Chủ nhật, ngày 26/12/2021, 15:55

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội trong thời kỳ đổi mới

TRẦN THỊ LAN HƯƠNG
Đại học Mỏ - Địa chất

(GDLL) - Trong tính biện chứng của mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội, ở những giai đoạn khác nhau của sự phát triển xã hội, không thể tránh được những mâu thuẫn cần phải giải quyết. Việc giải quyết mâu thuẫn này được xem là khâu then chốt tạo sức bật cũng như sức lan tỏa của sự phát triển mang tính bền vững của các dân tộc nói chung. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung vào ba vấn đề cơ bản: Một là, Quan niệm về tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội nói chung. Hai là, tập trung làm rõ việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ này của Đảng cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội. Ba là, rút ra một số nguyên tắc về mặt nhận thức luận và phương pháp luận khi giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội trong điều kiện hiện nay.

Từ khóa:Công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội.

(Ảnh: http://hdll.vn)

1. Quan niệm tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, công bằng xã hội

Tăng trưởng kinh tế là thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong tất cả các giai đoạn của sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng... của các quốc gia, dân tộc, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Ở những nấc thang khác nhau, với những tiêu chí tồn vong của dân tộc, lúc này hay lúc khác, đã có những thời điểm giá trị tăng trưởng kinh tế bị che khuất, bị làm mờ để ưu tiên làm nổi bật* những giá trị khác. Song, xét đến cùng, vấn đề kinh tế, tăng trưởng kinh tế vẫn luôn là yếu tố nền tảng để giải quyết các vấn đề khác trong đó có tiến bộ và công bằng xã hội.

Về mặt thuật ngữ, tăng trưởng kinh tế là phạm trù được nhắc đến gắn liền với các chỉ số trong kinh tế học như: GDP (tổng sản phẩm quốc nội), GNP (tổng sản phẩm quốc dân), GCI (chỉ số cạnh tranh toàn cầu) để đánh giá sự gia tăng về quy mô sản lượng của nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định. Dựa vào những đánh giá tổng quát, số liệu thống kê mang tính điển hình, Liên hợp quốc (UN) đã đưa ra lời cảnh báo về 5 kiểu tăng trưởng kinh tế cần phải tránh, đó là: Tăng trưởng không việc làm; Tăng trưởng không lương tâm; Tăng trưởng không có tiếng nói; Tăng trưởng không gốc rễ; Tăng trưởng không tương lai. Như vậy,tăng trưởng kinh tế sẽ có quan hệ biện chứng với tiến bộ và công bằng xã hội. Tính xuất phát điểm này khiến cho cả ba cái phải tồn tại trong mối quan hệ biện chứng vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn với nhau. Tính mâu thuẫn nảy sinh hay gia tăng giữa chúng không những không mang nghĩa phủ định,loại trừ mà còn tạo ra động lực để phát triển.Tiến bộ xã hội còn gọi là tiến bộ lịch sử,là một quy luật khách quan của lịch sử xã hội dùng để chỉ sự chuyển động theo chiều hướng đi lên của xã hội. Đó là sự vận động của xã hội từ trình độ thấp đến trình độ cao,từ lạc hậu đến văn minh hiện đại, là sự thay thế chế độ lỗi thời bằng chế độ mới, cao hơn, hoàn thiện hơn. Tiến bộ xã hội là phạm trù mở được xem xét gắn với từng giai đoạn lịch sử cụ thể theo các quy mô quốc gia, dân tộc hoặc quốc tế dựa trên các tiêu chí về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa... Tiến bộ không phải ngẫu nhiên mà có, nó là kết quả hoạt động của con người, xuất phát từ con người và quay lại trở thành động lực phục vụ cho chính con người trong xã hội đó.

Công bằng xã hội là phạm trù lịch sử mang nội hàm và ngoại diên không cố định bởi nó liên quan đến quan niệm của từng quốc gia, từng giai cấp, ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Mặc dù vậy, về cơ bản, nội hàm công bằng xã hội bao giờ cũng được dựa trên các tiêu chí về thu nhập, quyền lợi, nghĩa vụ, cơ hội... Trong đó, thường chỉ số thu nhập là tiêu chí đầu tiên để nhìn nhận và đánh giá về công bằng xã hội sau đó mới tính đến các chỉ số về văn hóa, giáo dục, phúc lợi, dinh dưỡng... Những thước đo chủ yếu về công bằng xã hội thường được nhắc tới và sử dụng phổ biến hiện nay có thể nhắc tới là: Chỉ số phát triển con người (HDI); Đường cong LORENZ; Hệ số GINI; mức độ nghèo khổ; Mức độ thỏa mãn nhu cầu cơ bản của con người... Những chỉ số này thường được đính kèm với số liệu điều tra định lượng và đánh giá định tính trên phạm vi vĩ mô theo hệ chuẩn của các mức độ thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của con người như: mức thu nhập bình quân tối thiểu đủ để chi trả cuộc sống; mức yêu cầu căn bản về dinh dưỡng cần được đáp ứng và đã được đáp ứng; dịch vụ chăm sóc sức khỏe; giáo dục; nhà ở; nước sạch... Công bằng khác hẳn với cào bằng và bình quân chủ nghĩa. Tính chất tiến bộ và công bằng xã hội mặc định rằng nó không chỉ là một phạm trù lịch sử mà còn là một phạm trù mở. Hệ chuẩn để định lượng hay định tính về công bằng trước tiên phải tính đến việc cá thể đó đã có cơ hội và đã cống hiến như thế nào so với phần mà anh ta nhận lại từ xã hội.

2. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về mối quan hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ,công bằng xã hội trong thời kỳ đổi mới

Ở Việt Nam, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là quá trình nhận thức và giải quyết đúng đắn tính mâu thuẫn và tính thống nhất của bản thân mối quan hệ này ở từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Con đường biện chứng để nhận thức chân lý này của Đảng cũng trải qua quá trình quanh co, phức tạp và bao hàm cả những bước thụt lùi tương đối với một số sai lầm, hạn chế mang tính lịch sử.

(Ảnh: https://tuyengiao.vn)

Thời kỳ trước đổi mới Đảng chủ trương xóa bỏ nền kinh tế thị trường với mục tiêu đạt được sự công bằng nhiều nhất có thể và từ đó tạo ra tiến bộ. Lúc này, kinh tế thị trường bị xem là căn nguyên đưa đến bất bình đẳng và gia tăng khoảng cách giàu nghèo cũng như mâu thuẫn giữa các giai tầng xã hội vì “kinh tế thị trường hàng ngày, hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tư bản là xã hội bất công, xóa bỏ kinh tế thị trường là điều kiện cần để có được công bằng xã hội” [1]. Tư duy siêu hình và cách phủ định sạch trơn này một mặt đã khiến cho kinh tế thị trường trở thành “tội đồ”, mặt khác đã trở thành một trong những nguyên nhân làm cho sản xuất đình trệ, người lao động bị tiêu diệt động lực, đời sống nhân dân cơ cực và khủng hoảng kinh tế trên diện rộng.

Với tinh thần khách quan, đối diện thẳng thắn với sai lầm, thất bại và đứng vững trên lập trường chủ nghĩa Mác – Lênin, cụ thể, ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Đảng chủ trương phát triển kinh tế thị trường và mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với các mục tiêu xã hội đã lần đầu tiên được nhắc tới: “Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người: điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hoá, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc... thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội” [2]. Sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, các kỳ đại hội đều cho thấy quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về vấn đề này. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng khẳng định: “Phương hướng lớn của chính sách xã hội là: phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội” [3]. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa VII (7-1994) về công nghiệp hóa, hiện đại hóa... khẳng định lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững; động viên toàn dân cần, kiệm để xây dựng đất nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân dân; phát huy văn hóa, giáo dục; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường... Đại hội VIII của Đảng thể hiện tính liên tục và đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức và định hướng giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội khi khẳng định: “Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, đẩy lùi tiêu cực, bất công và các tệ nạn xã hội” [4].

Chủ trương gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội trong quá trình đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị tiếp tục được Đại hội Đảng lần thứ IX nhấn mạnh: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường” [5]. Đảng khẳng định tại Đại hội lần thứ X: ‘’Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục... giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội"[6]. Chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 5 năm 2006 - 2010 tiếp tục nhất quán với những nội dung chỉ đạo trong các kỳ Đại hội trước và nêu rõ: Phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội, tạo nhiều việc làm, cải thiện đời sống, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo. Từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng. Gần đây nhất, trong Đại hội XII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân” [7].

Tựu trung lại, có thể khái quát quan điểm chỉ đạo mang tính nhất quán và xuyên suốt của Đảng từ Đại hội VI đến nay về vấn đề này trên một số điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội là hai mục tiêu song trùng của sự phát triển xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế phải gắn kết chặt với tiến bộ xã hội và công bằng xã hội. Trong đó, tăng trưởng kinh tế là tiền đề, là cơ sở xuất phát để thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội. Ngược lại, tiến bộ xã hội và công bằng xã hội là điều kiện quan trọng thúc đẩy và đảm bảo một môi trường để thực hiện tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.

Thứ hai, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), sự thống nhất giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội là một đòi hỏi khách quan,tất yếu. Việc giải quyết mối quan hệ này cần đảm bảo tính thống nhất và giảm dần tính mâu thuẫn. Trong đó, đảm bảo tính thống nhất giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội nhằm phát triển xã hội mà trung tâm là phát triển con người, phát huy nhân tố con người. Giảm dần tính mâu thuẫn bằng cách, một mặt dùng kết quả tăng trưởng kinh tế làm phương tiện để giải quyết vấn đề xã hội. Mặt khác, thực hiện công bằng xã hội nhằm tạo ra động lực, môi trường để tăng trưởng kinh tế ổn định, hiệu quả chứ không kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, trong điều kiện lịch sử cụ thể, khi quy mô sản xuất, trình độ lực lượng sản xuất còn nhiều hạn chế về chất lượng, số lượng, cơ cấu... thì việc thực hiện công bằng xã hội cần ưu tiên tính đến mục tiêu phát triển kinh tế trước và thực hiện từng bước, trong từng nội dung nhất định, nghĩa là, thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội ở từng nội dung nhỏ lẻ như khâu phân phối để tạo động lực phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy việc dứt khoát từ bỏ phương thức phân phối bình quân, cào bằng, bao cấp đã không chỉ mở đường cho sản xuất và tái sản xuất mà còn dần khắc phục và chữa trị tâm lý ỷ lại, trông chờ, thụ động của người lao động. Cho nên để công bằng xã hội, tiến bộ xã hội thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế thì cần tăng cường hơn nữa việc gắn quyền lợi với nghĩa vụ, cống hiến với hưởng thụ... không chỉ trong phân phối, quản lý, sở hữu mà trong cả các lĩnh vực như: văn hóa, y tế, giáo dục. Có bảo đảm cho người lao động được hưởng lợi ích tương xứng mới khuyến khích mọi người đóng góp nhiều hơn cho tập thể, xã hội và tạo ra động lực phát triển.

Thứ tư, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ xã hội, công bằng xã hội trên phạm vi cả nước, ở mọi lĩnh vực, địa phương và ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển. Chú ý xây dựng và từng bước thiết lập hành lang pháp lý, cơ chế giám sát bảo đảm sự công bằng cho người lao động nói chung trong quá trình tiếp cận, tham gia và hưởng thụ các nguồn lực xã hội như: nguồn vốn, tài nguyên, thông tin, kỹ thuật, giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế cũng như các cơ hội tìm kiếm thị trường và việc làm.

Thứ năm, phát huy vai trò của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động xã hội với tư cách là công cụ, biện pháp chính để đảm bảo kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội, công bằng xã hội. Công bằng xã hội, tiến bộ xã hội là vấn đề của quan hệ lợi ích theo cấp độ tăng dần, nghĩa là có công bằng chưa hẳn đã tiến bộ nhưng phải đảm bảo sự công bằng trước rồi mới đạt được tiến bộ xã hội theo đúng nghĩa. Công bằng xã hội, tiến bộ xã hội lấy tăng trưởng kinh tế làm tiền đề nhưng không phải là hệ quả trực tiếp của tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế không tác động đến việc phân phối lợi ích một cách trực tiếp mà thường thông qua các khâu trung gian. Trong đó, cơ chế kinh tế và chính sách xã hội của nhà nước là cơ bản và chủ yếu nhất. Cùng với sự tự phân chia lại lợi ích cho các thành phần xã hội của thị trường, sự điều tiết của Nhà nước là sự can thiệp cần thiết, bảo đảm cho tất cả mọi người đều được hưởng thụ tương xứng, hợp lý với những cống hiến của họ cho xã hội.


3. Một số nguyên tắc khi giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội trong điều kiện hiện nay

Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, vai trò lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lý, điều tiết của Nhà nước đang cho thấy tính hiệu quả của việc sử dụng các công cụ như cơ chế, chính sách để điều hành nền kinh tế vận hành theo đúng định hướng XHCN gắn liền với việc hoàn thiện hệ chuẩn mục tiêu công bằng, tiến bộ xã hội. Trong điều kiện hiện nay, để tiếp tục giải quyết một cách hợp lý mối quan hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, cần tiếp tục quán triệt một số nguyên tắc mang tính trọng yếu sau:

Một là, trong tính biện chứng của tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội thì tính mâu thuẫn không bao giờ triệt tiêu tính thống nhất giữa chúng. Về nguyên tắc, quá trình đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị sẽ đưa tính hợp nhất tự phát giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội thành tính thứ phát tất yếu của quá trình phát triển, bởi xét cho cùng cả tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội đều là mục tiêu, đích đến của sự phát triển. Trong khi đó, theo một chiều cạnh nhất định, tính mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội tất yếu sẽ tiếp tục nảy sinh trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Tuy vậy, sự mâu thuẫn ở những mức độ khác nhau đó không triệt tiêu tính thống nhất, song hành của hai yếu tố và việc giải quyết mâu thuẫn này để tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội tỷ lệ thuận với nhau trở thành yêu cầu mang tính giám sát để đổi mới đi đúng lộ trình một cách hiệu quả. Không chỉ vậy, lộ trình gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, nhờ có những khúc quanh, những bước thụt lùi tương đối (nếu có) càng cho thấy rõ hơn tính tất yếu cũng như giá trị thực tiễn về chất lượng sống ngày càng cao hơn của nhân loại nói chung và của từng quốc gia, dân tộc nói riêng.

Hai là, đối với điều kiện Việt Nam hiện nay, tính song trùng giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội nói riêng, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị nói chung được phát huy đến đâu không chỉ phụ thuộc vào tính tất yếu khách quan của nền kinh tế, quan điểm chỉ đạo của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước mà còn phụ thuộc vào mức độ triển khai, hiện thực hóa các quan điểm đó trong thực tiễn cuộc sống. Tuy vậy, khi nền tảng sản xuất vật chất của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đủ để đảm bảo cơ sở kinh tế thì việc thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Nói cách khác, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN,Việt Nam phải tiếp tục chấp nhận việc tồn tại phân hóa. Bên cạnh đó, do tính vận động không ngừng của thực tiễn trong và ngoài nước nên các quan niệm, đánh giá, hệ chuẩn,tiêu chí về phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội,công bằng xã hội cũng có những thay đổi nhất định. Vì vậy, cần nhận diện chính xác,đánh giá khách quan, tổng hợp kết quả của quá trình đổi mới ứng với từng giai đoạn vàp hạm vi cụ thể để kịp thời hiệu chỉnh những sai sót và phát huy đúng những tiềm năng.

Ba là, mục đích tối cao của tăng trưởng kinh tế là nhằm phục vụ công bằng xã hội.Ngược lại, công bằng xã hội là nhân tố kích thích các lực lượng lao động tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra sự tiến bộ xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề công bằng xã hội còn nhiều mảng bất cập như: chính sách pháp luật còn thiếu đồng bộ; cơ chế phân phối còn thiếu hợp lý, chưa thực sự kích thích được người lao động; môi trường cạnh tranh còn thiếu lành mạnh, thiếu minh bạch; mục tiêu về công bằng xã hội còn chung chung, ít được lượng hóa thành các chỉ tiêu cụ thể... Do vậy, trên cơ sở quan điểm của Đảng về công bằng xã hội cũng như giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội cần tiếp tục nâng cao vai trò quản lý, điều tiết, định hướng của Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, hiệu chỉnh chính sách phân phối và phân phối lại để giảm thiểu xung đột, mâu thuẫn trong xã hội...

Tóm lại, quá trình hoàn thiện nhận thức của Đảng về vấn đề này chính là quá trình thể nghiệm thực tế của Việt Nam. Những nền kinh tế lớn, đi trước cũng đã mang lại cho Việt Nam những bài học kinh nghiệm để hạn chế những sai lầm hay những bước đi không cần thiết. Để Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội theo cả chiều rộng và chiều sâu nhiều hơn nữa, cần có những bước đi song hành, thống nhất về chính sách kinh tế, chính sách xã hội cũng như sự phối hợp đồng bộ của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, sự triển khai chi tiết, hợp nhất về mục tiêu đến từng đơn vị địa phương, dự án.

Tài liệu tham khảo: 

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội 1987.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội 1991.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

6. GS.TS Phùng Hữu Phú, GS.TS Lê Hữu Nghĩa, GS.TS Vũ Văn Hiền, PGS.TS Nguyễn Viết Thông (Đồng chủ biên), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

7. Hồ Sỹ Quý, Tiến bộ xã hội – Một số vấn đề về mô hình phát triển ở Đông Á và Đông Nam Á, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2012.


Trích theo Nguyễn Ngọc Hà, Phm Quc Thới, Thực hiện công bng xã hi – Ni dung cơ bản ca đnhưng XHCN đối vi kinh tế thị trường  Việt  Nam,  Tạp  chí  KHXH  Việt  Nam,  s 2/2012.

2 ĐảnCng sn Vit Nam, Văkin Đhộđi bitoàquln thứ VI, Nxb. Sự tht, Hà Ni,1987, tr.86.

ĐảnCng sViệt Nam,Văn kin Đảntoàn tp,tập 51, Nxb. Chíntrị quc gia,Hà Ni,2010, tr.139.

4 Đảng Cộnsản Việt Nam,Văn kiện Đhộđại biểu tn quc lthứ VIII, Nxb. Chính trị quc gia, Hà Ni 1996, tr.205.

5 Đảng Cnsản Việt Nam,Văn kiện Đhộđi biểu toàquc ln thứ IXNxb. Chính trị quốc gia, Hà Ni 2001, tr.162.

6 Đảng Cộnsản Việt Nam,Văn kiện Đhộđại biểu toàquốln thX, Nxb. Chính trị quc gia, Hà Ni 2006, tr.77.

7 Đảng CnsảnViệt Nam,Văn kiện Đhộđi biểu toàquc ln thứ XII, Nxb. Chính trị qucgia, Hà Ni 2016, tr.229.

Đọc thêm

Phát huy “Hào khí” Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954) đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa hội nghị Giơ-ne-vơ đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Từ “hào khí” chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết gợi mở những nội dung phát huy "hào khí" đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Tác giả: ThS Lê Quốc

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.