Từ khóa: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hợp tác quốc tế;
trường đại học.

(Ảnh:
https://www.quanlynhanuoc.vn)
Đặt vấn đề
Trong những
năm qua, công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đại học ở Việt Nam luôn là
một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu. Nguồn lực có chất lượng không
chỉ tạo nên thương hiệu, bộ mặt của mỗi nhà trường mà còn góp phần khẳng định
sức mạnh, vị thế của con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Để GD&ĐT
đạt hiệu quả cao, các nhà trường hiện nay cần tích cực, chủ động trong công
cuộc hội nhập quốc tế, đổi mới sáng tạo, linh hoạt, phù hợp từ nội dung giảng
dạy, tranh thủ nguồn lực công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào khâu đào tạo thực
hành, hợp tác quốc tế về đào tạo, sử dụng nguồn lao động.
1. Vai trò của hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân
lực chất lượng cao ở các trường đại học hiện nay
Hợp tác có thể
hiểu theo nghĩa chung là “cùng chung sức giúp đỡ lẫn nhau trong một công việc,
một lĩnh vực nào đó, nhằm một mục đích chung”, còn quốc tế là “các nước trên
thế giới trong quan hệ với nhau”. Như vậy, “hợp tác quốc tế” là mối quan hệ
cùng hỗ trợ đáp ứng những lợi ích của các chủ thể trong mối quan hệ quốc tế
đó. Hợp tác quốc tế có sự tham gia của 2 hoặc nhiều chủ thể khác nhau và
có sự tham gia của yếu tố quốc tế.
Nguồn nhân lực chất lượng cao chỉ các đối
tượng lao động có khả năng làm việc thông thạo, kỹ năng chuyên môn tốt, trở
thành người lao động giỏi. Trong quá trình hội nhập, phát triển nguồn nhân lực
chất lượng cao là chiến lược trọng tâm hàng đầu của Việt Nam. Vì vậy, hợp tác
quốc tế có đóng góp rất lớn trong giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng
cao ở các trường đại học.
Một là, hoạt động hợp tác quốc tế góp phần quan trọng trong
việc định hướng sự phát triển của các trường đại học theo hướng tiếp cận nền
giáo dục tiên tiến hiện đại trên thế giới
Hội nhập quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan
trọng nhằm phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, được Đảng và Nhà nước
đặc biệt quan tâm và quán triệt trong các văn bản nghị quyết khi tiến hành đổi
mới toàn diện giáo dục đào tạo nước nhà: “Đa dạnghóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các
lĩnh vực, ngành nghề; yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”. Quá trình hợp tác giúp định hướng sự phát triển
của các trường đại học theo hướng hiện đại, tiếp cận nền giáo dục đại học tiên
tiến trong khu vực và trên thế giới. Thông qua hoạt động hợp tác quốc
tế, các trường đại học có thể tranh thủ tận dụng thời cơ thu hút sự đầu tư quốc
tế về giáo dục. Với sự đa dạng của các nội dung trong hợp tác quốc tế, Việt Nam
có cơ hội giao lưu, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá về xây dựng, hoàn
thiện, phát triển mô hình giáo dục, chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc
tế...
Hai là, hợp tác quốc tế mang lại cơ hội lớn cho người học
Hợp tác
quốc tế giúp chúng ta có cơ hội học hỏi về phương thức giảng dạy, chuẩn hóa mô
hình giáo dục; không chỉ vậy, hợp tác đem lại cơ hội lớn cho các trường đại học
tiếp cận gần hơn với các tiến bộ của khoa học công nghệ. Từ đó, các trường có
thể tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các trường đại học
nước ngoài để cập nhật kỹ thuật tiên tiến về phục vụ khâu đào tạo thực hành ở
Việt Nam. Đặc biệt là đối với những chuyên ngành khoa học kỹ thuật như Công
nghệ thông tin, Cơ khí, Điện, Công nghệ ô tô,... Không chỉ vậy, hợp tác quốc tế
trong giáo dục đại học còn mở ra nhiều cơ hội cho người học trong các lĩnh vực
khác như phát triển văn hóa, liên kết việc làm... Đảng đã chỉ rõ: “Hội nhập
quốc tế về giáo dục góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng thị
trường lao động và phát triển khoa học, công nghệ của đất nước; tăng cường giao
lưu văn hóa và học thuật quốc tế”.
Ba là, hợp tác quốc tế góp phần hỗ trợ nguồn lực tài chính cho sự phát triển
của nhà trường
Tranh
thủ tận dụng mọi nguồn lực thông qua hợp tác quốc tế nhằm phát triển giáo dục
đại học là một nội dung cơ bản trong chiến lược hội nhập của Đảng, thể hiện rõ
vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế: “Thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa
các hình thức hợp tác, đầu tư với nước ngoài...; tranh thủ các cơ hội để thu
hút hiệu quả các nguồn lực nhằm nâng cao quy mô và chất lượng nguồn nhân lực”.
Hầu hết các trường đại học khi được thành lập cũng trên cơ sở nguồn vốn chủ yếu
từ ban Quản trị, lãnh đạo nhà trường đối với các trường dân lập; hay nguồn vốn
từ Chính phủ, Nhà nước, Bộ Giáo dục & Đào tạo đầu tư. Nguồn lực tài chính
tốt sẽ tạo điều kiện để có công nghệ, kỹ thuật tốt phục vụ cho quá trình đào
tạo. Tuy nhiên, tiềm lực kinh tế của nhiều trường đại học trên cả nước còn khá
hạn hẹp, những trường công với mức học phí thấp khó tạo được nguồn kinh tế dồi
dào để đáp ứng chương trình giáo dục hiện đại nhất. Do vậy, hợp tác quốc tế để
tranh thủ nguồn lực tài chính đầu tư của nước bạn là một trong những yêu cầu
khách quan.
Bốn là, hợp tác quốc
tế nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục đại học còn góp phần mở
rộng quan hệ ngoại giao, khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tăng
khả năng cạnh tranh của nước nhà trên lĩnh vực giáo dục, và góp phần ảnh hưởng
tới các lĩnh vực kinh tế xã hội khác
Như vậy,
hợp tác quốc tế không chỉ tạo cơ hội lớn cho người học, góp phần giúp các
trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai mà
còn giúp các trường đại học thiết lập được nhiều hình thức hợp tác đa dạng,
phong phú.
2. Hợp tác quốc tế
trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trường đại học hiện nay - cơ hội và thách thức
* Về cơ hội
Sự quan tâm, xây
dựng cơ chế, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước
Việt Nam tiếp tục có cơ sở pháp lý
chung để hợp tác bình đẳng hơn với các tổ chức giáo dục, các trường đại học
quốc tế; tham gia vào các tổ chức liên kết giáo dục quốc tế, liên minh giáo dục...Tiêu biểu như
Giáo dục cũng đã trở thành một nội dung trong Hiệp định chung về thương mại
dịch vụ (GATS), tại Hiệp định này có quy định các điều, khoản hỗ trợ cho việc
nâng cao chất lượng đào tạo các cấp trong hệ thống giáo dục quốc gia. Nhờ vậy,
các trường đại học có điều kiện tốt để hợp tác thực hiện đào tạo phát triển
nguồn nhân lực, nhất là hiệu quả trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý,
giảng viên theo tiêu chuẩn của các trường đại học tiên tiến trên thế giới.
Sự tích cực chủ
động và chuẩn bị tốt cơ sở, điều kiện hợp tác quốc tế của các trường đại học
Khi gia nhập các tổ chức quốc tế,
trong đó có quy định nội dung về lĩnh vực giáo dục đào tạo, cụ thể là hợp tác
quốc tế giúp cho Việt Nam có sự cam kết mở rộng và đẩy mạnh tiêu thụ ngoài nước
để tăng số lượng sinh viên Việt Nam đi du học ngoài nước, đồng thời có chiến
lược thu hút sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập. Cơ hội để xuất khẩu
dịch vụ giáo dục ra nước ngoài tiêu biểu như thị trường các nước trong khu vực
như Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào... rất triển vọng. Bên cạnh đó,
sự trao đổi giáo viên, sinh viên với các trường đại học và các tổ chức giáo dục
quốc tế tạo môi trường giao lưu học hỏi rất lành mạnh và hiệu quả, giúp cho
sinh viên Việt Nam học hỏi, nắm bắt bài học chuyên môn thực tiễn, những giá trị
văn hóa đáng quý của nhiều quốc gia.
