Thứ Ba, ngày 15/08/2023, 09:20

Lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại

Phạm Thanh Hà - Trương Văn Viên
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) - Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn khẳng định, chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Nhân dân ta. Nhờ sự lựa chọn đúng đắn đó, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành quốc gia độc lập, hòa bình, tự do và ngày càng phát triển đi lên. Thực tiễn cách mạng Việt Nam 93 năm qua đã chứng tỏ rằng “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”[4, tr.104].

Đặt vấn đề

Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết khoa học, cách mạng và nhân văn. Những giá trị của học thuyết này vẫn đang khẳng định sức sống trường tồn trong dòng chảy phát triển của lịch sử loài người. Với học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, C. Mác và Ph. Ăngghen xem xét sự phát triển xã hội loài người là một tiến trình lịch sử - tự nhiên. Đồng thời, các ông chỉ rõ, mặc dù sự thay thế nhau của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên, nhưng sự thay thế ấy bao giờ cũng phải trải qua một thời kỳ quá độ nhất định. Bên cạnh đó, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lênin cũng dự báo khả năng quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN) trong những điều kiện lịch sử cụ thể. 

Tuy nhiên ngay từ khi mới ra đời cho đến nay, chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung, CNXH khoa học nói riêng đã bị các thế lực thù địch chống phá quyết liệt. Đặc biệt kể từ sự kiện mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch (họ) luôn tìm mọi cách xuyên tạc, công kích và phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, họ ra sức tập trung chứng minh cho “tính lỗi thời của học thuyết Mác – Lênin” và sự xa lạ của học thuyết này đối với Việt Nam; thậm chí có ý kiến lập luận cho rằng “Mô hình đổ, nghĩa là học thuyết đổ. Thực chất chủ nghĩa Mác là một học thuyết hư vô”[6, tr.176]; và “Cách mạng Tháng Mười Nga là sự đẻ non; là sai lầm của lịch sử, CNXH hiện thực là quái thai, là sự phát triển ngoài nền văn minh nhân loại”[6, tr.176]. Bên cạnh đó họ xuyên tạc, phủ nhận các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và cho rằng “Hình thái kinh tế - xã hội chỉ là một lý thuyết về chủ nghĩa xã hội không tưởng, không bao giờ thực hiện được, sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu là một tất yếu đã được dự báo từ trước”[5, tr.19]; và cũng theo họ “CNXH đã cáo chung, Đảng Cộng sản đã hết vai trò lịch sử; rằng Việt Nam kiên định đi lên CNXH là sai lầm, là đi vào vết xe đổ của Liên Xô và Đông Âu”[1, tr.48]. Họ cố tình xuyên tạc, quy chụp “CNXH mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một CNXH “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”[1, tr.48].

Các quan điểm, ý kiến và cách tiếp cận trên là hoàn toàn sai trái, mang tính quy chụp, ngụy biện, chủ quan, thậm chí là thù địch với ý đồ phủ nhận nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận con đường đi lên CNXH của Việt Nam. Bằng luận chứng khoa học và từ thực tiễn thế giới, trong nước cũng những thành công của cách mạng Việt Nam chúng ta khẳng định rằng, dù các thế lực thù địch có đưa ra các luận điệu xuyên tạc với âm mưu nham hiểm như thế nào đi nữa thì cũng không thể phủ nhận được học thuyết Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và việc lựa chọn con đường đi lên CNXH là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của nhân loại. 

Nội dung

Thứ nhất, việc lựa chọn con đường đi lên CNXH ở Việt Nam dựa trên học thuyết Mác - Lênin về hình thái kinh tế - xã hội và lý luận thời kỳ quá độ lên CNXH

 Trong học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, C. Mác đã chỉ ra sự vận động phát triển của xã hội từ thấp đến cao. C. Mác coi các phương thức sản xuất châu Á, cổ đại, phong kiến, tư sản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của các hình thái kinh tế - xã hội. Khi nghiên cứu các quy luật của sự phát triển xã hội nói chung và chủ nghĩa tư bản nói riêng, C. Mác đã đi đến kết luận khoa học rằng sẽ xuất hiện một hình thái kinh tế - xã hội mới là hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, các nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học đã khẳng định rằng sự ra đời của CNTB là một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của nhân loại, CNTB đã tạo ra bước phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất: “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”[9, tr.603]. Nhưng, C.Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ ra rằng, trong xã hội đầy đối kháng giai cấp đó, con người càng chinh phục tự nhiên, cải tạo tự nhiên bao nhiêu thì tình trạng người áp bức, bóc lột người càng được mở rộng bấy nhiêu. Lực lượng sản xuất càng được cơ khí hóa, hiện đại hóa, càng mang tính xã hội hóa cao bao nhiêu thì quan hệ sản xuất TBCN dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN ngày càng trở thành lực cản đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Mâu thuẫn giữa trình độ xã hội hóa của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN đối với tư liệu sản xuất trở thành mâu thuẫn kinh tế cơ bản của CNTB. 

Sự phát triển mạnh mẽ của đại công nghiệp cơ khí và cùng với nó, sự trưởng thành cả về chất và lượng của giai cấp công nhân – vốn là sản phẩm của chính chủ nghĩa tư bản – đã tạo ra tiền đề kinh tế và xã hội để tiến tới thủ tiêu CNTB. C. Mác và Ph. Ăngghen cho rằng “giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”[9, tr.605], “tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”[9, tr.610]. Và các ông khẳng định “làm tròn sự nghiệp giải phóng thế giới ấy, đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản hiện đại”[10, tr.333].

Nếu C. Mác và Ph. Ăngghen đã luận chứng sâu sắc về tính tất yếu phải diệt vong của CNTB và cũng một tất yếu như thế đối với sự ra đời, sự thắng lợi của CNXH, chủ nghĩa cộng sản; đã phát hiện ra vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản cách mạng, dự báo về cách mạng vô sản nổ ra ở những nước TBCN đã phát triển ở trình độ cao, thì V.I.Lênin lại nhìn thấy những cái mới xuất hiện ở giai đoạn mình, đó là tính chất phát triển không đồng đều của CNTB và khả năng chín muồi một tình thế cách mạng ở những mắt xích xung yếu nhất. Vì thế theo V.I.Lênin, cách mạng vô sản có thể nổ ra ở một số nước, thậm chí ở một nước, ở những nước mà CNTB mới chỉ phát triển trung bình, mới hình thành các quan hệ TBCN mà cũng có thể ở những nước chậm phát triển, còn lạc hậu, còn tồn tại các quan hệ tiền tư bản. Chính tư tưởng này của V.I.Lênin đặt cơ sở lý luận khoa học về quá độ tới CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN ở những nước lạc hậu.

Đặc điểm cơ bản của thời kỳ quá độ lên CNXH là thời kỳ cải tạo cách mạng sâu sắc, triệt để xã hội TBCN trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, xây dựng từng bước cơ sở vật chất – kỹ thuật và đời sống tinh thần của CNXH. Đó là thời kỳ lâu dài, gian khổ, bắt đầu từ khi giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền đến khi xây dựng thành công CNXH. 

Thứ hai, việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội xuất phát theo tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH, con đường đi lên CNXH và từ chính yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn - lịch sử dân tộc Việt Nam

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam nổi lên hai mâu thuẫn cơ bản: mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp; và xuất hiện nhu cầu phải tìm ra con đường để giải quyết triệt để hai mâu thuẫn đó. Tại thời điểm này, xã hội Việt Nam đã trải qua những cuộc thử nghiệm lịch sử để lựa chọn con đường đi cho dân tộc. Tuy nhiên, các phong trào yêu nước từ lập trường phong kiến, đến lập trường dân chủ tư sản đều không thành công, xã hội rơi vào bế tắc, khủng hoảng về đường lối lãnh đạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tiếp thu tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng thương dân sâu sắc và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của ông cha. Người rất khâm phục tinh thần yêu nước của các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám... nhưng Người cũng sớm nhận ra hạn chế ở con đường cứu nước của các Cụ. Năm 1917 Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và thành công, đưa CNXH từ lý luận trở thành hiện thực. Đánh giá ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười tới cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”[11, tr.304], và Người khẳng định cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi phải đi theo con đường của Cách Mạng Tháng Mười Nga.

Năm 1920, Người tìm thấy trong Luận cương của V.I.Lênin ánh sáng chân lý của thời đại, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đó là: giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Và Người đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[13, tr.30]. Cống hiến đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ ở chỗ khẳng định tính tất yếu của CNXH với tư cách là một chủ nghĩa nhân văn, phát triển, tiến bộ mà còn định hướng giải đáp câu hỏi "chủ nghĩa xã hội là gì?", để đi đến khẳng định đặc trưng bản chất CNXH ở Việt Nam. Theo Người, CNXH là làm sao cho dân giàu, nước mạnh; đồng bào sung sướng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; mọi người được ăn no, mặc ấm, tự do; một chế độ xã hội không có người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, ai cũng phải lao động và có quyền lao động (trừ những người già cả, đau ốm, trẻ con...); một chế độ xã hội do nhân dân lao động làm chủ, địa vị cao nhất là dân;...

Đặc biệt, một trong những vấn đề lý luận cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh là giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa độc lập dân tộc và CNXH. Theo Người, với xã hội Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, giành độc lập dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, là điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì, tức là độc lập dân tộc phải đi tới CNXH. Chủ nghĩa xã hội là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam từ khi có Ðảng. Đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lênin, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã tìm ra con đường phát triển đặc thù – đó là con đường quá độ bỏ qua chế độ TBCN, đi lên CNXH từ một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cách thức phát triển này đã cho phép giải quyết một cách triệt để mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp của xã hội Việt Nam trong đầu thế kỷ XX. Điều này cho thấy, con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH phản ánh sự lựa chọn khách quan của chính thực tiễn – lịch sử dân tộc mang đậm tính đặc thù của Việt Nam. 

Thứ ba, sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô không phải là sự sụp đổ của Học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học nói chung, mà chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội cứng nhắc, xơ cứng, quan liêu được nhân danh là “mẫu mực”, “duy nhất đúng”

Trong quá trình hình thành và phát triển (1917 -1991), Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã đạt được những thành tựu to lớn về nhiều mặt, đã từng là chỗ dựa cho phong trào cách mạng thế giới, chỗ dựa cho việc đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhưng do nhận thức cứng nhắc, dập khuôn mô hình phát triển, chậm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong mô hình chủ nghĩa xã hội, bên cạnh đó lại mắc phải những sai lầm về đường lối cải tổ, sự “phản bội” của người đứng đầu, cộng với sự chống phá quyết liệt của các thế lực đế quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô đã bị sụp đổ.

Sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô, một số nước xã hội chủ nghĩa (Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Lào) vẫn kiên định con đường đi lên CNXH trên cơ sở vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, đổi mới, cải cách để tìm kiếm những mô hình phát triển phù hợp với điều kiện của nước mình và đã đạt được nhiều thành công to lớn. Điều này đã góp phần khẳng định sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô không phải là sự sụp đổ của Học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, đây chỉ là bước lùi tạm thời trong tiến trình phát triển của CNXH trên toàn thế giới. Các luận điệu cho rằng sự sụp đổ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu là “cáo chung” của CNXH là những luận điệu phiến diện, chủ quan, quy chụp. Tương lai của nhân loại vẫn là CNXH.

Thứ tư, chủ nghĩa tư bản đã, đang có những điều chỉnh, song về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công, chủ nghĩa tư bản không thể tự giải quyết được những mâu thuẫn vốn có của nó

CNTB trong quá trình tồn tại của mình, mặc dù trải qua nhiều cuộc khủng hoảng và suy thoái, nhiều bước quanh co, phức tạp, gây ra nhiều tội ác cho loài người (chiến tranh xâm lược, nạn khủng bố, phân biệt chủng tộc, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên…), song chính CNTB đã tạo ra những lực lượng sản xuất khổng lồ, hiện đại, thúc đẩy nền văn minh nhân loại. Trong thời đại kinh tế tri thức và công nghệ số như hiện nay, CNTB đang có những điều chỉnh về sở hữu, phân phối, quan hệ chủ - thợ…và “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản”[2, tr.12]. Điều đó cho thấy cách thức phát triển kiểu TBCN đang chứa đựng nhiều nguy cơ bất ổn, những tiền đề, điều kiện cho sự phủ định CNTB đang ngày càng chín muồi trong lòng xã hội tư bản, đồng thời cũng chỉ rõ “chỉ có giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mới giải quyết được triệt để tất cả những mâu thuẫn đó và mới xây dựng được một xã hội mới nhân văn, tiến bộ, thực sự vì con người”[7, tr.92].

Thứ năm, thành công tiếp nối thành công của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, đặc biệt những thành tựu đã đạt được qua hơn 35 năm đổi mới đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại

Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, kiên định mục tiêu con đường phát triển đã lựa chọn – CNXH. Khẳng định đây là sự lựa chọn đúng đắn được minh chứng bằng những thắng lợi đạt được trong hơn 93 năm qua, đưa Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành quốc gia độc lập, tự do, phát triển và với vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao. Thành công tiếp nối thành công. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc và đi lên CNXH. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp với một Điên Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tiếp đến là thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và kết thúc bằng đại thắng Mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất một nhà... 

Đặc biệt với bản lĩnh và trí tuệ, Đảng lãnh đạo cả nước tiến hành công cuộc đổi mới bằng những bước đi, cách làm phù hợp, sáng tạo đã đem tới thành công trên mọi lĩnh vực phát triển của đất nước:kinh tế vĩ mô luôn được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao; tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế không ngừng được nâng lên; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực; chính trị - xã hội ổn định vững chắc có được sự tin tưởng, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố với tinh thần kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trên cở sở nguyên tắc, luật pháp quốc tế; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao... Những thành quả đó cho phép chúng ta có quyền tự hào nói rằng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[4, tr.25]. Việc Việt Nam nhanh chóng vượt qua đại dịch COVID-19, cả nước sớm trở lại trạng thái hoạt động bình thường, an toàn lại thêm một minh chứng để khẳng định tính ưu việt, nhân văn của chế độ xã hội mà Việt Nam đã, đang xây dựng – CNXH.

Kết luận

Những trình bày trên một lần nữa khẳng định rằng, dù các thế lực thù địch tìm mọi thủ đoạn, biện pháp đưa ra các luận điệu chống phá, xuyên tạc, nhưng không thể phủ nhận được con đường đi lên CNXH ở nước ta, vì sự lựa chọn con đường đi lên CNXH của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, như Đảng ta đã khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”[3, tr.69], và “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh”[3, tr.70].

Tài liệu tham khảo:

[1] Ban Tuyên giáo Trung ương (2007), Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] Vũ Văn Hiền (chủ biên) (2020), Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[6] Học viện Chính trị Công an nhân dân (2017), Đấu tranh chống các quan điểm, luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[7] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2022), Sổ tay công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.

[8] V.I. Lênin (2005), Toàn tập, tập 39, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[9] C. Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[10] C. Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 19, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[11] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[12] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[13] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[14] Trần Dân Tiên (1976), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội.

Đọc thêm

Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân

Tác giả: Ngô Hảo Nhi

(GDLL) - Giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ, đặt ra thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết nhận diện các luận điệu sai trái, lệch lạc và đưa ra các luận cứ, luận chứng cùng thực tiễn nhằm đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay.

Vững bước đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự lựa chọn đúng đắn, tất yếu của Đảng và Dân tộc Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Dung - Kiều Hưng

(GDLL) - Chủ nghĩa Mác - Lênin mãi luôn là thành tựu vĩ đại trong sự phát triển của tư duy và trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội. Lý luận của học thuyết này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Bài viết khẳng định sự lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Cường

(TG) - Khái niệm tổ chức cơ sở đảng được gọi chung cho tất cả Đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở tùy thuộc vào số lượng đảng viên và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị cơ sở. Thời gian qua, nội dung phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này”(1).