Thứ Ba, ngày 31/01/2023, 13:39

Nhận diện, đấu tranh chống thủ đoạn lợi dụng, xuyên tạc vấn đề dân tộc ở Việt Nam của các thế lực thù địch

NGUYỄN THỊ THÊU
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Lợi dụng vấn đề dân tộc dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền là một trong những hướng tấn công của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bài viết góp phần nhận diện, đấu tranh chống thủ đoạn lợi dụng, xuyên tạc vấn đề dân tộc ở Việt Nam của các thế lực thù địch, bảo vệ quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về vấn đề dân tộc trong tình hình mới.

Từ khóa: Thế lực thù địch; thủ đoạn lợi dụng, Việt Nam; xuyên tạc vấn đề dân tộc.

Một số người theo đạo lạ đang được cán bộ Công an tỉnh Lai Châu

 phân tích về những âm mưu và luận điệu sai trái

(Ảnh: https://cand.com.vn)

Đặt vấn đề

Việt Nam là quốc gia đa tộc người. Bước vào công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, trong những năm qua do ảnh hưởng của các yếu tố quốc tế và đặc điểm các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, thế lực thù địch thường lợi dụng vấn đề dân tộc ở Việt Nam để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bài viết nhận diện những thủ đoạn lợi dụng, xuyên tạc vấn đề dân tộc ở Việt Nam của các thế lực thù địch, đồng thời làm nổi bật cơ sở lý luận và thực tiễn khách quan để đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc này, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả của cách mạng Việt Nam.

1. Nhận diện những thủ đoạn lợi dụng, xuyên tạc vấn đề dân tộc ở Việt Nam của các thế lực thù địch

Thứ nhất, trong những năm qua, thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc khái niệm "quyền dân tộc tự quyết" trong Cương lĩnh dân tộc của V.I.LêNin để đánh tráo và đồng nhất khái niệm quyền dân tộc tự quyết là quyền của quốc gia - dân tộc, đồng thời là quyền của các dân tộc thiểu số. Những thủ đoạn của chúng được thể hiện dưới một số điểm chủ yếu sau:

Các thế lực thù địch tuyên truyền luận điệu cho rằng các dân tộc thiểu số trong một quốc gia - dân tộc có quyền tự do phân lập, tách ra thành lập một quốc gia dân tộc độc lập. Chúng ra sức truyền bá, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cố tình gọi một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc như “Người Thượng”, Chăm, Khmer, Mông... là “dân tộc bản địa”. Mục đích nhằm đánh tráo khái niệm ghi tại Điều 1 đến Điều 5 của Tuyên ngôn Liên hợp quốc về quyền của các dân tộc bản địa: “Các dân tộc bản địa có quyền tự quyết. Trên tinh thần đó họ có quyền tự do quyết định tình trạng chính trị và tự do mưu cầu phát triển về kinh tế, xã hội và văn hóa”, để từ đó thúc đẩy hoạt động chống phá, bạo loạn, lật đổ chính quyền nhân dân, gây mất an ninh trật tự để đòi “li khai”, thành lập các “nhà nước”, “vương quốc” riêng.

Bên cạnh đó, chúng còn vận động các tổ chức quốc tế vào các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nắm tình hình rồi xuyên tạc thực tế, vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp người dân tộc thiểu số, vi phạm dân chủ, nhân quyền, qua đó, hòng gây sức ép yêu cầu Nhà nước Việt Nam phải trao quyền “dân tộc tự quyết” cho người dân tộc thiểu số.

Thứ hai, các thế lực thù địch tìm cách mua chuộc, lôi kéo đồng bào các dân tộc vượt biên trái phép; lợi dụng mối quan hệ đồng tộc, thân tộc để kích động một bộ phận đồng bào người Mông di cư sang Lào, Thái Lan, Trung Quốc gây mất ổn định chính trị, xã hội, tạo điều kiện cho các thế lực bên ngoài can thiệp vào. Cụ thể, trong những năm qua, các thế lực thù địch đã lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số thành lập các tổ chức như “Nhà nước Tin lành Đề-ga” ở Tây Nguyên, “Vương quốc Khmer Krom” ở Tây Nam Bộ, "Vương quốc Mông" ở Tây Bắc. Từ năm 2006 đến nay, hoạt động ly khai thành lập "Vương quốc Mông" hoạt động rất phức tạp. Cùng với việc kích động, lôi kéo người dân di cư trái pháp luật, các đối tượng còn lập các trung tâm huấn luyện tại Myanmar, Trung Quốc để đào tạo lực lượng cho "Nhà nước Mông" tiến hành các hoạt động tác động vào trong nước. Ở khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các đối tượng cũng tích cực lợi dụng quan hệ đồng tộc ở Campuchia để tạo chỗ đứng, tiến hành các hoạt động móc nối với các phần tử cực đoan ở Campuchia để tiến hành các hoạt động chống phá, ly khai từ bên trong[1, tr.140 - 141]. Bên cạnh đó, các tổ chức người Việt lưu vong ở nước ngoài như: "Hội người Mông thế giới", "Hội người Thượng Đề-ga"... tích cực tài trợ, chỉ đạo một số đối tượng trong nước thu hút, tập hợp lực lượng, phản động nhằm mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam; kích động một bộ phận đồng bào các dân tộc chống lại chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách dân tộc của Nhà nước; gây mất ổn định chính trị, xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ ba, các thế lực thù địch lợi dụng kênh ngoại giao song phương, đa phương, hợp tác quốc tế với Việt Nam để lồng ghép vấn đề “cải thiện dân chủ, nhân quyền” trong các nội dung hợp tác với nước ta; gây sức ép về vấn đề quyền của người dân tộc thiểu số, đòi “quyền dân tộc tự quyết” cho các nhóm dân tộc thiểu số trong quan hệ với Việt Nam; lợi dụng quyền dân tộc tự quyết làm điều kiện trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam; gắn vấn đề viện trợ, hợp tác kinh tế với việc đòi Nhà nước Việt Nam trao “quyền tự quyết, tự quản” cho các dân tộc thiểu số ở trong nước, qua đó can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Có thể nói, những luận điệu, thủ đoạn trên là hoàn toàn xuyên tạc, bịa đặt chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với người dân, người dân tộc thiểu số. Chúng xuyên tạc vấn đề dân tộc ở Việt Nam, vu cáo Đảng và Nhà nước đàn áp người dân tộc thiểu số, tạo ra những nhận thức sai lệch để các chính phủ, các tổ chức quốc tế can thiệp, gây sức ép, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tăng cường hoạt động chống phá, phá hoại khối đại đoàn kết, với mục tiêu là lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và thể chế chính trị ở Việt Nam.

2. Cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để đấu tranh chống thủ đoạn lợi dụng, xuyên tạc vấn đề dân tộc ở Việt Nam của các thế lực thù địch

Cương lĩnh dân tộc của Chủ nghĩa Mác - Lê nin được V.I. Lê nin thể hiện trong tác phẩm Về quyền dân tộc tự quyết (1914),V.I. Lênin chỉ ra rằng: “Quyền dân tộc tự quyết hoàn toàn chỉ có nghĩa là các dân tộc có quyền độc lập về chính trị, có quyền tự do phân lập, về mặt chính trị, khỏi dân tộc áp bức họ... Yêu sách đó hoàn toàn không đồng nghĩa với yêu sách đòi phân lập, phân tán thành lập những quốc gia nhỏ. Nó chỉ là biểu hiện triệt để của cuộc đấu tranh chống mọi áp bức dân tộc”[8, tr.624]. Như vậy, quyền dân tộc tự quyết mà Chủ nghĩa Mác - Lênin nêu lên là quyền tự quyết của dân tộc - quốc gia chứ không phải quyền tự quyết của các dân tộc thiểu số trong một quốc gia đa dân tộc.

Khái niệm “quyền dân tộc thiểu số” được chính thức ghi nhận trong hai văn bản: (1) Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc (UDHR) năm 1948, Điều 2 nêu rõ: “Mọi người sinh ra đều được hưởng tất cả các quyền và tự do không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội”. (2) Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966, Điều 3 ghi: “Tại những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ cùng chung sống, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và các thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền được thụ hưởng nền văn hóa riêng, quyền được thể hiện và thực hành tôn giáo riêng hoặc quyền được sử dụng tiếng nói riêng của họ”. Như vậy, về mặt lý luận và pháp luật quốc tế,cả tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lê nin và luật pháp quốc tế đều khẳng định quyền dân tộc tự quyết thì dân tộc ở đây với tư cách là quyền của dân tộc - quốc gia.

Thống nhất và thể chế hóa các quy định pháp luật quốc tế về vấn đề dân tộc, Điều 5, Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”; “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14 - Hiến pháp 2013, tr.17). Các dân tộc ở Việt Nam đều bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các dân tộc ở Việt Nam luôn tôn trọng lẫn nhau về lợi ích, truyền thống, văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán của các dân tộc. 

Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề dân tộc nhất quán theo nguyên tắc: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là mục tiêu chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Bình đẳng giữa các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của chính sách dân tộc về quyền của các dân tộc thiểu số. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, trước hết là quyền bình đẳng về chính trị, chống mọi biểu hiện chia rẽ kỳ thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, tự ti dân tộc... Quyền bình đẳng về kinh tế, bảo đảm sự bình đẳng trong quan hệ lợi ích giữa các dân tộc. Bình đẳng về văn hoá, xã hội bảo đảm cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc, làm phong phú và đa dạng nền văn hoá Việt Nam thống nhất.

Thông qua các kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định quan điểm nhất quán trong vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc, trong đó đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài; thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc trên cơ sở lấy mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do phần lớn các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay có trình độ phát triển chưa đồng đều, vì vậy bên cạnh việc bảo đảm quyền bình đẳng toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội cần phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển bình đẳng với các dân tộc khác. Sự quan tâm tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, đó chính là biểu hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc đặc trưng nhất ở Việt Nam.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII nêu rõ: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số... Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[4, tr.170 - 171].

Có thể nói, việc thực hiện chính sách dân tộc ở Việt Nam trong nhiều năm qua đã đem lại những hiệu quả tích cực. Trong quá trình xây dựng đất nước, các dân tộc ở Việt Nam, đặc biệt là các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đều được ưu tiên phát triển toàn diện. Cho đến nay, hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Tính đến tháng 10-2020, có 118 chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 54 chính sách trực tiếp cho các đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài những chính sách tác động trực tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hiện nay còn 21 chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến vùng này[7]. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được thực hiện với 10 dự án, tiểu dự án nhằm mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án 2 quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Dự án 3 phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Dự án 4 đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; Dự án 5 phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 6 bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Dự án 7 chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh duỡng trẻ em; Dự án 8 thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Dự án 9 đầu tư tạo sinh kế, phát triển kinh tế nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Dự án 10 truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thực tiễn sinh động là minh chứng rõ ràng để đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, phản động về vấn đề dân tộc ở Việt Nam. Đảng và Nhà nước Việt Nam không ngừng đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và chính sách cụ thể đối với các vùng, các dân tộc thiểu số để động viên đồng bào phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần vươn lên trong phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống ở khu dân cư, xây dựng bản làng văn hoá, các dân tộc đều coi nhau như anh em một nhà, quý trọng thương yêu đùm bọc lẫn nhau, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Kết luận

Từ quan điểm, chủ trương nhất quán, pháp lý về vấn đề dân tộc được thực tiễn chứng minh, cho thấy những thủ đoạn lợi dụng, xuyên tạc về vấn đề dân tộc, về đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam rõ ràng là một sự bịa đặt, vu cáo trắng trợn của các phần tử phản động, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc Việt Nam cần nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác và tăng cường đấu tranh, phản bác với luận điệu và hoạt động chống phá nêu trên của các thế lực thù địch.

Tài liệu tham khảo:

[1] Trần Xuân Dung (2014), Phòng ngừa, ứng phó chủ nghĩa ly khai dân tộc ở Việt Nam hiện nay, Kỷ yếu hội thảo khoa học "Phòng ngừa và ứng phó với các thách thức, đe dọa an ninh phi truyền thống theo chức năng của lực lượng công an nhân dân", Hà Nội.

[2] Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (1966), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1966.

[3] Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (1948), Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người (UDHR).

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[5] Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013.

[6] Nguyễn Đức Quỳnh, Nhận diện thủ đoạn lợi dụng quyền của người dân tộc thiểu số để chống phá chế độ, http://cand.com.vn, ngày 05/08/2019.

[7] Nguyễn Thị Thu Thanh, Chính sách dân tộc của Việt Nam qua 35 năm đổi mới, https://www.tapchicongsan.org.vn

[8] V.I. Lênin (1980), Toàn tập, tập 24, Nxb. Tiến bộ, Matxcova.

Đọc thêm

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân

Tác giả: Tô Lâm

(TG) - Tạp chí Tuyên giáo trân trọng giới thiệu bài viết: "TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG - NHÀ LÃNH ĐẠO LỖI LẠC, TRỌN ĐỜI VÌ NƯỚC, VÌ DÂN" của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa - căn cốt để thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Tác giả: Thượng tá, TS. Hà Sơn Thái và Trung tá, ThS. Thái Doãn Hùng

(TG) - Xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) là hai nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt, có mối quan hệ biện chứng với nhau của cách mạng Việt Nam. Sau các nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, với tư duy mới, nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về nhiều vấn đề vừa mang tính cấp thiết trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài, trong đó có “tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa”.

Chọn người tài, đức trong xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng

Tác giả: PGS.TS Lê Văn Cường

(TG) - Ngày 13/3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng có bài phát biểu quan trọng tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự. Việc chọn người tài đức trong xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng là quan điểm xuyên suốt, nhất quán được thể hiện trong bài viết này.

Cuốn sách của tư duy, tầm nhìn và sự tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Trọng Nghĩa

(TG) - Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bằng tư duy lý luận sắc bén, thực tiễn phong phú, sự am hiểu tường tận và tình cảm đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo toàn diện về văn hóa thông qua cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Cuốn sách gửi gắm những thông điệp sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Những ý kiến của người đứng đầu Đảng ta về văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản thể hiện trong cuốn sách đã bao quát một cách hệ thống, đầy đủ, sáng tạo về những vấn đề căn cốt của từng lĩnh vực, có giá trị khơi gợi khát vọng sáng tạo, cống hiến của những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng.

Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” - 55 năm vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn

Tác giả: PGS. TS. Lý Việt Quang

(TG) - Dung lượng ngắn gọn trong gần 700 từ, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm có giá trị hết sức to lớn đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Trải qua 55 năm, đến nay tác phẩm vẫn vẹn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn.