Chủ nhật, ngày 26/12/2021, 17:05

Nhân dân Việt Nam đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ ở khu phi quân sự - vĩ tuyến 17

NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH - NGUYỄN THỊ THU HÀ
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Sau khi Hiệp định Giơnevơ (1954) về Đông Dương được ký kết, một giới tuyến quân sự tạm thời, một khu phi quân sự được hình thành tại khu vực vĩ tuyến 17. Tại đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, các cuộc đấu tranh đòi thi hành hiệp định của nhân dân ta diễn ra liên tục. Mục đích của các cuộc đấu tranh này nhằm làm thất bại âm mưu chia cắt Việt Nam lâu dài của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần mang lại thành quả lớn cho cách mạng hai miền. Bài viết bước đầu phản ánh cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ ở khu phi quân sự của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Từ khóa: Hiệp định Giơnevơ; khu phi quân sự; vĩ tuyến 17. 

Quang cảnh Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 (Ảnh: https://www.qdnd.vn)

1. Khái quát về khu phi quân sự vĩ tuyến 17 (Vietnamese Demilitari-zed Zone - V - DMZ)

Sau 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 21/7/1954, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết giữa đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam và đại diện Quân đội Liên hiệp Pháp (thường gọi là Hiệp định Giơnevơ). Điều 1 của Hiệp định quy định: Một giới tuyến quân sự sẽ được quy định rõ để lực lượng của hai bên sau khi rút lui sẽ tập hợp ở bên này và bên kia giới tuyến ấy: Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam ở phía Bắc giới tuyến, lực lượng Quân đội Liên hiệp Pháp ở phía Nam giới tuyến... Các bên liên quan đều đồng ý có một khu phi quân sự hai bên giới tuyến, mỗi bên rộng nhất là 5 km kể từ giới tuyến trở đi, khu phi quân sự này dùng để làm khu đệm và để tránh những việc xung đột có thể làm cho chiến sự diễn ra trở lại. Điều 4 của Hiệp định nói rõ thêm: Giới tuyến quân sự giữa hai vùng tập hợp kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển”. Cụ thể là: “Cửa sông Bến Hải (sông Cửa Tùng) và dòng sông đó (trong vùng núi sông này gọi là sông Rào Thành) cho đến làng Bô-hô-su, rồi vĩ tuyến Bô-hô-su cho đến biên giới Lào - Việt.

Ngày 18/8/1954, Ủy ban liên hiệp Trung ương ra quyết định số 06/QĐ quy định về việc vạch giới hạn thực tế của khu phi quân sự, về số lượng công an mỗi bên trong khu phi quân sự cũng như việc ra vào khu phi quân sự. Ở đoạn giới tuyến quân sự trùng với sông Hiền Lương, mỗi bên sẽ chịu trách nhiệm đặt ở các địa điểm qua lại những tấm biển ghi bằng hai thứ tiếng Việt - Pháp:  “Giới tuyến quân sự tạm thời” (Ligne de démarcation militaire provi-sore).

Đường ranh giới phía Bắc và phía Nam của DMZ sẽ được đánh dấu trên địa hình bằng những cọc gỗ, đặt ở những địa điểm dễ nhận thấy, có ghi những chữ “K.P.Q.S” ở một mặt. Những chữ đó, chữ nọ đặt dưới chữ kia, viết bằng sơn xanh hoặc đen trên nền trắng. Cọc cao 1,7m, cắm cách nhau xa hay gần tùy theo địa hình (tối thiểu là 50m, tối đa là 300m). Ở những ngã ba đường quan trọng, các cọc đó sẽ được thay thế bằng những biển ghi những chữ “Khu phi quân sự". Bắt đầu đến vùng rừng núi, phía Bắc từ Thủy Ba Hạ, phía Nam từ Thanh Khê trở lên đến biên giới Việt - Lào thì mỗi cọc cắm cách nhau chừng 1km.

Ở trên biển, DMZ là vùng giới hạn bởi hai đường ranh giới DMZ Bắc và Nam trên đất liền kéo dài và nghiêng 450 so với bờ biển[1].