* Về thách thức
Chính sách và cơ
chế quản lý của Nhà nước
Giai đoạn hiện
nay, hệ thống giáo dục Việt Nam phải hội nhập với các nước, tuy nhiên, Việt Nam
còn thiếu những hiệp định song phương và đa phương về công nhận văn bằng,
chuyển đổi tín chỉ giáo dục trong giáo dục đại học. Ðiều này là thách thức rất
lớn đối với hệ thống giáo dục Việt Nam khi tiến hành hợp tác quốc tế. Hạn chế
này cũng gây khó khăn cho bản thân người học. Trước cánh cửa mở rộng của sự
giao lưu, hợp tác, hỗ trợ cùng phát triển giáo dục đại học nâng cao chất lượng
đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho chính quốc thì thị trường giáo dục
đại học Việt Nam tất yếu sẽ thu hút nhiều sự tham gia của các trường đại học
quốc tế, các tổ chức giáo dục. Chương trình giáo dục có yếu tố quốc tế ở nước
ta sẽ bước tới giai đoạn cạnh tranh từ học phí đào tạo tới dịch vụ đào tạo,
chất lượng đào tạo mà nhà trường cung cấp. Từ đó có thể nảy sinh những lỗ hổng
trong quản lý, giáo dục, cạnh tranh không lành mạnh.
Công tác chuẩn bị nguồn lực của mỗi nhà trường
Nhu cầu về hợp tác đào tạo quốc tế
ngày càng tăng nhanh về quy mô, chất lượng, phương thức liên kết cũng trở nên
đa dạng, phức tạp hơn. Điều này đòi hỏi các chủ thể hợp tác quốc tế phải chú
trọng đầu tư không ngừng về cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính, nhân lực có
năng lực tổ chức quản lý, điều tiết thực hiện nội dung đã thỏa thuận trong cam
kết hợp tác. Đồng thời, còn yêu cầu người học phải có sự nỗ lực lớn hơn, đáp
ứng được sự thay đổi và mở rộng, đổi mới trong chương trình hợp tác đào tạo
quốc tế. Hợp tác quốc tế trong đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
đòi hỏi chúng ta phải có những cơ chế thu hút sự hợp tác, đầu tư của nhiều nước
tiên tiến. Chúng ta còn thiếu điều kiện để thực hiện giáo dục theo hướng đổi
mới về chương trình, nội dung, cách thức theo tiêu chuẩn quốc tế. Ðiều này sẽ
hạn chế khả năng cạnh tranh của các trường đại học, sự thích ứng của nền giáo
dục cũng như của bản thân sinh viên Việt Nam.
3. Một số kết quả đạt
được trong công tác hợp tác quốc tế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các
trường đại học hiện nay
Trong việc định hướng phát triển, đổi mới hình thức đào tạo và cấp bằng
của các trường đại học
Nhiều năm gần
đây, nhờ sự quan tâm chú trọng đầu tư của các nhà quản lý lĩnh vực hợp tác quốc
tế trong giáo dục đại học đã đào tạo và cấp bằng cho số lượng lớn hàng vạn cử
nhân, kỹ sư, thạc sĩ theo tiêu chuẩn quốc tế. Những chương trình đào tạo đó ở
đa dạng các lĩnh vực, trong đó đào tạo đại học và cao học về khối ngân hàng,
quản trị kinh doanh nhà hàng khách sạn, lĩnh vực kinh tế chiếm tỉ lệ cao. Hiện
nay, Việt Nam đã chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo đại học theo chuẩn
quốc tế ngay tại Việt Nam, bước đầu đã mang lại những thành tựu. Ví dụ như mô
hình liên kết đào tạo của trường đại học Hà Nội, theo đó sinh viên của trường
học 3 năm đầu tại nhà trường và học năm thứ 4 cuối cùng tại các trường đối tác
liên kết, sau đó sẽ được trường quốc tế cấp bằng cử nhân. Hiện nay một số
trường đại học uy tín ở nước ngoài đánh giá cao và công nhận chương trình đào
tạo đó của trường đại học Hà Nội như: Đại học
IMC (Austria), Đại học Westminster (Anh),...
Trong phát triển nguồn lực ở các trường đại học
Hợp tác đào tạo quốc tế hiện nay tạo điều kiện
cho nhiều trường đại học lớn thực hiện việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa
đội ngũ giảng viên các trường đại học trong và ngoài nước. Nhiều lượt giảng
viên, cán bộ quản lý giáo dục đã được gửi đi đào tạo nâng cao tại châu Âu, Nhật
Bản, Hàn Quốc, với mục tiêu nâng cao kỹ năng, đổi mới tư duy, phương pháp đào
tạo. Nhiều trường đại học chú trọng liên hệ hợp tác với các đối tác quốc tế
nhằm thực hiện mục tiêu trong hoạt động phát triển đội ngũ đào tạo nguồn nhân
lực chất lượng cao. Như chương trình trao đổi sinh viên giữa Việt Nam và Na Uy:
Sinh viên Na Uy sang Việt Nam học ngắn hạn tại đại học Đà Nẵng được triển khai
theo chương trình hợp tác giữa đại học Đà Nẵng và đại học khoa học ứng dụng
Oslo và đại học Vestfold. Hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo giữa Việt Nam
và Na Uy còn giúp ngành giáo dục Việt Nam
tranh thủ được sự tài trợ của Na Uy cho một số
chương trình hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực giảm thiểu tác hại của thiên
tai, như hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI), hợp tác nghiên
cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa gạo ở Việt Nam giữa Viện Khoa học Nông nghiệp (VAAS) và Viện Nghiên cứu Nông
nghiệp và Môi trường Na Uy (Bioforsk).
Về đa dạng các
hình thức hợp tác và mở rộng quy mô đào tạo
Hiện nay chương trình giáo dục đại
học ở Việt Nam ngày càng được mở rộng theo các mô hình như: dự án của Chính phủ liên kết với nước ngoài như đại
học Việt Đức (VGU), Việt Pháp (USSH), Việt Nhật (JVU)... Nhiều chương trình đào
tạo liên kết với đối tác quốc tế dưới nhiều hình thức: bằng đôi, bằng ngoại
diễn ra ở cả trường công lẫn trường tư. Tại đại học Công nghiệp Hà Nội
đã hình thành và phát triển mô hình đào tạo giáo viên kỹ thuật dạy nghề do JICA
tài trợ, sau hơn 10 năm triển khai đã mang lại kết quả đáng ghi nhận, mô hình
đã cung cấp nhân sự kỹ thuật cho nhu cầu doanh nghiệp trong nước trong điều
kiện sản phẩm đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo kỹ thuật chưa đáp ứng
yêu cầu chất lượng lao động của doanh nghiệp.
Có thể thấy, hợp tác quốc tế về đào
tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được đẩy mạnh và đạt nhiều thành tựu đáng kể,
góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã qua đào
tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế chúng ta đứng trước
nhiều thách thức, đòi hỏi cần nghiên cứu và vận dụng đồng bộ các giải pháp nhằm
nâng cao hơn nữa chất lượng của hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học.
4. Một
số giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở
các trường đại học hiện nay
Thứ nhất, quan
tâm xây dựng cơ chế chính sách nhằm đổi mới vai trò của các cơ quan quản lý nhà
nước trong tổ chức giáo dục đại học để phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế
Thực hiện bổ sung, kiện toàn các
quy định về pháp luật đối với các hoạt động giáo dục đại học của nhà trường và
các mô hình giáo dục liên kết quốc tế: “Xây dựng và hoàn
thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm cơ sở triển khai thực hiện
đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”.
Nêu cao vai trò của việc đổi mới tư duy trong khâu quản lý của các cơ quan nhà
nước đối với những cơ sở giáo dục đại học. Cơ quan quản lý cần tạo môi trường
mở để các trường đại học có cơ hội hoạt động tự chủ, độc lập, công bằng trong
mọi hoạt động giáo dục. Từ bỏ cách thức quản lý mang tính dập khuôn, áp đặt,
chỉ đạo từ trên xuống. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi Nhà nước và cơ quan liên
ngành tập trung xây dựng và ban hành những chính sách pháp luật rõ ràng nhằm
tạo hành lang pháp luật thông thoáng, cơ chế mở để ngành Giáo dục có điều kiện
thực hiện tốt mục tiêu đổi mới.
Thứ
hai, Nhà nước quan tâm đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến, Bộ
giáo dục và cơ quan ban ngành phối hợp thực hiện cơ chế khuyến khích các trường
đại học, cơ sở giáo dục chủ động tích cực trong việc liên kết hợp tác quốc tế
về giáo dục
Xây dựng những mục tiêu cụ thể, đảm bảo hoạt
động hiệu quả tối ưu trên cơ sở hợp tác quốc tế song hành với tinh thần giữ
vững độc lập, tự chủ, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo tồn và phát huy
các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa
và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại. Các cơ quan nhà nước cần quan
tâm tạo điều kiện tốt hơn nữa trong việc hỗ trợ thủ tục pháp lý, hồ sơ hợp tác
đối với cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài trong nước, các
tổ chức giáo dục quốc tế đang tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng,
chuyển giao khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Đầu tư ngân sách của nhà nước và
ngành giáo dục cho sinh viên, giảng viên đại học sang học tập và công tác tại
nước ngoài, tăng cường giao lưu văn hóa, tri thức khoa học quốc tế.
Thứ ba, có
chính sách hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là những sinh viên hoàn cảnh khó khăn,
sinh viên có tri thức, kỹ năng
Thực hiện quản lý
nghiêm việc hoạt động học tập, rèn luyện của sinh viên; mô hình đào tạo của các
cơ sở giáo dục đại học. Tập trung xây dựng quy chuẩn chất lượng quốc tế trong
giáo dục để làm định hướng và mục tiêu hướng tới cho các chương trình đào tạo
đại học ở nước ta. Mỗi một cơ sở giáo dục sẽ lựa chọn lộ trình đào tạo sao cho
phù hợp và hiệu quả trên cơ sở các tiêu chuẩn đánh giá theo chuẩn quốc tế.
Thứ
tư, tạo môi trường giáo dục đại học có sự liên kết quốc tế hoạt động minh bạch,
linh hoạt, tự chủ
Tạo môi trường
giáo dục tự chủ ở các cấp, ở đây là cấp đại học tạo cơ hội cho các trường thực
hiện mục tiêu hợp tác quốc tế thuận lợi và công bằng hơn. Ở nước ta hiện nay đã
có nhiều trường đại học và các cơ sở giáo dục đại học hợp tác quốc tế, xây dựng
chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, hiệu quả đào tạo, chất
lượng nguồn nhân lực cho tương lai chưa được đánh giá một cách khách quan và
thực tế. Có chăng mới chỉ dừng lại ở việc quản lý số lượng đào tạo và cấp bằng
đại học cho sinh viên. Vì thế, có lẽ cần có những số liệu
khách quan, nghiêm túc nhằm đánh giá kết quả của những mô hình hợp tác đã được
thực hiện trong những năm qua; từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong hợp tác
và đưa yếu tố quốc tế và trong nền giáo dục đại học Việt Nam.
Kết
luận
Hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo đại học nhằm
đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa to lớn, góp phần nền tảng để
tạo nên người lao động có chuyên môn, nhạy bén, hòa nhập tốt trong môi trường
hội nhập hiện nay. Hợp tác quốc tế giúp cho các
trường đại học Việt Nam tiếp cận gần hơn và tiến tới hòa nhập với nền giáo dục
tiên tiến của thế giới. Trong thời kỳ hội nhập, hợp tác quốc tế càng khẳng định
vai trò quan trọng không thể thiếu, là xu thế tất yếu trong chiến lược phát
triển của các trường đại học. Để phát huy tốt các cơ hội của hợp tác giáo dục
đại học đòi hỏi chúng ta nghiêm túc nhìn nhận và vận dụng kết hợp nhiều giải
pháp đã đặt ra.
Tài
liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Quan
hệ quốc tế (2002), Hướng
dẫn về quan hệ quốc tế trong giáo dục và đào tạo, Nxb.
Giáo dục.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2019), Chỉ thị số 2268/CT-BGDĐT ngày
08/8/2019 về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục, https://thuvienphapluat.vn