Chủ nhật, ngày 15/10/2023, 23:53

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Nguyễn Mai Phương
Trường Đại học Ngoại thương.

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0" (nguồn: vnanet.vn)

Đặt vấn đề

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ và kỳ diệu của công nghệ đã và đang làm thay đổi sâu sắc nhiều mặt đời sống xã hội, đúng như chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới, GS.Klaus Schwab nhận định: “Những thay đổi này có tính lịch sử cả về quy mô, tốc độ và phạm vi”[2, tr.13]. Tuy nhiên, “Những thay đổi này sâu sắc đến mức, từ góc độ lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có một thời điểm vừa tràn đầy hứa hẹn vừa tiềm tàng hiểm họa như lúc này”[2, tr.14]. Do đó, làm thế nào để có thể tận dụng tốt những cơ hội mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại và vượt qua được thách thức mà nó đưa đến để phát triển nhanh kinh tế - xã hội là một trong những vấn đề đặt ra đối với các quốc gia trên thế giới.

Đối với Việt Nam, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó tác động trực tiếp và mạnh nhất đến nguồn nhân lực. Do đó, nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hướng tới phát triển nhanh và bền vững lực lượng sản xuất là đòi hỏi tất yếu, cấp bách mà thực tiễn đang đặt ra ở Việt Nam hiện nay

1. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay

* Khái niệm “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”

Thuật ngữ “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” hay “Cách mạng công nghiệp 4.0” được xuất hiện từ năm 2011 trong một bản báo cáo tại Hội chợ Hannover - Hội chợ hàng đầu thế giới về công nghệ, công nghiệp và sau đó, thuật ngữ này chính thức được đưa vào Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao được chính phủ Đức thông qua vào tháng 10/2012. Cụm từ này ban đầu chỉ nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Tại một số quốc gia khác, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn được biết đến với tên gọi “công nghiệp IP”, “sản xuất thông minh” hay “sản xuất số”. Vậy, cách mạng Công nghiệp 4.0 là gì? 

Theo Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được hiểu như sau: "Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”[2, tr.15].

Còn đối với tác giả Nguyễn Hồng Thu, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là: “phát triển từ nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ ba và cách mạng khoa học công nghệ hiện đại với các thành tựu đột phá của công nghệ số trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano,…”[4, tr. 22 - 23].

Như vậy, với sự phát triển không ngừng nghỉ của khoa học và công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã ra đời, đây là cuộc cách mạng với sự hợp nhất của công nghệ đã giúp xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học và hiện tại nhân loại đang đi những bước đi đầu trong cuộc cách mạng này. 

* Một số đặc trưng cơ bản của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Một là, về tốc độ: Trái ngược với các cuộc cách mạng công nghiệp trước, cuộc cách mạng này có gia tốc ngày càng lớn chứ không đều đặn về tốc độ. Đây là hệ quả của thế giới đa chiều và liên kết sâu sắc mà chúng ta đang sống, đó là công nghệ mới lại sản sinh ra những công nghệ mới hơn và có năng lực cao hơn. Vòng đời của công nghệ ngày càng rút ngắn lại, những đột phá công nghệ diễn ra trong nhiều lĩnh vực với tốc độ nhanh, tương tác và thúc đẩy nhau, tạo ra một thế giới được số hóa, tự động hóa và ngày càng trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn.

Hai là, về bề rộng và chiều sâu: Với phạm vi rộng lớn, làn sóng ứng dụng công nghệ mới trong tất cả các lĩnh vực trải rộng từ Vật lý là robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới, công nghệ nano đến các lĩnh vực Kỹ thuật số là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối- Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data),… Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hình thành dựa trên nền tảng của cách mạng số và kết hợp nhiều công nghệ đang thúc đẩy những chuyển đổi mô hình chưa từng có trên khía cạnh kinh tế, xã hội.

Ba là, sự tác động mang tính hệ thống: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với vô vàn các ứng dụng công nghệ mới đang từng bước làm thay đổi diện mạo của sản xuất, về cả phương cách tạo ra sản phẩm và địa điểm sản xuất. Nếu như các nhà máy trước đây chỉ có năng lực sản xuất theo dây chuyền, tạo ra những sản phẩm giống hệt nhau thì ngày nay họ sẽ chú ý đến tính tùy biến của sản phẩm hàng hóa, các mặt hàng đa dạng với khả năng thay đổi sản phẩm nhanh chóng.