Cũng theo quyết định này, việc bảo vệ DMZ sẽ do lực lượng công an và cảnh sát của hai bên đảm nhiệm. Mỗi bên có nhiều nhất là 100 người, kể cả cán bộ. Trang bị cho mỗi đội có 50% mang súng ngắn; số còn lại, 1/3 mang carbin, 2/3 mang tiểu liên, không có lựu đạn. Mỗi khẩu carbin hoặc tiểu liên có 200 viên đạn, mỗi súng ngắn 50 viên 10.

Việc kiểm soát hoạt động ở DMZ sẽ do Tổ Quốc tế 76 thuộc Ủy ban quốc tế, gồm có đại diện 3 nước Ấn Độ, Ba Lan và Canađa phụ trách. Tổ có nhiệm vụ kiểm tra việc thi hành Hiệp định ở DMZ và phải có đại diện BLH đi theo để cùng giải quyết tại chỗ những việc xảy ra trong khu vực phụ trách.

2. Chính sách của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm

Mỹ cùng chính quyền Ngô Đình Diệm “Ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ, phá Quy chế khu phi quân sự, đóng cửa giới tuyến, ngăn cản quan hệ mọi mặt giữa hai miền hòng biến khu phi quân sự thành khu quân sự, biến giới tuyến quân sự tạm thời thành ranh giới chính trị vĩnh viễn”[2] nhằm “lập ra một phòng tuyến chống Cộng ở vĩ tuyến 17” với những biện pháp cụ thể sau:

Một là, xây dựng bộ máy kìm kẹp “Trung bình độ 10 người dân trong khu phi quân sự Nam có 1 công an hay cảnh sát kìm chế, 1 thôn nhỏ độ 300 người đã có trên 30 trật tự viên”[3], ra sức đàn áp, khủng bố cách mạng nhằm loại trừ nguy cơ hiểm họa cộng sản có thể đe dọa đến sự tồn tại của chế độ. Họ tiến hành mua chuộc, lôi kéo nhân dân, kêu gọi người thân tập kết ra Bắc trở về. Họ liên tiếp khủng bố, bắt bớ, bắn giết các cơ sở cách mạng, lùng bắt hàng loạt đảng viên và cán bộ kháng chiến cũ, khủng bố tinh thần nhân dân. Mặt khác, thường xuyên tổ chức chiếu phim, diễn kịch, biểu diễn văn nghệ nhằm ca ngợi chính nghĩa quốc gia của chính quyền Ngô Đình Diệm, không ngừng xuyên tạc, nói xấu miền Bắc, bắt ép dân mang biểu ngữ có ghi những khẩu hiệu đả đảo lãnh tụ Đảng, phản đối Hiệp định Giơnevơ...

Hai là, củng cố quân sự chính quy, tăng cường trang bị vũ khí, diễn tập quân sự, xây dựng cơ sở bán vũ trang ở xã thôn, sửa các tuyến giao thông trọng yếu nhằm tăng khả năng cơ động ứng chiến và ngăn chặn đường dây liên lạc giữa hai miền Bắc Nam, tuyên truyền chiến tranh tâm lý gây hoang mang trong quần chúng.

Tất cả những hoạt động của chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm “đánh bật và tiêu diệt cơ sở cách mạng, tiêu diệt ý chí đấu tranh, khống chế hoàn toàn mọi hoạt động của quần chúng, xây dựng một hệ thống cơ sở phản động và bộ máy công an, cảnh sát dày đặc, vững chắc ở giới tuyến để làm bàn đạp tấn công miền Bắc, đồng thời làm bức thành ngăn chặn những hoạt động và ảnh hưởng của ta dội vào Nam”[4].

3. Chủ trương của Đảng trong đấu tranh tại khu phi quân sự

Trước âm mưu của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo “phải nhận rõ vị trí quan trọng của Khu phi quân sự, phải xem đó là đầu cầu trọng yếu, nó giữ các đầu mối giao thông liên lạc, giữ những mối quan hệ Bắc Nam..., cho nên phải ra sức duy trì, làm sao cho tình hình êm dịu, không quá găng giữa ta và địch...”[5].

Trước mắt, nhiệm vụ trọng tâm của Vĩnh Linh là “đấu tranh đảm bảo Quy chế khu phi quân sự, giữ vững và phát triển quan hệ Bắc Nam, góp phần đấu tranh cho thống nhất đất nước”[6].

Đối với toàn bộ khu phi quân sự, Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu: Giữ vững và phát triển quan hệ bình thường Bắc Nam, lãnh đạo quần chúng đấu tranh thực hiện Quy chế Khu phi quân sự để ngăn ngừa mọi âm mưu của địch. Phải tích cực giáo dục chính sách, tư tưởng cho cán bộ và nhân dân, vì ở nơi đây kẻ địch hàng ngày hàng giờ tuyên truyền xuyên tạc, lừa bịp, gieo rắc ảnh hưởng xấu. Mặt khác, “tích cực tuyên truyền, giải thích đường lối chính sách của ta cho đồng bào miền Nam và ổn định tinh thần, bồi dưỡng ý chí chiến đấu cho cán bộ đồng bào miền Nam”[7].

Như vậy, nhiệm vụ của quân dân hai miền giới tuyến là phải đảm bảo Quy chế Khu phi quân sự được thực hiện đúng, kể cả việc đấu tranh bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân khu phi quân sự Nam; đảm bảo tự do dân chủ và đi lại cho nhân dân Quảng Trị, Thừa Thiên, tạo cơ sở cho việc nối liền quan hệ giữa hai miền.

4. Đấu tranh thi hành hiệp định Giơnevơ ở khu phi quân sự

Một là, đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước

Tại khu phi quân sự Bắc, Đảng ủy các cấp tổ chức nhiều đợt học tập chính trị cho toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đường lối thống nhất đất nước của Đảng và Chính phủ, đồng thời nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về âm mưu chia cắt đất nước Việt Nam của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm. Bên cạnh đó, Đảng ủy Vĩnh Linh phát động phong trào đấu tranh dưới những hình thức như mit-tinh, biểu tình với sự tham gia của hơn hàng nghìn lượt người. Song song với các hoạt động đó, Đảng ủy Vĩnh Linh tổ chức nhiều đợt cho học sinh gửi thư và bưu thiếp vào Nam đòi chính quyền Ngô Đình Diệm duy trì quan hệ giữa hai miền, động viên nhân dân miền Nam bền gan vững chí  đấu tranh với địch.

Ở khu phi quân sự Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, nhân dân liên tục đấu tranh đòi Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm phải thực hiện Hiệp định Giơnevơ dưới nhiều hình thức như mit-tinh, biểu tình, lấy chữ ký, chống trả thù những người kháng chiến cũ, chống chính quyền Ngô Đình Diệm bầu cử quốc hội riêng rẽ. Sau cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội, chính quyền Ngô Đình Diệm âm mưu rào kín bờ Nam sông Bến Hải, bắt dân trồng tre hoặc cây có gai, nhân dân chặt hết rễ trước khi trồng, khi tưới thì lắc mạnh gốc để làm đứt rễ mới mọc. Âm mưu rào kín giới tuyến của chính quyền Ngô Đình Diệm thất bại[8].

Hai là, đấu tranh bảo vệ giới tuyến, yêu cầu thực thi nghiêm chỉnh Quy chế khu phi quân sự và tranh thủ cảnh sát Sài Gòn

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, gần như ngay lập tức, các đại đội Công an giới tuyến được thành lập giữa tháng 8-1954, đại đội 2 (11-1954), đại đội 3 (8-1955), thêm vào đó là Tiểu đoàn 25 và Đại đội 4. Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra đối với cán bộ, chiến sĩ công an giới tuyến là tạo cho được không khí bình thường giữa hai bên, cho dù đối phương có cự tuyệt tiếp xúc hoặc khiêu khích, gây sự. Tại các đồn có vị trí đặc biệt quan trọng như Cửa Tùng, Hiền Lương, công an giới tuyến thực hiện đấu tranh trên mọi mặt. Ngăn chặn âm mưu trà trộn tung gián điệp, công an giới tuyến kiên quyết yêu cầu kiểm soát số lượng qua lại giới tuyến trên đầu người. Ban đầu, yêu cầu này chỉ mang nội dung về thủ tục hành chính nhưng về mặt chính trị, bước đầu thể hiện bản lĩnh của cán bộ, chiến sĩ công an giới tuyến, góp phần nâng cao uy tín, tạo chỗ dựa cần thiết để tiếp tục cuộc đấu tranh lâu dài.

Trong đấu tranh, công an giới tuyến có nhiều sáng tạo, xây dựng cơ sở phục vụ hoạt động rèn luyện thể chất như sân bóng chuyền, xà đơn, xà kép, nhất là nhà Câu lạc bộ với máy hát, bàn cờ, bàn bida, chiếu phim... trong đồn luôn sẵn các loại kẹo ngon, thuốc lá thơm, rượu quý... phục vụ trong các cuộc gặp gỡ làm quen ban đầu - tiền đề cho quá trình đấu tranh và tranh thủ đối phương.

Ba là, đấu tranh chống cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, đón tiếp cán bộ và nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc

Ngay từ tháng 7-1954, quân và dân Vĩnh Linh phải đối phó với âm mưu cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, Trung ương Đảng coi đây là công tác đặc biệt và cấp bách. Ban Bí thư chỉ thị các cấp “phải coi cuộc đấu tranh chống ngụy bắt dân di cư vào Nam là một cuộc vận động chính trị to lớn, một cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt với đối phương, không phải một đôi tuần, một vài tháng, mà là một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ”[9].

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và căn cứ điều kiện thực tế địa phương, Đảng ủy Vĩnh Linh ra chi thị: “Phát động tư tưởng quần chúng giáo dân, làm cho giáo dân căm thù mà quyết tâm phá âm mưu địch đồng thời an tâm đoàn kết với nhân dân sản xuất, vạch trần âm mưu địch cưỡng ép dụ dỗ di cư để nâng cao căm thù của quần chúng; giáo dục cho nhân dân thấy chính sách tự do tín ngưỡng và sự săn sóc chu đáo của Đảng, của Chính phủ đối với họ để họ thêm tin tưởng”[10].

Chính quyền địa phương thành lập Ban chống cưỡng ép di cư, vận động bà con ở lại cải tạo ruộng đất, ổn định tư tưởng, yên tâm sản xuất; mời linh mục vào làm lễ tại các nhà thờ. Đối với những trường hợp tuy đã được vận động nhưng vẫn kiên quyết di cư thì đấu tranh để đồng bào vượt tuyến thuận lợi.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Linh tổ chức đón tiếp, sắp xếp nơi ăn chốn ở và việc làm cho đồng bào, cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc. Bên cạnh đó, Đảng ủy và chính quyền làm tốt công tác giáo dục, động viên nhân dân địa phương “nhường cơm sẻ áo”, giúp đỡ đồng bào tập kết có nơi ăn, chốn ở, và hỗ trợ ruộng đất, trâu bò, giống để sản xuất... Nhờ vậy, đời sống đồng bào miền Nam tập kết dần dần ổn định[11].

Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương được ký kết, bộ đội tiến về Hà Nội 10-10-1954.

(Ảnh: https://tuyengiao.vn)

Kết quả từ cuộc đấu tranh không chỉ giúp cán bộ và nhân dân miền Nam tập kết thêm vững tin bào sự lãnh đạo của Đảng, ra sức học tập, công tác, sản xuất, tích cực đấu tranh, mà còn tạo ảnh hưởng lớn đối với đồng bào miền Nam, tác động tích cực đến cuộc đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm đang diễn ra ở Khu phi quân sự Nam, động viên cổ vũ cách mạng tiến lên. 

Bốn là, đấu tranh đòi tăng cường thông tin liên lạc giữa nhân dân hai miền

Sau Hiệp định Giơnevơ, nhu cầu trao đổi tin tức, tình cảm giữa nhân dân hai miền trở nên bức thiết, sự đi lại giữa hai miền bị thu hẹp. Đầu năm 1955, trong cuộc vận động lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền Bắc Nam, Đảng chủ trương đấu tranh đòi chính quyền Ngô Đình Diệm phải thực hiện trao đổi thư từ giữa nhân dân hai miền.

