Từ khóa: Đại
hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam; kinh tế số; phát triển lực lượng sản xuất;
xây dựng kinh tế số.

(Ảnh:
baochinhphu.vn)
Đặt vấn đề
Lực
lượng sản xuất (LLSX) đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng,
phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Không thể có nền kinh tế phát
triển cao nếu không dựa trên nền tảng vững chắc của nó là LLSX hiện đại. Trong
bối cảnh hiện nay, cạnh tranh
kinh tế, chiến tranh thương mại... giữa các nước ngày càng quyết liệt; Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá
trên nhiều lĩnh vực, mang lại cả thời cơ và đặt ra những thách thức đối với mọi
quốc gia dân tộc; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số trở
thành xu hướng quan trọng, được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, trong đó
có Việt Nam.
1. Phát triển kinh tế số là xu thế khách quan
Những năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế
ngày càng sâu rộng hơn và sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả hơn các cam kết
khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong khi đó, nền kinh
tế phát triển chưa bền vững, còn không ít hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều
khó khăn, thách thức. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội mặc dù
đã được cải thiện trên nhiều mặt so với những năm trước đây; qui mô và tiềm lực
của nền kinh tế không ngừng tăng lên; đời sống vật chất và tinh thần của nhân
dân được cải thiện rõ rệt; “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực,
vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, mức tăng trưởng kinh tế vẫn
chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững, chưa thu hẹp
được khoảng cách và bắt kịp với các nước phát triển. Năng suất, chất lượng và
sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa
học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nền tảng kinh tế vĩ mô, khả năng chống chịu
của nền kinh tế chưa thật vững chắc. Để vượt qua khó khăn, thách thức đó, một
trong những đòi hỏi bức thiết hiện nay là phải “thực hiện quyết liệt chuyển đổi
số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số”[1, tr.213], qua
đó giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, tạo động lực để phát triển kinh tế số (KTS),
đáp ứng yêu cầu của đất nước trong bối cảnh mới.
Theo
nghĩa chung nhất, KTS được hiểu là “nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên ứng
dụng công nghệ số”. Ở Việt Nam, việc ứng dụng các thành tựu mà cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư mang lại, đẩy mạnh xây dựng, phát triển KTS là cơ hội để
có thể “đi tắt đón đầu”, thu hẹp khoảng cách với các nước, hoàn thành mục tiêu
“trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” vào giữa thế kỷ
XXI.
Trong
những năm gần đây, Đảng và Nhà nước cũng thể hiện rõ quyết tâm trong nhận thức
và sự quyết liệt trong hành động nhằm thúc đẩy phát triển KTS, tăng cường khả
năng chống chịu hiệu quả của nền kinh tế trước các “cú sốc ngoại sinh”. Văn
kiện Đại hội XIII đề ra mục tiêu: “Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách
toàn diện để phát triển kinh tế số , xây dựng xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030,
hoàn thành xây dựng chính phủ số; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới
và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, KTS”[1, tr.225].
Phấn đấu đến năm 2025, KTS ở Việt Nam đạt khoảng 20% GDP, là nước đang phát
triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình
thấp; đến năm 2030 KTS đạt khoảng 30% GDP, là nước đang phát triển, có công
nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đó là mục tiêu đầy tham vọng nhưng không hề
viển vông, ảo tưởng mà hoàn toàn có tính hiện thực và khả thi. Tuy nhiên, để thực
hiện mục tiêu đó, không thể không phát triển LLSX hiện đại, bởi đây là một
trong những điều kiện tiên quyết.
2. Xây dựng kinh tế số ở Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Một
là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên đổi mới căn bản, toàn
diện giáo dục và đào tạo
Nguồn
lực con người (hay nguồn nhân lực) là yếu tố quan trọng hàng đầu của LLSX trong
mọi thời đại. Trong các nguồn lực phát triển đất nước nói chung, phát triển nền
kinh tế nói riêng, nguồn lực con người
giữ vai trò quyết định, là “nguồn lực của mọi nguồn lực”, bởi tất cả các nguồn
lực khác chỉ có thể được khai thác, sử dụng hiệu quả và phát huy sức mạnh tối
đa của nó khi nguồn lực con người được phát huy. Do đó, để xây dựng, phát triển KTS ở Việt Nam một cách thực sự hiệu quả, vấn đề đầu
tiên cần phải thay đổi là nguồn lực con người.
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất
là nguồn nhân lực chất lượng cao được Đảng xác định là một trong các đột phá
chiến lược, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng xác định:
“Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn
lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”[1, tr.215-216].
Sau
35 năm đổi mới đất nước, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều thành
tựu quan trọng: Tỷ lệ người dân biết chữ tăng cao (đạt trên 97%) và tỷ lệ tái
mù thấp; chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo so với GDP thuộc loại
cao trên thế giới, bắt đầu chú trọng việc áp dụng các phương pháp đào tạo tiên
tiến của các tổ chức đào tạo nhân lực quốc tế, vấn đề nâng cao chất lượng, gắn kết đào tạo với nhu cầu lao động của địa
phương, doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động được coi trọng... Nhờ đó,
nguồn nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, trong một số
ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế, như công nghệ thông tin, y tế,
công nghiệp xây dựng, cơ khí...
Năm
2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,6%, trong đó 19,9% có bằng cấp, chứng
chỉ; năm 2020 ước đạt 64,5%, trong đó 24,5% có bằng cấp, chứng chỉ. Mục tiêu
đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng
chỉ đạt 28-30%; đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ
đạt 35 - 40%. Theo dự báo của ILO,
trong tương lai, lao động trong các ngành đang tạo việc làm cho nhiều lao động
Việt Nam (dệt may, giày dép...) có nguy cơ cao mất việc dưới tác động của những
đột phá về công nghệ. Đây là nguy cơ hiện hữu, bởi họ bị kẹt trong cuộc cạnh
tranh khốc liệt với đội ngũ nhân công giá rẻ hơn từ các nước đang phát triển
khác và hệ thống người máy đang được ứng dụng ngày càng phổ biến ở các nước
phát triển.
Trong bối cảnh đó, để phát triển nguồn nhân
lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển KTS
trong điều kiện của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi phải thực sự đổi mới mạnh mẽ, căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng
ưu tiên hỗ trợ cho các ngành khoa học, công nghệ bằng các thể chế và chính sách
phù hợp: “Tạo đột
phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân
lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển
giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào
mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm,
có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp,
tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”[1, tr.115].
Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng lại lực lượng lao động
hiện có và đào tạo lực lượng lao động mới theo xu hướng hiện đại đáp ứng yêu
cầu đổi mới công nghệ truyền thống, tiếp nhận công nghệ hiện đại, tiến tới sáng
tạo công nghệ; bảo đảm sự cân đối và đồng bộ giữa lao động phổ thông, lao động
kỹ thuật và lao động khoa học. Mặt khác, cũng cần ưu
tiên các nguồn lực để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng
cao, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận, sử
dụng công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phát triển kinh tế -
xã hội; xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí đồng thời tạo những điều kiện
tối ưu để mọi người dân có thể tiếp cận và sử dụng thế giới công nghệ số. Bên
cạnh đó, phải chú trọng
“giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là
giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử
dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ;
giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy
khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống
với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”[1, tr.136-137].
Như
vậy, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xây dựng KTS đang tạo ra những cơ hội
và triển vọng, đồng thời đặt ra những thách thức và yêu cầu mới đối với nguồn
nhân lực Việt Nam để tạo ra những nguồn nhân lực có năng lực vượt trội, có khả
năng làm việc với công nghệ thông minh và khả năng sử dụng ngoại ngữ thành
thạo, tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua thách thức mới có thể có những bứt
phá trong tương lai.
Hai
là, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên nền tảng phát triển mạnh mẽ khoa học công
nghệ, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia
Trong
bối cảnh hiện nay, cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ
cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng, giữ vai trò “động lực then chốt” trong phát
triển LLSX hiện đại. Trên thực tế, khoa học, công nghệ nước ta những năm qua đã
có bước phát triển đáng kể so với trước, tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia được
tăng cường, một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực
và thế giới... đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh
tế - xã hội của đất nước. Tuy
nhiên, sự phát triển và ứng dụng khoa học, công
nghệ vào các lĩnh vực của đời sống còn rất khiêm tốn. Đội ngũ nhân lực khoa học
công nghệ tăng về số lượng nhưng chất lượng và năng lực còn hạn chế; cơ cấu
trình độ chưa hợp lý, đầu tư ngân sách nhà nước còn dàn trải, phân tán, hiệu
quả sử dụng chưa cao. Việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và đổi mới
công nghệ còn chậm; các sản phẩm khoa học, công nghệ vẫn bị tụt hậu so với thế
giới, làm giảm năng lực cạnh tranh; trình độ cơ khí hóa, tự động hóa, tin học
hóa của các ngành kinh tế còn khá thấp. So với trình độ khoa học, công nghệ của
nhiều nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới thì trình độ khoa học, công
nghệ của nước ta còn một khoảng cách khá xa và về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được
yêu cầu của sự phát triển "đi tắt đón đầu": “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
chưa thực sự là động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh,
thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năng suất lao động vẫn thấp hơn nhiều so
với các nước trong khu vực và khoảng cách chênh lệch này vẫn tiếp tục gia
tăng”[2, tr.70]... Trong khi đó, yêu cầu của nền kinh tế đất
nước đang đặt ra là phải tiếp tục đẩy
mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình
tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng
tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng
cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Điều đó chỉ có thể
thực hiện trên cơ sở phát triển KTS dựa vào nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới
sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả
và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển mạnh khoa
học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải được xem là động lực
chính của tăng trưởng kinh tế. Do đó yêu cầu đặt ra là cần: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng,
phát triển, làm chủ công nghệ hiện đại; phát triển một số sản phẩm chủ lực có
thương hiệu mạnh, có uy tín trong khu vực và thế giới. Nâng cao tiềm lực khoa học,
công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, tạo cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi
số nền kinh tế quốc gia và phát triển KTS”[1, tr.123]. Mặt khác, phải tiếp tục thực
hiện nhất quán chủ trương khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực
then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng,
nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng
thời chú trọng phát triển đồng bộ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công
nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị. Chỉ trên cơ sở đó chúng ta mới có thể thực hiện chủ trương “đi tắt đón
đầu”, giải phóng tối đa sức sản xuất, nhanh chóng phát triển LLSX hiện đại để
xây dựng KTS một cách hiệu quả, đồng thời đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba
là, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Kết cấu hạ tầng là một trong những yếu tố
cơ bản cấu thành LLSX. Mặc dù không trực tiếp tạo ra sản phẩm vật chất, song kết
cấu hạ tầng giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối các yếu tố của quá trình
sản xuất, tạo nên tính đồng bộ và thể hiện trình độ phát triển của LLSX. Trong
quá trình phát triển sản xuất nói chung, phát triển KTS hiện nay nói riêng, những
yếu tố thuộc kết cấu hạ tầng có vai trò rất to lớn. Nhận thức được vai trò quan
trọng đó, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, Đảng
nhất quán và nhấn mạnh, phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về
xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập
trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, qui mô lớn về giao thông, năng
lượng và hạ tầng số để tăng cường kết nối với khu vực và thế giới: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về
kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về
giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông
tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh
tế số, xã hội số”[1, tr.204].
Trên thực tế những năm qua, bên cạnh hạ tầng
giao thông quốc gia, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, kết cấu hạ tầng nông
nghiệp, nông thôn đều được đầu tư nâng cấp, mở rộng và từng bước hiện đại hóa;
hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch
được quan tâm xây dựng, thì hạ tầng năng lượng với nhiều công trình lớn được đầu
tư và hoàn thành, đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc
gia; hạ tầng thông tin và truyền thông nước ta cũng phát triển khá hiện đại, rộng
khắp, kết nối với quốc tế và bước đầu hình thành “siêu xa lộ thông tin”. Hiện
nay, ở Việt Nam đã cáp quang hóa đến cấp xã, thôn, bản với hơn 1 triệu kilômét,
phủ sóng thông tin di động đến 98% người dân với công nghệ hiện đại, thuộc nhóm
các quốc gia thử nghiệm thành công sớm công nghệ 5G, tốc độ kết nối internet
năm 2018 xếp hạng 58 thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển kết cấu hạ tầng đồng
bộ, hiện đại chưa đạt yêu cầu, chưa cân đối giữa các vùng, miền; một số dự án
xây dựng kết cấu hạ tầng chậm tiến độ, chất lượng còn hạn chế, chưa theo kịp
nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới. Do đó, để đáp ứng yêu cầu
phát triển hạ tầng số, bảo đảm an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và các
doanh nghiệp thuận lợi, an toàn tiếp cận nguồn tài nguyên số, xây dựng cơ sở dữ
liệu lớn, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển KTS hiện nay, đòi hỏi phải “Tiếp
tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng
đồng bộ với một số công trình hiện đại...; tạo bứt phá trong phát triển hạ tầng
công nghệ thông tin, viễn thông, xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia”[1,
tr.127].
Kết luận
Lực lượng sản xuất là yếu tố quan trọng
hàng đầu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Hiện nay, phát
triển KTS là xu thế của thời đại trong điều kiện của cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư đang trên đà tăng tốc rất mạnh mẽ. Xây dựng, phát triển KTS ở Việt
Nam cũng là một đòi hỏi tất yếu từ cuộc sống nếu không muốn ngày càng tụt hậu
xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và thế giới. Muốn vậy, phát triển
LLSX hiện đại với ba trụ cột là nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công
nghệ tiên tiến, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại sẽ là nhân tố quyết
định cho sự thành công.