Thứ Hai, ngày 16/10/2023, 00:01

Giáo dục phẩm chất “Trung với nước, hiếu với dân” cho thanh niên Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

An Trường Giang - Nguyễn Long Nguyên
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng.

(GDLL) - “Trung với nước, Hiếu với dân” là phẩm chất đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, bổ sung và phát triển trong điều kiện mới, trở thành một phẩm chất đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Bài viết làm rõ phẩm chất “Trung với nước, Hiếu với dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nội dung giáo dục phẩm chất này cho thanh niên Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số biện pháp nhằm giáo dục phẩm chất “Trung với nước, Hiếu với dân” cho thanh niên Việt Nam trong thời gian tới

Khai mạc triển lãm ảnh “Đồng chí Võ Văn Kiệt nhà lãnh đạo tài năng - tấm gương người cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân” (nguồn: vnanet.vn)

Đặt vấn đề

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến thanh niên, phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người đặc biệt coi trọng giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới, các thế lực thù địch không ngừng đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước; bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, tác động nhiều chiều đến tâm tư, tình cảm, niềm tin của thanh niên Việt Nam hiện nay. Vì vậy việc bồi dưỡng, giáo dục phẩm chất đạo đức “Trung với nước, Hiếu với dân” cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất “Trung với nước, Hiếu với dân”

Một là, “Trung với nước, Hiếu với dân” là phẩm chất đạo đức của dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, bổ sung, phát triển trong thời đại mới

“Trung với nước, Hiếu với dân” là phẩm chất đạo đức vốn có từ xa xưa trong đạo đức truyền thống phương Đông và đạo đức truyền thống của Việt Nam. Trong điều kiện mới, phẩm chất đạo đức này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, bổ sung và phát triển đưa vào khái niệm nội dung mới, có ý nghĩa khoa học đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Người đã đưa vào đó những nội dung đạo đức mới, phù hợp hơn, rộng lớn hơn và sâu đậm tình người làm cơ sở cho việc xây dựng một nền đạo đức mang tính cách mạng và khoa học, hình thành nên những phẩm chất đạo đức tiêu biểu cho con người Việt Nam trong thời đại mới, để mỗi người học tập, phấn đấu, rèn luyện “Không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”[2, tr.292].

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung là trung với nước, là trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc, với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, đại diện cho lợi ích và quyền lợi của toàn dân tộc. Trung với nước trước tiên là phải có niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng của Đảng và phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; là “Chấp hành triệt để đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, hăng hái thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống”[10, tr.111].

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hiếu là hiếu với dân - thương yêu, quý trọng và tin dân. Hiếu với dân trước hết là phải hiếu với cha mẹ, không chỉ hiếu với cha mình mà còn hiếu với cha mẹ người, phải làm cho mọi người đều biết yêu thương cha mẹ. Hiếu với dân không phải chỉ là hiếu với cha mẹ mình mà còn là hiếu với nhân dân, với toàn dân tộc. Ðó là, lòng yêu nước thương nòi, tự hào với truyền thống vẻ vang của dân tộc; là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người dân với cộng đồng, với sự nghiệp của Ðảng và dân tộc, với sự hưng vong của đất nước; là ý chí và nghị lực vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu chung của sự nghiệp cách mạng; là sự tin yêu, kính trọng nhân dân. 

Hai là, Trung với nước, Hiếu với dân” là phẩm chất đạo đức quan trọng nhất, bao trùm nhất, chi phối tất cả các phẩm chất khác

“Trung với nước, Hiếu với dân” trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phẩm chất đạo đức vô cùng quan trọng của mỗi con người, chi phối tất cả các phẩm chất khác và hành động của họ. Khi phẩm chất đạo đức “Trung với nước, Hiếu với dân” phát triển là khi cá nhân luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân sẵn sàng: “hy sinh cho giai cấp, cho nhân dân”; “đoàn kết đấu tranh, thành một lực lượng tất thắng”; “vượt mọi khó khăn”, “giữ vững lập trường cách mạng, không lay động, không hoang mang… vui vẻ chịu đựng mọi gian khổ, bền bỉ làm mọi công tác nặng nề..., hết sức phục vụ nhân dân, anh dũng hy sinh cho Tổ quốc”[5, tr.354]

 “Trung với nước, Hiếu với dân” còn được thể hiện ở “trung với Đảng”, “sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Người nhấn mạnh, “Trung với nước, Hiếu với dân” là phải “có tinh thần yêu nước chân chính, lại có tinh thần quốc tế vô sản cao cả, luôn luôn đoàn kết với nhân dân và quân đội các nước xã hội chủ nghĩa anh em, với nhân dân các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; “phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hăng hái thi đua yêu nước với tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai"...

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phẩm chất “Trung với nước, Hiếu với dân” được cụ thể bằng những hành động, việc làm thiết thực đóng góp cho quê hương, đất nước, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhân dịp khai giảng của Trường Trần Quốc Tuấn khóa thứ IV, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi và tặng Trường 6 chữ: “Trung với nước, Hiếu với dân”. Theo đó, “Trung với nước, Hiếu với dân” được Người khái quát ở một số nội dung như: “Lòng yêu nước rất nồng nàn, chí kiên nhẫn rất vững chắc, sự đoàn kết rất chặt chẽ và một kỷ luật rất nghiêm minh đánh bại mọi kẻ thù xâm lược; là sự cố gắng học tập kỹ thuật cho ngày càng tiến bộ, mà còn phải giữ vững và phát triển truyền thống vẻ vang của quân đội; là mỗi cá nhân, mỗi cán bộ, chiến sĩ thi đua tìm cách dạy cho dễ hiểu, cho chóng tiến bộ; thi đua học cho chóng, cho nhiều, cho tốt”[2, tr.542]; “Sẵn sàng quên mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho lý tưởng cộng sản vẻ vang không đòi danh, đòi lợi… một lòng một dạ phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân”[9, tr.468]. “Trung với nước, Hiếu với dân” còn là phẩm chất đạo đức quan trọng giúp mỗi cá nhân khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, tinh thần đồng cam cộng khổ với đồng chí, đồng đội; tinh thần “không quản khó nhọc, luôn luôn vui vẻ làm tròn nhiệm vụ”[4, tr.149].

Như vậy có thể thấy, “Trung với nước, Hiếu với dân” không phải là một khẩu hiệu mà đã được cụ thể hóa thành những việc làm, hành động thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước; trở thành yêu cầu cơ bản, căn cốt là kim chỉ nam quan trọng định hướng cho công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên Việt Nam hiện nay. 

2. Nội dung giáo dục phẩm chất “Trung với nước, Hiếu với dân” cho thanh niên Việt Nam hiện nay

Một là, trung thành tuyệt đối với lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng, của tổ chức mà mình tham gia

Trong điều kiện hòa bình, phẩm chất đạo đức “Trung với nước, Hiếu với dân” của các thế hệ thanh niên thể hiện ở quyết tâm bảo vệ nền độc lập, chủ quyền quốc gia, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; ra sức học tập nâng cao trình độ để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân; hăng hái lao động, sản xuất khoa học - kỹ thuật, văn hóa - nghệ thuật góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội xứng với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. 

Giáo dục thanh niên phải luôn quan tâm, bảo vệ lợi ích của đất nước, của tổ chức mình tham gia: “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”[3, tr.131]. Thanh niên cần phải: “luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “Trung với nước, Hiếu với dân”, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu… tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau... Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân” [9, tr.619] như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.

Hai là, đoàn kết, gắn bó với bạn bè, đồng nghiệp; tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau

“Trung với nước, Hiếu với dân” không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý của thanh niên đòi hỏi họ phải biết chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức làm tròn những việc được giao. Mỗi thanh niên cần được tăng cường giáo dục để nghiêm túc chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị; làm đúng với đạo lý uống nước nhớ nguồn, mang lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng. Đồng thời, thanh niên ngày nay cần được tăng cường giáo dục về tinh thần đoàn kết, gắn bó với bạn bè, đồng nghiệp trong quá trình học tập, công tác, lao động sản xuất. 

Ba là, sẵn sàng làm trọn nhiệm vụ với Đảng, Nhà nước và Nhân dân

Trong bối cảnh đất nước hoà bình và phát triển, thanh niên cần được giáo dục để sẵn sàng, tích cực và chủ động khi tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú; “sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Nội dung giáo dục cần tập trung vào vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự để thanh niên nhận thức được việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp… Những công dân đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự cần thực hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc. Mỗi gia đình cần động viên, khuyến khích con em mình tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự khi đến tuổi như pháp luật quy định.

Cần tập trung giáo dục để thanh niên luôn cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”[7, tr.530] và “bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”[8, tr.90].

Bốn là, giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên

Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên giúp họ trở thành những công dân tốt, người cách mạng chân chính: “Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp. Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”. Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ” [8, tr.471]. Theo đó, thanh niên cần được giáo dục và thấm nhuần giá trị lịch sử, đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc và các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước, quê hương. Rèn luyện, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên có đạo đức, lối sống tốt, sống có trách nhiệm, có ước mơ, hoài bão. Cần giáo dục cho thanh niên những giá trị trung - hiếu mới gắn với giá trị văn hoá truyền thống, khơi dậy khát vọng tiên phong, dũng cảm trong học tập, lao động, cống hiến xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

3. Một số giải pháp tăng cường giáo dục phẩm chất “Trung với nước, Hiếu với dân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh niên Việt Nam trong thời gian tới

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm năng lực thực tiễn và sự phối hợp giữa các chủ thể trong giáo dục chính trị, đạo đức, trực tiếp là giáo dục phẩm chất “Trung với nước, Hiếu với dân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh niên hiện nay

Cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục để toàn xã hội nhận thức rõ về vị trí, vai trò của thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, đóng vai trò quyết định của sự nghiệp cách mạng, là người chủ tương lai của đất nước, để có sự quan tâm đến thanh niên, cùng với Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội làm tốt công tác giáo dục đạo đức thanh niên. 

Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục phẩm chất “Trung với nước, Hiếu với dân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh niên: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu nhi; cùng với nhà trường giáo dục hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thế hệ trẻ phát triển toàn diện. Tạo điều kiện để các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong trường học phát huy vai trò, ảnh hưởng và tích cực tham gia quá trình giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển đất nước.

Thứ hai, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp trong chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, phẩm chất “Trung với nước, Hiếu với dân” cho thanh niên hiện nay

Các cấp ủy đảng phải luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, xác định việc giáo dục đạo đức cách mạng, phẩm chất “Trung với nước, Hiếu với dân” cho thanh niên là việc làm thường xuyên, liên tục của mỗi tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030". 

Tổ chức đảng các cấp cần phải xác định rõ nội dung, chỉ tiêu, biện pháp lãnh đạo phù hợp đối với công tác thanh niên và giáo dục đạo đức cách mạng, phẩm chất “Trung với nước, Hiếu với dân” cho thanh niên ở mỗi giai đoạn nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức “Trung với nước, Hiếu với dân” cho thanh niên gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

Thứ ba, đổi mới, đa dạng hóa nội dung, vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp bồi dưỡng phẩm chất trung hiếu theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh niên 

Cần thường xuyên được cập nhật thông tin mới về nội dung, đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục nhằm thu hút, hấp dẫn thanh niên tham gia; xác định đúng nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp bồi dưỡng một cách phù hợp, đồng thời, phát huy được tối đa các ưu điểm của từng hình thức, biện pháp, từ đó làm cho cho hoạt động bồi dưỡng phẩm chất đạo đức “Trung với nước, Hiếu với dân” cho thanh niên đạt kết quả cao. 

Đổi mới nội dung, hình thức giáo dục phẩm chất đạo đức “Trung với nước, Hiếu với dân” cho thanh niên Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động, phòng trào thực tiễn, thiết thực về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, những hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, đất nước và những hoạt động thể hiện trách nhiệm của thanh niên với cộng đồng nhằm thu hút, hấp dẫn thanh niên tham gia.

