Thứ Ba, ngày 15/08/2023, 22:03

Xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp

Nguyễn Đức Quyền
Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

(GDLL) - Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thời gian qua, các giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện tối đa. Bài viết tập trung vào một số vấn đề về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

Đặt vấn đề

Bộ máy hành chính nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Chính phủ các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang tiến hành cải cách hành chính nhà nước để hướng đến một chính phủ hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhưng ít tốn kém. Trong tiến trình cải cách ấy, các quốc gia đã tìm ra một giải pháp hữu hiệu, đó là xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số.

1. Một số vấn đề về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số

1.1. Khái niệm Chính phủ điện tử và Chính phủ số

Chính phủ điện tử là chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Ở mức độ phát triển này, Chính phủ tập trung vào việc số hoá các nguồn tài nguyên, ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hoá quy trình nghiệp vụ đã có nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tập trung cung cấp dịch vụ trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. 

Chính phủ số là Chính phủ có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội. Đây là giai đoạn phát triển cao hơn của Chính phủ điện tử, phản ánh mức độ trưởng thành hơn về chuyển đổi số trong Chính phủ. 

1.2. Nội dung xây dựng Chính phủ số

Một là, công tác chỉ đạo điều hành và xây dựng khung chính sách về Chính phủ số

Chuyển đổi số là một trong những chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển. Từ giữa năm 2020, việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số đã được quan tâm hơn rất nhiều, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành quyết định đi kèm. Nội dung trọng tâm của chuyển đổi số quốc gia tập trung vào ba trụ cột chính là phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật từng bước thể chế hoá những lĩnh vực nền tảng của Chính phủ số. 

Hai là, xây dựng, hoàn thiện hạ tầng số

Hạ tầng số là yếu tố cơ bản của Chính phủ số. Do đó, các yếu tố của hạ tầng số cần phải được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng và đủ mạnh để vận hành hoạt động của Chính phủ số. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định xây dựng hạ tầng số là nội dung trọng tâm của xây dựng Chính phủ số “Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân”[2, tr. 225].

Ba là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và các nền tảng ứng dụng của Chính phủ số

Cơ sở dữ liệu được xác định là nguồn lực, là tài nguyên số quan trọng của thời kỳ chuyển đổi số. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu trước hết cần tập trung hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia theo từng ngành, lĩnh vực trong toàn hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, bởi đây chính là các dữ liệu gốc để các cơ quan nhà nước tham chiếu, khai thác tạo sự nhất quán và đồng bộ trong toàn hệ thống. Việc này giúp Chính phủ số trao đổi và sử dụng thông tin một cách đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và điều hành, giúp hỗ trợ các quyết định dựa trên việc sử dụng thông tin kịp thời, đầy đủ và nhất quán.

Cùng với việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, việc phát triển các nền tảng ứng dụng để khai thác, chia sẻ dữ liệu cũng rất quan trọng đối với Chính phủ số.

Bốn là, hoàn thiện tổ chức bộ máy vận hành Chính phủ số

Để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi này và có thể vận hành được Chính phủ số, cần phải đổi mới toàn diện tổ chức bộ máy của Chính phủ. Trước hết, cần đổi mới quy trình nghiệp vụ như phương thức giải quyết thủ tục hành chính, phương thức ban hành các quyết định, xây dựng và trao đổi các báo cáo và các văn bản hành chính,… từ trực tiếp sang trực tuyến thông qua đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu và các công nghệ số. Tiếp đó là đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy của Chính phủ theo hướng tinh gọn, linh hoạt phù hợp với đổi mới quy trình nghiệp vụ. Đặc biệt, cần phát triển đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng đổi mới tư duy, nhận thức và nâng cao năng lực ứng dụng các công nghệ, các nền tảng số phù hợp với yêu cầu vận hành Chính phủ và bảo đảm nguồn nhân lực trực tiếp phụ trách tham mưu chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số.

Năm là, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong vận hành Chính phủ số

Nguy cơ về mất an toàn, an ninh mạng có thể xảy ra đối với mọi cá nhân, tổ chức có kết nối. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, triển khai áp dụng các giải pháp để đảm bảo an toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ rất quan trọng. Các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng, trước hết cần phải đảm bảo an toàn đối với hệ thống thông tin, dữ liệu của Chính phủ; an toàn, bảo mật thông tin trong các giao dịch trực tuyến giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với Chính phủ.

2. Thực trạng xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

2.1. Thành tựu

Một là, về công tác chỉ đạo điều hành và xây dựng khung chính sách

Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao về việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số; trong Nghị quyết các Phiên họp hàng tháng của Chính phủ (từ tháng 8 năm 2019 đến nay), thường xuyên có các nội dung chỉ đạo, đôn đốc triển khai Chính phủ điện tử. 

Đồng thời, môi trường pháp lý cho phá́t triển Chính phủ điện tử đã được hình thành, cụ thể một số văn bản quan trọng đã được ban hành như: Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tạo điều kiện tháo gỡ nhiều vướng mắc khi triển khai đầu tư các dự án công nghệ thông tin, quy trình thủ tục giảm khoảng 30%; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo điều kiện phát triển các dịch vụ công trực tuyến; Quyết định số 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/01/2021 về việc thay đổi thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; Thông báo số 516/TTg-KSTT của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/04/2021 về việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đổi mới thực hiện cơ chế một cửa và xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng… Ngoài ra còn rất nhiều văn bản khác được ban hành nhằm đẩy nhanh việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số. Điểm nổi bật trong các văn bản này là đã thể chế hoá khẳng định tầm quan trọng của dữ liệu số là yếu tố nền tảng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Hai là, xây dựng hạ tầng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Dịch vụ công trực tuyến được triển khai rộng khắp tại các bộ, ngành, địa phương. Tính đến ngày 28/6/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 là 97,3% (chiếm 53,56% tổng số thủ tục hành chính)[6]. Một số lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến rất hiệu quả, như thuế, hải quan. Các bộ, ngành, địa phương đã có cách làm mới, dựa trên các nền tảng, để phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, nên tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí triển khai. 

Từ khi khai trương (11/2019) đến năm 2022, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.657 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; hơn 2 triệu tài khoản đăng ký; đã có hơn 473 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 120 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 3,9 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 978 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2 nghìn tỷ đồng; hơn 167 nghìn cuộc gọi tới tổng đài[6].

Ba là, về xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số

Về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Bộ Công an đã vận hành chính thức Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 01/7/2021. Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Ngày 08/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 06.

Đối với Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm: Để đảm bảo tiến độ triển khai Đề án 06, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua số căn cước công dân để đối chiếu, đồng bộ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sang Cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích hợp, cung cấp 07 dịch vụ công dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID; tính đến ngày 20/6/2022, trên toàn quốc đã có trên 26 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan Bảo hiểm xã hội, 1.160.437 lượt kiểm tra thẻ Bảo hiểm y tế được kiểm tra trên cổng tiếp nhận dữ liệu giám định Bảo hiểm y tế qua ứng dụng VssID.

Đối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc: tính đến ngày 23/6/2022, hệ thống đã có 28.384.553 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 7.385.979 trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; 6.308.226 dữ liệu đăng ký kết hôn; 4.113.191 dữ liệu đăng ký khai tử và 7.251.136 dữ liệu khác[6].

Bốn là, hoàn thiện tổ chức bộ máy vận hành Chính phủ số

Trục liên thông văn bản quốc gia: Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng 6/2022 là 367.848 văn bản (gửi: 80.101 văn bản, nhận: 287.747 văn bản). Trong 6 tháng đầu năm 2022 (từ ngày 01/01 đến ngày 20/6/2022), số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục là hơn 3,7 triệu văn bản, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Từ khi khai trương (12/3/2019) đến nay, có tổng số hơn 12,3 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia[6].

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet): Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hệ thống đã phục vụ 09 phiên họp Chính phủ và xử lý 180 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 64 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy). Tính đến nay, hệ thống đã phục vụ 54 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.191 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 425 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy)[6].

Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Hệ thống đã kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu có chức năng báo cáo của 74 bộ, cơ quan, địa phương; đã cung cấp thông tin, dữ liệu của 15/151 chế độ báo cáo trên Hệ thống; 152/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và 04/12 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 Quốc hội giao Chính phủ được cung cấp trên Hệ thống; kết nối 37 chỉ tiêu thông tin dữ liệu trực tuyến; xây dựng kho dữ liệu tổng hợp với hơn 300 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; 250 bảng hiển thị dữ liệu cho các chỉ tiêu[6].

Năm là, về công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng 

Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện đáng kể. Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã ban hành Báo cáo chỉ số an toàn thông tin toàn cầu năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.641 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 35,14% so với 6 tháng trước, tăng 37,92% so với 6 tháng đầu năm 2021[6]. 

2.2. Một số hạn chế

Về thể chế:Môi trường pháp lý cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số chưa hoàn thiện, nhiều khó khăn, vướng mắc chỉ có thể giải quyết ở mức luật, một số Nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử chưa được ban hành.

Về dữ liệu:Các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số chậm được triển khai. Các giao dịch giữa các cơ quan nhà nước, nhất là trong cung cấp dịch vụ công vẫn duy trì đồng thời qua phương thức truyền thống giấy tờ và trực tuyến.

Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến:Mặc dù được triển khai ở khắp các địa phương nhưng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa cao, số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến còn rất hạn chế.

Về an toàn an ninh mạng:An toàn, an ninh mạng tại các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ đầu tư cho an toàn, an ninh mạng còn thấp.

Về hạ tầng kĩ thuật, nền tảng và kinh phí đầu tư: Hạ tầng kỹ thuật trong các cơ quan nhà nước nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh phí đầu tư cho Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số chưa đáp ứng nhu cầu nhiều năm. 

3. Một số giải pháp tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

Một là, xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử

Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử, khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử.

Hai là, xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới

Việc xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số tập trung vào xây dựng trình Thủ tướng ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử hướng tới CP số Việt Nam làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các bộ, ngành, địa phương; phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia trên cơ sở Trục liên thông văn bản quốc gia đã được Văn phòng Chính phủ xây dựng và đưa vào vận hành; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai.

Ba là, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số gắn kết chặt chẽ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính

Việc đổi mới lề lối làm việc nhằm chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ, số hóa, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương; đổi mới phương thức phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bốn là, bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số

Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật để phát triển Chính phủ số; tăng cường thực hiện giải pháp thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, Trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia, nền tảng quốc gia, các ứng dụng, dịch vụ quốc gia sử dụng vốn đầu tư công do ngân sách trung ương đảm bảo. Đồng thời, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, kĩ thuật viên có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng sự thay đổi của thời đại.

Năm là, thiết lập cơ chế bảo đảm thực thi với mục tiêu, chỉ tiêu đo lường kết quả cụ thể, cơ chế theo dõi, giám sát, trách nhiệm giải trình, xử lý kịp thời vướng mắc và nguồn lực tài chính, con người để bảo đảm thực thi

Thực hiện đo lường, giám sát tự động tới từng hệ thống, từng dịch vụ phục vụ Chính phủ số. Định kỳ hàng tháng, hàng năm công bố kết quả đánh giá, làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc, xếp hạng về Chính phủ điện tử, Chính phủ số; công khai trực tuyến các chỉ số chính trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Có như vậy, công tác này mới đạt hiệu quả cao.

Kết luận

Cùng với xu hướng chung của thế giới, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số ở Việt Nam là một yêu cầu tất yếu, là khâu đột phá trong chỉ đạo, điều hành và phục vụ nhân dân, góp phần quan trọng thành công cho các chủ trương định hướng của Đảng. Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng bên cạnh đó không thể tránh được những hạn chế, thiếu sót. Chính vì vậy, một số giải pháp thiết thực được đưa ra để việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số đạt được những kết quả to lớn hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] Bộ Thông tin và Truyền thông (2020), Cẩm nang chuyển đổi số, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[3] OECD (2014), Khuyến nghị của Hội đồng về chiến lược Chính phủ số, http://www.oecd.org.

[4] Quốc hội Khóa XII (2009), Luật Viễn thông ngày 04 tháng 12 năm 2009

Thủ Tướng chính phủ (2001), Quyết định Số 112/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2001 về Phê duyệt Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005, Hà Nội.

[5] Mạnh Tuyền (2022), Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 là 97,3%, https://tcnn.vn.

Đọc thêm

Hiệp định Pari - thắng lợi có ý nghĩa chiến lược dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Tác giả: TS. Vũ Ngọc Lương

(LLCT&TT) Hội nghị Paris là cuộc đụng đầu ngoại giao tay đôi đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, kết thúc bằng Hiệp định Paris. Hiệp định Paris đã góp phần tạo nên bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc kháng chiến của dân tộc ta, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, từng bước đi vào giải pháp, chấm dứt chiến tranh và can thiệp ở Việt Nam. Việc Mỹ buộc phải “cút” khỏi miền Nam đã mở ra cục diện chính trị và chiến trường thuận lợi để quân và dân ta tiến tới “đánh cho ngụy nhào” mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Khai thác giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo trong phát triển du lịch ở nước ta

Tác giả: TS. Bùi Hồng Thanh

(LLCTTTĐT) Du lịch đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, nâng cao mức sống cho người dân và được cụ thể bằng quan điểm Đảng và Nhà nước ta phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó, những quan điểm về tôn giáo trong thời kỳ đổi mới là bệ phóng để nhiều địa phương trong cả nước từng bước mạnh dạn khai thác và phát huy những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, khai thác những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để phát triển du lịch nói chung ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này phần nào được lý giải trong khi có nhiều người nhận thức được giá trị tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo và thấy cần thiết phải khai thác, phát huy thì cũng có không ít người còn dè dặt về tính phức tạp, nhạy cảm của nó. Do đó, việc nhận diện khách quan những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để có những định hướng nhằm khai thác hiệu quả, phát huy lợi thế trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.

Khơi thông mọi nguồn lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Tác giả: PGS. TS. Đào Duy Quát

(TG) - Chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới là sứ mệnh vô cùng vẻ vang nhưng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải “tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm đảm bảo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng và phát triển văn hóa từ Trung ương tới cơ sở”, đồng thời “huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa”.

Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền

Tác giả: TSKH. Đặng Huy Trinh

(TG) - Sau khi hai tác phẩm kinh điển “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” của Rousseau chuyển bị về mặt lý luận cho Cách mạng dân chủ tư sản Pháp ra đời người ta thường nói đến thuộc tính pháp quyền gắn liền với nền dân chủ tư sản, người ta nói đến nhà nước pháp quyền tư sản, hệ thống dân chủ tư sản. Đến chủ nghĩa xã hội thì thuộc tính pháp quyền này lại ít được nhắc đến. Liệu chủ nghĩa xã hội có mang thuộc tính pháp quyền hay không và thuộc tính pháp quyền này khác với thuộc tính pháp quyên dân chủ tư sản như thế nào?

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới

Tác giả: PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa - TS Nguyễn Văn Dương

(LLCT) - Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng xây dựng, vun đắp. Bài viết khái quát mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào theo phương châm “hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện”, từ đó đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai nước đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới.