Từ khóa: Tăng trưởng kinh tế; vùng kinh tế
trọng điểm; vai trò của vùng kinh tế trọng điểm.

Ảnh minh họa: quanlynhanuoc.vn
Đặt vấn đề
Trong giai đoạn vừa qua, các vùng trọng
điểm đã trở thành những trung tâm kinh tế, cung cấp dịch vụ, tạo việc làm cho
các địa phương trong vùng và cả nước. Tuy vậy, cơ cấu kinh tế của các vùng chưa
tạo được sức cạnh tranh và động lực phát triển cho cả nước; năng suất lao động
còn thấp, các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa sử dụng hết năng lực; đóng góp
vào tăng trưởng kinh tế cả nước còn thấp và có sự chênh lệch lớn giữa các vùng
với nhau.
1. Vai trò của các vùng kinh tế
trọng điểm
Với tư cách là cực tăng trưởng, vùng
kinh tế trọng điểm giữ vai trò làm đầu tàu tăng trưởng để đẩy mạnh
quá trình phát triển cho các vùng đó, đặc biệt có tác động lan tỏa,
hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương lân cận, và
tiến tới đảm nhận vai trò chi phối tăng trưởng đối với nền kinh tế theo
chiều hướng tích cực, góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô.
Trên giác độ đó, có thể khái quát vai
trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm đối với nền kinh
tế quốc dân được thể hiện trên các tiêu chí sau: (i) thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia; (ii) đóng góp tăng nguồn thu ngân sách cho
các địa phương nội vùng và cho cả nền kinh tế quốc dân; (iii) thu hút nguồn
vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tiềm năng và lợi thế của mình, vùng kinh
tế trọng điểm thường được ví như thỏi nam châm thu hút luồng vốn FDI; (iv) thúc đấy
tăng GRDP bình quân đầu người của các địa phương trong vùng; (v) góp phần đào
tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
2. Thực trạng vai trò của các
vùng kinh tế trọng điểm trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
2.1. Các vùng kinh tế trọng
điểm của Việt Nam
Hiện nay, nước ta có 4 vùng kinh tế
trọng điểm gồm: vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền
Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng
sông Cửu Long. Quá trình hình thành, phạm vi lãnh thổ và vị trí của từng vùng
kinh tế trọng điểm được xác định:
1)
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được thành lập theo Quyết định số 747/TTg ngày
11/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh
Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương; năm 2004 được bổ sung thêm 2 tỉnh Vĩnh Phúc và
Bắc Ninh.
2)
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được thành lập theo Quyết định số
44/1998/QĐ-TTg ngày 23/2/1998 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm Thành phố Hồ Chí
Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu; đến năm 2009 bổ
sung thêm tỉnh Tiền Giang. Đây là vùng có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt
quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tập trung đủ các điều
kiện và lợi thế phát triển các ngành mũi nhọn, đi đầu trong sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước
3)
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được thành lập theo Quyết định số
1018/1997/QĐ-TTg ngày 29/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm thành phố Đà
Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi; năm 2004 bổ sung thêm
tỉnh Bình Định. Vùng nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa các vùng phía Bắc và phía
Nam của nước ta, là cửa ngõ quan trọng thông ra biển của vùng Tây Nguyên, có ý
nghĩa chiến lược và điều kiện thuận lợi hình thành một hành lang giao lưu kinh
tế, thương mại quan trọng, nối Tây Nguyên, Mi-an-ma, Cam-pu-chia và Lào với
đường hàng hải quốc tế qua Biển Ðông và Thái Bình Dương.
4)
Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thành lập theo
Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16/04/ 2009 của Thủ tướng Chính phủ, đóng vai trò
là trung tâm dẫn đầu cả nước về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế
biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. Ngoài ra,
vùng kinh tế này còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh
học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm
nông nghiệp cho cả vùng ĐBSCL.
2.2. Sự đóng góp của các vùng
kinh tế trọng điểm trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua
Một là,
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Trong giai đoạn 2011-2019, tổng sản phẩm
trên địa bàn của 4 vùng kinh tế trọng điểm tăng bình quân 7,25%. Quy mô GRDP
của 24 địa phương thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm chiếm 70% tổng sản phẩm quốc
nội. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Nam Bộ là hai vùng có tác động
lớn nhất. Tương ứng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hai cực tăng trưởng quan
trọng của cả nước, đóng góp vào tăng trưởng trung bình trong giai đoạn
2011-2019 là 13,08% và 19,9%/năm [2]. Vùng kinh tế trọng điểm miền
Trung có tốc độ tăng GRDP bình quân toàn vùng giai đoạn 2011-2019 đạt 8,14%/năm,
cao hơn đáng kể so với mức chung của cả nước là 6,2%[4].
Hai là,
đóng góp vào nguồn thu ngân sách quốc gia
Giai đoạn 2011-2017, tổng thu ngân sách
các vùng kinh tế trọng điểm năm 2011 đạt 682,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,77% tổng
thu ngân sách địa phương; năm 2014 đạt 926,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,74% và đến
năm 2016 đạt 1.063,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 81,09%; ước tính năm 2017 tổng thu
của 4 vùng đạt 1.012,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,07% [10, tr.47]. Năm 2019, tổng thu ngân
sách vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ước đạt khoảng 89.367 tỷ đồng, chiếm
khoảng 6,32% tổng thu ngân sách quốc gia (NSQG)[4]. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ giai
đoạn 2016-2018 đạt 1.170 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 11,2%/năm, chiếm 31,2%
tổng số thu NSQG, riêng Hà Nội chiếm hơn 19%[9]. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
đạt khoảng 608 nghìn tỷ đồng, đóng góp trên 42% tổng thu ngân sách của cả nước [11], thành phố
Hồ Chí Minh là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất, chiếm 27% tổng thu NSQG [5]. Vùng kinh
tế trọng điểm ĐBSCL có tỉ lệ thu ngân sách rất thấp, đa số các địa phương trong
vùng chưa cân đối được ngân sách.
Ba là, thu
hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Giai đoạn 2011-2017, tổng số vốn đầu tư trực
tiếp nước ngoài thực hiện của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đạt gần 30 tỷ USD,
bằng 29,82% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước trong cùng giai đoạn; vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam đạt 35,31 tỷ USD, bằng 35,12%; vùng kinh tế trọng
điểm miền Trung đạt 2,29 tỷ USD, bằng 2,28%; vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL chỉ
đạt 539,58 triệu USD, bằng 0,54% [10, tr.57]. Sau khi có chiến lược
điều chỉnh về thu hút và sử dụng FDI trong giai đoạn mới của Việt Nam, đồng
thời cuộc thương chiến Mỹ - Trung đã đẩy các doanh nghiệp FDI trên thế giới
chuyển hướng và tràn về Việt Nam, tuy nhiên, quá trình dịch chuyển FDI đến các
vùng kinh tế trọng điểm không đồng đều. Vốn FDI thực hiện
tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung rất thấp, chiếm 4,03% tổng vốn FDI thực
hiện của cả nước [8];
ĐBSCL thu hút được khoảng 1.489 dự án FDI với tổng vốn đăng ký chưa đến 21 tỷ
USD, trong khi đó, cả nước có tới 27.643 dự án còn hiệu lực với tổng số đăng ký
hơn 340 tỷ USD[7]. Vốn FDI
thường tập trung vào 02 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Nam. Tại Hà Nội,
thu hút FDI phát triển bứt phá, với khoảng 7.000 dự án cấp mới và tăng thêm
vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 32,1 tỷ USD, bằng 33% về số dự án và 27% tổng
vốn đầu tư đăng ký so với cả nước. Năm 2020 trong bối cảnh nhiều
khó khăn, kết quả thu hút vốn FDI của Hà Nội vẫn đạt 3,72 tỷ USD[6]. Vùng kinh
tế trọng điểm phía Nam thu hút FDI đã có dấu hiệu đuối sức, quy mô các dự án
đầu tư FDI chỉ khoảng 10 triệu USD, thấp hơn mức bình quân cả nước 12,42 triệu
USD. Thậm chí, quy mô bình quân một dự án ở thành phố Hồ Chí Minh còn rất thấp,
chỉ 5,56 triệu USD[3].