Tăng cường tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt trong thanh niên nhằm giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, phẩm chất đạo đức “Trung với nước, Hiếu với dân”, kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện, hành vi phi đạo đức, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc trong thanh niên.

Thứ tư, phát huy tính tích cực, chủ động tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức cách mạng của thanh niên hiện nay 

Hình thành cho thanh niên nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, làm cho mỗi người có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình. Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để thanh niên phấn đấu, rèn luyện; đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho thanh niên. 

Quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của thanh niên về vật chất, tinh thần; giao nhiệm vụ phù hợp với sở trường, năng khiếu đặc điểm tâm, sinh lý của họ sẽ tạo điều kiện tốt để thanh niên rèn luyện đạo đức, lối sống. Mỗi thanh niên phải xác định rõ trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới cái mới, cái tiến bộ; sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ.

Kết luận

Thanh niên có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Chăm lo giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng nói chung và phẩm chất đạo đức “Trung với nước, Hiếu với dân” nói riêng cho thanh niên Việt Nam hiện nay là cần thiết nhằm “hình thành một lớp thanh niên ưu tú, vững vàng về chính trị, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa”, “có lý tưởng cao đẹp”, biết “nuôi dưỡng hoài bão lớn”, “tự cường dân tộc” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại tạo “sức đề kháng” cho thanh niên trước những tác động tiêu cực từ nền kinh tế thị trường, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế; sự chống phá, lôi kéo của các thế lực thù địch, phản động.

Tài liệu tham khảo:

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 4, Hà Nội.

[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 5, Hà Nội.

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 6, Hà Nội.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 7, Hà Nội.

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 8, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 11, Hà Nội.

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 12, Hà Nội.

[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 13, Hà Nội.

[9] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 14, Hà Nội.

[10] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 15, Hà Nội.

Tin liên quan

Đọc thêm

Giải pháp thực hiện Cam kết của Việt Nam về "Net zero" vào năm 2050

Tác giả: Phạm Tú Tài

(GDLL) - Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam đã ký cam kết đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050 (Net Zero). Bài viết tập trung phân tích những tác động của phát thải khí nhà kính, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu; nỗ lực của Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính và đề xuất một số giải pháp Việt Nam cần thực hiện trong lộ trình "Net Zero" vào năm 2050.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Hoài Phương

(GDLL) - Trong quá trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ, công chức đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức đã nỗ lực hết mình để thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Bài viết nghiên cứu về thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

Quá trình phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tác giả: Lục Việt Dũng

(GDLL) - Bài viết khái quát sự phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhấn mạnh những nội dung mới tại Nghị quyết số 27-NQTW; từ đó đề xuất một số giải pháp bảo đảm các đặc trưng này trong quá trình xây dựng, hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay

Tác giả: ThS Lưu Thị Thu Phương

(LLCT) - Nghiên cứu, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là một hoạt động quan trọng trong lãnh đạo, quản lý xã hội, do đó cần không ngừng được đổi mới công tác này để giúp cấp ủy, chính quyền phát hiện những điểm nóng về tư tưởng, kịp thời giải tỏa xung đột xã hội tiềm tàng. Bài viết tập trung làm rõ các phương pháp định hướng dư luận xã hội đang được sử dụng, nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

Tác giả: ThS. Cao Phan Giang

(GDLL) - Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh là những danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho dòng tư tưởng về dân ở Việt Nam. Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi hội tụ những giá trị vượt trội của thời đại phong kiến với và nhiều quan điểm tiến bộ về dân. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là kết tinh của tư tưởng thân dân truyền thống cùng những giá trị tiến bộ của nhân loại trong ý thức hệ của giai cấp công nhân. Sự giống và khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, ý thức hệ và bài học dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của hai tác giả cho thấy sự vận động và phát triển liên tục của dòng tư tưởng về dân Việt Nam.