Chủ nhật, ngày 26/12/2021, 10:16

Nhận diện và phòng, chống thủ đoạn biên soạn và phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách ở Việt Nam hiện nay

NGUYỄN VĂN QUY - NGUYỄN PHÚ PHƯƠNG
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng

(GDLL) - Trong giai đoạn hiện nay, tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách đã, đang tồn tại và có xu hướng gia tăng, gây tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm và niềm tin của một bộ̣ phận nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đối tượng biên soạn và phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách có sự đa dạng về thành phần, phong phú về động cơ nhưng đều có chung mục đích xấu nhằm chống phá Việt Nam. Bài viết tập trung nhận diện đúng đối tượng, nội dung, hình thức phát tán, nguyên nhân dẫn đến và sự tồn tại của những tài liệu này trên cơ sở đó đề ra một số giải pháp phòng, chống thủ đoạn biên soạn và phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách của các thế lực thù địch ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Nhận diện và phòng, chống; tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách; thủ đoạn biên soạn và phát tán tài liệu xấu độc.

Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch, đối tượng xấu liên tục phát tán thông tin giả, thông tin xấu độc

(Ảnh: https://tuyengiao.vn)

Đặt vấn đề

Trong giai đoạn hiện nay, một số đối tượng bất mãn, chống đối ở trong nước và các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động chống phá Việ̣t Nam bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, trong đó, biên soạn và phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách đến mọi tầng lớp nhân dân đã và đang diễn ra công khai, gây tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm và niềm tin của một bộ phận nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Vì vậy, nhận diện và phòng, chống thủ đoạn này là vấn đề có tính thời sự, mang tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.

1. Thủ đoạn biên soạn và phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước

Tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách là một hình thức tồn tại không mới nhưng trong giai đoạn hiện nay lại phát triển mạnh mẽ, tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm và niềm tin, lối sống, tạo nguyên cớ phát triển sự hoài nghi, thúc đẩy tư tưởng bất mãn, chống đối trong một bộ phận nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách thường ẩn chứa nhiều nội dung, trong đó, nổi lên là: Phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh; vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; mục tiêu, lý tưởng và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; tung tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và kích động chia rẽ đoàn kết nội bộ; bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cán bộ chủ chốt các cấp; xét lại lịch sử, khơi lại, thổi phồng và khoét sâu sai lầm của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn cải cách ruộng đất; xuyên tạc, bóp méo phẩm chất người phụ nữ Việt Nam; có tư tưởng bất mãn, mất niềm tin vào chế độ, kích động, hướng lái quần chúng tụ tập đông người, biểu tình, gây rối an ninh trật tự; kích động chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, kích động hận thù giữa các tôn giáo với Đảng, Nhà nước và chế độ...

Hiện nay, những đối tượng thường xuyên biên soạn, phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách, gồm: Các cá nhân, tổ chức phản động, chống phá Việt Nam ở ngoài nước; các đối tượng bất mãn, chống đối ở trong nước; một số cá nhân văn nghệ sĩ, trí thức “trở cờ” và một số cán bộ, đảng viên đã nghỉ công tác tại các cơ quan hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang có tư tưởng bất mãn, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nhận thức và hành động. Thủ đoạn biên soạn và phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách của các đối tượng này được thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau, cụ thể là:

Các cá nhân, tổ chức phản động, chống phá Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên tiến hành các hoạt động cài cắm, móc nối, tuyển lựa, thu thập thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở Việt Nam (chủ yếu là những hạn chế, khuyết điểm); sau đó tổ chức biên soạn, in và phát tán về Việt Nam (cả sách in và sách điện tử). Hiện nay, chúng tăng cường phát tán sách điện tử đến mọi tầng lớp nhân dân thông qua internet và mạng xã hội. Đặc điểm riêng của tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách của nhóm đối tượng này là công khai chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các cuốn sách do chúng biên soạn và phát tán thường hướng tới những vấn đề nóng, sự kiện chính trị xã hội được dư luận quan tâm; tung tin xuyên tạc, bóp méo bản chất của sự việc, kích động người đọc phản đối các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua phát triển các tổ chức, hội, nhóm mang danh “xã hội dân sự”, tiến hành các hoạt động từ gây rối trật tự, biểu tình, bạo loạn đến đấu tranh lật đổ chế độ chính trị xã hội hiện tồn.

Bên cạnh đó, nhóm đối tượng này còn thường xuyên tuyển lựa, dịch, in và phát tán về Việt Nam nhiều cuốn sách của các tác giả khác nhau ở ngoài nước có nội dung chống phá mô hình, con đường xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, xuyên tạc, hạ bệ chủ nghĩa Mác - Lênin. Qua đó, quy chụp, xóa nhòa tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và thúc đẩy tư tưởng đấu tranh lật đổ chế độ, xây dựng mô hình, chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam.

Các đối tượng bất mãn, chống đối ở trong nước có sự liên kết với các cá nhân, tổ chức phản động, chống phá Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động biên soạn và phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách. Tuy nhiên, có đặc điểm riêng theo từng thời điểm nhất định, như: Biên soạn, in lậu ở trong nước; biên soạn, gửi ra nước ngoài để in lậu hoặc in, phát hành bởi nhà xuất bản của nước ngoài, sau đó phát tán về trong nước. Thường thì các đối tượng viết, in lậu ở trong nước và phát tán đến các tầng lớp nhân dân thông qua khâu trung gian là mạng xã hội, dịch vụ shipper, chuyển phát nhanh. Trong giai đoạn hiện nay, các đối tượng này thường lợi dụng những vụ việc lực lượng chức năng bắt và xử lý các đối tượng chống đối, có hành vi chống phá chế độ, lật đổ chính quyền nhân dân và những vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong một bộ phận nhỏ nhân dân trên cả nước để biên soạn, dịch và phát tán các tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách. Tất cả những tài liệu này đều chứa đựng nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam và kích động, phát triển tư tưởng chống đối ở người đọc.

Thủ đoạn biên soạn và phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách của các đối tượng là văn nghệ sĩ, trí thức “trở cờ” hoặc có thâm thù với cách mạng, cán bộ, đảng viên đã nghỉ công tác tại các cơ quan hành chính sự nghiệp hoặc lực lượng vũ trang có tư tưởng bất mãn mang những đặc điểm riêng, như: Thể loại sách là các dạng bút ký, phóng sự, điều tra, văn xuôi, tiểu thuyết; sách có thể được một số nhà xuất bản trong nước phát hành hoặc là tự in lậu; sách chứa đựng tư tưởng bất mãn với chế độ, xét lại lịch sử, phản đối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kích động tư tưởng “bài Trung”; tung tin xuyên tạc, nói xấu một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Các đối tượng thực hiện thủ đoạn phát tán sách đến các tầng lớp trong xã hội thông qua khâu trung gian là mạng xã hội, dịch vụ shipper và thông qua các dịch vụ chuyển phát nhanh của bưu điện và các doanh nghiệp tư nhân.

Điểm đáng chú ý của nhóm đối tượng này là sử dụng uy tín, mối quan hệ, lợi ích để đưa những tài liệu có nội dung xấu độc dưới dạng cuốn sách được xuất bản một cách chính danh, dưới danh nghĩa đã qua kiểm duyệt, được phát hành bởi nhà xuất bản trong nước, qua đó chuyển hóa tài liệu xấu độc thành tài liệu tuyên truyền để đánh lừa nhận thức, đánh cắp lòng tin và tạo sự hoài nghi của người đọc đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tính ưu việt của chế độ.

Thủ đoạn biên soạn và phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách trong giai đoạn hiện nay đã trở thành “phong trào” và là một thủ đoạn thâm độc được các đối tượng tiến hành. Thủ đoạn này đã và đang trở thành lực cản trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Vậy, sự tồn tại của những tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách trong giai đoạn hiệ̣n nay do nguyên nhân nào?Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, chúng tôi cho rằng, có những nguyên nhân cơ bản như sau:

Một là, tính tất yếu khách quan của xã hội có giai cấp, luôn tồn tại đối kháng và đấu tranh giai cấp; sự đối lập về hệ tư tưởng, thể chế chính trị luôn diễn ra mâu thuẫn, đấu tranh, chuyển hóa lẫn nhau trên nhiều phương diện nhằm triệt tiêu lẫn nhau, trong đó, các thế lực thù địch, phản động luôn thực hiện các hoạt động chống phá Việt Nam bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau và việc biên soạn, phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách là tất yếu.

Hai là, được hà hơi, tiếp sức, cổ xúy, tài trợ kinh phí của các cá nhân, tổ chức phản động, chống phá Việt Nam ở nước ngoài, các đối tượng, tổ chức chống đối ở trong nước thường xuyên tiến hành các hoạt động lôi kéo, tập hợp, phát triển lực lượng, tiến hành các hoạt động chống phá, trong đó có thủ đoạn biên soạn, phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách.

Ba là, trong xã hội vẫn còn một số văn nghệ sĩ, trí thức “trở cờ” hoặc có thâm thù với chế độ, cán bộ, đảng viên đã nghỉ công tác đã “tự đánh mất mình”, rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, luôn bất mãn với quá khứ và hiện tại, cố tình biên soạn, phát tán tài liệu xấu độc.

Bốn là, công tác kiểm duyệt, phát hiện, vô hiệu hóa tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách nhất là trên không gian mạng hiện nay còn nhiều khó khăn; có thời điểm, công tác kiểm duyệt, in, phát hành của các nhà xuất bản chưa thực sự có chất lượng, tình trạng xuất bản một số cuốn sách có nội dung xấu độc sau đó phải đình chỉ hoặc thu hồi vẫn còn[1].

Năm là, chưa có cơ chế triệt để đối với nhân tố trung gian của quá trình phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách trong xã hội dẫn đến tình trạng tài liệu có thông tin xấu độc trên không gian mạng đã trở thành “vấn nạn” và nhân viên bưu chính, lực lượng shipper trở thành nhân tố trung gian vận chuyển tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách đến với người có nhu cầu.

Sáu là, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước vẫn còn có một số hạn chế trên các lĩnh vực chưa được khắc phục triệt để, gây bức xúc trong một bộ phận nhân dân. Đây là thực tại khách quan không thể tránh khỏi song đã bị các đối tượng chủ quan hóa khách quan, biến cái không cơ bản thành cơ bản, khoét sâu, chống phá Việt Nam bằng mọi thủ đoạn, trong đó có thủ đoạn biên soạn và phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách.

Âm mưu cơ bản, lâu dài và xuyên suốt của các thế lực thù địch, phản động là thay đổi thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thành thể chế tư bản chủ nghĩa, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Chúng tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mọi tổ chức, cá nhân, từ cán bộ, đảng viên đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự hoài nghi, gây mất đoàn kết nội bộ trong mỗi tổ chức, phai nhạt, mất dần niềm tin của mọi tầng lớp trong xã hội đối với Đảng, Nhà nước, chế độ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cán bộ chủ chốt các cấp. Qua đó, tạo ra sự bất ổn về chính trị, rối loạn trong xã hội, đưa đẩy nhân dân đến tâm trạng “ngao ngán”, “ngột ngạt”, muốn và tham gia các hoạt động đấu tranh lật đổ chế độ. Thực hiện âm mưu thâm độc đó, các thế lực thù địch, phản động sẽ tiếp tục sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, trong đó, biên soạn và phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách sẽ còn tiếp tục diễn ra.

2. Một số giải pháp phòng, chống thủ đoạn biên soạn và phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách ở Việt Nam hiện nay

Một là, cấp ủy, chính quyền các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp, nhất là cấp xã cần quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội về thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, phần tử chống đối, bất mãn trong hoạt động chống phá Việt Nam nói chung, thủ đoạn biên soạn và tán phát tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách nói riêng.

Hai là, lực lượng chức năng có liên quan cần tăng cường công tác tuần soát, kịp thời phát hiện, vô hiệu hóa các tài liệu xấu độc, nhất là trên không gian mạng và tham mưu, đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật khắc phục triệt để những hạn chế trong lĩnh vực in, xuất bản, truyền thông và mạng xã hội; đồng thời, xử lý nghiêm các cá nhân phát tán, vận chuyển tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách trên không gian mạng và đến người có nhu cầu.

Ba là, các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương thường xuyên làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nắm chắc diễn biến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người chuẩn bị nghỉ công tác, kịp thời phát hiện, đấu tranh, không để cán bộ, đảng viên “đánh mất mình”, bị các đối tượng chống đối, bất mãn, phản động lôi kéo.

Bốn là, các nhà xuất bản trong nước cần thường xuyên làm tốt công tác thẩm định, đánh giá, thực hiện đúng quy định của Luật Xuất bản số 19/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII đã thông qua ngày 20/11/2012 trước khi phát hành; đồng thời, làm tốt công tác phối hợp trong thu hồi, nếu sản phẩm đã phát hành vi phạm mục b và đ điểm 1, Điều 10, Chương I, Luật Xuất bản[2].

Năm là, Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đối với hoạt động sáng tác và biểu diễn văn học, nghệ thuật, ban hành chủ trương, chính sách tạo động lực cho giới văn nghệ sĩ sáng tạo, cống hiến; lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng chức năng làm tốt công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt để mọi hoạt động sáng tác, biểu diễn của đội ngũ văn nghệ sĩ đảm bảo tính Đảng, tính chính trị.

Sáu là, các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương cần kịp thời phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót, bất cập, yếu kém, tiêu cực trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước; đổi mới công tác tuyên truyền, phong cách làm việc, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân và tạo môi trường thuận lợi để mọi tầng lớp trong xã hội “biết, làm, kiểm tra, giám sát và phản biện”.

Ảnh: Báo Tuổi trẻ online

Kết luận

Trong giai đoạn hiện nay, tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách đã, đang tồn tại và có xu hướng gia tăng, gây tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm và niềm tin của một bộ phận nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Để phòng, chống thủ đoạn biên soạn và phát tán tài liệu xấu độc dưới dạng cuốn sách của các thế lực thù địch ở Việt Nam, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp, trước mắt cần thực hiện các giải pháp trên; mỗi giải pháp có vị trí, vai trò không ngang bằng nhau nhưng có mối quan hệ biện chứng, là cơ sở thực tiễn để giải quyết vấn đề. 

Tài liệu tham khảo:

1. V.I. Lênin (1980), Toàn tập, tập 29, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva.

2. V.I. Lênin (1980), Toàn tập, tập 42, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva.


[1] Như: Đã xuất bản và thu hồi các cuốn sách “Thời của thánh thần”; “Mối chúa”; “Đi tìm nhân vật”...

[2] Mục b và đ điểm 1, Điều 10, Chương I Luật Xuất bản đã quy định chi tiết về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản, cụ thể là: “1. Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung sau đây: b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; đ) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Đọc thêm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm "Sửa đối lối làm việc" đối với rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Tác giả: TRẦN THỊ THIỀU HOA - ĐẶNG MINH PHỤNG

(GDLL) - Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng Đảng. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, trau dồi, giữ vững đạo đức cách mạng. Trên cơ sở truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, chắt lọc tinh hoa đạo đức nhân loại, Người phát triển và sáng tạo những giá trị đạo đức mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bài viết tìm hiểu việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đối với việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Ngô Quang Trung

(GDLL) - Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước hiện nay. Bài viết tập trung làm rõ những yêu cầu về năng lực, phẩm chất của cán bộ tuyên giáo, nhà báo trong bồi dưỡng nâng cao, quán triệt theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay.

Vận dụng sáng tạo hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 vào thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: BIỆN THỊ HOÀNG NGỌC

(GDLL) - Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam bằng nhiều phương thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả. Bài viết trình bày sự sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác các quan điểm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 và một số vấn đề cần vận dụng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân và sự vận dụng của Đảng trong thời kỳ đổi mới

Tác giả: NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

(GDLL) - Trong bối cảnh một thế giới đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ như hiện nay, việc nâng cao dân trí cho Nhân dân không chỉ là điều kiện để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mỗi người dân và xã hội mà hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững và tiến bộ của đất nước. Vì vậy, bài viết tập trung phân tích một số quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân, từ đó chỉ ra sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Nhận diện và phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề "tự do tôn giáo"

Tác giả: NGUYỄN GIA HÙNG - KIM THỊ MỘNG NHI

(GDLL) - Không gian mạng có thể được hiểu là một không gian ảo, nơi con người có thể thực hiện các hành vi xã hội mà không bị giới hạn về không gian và thời gian. Đây là nơi dễ bị kẻ xấu, các thế lực thù địch sử dụng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là lợi dụng về vấn đề “tự do tôn giáo”. Bài viết bước đầu nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề “tự do tôn giáo” trên không gian mạng. Trên có sở đó, bài viết đưa ra các luận cứ nhằm đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề “tự do tôn giáo”.