Thứ Bảy, ngày 30/09/2023, 08:05

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN giai đoạn hiện nay

ThS. Triệu Thanh Sơn
Trường Chính trị thành phố Cần Thơ

(TG) - Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là nhiệm vụ quan trọng trong công tác đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền trong bối cảnh hiện nay.

 

NỘI DUNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

Thứ nhất, cần phải xây dựng nhà nước hợp hiến, có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích của chế độ thực dân. Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định một trong sáu nhiệm vụ cấp bách là phải có một Hiến pháp dân chủ. Người khẳng định: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”(1)“Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì có quyền đi bầu cử... Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”(2). Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đã thành công. Tháng 3/1946, Chính phủ hợp hiến đầu tiên đã được Quốc hội cử ra, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đây là cơ sở pháp lý, hợp hiến buộc các lực lượng đồng minh phải thương thảo với Chính phủ do Hồ Chí Minh đứng đầu.

Thứ hai, để xây dựng một nhà nước vững mạnh, cần chú trọng nâng cao vai trò của pháp luật trong các hoạt động của đời sống xã hội.

Từ rất sớm, năm 1919, trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh Người đã yêu cầu Chính phủ Pháp và chính quyền thuộc địa ban hành hiến pháp, bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh, thay thế vào đó bằng các đạo luật, “Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam”(3).

Sau nhiều năm hoạt động cách mạng ở các nước phương Tây, Người đã tiếp cận nhiều luồng tư tưởng và các mô hình nhà nước pháp quyền, từ đó nhận thấy mô hình nhà nước pháp quyền có những ưu điểm nổi trội so với mô hình nhà nước chuyên chế đã ngự trị hàng nghìn năm ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam thời kỳ phong kiến và thuộc địa nửa phong kiến. Từ đó, tư tưởng của Người về xây dựng nhà nước pháp quyền dần được hình thành; Người viết: “Bảy xin hiến pháp ban hành. Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”(4).

Với cương vị là Chủ tịch nước, Người đã hai lần được cử làm Trưởng ban dự thảo Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959. Những quyền và tự do dân chủ của người dân luôn được coi là các quyền hiến định, cao cả và thiêng liêng đối với mỗi con người, mỗi công dân. Hiến pháp năm 1959 quy định: “Tất cả các nhân viên cơ quan Nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật”.

Bên cạnh đó, Người xác định con đường xây dựng nhà nước pháp quyền là nhà nước có hệ thống pháp luật dân chủ, thể hiện ý chí, lợi ích của nhân dân. Trong tác phẩm Thường thức chính trị, Người nhấn mạnh: “Cách mạng Tháng Tám thành công, ta lập ra Chính phủ mới, quân đội, công an, tòa án, pháp luật mới của nhân dân để chống kẻ địch trong và ngoài, và để giữ gìn quyền lợi của nhân dân”(5). Tính dân chủ của pháp luật không chỉ thể hiện ở chỗ nội dung các đạo luật ghi nhận quyền và lợi ích của nhân dân mà còn thể hiện ở chỗ nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng các đạo luật. Việc xây dựng hệ thống pháp luật phải xuất phát từ ý kiến của nhân dân, có sự tham gia đóng góp của các cơ quan, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân. Để bảo đảm pháp luật thực sự của nhân dân, trong quá trình xây dựng Hiến pháp, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bản Hiến pháp của chúng ta sẽ thảo ra chẳng những phải tiêu biểu được các nguyện vọng của nhân dân miền Bắc, mà còn phải là một mục tiêu phấn đấu cho đồng bào miền Nam(6)Để Hiến pháp và pháp luật đi vào cuộc sống, Người yêu cầu phải xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện; đồng thời nhấn mạnh phải hết sức chú trọng việc tuyên truyền trong quần chúng nhân dân vấn đề công dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; đòi hỏi cán bộ, công chức phải không ngừng học tập nâng cao trình độ năng lực công tác, am hiểu pháp luật và thực hiện nghiêm minh, vừa tăng cường pháp luật, vừa đẩy mạnh giáo dục đạo đức công vụ và đạo đức công dân.

Ba là, nhà nước pháp quyền là nhà nước phải có sự kết hợp giữa vai trò của đạo đức với pháp luật.

Đây là nét đặc sắc, sáng tạo của Hồ Chí Minh trong các quan điểm về xây dựng nhà nước. Với trí tuệ và kinh nghiệm của một chính trị gia uyên bác, Người đã chắt lọc, kế thừa và phát triển các quan niệm trên và kết hợp khéo léo vai trò của đạo đức và của pháp luật.

Trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(7). Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước ta cũng đã khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân”. Như vậy, "ngay từ khi mới lập nước, pháp luật của nước ta đã vừa mang những giá trị văn minh, đạo đức phổ quát của nhân loại về quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, vừa mang những giá trị cao đẹp, nhân văn thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN, đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân(8).

Hồ Chí Minh đã nhiều lần giải thích mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật; chỉ rõ: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”(9). Trong bản Di chúc (năm 1968), Người nêu rõ: “Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu,… thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”(10).

Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước phải thượng tôn pháp luật, thực hành đạo đức công vụ, phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải coi đạo đức cách mạng như phẩm chất đầu tiên của mình; “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(11). Nhiều bài nói, viết về của Người đã khẳng định “phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”(12); trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, phải kiên quyết chống cho được tham ô, lãng phí, quan liêu.

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀO XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN

Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn, việc tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là thực sự cần thiết, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định, mô hình xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng dựa trên tám đặc trưng, trong đó, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một đặc trưng cơ bản. Đến Hiến pháp năm 2013, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền XHCN của Đảng được thể chế hóa rõ ràng và đầy đủ tại Điều 2: Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đề ra những định hướng, quan điểm, giải pháp đột phá cho tiến trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Đồng thời, Đảng ta nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN phải tiến hành đồng bộ, gắn với đổi mới hệ thống chính trị và đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội; xác định 13 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó có định hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Đặc biệt, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” (Nghị quyết số 27-NQ/TW) đã phân tích tình hình công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng qua hơn 35 năm đổi mới và đã đạt những thành tựu quan trọng, cụ thể: 1) Nhận thức, lý luận về nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam ngày càng thống nhất, đầy đủ và sâu sắc hơn; hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện một bước cơ bản. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực; 2) Việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng cao. Hoạt động của Chính phủ chủ động, tích cực, tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô, tháo gỡ rào cản, kiến tạo phát triển. Tổ chức bộ máy của tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng được nâng lên; 3) Quyền con người, quyền công dân theo Hiến định tiếp tục được cụ thể hóa bằng pháp luật và thực hiện tốt hơn trên thực tế; 4) Mô hình nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng đã chỉ rõ, tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ.

Trong thời gian tới, để phát huy những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, cần tiếp tục thực hiện chất lượng, hiệu quả một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, cùng với những nội dung tư tưởng khác, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và quán triệt những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, để những giá trị tư tưởng của Người ngày càng thấm sâu vào nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dântuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tạo sự thống nhất nhận thức về 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị. Củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thực sự thấm nhuần lời dạy của Bác: “không được rời xa dân chúng. Thể chế hóa đầy đủ và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”(13). Phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong thực hành dân chủ và xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, hiệu lực, hiệu quả.

Thứ ba, tiếp tục thể chế hóa, kịp thời, đầy đủ hệ thống quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cần không ngừng quán triệt sâu sắc luận điểm “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh(14).

Thứ tư, xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi để tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức doanh nghiệp làm trung tâm. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, hành chính điện tử và chuyển đổi số.

Thứ năm, nghiêm túc trong thực hiện đúng và đầy đủ những định hướng lớn của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; nghiên cứu, làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước; đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một bước đột phá trong tư duy về xây dựng nhà nước trong thời kỳ đổi mới của Đảng ta, dựa trên nền tảng kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật. Giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật đã, đang và sẽ tiếp tục soi sáng quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

(theo tuyengiao.vn)

(1) (2) (5) (7) (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr.7, 153, 262, 1, 51.

(3) (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.441, 473.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.510.

(8) Xem: Nguyễn Cao Siêng: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về việc kết hợp giữa đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 16/6/2021.

(9) (11) (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.323-324, 292, 278.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.617.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 355

Đọc thêm

Những cống hiến vô giá của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với báo chí cách mạng Việt Nam

Tác giả: PGS.TS. Đào Duy Quát

(TG) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, tổ chức, chỉ đạo xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là người trực tiếp viết báo trong gần nửa thế kỷ. Di sản báo chí mà Người để lại cho đời sau là di sản của cách mạng Việt Nam, di sản của văn hóa Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: NGUYỄN KHẮC THANH

(GDLL) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp kháng chiến, cứu quốc của dân tộc. Không chỉ vậy, Người còn là hiện thân của tinh thần đoàn kết, mẫu mực tuyệt vời về việc tập hợp, vận động các giai cấp, tầng lớp nhân dân đoàn kết để phục vụ cho cách mạng. Bài viết tập trung làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết ở Việt Nam. Từ đó, đề xuất một số biện pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc vào công cuộc dựng xây, kiến thiết đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sử dụng chất "Thép" trên mặt trận tư tưởng, lý luận, báo chí giai đoạn hiện nay

Tác giả: TRIỆU THỊ BẠCH VÂN - BÙI TRUNG DŨNG

(GDLL) - Sinh thời, Hồ Chí Minh coi văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận và người văn nghệ sĩ chính là những chiến sĩ trên mặt trận ấy. Trên mặt trận không tiếng súng ấy, ngòi bút chính là vũ khí sắc bén nhất. Ngòi bút chiến đấu của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh có chất “thép” đi sâu vào tình cảm, chinh phục trái tim và lý trí, động viên tinh thần chiến đấu của quần chúng nhân dân. Đó cũng là quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam khi coi tính “chiến đấu” là linh hồn của văn nghệ, là yêu cầu từ bản chất của văn nghệ và của những văn nghệ sĩ. Bài viết tập trung làm rõ quan điểm của Hồ Chí Minh về sử dụng chất “thép” và việc vận dụng chất “thép” trên mặt trận tư tưởng, lý luận và báo chí trong giai đoạn hiện nay.

Thực hành tự phê bình và phê bình nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Tác giả: CUNG THỊ NGỌC

(GDLL) - Thông qua cách tiếp cận duy vật biện chứng, bài viết chỉ ra bản chất, mục đích, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình trong tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó xác định phương hướng, nội dung thực hành tự phê bình và phê bình hiệu quả, góp phần nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng ở Việt Nam hiện nay

Giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết của Đảng trong tác phẩm Di chúc với công cuộc đổi mới hiện nay

Tác giả: TS. Trần Thị Huyền -TS. Lê Thị Hằng

(TG) - Tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, với cơ hội và thách thức mới, lại càng đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là Đảng duy nhất cầm quyền không ngừng nâng cao nhận thức, không ngừng tự củng cố và phát huy cao hơn nữa sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng để đảm đương sứ mệnh cao cả của mình, để thật sự là “đạo đức, văn minh”, là người lãnh đạo xứng đáng và người phụng sự trung thành của Tổ quốc, của nhân dân.