Từ khóa: Dân tộc; nhận diện; tôn giáo; Tây Nguyên.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh
Kon Tum đón Tết cùng đồng bào
(Ảnh: http://tapchiqptd.vn)
Đặt
vấn đề
Khu vực Tây
Nguyên bao gồm 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng, với tổng
diện tích 54,477 km2, chiếm gần 17% diện tích cả nước. Theo kết quả
điều tra dân số, năm 2019 trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có 5.842.681 người,
chiếm 6,1% dân số cả nước.
Địa bàn Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính
trị, quốc phòng và an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là một
trong những trọng điểm các thế lực thù địch tập trung chống phá trong chiến
lược “diễn biến hòa bình”,
bạo loạn, ly khai.
1. Nhận diện những âm mưu lợi dụng vấn đề dân
tộc và tôn giáo của các thế lực thù địch trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện
nay
Thứ
nhất, thành
lập tổ chức “Nhà nước Đêga” hòng gây chia cắt giữa các dân tộc ở Tây Nguyên
Âm mưu cơ bản, lâu dài của các
thế lực thù địch là tuyên truyền, lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc đòi
ly khai, tự trị, thành lập “Nhà nước Đêga”, “Nhà nước Đêga độc lập” hoặc “Nhà
nước Đêga Mông-ta-nha”,
tách Tây Nguyên ra khỏi đại gia đình các dân tộc và chủ quyền lãnh thổ Việt
Nam, biến địa bàn Tây Nguyên thành khu vực mất ổn định, vùng “tự trị”, tiến tới
thành lập “nhà nước độc lập”, tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số ở những
khu vực khác hình thành nhiều “điểm nóng xung đột”,
tạo cớ để can thiệp, hòng làm mất ổn định chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết
toàn dân tộc, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Hiện có 5 tổ chức FULRO lưu
vong ở Mỹ, trong đó, hoạt động mạnh là tổ chức Quỹ người Thượng (MFI)
của Ksor Kok và tổ chức Nhân quyền người Thượng (MHRO)
của Nay Rông. Tổ chức Quỹ người Thượng thành lập năm 1992, tại Spartanburg,
bang Nam Carolina, Mỹ, là tiền thân của tổ chức “Nhà nước Đêga độc lập” (MDA).
Cầm đầu tổ chức là “Tổng thống” tự phong Ksor Kok. “Nhà nước Đêga độc lập” được
thành lập với mục đích là đấu tranh đòi lại đất Tây Nguyên, lập “Nhà nước Đêga”
của người Tây Nguyên. Một số đối tượng FULRO, cơ sở FULRO cũ và một số đồng bào
nhận thức còn mơ hồ tham gia vào tổ chức “Nhà nước Đêga” với quy mô lớn và bộ
khung khá hoàn chỉnh. Chính tổ chức này dưới sự giật dây, chỉ đạo, hậu thuẫn
của các thế lực thù địch bên ngoài đã kích động số phần tử phản động trong nước
gây ra các vụ bạo loạn ở Tây Nguyên vào các năm 2001, 2004 và 2008.
Thứ hai, khuyếch
trương thanh thế, tuyên truyền mở rộng tổ chức mang tên “Tin Lành Đêga” ở khu
vực Tây Nguyên
Tính đến cuối năm 2019, tại các
tỉnh Tây Nguyên có 13/16 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân với
tổng số 2.252.622 tín đồ. Trong đó, Công giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhất
với 1.162.216 người, Tin Lành có 574.879 người, Phật giáo có 460.770 tín đồ,
Cao Đài 53.104 tín đồ, còn lại các tôn giáo khác.
Với gần 1.500 chức sắc, 900 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, tương đương 38,5% dân số[9]. Không chỉ về tôn giáo, về
góc độ dân tộc, Tây Nguyên có đầy đủ 54 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có
những tỉnh số lượng các dân tộc rất đông đảo như Đăk Nông có 44 dân tộc, Đăk
Lăk có 47 dân tộc, Lâm Đồng có 49 dân tộc sinh sống[10].
Các thế lực thù địch luôn tuyên
truyền “Tin Lành Đêga” là quốc đạo của “Nhà nước Đêga độc lập”, chủ trương phát
triển “Tin Lành Đêga” rộng khắp ở các địa bàn, nhất là vùng đồng bào dân tộc
thiểu số, lợi dụng các buổi sinh hoạt đạo để tuyên truyền hoạt động FULRO[11]. Để lôi kéo và nắm giữ
tín đồ, ngoài việc khống chế tại chỗ, họ thường sử dụng những lợi ích vật chất
nhằm dụ dỗ, khống chế thân nhân không được quay lại Tin Lành Việt Nam (miền
Nam), nếu ai bỏ “Tin Lành Đêga” thì sẽ không được nhận tiền gửi về.
Thứ ba, tuyên truyền, xuyên tạc những vấn đề lịch sử để lại
để chia rẽ đồng bào các dân tộc thiểu số với người Kinh
Điểm đáng chú ý trong âm mưu
của các thế lực thù địch là tuyên truyền “đất Tây Nguyên là của người Thượng”,
kích động người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên “đuổi người Kinh về đồng
bằng” vì “người Kinh cướp đất của đồng bào trên chính quê hương của mình”. Đây
không chỉ là luận điệu cố tình phủ nhận chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước,
mà còn nhằm chia rẽ mối đoàn kết giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số,
tạo ra các vụ đòi đất, biểu tình, bạo loạn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững
an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thứ
tư, các tổ
chức phản động ở nước ngoài đã liên kết, tập hợp với nhau đấu tranh đòi Chính
phủ Việt Nam công nhận các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên là “dân tộc
bản địa”
Ngày 13 - 9 - 2007, Đại Hội
đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 61/295 về “Tuyên ngôn của Liên hợp quốc
về Quyền của các dân tộc bản địa” gồm có 46 điều. Lợi dụng việc này, các tổ
chức phản động ở nước ngoài đã liên kết, tập hợp với nhau đấu tranh đòi Chính
phủ Việt Nam công nhận các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên là “dân tộc
bản địa”. Việc đề nghị không công nhận các dân tộc Gia Rai, Ba Na, Ê Đê... là
dân tộc thiểu số, đòi được công nhận là người “dân tộc bản địa” nhằm âm mưu
chia cắt lãnh thổ Việt Nam, làm phức tạp tình hình chính trị, phá hoại khối đại
đoàn kết dân tộc.
2.Một số giải pháp đấu tranh chống lại những âm
mưu lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo của các thế lực thù địch trên địa bàn
các tỉnh Tây Nguyên hiện nay
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động để đồng bào
các dân tộc thiểu số, đồng bào có tôn giáo hiểu rõ và nắm vững đường lối, chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo trong tình hình
mới
Đây là giải pháp cơ bản nhằm
làm cho nhân dân thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động
trong việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hòng kích động mâu thuẫn giữa nhân
dân với chính quyền các cấp, phủ nhận đường lối đổi mới của Đảng, chia rẽ đồng
bào các dân tộc, các tôn giáo trong quan hệ với người Kinh.
Khu vực Tây Nguyên luôn được
các thế lực thực dân, đế quốc tìm mọi cách để tách khỏi lãnh thổ Việt Nam. Được
sự hậu thuẫn của phương Tây, các nhóm người Thượng lưu vong đã móc nối vào
trong nước, gom dựng lại số FULRO cũ, đồng thời khai thác sự chênh lệnh về đời
sống văn hóa xã hội giữa người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số, phục hồi tư
tưởng dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa ly khai biệt phái để thực hiện âm mưu xây dựng
một “Nhà nước Đêga độc lập”. Họ đã mượn hình thức sinh hoạt Tin Lành, hình
thành các tụ điểm để hoạt động, tuyên truyền tư tưởng ly khai và lập ra cái gọi
là “Tin Lành Đêga”. Từ khi Việt Nam giành độc lập, thống nhất, nhiều người nhận
ra sai lầm được Nhà nước cho hưởng chính sách khoan hồng, đoàn tụ với gia đình
cộng đồng, xây dựng cuộc sống mới.
Về tổ chức tôn giáo bất hợp
pháp mang tên “Tin Lành Đêga”: Cuối năm 1992, một số tên đầu hàng UNTAC
trên đất Campuchia và được người Mỹ cho định cư ở bang Bắc Carolina. Cuối năm
1999, “Nhà nước Đêga” với “Tổng thống” và 5 bộ được công bố, đó là nhà nước của
một “quốc gia hư vô”, không dân, không đất. Cùng tồn tại với nhóm tàn quân
FULRO và các tổ chức khác của đồng bào Thượng ở bang Bắc Carolina còn có 5 chi
hội và các nhà thờ của “Tin Lành Đêga”. Thực chất họ là một trong những tên
lính xung kích đội lốt tôn giáo, dân tộc, là tay sai của các thế lực thù địch
với Việt Nam ở nước ngoài. Trong cuộc gây rối vào tháng 2 năm 2001, tại Đắk Lắk
có 927/1.093 người tham gia vốn là tín đồ của tổ chức đội lốt tôn giáo là “Tin
Lành Đêga”.
Như vậy, thực tế cho thấy “Tin
Lành Đêga” là tổ chức bất hợp pháp. Tổng liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam
(miền Nam) đã nhiều lần khẳng định đạo Tin Lành ở Tây Nguyên chỉ có một, hoạt
động theo Hiến chương của Hội thánh Tin Lành Việt Nam. Ban Đại diện Tổng liên
hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam đã có văn thư và Ban Đại diện Tin Lành các tỉnh
trên địa bàn Tây Nguyên đã ra tâm thư bày tỏ thái độ dứt khoát không chấp nhận
cái gọi là “Tin Lành Đêga”: “Ban Trị sự Tổng Liên hội khẳng định rằng trong Hội
thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) không hề có một tổ chức nào gọi là “Tin Lành
Đêga” cả. Vì vậy, bất cứ ai nói đến những điều gì không phù hợp với tổ chức,
tín lý của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đều là những người có ý đồ
chia rẽ, gây mất đoàn kết và tạo ra sự rối loạn cho tổ chức giáo hội và sự an
bình của xã hội...”.
Đối với những luận điệu tuyên
truyền như “Tin Lành Đêga mới là tôn giáo riêng của người dân tộc thiểu số ở
Tây Nguyên, của người Ba Na”, chờ quốc tế can thiệp sẽ cùng các nơi khác biểu
tình đòi lại đất của “Nhà nước Đêga” và “nếu ai đi theo khi được công nhận sẽ
có chức quyền, có nhiều đất đai tài sản”... là những luận điệu kích động dân
tộc cực đoan, ly khai, tự trị, chia rẽ đoàn kết với người Kinh nhằm thực hiện
mưu đồ chính trị phản động của các thế lực thù địch.
Về lợi dụng về “Tuyên ngôn của
Liên hợp quốc về Quyền của các dân tộc bản địa” các tổ chức phản động đòi Chính
phủ Việt Nam công nhận các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên là “dân tộc
bản địa”. Ngày 13 tháng 9 năm 2007, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua
Nghị quyết số 61/295 về “Tuyên ngôn của Liên hiệp
quốc về quyền của các dân tộc bản địa - United Nations Declaration on the
Rights of Indigenous Peoples”. Trong bản Tuyên ngôn, thuật ngữ “peoples” ở dạng số nhiều được sử dụng để chỉ nhân dân,
người dân, hay dân tộc - quốc gia thay vì sử dụng thuật ngữ “ethnic groups” - dân tộc hay tộc người. Do đó, theo nghĩa
trên, hiện nay ở Việt Nam không có “dân tộc bản địa”. Tuy nhiên các thế lực thù
địch cố tình đánh tráo khái niệm tuyên truyền cho rằng các dân tộc - tộc người
có quyền tự quyết theo Điều 3 , Điều 4 và Điều 5 của Tuyên ngôn hòng mưu đồ mưu
đồ chia rẽ, ly khai dân tộc.
Hai là, nâng
cao tính thiết thực việc phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực
hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định trong công tác quản lý nhà nước
về tôn giáo
Tăng cường trách nhiệm của từng
cơ quan, tổ chức trong quản lý nhà nước về tôn giáo, tránh sự chồng chéo trong
thực tiễn điều hành. Kinh nghiệm thực tiễn về vấn đề này ở các tỉnh Tây Nguyên
cho thấy, tuy đã có Nghị quyết của Đảng, Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính
phủ về tín ngưỡng, tôn giáo, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước của
Trung ương, địa phương, các ngành, các cơ quan hữu quan khá rõ, nhưng khi vận
dụng vào thực tiễn thì sự phối hợp không đồng bộ.
Sự phối hợp giữa các cơ quan
quản lý nhà nước về tôn giáo phải trên cơ sở phân công rõ trách nhiệm của Trung
ương và địa phương, giữa cấp uỷ lãnh đạo với quản lý, điều hành của chính
quyền, ban tôn giáo, các ngành có liên quan và vai trò của Mặt trận, các đoàn
thể chính trị - xã hội từ công tác, tuyên truyền vận động quần chúng, định
hướng hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội của tôn giáo đến giải quyết các
khiếu kiện liên quan đến tôn giáo cũng như giải quyết các vấn đề hội đoàn tôn
giáo. Có thể nói ở đâu có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ thì ở nơi đó quản lý
nhà nước về tôn giáo có hiệu quả.
Ba
là, chú
trọng công tác vận động quần chúng, tín đồ người dân tộc thiểu số trong xây
dựng và củng cố phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc
Khu vực Tây Nguyên là địa bàn
có nhiều đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo nói chung, đạo Tin Lành nói
riêng, trình độ văn hóa - xã hội còn thấp, kinh tế khó khăn lại bị ràng buộc
bởi các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục truyền thống. Sự hiểu biết về
cách mạng còn hạn chế và một thời gian dài quần chúng bị FULRO, “Tin Lành Đêga”
lừa bịp, lôi kéo, khống chế. Do đó, việc giáo dục cho quần chúng hiểu rõ kẻ thù
của cách mạng, hiểu rõ bản chất chính trị phản động của các đối tượng phản động
lợi dụng tôn giáo, phân biệt được những người lầm đường lạc lối với đối tượng
cầm đầu chỉ huy là một việc làm lâu dài và phức tạp.
Bốn
là, thực
hiện tốt chính sách kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nhằm nâng
cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân
Cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị
quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số
72/HĐBT của Chính phủ về một số chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội
miền núi; thực hiện có kết quả Nghị quyết 30A về hỗ trợ giảm nghèo
nhanh, bền vững đối với hộ nghèo; thực hiện tốt hơn nữa Quyết định
167/2008/QĐ-TTg của Chính phủ hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và các chính sách liên
quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án,
chương trình mục tiêu trọng điểm, cấp thiết của các tỉnh trên địa bàn khu vực
Tây Nguyên.
Như vậy, những thành quả về phát triển kinh tế, văn hoá, xã
hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết, hình thành thế trận quốc
phòng toàn dân gắn với “thế trận lòng dân” trên địa bàn Tây Nguyên là vũ khí
hiệu quả nhất trong cuộc đấu tranh chống âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn
giáo, chống những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch,
phản động.
Kết luận
Tây Nguyên là
địa bàn chiến lược, có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an
ninh, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần
đây, các thế lực thù địch đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà
bình” mà Tây Nguyên là một địa bàn trọng điểm. Nhận diện đúng những âm mưu lợi
dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo của các thế lực thù địch đồng thời thực hiện
đồng bộ các giải pháp đấu tranh chống lại những âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc
và tôn giáo trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện nay là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các
tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Với những đặc điểm về lịch sử, điều kiện
tự nhiên, dân tộc, dân cư, văn hoá, xã hội, sự chống phá nhiều mặt của các thế
lực thù địch, vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh gắn với tiếp tục
thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, giúp đồng bào tích cực
tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở có ý
nghĩa chiến lược lâu dài.
Tài liệu tham
khảo:
1. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Vụ Tôn giáo và dân tộc
(2010), Thống kê số lượng tín đồ các tôn
giáo ở Tây Nguyên năm 2009.
2. Ban Chỉ đạo Tây
Nguyên
(2018), Báo cáo hội nghị tổng kết năm
2017.
4. Học viện Chính trị khu vực III
(2019), đề tài “Công tác phòng chống địch lợi dụng đạo Tin
Lành trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai - Thực trạng và giải
pháp”, nghiệm thu tháng 12 - 2019.
5. Nghị quyết số
24-NQ/TW ngày 16 - 10 - 1990 của Bộ Chính trị
khóa VI về tăng cường công tác tôn giáo trong tình
hình mới.
6. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12 - 3
- 2003 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác tôn giáo.
7. Tổng cục Thống kê (2019), Số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
8. Tỉnh ủy Gia Lai
(2020), Báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày
10 - 01 - 2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục thực hiện Nghị
quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác tôn giáo
trong tình hình mới”.