Thứ Tư, ngày 30/08/2023, 16:35

TĂNG CƯỜNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Nguyễn Thị Thúy Hà
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) - Đối ngoại nhân dân góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc, thúc đẩy đất nước phát triển. Bài viết khái quát một số kết quả đạt được trong đối ngoại nhân dân thời gian qua, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường đối ngoại nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đặt vấn đề

Trong công cuộc đổi mới đất nước, đối ngoại nhân dân giữ vị trí, vai trò quan trọng không thể thiếu trên mặt trận ngoại giao Việt Nam, góp phần không nhỏ vào thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và ngoại giao của Nhà nước. Trong bối cảnh mới càng cần thiết phải tập trung nghiên cứu, quán triệt quan điểm nhất quán về đối ngoại nhân dân, khẳng định những thành tựu đạt được và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đối ngoại nhân dân (ĐNND) là các hoạt động không thuộc ngoại giao Nhà nước và đối ngoại của Đảng, do các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và cá nhân thuộc các tầng lớp nhân dân thực hiện. Đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu thành quan trọng của mặt trận ngoại giao Việt Nam, do các tổ chức, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương tiến hành, nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1. Quan điểm của Đảng về đối ngoại nhân dân trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới

Đại hội lần thứ VI của Đảng đã khởi xướng quá trình đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu một bước chuyển đặc biệt quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Trong dòng chảy đổi mới, đối ngoại nhân dân Việt Nam cũng chuyển mình để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Quan điểm cơ bản chỉ đạo công tác đối ngoại của Đại hội VI là giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, giữ vững độc lập tự chủ, tăng cường hợp tác quốc tế, ra sức làm tròn nhiệm vụ dân tộc và làm tốt nghĩa vụ quốc tế với nhân dân thế giới đã trở thành định hướng mở đường cho các hoạt động đối ngoại nhân dân thời kỳ đổi mới.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6/1991) với chủ trương đối ngoại: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”[2; tr.147], trong đó Đảng nhấn mạnh: “Mở rộng quan hệ đối ngoại nhân dân; quan hệ với các tổ chức phi chính phủ, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển”[2; tr.42]. Để thực hiện tốt chức năng, vai trò, vị trí của đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, ngày 20/9/1994, Ban Bí thư TW Đảng khoá VII ra Chỉ thị số 44-CT/TW “Về mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân”, yêu cầu hoạt động đối ngoại của các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ phải thể hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế một cách sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với khả năng từng tổ chức, đoàn thể của ta và đặc điểm từng đối tượng nước ngoài mà Việt Nam có quan hệ.

Trong năm đầu tiên của thế kỷ XXI, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX được tiến hành (4/2001), khi tổng kết những thành tựu đã đạt được trong công tác đối ngoại nhân dân, Đảng khẳng định: “Các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, ủy ban hòa bình và các hội hữu nghị đẩy mạnh ngoại giao nhân dân cả về quy mô và địa bàn, góp phần tích cực vào thắng lợi của Đảng và Nhà nước ta trên mặt trận đối ngoại”[3; tr.72]. Tiếp đó, xuất phát từ đường lối đối ngoại nói chung, Đại hội X đã xác định rõ: phát triển công tác đối ngoại nhân dân theo phương châm: “chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”; “Tích cực tham gia các diễn đàn và hoạt động của nhân dân thế giới. Tăng cường vận động viện trợ và nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội"[4; tr.113]. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”[5; tr.156].

Đặc biệt tổng kết 35 năm đổi mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII lần đầu tiên khẳng định nhiệm vụ: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”[6; tr.49]. Điểm mới này thể hiện sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các binh chủng đối ngoại, cũng như tầm quan trọng và vai trò, vị thế, sức mạnh của đối ngoại nhân dân và yêu cầu mới về phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả và xây dựng nguồn lực cho đối ngoại nhân dân để đối ngoại nhân dân phát triển tương xứng với vị thế là một trong ba trụ cột của đối ngoại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện chỉ đạo của Đại hội XIII, ngày 5/1/2022, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình hình mới”. Đây là những định hướng quan trọng của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động đối ngoại nhân dân trong quá trình phối hợp với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, góp phần tạo nên những thành tựu tiếp theo của công cuộc đổi mới. Theo đó, đối ngoại nhân dân góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị hợp tác với nhân dân thế giới, tích cực tham gia hoạt động trong các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Mặt khác, đối ngoại nhân dân tranh thủ sự giúp đỡ của thế giới về vốn, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý kinh tế và xã hội, giáo dục - đào tạo... đồng thời là cầu nối giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới, phát triển quan hệ song phương với các tổ chức tương ứng, tuyên truyền chính sách đối ngoại của Việt Nam và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. 

2. Những kết quả nổi bật của đối ngoại nhân dân thời gian qua

Quán triệt chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng tại Đại hội XIII và thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy phương châm: “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại nhân dân, đóng góp tích cực vào kết quả chung trong công tác đối ngoại của đất nước.

Một là, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, góp phần củng cố, tạo nền tảng xã hội tích cực, thuận lợi cho quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước

Với các đối tác nhân dân ở các nước láng giềng có chung biên giới, các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta tiếp tục phát huy vai trò đoàn kết, hữu nghị đặc biệt với các đối tác nhân dân nước bạn, đưa mối quan hệ này đi vào chiều sâu, thực chất. Trong năm 2022, chúng ta đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong khuôn khổ Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào và Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Với đối tác Trung Quốc, do bạn tiếp tục thực hiện chính sách “zero Covid”, các tổ chức nhân dân ta duy trì, triển khai các hoạt động điện đàm, giao lưu, hội thảo trực tuyến, chúc mừng Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Với các đối tác ở ASEAN, các nước lớn, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, đối ngoại nhân dân đã góp phần củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước thông qua các loại hình hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, khắc phục hậu quả chiến tranh... 

Trong đối ngoại đa phương, các tổ chức nhân dân tiếp tục tích cực phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức và tham gia nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế đa phương trong khu vực và trên thế giới trên tất cả các lĩnh vực, phản ánh sự quan tâm và đóng góp phù hợp của Việt Nam vào các chủ đề hoạt động, hợp tác của nhân dân thế giới. Các tổ chức nhân dân ta cũng tham gia đóng góp tích cực cho hoạt động chung của các phong trào, hoạt động nhân dân tiến bộ thế giới, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Điển hình là việc Ủy ban Hòa bình thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Đại hội 22 của Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC). 

Hai là, công tác vận động, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc tiếp tục triển khai với những phương thức phù hợp bối cảnh tình hình thực tế

Các tổ chức nhân dân tham gia phối hợp vận động các đối tác, bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025; tham gia vận động, đấu tranh tại Diễn đàn Nhân dân ASEAN(APF)2022, Diễn đàn đối tác ECOSOC 2022, Diễn đàn nhân dân Á - Âu (AEPF), các hoạt động tại Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR)[1]. Với các hoạt động này, một mặt các tổ chức nhân dân ta tham gia, đóng góp giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu, chia sẻ những giá trị chung của nhân loại vì hòa bình và phát triển, mặt khác, vận động, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, khẳng định vị thế và vai trò của Việt Nam trong các quan hệ quốc tế.

 Ba là, tích cực vận động, tranh thủ nguồn lực nước ngoài, thúc đẩy hợp tác phát triển và hội nhập quốc tế

Công tác hội nhập quốc tế trên kênh đối ngoại nhân dân tiếp tục được các tổ chức nhân dân quan tâm, đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực hợp tác (kinh tế, văn hoá, nghệ thuật, khoa học - công nghệ...). Thông qua việc duy trì, mở rộng quan hệ hợp tác với đối tác quốc tế (các tổ chức nhân dân ở các nước, các cơ quan hợp tác phát triển nước ngoài, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài - PCPNN), các tổ chức nhân dân đã triển khai nhiều hoạt động thuộc các chương trình, dự án. Qua tranh thủ nguồn lực nước ngoài chúng ta đã tiếp cận, học hỏi những thành tựu khoa học - công nghệ mới, mô hình và kinh nghiệm hoạt động tiên tiến trên các lĩnh vực, vận dụng vào thực tiễn ở Việt Nam.

Mặc dù chịu tác động kéo dài của dịch COVID19 và xung đột Nga – Ucraina, nhiều tổ chức PCPNN gặp khó khăn trong việc vận động, ưu tiên phân bổ nguồn lực và triển khai hoạt động, dự án, song, cộng đồng PCPNN tiếp tục cam kết viện trợ cho các chương trình/dự án phát triển, nhân đạo tại Việt Nam. Vận động viện trợ PCPNN năm 2022 đạt khoảng 220 triệu đô la Mỹ (trong đó viện trợ PCPNN trên kênh đối ngoại nhân dân chiếm khoảng 14% tổng giá trị)[1]

Bốn là, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại tiếp tục được triển khai tích cực, thường xuyên; công tác đoàn kết, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm đẩy mạnh

Nhiều tổ chức nhân dân (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam...) đã chủ động quan tâm nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại: lồng ghép nội dung tuyên truyền, thông tin về hoạt động chuyên môn của tổ chức gắn với thông tin tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, biên giới lãnh thổ quốc gia; tuyên truyền về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam, các vấn đề về tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền... góp phần cung cấp thông tin đầy đủ, đa chiều, phù hợp các định hướng của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại trung ương. Công tác với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tiếp tục được các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta quan tâm, triển khai tích cực thông qua lồng ghép với các hoạt động đối ngoại của một số đoàn thể và tổ chức nhân dân. Mạng lưới liên kết các hội đoàn trong cộng đồng NVNONN ở nhiều nước tiếp tục được củng cố, mở rộng, thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của cộng đồng kiều bào. Cộng đồng NVNONN dần khẳng định vai trò cầu nối quan trọng trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đối ngoại nhân dân vẫn còn một số hạn chế. Công tác phổ biến học tập, tìm hiểu nâng cao nhận thức về đối ngoại nhân dân cho quần chúng nhân dân và các tổ chức còn hạn chế, chưa thống nhất. Đối ngoại nhân dân là sự nghiệp của toàn dân, đòi hỏi sự đồng lòng tham gia của đông đảo các lực lượng trong và ngoài nước. Tuy nhiên hiện nay, việc huy động nhân dân cùng tham gia vào làm đối ngoại của các cơ quan chuyên trách gặp nhiều khó khăn, do nhiều vướng mắc về cơ chế, nguồn lực. Về tổ chức, triển khai công tác đối ngoại nhân dân của một số tổ chức hữu nghị song phương còn mang tính hình thức, thiếu linh hoạt nên hiệu quả chưa cao. Mặt khác, sự phối hợp với hoạt động đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước chưa phát huy hết vai trò hậu thuẫn của đối ngoại nhân dân, còn thiếu gắn kết chặt chẽ. Hoạt động đối ngoại nhân dân đang tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn, nhất là trong thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập. Đó là vấn đề lợi dụng đối ngoại nhân dân của các thế lực thù địch nhằm tăng cường hoạt động xuyên tạc, lôi kéo, kích động, chống phá chính quyền Việt Nam bằng các vấn đề nhạy cảm như: dân chủ, nhân quyền, sắc tộc, tôn giáo...

3. Một số khuyến nghị về công tác đối ngoại nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Tình hình thế giới và khu vực đang tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, tác động trực tiếp đến môi trường an ninh, phát triển và quan hệ đối ngoại của đất nước. Kinh tế thế giới đối mặt với nguy cơ suy thoái. Cạnh tranh chiến lược, lôi kéo, tập hợp lực lượng giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, tác động sâu sắc đến cấu trúc chính trị, an ninh tại các khu vực trong đó có châu Á- Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Tranh chấp biên giới, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo và các điểm nóng trên thế giới sẽ tiếp tục phức tạp, tiềm ẩn các nguy cơ xung đột. Các vấn đề an ninh phi truyền thống sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó để tăng cường hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong những năm tới cần quan tâm đến các vấn đề sau:

Thứ nhất, tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân. Đẩy mạnh việc triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và các nhiệm vụ của Chỉ thị 12-CT/TW ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển quan hệ đối tác, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả trong các lĩnh vực. Tích cực phát huy sáng kiến, tiếp tục đề xuất đăng cai một số hoạt động lớn, quan trọng, đảm nhận một số trọng trách trong cơ quan lãnh đạo, điều hành của các cơ chế hợp tác nhân dân quan trọng, phù hợp lợi ích và khả năng của Việt Nam.

Thứ hai, quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trong các hoạt động đối ngoại nhân dân. Tích cực tham gia các hoạt động phù hợp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè, đối tác quốc tế trong việc củng cố, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông; bảo vệ, tuyên truyền thành tựu về quyền con người, đấu tranh với các thế lực thù địch chống phá ta trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, lao động, công đoàn... Tích cực tham gia đóng góp phù hợp vào việc triển khai các nhiệm vụ trong bối cảnh Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đẩy mạnh công tác vận động, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc tại các cơ chế đa phương mà Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý, phối hợp trong công tác đối ngoại nhân dân, bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các trụ cột của đối ngoại, giữa Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong xây dựng chủ trương và triển khai các hoạt động đối ngoại. Tăng cường phối hợp giữa các tổ chức nhân dân ở Trung ương và giữa Trung ương với địa phương, chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức đối ngoại nhân dân ở địa phương.

Thứ tư, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa ba trụ cột của đối ngoại và giữa các tổ chức nhân dân để phát huy sức mạnh tổng hợp của đối ngoại. Tham gia, phối hợp, hỗ trợ tích cực và hiệu quả các chương trình, hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tham gia đóng góp xây dựng các đề án, chương trình phát triển quan hệ với đối tác, các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao, bảo đảm tính tổng thể, gắn kết, phù hợp mục tiêu, định hướng, ưu tiên đối ngoại.

Thứ năm, tăng cường chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia đối ngoại trong nghiên cứu, tham mưu, đóng góp vào việc xây dựng chính sách và triển khai đường lối đối ngoại. Đổi mới nội dung và phương thức thông tin đối ngoại, ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin, truyền thông để tăng cường thông tin tích cực về đất nước, con người và thành tựu của Việt Nam, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đấu tranh với những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về Việt Nam.

Kết luận

Tóm lại, những thành tựu đạt được trong hoạt động đối ngoại nhân dân trong thời gian qua đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thời gian tới, trên cơ sở quán triệt, thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các tổ chức, đoàn thể, nhân dân cần tiếp tục phát huy thành tựu đó, tăng cường hơn nữa hoạt động đối ngoại nhân dân với các nước trên thế giới, nhằm củng cố hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Ban Đối ngoại Trung ương (2022), Báo cáo tổng kết công tác đối ngoại nhân dân năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[7] Nguyễn Tất Đạt (2021), Đối ngoại nhân dân vượt qua thách thức giữ trọn niềm tin của Đảng, https://dangcongsan.vn

[8] Lê Xuân Khanh (2016), Tăng cường công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, https://tapchiqptd.vn

[9] Nguyễn Phương Nga (2023), Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong thời kỳ hội nhập quốc tế, http://tapchimattran.vn 

[10] Diệp Trương (2023), Xây dựng đường lối đối ngoại Việt Nam đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, https://baotintuc.vn

Đọc thêm

Phát huy “Hào khí” Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954) đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa hội nghị Giơ-ne-vơ đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Từ “hào khí” chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết gợi mở những nội dung phát huy "hào khí" đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Tác giả: ThS Lê Quốc

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.