Đất đai là một trong ba thành tố quan trọng của quá trình
sản xuất nông nghiệp, vì thế tích tụ ruộng đất, với nghĩa là sự
dồn, góp hay sát nhập và hợp nhất các thửa đất, mảnh đất của các chủ thể có
quyền sử dụng đất khác nhau lại với nhau, là điều kiện quyết định phát triển
sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn một cách hiệu quả
Hàn Quốc cải cách ruộng đất mạnh mẽ trong khoảng thời
gian tương đối ngắn nhưng được biết đến là một trong những trường hợp cải cách
chính sách đất đai thành công nhất. Sau cải cách ruộng đất, Hàn Quốc tiếp tục
có nhiều thay đổi trong chính sách đất đai cho phù hợp với những đòi hỏi của
tình hình thực tiễn
Cùng với chính sách phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững, cải cách
chính sách đất nông nghiệp đã góp phần quan trọng trực tiếp giúp Hàn Quốc đạt
được những thành tựu to lớn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao
thu nhập, mức sống cho người nông dân cũng như gián tiếp góp phần vào quá trình
“công nghiệp hóa thần tốc sau ba thập kỷ” của Hàn Quốc.
Kinh nghiệm về đổi mới chính sách đất đai và phát triển
nông nghiệp của Hàn Quốc vì thế rất hữu ích đối với Việt Nam. Nhằm góp phần xác
định cơ sở pháp lý để thúc đẩy tích tụ tập trung ruộng đất cho Việt Nam, bài
viết tập trung hệ thống hóa chính sách đất đai và phân tích ảnh hưởng của những
thay đổi chính sách này đến việc tích tụ, tập trung ruộng đất ở Hàn Quốc qua
các thời kỳ, trên cơ sở đó rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.
1. Chính sách đất nông
nghiệp của Hàn Quốc
Giai đoạn từ 1945
đến trước ngày 15 tháng 8 năm 1948
Giai đoạn từ 1945 đến ngày 15 tháng 8 năm 1948 là thời kỳ
cầm quyền của chính phủ quân sự Hoa Kỳ. Chính phủ quân sự Hoa Kỳ đã áp đặt
chính sách và điều hành toàn bộ xã hội Hàn Quốc. Nội dung cải cách ruộng đất
trong giai đoạn này tập trung vào ba điểm mấu chốt.
Một là, thống nhất tất cả tài sản của Nhật Bản
chuyển về chính phủ. Theo Quy định số 33 được ký tháng 1 năm 1945,
tất cả tài sản của các cá nhân, tổ chức hay hiệp hội của Nhật Bản được giao lại
cho chính phủ quân sự sau khi Nhật Bản rời đi, và kết quả là đến tháng 12 năm
1945, 282.480 ha đất canh tác thuộc sở hữu của Nhật Bản được chuyển giao cho
công ty thuộc Chính phủ quân sự quản lý. Với quy định này, nguồn đất đai thuộc
sở hữu của chính phủ được tăng thêm, là điều kiện để thực hiện bước tiếp theo
là phân bổ ruộng đất cho nông dân.
Hai là, bảo vệ các
quyền của nông dân khi thuê đất canh tác từ địa chủ bằng pháp luật. Trong bối cảnh, hầu hết người dân sống dựa
vào nông nghiệp (77% dân cư) nhưng phần lớn ruộng đất thuộc về địa chủ, chỉ có
một bộ phận nhỏ nông dân có ruộng đất với diện tích nhỏ, và có tới 86% hộ nông
dân phải thuê ruộng đất với chi phí rất cao để canh tác, việc quy định tiền cho
thuê đất hàng năm không được vượt quá 1/3 sản lượng của năm, địa chủ không được
đơn phương chấm dứt các quyền của người thuê, và tiền thuê không vượt quá 1/3
sản lượng nếu ký hợp đồng mới , cải cách ruộng đất đã phần nào đáp ứng kỳ vọng của nông dân, giảm nhẹ mâu
thuẫn giai cấp và duy trì sự ổn định xã hội.
Ba là, đổi mới quản
lý nhà nước đối với đất đai và phân phối quyền sở hữu đất đai cho nông dân,
cụ thể: Tháng 3 năm 1948, cơ quan quản lý đất đai quốc gia được thành lập để
kiểm soát và xử lý các thủ tục mua, bán đối với ruộng đất được phân bổ lại; Về
nguyên tắc, ruộng đất được phân bổ song chỉ phân bổ cho nông dân hay lao động
nông nghiệp và giới hạn trong diện tích 2 ha; Quyền sở hữu đất được chuyển cho
nông dân và giấy chứng nhận được đăng ký tại cơ quan đăng ký ruộng đất, tuy
nhiên nông dân có trách nhiệm thanh toán tiền đất ở mức tương đương 3 lần sản
lượng trung bình năm và phải trả trong vòng 15 năm; Việc bán, cho thuê hay thế
chấp ruộng đất có thể được thực hiện sau khi tiền đất đã được thanh toán đầy đủ
hoặc phải sau ít nhất 10 năm kể từ ngày mua đất. Quy định mới này củng cố và
điều chỉnh cơ sở pháp lý về phân bổ ruộng đất được tịch thu, kiểm soát quy mô
canh tác, và cải thiện vị thế của nông dân trong quan hệ với địa chủ.
Cải cách ruộng đất lần thứ nhất mặc dù diễn ra trong
khoảng thời gian tương đối ngắn, song đã tạo ra những thay đổi căn bản trong
nhận thức về quyền tiếp cận và sử dụng ruộng đất của nông dân, góp phần giảm
bớt xung đột giai cấp và đặt nền móng cho quản lý nhà nước về đất đai sau này.
Giai đoạn từ
1948 đến 1960
Ngày 15 tháng 8 năm 1948, Hàn Quốc được độc lập và Chính
phủ Đại Hàn dân quốc được thành lập. Kể từ đây, chính sách mang dấu ấn của nhà
nước mới. Cải cách quan trọng nhất trong giai đoạn này phân bổ lại ruộng đất
cho nông dân, quy định cụ thể được ghi trong Luật cải cách đất nông nghiệp năm
1950.
Thứ nhất là tịch thu ruộng đất. Chính phủ tiếp tục việc tịch thu đất nông nghiệp
để phân bổ lại cho nông dân, tuy nhiên khác với quy định trước đây, việc tịch
thu đất không chỉ giới hạn ở ruộng đất thuộc người Nhật Bản mà được mở rộng để
áp dụng cho cả ruộng đất không có chủ
.
Thứ
hai là thu mua lại ruộng đất. Đây là can thiệp mới và đặc biệt quan trọng từ phía chính phủ. Mặc dù giá
thu mua được xác định trên cơ sở thỏa thuận nhưng thu mua mang tính bắt buộc,
không tự nguyện. Việc thu mua lại được áp dụng đối với ruộng đất thuộc sở hữu của
địa chủ vắng mặt, người sở hữu ruộng đất nhưng không tự canh tác, và những người
sở hữu ruộng đất vượt quá diện tích cho phép là 3 ha. Sau
khi ruộng đất bị thu mua, chủ đất được nhận tiền đền bù đất (và một phần tiền cải
tạo đất đối với nông dân có đất nhưng từ bỏ làm nông nghiệp) và có thể sử dụng
hóa đơn giá trị đất làm vốn đầu tư công nghiệp hoặc điều kiện vay vốn với lãi
suất thấp từ các tổ chức tài chính công hay để được ưu tiên mua lại các cơ sở
như nhà máy, hầm mỏ, tàu… của chính phủ để từng bước trở thành doanh nhân hay
các nhà tư bản công nghiệp.
Thứ ba
là phân bổ ruộng đất theo nguyên tắc chỉ phân bổ cho người thực sự làm nông
nghiệp với diện tích không vượt quá 3 ha, sau khi được giao đất, nông dân có
quyền sở hữu ruộng đất đồng thời có trách nhiệm trả tiền đất theo quy định . Nhờ
quy định này, vị thế của nông dân được cải thiện đáng kể, chuyển từ bị lệ thuộc
vào địa chủ do phải thuê đất sang độc lập, tự chủ trong quản lý và sử dụng ruộng
đất để mang lại thu nhập cho gia đình sau khi thực hiện trách nhiệm trả tiền đất
hàng năm (tương đương 30% sản lượng), nộp thuế thu nhập từ ruộng đất và các
nghĩa vụ đóng góp công cộng khác.
So với trước năm
1948, Luật cải cách ruộng đất năm 1950 có những đổi mới căn bản. “Đất cho người
cày” trở thành nguyên tắc then chốt trong sở hữu, quản lý và sử dụng đất nông
nghiệp. Cải cách được thực hiện thông qua can thiệp mạnh mẽ từ chính phủ bằng
cách tịch thu và thu mua ruộng đất sau đó phân bổ lại cho nông dân. Có thể nói,
rào cản thậm chí sự chống đối đối với cải cách vô cùng lớn, nhưng Hàn Quốc đã
thống nhất quan điểm cải cách, giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa nông
dân, chủ đất và chính phủ trong thu mua, phân phối và quản lý sử dụng ruộng đất,
tạo nền tảng pháp lý vững chắc để hoàn thành phân bổ lại ruộng đất rộng khắp.
Triển khai Luật cải cách ruộng đất (1950), Hàn Quốc đạt được đồng thời các mục
tiêu kép: Vừa xóa bỏ chế độ địa chủ vừa đảm bảo “người cày có ruộng”; Khuyến
khích phát triển doanh nhân và đầu tư vào công nghiệp nhưng đồng thời tạo động
lực cho nông dân, khuyến khích họ tái đầu tư để cải thiện năng suất nông nghiệp
và nâng cao thu nhập; Một mặt xóa bỏ triệt để nguồn gốc của xung đột giai cấp
nhưng mặt khác vẫn duy trì sự ổn định về chính trị và xã hội.
Tuy nhiên để đảm bảo “ruộng đất cho người cày” và theo đuổi sự bình đẳng
trong sở hữu ruộng đất, Luật cải cách ruộng đất năm 1950 đặt ra giới hạn quy mô
canh tác trong 3 ha và nghiêm cấm việc bán, tặng, cho và thế chấp đối với ruộng
đất được phân phối cho đến khi ruộng đất được thanh toán hết, đồng thời nghiêm
cấm mọi hình thức thuê mới, cho thuê hoặc ủy thác sử dụng đất đai không chỉ đối
với đất nông nghiệp được phân phối mà cả ruộng đất của chủ sở hữu ban đầu. Điều này có
nghĩa rằng, Luật (1950) không cho phép tích tụ, tập trung ruộng đất và cản trở
việc mở rộng quy mô canh tác. Thực tế là, trong giai đoạn này, dồn điền đổi thửa
rất hiếm xảy ra và canh tác quy mô nhỏ gia tăng, cụ thể tỉ lệ hộ có quy mô canh
tác dưới 1/3 ha năm 1947 là 74,5% tăng lên 79,1% vào năm 1953
.
Giai đoạn từ
1960 đến trước 1990
Hàn Quốc có mật độ dân số đông nhưng
địa hình chủ yếu là đồi núi, chỉ có khoảng 1/5 diện tích là đất trồng trọt,
vì thế phát triển nông nghiệp để đảm bảo tự cung, tự cấp về lương thực trong
nước là thách thức đối với Hàn Quốc. Cải cách chính sách ruộng đất giai đoạn
1960 - 1990 tập trung giải quyết vấn đề này.
Từ những năm đầu 1960, Hàn Quốc đã tiến hành khai hoang
và cải tạo đất, nhất là những vùng núi cao nơi đất chưa được đưa vào canh tác
với mong muốn sớm giải quyết tình trạng khan hiếm lương thực. Song, kết quả có
hạn chế. Thứ nhất là do việc khai hoang và cải
tạo đất cần khá nhiều kinh phí trong khi nông dân nghèo, không có đủ nguồn lực
tài chính để đầu tư. Thứ hai
là do đất nông nghiệp vốn đã ít nhưng bị chuyển đổi và sử dụng vào mục đích phi
nông nghiệp tăng nhanh do nhu cầu của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại
hóa. Trước tình hình đó, bảo tồn đất nông nghiệp và duy trì hoạt động nông
nghiệp có ý nghĩa sống còn.
Năm 1972, Luật về sử dụng và bảo tồn đất nông nghiệp được
ban hành với mục đích hạn chế và kiểm soát nghiêm ngặt việc chuyển đổi đất nông
nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Luật quy định: Nghiêm cấm sử dụng “đất nông nghiệp tuyệt đối” (đất được quy định chỉ dành cho
nông nghiệp) vào mục đích phi nông nghiệp; “đất nông nghiệp tương đối” (đất
nông nghiệp có thể được sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp) chỉ được sang đất
phi nông nghiệp nếu thỏa mãn các điều kiện khắt khe và phải được sự chấp thuận
của chính quyền địa phương.
Nhờ các biện pháp bảo tồn đất nông nghiệp, diện tích
trồng lúa được cải thiện đáng kể trong khi các khu đô thị không ngừng phát
triển. Tuy nhiên, Hàn Quốc nảy sinh bất hợp lý mới trong khai thác và sử dụng
ruộng đất. Trong khi diện tích đất nông
nghiệp thấp nhưng diện tích đất nông nghiệp không được đưa vào sử dụng có xu
hướng gia tăng do nông dân từ bỏ việc làm nông nghiệp ngày càng nhiều và do một
bộ phận đáng kể những người không làm nông nghiệp nắm giữ ruộng đất do được
thừa kế .
Vì thế, khó khăn trong đảm bảo tự cung, tự cấp lương thực chưa được chấm dứt.
Khủng hoảng lương thực năm 1974 cho thấy bảo tồn đất nông nghiệp là chưa đủ.
Đổi mới chính sách để khai thác và sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả trở nên cấp
thiết đối với Hàn Quốc hơn bao giờ hết.
Đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, Luật quản lý cho thuê đất
nông nghiệp được ban hành năm 1986, quy định người dân được phép thuê đất nông
nghiệp và giới hạn quy mô canh tác là 10 ha.
Quy định mới này cho thấy sự thay đổi căn bản trong nhận thức, từ không thừa
nhận sang thừa nhận quyền sử dụng tách biệt với quyền sở hữu, từ nghiêm cấm cho
thuê chuyển sang cho phép cho thuê, từ giới hạn quy mô canh tác là 3 ha tăng
lên 10 ha. Có thể nói rằng, Luật quản lý cho thuê đất nông nghiệp (1986) tạo cơ
sở pháp lý cho phép người làm nông nghiệp tiếp cận và sử dụng nguồn đất đai
nhàn rỗi và trao thêm quyền, tạo thêm thuận lợi cho họ trong quá trình sử dụng
ruộng đất. Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất và cơ hội
cải thiện hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
Giai đoạn từ
1990 đến nay
Những năm cuối 1980, hội nhập quốc
tế và tự do hóa thương mại trên phạm vi toàn cầu tác động và đòi hỏi Hàn Quốc
phát triển các công ty nông nghiệp có khả năng cạnh tranh. Nhiều văn bản chính sách
quan trọng được ban hành để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, bao gồm Luật đặc
biệt để phát triển nông thôn (1990), Luật đất nông nghiệp (1994), Luật đất nông
nghiệp điều chỉnh năm 2003 và 2005.
Trước 1990, Hàn Quốc duy trì chế
độ sở hữu ruộng đất nghiêm ngặt theo nguyên tắc “ruộng đất dành cho người cày”,
chỉ thừa nhận quyền sở hữu đất nông nghiệp thuộc về hộ gia đình nông nghiệp tự
canh tác có quy mô dưới 3 ha mà không ghi nhận quyền sở hữu ruộng đất của bất
kỳ chủ thể kinh tế khác. Đến năm 1990, chính phủ ghi nhận ngoài
sở hữu cá nhân còn có sở hữu tập thể đối với đất nông nghiệp. Luật đặc biệt phát triển nông thôn (1990) quy định: Những công ty nông
nghiệp của hội nông dân mà có tất cả các thành viên là nông dân thì được phép
sở hữu ruộng đất .
Không phá bỏ nguyên tắc “ruộng đất dành cho người cày”, song quy định về quyền
sở hữu đã được nới lỏng để đa dạng hóa các hình thức sở hữu ruộng đất, qua đó
trao thêm quyền cho các công ty nông nghiệp, tăng khả năng huy động ruộng đất
và thúc đẩy hợp tác để hình thành cánh đồng có quy mô lớn. Đồng thời, thay đổi
này dẫn đến xóa bỏ hệ thống bảo tồn
đất nông nghiệp dựa theo phân mảnh (1972) để chuyển sang mô hình bảo tồn dựa
theo phân vùng.
Đến năm 1994, Luật đất nông
nghiệp ra đời trên cơ sở tích hợp, kế thừa các luật trước đó.
Nguyên tắc “ruộng đất cho người cày” tiếp tục được khẳng định, song các quy
định về quyền sở hữu và quyền sử dụng ruộng đất được nới lỏng hơn để phù hợp với thay đổi của hoàn cảnh kinh
tế xã hội. Giới hạn về
diện tích đất nông nghiệp được sở hữu tăng từ 3 ha lên 10 ha. Trong vùng phát
triển nông nghiệp trọng điểm, nông dân có thể sở hữu lên tới 20 ha nếu được sự
cho phép của người đứng đầu đơn vị hành chính.
Sau Luật đất nông nghiệp (1994),
các quy định này tiếp tục được điều chỉnh nhằm tăng khả năng ruộng đất được sử
dụng để phát triển nông nghiệp.
Quy định về quyền sở
hữu đất nông nghiệp tiếp tục được nới lỏng. Quyền sở hữu đất nông nghiệp của
các công ty nông nghiệp không còn bị giới hạn trong các công ty
nông nghiệp “hoàn toàn” của nông dân và do nông dân nhưng mà được mở rộng cho
các công ty nông nghiệp “chủ yếu” của nông dân và do nông dân. Ngoài ra, quyền
sở hữu cá nhân đối với đất nông nghiệp được mở rộng để bao gồm những người
không phải “nông dân thuần túy” nhưng có khả năng và nhu cầu mua đất để làm
nông nghiệp. Theo Luật đất nông nghiệp sửa đổi (2003): Những công ty nông nghiệp
có vốn đầu tư của nông dân chiếm tối thiểu ½ tổng số vốn đầu tư, có đại diện của
công ty là nông dân, và có hơn ½ thành viên của ban điều hành là nông dân thì
công ty đó có thể có quyền sở hữu đối với đất nông nghiệp; Những người không phải là nông dân được phép sở hữu
diện tích đất nông nghiệp dưới 1 ha để làm nông nghiệp hoặc trang trại cuối tuần. Mặc dù thay đổi hình thức sở hữu đối với đất nông nghiệp, nhưng quyền làm
chủ ruộng đất của nông dân vẫn được bảo đảm thông qua cơ chế người đại diện và
điều hành của công ty, bên cạnh đó mở thêm cơ hội cho các công ty tiếp nhận nguồn
vốn tài chính, tri thức và công nghệ, kinh nghiệm quản lý và điều hành để phát
triển sản xuất.
Quy định về giới hạn
về quy mô canh tác tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tăng quyền sử dụng ruộng
đất cho người làm nông nghiệp và giảm dần sự kiểm soát từ phía nhà nước: Năm 1999, giới hạn đối với quyền sở hữu bên ngoài vùng phát triển nông nghiệp
trọng điểm tăng từ 3 ha lên 5 ha; đến năm 2002, giới hạn về quy mô canh tác đối
với vùng phát triển nông nghiệp trọng điểm và vùng không phát triển nông nghiệp
trọng điểm đều thay đổi, trong đó, giới hạn về quyền sở hữu đất nông nghiệp ở
vùng phát triển nông nghiệp trọng điểm sau 50 năm áp dụng đã được xóa bỏ hoàn
toàn.
Ngoài ra, hệ thống
ngân hàng đất nông nghiệp được chính thức thành lập do Tổ chức cộng đồng nông thôn Hàn Quốc, một
tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho nông dân, vận hành từ năm 2005. Hệ thống
ngân hàng đất nông nghiệp có các chức năng chính sau: (1) bán, cho thuê, trao đổi,
tách và hợp nhất đất nông nghiệp; (2) cung cấp thông tin về giá đất nông nghiệp
và xu hướng giao dịch; (3) mua đất nông nghiệp để phục hồi nông nghiệp; (4) cho
thuê đất nông nghiệp ủy thác; và (5) hỗ trợ để ổn định thu nhập cho nông dân đã
nghỉ hưu có thế chấp bằng đất đai. Cùng
với các chính sách khác, hoạt động của hệ thống ngân hàng đất nông nghiệp tạo
cơ sở cho những chuyển biến tích cực. Thứ nhất, cho
phép những người không làm nông nghiệp tiếp tục sở hữu và khai thác lợi ích từ
ruộng đất song đảm bảo ruộng đất nhàn rỗi được huy động và đưa vào khai thác, sử
dụng. Thứ hai, tạo thuận lợi cho những người
mong muốn được sở hữu hay sử dụng ruộng đất dễ dàng tiếp cận được với đất đai. Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức canh tác ở quy mô
lớn và áp dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp.
2. Bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc và một
số hàm ý chính sách về tích tụ tập trung ruộng đất cho Việt Nam
Cải cách chính sách đất nông nghiệp ở Hàn
Quốc trải qua một quá trình dài với nhiều thay đổi quan trọng. Bắt đầu từ
nguyên tắc “ruộng đất cho người cày”, chính phủ đã tiến hành giao đất và quyền
sở hữu đất cho nông dân và người làm nông nghiệp. Từng bước, chính phủ ghi nhận
sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với ruộng đất, chấp nhận đa
dạng hóa các hình thức sở hữu ruộng đất, trao thêm các quyền cho người sở hữu
cũng như người sử dụng ruộng đất, khuyến khích thuê và cho thuê, giảm dần giới hạn về quy mô canh tác, qua đó thúc đẩy
tích tụ, tập trung ruộng đất để mở rộng quy mô canh tác. Những thay đổi chính
sách đất nông nghiệp tại Hàn Quốc cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức, thừa
nhận tích tụ, tập trung ruộng đất là xu hướng tất yếu khách quan để khai thác,
sử dụng ruộng đất có hiệu quả, phát triển nền nông nghiệp có tính cạnh tranh.

Ảnh:
https://thanhnien.vn
Nhờ cải cách chính sách đất nông nghiệp,
Hàn Quốc thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất biểu hiện thông qua
tăng quy mô sở hữu đất nông nghiệp và gia tăng tỉ lệ thuê ruộng đất để phát triển
nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp bình quân hộ nông dân là 0,93 ha vào năm
1970 tăng lên 1,5 ha vào năm 2012.
So với các quốc gia khác thì thay đổi về quy mô sở hữu đất nông nghiệp chưa thực
sự lớn và diện tích đất nông nghiệp bình quân hộ nông dân của Hàn Quốc còn thấp,
tuy nhiên, nếu xem xét thay đổi quy mô sở hữu ruộng đất trong điều kiện diện
tích đất nông nghiệp của Hàn Quốc vốn chiếm tỉ lệ thấp nhưng có xu hướng tiếp tục
bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, cụ thể so với 1980, diện tích đất
nông nghiệp của năm 2000 giảm 14% và của năm 2011 tiếp tục giảm 23%, thì tăng
quy mô sở hữu bình quân hộ như đề cập ở trên là sự thay đổi rất đáng ghi nhận.
Ngoài ra, số liệu về gia tăng thuê đất nông nghiệp càng khẳng định thêm ảnh hưởng
tích cực của thay đổi chính sách đối với quá trình này. Tỉ lệ thuê đất nông
nghiệp tăng đáng kể, từ 17,8% của năm 1970 lên 37,4% của năm 1990 và lên tới
47,3% trong năm 2011, đáng chú ý là trong đó, có đến 60-70% đất được thuê thuộc
sở hữu của những người không làm nông nghiệp.
Các nghiên cứu cho thấy, quy mô sở hữu đất
nông nghiệp ở Hàn Quốc tăng chậm do có một số nguyên nhân. Một là, do đặc điểm địa hình của Hàn Quốc chủ yếu đồi núi có khó khăn khi phát triển
canh tác ở quy mô lớn. Hai là, quá trình tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “ruộng đất dành cho người cày”
có giới hạn về quy mô trong một thời gian dài làm chậm thay đổi nhận thức về sở
hữu đất đai cũng như về phương thức sử dụng đất đai. Ba là, các biện pháp khuyến khích thuê và cho thuê được đa dạng hóa dẫn đến xu hướng
lựa chọn đi thuê và cho thuê thay vì mua và bán ruộng đất. Thực tế, nhiều người
không làm nông nghiệp không bán mà lựa chọn giữ ruộng đất như tài sản có thể
sinh lời.
Từ những phân tích
trên đây về chính sách đất nông nghiệp và ảnh hưởng của nó đến tích tụ tập
trung ruộng đất ở Hàn Quốc, một số bài học rút ra cho Việt Nam trong quá trình
thúc đẩy tích tụ ruộng đất như sau.
Thứ nhất, cần
xác lập và hoàn thiện khung pháp lý về quyền và trách nhiệm của các bên liên
quan trong quá trình quản lý và sử dụng ruộng đất. Có thể tách biệt giữa quyền
sở hữu với quyền sử dụng ruộng đất nên duy trì sở hữu nhà nước đối với đất đai
là phù hợp, song cần quy định rõ ràng rõ và xử lý hài hòa mối quan hệ giữa
quyền và trách nhiệm của các bên trong sở hữu, sử dụng và chuyển giao quyền sử
dụng ruộng đất. Chỉ khi nào mối quan hệ được xác lập và có cơ chế bảo đảm cho
các mối quan hệ này thì mới có thể tạo niềm tin và động lực cho người làm nông
nghiệp tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp bền vững.
Thứ hai, cần
cân nhắc việc nới rộng mức hạn điền và thời hạn giao quyền sử dụng đất nông
nghiệp cho các chủ thể để bảo hộ kinh doanh nông nghiệp và giúp người dân an
tâm đầu tư phát triển nông nghiệp lâu dài.
Thứ ba, cần
tăng cường các quy định khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển nhượng và cho thuê ruộng đất. Ngoài việc làm rõ các
quyền lợi và cơ chế đảm bảo quyền của các bên trong quản lý, khai thác và sử
dụng ruộng đất như trên, cần nghiên cứu mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của
hệ thống ngân hàng đất nông nghiệp của Hàn Quốc trong điều kiện của Việt Nam.
Trường hợp người dân chuyển sang nghề khác hay không muốn (không có điều kiện)
canh tác, có thể sang nhượng hay ủy thác cho thuê, sử dụng ruộng đất để duy trì
quỹ đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ tập trung và sử dụng ruộng đất hiệu quả.
Kết
luận
Tóm
lại, xuyên suốt trong nội dung cải cách chính sách đất nông nghiệp của Hàn
Quốc, quyền sở hữu, quyền sử dụng, hạn mức đất canh tác là những vấn đề then
chốt nhất gắn với thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất. Bài học kinh nghiệm từ
Hàn Quốc là, bảo đảm nguyên tắc “đất cho người cày” được thực hiện nhất quán và
dần được nới lỏng trên cơ sở thừa nhận sự
tách biệt giữa quyền sở hữu với quyền sử dụng ruộng đất, cho phép đa
dạng hóa các chủ thể được sở hữu và sử dụng ruộng đất, và tạo thuận lợi cho các
chủ thể trung gian huy động và hỗ trợ tiếp cận, sử dụng ruộng đất nhàn rỗi.