn)


Đặt vấn đề

Trong quan niệm truyền thống của người Việt Nam, vai trò của quần chúng nhân dân luôn được đề cao, thể hiện trong các tư tưởng “dĩ nông vi bản”, “dĩ dân vi bản”, “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Khi chủ nghĩa Mác - Lênin được Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào Việt Nam, tư tưởng “dĩ nông vi bản”, “dĩ dân vi bản” lại mang một hình thức hiện đại với nội dung toàn diện hơn. Điểm mới ở đây là trong quan niệm về vai trò của dân không dừng lại ở “dân bản” mà quan trọng hơn, được mở rộng thành “dân chủ” - dân không những là nền tảng, hơn thế, còn là người làm chủ đất nước. Toàn bộ di sản tư tưởng cũng như thực tiễn hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh luôn thể hiện rõ quan điểm lấy “dân làm gốc”. Đây là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam định ra đường lối chiến lược, lãnh đạo cách mạng giành chính quyền, bảo vệ chế độ, giữ vững độc lập, chủ quyền. Đây cũng là cơ sở tư tưởng để Đảng xây dựng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình lịch sử.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về lấy “dân làm gốc”

Lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam đã khẳng định “bảo quốc ” (giữ nước) và “hộ dân” (giúp dân) là hai nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà cầm quyền. Nếu không làm tròn hai nhiệm vụ này thì sự tồn tại của một triều đại cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tư tưởng “dân làm gốc”, là cẩm nang điều hành đất nước cho mọi triều đại trong lịch sử Việt Nam. Chủ trương dựa vào dân để bảo vệ đất nước của các triều đại phong kiến đã phát huy sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân, đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu đưa đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, Mông - Nguyên, Minh, Thanh xâm lược, giành và giữ được độc lập cho dân tộc.

Tiếp nối tư tưởng “dân làm gốc” trong lịch sử dân tộc, toàn bộ di sản tư tưởng cũng như thực tiễn hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh luôn thể hiện rõ quan điểm này. Theo Người, biểu hiện của “dân làm gốc” là phải biết tin ở dân, gần gũi với dân, kính trọng dân và biết dựa vào dân. Phải nhận thức rõ dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng: “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”[1]. Người cho rằng: “...cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người” và xác định: Lực lượng chính trong cuộc khángchiến kiến quốc là nhân dân. Chính vì vậy, ngay sau khi ra đời, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng xác định lực lượng cách mạng là toàn thể quần chúng nhân dân. Trong đó, giai cấp công - nông là gốc của cách mạng, học trò, nhà buôn, điền chủ nhỏ là bầu bạn của công nông. Điều này khẳng định sức mạnh của Đảng được xây dựng từ nhân dân, nhân dân là chỗ dựa của Đảng. Đường lối đúng đắn này là ngọn cờ tập hợp đông đảo quần chúng tham gia và làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đến khi đất nước giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”[2], và do vậy “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[3]. Bên cạnh việc đề cao vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện dân chủ thì trách nhiệm, nghĩa vụ làm chủ của mỗi người dân cũng được Hồ Chí Minh nhấn mạnh. Người chỉ rõ: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”. Điều này có nghĩa là, dân chủ không chỉ bao hàm mỗi quyền lợi, lợi ích chính đáng của dân, mà đi liền với nó, còn là phương diện nghĩa vụ và trách nhiệm của dân. Người lưu ý, “sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc” và “công việc đổi mới, xây dựng” đều thuộc trách nhiệm, công việc của dân, tức là do dân làm chủ. “Quyền làm chủ” và “trách nhiệm làm chủ” của nhân dân là hai nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân. Trong nhiều bài nói, bài viết, Hồ Chí Minh luôn thể hiện, quán triệt cả hai phương diện ấy khi bàn về dân chủ. Người viết: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khóa, cái cửa đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khóa, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết... Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ”[4].

Theo Hồ Chí Minh, để thực sự lấy “dân làm gốc”, cần phải:

Một là, luôn tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Muốn được lòng dân, không những “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” mà còn “phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dẫu khó khăn đến đâu... quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”. Người thường xuyên nhắc nhở phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu kính lại. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt quan cách mạng để ra lệnh cho dân. Đặc biệt, phải kiên quyết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện xâm phạm lợi ích của nhân dân, vi phạm quyền làm chủ của dân. Theo Hồ Chí Minh, bảo vệ lợi ích của nhân dân còn là tiêu chí để phân biệt bạn, thù. Người khẳng định: “...ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù”[5].

Hai là, làm tốt công tác dân vận. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cho đến lúc để lại Di chúc, Bác luôn dành tâm huyết bồi đắp, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân thông qua cầu nối là công tác vận động quần chúng. Theo Hồ Chí Minh, làm tốt công tác dân vận thì phải “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”[6]. Người cán bộ phải thường xuyên đi xuống dân, gắn bó với nhân dân, tăng cường đối thoại với nhân dân để nghe dân nói, xem dân làm, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân, biết dân đang nghĩ gì, cần gì... Thực tế cho thấy, cán bộ sát dân không chỉ là ở gần dân, mà còn phải biết nói để dân hiểu, dân tin và dân làm theo. Nghĩa là Đảng phải chăm lo, gắn bó với mỗi người dân trong cuộc sống hàng ngày.

Ba là, phải nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân đối với những âm mưu phá hoại, những luận điệu xuyên tạc, chống phá mà các thế lực thù địch có thể tuyên truyền trong quần chúng nhân dân hòng hạ thấp uy tín của Đảng, làm cho nhân dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, kích động nhân dân chống lại chế độ, gây mất ổn định chính trị và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Bác Hồ dùng thử máy cấy tại Trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội năm 1960

(Ảnh: https://www.bqllang.gov.vn)

Như vậy, nhìn tổng thể, có thể khẳng định quan điểm “dân làm gốc”, dân làm chủ với những ý nghĩa sâu xa, nhân văn là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Đây chính là nền tảng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam, là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam định ra đường lối chiến lược, sách lược lãnh đạo cách mạng giành chính quyền, bảo vệ chế độ, giữ vững độc lập, chủ quyền.

2. Quan điểm lấy “dân làm gốc” của Đảng trong tiến trình lịch sử

Kế thừa tư tưởng lấy “dân làm gốc” trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh giành độc lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước phát triển và cụ thể hóa tư tưởng đó vào trong các giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc giữ dân, giành dân, an dân và đặc biệt là việc lấy “dân làm gốc” có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng và sự bền vững của chế độ.

Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, đường lối phát động cuộc chiến tranh nhân dân thể hiện tư tưởng đề cao vai trò của quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng tiếp tục quán triệt quan điểm lấy “dân làm gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân. Xuyên suốt các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, Đảng luôn đề cao bài học này. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, một trong bốn bài học lớn được Đảng rút ra là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng lấy “dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Bài học này tiếp tục được quán triệt sâu sắc trong các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX tiếp tục khẳng định: “đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo”[7]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X đề cao bài học: “đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới”[8]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI nhấn mạnh bài học: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”[9]. “Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”[10]. Tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong quá trình xây dựng đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (2016) khẳng định, đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với ý nghĩa như vậy, vai trò và vị trí của nhân dân tiếp tục được coi trọng và thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhân dân.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021), Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân làm gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Từ quan điểm nhất quán này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, những quyết sách mạnh mẽ hướng đến việc phát huy sức mạnh của thế trận lòng dân, nâng cao niềm tin son sắt của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đây chính là động lực to lớn, mang tính quyết định của cách mạng.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XIII xác định để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của nhiệm kỳ mới và cả những giai đoạn tiếp theo, đó là: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam nhằm hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước phát triển phồn thịnh. Đó là việc tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), bảo đảm tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ cơ sở theo tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Thực tiễn thì dân không chỉ được biết, được bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân giám sát. Cái đích cuối cùng và cũng là thước đo hiệu quả của mọi chủ trương quyết sách đó còn là những thành quả mà nhân dân được thụ hưởng. Đây là bước tiến mới trong việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Những chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo được hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm để mọi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đề cập và quán triệt một cách sâu sắc. Đây cũng được coi là thước đo vì dân để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh việc tiếp tục xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII chú trọng các nội dung, giải pháp tập trung xây dựng Đảng về đạo đức. Cán bộ, đảng viên phải có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, giữ vững phẩm chất đạo đức, vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Để xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã cụ thể hóa, hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” bằng việc phát huy vai trò giám sát, đánh giá của Nhân dân trong xây dựng Đảng, Nhà nước. Đại hội chỉ rõ: Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên. Đây là sự khẳng định về việc kiên định tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt sâu sắc thêm trong đội ngũ của Đảng lời dạy của Bác: “Mỗi cán bộ đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, và là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. 