Bốn là, tính tự động hóa cao độ: Đây là một trong những đặc trưng cơ bản của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một thế hệ máy tự động mới ra đời có thể đảm nhận không chỉ các công việc lặp đi lặp lại mà cả các công việc đòi hỏi khả năng nhận thức nhờ vào sự cải tiến đáng kể của trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot. Công nghệ này có thể vận hành tốt ở những môi trường khắc nghiệt, không an toàn hay ở những nơi mà con người không đặt chân tới được. 

Năm là, hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm ngày càng cao, tri thức khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Mỗi sản phẩm ra đời đều là kết quả của những cải tiến, đổi mới không ngừng về công nghệ, hàm chứa trong đó là tri thức. Những thành tựu khoa học, công nghệ trực tiếp kết tinh trong lực lượng sản xuất. Nếu như trước đây, các nguồn lực của lực lượng sản xuất được sắp xếp theo trật tự “vốn, tài nguyên, con người” thì ngày nay, trật tự đó đã thay đổi theo vị trí “con người, vốn, tài nguyên”. 

* Yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng và theo đà phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thực sự biến khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, nhưng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực Việt Nam để thích ứng với cuộc cách mạng này, như sau:

 Thứ nhất, với ảnh hưởng của toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thị trường lao động đòi hỏi người lao động Việt Nam không chỉ có trình độ chuyên môn mà còn cần rất nhiều kỹ năng khác nữa để làm việc cùng máy móc, công nghệ hiện đại, thậm chí là làm việc với những người lao động ở các quốc gia khác nhau trên toàn cầu. Khả năng tư duy sáng tạo, chủ động trong công việc, kỹ năng sử dụng máy tính và internet, khả năng ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, sự thích nghi, quản lý thời gian, kỹ năng tập trung,… đều là những đòi hỏi mới mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra đối với người lao động ở tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thứ hai, với sự thay thế sức lao động bằng máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, in 3D,… dẫn tới một số công việc cũ mất đi và một số công việc mới sẽ ra đời. Trong thực tế, các mô hình công nghệ như Uber, Grab,… đã đẩy taxi, xe ôm truyền thống đến những khó khăn nhất định hoặc ứng dụng robot trong phẫu thuật làm cho một số nhân viên y tế sẽ trở nên thừa. Những điều này đã đặt ra những yêu cầu mới về ngành nghề, khả năng chuyển đổi nghề nghiệp, trình độ chuyên môn,... đối với người lao động Việt Nam để thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, cách mạng công nghiệp 4.0 làm cho thế giới ngày càng “phẳng” hơn nữa, về thị trường lao động Nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta sẽ có xu hướng di chuyển đến các quốc gia phát triển trên thế giới để làm việc, từ đó dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám gia tăng. Do đó, đòi hỏi cần có các cơ chế, chính sách phù hợp, hữu hiệu đối với nguồn nhân lực để giữ chân lao động có trình độ, chất lượng cao làm việc trong nước.

2. Thực trạng đáp ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

*Về số lượng:Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2022, nguồn nhân lực của Việt Nam ngày càng tăng cùng với sự gia tăng của dân số. Quy mô dân số cả nước ước đạt 97,58 triệu người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 54,6 triệu người, chiếm gần 65% so với quy mô dân số cả nước. Trung bình mỗi năm có khoảng 500 nghìn người gia nhập lực lượng lao động[5].

*Về chất lượng:Trình độ học vấn của nhân lực Việt Nam liên tục được cải thiện qua từng năm. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đã tăng hơn gấp 2 lần sau khoảng 20 năm, từ 10,3% (năm 2000) lên 22,8% (năm 2019). Trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực Việt Nam cũng không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ dân số có chuyên môn kỹ thuật đã tăng từ 17,7% (năm 2007) lên 24% (quý II/2020). Tỷ lệ dân số có trình độ đại học trở lên tăng từ 4,9% (năm 2007) lên 11,1% (quý II/2020) [5]. Điều này cho thấy trong những năm qua, giáo dục đại học và trên đại học của Việt Nam đã có những thay đổi lớn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. 

*Về cơ cấu nghề nghiệp: Lao động Việt Nam đang dịch chuyển theo chiều hướng từ lao động thủ công, cơ khí sang lao động trí tuệ như: Lao động trong các ngành nghề thương mại và dịch vụ (từ 16,5% năm 2015 lên 16,7% năm 2017; 17,7% năm 2018 và tiếp tục tăng lên 38,9% năm 2022); Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 62,7% năm 2001 xuống còn 48,7% năm 2010 và 27,6% năm 2022, tương ứng với đó là số lượng lao động trong ngành này giảm 10,369 triệu người (từ 24,469 triệu năm 2001 xuống còn 14,1 triệu lao động năm 2022); Lao động trong lĩnh vực công nghiệp từ năm 2001- 2010 tăng đáng kể là 5,137 triệu người với tỷ trọng bình quân là 18,2% và từ năm 2011 đến 2020 là 28,1%[3, tr.20]

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được về phát triển nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Về mặt chất lượng: Chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt Nam hiện nay còn thấp, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo chưa cao, lao động có tay nghề cao vẫn còn thiếu hụt, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Các chỉ số về chất lượng nguồn nhân lực còn thấp như: Năng lực đổi mới sáng tạo đạt 33/100 điểm; thị trường lao động đạt 56/100 điểm; thể chất đạt 50/100 điểm; khả năng tiếp cận công nghệ đạt 43/100 điểm; kỹ năng lao động đạt 54/100 điểm[3, tr.15]. Về năng suất: Năng suất lao động Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các quốc gia khác trong khu vực: Chỉ bằng 8,4% mức năng suất của Singapore, 23,1% của Malaysia, 41,5% của Thái Lan, 55,5% của Indonesia và 62,8% của Philippinse; chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 1,8 lần)[5].

Như vậy, với chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, năng suất lao động thấp, cơ cấu lao động chưa hợp lý về ngành nghề và trình độ chuyên môn, nên nguồn nhân lực Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thừa lao động phổ thông ở mức độ đào tạo đơn giản và thiếu nhiều lao động có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi, như công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo,... Do đó, Việt Nam cần có những thay đổi đột phá để phát triển nhanh nguồn nhân lực cả về chất lượng, cơ cấu và số lượng, thích ứng với yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

3. Một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

*Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Một là, nâng cao nhận thức của người lao động về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong nền sản xuất hiện đại cũng như về những yêu cầu mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi để có thể thích ứng. Để đạt được điều này phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích là yếu tố rất quan trọng. 

Hai là, đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực với phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đó là cần: “triển khai có hiệu quả hệ thống giáo dục quốc dân mới theo các mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số”[1, tr.128].

Ba là, đầu tư nhân lực khoa học - công nghệ, đây là những chủ thể vô cùng quan trọng, góp phần vận dụng thành công những thành tựu của công nghệ vào sản xuất và cuộc sống. Nhân lực khoa học - công nghệ vừa có thể là người tiếp thu, học hỏi những công nghệ tiên tiến trên thế giới để ứng dụng vào sản xuất ở nước ta, vừa có thể chính là những người phát minh, phát kiến, xây dựng được những giải pháp công nghệ cụ thể, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Do đó, cần tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực một cách thỏa đáng, bằng việc giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cùng các chế độ, chính sách về lương, thưởng hợp lý. 

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo và xuất khẩu lao động để thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất nói chung, của chất lượng người lao động nói riêng. Để làm được điều đó, cần thực hiện những yêu cầu như: tích cực chủ động hợp tác quốc tế về đào tạo và đánh giá chất lượng người lao động theo tiêu chuẩn quốc tế; Tích cực hợp tác quốc tế về xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật, chuyển giao khoa học - công nghệ, tạo điều kiện thu hút các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.

Năm là, nâng cao chất lượng người lao động gắn liền với nâng cao chăm sóc sức khỏe toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội. Nghĩa là, phải đảm bảo những điều kiện vật chất và tinh thần cho người lao động, để họ có thể lực - trí lực - tâm lực tốt, đủ khả năng để lao động và cống hiến một cách tốt nhất cho sự nghiệp của đất nước. 

*Nhóm giải pháp về thể chế, chính sách

Một là, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững và có tính đến thể chế mang tính chất đột phá. Về vấn đề này, Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường,…”[1, tr.114]. Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện thể chế theo hướng phát triển bền vững thì cần tính đến thể chế mang tính chất đột phá, có những thí điểm về các chính sách,… nhằm tạo ra sự thay đổi thực sự, tạo điều kiện hay mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển.

Hai là, Chính phủ tạo hành lang pháp lý, sửa đổi các quy định của pháp luật và các chính sách công nghiệp mới trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cần tính đến các yếu tố như cải thiện điều kiện khung, thực thi các quy tắc cạnh tranh, mở cửa thương mại, tăng cường kỹ năng chuyên môn; Hỗ trợ các liên kết, các hoạt động đổi mới dựa trên các hình thức khác nhau giữa các doanh nghiệp, trường học, cá nhân; Tăng cường hỗ trợ kinh doanh trong các lĩnh vực công nghệ mới; Thu hút các công ty đa quốc gia nước ngoài và tăng cường vai trò của các công ty trong nước trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

Ba là, trong các lĩnh vực cụ thể như: Về nguồn nhân lực, nhà nước cần thiết lập cơ chế và chính sách để nguồn lực con người trở thành yếu tố nội sinh, then chốt trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Về khoa học - công nghệ, nhà nước cần xây dựng thể chế để khoa học - công nghệ trở thành lực lượng sản xuất dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hội nhập, nâng cao năng suất lao động, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường học, dành vốn và đầu tư thỏa đáng để phát triển những ngành công nghệ chủ chốt trên nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, vật liệu mới, năng lượng mới,… Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Kết luận

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động to lớn tới nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để tận dụng được cơ hội và vượt qua được thách thức do cuộc Cách mạng này mang đến vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, tất yếu phải nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực về khoa học - công nghệ, cùng với hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp theo hướng tạo điều kiện, tiền đề thuận lợi để thúc đẩy nhanh quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý, thích ứng với yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[2] Klaus Schwab (2018), Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Bộ Ngoại giao dịch), Nxb. Thế giới, Hà Nội.

[3] Tổng Cục thống kê (2020), Niên giám thống kê, Nxb. Thống kê, Hà Nội.

[4] Nguyễn Hồng Thu (2020), Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Phản ứng chính sách của một số quốc gia và gợi mở đối với Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[5] Nguyễn Thái Hà (2020), Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, https://tapchicongthuong.vn

Tin liên quan

Đọc thêm

Việt Nam tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong tình hình mới

Tác giả: NGUYỄN ĐỨC HẠNH

(GDLL) - Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là một xu thế tất yếu, hàm chứa cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia trên con đường phát triển. Trong những năm qua, Việt Nam luôn tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa. Trên cơ sở khái quát bối cảnh tình hình tác động và những kết quả nổi bật trong tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng những năm qua bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Việt Nam trong tình hình mới.

Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Việt Nam

Tác giả: NGUYỄN ANH CƯỜNG - HOÀNG ANH TÚ - TRIỆU THANH CHÚC

(GDLL) - Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về lợi ích quốc gia - dân tộc, bài viết phân tích sự kiên định về lợi ích quốc gia - dân tộc trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Việt Nam và khẳng định việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và khuyến nghị

Tác giả: PHẠM TÚ TÀI - CHU THỊ LÊ ANH

(GDLL) - Phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Đảng xác định là động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Bài viết phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn về tăng trưởng kinh tế dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm cơ sở khẳng định đây là động lực mới, quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Đồng thời, bài viết cũng tập trung đánh giá thực trạng, đề xuất một số kiến nghị, giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Nghị quyết 27-NQ/TW

Tác giả: TRẦN THỊ THANH MAI

(GDLL) - Sự ra đời của Nghị quyết số 27- NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII ngày 09/11/2022 Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bài viết tập trung làm rõ một số quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, qua đó thấy được giá trị lý luận và thực tiễn của Nghị quyết.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới

Tác giả: NGUYỄN VĂN NGHĨA

(GDLL) - An ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia là vấn đề hệ trọng của mỗi quốc gia, dân tộc. Hiện nay, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức trong lĩnh vực an ninh quốc gia, trong đó có cả những vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Công tác bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Bài viết khái quát quan điểm của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, thực tiễn về bảo vệ an ninh quốc gia và đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới.