Chủ nhật, ngày 26/12/2021, 16:51

Quan niệm của Jean Jacques Rousseau về mục tiêu giáo dục

NGUYỄN THU NGHĨA - VÕ NGỌC QUÂN
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - Đại học Quốc gia Hà Nội

(GDLL) - Jean Jacques Rousseau (1712-1778) không những là nhà tư tưởng vĩ đại của triết học Pháp thế kỷ XVIII mà còn là nhà chính trị học, nhà nghệ thuật học, nhà văn, nhà giáo dục học nổi tiếng. Sinh thời, ông đặc biệt quan tâm và có những quan điểm mới về giáo dục. Điểm độc đáo trong tư tưởng triết học giáo dục của ông chính là triết lý “phản khai sáng”1, trong đó J.J.Rousseau đã đưa ra những quan điểm đi ngược lại quan điểm duy lý, duy khoa học và chỉ ra những mặt trái của văn minh và khoa học kỹ thuật. Bài viết tập trung phân tích quan niệm của J.J.Rousseau về mục tiêu giáo dục trong đó thể hiện rõ nét nguyên tắc tôn trọng quyền và giá trị cơ bản của người học theo phương châm giáo dục tự nhiên và tự do.

Từ khóa: Giáo dục; J.J.Rousseau; mục tiêu giáo dục; triết lý giáo dục.

Đặt vấn đề

Trước tương lai phát triển của giáo dục trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 05/5/2017[1], Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi Công văn số 1891/BGDĐT-GDĐH tới tất cả các cơ sở giáo dục đại học để định hướng chỉ đạo về đào tạo nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, giáo dục Việt Nam hiện nay cần phải tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI. Để đổi mới, cần phải xây dựng, hoàn thiện triết lý giáo dục, nghiên cứu một cách có hệ thống tinh hoa tư tưởng nhân loại. Vì vậy, việc nghiên cứu quan niệm giáo dục nói chung và mục tiêu giáo dục nói riêng của J.J.Rousseau có ý nghĩa tham khảo nhằm xây dựng và phát triển triết lý giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Nội dung

Ngay trang mở đầu tác phẩm Émile hay là về giáo dục, J.J.Rousseau đã nhận định về con người xã hội một cách thẳng thắn: “Mọi thứ từ bàn tay Tạo hoá mà ra đều tốt: mọi thứ đều suy đồi biến chất trong bàn tay con người. Con người bắt ép một chất đất phải nuôi các sản phẩm của chất đất khác, một cái cây phải mang quả của cây khác; con người hoà trộn và lẫn lộn các khí hậu, các yếu tố, các mùa; con người cắt xẻo các bộ phận trong thân thể con chó của mình, con ngựa của mình, nô lệ của mình; họ đảo lộn mọi thứ, họ làm xấu xí mọi thứ, họ ưa sự dị dạng, các quái vật; họ không muốn cái gì y nguyên như tự nhiên đã tạo ra, ngay cả con người cũng thế; họ phải rèn tập con người cho họ, như một con ngựa để kéo cỗ máy; họ phải uốn vặn con người theo kiểu cách của họ, như một cái cây trong vườn nhà họ.(...). Các thành kiến, uy quyền, sự cần thiết, tấm gương, mọi thể chế xã hội, trong đó chúng ta bị chìm ngợp, sẽ bóp nghẹt bản tính tự nhiên ở anh ta, và chẳng để gì thay thế vào đó...”[2]. Qua đó, J.J.Rousseau muốn vẽ ra trước mắt độc giả một bức tranh khái quát về sự giáo dục trong xã hội đương thời mà ông sống. Và ông gọi đó là “sự giáo dục man rợ hy sinh hiện tại cho một tương lai vô định, sự giáo dục bắt đứa trẻ mang đủ loại xiềng xích, và khởi đầu bằng việc làm nó khốn khổ, để chuẩn bị từ xa cho nó một thứ hạnh phúc gì chẳng biết mà có lẽ nó sẽ chẳng bao giờ thụ hưởng”[3]. Nền giáo dục mà J.J.Rousseau đã và đang phải chứng kiến trong xã hội đương thời của ông là nền giáo dục mà ở đó, nội dung giáo dục chỉ chú ý đến những điều con người cần biết mà không coi trọng những tri thức trẻ con có thể học được. Cố gắng bắt đứa trẻ trở thành người lớn mà không để tâm đến hiện trạng của đứa trẻ. Sử dụng cách thức thuyết giáo với những lời lẽ dài dòng khiến đứa trẻ mệt mỏi, ngán ngẩm khi tiếp thu.

Theo J.J.Rousseau, với nền giáo dục đó, con người luôn bị động khi phải chạy theo xã hội, chỉ quan tâm đến những gì xã hội cần hoặc người khác chờ đợi ở chính mình nên luôn tìm cách thích ứng với xã hội. J.J.Rousseau khẳng định, giáo dục của xã hội hướng về hai mục đích tương phản thì rất khó có thể đạt được mà nếu không cẩn thận có thể bỏ lỡ cả hai. Giáo dục theo cách đó sẽ tạo ra những con người bề ngoài là làm tất cả cho người khác, nhưng thực chất chỉ mang lợi cho riêng mình. Sự giáo dục đó hoàn toàn nhọc công và uổng phí. Từ thực trạng của nền giáo dục đương thời, phản đối kịch liệt sự giáo dục đó, J.J.Rousseau đã đưa ra những mục tiêu khác mà giáo dục phải hướng đến để đạt được. Theo J.J.Rousseau, mục tiêu giáo dục cần đáp ứng những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, giáo dục phát triển theo khuynh hướng tự nhiên của trẻ (thuận theo tự nhiên).J.J.Rousseau viết: “Sự giáo dục đó đến với chúng ta từ tự nhiên”[4], ông tin rằng, con người tự nhiên được đào tạo bởi giáo dục tự nhiên. Vậy, tại sao con người từ bản tính tự nhiên là tốt, là thiện lại sinh ra ác? Bởi vì, sự phát triển của khoa học kỹ thuật có khuynh hướng tách rời con người khỏi trạng thái tự nhiên, giúp họ có đời sống cao hơn song cũng mang lại cho họ những bất hạnh và đau khổ. Văn minh mang đến cho con người nhiều cám dỗ về vật chất để bản tính con người ngày càng bị suy đồi “cái làm cho con người căn bản thiện tâm, là do có ít nhu cầu, và chẳng mấy khi muốn so sánh với kẻ khác; cái làm cho căn bản là độc ác là do có quá nhiều nhu cầu và chú trọng quá nhiều đến dư luận”[5]. Vì vậy, mục tiêu của giáo dục là phải làm cho cái thiện chân trong con người không những được bảo tồn mà còn phải được phát huy tối đa. Giáo dục phải đào tạo con người vì chính con người, đào tạo con người trở thành những tác nhân cải tạo xã hội chứ không phải là nhân tố tái tạo xã hội. Vì vậy, “con người tự nhiên được đào tạo bởi giáo dục tự nhiên, tức là con người mới được phát triển tự do và phối hợp giữa thể chất và tinh thần, không bị ràng buộc và áp bức của xã hội”[6]. Và trong trật tự tự nhiên, nơi mọi người đều bình đẳng thì làm người chính là nghề nghiệp chung của họ. Ra khỏi sự giáo dục, đứa trẻ trước hết thành người. Và bất cứ ai được giáo dục để làm người (một con người đích thực) thì sẽ chẳng bao giờ phải lo lắng về đạo đức, nhân cách và khả năng của con người đó. Quan điểm trên của J.J.Rousseau xuất phát từ lòng nhân đạo, tình yêu thương con người, hàm chứa tính nhân bản vô cùng sâu sắc, giáo dục con người hướng tới một xã hội đại đồng. Giáo dục tự nhiên, đặc biệt nhấn mạnh đến quá trình phát triển tự nhiên của trẻ, trong quá trình giáo dục ấy, trẻ được tôn trọng quyền và những giá trị cơ bản của mình. Mọi thứ người lớn làm cho trẻ, chỉ là đưa ra những gợi mở để trẻ được tự do phát triển, thuận theo tự nhiên.

Thứ hai, giáo dục hướng tới “sự phát triển cá nhân”[7].Quá trình này phụ thuộc vào phản ứng của học sinh trước điều được truyền đạt. Vai trò trung tâm của học sinh được thể hiện và trở nên rõ ràng. Học sinh là mục đích tồn tại và là đích đến của hoạt động giáo dục, ở đó giáo dục sẽ “định hướng phát triển cá nhân bẩm sinh”[8]. Nền dân chủ được thúc đẩy bởi những cá nhân sáng tạo, vì thế sự đóng góp của giáo dục cho xã hội sẽ được thể hiện ở sự phát triển những cá nhân tự do, có trí tưởng tượng và có óc sáng tạo. Cá nhân được trao quyền tự do không hạn chế và chỉ khi đó sự phát triển hài hòa của người học mới diễn ra. Tự do phải được trao cho mỗi cá nhân trong bối cảnh xã hội chứ không phải đến mức độ dẫn đến sự tan rã của xã hội. Con người tự do không “phục tùng luồn cúi của một nô lệ”, cũng không có “giọng điệu hách dịch của một chủ nhân”[9]. J.J.Rousseau nhấn mạnh sự phát triển của cá nhân để hướng tới những công dân lý tưởng, có óc xét đoán công minh và một trái tim khỏe mạnh. Con người cần sống là chính mình, không vì sự hào nhoáng bên ngoài. Khi được lôi kéo ra bên ngoài xã hội, do đã được giáo dục, “anh ta có khả năng chống lại các tật xấu để đến khi trưởng thành gia nhập xã hội sống chung với người khác”[10]. Quá trình giáo dục được khuyến khích và duy trì bằng sự say mê học tập và mục đích của học sinh. Nếu trật tự xã hội năng động và tiến bộ nhất phụ thuộc vào các cá nhân có cơ hội bày tỏ mình nhiều nhất thì nhà trường hoạt động tốt nhất khi dựa trên nguyên tắc vì sự phát triển của học sinh. Hiểu theo nghĩa này, nhà trường có thể thực sự được coi là “lấy học sinh làm trung tâm”.

Để mỗi cá nhân được phát triển một cách tối đa, người được giáo dục phải đạt được sự hài hoà giữa ba phương diện đạo đức, trí năng và thể chất. Hình ảnh một người trẻ mà J.J.Rousseau muốn tạo ra là tự lập, tự tin vào bản thân, mạnh khoẻ về thể chất và tinh thần, chân tay lanh lẹ, “trí óc đúng đắn và không thành kiến, tâm hồn tự do... Không phá rối sự an tĩnh của ai hết, nó đã sống hài lòng, hạnh phúc và tự do, hết mức mà thiên nhiên cho phép”[11]. Trong suốt tác phẩm Émily hay là về giáo dục, độc giả có thể thấy, Émile đã được giáo dục để có một thể lực khoẻ mạnh, một ý chí vượt qua mọi khó khăn và có đạo đức để thoát khỏi những cám dỗ. Đặc biệt, giáo dục cũng phải tạo ra con người có lương tâm, đạo đức, biết rung cảm, biết thương xót, có lòng trắc ẩn. Giáo dục phải dạy cho học sinh làm những việc tốt, không chỉ bố thí cho những người nghèo khó mà còn chăm sóc họ; dạy cho học sinh lấy lợi ích của người nghèo làm lợi ích của mình để có thể quan tâm, bảo vệ, phục vụ cũng như dành cho họ thời gian. Đạo đức sẽ điều khiển trí năng, khiến cho con người biết tuân theo tiếng gọi của lương tâm, hướng đến điều thiện. Trí năng và đạo đức chỉ tỏa sáng rực rỡ khi chúng được nâng đỡ trên một cơ thể khoẻ mạnh với các giác quan nhạy bén và một thần thái sáng suốt.

Thứ ba, mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cho trẻ em kiến thức, mà dạy cho trẻ biết làm thế nào để có kiến thức: “Vấn đề là chỉ ra cho nó cần làm thế nào để luôn khám phá ra sự thật hơn là bảo cho nó biết một sự thật”[12]. J.J.Rousseau mong muốn đứa trẻ tự học hỏi, tự sử dụng lý trí của nó chứ không phải sử dụng lý trí của người khác. Ông thích đứa trẻ có một đầu óc nhạy bén, cởi mở, thông minh, sẵn sàng để tiếp nhận các tri thức. J.J.Rousseau không dạy đứa trẻ khoa học mà dạy nó “tiếp thu khoa học theo nhu cầu”[13]. Khả năng của mỗi đứa trẻ là khác nhau nên sự lựa chọn kiến ​​thức cũng khác nhau. Ông có xu hướng lấy chức năng cụ thể của kiến ​​thức làm cơ sở của sự lựa chọn. Bởi vì chỉ có kiến ​​thức thực sự hữu ích mới có thể thúc đẩy sức khỏe thể chất và tinh thần và sự phát triển hài hoà các mặt của trẻ, để mọi người có thể trở thành một người phát triển tự nhiên trong một xã hội không cần phải phụ thuộc vào người khác và có thể tự hỗ trợ. Câu hỏi không phải là những gì trẻ đã học được, mà là những gì trẻ đã học được để trở nên hữu ích. Để trẻ tự tìm kiếm kiến thức, theo J.J.Rousseau, trẻ phải được rèn luyện cách tự học.

Thứ tư, mục tiêu giáo dục là dạy đứa trẻ làm người tự do chứ không đào tạo đứa trẻ trở thành người có thế lực trong xã hội. Con người tự do là con người khi tư duy hay hành động không bị ràng buộc bởi vật chất, thành kiến hay dư luận, không bị những đam mê dục vọng khống chế. Bởi theo J.J.Rousseau, “Con người đó là con người trưởng thành, quyết định và hành động hợp lẽ sống trong sự tôn trọng tự nhiên và sự thật, tôn trọng người khác chứ không lệ thuộc bất cứ ai”[14]. J.J.Rousseau cho rằng, mục tiêu giáo dục cũng không phải tạo ra người giàu, người nghèo, hay để phân biệt giữa người giàu và người nghèo, mà trong trật tự tự nhiên, tất cả đều bình đẳng. Ông viết: “Vì người giàu chẳng có dạ dày to hơn người nghèo và chẳng tiêu hoá tốt hơn người nghèo; vì ông chủ chẳng có cánh tay dài hơn cũng như mạnh hơn người nô lệ;… và cuối cùng do các nhu cầu tự nhiên ở khắp nơi đều giống nhau, nên các phương sách để cung ứng cho các nhu cầu ấy ắt phải như nhau ở khắp nơi. Hãy làm cho sự giáo dục con người phù hợp với con người, chứ không phải với cái gì không hề là anh ta. Các vị không thấy rằng trong khi ra sức đào tạo con người chỉ chuyên cho một địa vị, là các vị đã khiến anh ta vô dụng với bất kỳ địa vị nào khác”[15]. Bởi vậy, J.J.Rousseau viết: “Sống là nghề tôi muốn dạy anh ta”, “việc học tập đích thực của chúng ta là học tập về thân phận con người”[16]. Giáo dục là nghệ thuật xây dựng con người. Bởi vì, con người ở mọi địa vị là như nhau. Con người chỉ có một nghề duy nhất được phép học đó là học làm người.

Thứ năm, mục tiêu giáo dục con người để “đảm bảo được hạnh phúc hiện tại”[17]. Khi con người được giáo dục không phải vì bất kỳ một vị trí hay đẳng cấp nào, người đó sẽ thấy cuộc sống được tự do và hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự là con người được sống thật với bản tính tự nhiên và nguyện vọng của mình “con người đã sống nhiều nhất không phải là người đã đếm được nhiều năm nhất mà là người đã cảm nhận cuộc đời được nhiều nhất”18. Nếu không được giáo dục làm cho cuộc sống có giá trị, thì theo J.J.Rousseau, dù “lúc nhắm mắt xuôi tay có xa buổi lọt lòng đi nữa cũng chẳng có ích gì, cuộc đời vẫn cứ là quá ngắn ngủi khi khoảng cách thời gian ấy không được sử dụng đủ đầy”19. Vậy làm thế nào để trẻ được sống, tự bảo vệ cuộc sống của mình và có được hạnh phúc thực sự? Câu trả lời là trẻ cần được cung cấp những thứ mà khi sinh ra, con người chưa có, nhưng lại rất cần khi con người lớn lên. Con đường mà J.J.Rousseau lựa chọn và đặt tên là con đường tự nhiên. Tự nhiên rèn luyện trẻ em không ngừng; tự nhiên làm tính tình chúng cứng rắn lên bằng đủ loại thử thách. Chính nhờ các thử thách này mà đứa trẻ mạnh lên - đó là vũ khí chống lại những tai hoạ mà trẻ có thể gặp phải tại mọi thời điểm. Chỉ khi trẻ được sống cuộc sống của chính mình, tự mình dũng cảm vượt qua những thử thách trong cuộc sống để tìm đến những gì chúng muốn và thấy có ý nghĩa thì chúng mới cảm nhận được hạnh phúc thực tại.

Như vậy, mục tiêu giáo dục của J.J.Rouseau chú trọng đặc biệt đến việc giáo dục trẻ thuận theo tự nhiên. Đối với việc học tập của trẻ, J.J.Rousseau nhấn mạnh đến việc tạo cho trẻ kỹ năng học theo khuynh hướng tự nhiên, có nghĩa là để trẻ tự tìm kiếm kiến thức bằng sự đam mê và khám phá của mình. Một công dân lý tưởng trước hết phải là một người khoẻ mạnh, có đức, có tài và phải được giáo dục từ khi còn nhỏ để hiểu được những gì mình học, những gì mình làm hướng tới điều gì. Chỉ như vậy, sự rèn luyện và học tập đạo đức, trí năng và thể lực sẽ hướng đến hạnh phúc của trẻ.

Kết luận

Quan niệm của J.J.Rousseau về giáo dục nói chung và mục tiêu giáo dục nói riêng có giá trị lâu bền và đã ảnh hưởng đến nền giáo dục truyền thống của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ hiện thực của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, chúng ta cần xây dựng triết lý giáo dục hướng tới chính con người và vì con người. Ở đó, quá trình giáo dục diễn ra cùng với sự phát triển tự nhiên và tự do của người học. Một nền giáo dục tự nhiên sẽ cho người học thấy được giá trị của việc học, bởi vì người học nhìn thấy ngay lợi ích trong hiện tại, không phải là sự chuẩn bị cho một tương lai mơ hồ. Vì vậy, để phát huy được yếu tố thiện chân trong mỗi con người, giáo dục được coi là một yếu tố trung gian để đào tạo con người, quá trình giáo dục tự nhiên đòi hỏi giáo dục phải chú ý đến nhu cầu và khả năng của chính đứa trẻ.

Tài liệu tham khảo:        [18]

1. Đỗ Minh Hợp (2017), Đôi nét về triết lý “phản khai sáng” của J.J.Rousseau, Tạp chí Triết học, số 6.

2. Rousseau.J.J (2008), Émile hay là về giáo dục, dịch giả Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương, Nxb. Tri thức, Hà Nội.

3. Vũ Công Thương (2017), Nội dung cơ bản về triết lý giáo dục của J.J.Rousseau qua tác phẩm “Émile hay là về giáo dục” và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Giáo dục, tháng 6. [19]


[1] Đỗ Minh Hợp (2017), Đôi nét về triết lý “phản khai sáng” của J.J.Rousseau, Tạp chí Triết học, số 6, tr.63.

[2] Rousseau.J.J (2008), Émile hay là về giáo dục, dịch giả Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương, Nxb. Tri thức, Hà Nội, tr.31.

[3] Rousseau.J.J (2008), Sđd, tr.87.

[4] Rousseau.J.J (2008), Sđd, tr.33.

[5] Rousseau.J.J (2008), Sđd, tr.285.

[6] Yawei.L (2019), Exploring Jean-Jacques Rousseau’s Nature Education Thought from Emile, International Conference on Management, Education Technology and Economics (ICMETE), tr.420.

[7] Jamwal.B (2017), Rousseau and his educational philosophy, Scholarly Research Journal for Humanity Science & English Language, Vol - 4/24, tr.6532.

[8] Đỗ Minh Hợp (2017), Tlđd, tr.68.

[9] Rousseau.J.J (2008), Sđd, tr.206.

[10] Vũ Công Thương (2017), Nội dung cơ bản về triết lý giáo dục của J.J.Rousseau qua tác phẩm “Emily hay là về giáo dục” và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Giáo dục, tháng 6, tr.245.

[11] Rousseau.J.J (2008), Sđd, tr.277.

[12] Rousseau.J.J (2008), Sđd, tr.273.

[13] Rousseau.J.J (2008), Sđd, tr.276.

[14] Vũ Công Thương (2017), Tlđd,tr.245.

[15] Rousseau.J.J (2008), Sđd, tr.256.

[16] Rousseau.J.J (2008), Sđd, tr.38.

[17] Jamwal.B (2017), Rousseau and his educational philosophy, Scholarly Research Journal for Humanity Science & English Language, Vol - 4/24, tr.6532.

[18] Rousseau.J.J (2008), Sđd, tr.39

[19] Rousseau.J.J (2008), Sđd, tr.285.

Đọc thêm

Giải pháp thực hiện Cam kết của Việt Nam về "Net zero" vào năm 2050

Tác giả: Phạm Tú Tài

(GDLL) - Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam đã ký cam kết đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050 (Net Zero). Bài viết tập trung phân tích những tác động của phát thải khí nhà kính, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu; nỗ lực của Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính và đề xuất một số giải pháp Việt Nam cần thực hiện trong lộ trình "Net Zero" vào năm 2050.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Hoài Phương

(GDLL) - Trong quá trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ, công chức đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức đã nỗ lực hết mình để thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Bài viết nghiên cứu về thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

Quá trình phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tác giả: Lục Việt Dũng

(GDLL) - Bài viết khái quát sự phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhấn mạnh những nội dung mới tại Nghị quyết số 27-NQTW; từ đó đề xuất một số giải pháp bảo đảm các đặc trưng này trong quá trình xây dựng, hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay

Tác giả: ThS Lưu Thị Thu Phương

(LLCT) - Nghiên cứu, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là một hoạt động quan trọng trong lãnh đạo, quản lý xã hội, do đó cần không ngừng được đổi mới công tác này để giúp cấp ủy, chính quyền phát hiện những điểm nóng về tư tưởng, kịp thời giải tỏa xung đột xã hội tiềm tàng. Bài viết tập trung làm rõ các phương pháp định hướng dư luận xã hội đang được sử dụng, nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

Tác giả: ThS. Cao Phan Giang

(GDLL) - Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh là những danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho dòng tư tưởng về dân ở Việt Nam. Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi hội tụ những giá trị vượt trội của thời đại phong kiến với và nhiều quan điểm tiến bộ về dân. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là kết tinh của tư tưởng thân dân truyền thống cùng những giá trị tiến bộ của nhân loại trong ý thức hệ của giai cấp công nhân. Sự giống và khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, ý thức hệ và bài học dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của hai tác giả cho thấy sự vận động và phát triển liên tục của dòng tư tưởng về dân Việt Nam.