Kết luận

Tư tưởng lấy “dân làm gốc” của Hồ Chí Minh là nền tảng, sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Trong thực tiễn, tư tưởng này đã tạo ra khả năng to lớn trong việc thuyết phục, đoàn kết mọi lực lượng, phát huy khả năng của cả dân tộc vào khối đại đoàn kết toàn dân, hướng lực lượng toàn dân vào mục tiêu giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Quán triệt tư tưởng này, trong suốt tiến trình lịch sử, trải qua các kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao bài học lấy “dân làm gốc”. Đây là bài học quý báu trong tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Hiện nay, trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình quốc tế và trong nước đòi hỏi Đảng không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, luôn luôn quán triệt và phát huy cao độ bài học kinh nghiệm lấy “dân làm gốc” trong mọi chủ trương, đường lối, để củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết vững mạnh, hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng, Hồ Chí Minh và Nhân dân đã lựa chọn và kiên trì thực hiện. 

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001),Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo tổng kết, Báo cáo tổng kết Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập: I, II.

6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 5; 6; 7; 8; 9. 10


[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 5, tr.335.

[2] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 7, tr.434.

[3] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 6, tr.232.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 10, tr.457.

[5] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 9, tr.264.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 6, tr. 232.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.81.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,  tr.71.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.65.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Sđd, tr.65.

Đọc thêm

Một số giải pháp góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số theo định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030

Tác giả: Đỗ Hoàng Xa

(GDLL) - Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, khách quan của sự phát triển, bài viết làm rõ quan điểm, chủ trương, nhận thức của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số trong thời kỳ mới. Trên cơ sở đó khái quát những thành tựu và hạn chế của quá trình chuyển đổi số, đề xuất một số giải pháp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển bền vững đất nước.

Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về thực hành chữ "Dám" đối với cán bộ, đảng viên

Tác giả: Đoàn Mạnh Hùng

(GDLL) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung là hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc. Bài viết hệ thống hóa những nội dung tư tưởng sâu sắc đó của Người thực hành 7 "dám" theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu công cuộc Đổi mới hiện nay.

Vấn đề giai cấp trong Tác phẩm “thường thức chính trị” của chủ tịch Hồ Chí Minh với việc củng cố liên minh giai cấp trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Cung Thị Ngọc

(GDLL) - Bài viết góp phần làm sáng tỏ vấn đề giai cấp trong tác phẩm “Thường thức chính trị”** của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phương châm củng cố liên minh giai cấp công nhân - nông dân và đội ngũ trí thức của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng đời sống văn hoá vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Lê Viết Cường

(GDLL) - Bài viết tập trung làm rõ vai trò và thực trạng phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng đời sống văn hoá vùng dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng đời sống văn hóa vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Nguyễn Văn Tặng

(GDLL) - Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, tồn tại dưới nhiều hình thức, phổ biến hơn cả là tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Bài viết làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế tập thể, quá trình vận dụng và phát triển nhận thức của Đảng về phát triển kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thời gian qua. Từ đó, đưa ra một số giải pháp vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.