Chủ nhật, ngày 26/12/2021, 16:57

Giáo dục tình đồng chí thương yêu cho cán bộ, đảng viên tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I - Thực trạng và giải pháp

GIANG THỊ HUYỀN
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Giáo dục tình đồng chí thương yêu nhau là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng Đảng về đạo đức mà trong những năm qua, Học viện Chính trị khu vực I đã triển khai và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Bài viết đánh giá thực trạng, đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm tăng cường giáo dục tình đồng chí thương yêu cho cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo tại Học viện Chính trị khu vực I trong thời gian tới.

Từ khóa: Cán bộ, đảng viên; giáo dục tình đồng chí; Học viện Chính trị khu vực I.

Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết Đoàn (Ảnh tư liệu: TTXVN, 1960)

Đặt vấn đề

Yêu thương được xem là một phẩm chất tốt đẹp, cao quý và là giá trị sống cốt lõi của con người. Trong đó, tình yêu thương lẫn nhau giữa những người đồng chí là một mối quan hệ đặc biệt. Năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ của dân tộc bước sang năm thứ ba, nhà thơ Chính Hữu đã sáng tác một bài thơ rất ý nghĩa đặt tựa đề là “Đồng chí”. Bài thơ đã khắc họa rất rõ ý nghĩa thiêng liêng của hai từ “đồng chí”, cốt lõi của tình đồng chí là tình yêu thương con người. Sức mạnh của tình đồng chí là sức mạnh của sự đoàn kết do cùng chung một mục tiêu, lý tưởng và được gắn kết trong cùng một tổ chức. Nhờ đó, tình đồng chí yêu thương chính là động lực giúp cho mỗi người vượt qua được cái tôi, cái cá nhân để cùng hướng tới mục tiêu chung của tổ chức và cao nhất là lý tưởng chung của cộng đồng, quốc gia, dân tộc.    

1. Giáo dục tình đồng chí thương yêu ở Học viện Chính trị khu vực I

1.1. Xây dựng và tuyên bố tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi cho đội ngũ cán bộ, đảng viên

Việc Học viện Chính trị khu vực I xác định và công khai tuyên bố tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi là một vấn đề quan trọng và rất ý nghĩa. Đây hoàn toàn không phải là việc làm hình thức và theo xu hướng mà xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đặt ra của việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình mới. Xác định được sứ mệnh của Học viện giúp cho cán bộ, đảng viên nhận thức được lý do vì sao chúng ta tồn tại. Tầm nhìn giúp chúng ta hình dung về tương lai và giá trị cốt lõi giúp định hướng cho hành vi của mỗi cá nhân trong tổ chức.

 Sau 35 năm đổi mới, cùng với những thành tựu to lớn đã đạt được trên tất cả mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao làm nên “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín” của đất nước, Học viện Chính trị khu vực I đã đạt được nhiều kết quả trong công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng, Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn mới nảy sinh, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị không chỉ là “mệnh lệnh” của cuộc sống. Và hơn thế, công tác đào tạo bồi dưỡng còn cần phải đi sâu, nêu bật được đặc thù bản chất của Trường Đảng. Để mỗi cán bộ, đảng viên và học viên đều tự hào khi được cùng nhau làm việc, học tập dưới một mái trường; được chia sẻ, kết nối, phát huy năng lực sáng tạo của mỗi người, đóng góp và hướng tới phụng sự cho những mục tiêu, giá trị chung của tổ chức.

1.2. Tạo sự đồng thuận cho đội ngũ cán bộ đảng viên trong nhận thức và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Học viện

Sự đồng thuận trong nhận thức về chức năng, nhiệm vụ của Học viện nói chung, của mỗi đơn vị nói riêng là cơ sở cho sự thống nhất, đoàn kết trong tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Sự thống nhất trong nhận thức về chức năng, nhiệm vụ cũng là cơ sở tạo nên sự phối hợp, kết nối, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa cán bộ, đảng viên trong một đơn vị cũng như giữa các đơn vị trong Học viện. Trong khoảng thời gian từ 2015 đến nay là giai đoạn Học viện Chính trị khu vực I quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động, trong đó, đặt trọng tâm vào đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng. Mà hai khâu “then chốt” là: Đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Để đạt được yêu cầu đặt ra, Học viện đã tiến hành đổi mới một cách thống nhất và đồng bộ các phương diện: xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra môn học; xây dựng đề cương, câu hỏi cốt lõi, kế hoạch bài giảng các chuyên đề; đa dạng hóa và linh hoạt các hình thức đánh giá: thi tự luận, thi vấn đáp nhóm, viết tiểu luận; tăng cường thảo luận, trao đổi, giảm thuyết trình trong giờ giảng; phát huy năng lực, phẩm chất cho người học; kết hợp lý luận và thực tiễn; tăng cường bản chất Trường Đảng... Tất cả những công việc này khi bắt đầu triển khai đều gặp phải những khó khăn, “rào cản” không nhỏ. Nhờ có sự quyết tâm của lãnh đạo Học viện, trong đó đặc biệt chú trọng công tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, phát huy dân chủ, thường xuyên tổ chức trao đổi, thảo luận, chia sẻ, đóng góp ý kiến trước mỗi vấn đề đặt ra để tìm giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất mà mỗi cán bộ, đảng viên đều tự giác ngộ về sự cần thiết và tất yếu của sự đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo bồi dưỡng. Cho dù mỗi cá nhân, đơn vị ở mỗi vị trí việc làm, có chức năng, nhiệm vụ riêng nhưng khi đã cùng chung chí hướng thì sẽ tạo nên sự đoàn kết, đồng tâm, đồng ý, đồng lòng. Vì vậy, đã tạo nên sự phối hợp nhịp nhàng, cộng hưởng, giúp Học viện vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Có được ý chí quyết tâm cao là điều kiện đầu tiên nhưng để hoàn thành nhiệm vụ được giao đạt chất lượng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu đặt ra đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giảng viên phải có đủ năng lực, phẩm chất “ngang tầm” nhiệm vụ. Xác định đây là vấn đề vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài, lãnh đạo Học viện đã xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình tập huấn, hội thảo, nghiên cứu, tọa đàm... nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nhất là rèn luyện và nâng cao tư tưởng chính trị, đạo đức của người cán bộ, giảng viên trong Trường Đảng. Có thể khẳng định, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện đã có bước đột phá tư duy, nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của thực tiễn và cơ bản từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

1.3. Tăng cường đấu tranh tự phê bình và phê bình trên lập trường đoàn kết, thân ái vì mục tiêu phát triển chung

Đoàn kết tạo nên sức mạnh của tổ chức. Tuy nhiên, đoàn kết chung chung, xuôi chiều sẽ làm giảm động lực, ý chí phấn đấu. Đoàn kết thực sự và chỉ có thể thực hiện được khi chống được chủ nghĩa cá nhân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, do mắc vào chủ nghĩa cá nhân mà dẫn tới phạm nhiều sai lầm, khuyết điểm. Và: “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân” [1, tr.547]. Quán triệt sâu sắc tinh thần này, Học viện luôn tăng cường, nêu cao tinh thần thực hành tự phê bình mọi nơi, mọi lúc, trong mọi công việc. Tự phê bình không phải để rồi tự ti, sợ hãi với những khuyết điểm mình mắc phải. Tự phê bình để dũng cảm đối diện với hạn chế của mình, để có biện pháp và quyết tâm khắc phục hạn chế của mình. Đó là quá trình tự nhận thức, tự tu sửa để hoàn thiện bản thân của mỗi cá nhân. Để giúp cá nhân thực hiện tốt tự phê bình, dám nhận lỗi và sửa lỗi, tập thể phải bao dung, độ lượng. Trong tự phê bình và phê bình, cá nhân phải có tinh thần cầu thị, tập thể phải có tinh thần yêu thương, giúp đỡ. Chỉ ra lỗi, nhận ra lỗi để kịp thời sửa chữa và giúp nhau sửa chữa chứ không phải để dìm nhau xuống, để chán nản không còn tinh thần làm việc. Phê bình đúng là cơ sở của đoàn kết, thống nhất. Phê bình không đúng là cơ sở của sự rạn nứt, mất đoàn kết. Tóm lại, tự phê bình và phê bình góp phần quan trọng phát huy tinh thần dân chủ rộng rãi trên nguyên tắc giữ vững và thực hiện nghiêm minh các nguyên tắc của Đảng.

1.4. Giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên                       

Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I thường xuyên tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc các Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nghiên cứu, tuyên truyền, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các Nghị quyết và chủ đề từng năm gắn với kế hoạch công tác và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện: Chủ đề năm 2020, học tập chuyên đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”; Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 18 - 5 - 2021 “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Theo đó, Đảng ủy chỉ đạo từng chi bộ hướng dẫn và tổ chức để đảng viên cụ thể hóa các nội dung đăng ký làm theo phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của mình; nội dung “làm theo” phải gắn với phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị: Nghiên cứu tốt, giảng dạy tốt, quản lý tốt, phục vụ tốt và học tập tốt; phong trào xây dựng cơ quan văn hóa, văn minh, an toàn về an ninh trật tự, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hàng tháng Học viện tổ chức chào cờ vào sáng thứ hai của tuần đầu tiên. Đây vừa là buổi sinh hoạt chính trị thường kỳ cho cán bộ, đảng viên đồng thời vừa là dịp để lãnh đạo phổ biến và quán triệt toàn bộ kế hoạch công việc đến mỗi cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, Đảng ủy Học viện đã xây dựng Nghị quyết về “Nâng cao chất lượng công tác Tuyên giáo của Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I trong tình hình mới” nhằm góp phần thống nhất và tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Học viện.

2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục tình đồng chí thương yêu cho đội ngũ cán bộ, đảng viên

  Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên    

Các cấp uỷ, tổ chức đảng phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, qua đó giúp cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng; củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng; xác định tốt ý thức trách nhiệm, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về rèn luyện đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Vì vậy, Học viện thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và Nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân; phụng sự tổ chức; luôn nêu cao tinh thần yêu nước, có nhận thức và thái độ chính trị đúng đắn, khắc phục vượt qua mọi khó khăn thử thách, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Tuyên giáo Đảng ủy, cấp ủy các chi bộ trong việc thường xuyên quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của cấp ủy các cấp đồng thời quán triệt và thực hiện sâu sắc Nghị quyết số 35- NQ/TW, ngày 22 - 10 - 2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” vào tất cả các hoạt động của Học viện, nhằm tạo nên sự đoàn kết, đồng thuận nâng cao hiệu quả học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu lý luận và công tác.

Hai là, khơi dậy khát vọng cống hiến vì sự phát triển của Học viện cho mỗi cán bộ, đảng viên

Muốn thực hiện được sứ mệnh, tầm nhìn và đạt được mục tiêu phải có khát vọng. Bởi vì khát vọng theo cách hiểu phổ quát là một trạng thái tinh thần, phản ánh sự ước ao, “mong muốn, đòi hỏi với một sự thôi thúc mạnh mẽ”[4, tr.493]. Khát vọng chính là “nguồn động lực có sức mạnh vô biên trong mỗi con người, được thể hiện qua những hoạt động không ngơi nghỉ để con người không bao giờ từ bỏ ước mơ, không bao giờ khuất phục trước hoàn cảnh”[3, tr.2]. Trong những năm tới, để có thể chuyển hóa những nguồn sức mạnh tinh thần này trở thành động lực xây dựng và phát triển Học viện cần tập trung vào một số điểm sau: Thứ nhất, xây dựng niềm tin vào tổ chức. Tăng cường củng cố tổ chức và xây dựng Đảng là một nhiệm vụ tiên quyết để nâng cao lòng tin của cán bộ, đảng viên vào tổ chức. Bởi đó chính là điều mà mỗi cán bộ, đảng viên đặt kỳ vọng vào vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng ủy, cấp ủy các cấp. Một cấp ủy có năng lực, vững mạnh sẽ đủ bản lĩnh và trí tuệ đưa ra được những quyết sách, đường hướng, bước đi đúng đắn, phù hợp để tạo ra một luồng sinh khí mới, gia tăng lòng tin của cán bộ, đảng viên vào tổ chức. Thứ hai, xây dựng chiến lược lâu dài bồi dưỡng đội ngũ đủ phẩm chất, năng lực. Đây là một vấn đề vừa cơ bản, vừa lâu dài và đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc những năm qua quan tâm. Thứ ba, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống của Học viện. Trong suốt quá trình gần 70 năm xây dựng và phát triển, Học viện Chính trị khu vực I đã tạo dựng được những giá trị truyền thống rất đáng tự hào đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc. Những truyền thống này “kết tinh” lại tạo nên sự “linh thiêng” của mái Trường Đảng mang tên Bác. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên của Học viện không chỉ cần hiểu về giá trị truyền thống mà còn cần phải có trách nhiệm làm cho những giá trị này được thấm sâu, lan tỏa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, công tác phục vụ; trong từng hành động, ứng xử hàng ngày... trong đó giá trị cao nhất đó chính là phụng sự Tổ chức, phụng sự nhân dân.

Ba là, tăng cường đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ, phối hợp giúp nhau thực hiện nhiệm vụ

  Trong những năm qua, Học viện Chính trị khu vực I luôn coi trọng vấn đề xây dựng và củng cố khối đoàn kết để mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm giữ gìn phát huy sức mạnh đoàn kết vào thực hiện thành công mục tiêu chính trị  được giao. Trước yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn, để những chủ trương, nghị quyết của cấp ủy Đảng, nhất là nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I đi vào cuộc sống, hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết trong toàn bộ Học viện là một nguyên tắc cốt yếu, mà trước hết đoàn kết trong Đảng, đoàn kết sâu rộng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động trong Học viện. Theo đó, việc thường xuyên tổ chức thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quán triệt quan điểm nghị quyết của Đảng đặc biệt là Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị vào trong các hoạt động của Học viện là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc tạo ra các điều kiện và cơ hội để cán bộ, viên chức, người lao động có thể chủ động, sáng tạo tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với vị trí, năng lực và được hưởng những lợi ích tương xứng chính là nhân tố tạo nên sức mạnh và tính bền vững của khối đại đoàn kết trong Học viện.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình

Mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải quán triệt sâu sắc nguyên tắc tự phê bình và phê bình là vũ khí để giúp mỗi người hằng ngày sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, để ngày càng tiến bộ, để Đảng luôn đoàn kết, thống nhất chặt chẽ trong tư tưởng và hành động, ngày càng thêm mạnh, ngày càng phát triển. Trong tự phê bình và phê bình phải thấm nhuần quan điểm nhân văn, xuyên suốt của Hồ Chí Minh, đó là phê bình việc làm chứ không phải phê bình người, để “ai nấy đều phải thiết thực sửa đổi”. Trong đó, người phê bình “quyết không nên phùng mang trợn mắt, quở trách, giễu cợt” người bị phê bình; còn người bị phê bình “không nên tự tôn, tự đại” mà phải lắng nghe ý kiến của người phê bình nhằm khắc phục, phòng và chống tình trạng khi quá “tả”, khi lại quá “hữu”, gây mất đoàn kết nội bộ. Đồng thời, cần phải bảo đảm dân chủ, công khai trong tự phê bình và phê bình; khắc phục tình trạng mất dân chủ hoặc áp đặt trong tự phê bình và phê bình, phê bình mang tính hình thức gắn với kịp thời khen thưởng và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên và tổ chức có hành vi trù dập người thẳng thắn phê bình, đấu tranh với những sai lầm, khuyết điểm của cấp trên. Thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp phù hợp để thực hiện tự phê bình và phê bình sát với thực tế, bảo đảm chất lượng, đem lại hiệu quả thiết thực.

Kết luận

Tình đồng chí thương yêu nhau là một thứ tình cảm vô cùng đặc biệt của những con người cùng chung một chí hướng, chung một mục tiêu phấn đấu. Và để giành được mục tiêu đó, họ luôn đoàn kết, gắn bó, sát cánh bên nhau, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Vì vậy, nói tới hai từ đồng chí thường gợi nhắc về một thứ tình cảm rất gắn bó, trân trọng, cao quý. Trong những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, tình cảm đồng chí, đồng đội với nhau ở chỗ này, chỗ khác bị “vơi đi ít nhiều”. Thế nhưng không thể vì những hiện tượng như thế mà hai từ “đồng chí” trong sinh hoạt nội bộ của các tổ chức Đảng bị nhạt mờ, bị mất đi ý nghĩa thiêng liêng. Mà chính trong bối cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết đất nước đang rất cần những “đồng chí” - những con người cùng hướng về và phấn đấu cho một khát vọng, một mục tiêu chung của Tổ quốc, của dân tộc: Vì một nước Việt Nam phồn thịnh và hạnh phúc. 

Tài liệu tham khảo:

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[2] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2018), Quyết định số 6587/QĐ-HVCTQGHCM  ngày 01 - 11 - 2018 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Học viện Chính trị khu vực I.

[3] Keith D. Harrell (2016), Thay đổi thái độ - Đổi cuộc đời, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.

     [4] Viện Ngôn ngữ học (2006), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng.

Đọc thêm

Giải pháp thực hiện Cam kết của Việt Nam về "Net zero" vào năm 2050

Tác giả: Phạm Tú Tài

(GDLL) - Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam đã ký cam kết đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050 (Net Zero). Bài viết tập trung phân tích những tác động của phát thải khí nhà kính, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu; nỗ lực của Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính và đề xuất một số giải pháp Việt Nam cần thực hiện trong lộ trình "Net Zero" vào năm 2050.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Hoài Phương

(GDLL) - Trong quá trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ, công chức đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức đã nỗ lực hết mình để thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Bài viết nghiên cứu về thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

Quá trình phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tác giả: Lục Việt Dũng

(GDLL) - Bài viết khái quát sự phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhấn mạnh những nội dung mới tại Nghị quyết số 27-NQTW; từ đó đề xuất một số giải pháp bảo đảm các đặc trưng này trong quá trình xây dựng, hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay

Tác giả: ThS Lưu Thị Thu Phương

(LLCT) - Nghiên cứu, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là một hoạt động quan trọng trong lãnh đạo, quản lý xã hội, do đó cần không ngừng được đổi mới công tác này để giúp cấp ủy, chính quyền phát hiện những điểm nóng về tư tưởng, kịp thời giải tỏa xung đột xã hội tiềm tàng. Bài viết tập trung làm rõ các phương pháp định hướng dư luận xã hội đang được sử dụng, nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

Tác giả: ThS. Cao Phan Giang

(GDLL) - Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh là những danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho dòng tư tưởng về dân ở Việt Nam. Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi hội tụ những giá trị vượt trội của thời đại phong kiến với và nhiều quan điểm tiến bộ về dân. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là kết tinh của tư tưởng thân dân truyền thống cùng những giá trị tiến bộ của nhân loại trong ý thức hệ của giai cấp công nhân. Sự giống và khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, ý thức hệ và bài học dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của hai tác giả cho thấy sự vận động và phát triển liên tục của dòng tư tưởng về dân Việt Nam.