Thứ Sáu, ngày 29/04/2022, 14:52

Kinh nghiệm quản lý đô thị thông minh ở một số quốc gia và giá trị tham khảo cho Thủ đô Hà Nội

LẠI SƠN TÙNG - NGUYỄN HẢI ANH
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển tất yếu của thế giới. Bắt kịp với xu thế đô thị hóa toàn cầu, Hà Nội đã và đang phát triển chiến lược trở thành thành phố thông minh. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và triển khai chiến lược trên còn nhiều vướng mắc về công tác quản lý, nguồn kinh phí, nhân lực chất lượng cao cũng như trình độ khoa học kỹ thuật... Bài viết làm rõ nội hàm, cách thức và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý đô thị thông minh ở một số quốc gia trên thế giới, qua đó gợi mở hướng phát triển thành phố thông minh cho thủ đô Hà Nội.

Từ khóa: Quản lý đô thị thông minh; thành phố thông minh; thủ đô Hà Nội.

Các ứng dụng cho thành phố thông minh

(Anh: baotintuc.vn)

Đặt vấn đề

Phát triển đô thị toàn cầu là một trong những xu hướng quan trọng của thế kỉ XXI. Tuy nhiên, những thách thức về môi trường, kinh tế, xã hội đã đòi hỏi các thành phố phải tìm ra những cách thức để quản lý mới. Từ đó, nhiều cải cách mới liên quan đến đến các dịch vụ đô thị dựa trên công nghệ kĩ thuật hiện đại đã hình thành xu hướng phát triển mới được gọi là “đô thị thông minh”.

1. Khái quát về đô thị thông minh

Thuật ngữ “đô thị thông minh” đã xuất hiện từ những năm 1990, nhiều định nghĩa của các quốc gia cũng như tổ chức quốc tế đã nhấn mạnh các khía cạnh khác nhau của thuật ngữ này.

Nhật Bản định nghĩa đô thị thông minh là: “một thành phố hoặc khu vực hành chính kết hợp công nghệ thông tin – truyền thông và các giải pháp tiên tiến, hiện đại để giải quyết những thách thức khác nhau mà đô thị đó phải đối mặt và tự quản lý (lập kế hoạch, phát triển, quản lý và vận hành) để tối ưu hóa hoạt động của nó”[5, tr.9]. Tây Ban Nha quan niệm: “Đô thị thông minh là một cách tiếp cận toàn diện đối với các thành phố sử dụng công nghệ thông tin truyền thông để cải thiện chất lượng cuộc sống, khả năng tiếp cận của người dân và đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội và môi trường bền vững" [5, tr.10]. Mặt khác, Liên hợp quốc tiếp cận đô thị thông minh: “là thành phố tận dụng các cơ hội từ số hóa, năng lượng sạch, cũng như các công nghệ giao thông tiên tiến, từ đó cung cấp những lựa chọn thân thiện hơn với môi trường và thúc đẩy bền vững tăng trưởng kinh tế và tạo điều kiện cho các thành phố cải thiện việc cung cấp dịch vụ của họ"[12].

Ngày nay, việc chuyển đổi thành đô thị thông minh đang diễn ra nhanh chóng tạo sự thay đổi toàn diện đối với mỗi quốc gia, khu vực. Quá trình này không chỉ tăng về số lượng, quy mô mà còn tạo dựng những đặc trưng cơ bản của đô thị thông minh, cụ thể:

Một là, đô thị thông minh hình thành dựa trên sáu trụ cột cơ bản tác động qua lại lẫn nhau, kết nối chặt chẽ, tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh trên cơ sở những “giải pháp thông minh”: (1) kinh tế thông minh (smart economy), (2) quản trị/chính quyền thông minh(smart government or governance), (3) con người thông minh (smart people), (4) di động thông minh (smart mobility), (5) lối sống thông minh (smart living) và (6) môi trường thông minh (smart environment)[6, tr.31-46].

Hai là, đô thị thông minh chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông theo hướng hiện đại, hiệu quả, công nghệ cao. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông tin là nền tảng của đô thị thông minh bao gồm kết nối mạng có dây và không dây tốc độ cao, trung tâm dữ liệu cao cấp, cảm biến điện tử... Với động lực thúc đẩy nền kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, mỗi đô thị thông minh đều có cơ sở hạ tầng tiên tiến kết nối giữa các dịch vụ như nhà ở, giải trí, viễn thông, kinh doanh... giúp cho thành phố phát triển và hiện đại hơn.

