Thứ Hai, ngày 16/10/2023, 00:11

Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên số

Trương Bảo Thanh - Nguyễn Đình Quỳnh
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) - Giáo dục và đào tạo là “chìa khóa” đem lại sự thành công và phát triển bền vững của mỗi quốc gia, là nhân tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Trên cơ sở làm rõ vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo trong xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bài viết phân tích thành tựu và hạn chế trong công tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội cơ sở Hoà Lạc và Trường Đại học FPT tại huyện Thạch Thất, Hà Nội về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh: Dương Giang; nguồn: vnanet.vn)

Đặt vấn đề

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của mỗi quốc gia. Hiện nay, tỷ lệ lao động cơ bắp ngày một giảm, lao động trí tuệ ngày một tăng, lợi thế so sánh đang chuyển dần về phía những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực đang trở thành yếu tố quyết định đối với việc gia tăng lợi thế cạnh tranh cũng như sự phát triển nhanh và bền vững của mỗi quốc gia. Chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc chủ yếu vào chính sách giáo dục & đào tạo. 

1. Vai trò của giáo dục và đào tạo đối với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Giáo dục và đào tạo là hoạt động xã hội đặc biệt; là bộ phận của kiến trúc thượng tầng, giữ vai trò nền tảng, động lực quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Giáo dục và đào tạo là con đường hiệu quả nhất để con người tiếp cận kịp thời với những thông tin mới nhất, cập nhật, làm giàu thêm nguồn tri thức và năng lực sáng tạo của mình, chỉ có thông qua giáo dục và đào tạo mới phát triển và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội. Chính vì thế, từ xưa tới nay, mọi quốc gia, mọi dân tộc trong quá trình phát triển đều đề cao vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo. 

- Quan điểm của C.Mác về lao động đã qua giáo dục và đào tạo: C.Mác là người đánh giá rất cao vai trò của lao động đã qua giáo dục và đào tạo mà Mác gọi là lao động phức tạp. Theo C.Mác: “Lao động phức tạp chỉ là lao động giản đơn được nâng lên lũy thừa, hay nói cho đúng hơn, là lao động giản đơn được nhân lên[9,tr.75]. Lao động phức tạp là lao động phải qua học tập, đào tạo, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm... mới có được. Trong cùng một thời gian thì lao động phức tạp tạo ra nhiều giá trị hơn so với lao động giản đơn.

- Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”[11,tr.7], Người cũng chỉ rõ mục tiêu, sứ mệnh của giáo dục và đào tạo là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”[11,tr.208]. Thấm nhuần tư tưởng đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhân tố quyết định để thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”[11,tr.208], giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam[5,tr.77]

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI khẳng định: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”[4,tr.106].

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) chủ trương: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt”[5, tr.203-204], chú trọng phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người”[5, tr.231] và khẳng định đây là một khâu đột phá chiến lược, là điểm mới, điểm nhấn rất quan trọng trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nguồn nhân lực là tổng thể các yếu tố thể lực, trí lực, kỹ năng lao động, thái độ và phong cách làm việc, kinh nghiệm sống, đạo đức, lý tưởng, văn hóa, năng lực chuyên môn, tính năng động trong công việc của bản thân con người và xã hội có thể huy động vào cuộc sống lao động sáng tạo vì sự phát triển tiến bộ của xã hội. Giáo dục, đào tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao vì đối tượng hướng đến của giáo dục là con người và mục tiêu là trang bị kiến thức, trình độ chuyên môn, trình độ tư duy và năng lực cần thiết cho con người tham gia vào đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên số. Bên cạnh đó, giáo dục và đào tạo còn giúp con người phát triển và hoàn thiện nhân cách, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao thể chất. Giáo dục và đào tạo còn giúp con người có được phương pháp làm việc khoa học, khả năng thích ứng nhanh với biến đổi của môi trường làm việc. Thông qua giáo dục và đào tạo, phương pháp làm việc khoa học của con người cũng được hình thành và từng bước nâng cao. Đặc biệt, giáo dục và đào tạo còn là “phương thức” để giữ gìn, phổ biến, giao lưu, phát triển văn hóa, khoa học và tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên thực tế, nhờ có quá trình giáo dục và đào tạo đã tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao có tri thức, đạo đức, trình độ chuyên môn, trình độ tư duy khoa học, kỹ năng, kỹ xảo phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước, đặc biệt là trong thời đại có sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

2. Thực trạng giáo dục và đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay 

Trong suốt quá trình chuyển mình từ một nền kinh tế lạc hậu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Nhờ đó, mặt bằng dân trí cũng như trình độ học vấn và tay nghề của người lao động Việt Nam năm 2022 lao động đã qua đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên là 13,5 triệu người, chiếm 26,2%, tăng 0,1% so với năm 2021[12]. Trong số hơn 13 triệu nhân lực có trình độ từ đào tạo nghề sơ cấp trở lên, nhân lực có trình độ từ đại học trở lên có khoảng hơn 5 triệu người, chiếm 44%[7]. Trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ dân số có chuyên môn kỹ thuật đã tăng từ 17,7% năm 2007 tăng lên 26,2% năm 2022[10]. Theo Ngân hàng thế giới (WB, 2020), chỉ số vốn nhân lực (HCI) của Việt Nam năm 2020 là 0, 6779 lên 0,6903 năm 2022, Việt Nam xếp thứ 7/11 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2022 là 115/189 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng hai bậc so với năm 2020 [3]. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố tháng 6 -2023, Việt Nam tăng 12 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) và đang giữ vị trí thứ 56/141 quốc gia [2]. Nhìn chung, giáo dục và đào tạo đã tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ trong nhiều ngành nghề của nền kinh tế, bao gồm những ngành, nghề mới xuất hiện, đồng thời, góp phần nâng cao năng suất lao động của Việt Nam. 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, giáo dục và đào tạo ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như:

Một là, có sự mất cân đối lớn về cơ cấu ngành nghề, chuyên môn nghiệp vụ 

Hiện nay, cơ cấu lao động qua đào tạo ở Việt Nam đang chuyển dịch theo hướng bất hợp lý, hiện tượng “thừa thầy thiếu thợ” đang rất phổ biến. Tỷ lệ lao động giữa các ngành nghề kinh tế đang mất cân đối khá lớn. Năm 2022, tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp giảm còn 27,6%, các ngành công nghiệp, dịch vụ là 39,1%. Tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có sự dao động nhẹ và đạt mức 33,3% năm 2022[8].

Hai là, trình độ, chuyên môn, nghề nghiệp của đội ngũ nguồn nhân lực chưa cao

Mặc dù Việt Nam đang có tỷ lệ phổ cập giáo dục cao đạt khoảng 88%, nhưng số người lao động có trình độ tay nghề, chuyên môn chỉ chiếm khoảng 11,67% và gần như không thay đổi nhiều so với ba năm trước. Đặc biệt, năm 2022, tỷ lệ lao động Việt Nam có đủ trình độ tiếng Anh để làm việc chỉ chiếm 5% lực lượng lao động[6]. Nhìn chung, lao động Việt Nam có trình độ chuyên môn, tay nghề và kỹ năng chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và của thị trường lao động. 

Ba là, kỷ luật lao động và đạo đức nghề nghiệp của người lao động chưa cao

Trên thực tế, tinh thần trách nhiệm trong công việc, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, ý thức tuân thủ lao động của người lao động Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quá trình sản xuất công nghiệp. Điều này đã tác động xấu đến chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh hàng hóa trên thị trường. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), hầu hết các chỉ tiêu về nguồn nhân lực của Việt Nam đang ở mức xếp hạng thấp. Việt Nam xếp thứ 70/100 về chỉ số nguồn nhân lực. Về chỉ số lao động có chuyên môn cao, Việt Nam đứng thứ 81/100. Chỉ số về chất lượng đào tạo nghề cũng đang ở mức thấp (80/100)[1].

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do nhà nước chưa có chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao toàn diện, mang tầm quốc gia trong dài hạn Hệ thống giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo đại học còn bộc lộ nhiều hạn chế; Công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động còn yếu...

3. Giải pháp thúc đẩy giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên số

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Trước hết, toàn xã hội và hệ thống chính trị cần nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò “đầu tàu” của nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đặc biệt coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, then chốt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia và cán bộ khoa học, công nghệ đầu ngành. Tiếp tục đổi mới tư duy trong tuyển dụng, đánh giá và đãi ngộ nguồn nhân lực dựa trên cơ sở năng lực và hiệu quả công việc. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền góp phần giúp mọi người dân hiểu rõ và những chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Thứ hai, hoàn thiện chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới

Cần hiểu rõ xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một chủ trương lớn, nhiệm vụ quan trọng và phức tạp đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng với một tư duy đột phá, tầm nhìn lâu dài với thực tiễn. Do đó, cần xác định rõ mục tiêu, quy mô, lộ trình và những cơ chế, chính sách tổng thể nhằm khắc phục những mâu thuẫn về phát triển số lượng, chất lượng và cơ cấu; xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao toàn diện và đồng bộ. 

Thứ ba, đổi mới và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Thực hiện đồng bộ cơ chế chính sách trên nhiều phương diện như giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, việc làm, thu nhập, an sinh xã hội… Đặc biệt, coi trọng cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới chính sách bố trí, tuyển dụng theo hướng công khai, khách quan, chính xác dựa trên phẩm chất và năng lực thực chất.

Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện giáo dục và đào tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội

Đổi mới một cách căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân, làm cho giáo dục và đào tạo thực sự trở thành “phương tiện đắc lực” để phát triển trí tuệ, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài xây dựng và phát triển đất nước; chú trọng đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước hoàn thiện cơ chế cộng tác xã hội hóa giáo dục, đẩy mạnh hướng nghiệp từ bậc phổ thông đến bậc đại học nhằm bảo đảm cho người học định hướng đúng đắn về ngành, nghề, xác định rõ mục đích, động cơ, thái độ học tập.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực

Dự báo chính xác, kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của các ngành nghề trong tương lai là vấn đề mang tính quyết định trong việc đào tạo và phân bố nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tránh tình trạng thừa và thiếu nguồn nhân lực. Đây là nội dung cần đặc biệt quan tâm bởi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng lớn tới cơ cấu nền kinh tế, khả năng suy giảm và mất đi của nhiều ngành nghề cũ và sự xuất hiện của các ngành nghề mới có thể xảy ra, điều này tác động không nhỏ đến cơ cấu lao động và việc làm ở nước ta trong những năm tới.

Kết luận

Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, là nhân tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong những năm qua, nhận thức rõ vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách về đổi mới giáo dục và đào tạo; từng bước xây dựng lộ trình và hoàn thiện chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đổi mới góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 và nằm trong nhóm nước phát triển thu nhập trung bình cao vào năm 2045.

Tài liệu tham khảo:

[1] Hồng Ánh (2022), Hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng đáp ứng chuyển đổi số, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, https://kinhtevadubao.vn/

[2] Cổng thông tin ASEAN Việt Nam (2023), Việt Nam tăng 12 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu, http://trucotkt.asean.vietnam.vn.

[3] Cục Chuyển đổi số quốc gia (2022), Đánh giá của Liên hợp Quốc về Nguồn nhân lực trong phát triển Chính phủ điện tử/Chính phủ số của các nước trên thế giới và của Việt Nam, https://aita.gov.vn.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[6] Mai Hoa (2022), Lao động có tay nghề, chuyên môn cao chỉ chiếm 11,67%, Báo Hà Nội mới, http://www.hanoimoi.com.vn/

[7] Phạm Thị Kiên (2022), Thúc đẩy quản trị nguồn nhân lực số trong doanh nghiệp Việt, Tạp chí tài chính, https://tapchitaichinh.vn/ 

[8] Vũ Thị Loan (2022), Một số vấn đề đặt ra đối với thị trường lao động và giải pháp trọng tâm nhằm phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia “Lao động, việc làm và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số”, Nxb Lao động, Hà Nội.

[9] Các Mác và Ph.Ăng - Ghen (1993), Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[10] Thanh Mai (2023), Phát huy lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng, Báo Nhân dân, https://nhandan.vn/, ngày 23-4-2023.

[11] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[12] Tổng cục thống kê (2023), Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022, https://www.gso.gov.vn

Tin liên quan

Đọc thêm

Giải pháp thực hiện Cam kết của Việt Nam về "Net zero" vào năm 2050

Tác giả: Phạm Tú Tài

(GDLL) - Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam đã ký cam kết đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050 (Net Zero). Bài viết tập trung phân tích những tác động của phát thải khí nhà kính, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu; nỗ lực của Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính và đề xuất một số giải pháp Việt Nam cần thực hiện trong lộ trình "Net Zero" vào năm 2050.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Hoài Phương

(GDLL) - Trong quá trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ, công chức đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức đã nỗ lực hết mình để thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Bài viết nghiên cứu về thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

Quá trình phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tác giả: Lục Việt Dũng

(GDLL) - Bài viết khái quát sự phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhấn mạnh những nội dung mới tại Nghị quyết số 27-NQTW; từ đó đề xuất một số giải pháp bảo đảm các đặc trưng này trong quá trình xây dựng, hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay

Tác giả: ThS Lưu Thị Thu Phương

(LLCT) - Nghiên cứu, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là một hoạt động quan trọng trong lãnh đạo, quản lý xã hội, do đó cần không ngừng được đổi mới công tác này để giúp cấp ủy, chính quyền phát hiện những điểm nóng về tư tưởng, kịp thời giải tỏa xung đột xã hội tiềm tàng. Bài viết tập trung làm rõ các phương pháp định hướng dư luận xã hội đang được sử dụng, nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

Tác giả: ThS. Cao Phan Giang

(GDLL) - Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh là những danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho dòng tư tưởng về dân ở Việt Nam. Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi hội tụ những giá trị vượt trội của thời đại phong kiến với và nhiều quan điểm tiến bộ về dân. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là kết tinh của tư tưởng thân dân truyền thống cùng những giá trị tiến bộ của nhân loại trong ý thức hệ của giai cấp công nhân. Sự giống và khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, ý thức hệ và bài học dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của hai tác giả cho thấy sự vận động và phát triển liên tục của dòng tư tưởng về dân Việt Nam.