Thứ Bảy, ngày 30/09/2023, 07:47

Xây dựng nông thôn mới nâng cao tại huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên - thực trạng và vấn đề

Nguyễn Thị Hoa - Mai Thị Hải Châu
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Chương trình xây dựng nông thôn mới được Đảng và Nhà nước ta triển khai từ năm 2011, cho đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn và đạt được nhiều kết quả vượt mong đợi, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi khang trang, đời sống người dân khu vực này ngày càng được cải thiện. Để phấn đấu về đích huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh năm 2030, Đảng bộ và chính quyền và nhân dân huyện Văn Giang cần quyết tâm, phấn đấu, nỗ lực khắc phục những khó khăn, tìm ra nguyên nhân và có giải pháp kịp thời nhằm đạt mục tiêu đã đề ra.

UBTV Quốc hội nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện các nghị quyết về xây dựng nông thôn mới (nguồn: news.vnanet.vn)

 

Đặt vấn đề

Sau khi được công nhận là huyện nông thôn mới (NTM) năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Văn Giang không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao vào năm 2023. Xác định xây dựng NTM là “hành trình” không có điểm dừng với mục tiêu xuyên suốt là nâng cao đời sống nhân dân. Hiện nay, tất cả các xã trong huyện (10/10 xã) đã đạt chuẩn NTM nâng cao. Để phấn đấu về đích huyện NTM nâng cao đầu tiên trong toàn tỉnh vào cuối năm 2023, Huyện đã xác định những vấn đề khó khăn, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để sớm khắc phục. Đặc biệt vừa qua Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040 giúp cho huyện có định hướng phát triển phù hợp hơn trong thời gian tới.

1. Tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao

Xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, rất hợp lòng dân, đây là tầm nhìn trong lãnh đạo cách mạng của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới, nhằm biến đổi nông thôn Việt Nam theo hướng văn minh, hiện đại. Để đưa Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, có nhiều nghị quyết, quyết định và chương trình hành động của Chính phủ đã trực tiếp triển khai vấn đề này. Cụ thể bằng Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, bao gồm 19 tiêu chí và được chia thành 5 nhóm cụ thể. Và cho đến hiện nay các tiêu chí đó cũng đã được sửa đổi cho phù hợp với từng vùng, từng giai đoạn phát triển của đất nước. Tiếp theo đó là Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí huyện NTM và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, với 9 tiêu chí và cụ thể bằng 14 chỉ tiêu thành phần.

NTM nâng cao là bước phát triển tiếp theo trong giai đoạn mới, cụ thể ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 320/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó để được công nhận là huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 cần đạt được các tiêu chí sau:

- Là huyện đạt chuẩn NTM (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025).

- Có ít nhất 50% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM nâng cao (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025).

- Tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng NTM nâng cao của huyện đạt từ 95% trở lên (trong đó có tỷ lệ hài lòng của người dân ở từng xã đối với kết quả thực hiện từng nội dung xây dựng NTM nâng cao đạt từ 85% trở lên).

- Đạt các tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm 9 tiêu chí: Quy hoạch; Giao thông; Thủy lợi và phòng chống thiên tai; Điện; Y tế - Văn hóa - Giáo dục; Kinh tế; Môi trường; Chất lượng, môi trường sống; An ninh, trật tự, hành chính công. Các tiêu chí này được cụ thể thành 38 chỉ tiêu thành phần cụ thể để triển khai thực hiện.

Xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, để về đích huyện NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh Hưng Yên vào cuối năm 2023, huyện Văn Giang đã và đang nỗ lực để đạt mục tiêu đề ra, xác định các tiêu chí đạt được và chưa đạt được để có giải pháp phù hợp.

2. Kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong thời gian qua

Huyện Văn Giang thuộc tỉnh Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM (năm 2019). Kết quả sau 4 năm xây dựng NTM nâng cao, hiện nay bộ mặt huyện Văn Giang đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất của hộ gia đình nông thôn thay đổi rõ rệt. Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Giang tính đến tháng 12/2022 có 10/10 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao đạt tỷ lệ 100%; số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu 5/10 xã, đạt tỷ lệ 50%; số khu dân cư đã được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu 24/83 thôn, đạt tỷ lệ 28,9%. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện đã tăng 3,8 lần (đạt 87,5 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1% (năm 2011: 5,37%); tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm đạt 98,5% (tăng 9,5% so với năm 2011); 100% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và 73,8% số hộ dân được sử dụng nước sạch[4, tr 2].

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội của huyện ngày càng được hoàn thiện; nhiều công trình phúc lợi được xây dựng; lớp học khang trang, sạch đẹp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc, học nghề đạt 98%, tăng 17% so với năm 2018[4, tr18]; hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao được tích cực triển khai đa dạng về số lượng và chất lượng; hệ thống mạng lưới trạm y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, xóa đói giảm nghèo luôn được quan tâm thực hiện, kết hợp chặt chẽ giữa an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; công tác quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường; cải cách hành chính được thực hiện có hiệu quả...

Điểm tạo nên sự khác biệt trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của Văn Giang với các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh là có sự gắn kết giữa xây dựng NTM kiểu mẫu với việc phát triển đô thị “làng trong đô thị” và “đô thị trong làng” đang hình thành rõ nét điển hình như khu đô thị Dream City, Ecopark... được thiết kế đồng bộ, xây dựng hiện đại, thu hút hàng vạn người về sinh sống và làm việc, đã góp phần làm thay đổi diện mạo bộ mặt NTM của Văn Giang[6, tr.4].

Đến nay, qua kết quả điều tra (đánh giá sự hài lòng của người dân) tại các xã đề nghị công nhận NTM kiểu mẫu của Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện cho thấy 98% số hộ nông dân được hỏi hài lòng về kết quả xây dựng NTM[4, tr.18], có thể thấy đây là một kết quả rất tích cực, phản ánh sự đồng thuận và ủng hộ cao của cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong thời gian qua công tác triển khai Chương trình xây dựng NTM ở huyện Văn Giang chưa đồng đều ở các địa phương, việc thực hiện một số tiêu chí chưa thật sự bền vững; một số nội dung của tiêu chí được đánh giá tại thời điểm công nhận, đến nay không còn phù hợp với quy định mới. Tính đến tháng 3/2023, đánh giá các tiêu chí huyện NTM nâng cao của Văn Giang mới đạt 3/9 tiêu chí đầy đủ, 6 tiêu chí chưa đạt đầy đủ theo quy định gồm các tiêu chí Quy hoạch, Giao thông, Y tế - Văn hóa - Giáo dục, Môi trường, Chất lượng môi trường sống, An ninh trật tự và hành chính công[5, tr.2]. Về tiêu chí Quy hoạch và giao thông: Hiện tại, huyện có các khu đô thị là Khu đô thị Ecopark, Dream City, Đại An, khu nhà ở phố mới Văn Giang đang triển khai xây dựng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án đảm bảo yêu cầu theo quy hoạch cần có thời gian hoàn thiện. Về giao thông mới đạt 2/3 nội dung, 1/3 nội dung bến xe khách trung tâm chưa đạt. Khó khăn, vướng mắc do quy hoạch chung đô thị Văn Giang đến năm 2040 mới được phê duyệt, các dự án đầu tư xây dựng còn phải chờ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết mới triển khai thực hiện được. Về tiêu chí Y tế - Văn hóa - Giáo dục mới đạt 3/5 nội dung, còn 2/5 nội dung chưa đạt được huyện chưa có trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 theo chuẩn. Về tiêu chí Môi trường: So sánh với bộ tiêu chí 1/8 nội dung của tiêu chí đạt; 7/8 nội dung chưa đạt. Đó là điểm tập kết, bãi chôn lấp rác thải tại các địa phương còn chưa quy củ, nền nếp; tập trung xử lý các điểm lưu chứa rác thải tồn đọng tại các xã, thị trấn đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc thu gom các loại chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp còn lỏng lẻo; các bể chứa rác thải chưa đảm bảo đúng quy cách, vẫn còn tình trạng đổ bừa bãi rác thải gây ô nhiễm môi trường. Việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, triển khai công tác thu gom và xử lý các loại chất thải chưa được thực hiện triệt để (chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa, phế phụ phẩm nông nghiệp và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn huyện theo quy định). Về tiêu chí Chất lượng môi trường sống: so sánh với bộ tiêu chí đạt 8/9 nội dung, 1/9 nội dung chưa đạt. Huyện đang trong quá trình hoàn thiện nội dung mô hình xã, thôn thông minh (chờ Hướng dẫn của UBND tỉnh). Về tiêu chí An ninh trật tự và hành chính công: so sánh với bộ tiêu chí đạt 1/2 nội dung, 1/2 nội dung chưa đạt, đó là số vụ phạm tội về trật tự xã hội; ma túy; cháy, nổ còn tăng so với năm 2021.

 Nguyên nhân của tồn tại trên do cả yếu tố chủ quan và khách quan. Thứ nhất, do tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế dẫn đến giá cả thị trường, vật tư nông nghiệp và nông sản biến động phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân; Thứ hai, thực hiện đồng thời nhiệm vụ hoàn thiện, nâng cao nội dung của bộ tiêu chí cũ (trả nợ tiêu chí cũ), vừa đáp ứng bộ tiêu chí mới, cần có nhiều thời gian và nguồn lực lớn để thực hiện; Thứ ba, một số tiêu chí khó thực hiện so với kế hoạch do vướng trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân cấp quản lý, trung tâm văn hoá - thể thao huyện, xã, nhà văn hoá các thôn; Thứ tư, do quy hoạch chung đô thị Văn Giang đến năm 2040 mới được Chính phủ phê duyệt nên chưa triển khai được quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1.2000, quy hoạch chi tiết làm căn cứ để triển khai các dự án; Thứ năm, do một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 nên thiếu chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện; Thứ sáu, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên. Việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM của địa phương, cơ sở có biểu hiện chững lại do có tư tưởng tự mãn, chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Đánh giá được những tồn tại, hạn chế và tìm ra nguyên nhân sẽ giúp cho huyện có những giải pháp phù hợp nhằm sớm về đích huyện NTM nâng cao trong thời gian tới.

3. Giải pháp hoàn thành tiêu chí để sớm về đích huyện nông thôn mới nâng cao tại huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên

Ngay đầu năm 2023, Ban thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/HU ngày 9/3/2023 về lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023; căn cứ vào đó Ủy ban nhân dân Huyện đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 7/3/2023 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2023 và Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 16/3/2023 về hoàn thiện các tiêu chí xây dựng Huyện Văn Giang đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Để phấn đấu trở thành huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2023, huyện Văn Giang cần tập trung vào một số giải pháp, đặc biệt là việc hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM nâng cao.

* Giải pháp chung

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về xây dựng NTM. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm; thường xuyên nâng cao năng lực tổ chức điều hành quản lý Chương trình; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, nhất là chính quyền cấp xã và khu dân cư đối với công tác xây dựng NTM. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo và cơ quan tham mưu; xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo, gắn trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức tham gia thành viên Ban chỉ đạo.

- Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM: Thống nhất về nhận thức, đồng thuận về quan điểm để tuyên truyền, vận động và chỉ đạo xây dựng NTM từ nhà ra ngõ, từ thôn, khu dân cư lên xã, lên huyện; xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân ở nông thôn trong việc bàn và quyết định các nội dung nhiệm vụ xây dựng NTM theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tổ chức triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát:VớiChương trình xây dựng NTM, các phòng, ban chuyên môn và các xã chủ động tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai xây dựng NTM, trọng tâm là kiểm tra kết quả thực hiện các tiêu chí, nhiệm vụ; công tác phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho xây dựng NTM.

* Giải pháp cụ thể

- Hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao

+ Tiêu chí Quy hoạch và Giao thông: Sớm ban hành quy chế quản lý quy hoạch; tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch vùng sản xuất hoa, cây cảnh vùng bãi huyện Văn Giang... trên cơ sở đề án Quy hoạch chung đô thị Văn Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát quy hoạch, đề xuất lập quy hoạch phân khu chức năng để cụ thể hoá định hướng xây dựng, phát triển trong giai đoạn tới và làm căn cứ để triển khai thực hiện các công trình dự án theo đúng quy định, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

+ Y tế, văn hóa, giáo dục: Hoàn thiện thủ tục hồ sơ đề nghị công nhận trường chuẩn Quốc gia mức độ 2. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh quan tâm, hướng dẫn, tổ chức kiểm định Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đạt chất lượng giáo dục cấp độ 2.

+ Môi trường: Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức tự phân loại rác thải; tập huấn, hướng dẫn nhân dân phân loại, xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình; xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường, thường xuyên dọn vệ sinh môi trường vào các ngày thứ 7 hàng tuần và 30 hàng tháng[6, tr.8]. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện; đẩy mạnh triển khai thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn các xã, thị trấn nhằm giảm thiểu lượng rác thải phát sinh phải vận chuyển đi xử lý; đầu tư mua sắm xe thu gom rác, trang thiết bị bảo hộ lao động phục vụ công tác thu gom rác thải tại các xã, thị trấn; tập trung xử lý các khu vực có dấu hiệu ô nhiễm môi trường, tăng cường hoạt động thu gom, vận chuyển, phun chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm tồn lưu rác thải lâu ngày; xây dựng phương án phối hợp với đơn vị có chức năng kiểm tra, rà soát và tổ chức thu gom, vận chuyển các bể chứa chất thải nguy hại (vỏ bao bì thuốc BVTV...) tại các bể chứa đã đầy trên các cánh đồng tại các địa phương đến khu xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.

+ Tiêu chí Chất lượng môi trường sống: Hoàn thiện nội dung tiêu chí xã, thôn thông minh sau khi UBND tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh ban hành quy định và hướng dẫn đánh giá cụ thể; tiếp tục nhân rộng các tuyến đường hoa trên địa bàn các xã, thị trấn; thường xuyên vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, cải thiện môi trường sống (định kỳ 2 lần/tuần).

+ Tiêu chí An ninh trật tự: Làm tốt công tác phòng ngừa, các tiềm ẩn phức tạp về ANTT, cháy, nổ trên địa bàn huyện. Đây không chỉ là nhiệm vụ của mỗi lực lượng chuyên trách mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và người dân; tăng cường các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cần thiết cho công tác phòng, chống tội phạm và phương tiện chữa cháy.

Kết luận

Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên với nhiều lợi thế cùng với quy hoạch phát triển định hướng đến năm 2040 của Chính phủ mới ban hành, huyện sẽ có căn cứ và chiến lược phát triển bài bản, phát huy những lợi thế vốn có để đạt được các mục tiêu như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV đề ra, phấn đấu xây dựng huyện Văn Giang đạt tiêu chuẩn đô thị loại III vào năm 2025, đô thị loại II vào năm 2037[2, tr.4]. Đô thị Văn Giang có tính chất là trung tâm kinh tế (dịch vụ, thương mại, công nghiệp và phát triển nhà ở), văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo của khu vực; là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước [1, tr.2]. Để làm được điều này rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, vai trò quan trọng của người dân cùng với đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và chính quyền huyện, sự quan tâm của tỉnh giúp cho huyện sớm đạt được mục tiêu đề ra.

Tài liệu tham khảo:

[1] Chính phủ: Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040;

[2] Đảng bộ huyện Văn Giang: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Văn Giang lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 ngày 23/7/2020.

[3] Huyện ủy Văn Giang: Nghị quyết của huyện về phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

[4] UBND huyện Văn Giang: Báo cáo số 40/BC-UBND ngày 20/2/2023 về việc kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên.

[5] UBND huyện Văn Giang: Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 16/3/2023 về hoàn thiện các tiêu chí xây dựng Huyện Văn Giang đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023;

[6] UBND tỉnh Hưng Yên: Thông báo số 50/TB-UBND ngày 23/2/2023 Kết luận của đ/c Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn tại buổi làm việc với huyện Văn Giang về việc hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.


Đọc thêm

Giải pháp thực hiện Cam kết của Việt Nam về "Net zero" vào năm 2050

Tác giả: Phạm Tú Tài

(GDLL) - Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam đã ký cam kết đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050 (Net Zero). Bài viết tập trung phân tích những tác động của phát thải khí nhà kính, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu; nỗ lực của Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính và đề xuất một số giải pháp Việt Nam cần thực hiện trong lộ trình "Net Zero" vào năm 2050.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Hoài Phương

(GDLL) - Trong quá trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ, công chức đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức đã nỗ lực hết mình để thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Bài viết nghiên cứu về thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

Quá trình phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tác giả: Lục Việt Dũng

(GDLL) - Bài viết khái quát sự phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhấn mạnh những nội dung mới tại Nghị quyết số 27-NQTW; từ đó đề xuất một số giải pháp bảo đảm các đặc trưng này trong quá trình xây dựng, hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay

Tác giả: ThS Lưu Thị Thu Phương

(LLCT) - Nghiên cứu, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là một hoạt động quan trọng trong lãnh đạo, quản lý xã hội, do đó cần không ngừng được đổi mới công tác này để giúp cấp ủy, chính quyền phát hiện những điểm nóng về tư tưởng, kịp thời giải tỏa xung đột xã hội tiềm tàng. Bài viết tập trung làm rõ các phương pháp định hướng dư luận xã hội đang được sử dụng, nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

Tác giả: ThS. Cao Phan Giang

(GDLL) - Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh là những danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho dòng tư tưởng về dân ở Việt Nam. Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi hội tụ những giá trị vượt trội của thời đại phong kiến với và nhiều quan điểm tiến bộ về dân. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là kết tinh của tư tưởng thân dân truyền thống cùng những giá trị tiến bộ của nhân loại trong ý thức hệ của giai cấp công nhân. Sự giống và khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, ý thức hệ và bài học dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của hai tác giả cho thấy sự vận động và phát triển liên tục của dòng tư tưởng về dân Việt Nam.