Ba là, đô thị thông minh lấy con người làm động lực phát triển. Cũng bởi việc quy hoạch cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ và các vấn đề quản trị được thực hiện tốt đến đâu mà người dân không nhận thức rõ hay không có trách nhiệm về những điều này thì đô thị thông minh sẽ không thể tồn tại lâu dài. Lợi ích cho mỗi cá nhân trong đô thị thông minh chính là nhằm giảm chi phí, đơn giản hóa tiện ích và tiết kiệm năng lượng mà họ cần sử dụng để sống, làm việc và giải trí. Ngoài ra, với nguồn dữ liệu mở, những công dân năng động có thể phát triển các ý tưởng cho cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tại đô thị.

2. Kinh nghiệm quản lý đô thị thông minh tại một số quốc gia trên thế giới

2.1. Vương quốc Anh

Vương quốc Anh luôn chú trọng phát triển đô thị thông minh, không ngừng phát minh, áp dụng công nghệ tiên tiến vào tất cả các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là tại thủ đô London. Nhờ đó, London luôn là thành phố dẫn đầu trong bảng xếp hạng đô thị thông minh trên thế giới[8]. Vương quốc Anh đã tập trung xây dựng tiêu chuẩn và nguyên tắc thiết kế chung cho các dịch vụ kỹ thuật số trong phạm vi thủ đô thông qua Kế hoạch Smart London triển khai năm 2013 nhằm thu hút trí tuệ tập thể để tìm ra các giải pháp sáng tạo cho những thách thức mà London đang phải đối mặt.

Quá trình đô thị hóa dẫn đến lượng phát thải từ phương tiện giao thông ngày càng nhiều là một trong những thách thức lớn nhất đối với London. Với chủ trương mang đến cho người dân môi trường sống trong lành, chính quyền London đã đưa ra chiến lược cải thiện toàn bộ hệ thống giao thông với mục tiêu đến năm 2050 sẽ không còn phương tiện phát ra khí thải gây ô nhiễm. Theo đó, London sẽ giảm số lượt người di chuyển bằng ô tô đồng thời tăng số lượng người đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng lên 80% vào năm 2041[9].

Đặt cư dân ở vị trí trung tâm, chính quyền London luôn nỗ lực biến nơi đây trở nên thông minh, tiện nghi và bền vững. Chương trình Connected London - phủ sóng kết nối 5G hoàn toàn bằng cáp quang cùng với Kho dữ liệu - London Datastore được triển khai cho phép toàn thể công dân kết nối, cập nhật, tìm kiếm mọi thông tin, số liệu thống kê từ đấu giá tài sản đến tỷ lệ tội phạm hay có thể cùng nhau thảo luận trực tuyến nhằm đưa ra những sáng kiến phát triển thành phố thông minh.

2.2. Hàn Quốc

Hàn Quốc đặc biệt quan tâm tới xây dựng khung pháp lý và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng thành phố thông minh.

Chính quyền các địa phương trong đó đi đầu là thủ đô Seoul đã trực tiếp triển khai hàng loạt chương trình, giải pháp để phát triển đô thị thông minh như đưa ra các bộ dữ liệu mở nhằm cung cấp cho người dân những thông tin hữu ích hàng ngày như thời gian đến của xe buýt, tàu điện ngầm, các sự kiện văn hóa, cơ hội việc làm, các giao dịch, cho thuê bất động sản cũng như toàn bộ các dịch vụ hành chính công. Công dân có thể truy cập qua thiết bị di động để tìm kiếm thông tin mọi lúc, mọi nơi.

Một khía cạnh khác của chiến lược phát triển đô thị thông minh chính là triển khai một hệ sinh thái dữ liệu mở được chia sẻ rộng rãi và được sử dụng bởi các chủ thể thông qua các cổng thông tin trực tuyến chẳng hạn như hệ thống OASIS cho phép thiết lập các kế hoạch trực tuyến; hệ thống bỏ phiếu điện tử M-Voting hay Trung tâm cuộc gọi Dasan 120 tiếp nhận khiếu nại và đóng góp của người dân; Democracy Seoul là nền tảng để đăng ký và xử lý các khiếu nại dân sự trực tuyến[7, tr34-37].

Cùng với đó, để phát triển lối sống thông minh, Seoul lắp đặt hệ thống mạng lưới camera giám sát nhằm phòng ngừa, phát hiện tội phạm; lắp đặt các cảm biến khắp mọi nơi trong thành phố để phân tích các thông số về điều kiện thời tiết như độ ẩm, nhiệt độ, sương mù, độ bụi, lượng khí thải CO2,... giúp người dân biết và tránh được những điều kiện xấu của tự nhiên.

2.3. Singapore

Singapore là quốc gia đi đầu về phát triển đô thị thông minh[10, tr.6-7].

Nhân tố đầu tiên góp phần quan trọng cho thành công của Singapore trong việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh phải kể đến là công tác quy hoạch. Bản quy hoạch tổng thể 1/5.000[11] của Singapore phân rõ từng khu nhà cao tầng, trung bình, thấp tầng, những khu kiến trúc cổ cần phải bảo tồn để giữ gìn bản sắc dân tộc; cũng như việc kết nối hạ tầng (nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, điện, điện thoại...) do nhà nước đầu tư  được thực hiện từ năm 1971 cho đến nay. 

Trên cơ sở đó, vào tháng 6 năm 2018, Singapore ban hành kế hoạch chi tiết về chính quyền kỹ thuật số, xác định cách thức các cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước xây dựng nền quản trị thông minh nhằm trợ giúp hoặc hỗ trợ công dân, doanh nghiệp[2]. Các nền tảng công nghệ đã kết nối các cơ quan nhà nước với nhau và tạo cơ sở để Singapore xây dựng ứng dụng OneService, tích hợp tiện ích dịch vụ công của 11 cơ quan và 16 hội đồng thị trấn. Ứng dụng này đã giúp người dân dễ dàng tìm kiếm một đầu mối liên hệ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống, đồng thời giúp cho các cơ quan nhà nước có thể theo dõi và triển khai nhiệm vụ nhanh chóng hơn.

Nhằm tìm kiếm giải pháp xây dựng đô thị thông minh, chính quyền thành phố Singapore còn tạo ra “hệ sinh thái khởi nghiệp” cho phép và hỗ trợ các doanh nghiệp mới xây dựng những ý tưởng thông minh tập trung vào vận tải, nhà ở và môi trường, tăng năng suất kinh doanh, sức khỏe cộng đồng, dịch vụ công[4].

Có thể thấy rằng, các chính sách về đô thị thông minh sẽ khó phát huy tác dụng nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhận thức được điều đó, Singapore đã xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực trong đó chú trọng vào nâng cao kỹ năng sử dụng máy tính và các phần mềm, ứng dụng công nghệ cao cho học sinh, sinh viên [1, tr.3]. Ngoài ra, Singapore hiện đang hợp tác với các trường đại học hàng đầu trên thế giới, bao gồm cả Viện Công nghệ Massachusetts và Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich để phát triển các giải pháp phát triển con người thông minh theo kịp với những tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại.

Bên cạnh triển khai các giải pháp công nghệ thì chính quyền thành phố Singapore đã và đang phát triển hệ thống bảo mật Infocomm nhằm tạo dựng một môi trường an ninh mạng cho các tổ chức và người dân. Đây là cơ sở đã giúp Singapore trở thành “Trung tâm thông tin liên lạc tin cậy và mạnh mẽ” góp phần nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn Singapore là địa điểm chiến lược và an toàn để kinh doanh.

3. Một số giá trị tham khảo cho thủ đô Hà Nội

Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước. Nắm bắt thời cơ đó, chính quyền thành phố Hà Nội đã triển khai các kế hoạch xây dựng đô thị thông minh để nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của chính quyền các cấp, tận dụng tối đa các nguồn lực hiện có. Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố vẫn chưa thật sự đồng bộ; chất lượng cung cấp dịch vụ công còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục và cải thiện; nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn hạn chế... Vì vậy, dựa trên nghiên cứu tại Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Singapore, thành phố Hà Nội cần xây dựng chính sách phát triển đô thị thông minh hiệu quả, toàn diện trong giai đoạn hiện nay.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chuyên đề: "Đô thị thông minh - Hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì, sáng 22-10-2020, tại Hà Nội. (Ảnh: https://hanoimoi.com.vn)

Thứ nhất, xây dựng hệ thống quy hoạch chiến lược về đô thị thông minh

Việc quy hoạch đô thị thông minh tại Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng vẫn còn những bất cập cả về thể chế và phương pháp quản trị. Các phương châm thiết kế đô thị đưa ra nhiều dự báo đột phá trong tương lai nhưng lại thiếu các cơ sở tính toán đồng bộ trên nhiều mặt. Do đó, yêu cầu đặt ra cho thủ đô Hà Nội là xây dựng quy hoạch chiến lược theo phương thức định hướng, giám sát, điều chỉnh cơ chế vận hành một cách linh hoạt dựa trên sáu trụ cột phát triển đô thị thông minh để vừa bảo tồn văn hóa truyền thống vừa huy động được mọi nguồn lực cho quá trình tăng trưởng, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa.

Thứ hai, thành lập cơ quan chuyên trách quản lý dự án đô thị thông minh

Để có thể quản lý toàn diện các giải pháp đô thị thông minh, Hà Nội cần sớm thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng này trên địa bàn thành phố. Công việc của cơ quan chuyên trách quản lý dự án đô thị thông minh là lập kế hoạch, giám sát, hỗ trợ và đánh giá mức độ thành công của các sáng kiến nhằm đảm bảo sự đồng bộ. Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể về mục tiêu, thành phần và ngân sách rõ ràng để đảm bảo sự tự chủ cần thiết trong tổ chức, hoạt động của cơ quan này.

Thứ ba, đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin

Đề có thể bảo đảm tính bền vững của đô thị thông minh, thành phố Hà Nội cần đầu tư vào “hạ tầng ICT” như hệ thống cảm biến, hệ thống kết nối tốc độ cao, băng thông rộng, trung tâm dữ liệu công – tư và các ứng dụng quản trị. Từ đó sẽ giúp thu thập nhiều loại dữ liệu như chất lượng không khí, tình trạng giao thông, tình trạng sử dụng năng lượng mà không phải sử dụng nhân lực theo dõi, kiểm tra thường xuyên như hiện nay. Tuy nhiên, việc xây dựng “hạ tầng ICT” cần phù hợp với tình hình của thành phố và có sự tham vấn của các công ty công nghệ uy tín.

Thứ tư, tập trung giáo dục, nâng cao trình độ người dân

Thực tế đã chỉ ra rằng động lực thành công của các chiến lược đô thị thông minh là con người. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần cập trung giáo dục cư dân, nâng cao nhận thức về thành phố thông minh. Đồng thời, lồng ghép tin học hóa vào các chương trình giảng dạy từ cấp trung học cơ sở; mở các lớp tin học phổ cập, chuyên sâu cho các đối tượng đã, đang đi làm để họ có nền tảng tiếp nhận các ứng dụng công nghệ tiên tiến hiệu quả. Mặt khác, cần có cơ chế thu hút các nhà khoa học, chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước.

Thứ năm, tạo dựng môi trường kinh doanh thông minh

Để thành công phát triển kinh tế thông minh, thủ đô Hà Nội cần tạo dựng các cơ chế để các doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển thông qua những chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và cơ chế trao đổi thông tin. Ngoài ra, Hà Nội cần phải có cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như khu khoa học hoặc công nghệ và vườn ươm doanh nghiệp như mô hình tại đảo Sentosa (Singapore) để đưa ra các giải pháp công nghệ khả thi trong lĩnh vực giao thông, cảnh quan, môi trường và an ninh đối với đô thị.

Thứ sáu, đầu tư vào công nghệ giao thông vận tải

Giao thông đang là vấn đề còn nhiều hạn chế tại Hà Nội. Vì thế, để tạo động lực phát triển đô thị, cần huy động được sự quan tâm, đầu tư tài chính vào các công nghệ giao thông tiên tiến bằng cách phát triển phương tiện không hoặc giảm thiểu phát thải ra môi trường; định hướng cho cư dân tham gia giao thông công cộng... Đồng thời, cần phát triển các phần mềm hướng dẫn đỗ xe với chức năng thiết lập lộ trình thích hợp cho các phương tiện nhằm kiểm soát được tình hình giao thông.

Thứ bảy, tăng cường bảo đảm an ninh mạng

Hà Nội là thành phố dẫn đầu cả nước về tỉ lệ người sử dụng Internet với hơn 60% tổng số dân[3], tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an toàn, an ninh mạng. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, chính quyền thành phố cần nâng cao năng lực tự bảo vệ trên không gian mạng cũng như kịp thời xử lý các hành vi xâm phạm hệ thống thông tin – truyền thông nhằm giúp cho đô thị thông minh được vận hành và hoạt động hiệu quả.

Kết luận

Thực tế cho thấy, nhu cầu phát triển đô thị toàn diện mang lại tiện ích, an toàn cho người dân ngày càng trở lên cấp thiết. Do đó, trên cơ sở nghiên cứu và tìm hiểu các kinh nghiệm quốc tế, chính quyền thành phố Hà Nội cần tận dụng những lợi thế sẵn có để đưa ra kế hoạch phù hợp với từng giai đoạn phát triển hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Tài liệu tham khảo:

[1] Boon Siong Neo and Geraldine Chen (2007), Dynamic Governance: Embedding Culture, Capabilities and Changes in Sigapore, World Scientific Publishing.

[2] Digital Government Blueprint Summary: https://www.tech.gov.sg/files/digital-transformation/dgb_summary _june2018.pdf 

[3]H.T (2010), Hà Nội dẫn đầu cả nước về tỷ lệ truy cập mạng, http://hanoimoi.com.vn

[4] Lisa Smith (2018), A portrait of the smart nation Singapore, https://hub.beesmart.city

[5] OECD (2020), Smart Cities and Inclusive Growth.

[6] Oliver Gassmann (2019), Smart Cities: Introducing Digital Innovation to Cities, Emerald Publishing Limited, United Kingdom.

[7] Seoul Metropolitan Government (2020), Seoul E-Government, Korea.

[8]2018/19 Top 50 smart city government rankings: https://www.smartcitygovt.com/

[9] VOV Giao thông (2018), Tham vọng phát triển giao thông năng lượng sạch tại Anh, https://vovgiaothong.vn

[10] The IMD World Competitiveness Center, Smart City Index, 2019.

[11]Sở quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, Kinh nghiệm quản lý đô thị hiệu quả của Singapore, https://qhkt.hochiminhcity.gov.vn

[12] United Nations, UN-Habitat & New Urban Agenda, http://nua.unhabitat.org

Đọc thêm

KINH NGHIỆM XÂY DỰNG MÔ HÌNH CẤP XÃ ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG - GIÁ TRỊ THAM KHẢO CHO TỈNH NAM ĐỊNH

Tác giả: Trần Thị Thanh Mai - Lại Sơn Tùng

(GDLL) - Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong những tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, tỉnh Nam Định cùng các địa phương khác đã và đang tích cực triển khai xây dựng bộ tiêu chí trên. Bài viết làm rõ thực tiễn xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở một số địa phương, qua đó gợi mở một số giá trị tham khảo cho tỉnh Nam Định trong việc nâng cao hiệu quả công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh

Tác giả: PGS, TS NGUYỄN VĂN SỰ - NGUYỄN HOÀNG ANH

(LLCT) - Nghị quyết số 37 - NQ/TW ngày 01-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, nhằm khai thác, phát huy lợi thế của vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới... Bài viết tập trung làm rõ những thành tựu, hạn chế sau 15 năm Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 37, trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm để vận dụng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa XIII trong thời gian tới.

Vai trò "đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết" của ngành Tuyên giáo tỉnh Điện Biên

Tác giả: MÙA A SƠN

(TG) - Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, công tác Tuyên giáo phải tiếp tục đóng vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” đối với tiến trình cách mạng của quê hương, đất nước; phải luôn nỗ lực, chủ động, có nhiều phương thức sáng tạo, tăng khả năng dự báo, góp phần ổn định chính trị, tạo tiền đề để tỉnh Điện Biên phát triển, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm...

Bình Phước: Những kết quả nổi bật sau 2 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị

Tác giả: VŨ TIẾN ĐIỀN

(TG) - Sau hai năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhận thức về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Bình Phước tiếp tục được nâng lên rõ rệt, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, từ đó giúp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hành động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhất là công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh hiện nay*

Tác giả: NGUYỄN THỊ THÙY LINH

(GDLL) - Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước về thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Với chủ trương đúng đắn, cách làm khoa học, việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên còn một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Bài viết phân tích thực trạng việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.