
Cao Bằng tổ chức bốc thăm lựa chọn người
được xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 (nguồn: news.vnanet.vn)
Đặt vấn đề
Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng công tác đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực. Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị,
công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có những chuyển biến
tích cực cả về nhận thức, hành động. Nhiều biện pháp đấu tranh phòng ngừa tham
nhũng hiệu quả, trong đó đặc biệt là công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của
người có chức vụ, quyền hạn được coi là một trong những biện pháp phòng ngừa
tham nhũng hữu hiệu góp phần vào sự thành công của công tác đấu tranh phòng,
chống tham nhũng tiêu cực.
1. Quá trình hình thành và phát triển quan điểm,
chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam
Ngay từ những năm đầu của chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
cảnh báo về sự xuất hiện của nguy cơ tham nhũng. Người khẳng định: “Tham ô,
lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực
dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của
ta” và “Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”[5]. Vì vậy, ngày
27-11-1946, Người đã ký Sắc lệnh[6]
phạt tội đưa và nhận hối lộ phải tù từ 5 đến 20 năm khổ sai; sau đó Người ký
“Quốc lệnh” khép tội tham ô, trộm cắp vào tội tử hình. Luật pháp đó được thực
thi hết sức nghiêm minh, bất kể người đó là ai, ở cương vị, hoàn cảnh nào.
Nhận thức rất rõ âm mưu“diễn biến hòa bình” và tham nhũng đang là những
thách thức đe dọa sự ổn định, phát triển và sự tồn vong của chế độ, trong các
văn kiện, nhất là Văn kiện Đại hội X và Văn kiện Hội nghị Trung ương 3 khóa X,
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định đây là những thách thức lớn mà Việt Nam phải
vượt qua. Với quyết tâm chính trị đó, Hội nghị Trung ương 3 khóa X đã ra Nghị
quyết về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham
nhũng, lãng phí”.
Trên bình diện quốc tế, trong giai đoạn này Việt Nam đã ký kết 2003) và phê
chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (2009). Công ước đã đề cập
đến minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập: Khi thích hợp và phù
hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên
nỗ lực thiết lập các biện pháp và cơ chế yêu cầu công chức báo cáo cơ quan có
thẩm quyền về các vấn đề có liên quan trong đó có những hoạt động công việc,
các khoản đầu tư bên ngoài hay tài sản hoặc quà tặng giá trị lớn, những thứ mà
có thể gây xung đột lợi ích khi họ thực hiện công vụ”.
Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày
17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập được ban
hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những quy định về minh bạch tài
sản, thu nhập bao gồm việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai;
giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm; xác minh tài sản, thu nhập; xử lý vi
phạm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; trách nhiệm của cơ quan, tổ
chức, cá nhân trong thực hiện.
Tiếp đó, ngày 3/1/2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê
khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, yêu cầu thực hiện thêm các giải pháp
nhằm nâng cao hiệu quả việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản như quản
lý bản kê khai và việc sử dụng, khai thác dữ liệu bản kê khai nhằm phát
hiện tham nhũng...
Để chuẩn bị cho công tác xây dựng pháp luật về phòng, chống tham nhũng,
Thông báo số 116-TB/BCĐTW ngày 14/5/2015 của Ban chỉ đạo TW về phòng, chống
tham nhũng được trình tại phiên họp thứ 7 của Ban. Tổng Bí thư - Trưởng ban chỉ
đạo đã kết luận: cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống
tham nhũng năm 2005 để đáp ứng sát hơn các yêu cầu phòng, chống tham nhũng, hạn chế tình trạng tham nhũng vặt, làm rõ
hơn quy trình, phương thức kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
Đến Đại hội XII (2016), Đảng tiếp tục khẳng định và bổ sung quan điểm về
đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong đó có nội dung về kiểm soát tài sản,
thu nhập của cán bộ, công chức trong các cơ quan. Đảng xác định: “Kiên quyết
phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy
ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao
che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn
cản việc chống tham nhũng, lãng phí”[3].
Kết quả đánh giá thực thi Công
ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong Chu trình đầu tiên cho thấy, Việt Nam đáp ứng phần lớn các yêu cầu của công
ước, đặc biệt là các yêu cầu mang tính bắt buộc. Chu trình đánh giá tiếp theo
(đối với Chương 2 về phòng ngừa tham nhũng và Chương 5 về thu hồi tài sản) bắt
đầu từ năm 2016 đã đặt ra những thách thức lớn đối
với Việt Nam về hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ. Theo đó, cần thực hiện các biện pháp
phòng ngừa tham nhũng trong cả khu vực nhà nước và tư nhân một cách toàn diện
như: mô hình cơ quan phòng, chống
tham nhũng; các biện pháp nhận diện và kiểm soát xung đột lợi ích; xây dựng và
tuân thủ các nguyên tắc liêm chính trong hoạt động kinh doanh; thực hiện các
biện pháp và cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả...
Việc sửa đổi Luật Phòng,
chống tham nhũng 2005 (sửa đổi các năm 2007, 2012) lần tiếp
theo này có nhiệm vụ tạo ra một cơ chế
phòng ngừa tham nhũng toàn diện, góp phần xây dựng một cơ chế quản lý
nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho
việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Luật mới
cần được sửa đổi trên cơ sở bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, các quy
định pháp luật khác có liên quan như Luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật
Tiếp cận thông tin, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... Nhằm đảm bảo tính khả
thi, tránh sự xung đột, nâng cao mức độ tuân thủ các yêu cầu của Công ước quốc
tế Liên hợp quốc về Chống tham nhũng. Từ đó, tạo tiền đề cho Việt Nam thực hiện
Chu trình đánh giá lần 2 về các biện pháp phòng ngừa và thu hồi tài sản.
Sau hơn một năm Luật phòng, chống tham nhũng (2018) có hiệu lực, với những nỗ lực cố gắng cụ thể hóa một số nội dung liên quan
đến kiểm soát tài sản, thu nhập của
người có chức vụ, quyền hạn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm
soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức,
đơn vị có hiệu lực ngày 20/12/2020. Đây cũng là nội dung bắt nhịp với tinh thần chỉ
đạo mới của Đại hội XIII trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn
2021-2030: “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt
động hiệu lực, hiệu quả;... tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật,
công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và công tác dân vận của Đảng...”[4].
2. Thực trạng kiểm soát tài sản, thu nhập của
người có chức vụ quyền hạn ở Việt Nam hiện nay
Sự nhất quán trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ
chính trị, cùng với hệ thống khung pháp lý dần được hoàn thiện, trong hai năm
gần đây, công tác phòng ngừa tham nhũng đặc biệt là hoạt động kiểm soát tài
sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn được đôn đốc, triển khai với những
bước chuyển biến rõ rệt:
Về nhận thức, Chính phủ trình Bộ Chính trị ban
hành Quy định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan
kiểm soát tài sản, thu nhập. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số
390/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 phê duyệt Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về
kiểm soát tài sản, thu nhập”. Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính
phủ chỉ đạo[7]
các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về công tác
phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo Thông báo Kết luận số 12-KL/TW ngày
06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Về thực thi pháp luật
Kiểm soát tài sản, thu nhập của người
có chức vụ quyền hạn: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, các bộ,
ngành, địa phương tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW
ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày
15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh; góp phần quan
trọng vào việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, bảo
vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân, giữ vững an
ninh chính trị - xã hội, bảo vệ chế độ và bảo đảm cho kinh tế - xã hội đất nước
phát triển bền vững theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường phổ biến,
quán triệt, tuyên truyền các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là
những văn bản được ban hành trong năm 2021, 2022 dưới nhiều hình thức; đã xuất bản 656.526
đầu sách, tài liệu tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tổ
chức 96.393 lớp cho 3.207.177 lượt cán bộ, đảng viên, công
chức, viên chức... nhằm phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng,
pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Tuyên giáo Trung ương đã triển khai sơ kết 05 năm thực hiện
Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng chống tham nhũng. Các
cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin kịp
thời kết quả các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, kết quả xử lý kỷ luật của
Đảng, kết luận thanh tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ
án tham nhũng kinh tế.
Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn năm 2022[1]đã có 542.337
người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Trên cơ sở Quy chế phối hợp giữa các
Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được ban hành tại Quyết định số 56-QĐ/TW
ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng
xác minh tài sản, thu nhập năm 2022[8]. Thanh tra Chính phủ đã có hướng dẫn và
các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai việc xác minh tài sản, thu
nhập theo kế hoạch hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập
được lựa chọn ngẫu nhiên.
Đến nay có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan,
tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện các quy định về kê khai, công
khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập, có 74
người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy
định. Quá trình kiểm tra, xác minh cũng đã phát hiện một số vi phạm như tình
trạng sai sót trong kê khai tài sản, thu nhập như sử dụng biểu mẫu chưa đúng
quy định, nhiều trường hợp người kê khai còn chủ quan, không nghiên cứu kỹ văn
bản hướng dẫn, đồng thời cơ quan quản lý cán bộ chưa sâu sát trong việc hướng
dẫn, kiểm tra, rà soát dẫn đến kê khai không đúng quy định; mặt khác, cũng do
ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19
nên nhiều bộ, ngành, địa phương không tổ chức được các hội nghị tập trung để
quán triệt, hướng dẫn cụ thể và lưu ý về những điểm mới trong việc thực hiện kê
khai tài sản, thu nhập nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả thực hiện.
Về những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, có
thể thấy: Việc mô tả thông tin về tài sản và
ghi giá trị tài sản còn có những cách hiểu chưa thống nhất. Người trong diện kê
khai còn lúng túng khi phải tự định giá một số tài sản trước đây không phải kê
khai, nay quy định mới phải kê khai. Theo hướng dẫn tại Nghị định số
130/2020/NĐ-CP tài sản, thu nhập phải kê khai có mục các khoản tiền mặt, tiền
cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước
ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên đã gây khó
khăn trong việc xác định. Hay như việc xác định như thế nào là quyền sử dụng
thực tế đối với đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sử dụng
thực tế có phần đất ở và phần đất trồng
cây lâu năm cũng rất khó xác định là tách riêng hay gộp chung là đất ở.
Bên cạnh đó “nhà ở riêng lẻ” được xây dựng trên thửa đất riêng biệt nhưng
sau đó là dùng vào mục đích khác (như để chăn nuôi, nuôi cấy)... khó để
xác định đây là nhà ở hay là công trình xây dựng khác (là công trình xây dựng
không phải nhà ở) như hướng dân của Phụ lục I của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.
Chính vì vậy, việc xác định giá trị còn hiểu khác nhau nên khi thể hiện trong
bản kê khai tài sản thiếu sự thống nhất ở một số cá nhân và đơn vị. Các quy
định về nội dung các mẫu kê khai cũng chưa thống nhất (lần đầu, hàng năm); việc
xác định giá trị từng loại tài sản, thời điểm phát sinh tài sản có nhiều cách
hiểu khác nhau dẫn đến việc kê khai cũng khác nhau; khi công khai bản kê khai
tài sản khó xác định chính xác giá trị, chất lượng tài sản của người có nghĩa
vụ phải kê khai.
Việc xác định đối tượng kê là người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và
tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp do Nhà
nước cũng gặp nhiều khó khăn như: Trước ngày 05/5/2022 chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ
thể về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương Phó trưởng phòng của
hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Do vậy, dẫn đến việc lập danh sách
người có nghĩa vụ kê khai đối với người giữ chức vụ từ tương đương với Phó trưởng phòng trở lên công tác tại đơn vị sự
nghiệp công lập, doanh nghiệp do Nhà nước là không thống nhất và chưa thực sự
trùng khớp với Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục
chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương
đến cơ sở.
Sau khi có Kết
luận số 35-KL/TW vẫn tồn tại một số khó khăn, như: Chưa có xác định đối với
người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại doanh
nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người được cử làm đại diện phần
vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp. Cán bộ xã, phường, thị trấn được xác định là
tương đương với Phó trưởng phòng trở lên bao gồm:
Bí thư Đảng ủy, Phó bí thư Đảng ủy nhưng lại không được xác định trong danh mục
tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP. Dẫn đến cấp
chính quyền địa phương còn băn khoăn trong quá trình hướng dẫn triển khai thực
hiện.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ
quyền hạn ở Việt Nam thời gian tới
Một
là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền,
giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức về kiểm
soát tài sản, thu nhập; kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không
tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đề cao sự
gương mẫu trung thực, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo
các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong hoạt động kê
khai, kiểm soát tài sản thu nhập.
Hai
là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, nhất là văn bản
hướng dẫn thống nhất cho hoạt động kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập khắc
phục các bất cập hiện có; Xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 và kế
hoạch tiếp tục thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham
nhũng, chuẩn bị các điều kiện pháp lý khi Việt Nam bước vào chu kỳ tiếp theo đó
là trách nhiệm thu hồi tài sản, thu nhập khi chủ thể bị kiểm soát không chứng
minh được/không đủ (chứng từ) chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản.
Ba
là, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa
tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm
giải trình tronghoạt động của các cơ
quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có
chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng
đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ trong tình hình mới...
Bốn
là, tuân thủ kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành
vi gian dối trong kê khai, tẩu tán tài sản, thu nhập; nâng cao hiệu quả thu hồi
tài sản tham nhũng…Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng
lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham
nhũng, tiêu cực trước hết là cơ quan thanh tra nhà nước, kiểm toán nhà nước, cơ
quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ở các cấp, các ngành, các đơn vị
chuyên trách về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Năm
là, hoàn thiện cơ chế phối hợp và phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của
các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các Tổ chức chính trị - xã hội, xã hội -
nghề nghiệp, cơ quan báo chí - truyền thôngvà Nhân dân trong hoạt động kiểm
soát tài sản, thu nhập. Đây chính là nghìn tai, nghìn mắt của Đảng trong phát
hiện, đấu tranh với các hành vi gian dối, trục lợi, bưng bít thông tin làm sai
lệch các quan điểm, chủ trương của Đảng trong minh bạch và hiệu quả của kiểm
soát tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn.
Kết luận
Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức là một vấn đề mới,
nhạy cảm do động chạm đến quyền tài sản, các quyền riêng tư cá nhân cần bảo vệ.
Vì vậy để thực hiện được chế định này đòi hỏi nỗ lực từ quyết tâm chính trị đến
xây dựng thể chế và tổ chức bảo đảm thực hiện. Muốn làm được điều đó, cần có sự
lãnh đạo sát sao của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của bộ máy nhà nước và quan
trọng là sự đồng thuận của nhân dân góp phần phòng ngừa, đấu tranh với mọi tiêu
cực, sức ỳ của bộ máy kiểm soát trong hoạt động này. Có như vậy mới đảm bảo sự
gắn kết giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập
đối với người có chức vụ, quyền hạn ở
Việt Nam, góp phần minh bạch nền hành chính, xây dựng thành công nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
[1] Chính
Phủ, Báo cáo số 410/BC-CP ngày 12/10/2022 về Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
[2] Chính
phủ, Nghị định 130/2020/NĐ-CP
ngày 30/10/2020Về kiểm soát
tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn
vị.
[3] Đảng
Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XII, Nxb. Chính
trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính
trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập
7, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[6] Hồ Chí Minh (1946), Sắc lệnh số 223 ngày
27-11-1946.
[7] Liên hợp quốc (2003), Công
ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, https://thuvienphapluat.vn
[8] Quốc hội (2018), Luật phòng chống tham
nhũng, Luật số: 36/2018/QH14, https://thuvienphapluat.vn