Chủ nhật, ngày 26/12/2021, 16:09

Xây dựng Đảng về đạo đức theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

VŨ THANH SƠN * - LÊ THỊ PHƯỢNG **
* Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - Ban Tổ chức Trung ương. ** Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(GDLL) - Một trong những nhiệm vụ quan trọng nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII là tập trung xây dựng Đảng về đạo đức. Cán bộ, đảng viên không chỉ tuân thủ chuẩn mực đạo đức xã hội mà còn gương mẫu về đạo đức cách mạng. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc và cuộc sống, góp phần thiết thực trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Bài viết góp phần làm rõ thêm nhận thức về luận điểm này và đề xuất các giải pháp để triển khai xây dựng Đảng về đạo đức vào cuộc sống.

Từ khóa: Đạo đức cách mạng; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; xây dựng Đảng về đạo đức.

(Ảnh: https://dangcongsan.vn)

 1.Tầm quan trọng về việc xây dựng Đảng  về  đạo  đức

Đạo đức là một bộ phận quan trọng của nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng xã hội văn minh và tiến bộ. Cán bộ, đảng viên không chỉ tuân thủ chuẩn mực đạo đức xã hội mà còn gương mẫu về đạo đức cách mạng. Cán bộ, đảng viên biết đặt lợi ích của cách mạng, của đất nước và nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân, hết lòng phục vụ sự nghiệp của Đảng, của Tổ quốc và Nhân dân.

Sinh thời, Hồ Chí Minh cảnh báo rằng, nếu cán bộ, đảng viên không biết tu dưỡng đạo đức cách mạng thì dễ sa vào các căn bệnh như hủ hóa, quan liêu, chủ nghĩa cá nhân, tham ô... Hủ hóa là sự tha hóa về nhân cách, phản ánh sự suy thoái về mặt đạo đức của những người mà “tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”[1]. Hồ Chủ Tịch cho rằng, bệnh hủ hóa là “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ”[2]; là “tham ô”, “lãng phí”, “quan liêu”. Chủ nghĩa cá nhân sẽ làm nảy sinh và làm trầm trọng thêm các chứng bệnh như: Bệnh tham lam, bệnh lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc địa phương, bè cánh... “trong hàng chục vạn cán bộ và đảng viên xứng đáng, còn lẫn vào một số người thấp kém về tinh thần và đạo đức cách mạng. Họ còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân trong mình... số người đó coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi”[3]. 

Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn phải chú trọng xây dựng đạo đức cách mạng, đề phòng nguy cơ suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên[4]. Đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên thể hiện trong 4 đức tính: Cần, Kiệm, Liêm, Chính như Người căn dặn: “Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính... Thiếu một đức, thì không thành người”[5]. Đạo đức phải là gốc vì “không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Đặc biệt trong khóa XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tuy nhiên, “công tác xây dựng Đảng về đạo đức vẫn còn có những hạn chế: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ...”[6].

Sự suy thoái về đạo đức, lối sốnglà sự suy giảm về đạo đức, lối sống theo chiều hướng tiêu cực, làm lệch chuẩn các hành vi ứng xử, quy tắc, chuẩn mực xã hội, thuần phong mỹ tục và ngày càng xa lạ với đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên[7]. Suy thoái về đạo đức, lối sống làm tha hoá cán bộ, đảng viên, từ đó làm suy yếu sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hệ thống chính trị, dẫn tới làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Để ngăn chặnsự suy thoái về đạo đức, lối sống cần hệ thống các giải pháp, hành động, tác động có chủ đích đến ý thức, hành vi của cán bộ, đảng viên, theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

2. Các giải pháp tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức

Thứ nhất, tổ chức học tập, quán triệt và triển khai Văn kiện Đại hội XIII, trong đó có nội dung “xây dựng Đảng về đạo đức”

Văn kiện Đại hội XIII xác định rõ nhiệm vụ “xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”. Trong 10 nhiệm vụ cụ thể, có nhiệm vụ thứ ba là: “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức”[8].

Ngày 09/3/2021, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 01-CT/TW về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chỉ đạo, chủ trì và chịu trách nhiệm về chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Công tác tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phải được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, chất lượng; nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt các cấp. Cấp ủy đảng các cấp phải xây dựng chương trình hành động cụ thể, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII.

Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là nhằm góp phần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đồng thời, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Thứ hai, thể chế hóa các quy định của Đảng

Tập trung thể chế hóa kịp thời các nghị quyết, quy định, chỉ thị của Đảng thành pháp luật, quy định của Nhà nước với các chế tài thực thi hiệu lực cao. Hệ thống quy định, biện pháp cần được xây dựng đồng bộ, liên thông giữa quy định của Đảng và Nhà nước, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện để bảo đảm thành công trong đấu tranh ngăn chặn suy thoái về đạo đức, lối sống.

Trước hết, triển khai đề án nghiên cứu thiết kế các chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên. “Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”[9]. Trong dài hạn, cần nghiên cứu xây dựng, ban hành luật đạo đức cán bộ, công chức. Việc này đáp ứng được yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Luật đạo đức cán bộ, công chức xác định rõ các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức công vụ, hành vi đạo đức và công cụ đạo đức.

Thứ ba, đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng với nội dung thiết thực

Nhiệm vụ Đại hội XIII đề ra là“đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng”[10].

Giáo dục đạo đức cách mạng là một trong các công cụ hữu ích, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Giáo dục là con đường cơ bản và phổ biến để hình thành và phát triển những năng lực và phẩm chất cần thiết cho mỗi cán bộ, đảng viên.

Giáo dục đạo đức cần bao trùm những nội dung rèn luyện nâng cao chuyên môn gắn với tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, thái độ ứng xử và động cơ làm việc của cán bộ, đảng viên vì mục tiêu chung của tập thể. Hồ Chí Minh khẳng định rằng, trau dồi đạo đức của cán bộ, đảng viên cần được thể hiện trên cả ba phương diện: Đối với mình, đối với mọi người và đối với công việc. Đối với mình, không ngừng học tập, rèn luyện nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức cách mạng, không được tự cao, tự đại và luôn có ý chí cầu tiến. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự phê bình, kiểm điểm để phát triển điều hay, hạn chế, sửa đổi, khắc phục những điều chưa tốt của bản thân, phải coi việc tự phê bình mình như việc rửa mặt hàng ngày. Đối với mọi người, luôn giữ thái độ chân thành, thật thà, khiêm tốn, đoàn kết, không dối trá, lừa lọc; nghiêm túc phê bình những sai sót, khuyết điểm, hạn chế của người khác trên cơ sở nhân văn, mong muốn họ sửa chữa sai lầm và trở nên tiến bộ. Đối với công việc, nói phải đi đôi với làm; việc công phải đặt lên trước việc tư; phải tận tâm, tận tuỵ, không ngại khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cấp ủy đảng các cấp phải xây dựng chương trình hành động, nội dung sinh hoạt chuyên đề thiết thực; mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương và tích cực học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, gắn với xây dựng Đảng về đạo đức.

Thứ tư, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện tốt các quy định nêu gương

Đại hội Đảng lần thứ XIII yêu cầu: “thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị”[11]. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.

“Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải nêu gương, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”[12].

Thực hiện tốt các quy định trách nhiệm nêu gương[13] có giá trị quan trọng, khẳng định phương thức lãnh đạo. Nêu gương tạo sự khích lệ hoàn thiện, tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh thái độ và hành vi, răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa nguy cơ sai phạm của cán bộ, đảng viên. Thực hành nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, nếp văn hóa, đề cao ý thức trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đề cao trách nhiệm nêu gương góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng tích cực xây dựng kế hoạch chi tiết, khả thi và tổ chức thực hiện hiệu quả để từng cán bộ, đảng viên thực hành các quy định nêu gương nền nếp, thực chất, tạo tác dụng lan tỏa trong xã hội. Bên cạnh đó, “coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ  quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương”[14].

Thứ năm, đề cao ý thức rèn luyện tu dưỡng của mỗi cán bộ, đảng viên

Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ “nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo hình ảnh sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội”[15]. Đây là giải pháp rất quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên của từng cán bộ, đảng viên. Sự tu dưỡng đạo đức của mỗi người phản ánh trung thực nhất và sinh động nhất về nhân cách của cá nhân. Người thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức khiến cho bản thân dễ bị cám dỗ bởi vật chất, tiền bạc, danh vọng, từ đó dễ sa vào cá nhân chủ nghĩa, lối sống ích kỷ, thực dụng, tham ô... Bởi vậy, nghiêm khắc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức làm cho mỗi cán bộ, đảng viên giữ vững, hoàn thiện nhân cách, phẩm giá, duy trì lối sống trong sạch, lành mạnh, văn minh.

Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức trong sáng, lành mạnh phải được thực hiện bền bỉ, thường xuyên và liên tục bởi “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong[16]. Việc tu dưỡng đạo đức cách mạng phải trên tinh thần tự giác, tự nguyện, dựa vào lương tâm của mỗi người và sự giúp đỡ của tập thể, của quần chúng. “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”. Vì vậy, gột rửa chủ nghĩa cá nhân “Ví như rửa mặt thì phải rửa hàng ngày”[17].

Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh ngăn chặn suy thoái về đạo đức, lối sống. Thực hành phẩm chất đạo đức, lối sống thể hiện thông qua việc hoàn thành trách nhiệm chính trị được giao, biết hy sinh vì quốc gia, dân tộc. Mỗi cán bộ, đảng viên đề cao tinh thần: “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”[18].

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Chỉ thị 01-CT/TW ngày 9/3/2021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập: 1, 2.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 26.

4. Ban Tổ chức Trung ương - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (2019), Đề tài KX.04.04/16-20: "Ngăn chặn, đầy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam: thực trạng, quan điểm, định hướng giải pháp".

5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập: 4, 5, 6, 11, 12.


[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tập 5, tr.293.

[2] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 4, tr.65.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 26, tr. 22-23.

[4]Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ, đảng viên thể hiện rõ trong các tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” (1949), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969) và Di chúc...

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 6, tr.117.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập 2, tr.178-179.

[7] Ban Tổ chức Trung ương - Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật (2019), Đề tài KX.04.04/16-20: "Ngăn chặn, đầy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam: thực trạng, quan điểm, định hướng giải pháp".

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr.183.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tập 1, tr.184.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tập 1, tr.184.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tập 1, tr.183.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tập 1, tr.183-184.

[13]Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.184.

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tập 1, tr.184.

[16] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 11, tr.612.

[17] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 12, tr.222.

[18] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 6, tr.131.

Đọc thêm

Phát huy “Hào khí” Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954) đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa hội nghị Giơ-ne-vơ đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Từ “hào khí” chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết gợi mở những nội dung phát huy "hào khí" đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Tác giả: ThS Lê Quốc

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.