Chủ nhật, ngày 15/10/2023, 23:06

Phát huy ý thức, trách nhiệm của thanh niên trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc

ThS. Nguyễn Văn Quý
Viện Nghiên cứu Thanh niên

(TG) - Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý nhất của công dân, trong đó có thanh niên. Việc phát huy ý thức, trách nhiệm của thanh niên Việt Nam trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của quan trọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, góp phần đưa thanh niên trở thành lực lượng đi đầu trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Ảnh minh họa

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÁT HUY NHẬN THỨC, TRÁCH NHIỆM CỦA ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN

Hiện nay, công tác tuyên truyền về phát huy nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được quan tâm, chú trọng. Trong các nhiệm kỳ đại hội của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phong trào “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” được chú trọng, được thực hiện thường xuyên, bài bản thông qua các phong trào thiết thực với các nội dung về xung kích trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; xung kích tham gia xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; “xung kích tham gia thực hiện các chương trình, dự án, cuộc vận động hướng về biên giới, biển đảo, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ” và “xung kích đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn dân cư”(1) (2). Vai trò của tổ chức Đoàn trong đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, ngăn chặn, phản bác thông tin và luận điệu sai trái, tham gia đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa trên không gian mạng được khẳng định rõ nét. Công tác phối hợp với các đơn vị trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ; xây dựng nhiều ấn phẩm và tổ chức các hoạt động tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ và vinh dự khi được tuyển chọn tham gia nhập ngũ được đẩy mạnh; ý thức chấp hành, thực hiện nghĩa vụ quân sự của đoàn viên, thanh niên được nâng cao. Các cấp bộ đoàn có các hoạt động thăm hỏi, động viên kịp thời các gia đình có hoàn cảnh khó khăn có con, em tham gia nhập ngũ, phục vụ trong lực lượng vũ trang. Các phong trào trong thanh niên công an, thanh niên quân đội đã phát huy thanh niên lực lượng vũ trang trở thành lực lượng nòng cốt trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các hoạt động tuyên truyền hướng về biên giới, biển đảo và tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn dân cư được triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn và đoàn viên, thanh niên tích cực đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, nhất là ma túy trong thanh thiếu niên, tham gia đấu tranh chống buôn bán người, vượt biên trái phép. Với những nỗ lực của các cấp bộ đoàn trong tuyên truyền và tổ chức các hoạt động, tỉ lệ thanh niên có nhận thức tích cực trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay chiếm tỉ lệ cao (trên 70%), cụ thể: thanh niên nhận thức được họ là lực lượng nòng cốt trong mọi hoạt động (71,3%) và họ nên tham gia vào các hoạt động do Đoàn, Hội tổ chức (79,5%)(3).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền về ý thức, trách nhiệm của không ít cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong tham gia bảo vệ Tổ quốc còn hạn chế. Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được triển khai đồng đều, đặc biệt tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa; hoạt động giáo dục, cảm hóa thanh niên chậm tiến chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Công tác tuyên truyền, giáo dục và hỗ trợ thanh thiếu niên vi phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ, thiếu chiều sâu, chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét; tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên vẫn còn diễn biến phức tạp, đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy còn chưa đến được với tất cả đối tượng thanh thiếu niên, một số cơ sở đoàn còn lúng túng và chưa có giải pháp tích cực để tuyên truyền đối với số thanh thiếu niên có nguy cơ mắc các tệ nạn ma túy cao; tài liệu hướng dẫn, nội dung tuyên truyền còn hạn chế, nội dung hình thức có nơi chưa phù hợp, chưa phong phú, chưa thu hút được đối tượng là giới trẻ; chưa nắm đúng được tâm lý của thanh thiếu niên và tình hình ma túy hiện nay. Các hoạt động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch của các cấp bộ đoàn còn nhiều lúng túng, nhất là ở cơ sở. Cơ chế nắm bắt thông tin xuyên tạc, phản động còn chậm. Các cấp bộ đoàn còn thụ động trong đấu tranh với các bài viết, trang thông tin xấu, độc; chưa có nhiều tin, bài chất lượng trong đấu tranh phản bác. Mức độ lan tỏa, sự tương tác của trang cộng đồng trên mạng xã hội facebook của Trung ương Đoàn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn chưa cao. Bên cạnh đó, công tác kết nghĩa, phối hợp hoạt động, hỗ trợ, chi viện cho các đơn vị, địa phương biên giới, hải đảo mới tập trung cho việc ký kết, thăm hỏi, tặng quà; chưa đầu tư đổi mới nội dung, hình thức để thực hiện những công trình, phần việc thanh niên.

Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.vn.

 

XÁC ĐỊNH GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Trên cơ sở những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, có thể rút ra một số giải pháp nhằm phát huy ý thức, trách nhiệm của thanh niên trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc thời gian tới như sau:

Một là, tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và bảo vệ Tổ quốc do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Tăng cường các biện pháp nắm bắt và kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận xã hội cho thanh niên trước những vấn đề mới phức tạp nảy sinh.

Hai là, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Đoàn các cấp cần đặc biệt chú trọng triển khai Chiến lược bảo vệ biên giới Quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Tổ chức các đội thanh niên xung kích tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong thực tiễn và trên mạng xã hội, nâng cao cảnh giác không để các phần tử xấu lôi kéo, kích động gây mất đoàn kết dân tộc.

Ba là, tiếp tục xây dựng và triển khai Cuộc vận động Nghĩa tình biên giới, hải đảo giai đoạn mới. Nâng cao chất lượng các chương trình “Xuân biên giới, tết biển đảo”, “Tháng ba biên giới”, “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc”, “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” hằng năm... Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chăm sóc, giúp đỡ gia đình, thân nhân cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi biên giới, biển đảo. Tổ chức các hoạt động kết nghĩa giữa các tổ chức Đoàn, Hội khu vực đồng bằng với khu vực biên giới, biển đảo. Tham gia phối hợp, hỗ trợ hoạt động của các hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

Bốn là, để nâng cao chất lượng quân đội, Đoàn các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thanh niên có trình độ học vấn cao đăng ký khám tuyển nghĩa vụ quân sự; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động tiễn tân binh và đón thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương thông qua các hoạt động như “Vì bạn tòng quân”, “Ngày hội giao quân”, Hội trại “Tiếp bước cha anh”, “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”. Duy trì và tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an trở về địa phương.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam vinh dự, tự hào luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng và Nhà nước (Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đoàn viên, thanh niên tỉnh Hưng Yên, năm 2018). Ảnh: Tư liệu

Năm là, tổ chức Đoàn trong lực lượng vũ trang cần tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào “Thanh niên Quân đội rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, quyết thắng” và phong trào “Thanh niên Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy - Xung kích, sáng tạo, tình nguyện, lập công vì an ninh Tổ quốc”. Đồng thời, thúc đẩy thanh niên lực lượng vũ trang phát huy vai trò trong tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, phòng chống thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và tham gia các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Sáu là, thành lập, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho các tổ, đội thanh niên xung kích đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới, tại các khu dân cư; hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh trật tự dành cho đối tượng thanh niên người dân tộc thiểu số, thanh niên yếu thế trên địa bàn chiến lược, trọng điểm. Đẩy mạnh mô hình kết nghĩa giữa tổ chức Đoàn trong lực lượng vũ trang với tổ chức Đoàn trên địa bàn dân cư, trường học, doanh nghiệp; hoạt động của các đội thanh niên xung kích, đội thanh niên tự quản, tổ tuần tra thanh niên ở cơ sở.

Bảy là, duy trì hoạt động và nhân rộng mô hình “Tuyến đường thanh niên tự quản về an ninh trật tự”, “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”; các câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Tuổi trẻ với phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS”... Nhân rộng các mô hình cổng trường an toàn giao thông, bến đò ngang an toàn, điểm giao cắt đường bộ - đường sắt an toàn; tích cực tham gia xóa các điểm đen về an toàn giao thông. Duy trì hiệu quả các Đội thanh niên xung kích đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Đội Thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh về tai nạn giao thông. Phối hợp với các ngành trong giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến trên địa bàn dân cư. Duy trì hiệu quả các mô hình “Bạn giúp bạn”, “Ánh sáng niềm tin”, Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin”....

Tám là, tăng cường đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, nhất là ma túy trong thanh thiếu niên. Kiên trì phối hợp với các ngành trong giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến trên địa bàn dân cư. Phát huy vai trò của lực lượng thanh niên công an xã chính quy tham gia kiêm nhiệm cán bộ Đoàn chủ chốt tại địa phương.

Chín là, duy trì hoạt động thường xuyên và thực hiện cơ chế kết nối, liên thông thông tin trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tổ chức Đoàn ở các cấp. Các cơ quan báo chí của Đoàn xây dựng, duy trì chuyên mục và tuyến tin, bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp. Phát triển các trang cộng đồng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cấp Trung ương và cấp tỉnh; lan tỏa, chia sẻ các bài viết trên các nền tảng số của Đoàn từ Trung ương tới cơ sở. Tổ chức lực lượng tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng, nghiệp vụ để đấu tranh với những sự việc, tình huống phức tạp, nhạy cảm.

(Theo tuyengiao.vn)

(1) Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2012 - 2017), Nxb. Thanh niên, H, 2017.

(2) Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2022 - 2027), Nhà xuất bản Thanh niên, H, 2022.

(3) Viện Nghiên cứu Thanh niên: Đánh giá tình hình thanh niên năm 2022, H, 2022.

Đọc thêm

Hiệp định Pari - thắng lợi có ý nghĩa chiến lược dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Tác giả: TS. Vũ Ngọc Lương

(LLCT&TT) Hội nghị Paris là cuộc đụng đầu ngoại giao tay đôi đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, kết thúc bằng Hiệp định Paris. Hiệp định Paris đã góp phần tạo nên bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc kháng chiến của dân tộc ta, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, từng bước đi vào giải pháp, chấm dứt chiến tranh và can thiệp ở Việt Nam. Việc Mỹ buộc phải “cút” khỏi miền Nam đã mở ra cục diện chính trị và chiến trường thuận lợi để quân và dân ta tiến tới “đánh cho ngụy nhào” mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Khai thác giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo trong phát triển du lịch ở nước ta

Tác giả: TS. Bùi Hồng Thanh

(LLCTTTĐT) Du lịch đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, nâng cao mức sống cho người dân và được cụ thể bằng quan điểm Đảng và Nhà nước ta phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó, những quan điểm về tôn giáo trong thời kỳ đổi mới là bệ phóng để nhiều địa phương trong cả nước từng bước mạnh dạn khai thác và phát huy những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, khai thác những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để phát triển du lịch nói chung ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này phần nào được lý giải trong khi có nhiều người nhận thức được giá trị tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo và thấy cần thiết phải khai thác, phát huy thì cũng có không ít người còn dè dặt về tính phức tạp, nhạy cảm của nó. Do đó, việc nhận diện khách quan những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để có những định hướng nhằm khai thác hiệu quả, phát huy lợi thế trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.

Khơi thông mọi nguồn lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Tác giả: PGS. TS. Đào Duy Quát

(TG) - Chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới là sứ mệnh vô cùng vẻ vang nhưng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải “tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm đảm bảo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng và phát triển văn hóa từ Trung ương tới cơ sở”, đồng thời “huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa”.

Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền

Tác giả: TSKH. Đặng Huy Trinh

(TG) - Sau khi hai tác phẩm kinh điển “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” của Rousseau chuyển bị về mặt lý luận cho Cách mạng dân chủ tư sản Pháp ra đời người ta thường nói đến thuộc tính pháp quyền gắn liền với nền dân chủ tư sản, người ta nói đến nhà nước pháp quyền tư sản, hệ thống dân chủ tư sản. Đến chủ nghĩa xã hội thì thuộc tính pháp quyền này lại ít được nhắc đến. Liệu chủ nghĩa xã hội có mang thuộc tính pháp quyền hay không và thuộc tính pháp quyền này khác với thuộc tính pháp quyên dân chủ tư sản như thế nào?

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới

Tác giả: PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa - TS Nguyễn Văn Dương

(LLCT) - Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng xây dựng, vun đắp. Bài viết khái quát mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào theo phương châm “hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện”, từ đó đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai nước đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới.