Thứ Tư, ngày 01/11/2023, 08:30

Vai trò của Hồ Chí Minh đối với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Nguyễn Thị Thu Thủy
Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

(GDLL) - Cách mạng Tháng Tám 1945 là biểu hiện cao nhất, kết quả minh chứng rõ nhất cho một hành trình dài Hồ Chí Minh chuẩn bị các điều kiện để hiện thực hóa khát vọng đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân. Bài viết phân tích vai trò của Hồ Chí Minh đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đó là: định hình đường lối chiến lược, sách lược cách mạng đúng đắn; dự báo sớm, nhận định đúng thời cơ cách mạng; phân hóa đối tượng, tranh thủ tận dụng hiệu quả sự giúp đỡ của các lực lượng; kiên quyết, kịp thời lãnh đạo nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công.

Chương trình nghệ thuật "Sao Độc lập" chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (nguồn: vnanet.vn)

Đặt vấn đề

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, là mốc son chói lọi của phong trào giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay. Hồ Chí Minh đã có một lộ trình miệt mài, kiên trì, bản lĩnh chuẩn bị cho khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc trở thành hiện thực. Lộ trình ấy bắt nguồn từ mục tiêu và hành động của người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước (1911) đến các hoạt động sôi nổi trong phong trào cách mạng thế giới; chuẩn bị các điều kiện và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2-1930); chủ động triệu tập, chủ trì Hội nghị Trung ương tám (5-1941) với những quyết sách, chiến lược quan trọng có tính chất quyết định thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945. 

1. Định hình đường lối chiến lược, sách lược cách mạng đúng đắn

 Điều này thể hiện rõ qua vai trò chủ động của Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị Trung ương 8. Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 họp tại Pác Bó (Cao Bằng), do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Hội nghị nhận định nếu tấn công Liên Xô, phát xít Đức sẽ bị tiêu diệt; cách mạng nhiều nước sẽ thành công; một loạt nước xã hội chủ nghĩa sẽ ra đời. Vì vậy, nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là chuẩn bị cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tập trung mũi nhọn vào bọn xâm lược Nhật - Pháp. Hội nghị nhận định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng cuộc khởi nghĩa võ trang”[1, tr.129]. Hội nghị đã phân tích kỹ những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi cho một cuộc tổng khởi nghĩa; dự đoán sự phát triển mau lẹ của tình hình, đồng thời cũng nhấn mạnh ý thức tự lực, tự cường. Hội nghị chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ mỗi nước Đông Dương, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh).Hội nghị đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng, gấp rút đào tạo cán bộ, chú trọng tăng thành phần công nhân trong Đảng.Hội nghị Trung ương 8 có ý nghĩa lịch sử to lớn. Hội nghị đã hoàn chỉnh việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược theo tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc, là sự trở về với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc đã nêu trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng (năm 1930). Ngay sau Hội nghị, Người viết thư “Kính cáo đồng bào” (6-6-1941) gửi đến các tầng lớp nhân dân cả nước, chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng…”[6, tr.230]. Hồ Chí Minh cho xuất bản Báo Việt Nam độc lập (gọi tắt là Việt lập), tuyên truyền, vận động nhân dân hăng hái tham gia cách mạng. Người viết tác phẩm Lịch sử nước ta (năm 1942), nêu bật truyền thống yêu nước, bất khuất, đoàn kết của dân tộc và đúc rút bài học về đoàn kết: “Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”[6, tr.266]. Phong trào cách mạng tiếp tục phát triển mạnh mẽ với mục tiêu tập trung cho nhiệm vụ trung tâm, trước tiên là giải phóng dân tộc. Theo đó hàng loạt các điều kiện được chuẩn bị: xây dựng lực lượng chính trị (Mặt trận Việt Minh mà nòng cốt là các đoàn thể cứu quốc); xây dựng lực lượng vũ trang (các đội du kích, thành lập Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân); xây dựng căn cứ địa cách mạng (từ Cao Bằng - Thái Nguyên - Tuyên Quang... đến Việt Bắc); tranh thủ mọi điều kiện có thể để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo; tuyên truyền và thực hiện chủ trương hợp tác với đồng minh; xây dựng sức mạnh nội lực và tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong quá trình lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám, Đảng và Hồ Chí Minh đã nêu cao mục tiêu đấu tranh giành độc lập dân tộc với ý chí tự lực, tự cường, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc để tập hợp, đoàn kết nhân dân trong Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Hồ Chí Minh luôn chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng và tổ chức, thống nhất ý chí hành động trong toàn Đảng.