Trước hết là đấu tranh đòi tăng cường trao đổi bưu thiếp. Ngày 12-4-1955 biên bản “Về việc trao đổi bưu thiếp gia đình giữa hai vùng” được ký kết. Hình thức, nội dung, địa điểm trao đổi, thời gian trao đổi được quy định rõ. Ngày 10-6-1955, Cục trưởng Cục Bưu chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công văn yêu cầu Bưu điện Sài Gòn: Xây dựng trạm trao đổi, cử nhân viên bưu điện đảm bảo việc giao nhận đồng đều, yêu cầu thông báo số lượng trên đài phát thanh cho nhân dân biết. Tính chung từ 15-5-1955 đến 31-3-1956 miền Bắc chuyển vào 331.047 bưu thiếp, miền Nam chuyển ra 111.022 bưu thiếp[12].

Sự ra đời hình thức trao đổi bưu thiếp là thắng lợi bước đầu trong nỗ lực tái lập quan hệ bình thường giữa hai miền. Tuy chưa đáp ứng được hoàn toàn yêu cầu trao đổi tin tức của nhân dân song cùng với việc qua lại giới tuyến, trao đổi bưu thiếp đã góp phần duy trì mối quan hệ giữa hai miền, đồng thời giúp ta nắm được nhiều thông tin về tình hình Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, về đời sống nhân dân miền Nam, từ đó có những chỉ đạo kịp thời đối với cuộc đấu tranh cách mạng ở Khu phi quân sự những năm tiếp theo. 

Như vậy, đứng trước âm mưu thâm độc của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quân dân khu phi quân sự đã liên tục đấu tranh đòi Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành Hiệp định Giơnevơ với những nội dung khác nhau. Với phương châm kiên trì, bền bỉ, quyết tâm, thực hiện đúng chủ trương và sự chỉ đạo các phong trào đấu tranh được lan tỏa rộng khắp: Từ đấu tranh đòi thi hành hiệp định, chống bầu cử riêng rẽ, đến tranh thủ cảnh sát Sài Gòn... Tuy nhiên, do sử dụng hình thức đấu tranh công khai nên cán bộ và cơ sở cách mạng bị phát hiện, bị đàn áp. Hàng ngàn người bị bắt giam, ít nhiều gây nên những tổn thất về lực lượng. Trải qua hai năm đấu tranh liên tục đòi Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành hiệp định Giơnevơ, quần chúng đã phát huy tinh thần cách mạng tiến công, buộc đối phương phải chấp nhận một số yêu sách. Trong đấu tranh, cán bộ và nhân dân hai bên giới tuyến nhận thức rõ hơn và kiên trì phá vỡ âm mưu chia cắt Việt Nam của Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, từ đó củng cố niềm tin về sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh nhằm hiện thực hóa khát vọng hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Huyện ủy Vĩnh Linh (1955), Báo cáo tổng kết Quý I, tài liệu đánh máy, lưu tại Huyện ủy Vĩnh Linh, Quảng Trị.

2. Ban Chấp hành Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh (1955), Chỉ thị công tác chống âm mưu địch cưỡng ép di cư, số 344-CT/VL, ngày 30-6-1955, Phòng lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị, cặp 06, hồ sơ số 73.

3. Ban Chấp hành Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh(1955), Báo cáo tình hình công tác quan hệ Bắc Nam cuối tháng 9 đến 13/10/1955, số 514-BC/VL, ngày 17-10-1955, Phòng lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng trị, cặp 07, hồ sơ số 77.

4. Ban Chấp hành Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh (1956), Báo cáo tình hình khu vực Vĩnh Linh trong 8 tháng qua, tháng 9-1956, lưu tại Huyện ủy Vĩnh Linh.

5. Ban Chấp hành Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh (1957), Báo cáo Vĩnh Linh trong hơn hai năm từ khi thành lập Khu vực đặc biệt Vĩnh Linh đến nay, số 182-BC/ĐU, Tối mật, ngày 28/8/1957, Phòng lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị, cặp 09, Hồ sơ số 92.

6. Bộ Ngoại giao (2008), Hiệp định Giơnevơ 50 năm nhìn lại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15 (1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.


[1] Ủy ban liên hiệp Trung ương, Quyết định số 11/QĐ, ngày 15/9/1954, tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Tp. HCM, kí hiệu: Đệ I CH 8.781. tr 1-2.

[2] Ban Chấp hành Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh (1957), Báo cáo Vĩnh Linh trong hơn hai năm từ khi thành lập Khu vực đặc biệt Vĩnh Linh đến nay, số 182-BC/ĐU, Tối mật, ngày 28/8/1957, Phòng lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị, cặp 09, Hồ sơ số 92, tr.7

[3] Ban Chấp hành Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh (1957), Báo cáo Vĩnh Linh trong hơn hai năm từ khi thành lập Khu vực đặc biệt Vĩnh Linh đến nay, số 182-BC/ĐU, Tối mật, ngày 28/8/1957, Phòng lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị, cặp 09, Hồ sơ số 92, tr.8

[4] Ban Chấp hành Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh(1955), Báo cáo tình hình công tác quan hệ Bắc Nam cuối tháng 9 đến 13/10/1955, số 514-BC/VL, ngày 17-10-1955, Phòng lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng trị, cặp 07, hồ sơ số 77, tr.9

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 16 (1955), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 773.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 16 (1955), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 775.

[7] Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh (1994), Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Linh (1930-1975), Sơ thảo, tr. 146.

[8] Thường vụ Huyện ủy Gio Linh (1995), Lịch sử Đảng bộ Gio Linh (1930-1975), Sơ thảo, tr. 152.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15 (1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 368.

[10] Ban Chấp hành Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh (1955), Chỉ thị công tác chống âm mưu địch cưỡng ép di cư, số 344-CT/VL, ngày 30-6-1955, Phòng lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị, cặp 06, hồ sơ số 73, tr. 6.

[11] Ban Chấp hành Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh (1956), Báo cáo tình hình khu vực Vĩnh Linh trong 8 tháng qua, tháng 9-1956, lưu tại Huyện ủy Vĩnh Linh, tr. 14.

[12] Tổng cục Bưu điện (1955), Công văn số 4.169-BC/TU gửi Tổng giám đốc Bưu điện Sài Gòn, ngày 21-5-1956, Trung tâm lưu trữ quốc gia III, Hà Nội, Phông Tổng cục Bưu điện, hộp số 18, hồ sơ 328, tr. 1.

Đọc thêm

Hành trình từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản của đồng chí Nguyễn Chí Diểu

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Thùy

(GDLL) - Nguyễn Chí Diểu (1908-1939), một trong những đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời đồng chí là tấm gương cao đẹp của người cộng sản hết lòng vì nước, vì dân. Bài viết tìm hiểu quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, qua đó thấy được sự kiên định, vì nước vì dân của đồng chí.

Hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang hiện nay

Tác giả: Trần Văn Hiển

(GDLL) - Liên kết chuỗi giá trị nông sản là mô hình kinh tế đem lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu. Trên cơ sở những nhận thức cơ bản về chuỗi giá trị nông sản: khái niệm, hình thức, sơ đồ, mô hình liên kết…, bài viết khái quát kết quả, vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản và đề xuất một số giải pháp phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang.

30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022): Thành tựu và triển vọng

Tác giả: NGUYỄN VĂN ĐỨC - NGUYỄN THỊ THÚY

(GDLL) - Trải qua 30 năm, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có bước phát triển toàn diện, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc. Bài viết khái quát những thành tựu tốt đẹp đã gặt hái được trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc 30 năm qua (1992 - 2022) và chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Từ đó, đưa ra định hướng, khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tác giả: PGS. TS. Phạm Ngọc Linh

(TG) - Sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc LHHVN đã nâng cao vai trò của LHHVN trong việc tập hợp đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Các tổ chức KH&CN này được đánh giá là nhân tố mới ở Việt Nam trong công tác tham gia xã hội hóa các hoạt động KH&CN, GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới mô hình làng thông minh

Tác giả: TS ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA

(LLCT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của nhân loại. Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích chủ trương về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng làng thông minh ở nước ta, chỉ ra thực trạng một số mô hình làng thông minh hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh trong thời gian tới.