Bốn là,
thúc đẩy gia tăng GRDP bình quần đầu người
Giai đoạn 2011-2017, GRDP bình quân đầu
người ở các vùng kinh tế trọng điểm có xu hướng tăng, trong đó GRDP/người của
vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cao hơn
nhiều mức bình quân chung cả nước, tương ứng là gấp 1,34 lần đến 1,40 lần và gấp
từ 1,76 lần đến 1,99 lần. Trong đó, GRDP/người của 2 thành phố lớn là Hà Nội gấp
1,38 đến 1,51 lần và Thành phố Hồ Chí Minh gấp 2,07 đến 2,12 lần. Tuy nhiên,
GRDP/người của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long
lại thấp hơn nhiều, tương ứng chỉ bằng 0,77 lần đến 0,82 lần và 0,66 lần đến
0,69 lần mức trung bình cả nước [10, tr.38].
Năm là,
tăng tỉ lệ lao động được đào tạo
Tại các vùng kinh tế trọng điểm, số
lượng tham gia lao động được đào tạo ngày càng tăng kéo theo đó là trình độ của
nguồn nhân lực toàn vùng ngày càng phát triển (biểu 1). Tuy nhiên, vùng miền
Trung và đồng bằng sông Cửu Long vẫn có tỉ lệ lao động qua đào tạo rất thấp,
đối với vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng mặc dù có tỉ lệ cao hơn, nhưng
chủ yếu vẫn tập trung tại Hà Nội và TP.HCM. Đây là điều đáng lo ngại, bởi trong
xu hướng dịch chuyển sang nền kinh tế tri thức thì nguồn nhân lực chưa qua đào
tạo sẽ không đáp ứng được yêu cầu và sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt nhân lực
trong phát triển dài hạn.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
2.3. Đánh giá chung về vai
trò của các vùng kinh tế trọng điểm trong việc trở thành động lực thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế của đất nước
Những thành
tựu đạt được
Tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
của các vùng kinh tế trọng điểm tới kinh tế cả nước được thể hiện thông qua tỷ
trọng đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam có mức đóng góp cao nhất nhưng lại đang có xu hướng
giảm. Vùng Bắc Bộ đứng thứ hai. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 cực tăng
trưởng quan trọng của cả nước, đóng góp vào tăng trưởng chung cả nước bình quân
năm trong giai đoạn 2011-2017 tương ứng đạt 13,6% và 19,4% [10 tr.72] là
động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước ta trong giai đoạn này.
Giai đoạn từ 2018 - 2020, do khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19 nên hầu
hết các vùng kinh tế trọng điểm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo sự sụt giảm
tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Các KCN đã tạo việc làm cho 2.542,5
nghìn lao động, trong đó KCN ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã tạo việc làm
cho 711,4 nghìn lao động; vùng kinh tế trọng điểm miền Trung 130,6 nghìn lao
động; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam 1.653,4 nghìn lao động và vùng kinh tế
trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long 47,1 nghìn lao động[1].
Quy mô kinh tế của các vùng kinh tế
trọng điểm ngày càng lớn, chiếm tỷ trọng cao trong quy mô GDP, khẳng định vị
trí quan trọng của các vùng này đối với sự phát triển kinh tế quốc gia.
GRDP/người của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía
Nam tương đối cao so với mức trung bình của cả nước; thu hút một lượng vốn quan
trọng từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, hình thành nên các trung tâm khoa học - công
nghệ, tạo dựng được cơ sở vật chất hiện đại, đào tạo được lực lượng lao động có
tay nghề làm nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và cả nước.
Những tồn
tại hạn chế
i) Giữa
các vùng kinh tế trọng điểm và ngay các địa phương trong nội vùng tăng trưởng
không đều, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng; chưa phát huy
được vai trò trọng điểm; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ứng dụng tiến bộ
khoa học - công nghệ vào sản xuất còn chậm.
ii)
Tác động lan tỏa và tính liên kết của các vùng kinh tế trọng điểm tới các địa
phương lân cận và trong cả nước chưa cao. Các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát
huy được vai trò động lực tăng trưởng; chưa tạo được tác động lan tỏa thúc đẩy
các vùng lân cận phát triển; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các
vùng trọng điểm còn thấp. Các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm chưa
hình thành được mối liên kết, phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh
nghiệp.
iii)
Các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm có mức và tốc độ tăng năng suất lao động
thấp, lao động có trình độ và tay nghề còn ít. Khu vực FDI chủ yếu thực hiện
gia công lắp ráp với trình độ trung bình; chưa đầu tư nhiều vào lĩnh vực sản
xuất sử dụng công nghệ cao, xử lý ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất
kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức.
iv)Chất lượng và trình độ nguồn nhân lực chưa theo kịp sự phát triển. Đây không
chỉ là vấn đề đối với các vùng kinh tế trọng điểm mà là vấn đề đối với cả nền
kinh tế. Bởi, ngay chính tại các vùng kinh tế trọng điểm, nguồn lao động qua
đào tạo đạt tỉ lệ rất thấp, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Những hạn chế này có nguyên nhân cả từ
thể chế và quá trình tổ chức thực thi chính sách, thể hiện: tư duy kinh tế tỉnh
theo ranh giới hành chính vẫn mang tính chất chủ đạo; việc xây dựng kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội, giao chỉ tiêu ngân sách, phân bổ kế hoạch vốn đầu
tư... đều trên cơ sở kế hoạch của từng địa phương, chưa có ý niệm vùng; cơ cấu
kinh tế của từng địa phương dựa trên địa giới hành chính. Vấn đề giao thông
thiếu kết nối nội vùng và liên vùng thiếu và yếu, hạn chế này bộc lộ rất rõ ở
vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
3. Một số giải pháp phát huy vai
trò của các vùng kinh tế trọng điểm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của
việt nam trong thời gian tới
Thứ nhất, cần
xây dựng chiến lược dài hạn để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, đẩy mạnh
tái cơ cấu ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển của vùng và các địa
phương trong vùng dựa trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng để từ đó có sự
đầu tư thích đáng nhằm thúc đẩy các vùng kinh tế trọng điểm phát triển. Nhanh
chóng xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng có tầm nhìn đến
năm 2050 bảo đảm có tầm nhìn dài hạn, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, tính
liên kết đặc thù của từng vùng theo phương pháp tích hợp nhiều quy hoạch, thể
hiện được vai trò "đầu tàu" của vùng kinh tế trọng điểm.
Thứ hai,
tăng cường và phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở của các vùng kinh tế trọng
điểm, nâng cấp, hoàn thiện các trục kết nối liên tỉnh, liên vùng, hệ thống
đường cao tốc, đường bộ, sân bay và cảng biển theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm
giải quyết vấn đề giao thông giữa các vùng, các địa phương được thuận tiện hơn.
Đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông của vùng đồng bằng sông Cửu Long đang
là vấn đề gây cản trở cho sự thông thương của sản phẩm sản xuất chủ lực của
vùng, cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù huy động nguồn lực xã hội và bố
trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn
2021-2025 để phát triển kết cấu hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm, nhất là
các dự án giao thông, thủy lợi liên vùng, các dự án quan trọng quy mô lớn tác
động lan tỏa tích cực.
Thứ ba,
cần đẩy mạnh xây dựng mối quan hệ liên kết kinh tế giữa các vùng kinh tế trọng
điểm; tránh phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực phát triển không
bền vững, đã hết dư địa tăng trưởng. Đẩy mạnh liên kết kinh tế
nhằm xây dựng các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ hiện đại, sản xuất
các sản phẩm công nghệ cao; tập trung vào một số ngành công nghiệp địa phương
có lợi thế trong mối quan hệ phân công, hợp tác giữa các địa phương trong vùng.
Có quy định ràng buộc trong thực hiện liên kết theo hướng các địa phương sẽ
được hưởng lợi từ ngân sách nhà nước khi thực hiện liên kết vùng.
Thứ tư,
cần có Luật về phát triển vùng kinh tế trọng điểm để tháo gỡ khó khăn một cách
căn cơ, quá trình hình thành và phát triển các vùng kinh tế trọng điểm vẫn bị
chi phối nặng nề bởi quan điểm hành chính, mở rộng phạm vi không gian gắn với
địa giới hành chính, kiện toàn bộ máy của Hội đồng liên kết vùng kinh tế trọng
điểm theo hướng thu hút các thành phần kinh tế - xã hội cùng tham gia, chú
trọng sự tham gia của các doanh nghiệp trong xây dựng và thực hiện các nội dung
liên kết vùng. Các vùng kinh tế trọng điểm cần thường xuyên cập nhật thông tin
của địa phương nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu vùng.
Thứ năm,
nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp
hóa và chuyển đổi số. Các vùng kinh tế trọng điểm cần có chiến lược tổng thể về
phát triển nguồn nhân lực. Muốn vậy, từng địa phương trong vùng kinh tế trọng
điểm phải có sự đột phá trong tư duy và giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn
nhân lực theo hướng mở rộng về số lượng, nâng cao về chất lượng, chú trọng
nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của chính các vùng
kinh tế trọng điểm. Phát triển nguồn nhân lực bậc cao nên được thực hiện ở cấp
vùng hơn là cấp địa phương.
Kết luận
Có thể thấy các vùng kinh tế trọng điểm
là các cực tăng trưởng quan trọng, giữ vai trò đầu tàu, dẫn dắt cả nước. Tuy
vậy, vai trò trọng điểm vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có; đồng
thời đang đối mặt nhiều thách thức như: tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng
chậm lại, nguồn thu ngân sách nhà nước chưa bền vững; cơ chế điều phối vùng
chưa thật sự hiệu quả, cơ chế liên kết giữa các ngành, lĩnh vực chưa có hoặc
còn lỏng lẻo, liên kết và phân công nhiệm vụ giữa các địa phương trong vùng
chưa rõ ràng kết cấu hạ tầng còn hạn chế nhất là hạ tầng giao thông. Do đó,
trong thời gian tới cần phải thực hiện đồng bộ những giải pháp đã nêu trên mới
có thể phát huy được vai trò là đầu tàu và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh
tế của quốc gia như kỳ vọng.
Tài liệu tham khảo:
[1]
Ban
Quản lý khu công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Báo cáo thực
trạng Khu công nghiệp tháng 6 năm 2018.
[2]Gia
Khánh (2020), Phát huy vai trò của các đầu tàu kinh tế, https://hanoimoi.com.vn
[3]
Anh Nhi (2021), Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Thu hút
FDI bắt đầu đuối sức, https://vneconomy.vn
[4]
Nhóm tác giả (Hoàng Hồng Hiệp, Châu Ngọc Hòe, Hoàng Thị Thu Hương) (2021), Phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, https://vas.gov.vn
[5] Nhóm
tác giả (Hoàng Tuấn, Xuân Khu, Tiến Lực) (2020), TP Hồ Chí
Minh luôn là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, https://tuyengiao.vn
[6]
Phúc Nguyên (2020), Năm 2020 - Hà Nội thu hút
3,72 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, https://thoibaotaichinh vietnam.vn
[7]
Theo báo điện tử Thương Trường (2019), Thu hút vốn FDI tại Đồng
bằng sông Cửu Long: Nghịch lý vì đâu, https://thuong truong. com.vn
[8] Đỗ
Văn Tính, Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Vùng
kinh tế trọng điểm miền Trung, https://tapchicong thuong.vn
[9] Nguyễn Thị Thọ (2019), Vùng kinh tế
trọng điểm Bắc bộ đẩy mạnh liên kết để phát triển bứt phá, https://conso
sukien.vn
[10]
Tổng cục Thống Kê (2019), Tăng trưởng các vùng kinh
tế trọng điểm giai đoạn 2011-2017, NXB Thống kê
[11]
Thiên Vương (2019), Vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam tiếp tục là đầu tàu trong phát triển bền vững kinh tế đất nước,
https://nhandan.vn