Từ khóa: Học viên cao cấp lý luận chính trị; phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực; tổ chức thực hiện chương trình đào tạo cao cấp lý
luận chính trị.
PGS, TS Hoàng Văn Hoan, Phó Giám đốc Học viện
Chính trị khu vực I trao bằng tốt nghiệp cho học viên tại Lễ tốt nghiệp lớp cao
cấp lý luận chính trị hệ không tập trung khóa học 2018 - 2020 tổ chức tại Cao
Bằng
(Ảnh: http://caobangtv.vn)
Đặt vấn
đề
Tham nhũng là vấn nạn nhức nhối mà tất
cả các quốc gia trên thế giới đều
tập trung các nguồn lực để giải quyết một cách triệt để. Nhận thức được tác hại
của tham nhũng, tiêu cực đối với sự phát triển của đất nước, trong những năm
vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực.Phòng, chống tham nhũng
được xác định là có vai trò quan trọng đối với công cuộc xây dựng, phát triển
đất nước và xuyên suốt trong hệ thống quan điểm của Đảng qua các kỳ Đại hội
VIII, IX, X, XI, XII. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác
định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí
với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”; phòng
ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với hành vi tham nhũng với một phương
châm: “Sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó và không có “vùng cấm” trong phòng,
chống tham nhũng. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực việc nâng cao nhận thức của học viên cao cấp lý luận chính trị
về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức thực hiện chương trình đào
tạo là hết sức cần thiết.
1. Sự cần thiết phải nâng cao nhận thức của học viên cao cấp lý luận
chính trị về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực trong giai đoạn hiện nay
Theo Quy định
số 57-QĐ/TW ngày 08/2/2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp
đào tạo lý luận chính trị; học viên cao cấp lý luận chính trị là đảng viên
chính thức, tốt nghiệp đại học trở lên; cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ quân
đội, công an... Học viên cao cấp lý luận chính trị là và sẽ là những chủ thể
đặc biệt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể:
Thứ nhất, học viên cao cấp lý luận chính trị là chủ
thể quan trọng, chủ yếu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Với
vai trò là đảng viên, học viên cao cấp lý luận chính trị phải chấp hành, thực
hiện đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về phòng, chống tham
nhũng với tinh thần “đảng viên đi trước”. Đồng thời, học viên cao cấp lý luận
chính trị cũng là hạt nhân trong tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng; làm cho chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lan
tỏa trong xã hội. Với vai trò là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong
các cơ quan của hệ thống chính trị - là công bộc của nhân dân; tích cực phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là hoàn thành nghĩa vụ của bản thân mà góp
phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do
Nhân dân, vì Nhân dân.
Thứ hai, học viên cao cấp lý luận chính trị làm việc
trong các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong đó có nhiều vị trí việc làm
nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống tốt, năng lực
chuyên môn cao sẽ rất dễ “nhúng chàm” tham nhũng, tiêu cực. Thực tiễn trong 10
năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước
đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can,
truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các
tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố,
điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm
2.439 vụ/5.647 bị cáo. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố,
điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế
(trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can).
Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa 977 vụ
án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan
tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo
dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều
tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán
bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Đặc biệt thời gian gần đây, đã tập trung điều
tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây
thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng
khoán, trái phiếu doanh nghiệp[3].
2. Thực trạng nội dung chuyên đề phòng, chống tham nhũng trong chương
trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị
Mục tiêu đào
tạo cao cấp lý luận chính trị là cung cấp cho cán bộ trung, cao cấp của Đảng và
hệ thống chính trị, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các đơn vị sự nghiệp công lập,
doanh nghiệp nhà nước những kiến thức cơ bản, hệ thống, thực tiễn và hiện đại
về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ
trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; những vấn đề lý luận và
thực tiễn mới trong nước và quốc tế, các thành tựu nghiên cứu khoa học chính
trị, khoa học lãnh đạo quản lý và một số ngành xã hội - nhân văn. Hình thành và
phát triển phẩm chất, năng lực, tầm nhìn, tư duy chiến lược, nâng cao kỹ năng
lãnh đạo, quản lý và vận dụng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao
cấp của Đảng và hệ thống chính trị. Trên cơ sở mục tiêu đào tạo, khung chương trình
cao cấp lý luận chính trị xác định nhiều nội dung để thực hiện, trong đó có nội
dung về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay; cụ thể:
Trong học phần
Nhà nước và pháp luật, nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam
được thể hiện tại chuyên đề số 10, có thời lượng giảng dạy trực tiếp là 05
tiết. Chuyên đề này cung cấp cho học viên cao cấp lý luận chính trị những vấn
đề lý luận về phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực như khái niệm, đặc điểm, vai trò, phương thức và các điều kiện bảo đảm
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực tiễn và định hướng phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Dựa vào các đơn vị kiến thức nêu trên, cần xác
định các nội dung cốt lõi cung cấp cho học viên cao cấp lý luận chính trị đó là
các nội dung của phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; quan điểm của Đảng Cộng sản
Việt Nam về nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cán bộ lãnh
đạo, quản lý cần phải làm gì để thực hiện các quan điểm của Đảng tại địa
phương, đơn vị công tác. Thông qua các vấn đề cốt lõi này, giúp cho học viên
nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
có quan điểm đúng đắn và tin tưởng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
Bên cạnh một
chuyên đề mang tính chất chuyên sâu, vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
còn được lồng ghép trong tất cả các học phần của chương trình cao cấp lý luận
chính trị; cũng như ở tuần sinh hoạt chính trị đầu khóa, sinh hoạt chuyên đề
với các nội dung nhận diện đấu tranh, phòng, chống các biểu hiện suy thoái về
chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
học tập và công tác; nâng cao chất lượng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ học tập và công tác...
Đánh giá
chung:
- Nội dung chuyên
đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chương trình cao cấp lý luận chính
trị tương đối toàn diện, cung cấp cho học viên một cách bài bản về phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực, từ những vấn đề lý luận đến thực tiễn, trên cơ sở đó có
những định hướng, giải pháp khắc phục khó khăn trong quá trình triển khai.
- Phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực không chỉ được đề cập ở một chuyên đề mà hầu hết chương
trình cao cấp lý luận chính trị đều có những khía cạnh ít nhiều tiếp cận vấn đề
này, có tác động định hướng cho học viên nhận thức được tầm quan trọng của
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cũng như tự ý thức phải tu dưỡng, rèn luyện
bản lính chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn.
- Chuyên đề
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay trong học phần Nhà nước
và pháp luật mặc dù được xác định là chuyên đề mang tính chất chuyên sâu, cung
cấp một lượng kiến thức khoa học, đầy đủ nhất; song, thực tế thời lượng 05 tiết
là ít; bởi lẽ, đây là vấn đề có tính chất thời sự, điểm nóng; hơn nữa trong các
chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác ít được tiếp cận. Để học viên có thể nắm
bắt được hệ thống lý luận, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước; qua đó hình thành, bồi dưỡng, phát triển, rèn luyện các kỹ năng trong
công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần nhiều thời lượng hơn cho chuyên
đề này.
3. Một số đề xuất nhằm nâng cao nhận thức của học viên cao
cấp lý luận chính trị về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện
nay
Thứ nhất, đề xuất về chương trình, nên tăng cường
thời lượng cho chuyên đề phòng, chống tham nhũng và tiêu cực. Vì: (i) Ý
nghĩa của chuyên đề này đối với đối tượng học viên cao cấp lý luận chính trị
như đã phân tích ở phần trên. (ii) Khác
với các chuyên đề khác, học viên có thể đã được tiếp cận và tham gia nhiều
trong các chương trình đào tạo, thì chuyên đề phòng, chống tham nhũng và tiêu
cực là chuyên đề có tính chất cá biệt và thời sự hơn nên ít được đưa vào hệ
thống các chương trình đào tạo. Do vậy cần một dung lượng thời gian đủ để học
viên nắm bắt được ý nghĩa, khung lý thuyết và hệ thống quan điểm của Đảng, pháp
luật của Nhà nước và đặc biệt là những vấn đề thực tiễn rất nóng về công tác
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Kỹ năng và các biện pháp kỹ thuật
trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất tinh vi, phức tạp và hiện đại, do
vậy, luật pháp quốc tế, kinh nghiệm quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ là
vấn đề quan trọng bảo đảm cho hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực. Với những lý do trên, việc tăng thêm
thời lượng, nội dung và kỹ năng cho chuyên đề này là cần thiết trong chương
trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị.
Thứ hai,
trong tổ chức thực hiện chương trình nên nhấn mạnh thêm một số nội dung sau:
- Trong tuần
sinh hoạt chính trị đầu khóa, cùng với việc tìm hiểu mục tiêu và cách thức của
khóa học, học viên cần nhận diện tình hình tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan,
đơn vị và địa phương mình. Đây được coi như vấn đề thực tiễn của cuộc sống để
trong quá trình đào tạo, các chủ thể cùng hướng đích và tìm các giải pháp tháo
gỡ. Sau khóa học học viên nhìn nhận lại vấn đề mình đã đề xuất và so sánh cách
thức giải quyết lúc trước khi tham gia khóa học và cách thức giải quyết sau khi
tham gia khóa học. Qua đó giúp học viên điều chỉnh những nhận thức chưa đúng,
bổ sung những nhận thức còn thiếu và đưa ra cách giải quyết vấn đề hiệu quả
trên cơ sở nắm chắc được lý luận.
- Việc tổ chức
huấn luyện và đánh giá rèn luyện của học viên nên được coi trọng ngang tầm với
việc đánh giá kiến thức. Như chúng ta biết một trong những nguyên nhân gốc của
tham nhũng, tiêu cực là vấn đề đạo đức của người có chức vụ quyền hạn. Vậy mục
tiêu của chương trình đào tạo cao cấp là huấn luyện cán bộ cần, kiệm, liêm
chính, chí công vô tư, cống hiến và phụng sự.
- Việc tổ chức
đi thực tế nên hướng học viên tìm hiểu và đề xuất giải pháp liên quan đến phòng,
chống tham nhũng và tiêu cực. Với đối tượng học viên đặc thù, chúng ta có thể
cho họ tìm hiểu sâu hơn về hệ thống dữ liệu thực trạng đấu tranh chống tham nhũng,
tiêu cực qua các vụ án lớn và nóng thông qua số liệu, tham gia phiên tòa xét
xử, thăm trại giam... nhằm nâng cao nhận thức và có tác dụng răn đe. Có thể cho
học viên tham quan học hỏi kinh nghiệm hay thông qua việc ứng dụng khoa học
công nghệ, các vụ án quốc tế, kinh nghiệm quốc tế...
- Trong chương
trình học tập các chuyên đề và nghe thời sự nên thiết kế và mời các báo cáo
viên chuyên sâu về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay để cung cấp cho
học viên một bức tranh thực trạng đầy đủ và sát thực nhất về vấn nạn tham nhũng,
tiêu cực trong và ngoài nước.
- Trong thiết
kế chuẩn đầu ra, đề cương, câu hỏi đánh giá của 19 môn học hiện nay cũng nên
hướng đến nội dung phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.
- Bên cạnh
điều kiện xét tốt nghiệp theo quy chế quy định như hiện nay, nên chăng bổ sung
thêm một yêu cầu đó là cam kết không thực hiện hành vi tham nhũng và tiêu cực.
Và nếu mỗi học viên cao cấp lý luận chính trị đều cam kết như vậy thì tạo ra
một sức mạnh nội lực mạnh mẽ bên trong mỗi học viên, bên trong đội ngũ cán bộ sử
dụng quyền lực nhà nước. Như vậy, lúc này nhận thức đã được chuyển biến mạnh mẽ
sang hành động và tạo hiệu ứng, sự lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị. Qua
đó góp phần hình thành văn hóa không tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, phát huy vai trò làm gương của cơ sở đào
tạo trong phòng, chống tham nhũng. Học viên có thể học tập mô hình về phòng,
chống tham nhũng từ chính mô hình của cơ sở đào tạo.
Kết
luận
Tham nhũng,
tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Tham nhũng, tiêu cực diễn ra
trong nội bộ, do người có chức vụ quyền hạn thực hiện. Phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong tổ
chức, đơn vị, địa phương mình. Do đó người được giao giữ chức vụ, quyền hạn
phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa đồng thời
phải tăng cường kiểm soát quyền lực, xây dựng và hoàn thiện thể chế của Đảng và
Nhà nước để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng.
Nhận thức đúng đắn và chuyển hóa thành hành động không tham nhũng, tiêu cực của
đội ngũ học viên cao cấp lý luận sau khi tốt nghiệp có ý nghĩa then chốt trong công cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
[1] Đảng
Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà
Nội.
[2] Đảng
Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, tập II,Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật,
Hà Nội.
[3] Hiền
Hòa - Phạm Cường, Nhiều kết quả nổi bật sau 10 năm phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực, https://dangcongsan.vn
[4] Hồ Chí
Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[5] Học
viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2020), Mối quan hệ giữa xây dựng Đảng về
chính trị, tư tưởng, tổ chức với xây dựng Đảng về đạo đức, Nxb. Lý
luận chính trị, Hà Nội.
[6] Nguyễn
Phú Trọng (2017), Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất
nước, Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội.