Thứ Sáu, ngày 31/03/2023, 13:24

Xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội: Thực trạng và giải pháp

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) - Xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân là nhiệm vụ quan trọng được Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo quyết liệt trong những năm qua. Bài viết tập trung đánh giá thực trạng về xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua, từ đó đề xuất một số giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ban Bí thư chỉ đạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng; tích cực xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân (Nguồn ảnh: https://mof.gov.vn/)

Xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng phương châm “ở đâu có dân ở đó có đảng viên”. Thời gian qua, Thành uỷ Hà Nội và các cấp uỷ, tổ chức đảng đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên công tác này cũng đang đứng trước những yêu cầu mới đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức đảng cần tiếp tục có những giải pháp hiệu quả hơn trong xây dựng tổ chức đảng tại các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

1. Thực trạng xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua

Những kết quả đạt được

Thứ nhất, hoàn thiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội

Thành ủy Hà Nội trở thành một trong những Đảng bộ tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước đi tiên phong trong việc đề ra nghị quyết về tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước cụ thể là: Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/2/2012 về Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020 nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thành lập tổ chức đảng. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Quyết định số 636- QĐ/TU ngày 6/5/2012 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Thành phố xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Ngoài ra, Thành ủy Hà Nội đã ban hành một số văn bản như: Quy định 1774-QĐ/TU ngày 19/6/2013, Đề án số 01-ĐA/BCTTU năm 2016, Đề án số 19-ĐA/TU ngày 6/12/2019..., Kết luận số 67-KL/TU ngày 10/7/2020 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09- NQ/TU về xây dựng Đảng, đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn Thành phố; bảo đảm đồng bộ, thống nhất về tổ chức đảng và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị[2].

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động để xây dựng và phát triển tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân

Thành uỷ Hà Nội đã chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, vận động tập trung vào những vấn đề trọng tâm đã đề ra; chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới và các phương tiện thông tin đại chúng khác xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền; chỉ đạo phát hành các tài liệu bằng tiếng nước ngoài liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ doanh nghiệp là người nước ngoài. Đại diện cấp uỷ, Ban chỉ đạo các cấp một số nơi tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi với ban lãnh đạo, chủ đơn vị kinh tế tư nhân, người lao động gắn công tác chỉ đạo, quản lý với tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tạo điều kiện cho hoạt động của tổ chức đảng (nơi đã có tổ chức đảng), thành lập mới tổ chức đảng (nơi chưa có tổ chức đảng) và phát triển đảng viên.

Thứ ba, kiện toàn bộ máy tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân

Trên cơ sở các nghị quyết, quyết định của Thành uỷ, Ban Chỉ đạo Thành phố chỉ đạo xây dựng và thực hiện nhiều đề tài, đề án, kế hoạch kiện toàn mô hình tổ chức đảng, mô hình các đảng bộ khối doanh nghiệp trực thuộc cấp uỷ cấp huyện, hợp nhất Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội với Đảng bộ Khối du lịch Hà Nội thành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp (năm 2016); hợp nhất Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội với Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội thành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội (năm 2019); Đề tài "Đổi mới mô hình, nội dung và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng của các Tổng Công ty thuộc Thành uỷ Hà Nội trong tình hình mới". Thành uỷ ban hành Quyết định số 01-QĐ/TW ngày 29/5/2018 quy định "về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng uỷ cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước"; triển khai thực hiện phương án "Sắp xếp, tổ chức lại mô hình tổ chức đảng các Tổng Công ty thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội".... Riêng năm 2021, thành lập được 93 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (đạt 133%), với 787/443 đảng viên (đạt 117%)[2]. Tính đến ngày 31/12/2019, các tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân có 20.063 đảng viên, trong đó có 2.551 đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, bằng 12,4%; 769 đảng viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn có dưới 50% vốn nhà nước, bằng 3,8%; 17.283 đảng viên trong công ty cổ phần, bằng 83,8%[3].

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát, thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với việc xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân

Công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua được Ban Thường vụ Thành uỷ và cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng. Các cấp uỷ đã triển khai quán triệt các văn bản của cấp trên và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, các quy định, quy chế giúp các tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát có nền nếp, hiệu quả, đúng quy định. Riêng Ban Chỉ đạo Thành phố trong 8 năm đã thành lập 24 đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 09- NQ/TU tại 30 quận, huyện, thị uỷ; 15 đảng bộ tổng công ty, 3 đảng uỷ khối doanh nghiệp và đảng uỷ các khu công nghiệp và chế xuất; trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ tại nhiều chi bộ trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Phương pháp, hình thức, nội dung kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra từng bước được đổi mới. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức đảng, đảng viên làm tốt, nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Thứ năm, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, sáng tạo của tổ chức đảng và đảng viên đối với nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân

Các cấp uỷ đã chủ động xây dựng quy hoạch, lựa chọn cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín tham gia cấp uỷ; lựa chọn bầu lãnh đạo doanh nghiệp, chủ đơn vị kinh tế tư nhân làm bí thư cấp uỷ. Những tổ chức đảng có cấp uỷ viên, nhất là bí thư cấp uỷ là lãnh đạo doanh nghiệp hoặc chủ doanh nghiệp đã thể hiện rõ vị trí, vai trò trong đơn vị kinh tế tư nhân. Nhiều tổ chức đảng đã tích cực tham gia xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển đơn vị kinh tế tư nhân.

Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng thường xuyên tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp, nhất là chủ doanh nghiệp Ảnh: TTXVN

Một số hạn chế

Thứ nhất, việc cụ thể hoá một số nghị quyết, quy định, quy chế còn những vướng mắc, hiệu quả chưa cao. Một số chủ trương, nghị quyết, kế hoạch của Ban Thường vụ Thành uỷ, cấp uỷ huyện, quận, thị xã, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp chưa được hướng dẫn, quy định cụ thể để thực hiện. Việc xây dựng quy chế làm việc của cấp uỷ, nhất là việc xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa cấp uỷ với chủ sở hữu, hội đồng quản trị, ban giám đốc doanh nghiệp có nơi, có lúc còn mang tính hình thức, chiếu lệ, khó thực hiện, hiệu quả không cao.

Thứ hai, hình thức, phương pháp tuyên truyền, thuyết phục, vận động xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân của một số cấp uỷ, tổ chức đảng còn đơn điệu, tính thuyết phục chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Công tác tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế còn nặng về hình thức đơn điệu, thiếu sáng tạo, chưa nâng cao được nhận thức và trách nhiệm của chủ các đơn vị kinh tế tư nhân và người lao động. Nhiều chủ đơn vị kinh tế tư nhân và người lao động chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của tổ chức đảng.

Thứ ba, việc xây dựng bộ máy tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân một số nơi chưa phù hợp, nhất là đối với các đơn vị kinh tế tư nhân hoạt động phân tán, đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Nhiều cấp uỷ chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân mới thành lập. Đội ngũ đảng viên trong hội đồng quản trị, ban giám đốc, chủ đơn vị kinh tế tư nhân còn ít.

Thứ tư, công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội chất lượng, hiệu quả chưa cao. Một số cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra việc xây dựng chương trình, kế hoạch, quy chế, quy định kiểm tra, giám sát chưa kịp thời, chặt chẽ, thiếu chủ động. Nội dung kiểm tra, giám sát còn chung chung, chưa tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực trọng điểm, việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các kết luận chưa thường xuyên, kịp thời, tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn chưa thực sự hiệu quả.

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian tới

Sự biến động thường xuyên về nguồn lao động của các doanh nghiệp tư nhân cũng là trở ngại lớn cho công tác kết nạp đảng viên và phát triển tổ chức đảng (Trong ảnh: Công nhân tại Công ty May Tân Định trong Khu công nghiệp Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị)_Ảnh: TTXVN

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng cấp trên đối với việc xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân

Thành ủy cần tiếp tục nghiên cứu ban hành và hoàn thiện những chủ trương, chính sách, quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Thường xuyên thông tin cho tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân những sáng kiến về đổi mới, cải tiến nội dung, hình thức, biện pháp công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác phát triển đảng viên mới và thành lập chi bộ.

Ban chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các đơn vị kinh tế tư nhân cần tiếp tục đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của từng loại hình doanh nghiệp; ban hành các văn bản hướng dẫn, quy trình, biểu mẫu thành lập tổ chức đảng và kết nạp đảng viên cho các đơn vị kinh tế tư nhân... Định kỳ tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, giao cho các quận, huyện, thị ủy cử đảng viên là cán bộ lãnh đạo xuống sinh hoạt tại doanh nghiệp để bổ sung đảng viên, bảo đảm điều kiện thành lập tổ chức đảng theo Quy định của Điều lệ Đảng, đồng thời hướng dẫn nghiệp vụ công tác Đảng.

Hai là, nâng cao nhận thức của tổ chức đảng, đoàn thể, chính quyền, chủ doanh nghiệp, người lao động về nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân

Tăng cường giáo dục, quán triệt cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp nhận thức đầy đủ, sâu sắc về những thuận lợi, khó khăn trong xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân.

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đối với chủ đơn vị kinh tế tư nhân và quần chúng, người lao động để thành lập tổ chức đảng và phát triển đảng viên.

Ba là, tăng cường tạo nguồn kết nạp đảng viên trong khu vực kinh tế tư nhân

Đối với các dự án liên doanh với nước ngoài, trong quá trình chuẩn bị dự án, các cơ quan có thẩm quyền cần chủ động phân công cán bộ, đảng viên tham gia liên doanh, xúc tiến việc thành lập tổ chức đảng khi doanh nghiệp đi vào hoạt động. Làm tốt công tác điều tra, nắm chắc số lượng các đối tượng quần chúng ưu tú, tập trung tạo nguồn ở đội ngũ công nhân lao động trực tiếp sản xuất, người lao động gián tiếp, lãnh đạo, quản lý đơn vị kinh tế tư nhân. Tích cực, chủ động công tác “quy hoạch” tạo nguồn những chủ đơn vị kinh tế có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để kết nạp vào Đảng, thực hiện “nhân cấy” đảng viên vào bộ máy lãnh đạo của doanh nghiệp.

Bốn là, nâng cao chất lượng chi bộ, chất lượng sinh hoạt đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân

Xây dựng mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt” (Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt) trong các đơn vị kinh tế tư nhân theo yêu cầu của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở đảng bộ, chi bộ trong các đơn vị kinh tế tư nhân có tính chất đặc thù như nhiều đầu mối phân tán trên nhiều địa bàn hoạt động, đông đảng viên...

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với việc xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân

Các cấp uỷ, tổ chức đảng cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát việc xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, cụ thể ở các nội dung trọng tâm. Các hình thức kiểm tra, giám sát cần đa dạng, mềm dẻo và linh hoạt.

Đánh giá khách quan, chính xác những kết quả đã đạt được và những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế, bất cập, đề xuất những giải pháp xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân mới phù hợp với địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành hoặc có sai phạm khi xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, Thành uỷ, các cấp uỷ đảng cân nhắc mức độ và hoàn cảnh cụ thể để quyết định các hình thức kỷ luật, bảo đảm tính công minh, chính xác, kịp thời, có tác dụng cảnh báo, răn đe, giáo dục tốt. Việc thi đua, khen thưởng cần công bằng, kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thực chất thành tích của các tập thể, cá nhân.

Kết luận

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện của các cấp uỷ, tổ chức đảng đối với việc xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm qua, Hà Nội vẫn luôn giữ vị trí là địa phương đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ này. Công tác xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân có nhiều ưu điểm nhưng vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Từ thực tiễn, bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian tới.

Tài liu tham kho:

[1] Bộ Chính trị (2019), Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18/3/2019 về Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân.

[2] Thành uỷ Hà Nội (2021), Chương trình số 01 - CTr/TU ngày 17/3/2021 về Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025, Hà Nội.

[3] Thành uỷ Hà Nội (2022), Báo cáo số 192-BC/TU ngày 08/02/2022, Báo cáo Kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Hà Nội.


Đọc thêm

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng tính nhận diện hàng Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Công Anh

(TG) - Trong thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, định hướng xây dựng và triển khai các hoạt động XTTM với nòng cốt là các hoạt động trong khung khổ Chương trình cấp quốc gia về XTTM theo hướng đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu; tăng cường tận dụng cơ hội từ thị trường có FTA nhằm mang tính bền vững, cân bằng hơn, đảm bảo thị trường ổn định, lâu dài cho hoạt động xuất khẩu, nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế và tăng cường phát triển thị trường trong nước.

nâng cao hiệu quả huy động các nguồn lực xã hội nhằm phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn mới các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ: thực trạng và giải pháp

Tác giả: Hoàng Thị Lâm Oanh

(GDLL) - Dưới góc độ đánh giá các các nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, bài viết đề xuất một số khuyến nghị nâng cao hiệu quả huy động các nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến 2030.

Bảo đảm quyền con người trong hoạt động kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính trong quản lý đất đai

Tác giả: ThS Đỗ Phước Trung

(LLCT) - Lý luận, pháp luật và thực tiễn kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong quản lý đất đai là nhằm góp phần bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay. Qua phân tích vấn đề lý luận và pháp lý, thực trạng hiện nay, bài viết đề xuất sự cần hoàn thiện thể chế, tổ chức và cán bộ, tăng cường công tác phối hợp cũng như kiến nghị với các cơ quan Trung ương nhằm bảo đảm nhân quyền trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án.

Học viện Chính trị khu vực I – 70 năm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng

Tác giả: TS. Phạm Thị Ngọc Dung

(GDLL) - Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Học viện Chính trị khu vực I. Trong suốt 70 năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện luôn được quan tâm, đổi mới và phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về công tác cán bộ của đất nước trong từng thời kỳ cách mạng. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị khu vực I (1953-2023), bài viết khái quát về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện trong 70 năm qua, đồng thời tập trung phân tích các nội dung đã và đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới hiện nay.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học tại Học viện Chính trị khu vực I trong bối cảnh tình hình mới

Tác giả: TS. Vũ Văn Hậu

(GDLL) - Bài viết tiếp cận quan điểm, yêu cầu của hoạt động nghiên cứu khoa học tại Học viện Chính trị khu vực I, từ đó phân tích thực tiễn tổ chức thực hiện, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học tại Học viện trong tình hình mới.