2. Dự báo sớm, nhận định đúng thời cơ cách mạng

Chớp đúng thời cơ khởi nghĩa luôn là một vấn đề có ý nghĩa quyết định tới thắng lợi của mọi cuộc cách mạng. Đối với Hồ Chí Minh, đó là cả một hành trình dài trong sự tổng hợp, chiêm nghiệm hoạt động thực tiễn, quan sát để có được những nhận thức, đánh giá đúng, sát hợp thực tiễn, có đủ thế, lực, thời thì mới có thể chớp thời cơ thành công được. 

Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề thời cơ, Người coi thời cơ là sức mạnh, là lực lượng. Theo người, có lực, có thế còn phải biết tạo thời và tranh thời. Nếu hành động đúng thời cơ thì lực lượng nhỏ cũng có thể giành thắng lợi lớn...

Ngay khi chiến tranh thế giới thứ hai vừa bùng nổ (1939), Nguyễn Ái Quốc đã có những dự báo tài tình về phong trào cách mạng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Cuối tháng 9-1944, sau khi được trả tự do từ nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh trở về nước, kịp thời hoãn cuộc khởi nghĩa đã được chuẩn bị của Liên tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn, vì nhận thấy trong nước nhiều nơi chưa sẵn sàng khởi nghĩa, cán bộ, vũ khí còn phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt.

Khi cục diện chiến tranh có lợi cho phe Đồng minh chống phát xít. Thời cơ cho dân tộc Việt Nam đang đến gần. Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào toàn quốc (10-1944). Người phân tích tình hình và dự đoán thời cơ của cách mạng Việt Nam: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”[6, tr. tr.538].

Ngoài đội các Cứu quốc quân được xây dựng từ sau khởi nghĩa Bắc Sơn, đến ngày 22-12-1944, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được Người quyết định thành lập và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Thực hiện chỉ thị của Người “trận đầu phải thắng”, chỉ sau vài ngày thành lập, Đội đã lập hai chiến công hạ đồn Phai Khắt (25-12-1944) và Nà Ngần (26-12-1944). Chiến thắng đó có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong trào cách mạng của quần chúng.

Từ đầu tháng 5-1945, Hồ Chí Minh chuyển “đại bản doanh” của cách mạng từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang), để thuận tiện cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng đang dâng cao trong cả nước. Người nhận định: Nay vùng giải phóng đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng lân cận của các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên, địa thế nối liên nhau, nên lập thành một khu căn cứ cách mạng, lấy là Khu giải phóng. Chấp hành chỉ thị của Người, Tổng bộ Việt Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ tuyên bố thành lập Khu giải phóng, chuẩn bị về mọi mặt làm bàn đạp để tiến lên giải phóng toàn quốc[5, tr.316].

Dự báo về thời cơ còn được thể hiện sâu sắc hơn khi Hồ Chí Minh nhận định thời điểm để tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công chỉ khoảng nửa tháng tính từ khi Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh đến trước khi quân Đồng minh vào Việt Nam giải giáp phát xít Nhật theo quyết định tại Hội nghị Pốtxđam. Đồng thời, Người cũng xác định cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam nhất thiết phải đứng trong phong trào cách mạng thế giới, phải là một bộ phận của lực lượng đồng minh chống chủ nghĩa phát xít, coi đó là một điều kiện quan trọng bảo đảm sự thành công của cách mạng. Điều này thể hiện tư duy sáng tạo, thực tiễn của Hồ Chí Minh trong giải quyết vấn đề cách mạng giải phóng dân tộc với cuộc cách mạng vô sản chung của nhân loại tiến bộ trên thế giới theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong cả lý luận và thực tiễn. 

3. Phân hoá đối tượng, tranh thủ tối đa hiệu quả sự giúp đỡ của các lực lượng

Là nhà hoạt động chính trị, rất nhạy cảm với các vấn đề quốc tế, Hồ Chí Minh thấy lúc này cần tranh thủ các lực lượng. Điều này thể hiện rất rõ không chỉ đối với các lực lượng, thế lực bên ngoài (Quốc dân Đảng Trung Quốc, OSS, Việt Quốc, Việt Cách...) mà ngay cả với các lực lượng trong nước. Chủ trương bắt liên lạc, hợp tác với Đồng minh; thành lập mặt trận Việt Minh... là những minh chứng tiêu biểu cho vai trò phân hóa đối tượng, tranh thủ tối đa hiệu quả sự giúp đỡ của các lực lượng.

Tháng 3-1945, thông qua việc cứu giúp một phi công Mỹ (bị lực lượng phòng không của Nhật Bản bắn rơi) trở về Bộ Tư lệnh không quân Mỹ đóng tại Côn Minh (Trung Quốc), Hồ Chí Minh đại diện Mặt trận Việt Minh đã tiếp xúc và thiết lập quan hệ với lực lượng Mỹ. Người Mỹ cảm ơn Việt Minh những người Việt Nam có công cứu Trung úy phi công Mỹ William Shaw. Người trả lời “đó là bổn phận của những người chống phát xít, làm tất cả những việc gì có thể làm được để giúp đỡ Đồng minh”[5, tr. 311]. Từ tháng 5-1945, một số quân nhân, sĩ quan Mỹ đã lần lượt đến Việt Bắc giúp Mặt trận Việt Minh về điện đài, huấn luyện về chiến thuật quân sự và cách sử dụng một số loại vũ khí; giúp Mặt trận Việt Minh một số vũ khí, thuốc men,... Sự hoạt động của lực lượng Mỹ tại Việt Nam thể hiện sự sáng suốt của Hồ Chí Minh trong việc tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài cho cách mạng Việt Nam, đồng thời, thể hiện tinh thần quốc tế của nhân dân Việt Nam ngay từ đầu đã đứng về phe Đồng minh chống phát xít, góp phần vào thắng lợi chung trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Giữa những ngày đầu năm 1945, nhất là sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp và Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta ngày 12-3-1945 của Trung ương Đảng, cao trào kháng Nhật cứu nước, không khí khởi nghĩa đã sục sôi khắp mọi miền Tổ quốc, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục kiên trì tranh thủ tìm cách vừa có thể phân hóa lại vừa có thể tranh thủ được các đối tượng ủng hộ của cách mạng. Đầu tháng 4-1945, Hồ Chí Minh đến Bách Sắc - một thị trấn nhỏ nhưng có vị trí chiến lược quan trọng ở phía Tây Nam tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Trương Phát Khuê và liên lạc với tổ chức Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội (Việt Cách). Hồ Chí Minh đã căn dặn Hoàng Quốc Việt - một thành viên của đoàn lưu ý khi quan hệ hợp tác với các lực lượng rằng: “cần bí mật, cẩn thận, cảnh giác”, “Chúng ta không hy vọng gì ở họ nhưng cần tranh thủ họ cho tới khi không thể tranh thủ được”[8, tr.92]

Cách mạng Tháng Tám đã huy động được tuyệt đại đa số nhân dân tham gia, bao gồm các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo... kết thành một khối thống nhất cùng nhau hành động để đánh Pháp, đuổi Nhật, cứu giống nòi khỏi ách xâm lược. Đó là sức mạnh của toàn thể nhân dân được tổ chức trong Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không có tổ chức Mặt trận chặt chẽ, thống nhất như thế thì không có được lực lượng chính trị hùng hậu để từ đó xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

4. Kiên quyết, bản lĩnh kịp thời lãnh đạo nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công

Bản lĩnh và tài năng lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo trong thắng lợi lịch sử của Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 được chứng minh bằng nghệ thuật chớp thời cơ. Việc lựa chọn đúng thời điểm để kêu gọi toàn dân Tổng khởi nghĩa xuất phát từ thực lực của lực lượng cách mạng Việt Nam đã được dày công chuẩn bị, từ tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta". Trong thời điểm lịch sử vô cùng sôi động đó, Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước. Người viết: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[6, tr.596]. Đáp lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, căn cứ vào tinh thần Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với khát vọng độc lập tự do cháy bỏng, với quyết tâm to lớn, hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam từ Bắc tới Nam đã vùng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa oanh liệt trên toàn quốc.

Hồ Chí Minh đã thể hiện quyết tâm sắt đá, dù phải đánh đổi nhưng cũng kiên quyết phải thực hiện cho bằng được mục tiêu Người suốt đời theo đuổi. Thế nên dù đang ốm rất nặng, nhưng khi Võ Nguyên Giáp vào thăm, Người khẳng định như một mệnh lệnh rõ ràng, dứt khoát: “Bây giờ thời cơ thuận lợi đang tới, dù phải hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”[3, tr.248]. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã diễn ra và giành thắng lợi nhanh chóng trong vòng 15 ngày, trong đó thắng lợi ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có ý nghĩa quyết định. Ngày 2-9-1945, tại cuộc mít tinh lớn ở vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bên cạnh đó, Cách mạng Tháng Tám 1945 có những tính chất tiêu biểu: Đây là cuộc khởi nghĩa có tính chất nhân dân, chúng ta có thể nhìn vào số lượng vài nghìn cán bộ đảng viên so với khoảng 22 triệu dân khi ấy nhưng Đảng đã huy động, lãnh đạo được toàn dân đoàn kết đứng lên sẵn sàng hy sinh, chiến đấu và giành thắng lợi, thì đó quả là sức mạnh vĩ đại của nhân dân, là niềm tin của dân vào Đảng, là mục tiêu, ước nguyện của Đảng đã hoà quyện vào mục tiêu, khát vọng của nhân dân, Tổ quốc.

Kết luận

Thật khó có thể đề cập hết những vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám. Song, qua những tư liệu lịch sử, phần nào có thể khái quát được vai trò quyết định của Hồ Chí Minh đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Đây là quá trình Người cùng Đảng và nhân dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa thành công, đưa tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một bước ngoặt cách mạng chưa từng có trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] Đầu nguồn (Hồi ký về Bác Hồ (1975), Nxb. Văn học, Hà Nội.

[3] Võ Nguyên Giáp (2018), Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[4] Phạm Khắc Hoè (1987), Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nxb. Thuận Hóa, Huế.

[5] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2006), Hồ Chí Minh - tiểu sử, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[8] Hoàng Quốc Việt (1990), Đường Bác Hồ chúng ta đi, Nxb. Thanh niên, Hà Nội.

Đọc thêm

Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân

Tác giả: Ngô Hảo Nhi

(GDLL) - Giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ, đặt ra thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết nhận diện các luận điệu sai trái, lệch lạc và đưa ra các luận cứ, luận chứng cùng thực tiễn nhằm đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay.

Vững bước đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự lựa chọn đúng đắn, tất yếu của Đảng và Dân tộc Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Dung - Kiều Hưng

(GDLL) - Chủ nghĩa Mác - Lênin mãi luôn là thành tựu vĩ đại trong sự phát triển của tư duy và trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội. Lý luận của học thuyết này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Bài viết khẳng định sự lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Cường

(TG) - Khái niệm tổ chức cơ sở đảng được gọi chung cho tất cả Đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở tùy thuộc vào số lượng đảng viên và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị cơ sở. Thời gian qua, nội dung phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này”(1).