
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp
với lực lượng Kiểm ngư Vùng III lai dắt tàu cá bị hỏng máy vào bờ an toàn -
Ảnh: nld.vn
1. Khái niệm an ninh con người
Khái niệm “an ninh con người” (tiếng Anh
- human security) tuy mới xuất hiện vào thập niên 90 thế kỷ XX, nhưng đã chiếm
một vị trí quan trọng trong bốn lĩnh vực an ninh chủ yếu, cùng với an ninh quốc
gia, an ninh công cộng và an ninh phi truyền thống(1).
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) lần đầu tiên đưa cụm từ “an ninh
con người” vào Báo cáo phát triển con người năm 1994. Báo cáo định nghĩa an
ninh con người (ANCN) là “sự an toàn trước các mối đe dọa kinh niên như đói
kém, bệnh tật và áp bức; bảo vệ khỏi sự gián đoạn đột ngột và gây tổn hại trong
cuộc sống hàng ngày, cho dù tại nơi làm việc, ở nhà hay trong các cộng đồng”.
Báo cáo cũng chỉ rõ, an ninh con người được hình thành từ bảy thành tố cơ bản,
bao gồm: (i) an ninh kinh tế; (ii) an ninh lương thực; (iii) an ninh y tế; (iv)
an ninh môi trường; (v) an ninh cá nhân; (vi) an ninh cộng đồng; (vii) an ninh
chính trị.
Bảy thành tố cấu thành nêu trên thể hiện
khá toàn diện các khía cạnh của an ninh con người. Thực tế cho thấy, đây cũng
chính là các lĩnh vực tập trung hầu hết các mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại
và phát triển bền vững của cá nhân con người. Cách tiếp cận đa chiều này cho
phép có cái nhìn hệ thống và đánh giá được tính chất, mức độ các mối đe dọa, từ
đó xây dựng cách thức ứng phó hiệu quả các nguy cơ đe dọa an ninh và phát triển
bền vững của con người. Cho đến nay, khái niệm an ninh con người nêu trên đã
được chấp nhận bởi nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia, từng bước trở thành công
cụ hữu hiệu góp phần bảo vệ cuộc sống, phẩm giá và sự phát triển bền vững của
con người.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “an ninh con người”
lần đầu tiên được đề cập và ghi nhận trong Văn kiện Đại hội XII. Đại hội nêu ra
sáu nhiệm vụ trọng tâm của đất nước, trong đó có nội dung “tăng cường quản lý
phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người”(2).
Đại hội XIII dự báo tình hình an ninh và phát triển của Việt Nam sẽ gặp những
thách thức trên nhiều phương diện, lĩnh vực: “Những vấn đề toàn cầu, như: bảo
vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh
phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô
nhiễm môi trường,... tiếp tục diễn biến phức tạp”(3).
Tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán về sự gắn kết giữa phát triển kinh tế
với phát triển xã hội, phát triển con người và bảo đảm an ninh con người, Định
hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 nhấn mạnh: “Quản lý phát triển xã
hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người”; “Giữ
vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an
ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”(4).
Như vậy, quan điểm nhất quán của Đảng
trong việc xác định con người là chủ thể sáng tạo của phát triển xã hội, quản
lý phát triển xã hội đều vì hạnh phúc của con người và phục vụ con người. Trong
nhiệm vụ trọng tâm thứ tư, Đại hội XIII xác định là “thực hiện tốt chính sách
xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ
trong quản lý phát triển xã hội”(5). Đại hội XIII đặt ưu
tiên cao với các mục tiêu xã hội và mục tiêu phát triển con người, vì con người
và do con người, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển. Đây là một biểu
hiện sinh động của đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi
lên CNXH phù hợp với tiến trình lịch sử của nhân loại và thực tiễn cách mạng
Việt Nam.
2. Những thách thức đối với việc bảo đảm
an ninh con người ở Việt Nam hiện nay
Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của
Việt Nam đã và đang tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít nguy cơ, thách thức
ảnh hưởng tới tiến trình phát triển của quốc gia và bảo đảm an toàn của người
dân. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra:
“Quản lý phát triển xã hội và giải quyết
một số vấn đề xã hội chưa được quan tâm đúng mức, chưa được kết hợp đồng bộ,
chặt chẽ trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa; thể chế quản lý xã hội
còn nhiều hạn chế; tình trạng gia tăng tội phạm, tệ nạn, tiêu cực, mâu thuẫn,
xung đột xã hội... ở một số nơi chậm được khắc phục, gây bức xúc trong dư luận
nhân dân. Giảm nghèo chưa bền vững, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề
phân hóa giàu - nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, kiểm soát và xử lý
các mâu thuẫn, xung đột xã hội. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu,
vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập.
Chính sách tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã
hội có mặt còn hạn chế; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất
nước chưa hài hòa”(6). Những thách thức trong việc bảo đảm an
ninh con người ở Việt Nam thể hiện trên một số khía cạnh cụ thể như sau:
- An ninh kinh tế thường được hiểu là
việc bảo đảm cho cá nhân có được mức thu nhập ổn định trước các mối đe dọa.
Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương bảo đảm mức thu nhập cơ bản của
con người. Đại hội XIII nhận định: “Mặc dù năm cuối nhiệm kỳ, đại dịch Covid-19
và thiên tai, bão lũ nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền Trung đã tác
động nặng nề tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhưng tốc độ tăng
trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 vẫn đạt khoảng 6%/năm (riêng năm
2020 đạt 2,91%, là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới). Quy mô nền
kinh tế và thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD”(7).
Theo đó, mức sống của người dân từng bước được nâng lên. Đến năm 2021, tổng số
hộ nghèo là 609.049 hộ, tỷ lệ 2,23%; tổng số hộ cận nghèo là 850.202 hộ và tỷ
lệ 3,11%(8). Thành tựu về xóa đói, giảm nghèo của
Việt Nam trong thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ đã được Liên hợp quốc và cộng
đồng quốc tế công nhận.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn
nhiều hạn chế, yếu kém. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của
nền kinh tế chưa cao(9). Chính sách tiền lương chậm được cải
cách; tiền lương của đại bộ phận cán bộ công chức, viên chức, người lao động
thấp; lương tối thiểu chưa bảo đảm đủ mức sống tối thiểu. Tỷ lệ người lao động
làm các công việc không ổn định còn nhiều. Tỷ lệ lao động khu vực phi chính
thức còn cao, thiếu chế tài để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động ở
khu vực này. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng
bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã
làm tăng thêm tình trạng thất nghiệp, mất việc làm. Tính riêng quý III năm
2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng
tiêu cực của đại dịch Covid-19; trong đó, có 4,7 triệu người bị mất việc (chiếm
16,5%); 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh (chiếm
51,1%); 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ
luân phiên (chiếm 42,7%) và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập (chiếm 67,2%)(10).
Rõ ràng, khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 đã đặt ra thách thức mới trong thực
hiện mục tiêu việc làm bền vững của đất nước.
- An ninh lương thực có thể hiểu là số
lượng lương thực, thực phẩm có sẵn đủ để cung cấp mọi nhu cầu ở bất cứ nơi nào
và bất cứ lúc nào, điều kiện và khả năng của người được cung cấp có thể tiếp
nhận lương thực, thực phẩm mà không gặp khó khăn. Cho đến nay, Chính phủ Việt
Nam luôn coi trọng việc bảo đảm an ninh lương thực. Thực hiện Kết luận số
53-KL/TW ngày 5-8-2009 của Bộ Chính trị về Đề án An ninh lương thực quốc gia
đến năm 2020 và Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23-12-2009 của Chính phủ về bảo đảm
an ninh lương thực quốc gia, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn
diện và là quốc gia bền vững an ninh lương thực cao hơn nhiều quốc gia cùng
trình độ phát triển ở châu Á.
Tuy vậy, tác động của biến đổi khí hậu
tiếp tục đe dọa đến sản xuất lương thực trong nước. Việt Nam đứng trong top đầu
về xuất khẩu nông sản nhưng an ninh lương thực chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia(11).
Một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, việc tiếp
cận nguồn lương thực cơ bản vẫn còn khó khăn, chưa bảo đảm chất dinh dưỡng cho
một cuộc sống khỏe mạnh.
- An ninh y tế (sức khỏe) thường được
định nghĩa là sự bảo đảm cơ hội tiếp cận hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cho
người dân. Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều chính sách và giải pháp nâng
cao chất lượng và điều kiện chăm sóc y tế cho người dân. Hệ thống y tế dự phòng
và mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và phát triển. Từng bước giải
quyết được tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên và tăng cường thực hiện các
giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; phát triển và nhân rộng mô hình
bác sĩ gia đình. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và
chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám,
chữa bệnh trực tiếp, từ xa. Tính đến hết ngày 31-12-2021, số người tham gia bảo
hiểm y tế hơn 88,8 triệu người, tăng 0,9% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ
91,01% dân số(12).
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên,
chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản còn
có sự chênh lệch khá lớn giữa các tuyến và giữa các vùng, miền. Kết cấu hạ
tầng, trang thiết bị y tế một số nơi thiếu, chưa đạt tiêu chuẩn. Công tác quản
lý thuốc chữa bệnh còn lỏng lẻo, nhất là tuyến cơ sở. Việc khắc phục tình trạng
quá tải bệnh viện còn chậm, nhất là tuyến cuối. Công tác y tế dự phòng có mặt
còn bất cập. Quản lý nhà nước về hoạt động y tế tư nhân, thuốc chữa bệnh, vệ
sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém.
- An ninh môi trường thường được quan
niệm là việc tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, không khí sạch và đất đai không
bị bạc màu; đồng thời, là sự an toàn của con người trước thiên tai và các sự cố
môi trường. Trong những năm qua, hoạt động cung cấp nước sạch cho khu vực nông
thôn được Nhà nước hết sức quan tâm nhưng tỷ lệ tiếp cận nước sạch của người
dân nông thôn còn thấp. Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ người dân nông thôn được
sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 57 triệu người (88,5%), trong đó tỷ lệ sử
dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02: 2009/BYT của Bộ Y tế đạt khoảng 33 triệu
người (51,7%) với 41,6% từ công trình cấp nước tập trung và 10% từ công trình
cấp nước quy mô hộ gia đình(13).
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu
ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, những năm qua, Chính phủ chú trọng nâng
cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai nhằm góp phần chủ động phòng, chống và
giảm thiểu thiệt hại thiên tai, biến đổi khí hậu; triển khai thực hiện Kế hoạch
thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Kế hoạch quốc gia thích ứng
với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chất lượng dự báo, nguồn lực và năng lực
phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu. Tình
trạng ngập úng ở một số thành phố lớn diễn biến ngày càng phức tạp; các hiện
tượng như bão lụt, lũ quét, hạn hán... hàng năm liên tiếp xảy ra trên phạm vi
cả nước, gây thiệt hại nặng nề đến đời sống dân cư và hạ tầng cơ sở. Các vụ sạt
lở đất trong thời gian gần đây tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên
Huế), huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), xã Trà Leng - huyện Nam Trà My và xã Phước
Lộc - huyện Phước Sơn (Quảng Nam)... đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người
dân, cán bộ, chiến sĩ.
- An ninh cá nhân thường được hiểu là
việc bảo vệ an toàn cho cá nhân khỏi các hành vi bạo lực về thể chất và tinh
thần. Hiện tại, các quyền, tự do an ninh cá nhân và các quyền riêng tư của con
người đã được ghi nhận khá đầy đủ tại Chương 2 - Hiến pháp năm 2013, Bộ luật
Hình sự, Bộ luật Dân sự và nhiều luật chuyên ngành khác. Đây là cơ sở pháp lý
quan trọng trong việc bảo vệ, bảo đảm người dân khỏi các mối đe dọa hoặc xâm
phạm an ninh con người.
Trên thực tế, tình hình an ninh trật tự
và an toàn xã hội trên một số địa bàn còn phức tạp. Tình hình tội phạm và tệ
nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm giết người, tội phạm
xâm phạm sở hữu, tội phạm mua bán người, tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ
cao... Đặc biệt, bạo lực học đường và bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng và
trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong các đợt giãn cách xã
hội do đại dịch Covid-19, số lượng các cuộc gọi phản ánh bạo lực gia đình tăng
cao bất thường, trong đó phụ nữ và trẻ em bị bạo hành là chủ yếu.
- An ninh cộng đồng hàm ý một trật tự xã
hội và sự an toàn của các cộng đồng dân cư khỏi các mối đe dọa hoặc xung đột xã
hội, cũng như cơ hội phát triển các giá trị cốt lõi của cộng đồng. Trên thực
tế, an ninh cộng đồng có thể bị tác động bởi nhiều mối đe dọa khác nhau; đặc
biệt, các hành vi tiêu cực (vi phạm pháp luật) do cá nhân hoặc pháp nhân (tổ
chức) thực hiện với phương thức và thủ đoạn mới ảnh hưởng bất lợi đến cộng đồng
xã hội. Nhận diện rõ những mối đe dọa này, Đại hội XIII của Đảng đã định hướng
“củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa vào dân, thực hiện tốt công tác vận
động quần chúng tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với thế trận quốc
phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc”, “xử lý hài hòa các vấn đề
dân tộc tôn giáo, bức xúc xã hội, không để xảy ra các “điểm nóng””, “Kịp thời
đấu tranh trấn áp hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức,
xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, các băng nhóm tội phạm ma túy,
có vũ trang...”(14).
Cùng với sự phát triển của đời sống kinh
tế - xã hội, số lượng các xung đột xã hội đang có xu hướng gia tăng ở một số
vùng miền trong cả nước trên một vài lĩnh vực, tính chất của các xung đột xã
hội cũng phức tạp hơn. Điển hình như các xung đột, những tranh chấp liên quan
đến đất đai, xung đột giữa các cộng đồng dân cư với các công ty, doanh nghiệp
hủy hoại môi trường; xung đột trong gia đình giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và
con cái, giữa các anh chị em... Những xung đột này tạo ra sự bất an trong cuộc
sống cộng đồng dân cư.
- An ninh chính trị được hiểu theo nghĩa
con người phải được sống trong một môi trường chính trị - xã hội có sự tôn
trọng về phẩm giá và quyền con người được tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ. Nói
cách khác, an ninh chính trị gắn liền với sự bảo đảm tôn trọng các yếu tố cơ
bản của con người; đồng thời, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan
nhà nước và công chức.
Trong thời gian qua, trên cơ sở khuôn khổ
pháp lý thúc đẩy quyền công dân, Chính phủ quán triệt các cơ quan công quyền
phải tuân thủ tính công khai và minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành và
cung ứng dịch vụ công; đồng thời, xây dựng cơ chế pháp lý bảo đảm người dân
tương tác hiệu quả với cơ quan nhà nước thông qua các kênh tiếp cận thông tin
chính xác, kịp thời.
Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: phát
huy dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân
giám sát, dân thụ hưởng”(15). Đây không chỉ là sự đúc kết từ thực
tiễn thực hành dân chủ, mà còn là bước tiến mới trong nhận thức về quyền của
người dân trong kiểm soát đối với hoạt động của cơ quan công quyền.
Tuy nhiên, một vài địa phương trong một số
thời điểm vẫn để xảy ra tình trạng xung đột xã hội, chẳng hạn các vụ xung đột
tại các trạm thu phí BOT, xung đột trong lĩnh vực đất đai. Bên cạnh đó, thực
hành dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật vẫn còn nhiều bất cập;
“Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện
dân chủ hình thức”(16).
3. Một số giải pháp góp phần bảo đảm an
ninh con người ở Việt Nam trong thời gian tới
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho đội ngũ
cán bộ, công chức và nhân dân về an ninh con người
Việc trang bị đầy đủ và đúng đắn kiến
thức về an ninh con người có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh quốc tế
và trong nước xuất hiện nhiều thách thức đối với việc bảo đảm an ninh con
người. Với hệ thống tri thức và phương pháp tiếp cận dựa trên an ninh con
người, quá trình hoạch định chính sách và thực thi pháp luật của các chủ thể
công quyền sẽ toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn; cho phép xử lý hài hòa giữa
phát triển con người với phát triển đất nước, giữa an ninh cá nhân, an ninh
cộng đồng với an ninh quốc gia. Đối với công dân, khi hiểu biết thấu đáo về an
ninh con người sẽ giúp hạn chế hoặc tránh bị lôi kéo bởi các chiêu bài lợi dụng
“dân chủ”, “nhân quyền”; đồng thời, có thể tự bảo vệ hoặc yêu cầu các chủ thể
công quyền bảo vệ khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Thứ hai, bảo đảm nền kinh tế phát triển
nhanh và bền vững
An ninh con người được bảo đảm một cách
tối ưu dựa trên một nền kinh tế tăng trưởng ổn định, chất lượng, năng suất,
hiệu quả và gắn với phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội. Muốn vậy,
tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã
hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên năng suất, tiến bộ
khoa học và công nghệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên nguồn lực
phát triển hạ tầng miền núi, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc
gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ. Các chiến lược
và chính sách phát triển kinh tế - xã hội không chỉ nhằm thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế, mà còn bảo đảm phân phối những thành quả tăng trưởng kinh tế theo
hướng công bằng, hài hòa lợi ích và tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội.
Thứ ba, chú trọng công tác xóa đói, giảm nghèo
bền vững, tạo việc làm cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân
dân
Công cuộc đổi mới và phát triển đất nước
luôn hướng tới mục tiêu người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Khát
vọng phát triển đất nước đặt ưu tiên cao với mục tiêu phát triển con người toàn
diện, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển. Trên nền tảng tư duy này,
các chính sách quốc gia cần gắn kết hài hòa giữa kinh tế, chính trị, xã hội và
phát triển con người; chăm lo tốt hơn phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm, xóa
đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân
dân. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành sớm và có chất lượng các mục tiêu,
chương trình vì sự phát triển bền vững, vì con người; tạo mọi điều kiện và hỗ
trợ người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương, tiếp cận bình đẳng các nguồn
lực và các dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời, triển khai đồng bộ và hiệu quả các
giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng
sâu, vùng xa.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống chính sách an
sinh xã hội, nhất là chính sách về bảo hiểm
Ở Việt Nam hiện nay, hệ thống chính sách
an sinh xã hội giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của người dân, đặc
biệt là các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất
nghiệp. Hệ thống chính sách bảo hiểm do Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, tạo ra
một mạng lưới an toàn nhiều tầng cho tất cả các thành viên và các nhóm xã hội,
nhất là các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương khi bị suy giảm hoặc mất nguồn
thu nhập, khi gặp rủi ro, hoạn nạn, đau ốm, bệnh tật... Tuy nhiên, hệ thống
chính sách bảo hiểm cũng đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập; đặc biệt là mức
độ bao phủ của hệ thống bảo hiểm chưa thật cao, đối tượng còn hẹp. Hướng đến
một hệ thống bảo hiểm bền vững và thích ứng kịp thời với xu hướng già hóa dân
số, diễn biến khó lường của thiên tai và dịch bệnh trong tương lai, cần đẩy
nhanh tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội và lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn
dân, hướng tới bảo đảm tất cả người dân được khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm
y tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hệ thống quản lý, giám sát thu - chi và
hoạt động đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm sự bền vững của hệ thống
và tránh nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm.
Như vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo
cách mạng Việt Nam, Đảng ta quan tâm đặc biệt đến an ninh con người và sự phát
triển toàn diện con người. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định nhân tố
con người là trung tâm của sự phát triển và bảo đảm an ninh con người vừa là
mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực cho sự ổn định chính trị - xã hội và phát
triển đất nước hùng cường, thịnh vượng. Để “quản lý phát triển xã hội có hiệu
quả, nghiêm minh”, cần quán triệt đầy đủ định hướng của Đảng ta về bảo đảm an
ninh con người để từ đó xây dựng một hệ thống giải pháp tổng thể và đồng bộ
trên nền tảng cơ sở lý luận và thực tiễn thống nhất.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 535 (tháng 9-2022)
_________________
(1)
Đặng Xuân Thanh, Đào Thị Minh Hương: Bảo đảm an ninh con
người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.32.
(2)
ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,
2016, tr.219.
(3), (4), (5) (6),
(7), (9), (14), (15), (16) ĐCSVN: Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị
quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.106-107, 116-117, 202, 85-86, 60-61, 80,
281, 173, 89.
(8)
Quyết định số 125/QĐ-LĐTBXH ngày 22-2-2022 công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ
cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn
2016-2020.
(10)
Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và đầu tư: Báo
cáo tác động của đại dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý III năm
2021.
(11)
https://thesaigontimes.vn/an-ninh-luong-thuc-khong-phai-chi-la-so-luong-lua-gao/,
truy cập ngày 08-3-2022.
(12)
https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/hoat-dong-he-thong-bao-hiem-xa-hoi.aspx?,
truy cập ngày 08-3-2022.
(13)
https://laodongthudo.vn/den-bao-gio-100-nguoi-dan-nong-thon-duoc-dung-nuoc-sach-128935.html,
truy cập ngày 08-3-2022.