Thứ Tư, ngày 01/11/2023, 08:42

Quan điểm Hồ Chí Minh về điều kiện giữ vững quyền độc lập, tự do của dân tộc và sự vận dụng quan điểm đó trong giai đoạn hiện nay

Lê Văn Thuật
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.

(GDLL) - Quyền độc lập, tự do của dân tộc là một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong đó Người đã chỉ rõ những điều kiện cơ bản để giành, giữ và thực thi quyền độc lập, tự do của dân tộc. Trên cơ sở phân tích quan điểm của Hồ Chí Minh về điều kiện giữ vững quyền độc lập, tự do của dân tộc, bài viết luận giải một số vấn đề xây dựng, củng cố và phát huy những điều kiện nhằm giữ vững quyền độc lập tự do của dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Cửa chính Lăng Bác được mở ra trước Lễ Thượng cờ trên Quảng trường Ba Đình trong những ngày mùa Thu lịch sử (Ảnh: Phạm Kiên; nguồn: vnanet.vn)

Đặt vấn đề

Hiện nay, tình hình thế giới có những thay đổi nhanh chóng, các nước lớn tiến hành điều chỉnh chiến lược theo hướng vừa hợp tác vừa đấu tranh, thỏa hiệp và kiềm chế lẫn nhau đã tác động mạnh mẽ đến cục diện thế giới và các khu vực. Đặc biệt, tình trạng tranh chấp và xâm phạm chủ quyền, biên giới lãnh thổ, khủng bố, các cuộc chạy đua vũ trang, biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh... tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với sự nghiệp bảo vệ quyền độc lập, tự do của các dân tộc. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa các quốc gia đang diễn ra rất phức tạp và ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu và vận dụng những quan điểm của Hồ Chí Minh về điều kiện giữ vững quyền độc lập, tự do của dân tộc có ý nghĩa to lớn cả lý luận và thực tiễn góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1. Quan điểm Hồ Chí Minh về điều kiện giữ vững quyền độc lập, tự do của dân tộc

Quan điểm của Hồ Chí Minh về điều kiện giữ vững quyền độc lập, tự do của dân tộc bao gồm các nội dung:

Một là, khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam 

Vai trò sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh cho rằng: “Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”[8, tr.391]. Với cách mạng Việt Nam, Người khẳng định: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[5, tr.289]. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã phát huy vai trò là người lãnh đạo, đề ra những chính sách đúng đắn trong việc tập hợp lực lượng, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, tranh thủ thời cơ... lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, giành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Sau này, Hồ Chí Minh viết: “Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc[7; tr.25]. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền và trực tiếp lãnh đạo đất nước thoát cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”; lãnh đạo thực hiện thắng lợi cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền Nam - Bắc, bảo vệ vững chắc quyền độc lập, tự do của dân tộc đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Hai là, xây dựng Nhà nước dân chủ mới 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 6-1-1946, Chính phủ lâm thời đã tiến hành cuộc Tổng tuyển cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội; tổ chức soạn thảo và thông qua bản Hiến pháp dân chủ đầ̀u tiên; lập ra Chính phủ chính thức nhằm khẳng định cơ sở pháp lý của Nhà nước do chính nhân dân lập nên; kiện toàn và thành lập nên các ban, bộ, ngành dưới sự lãnh đạ̣o củ̉a Đảng và Hồ Chí Minh. Nhà nước nhanh chóng đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm kiến thiết đất nước về kinh tế, tài chính, xã hội, văn hóa... góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của dân tộc. 

Ba là, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí thức

Từ sớm, Hồ Chí Minh đã xây dựng chiến lược đại đoàn kết dân tộc nhằm tập hợp lực lượng cho cách mạng Việt Nam. Người khẳng định “công nông là gốc cách mệnh” bởi lẽ “công nông bị áp bức nặng hơn,… công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết,… công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc”[5, tr.288]. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với thành phần chủ yếu là giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức trong các phong trào yêu nước. Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh ra đời lấy liên minh công - nông - trí thức làm nền tảng, đã tập hợp đông đảo người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khối liên minh công - nông - trí thức tiếp tục là lực lượng cơ bản, là nền tảng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, bảo vệ vững chắc quyền độc lập, tự do và thống nhất của dân tộc. 

Bốn là, xây dựng nền kinh tế mới 

Sau khi giành được độc lập năm 1945, Hồ Chí Minh đã phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và cứu đói với lời kêu gọi nông dân “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!... Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”[6, tr.609]. Ngày 25-11-1945, Đảng đã ra chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc”, trong đó xác định: “Về kinh tế và tài chính: Mở lại các nhà máy do Nhật bỏ; khai thác các mỏ, cho tư nhân được góp vốn vào việc kinh doanh các nhà máy và mỏ ấy; khuyến khích các giới công thương mở hợp tác xã, mở các hội cổ phần tham gia kiến thiết lại nước nhà. Thực hiện khuyến nông, sửa chữa đê điều, lập quốc gia ngân hàng, phát hành giấy bạc, định lại ngạch thuế, lập ngân quỹ toàn quốc, các xứ, các tỉnh”[3; tr.27]. Đây được xem như là một dấu mốc quan trọng nhằm đưa đất nước bước vào thời kỳ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, bảo vệ quyền độc lập, tự do của dân tộc. 

Năm là, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế trên cơ sở nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc

Hồ Chí Minh xác định: “Sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và sự ủng hộ của nhân dân thế giới”[8, tr.675]. Vì vậy, Người luôn đặt cách mạng Việt Nam vào trong quỹ đạo của cách mạng thế giới, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng, mở rộng đoàn kết quốc tế trên tinh thần “Tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính” bởi “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”[7, tr.445]. Ngay sau khi giành được chính quyền, đất nước rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, bên cạnh các nhiệm vụ kiến thiết nước nhà, Đảng và Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc thiết lập các mối quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới để nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đi đến ký kết Hiệp định Pari (27-1-1973) chính là minh chứng đúng đắn, chủ động, sáng tạo trong việc tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đối với cách mạng Việt Nam góp phần giữ vững quyền độc lập, tự do của dân tộc. Với những sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cùng với sức mạnh nội sinh của dân tộc đã mang đến thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ vững chắc quyền độc lập, tự do của dân tộc.

2. Xây dựng, củng cố và phát huy những điều kiện nhằm giữ vững quyền độc lập, tự do của dân tộc theo quan điểm Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

Thứ nhất, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng

Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[8, tr.622]. Thấm nhuần tư tưởng của Người, hiện nay Đảng khẳng định: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng”[4, tr.111] và xem đó là nhiệm vụ then chốt góp phần làm cho hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ quyền độc lập, tự do của dân tộc hiện nay.

Thứ hai, kiên định và tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Bối cảnh hiện nay đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết đòi hỏi cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu lớn về những vấn đề cơ bản, nền tảng nhằm tiếp tục khẳng định những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Do đó, Đảng đã nêu lên quan điểm chỉ đạo cơ bản là cần phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục nghiên cứu phát triển, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Thứ ba, bảo đảm lợi ích quốc gia gắn chặt với quyền độc lập, tự do của dân tộc 

Lợi ích cốt lõi quốc gia - dân tộc Việt Nam hiện nay là độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần tích cực vào xây dựng một thế giới hòa bình, độc lập, tự do và phát triển bền vững. Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những tư tưởng chỉ đạo là “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi... Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[4, tr.161]. Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc chân chính, đúng đắn theo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. 

Thứ tư, tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII

Bối cảnh hiện nay đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục tăng cường đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[4, tr.34]. Trong đó, cần quán triệt quan điểm xem “dân là gốc” - nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội góp phần bảo vệ vững chắc quyền độc lập, tự do của dân tộc. 

Thứ năm, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sức mạnh dân tộc là nguồn lực nội sinh, giữ vai trò quyết định; sức mạnh thời đại là nguồn lực bên ngoài chỉ có thể phát huy tác dụng thông qua nhân tố bên trong là sức mạnh dân tộc và khi nó được phát huy thì sẽ làm cho sức mạnh dân tộc tăng lên. Hiện nay, thế giới đang bước vào thời kỳ toàn cầu hóa và được hầu hết quốc gia chấp nhận. Toàn cầu hóa diễn ra không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh. Theo đó, mỗi quốc gia không thể tách rời mà luôn là một bộ phận cấu thành của môi trường quốc tế, chịu sự tác động đa dạng, nhiều chiều của môi trường quốc tế. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục đoàn kết quốc tế, ủng hộ các phong trào, trào lưu tiến bộ trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh, Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”[4, tr.34]. Đồng thời, tận dụng tối đa sức mạnh thời đại, vượt qua nguy cơ, thách thức, không ngừng gia tăng nguồn lực để nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

Kết luận

Hiện nay, bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang có những chuyển biến mạnh mẽ, vừa tạo ra những thời cơ nhưng cũng gây ra không ít thách thức, trở ngại đối với sự nghiệp bảo vệ quyền độc lập, tự do của dân tộc. Với chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do” thì tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền độc lập, tự do của dân tộc vẫn luôn là tài sản quý báu và vô giá của toàn Đảng và toàn dân tộc, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng vững chắc hơn. “Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, nhân dân ta”[3, tr.99]. Để bảo vệ và phát triển quyền độc lập, tự do của dân tộc đòi hỏi chúng ta tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về điều kiện giữ vững quyền độc lập, tự do của dân tộc, đồng thời xem đó là những chỉ dẫn quan trọng để nước ta tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Trần Bạt (2005), Suy tưởng, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.

[2] Bộ Tư pháp, Viện khoa học pháp lý, (2006) Từ điển luật học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[9] Trung tâm từ điển học (2009) “Từ điển Tiếng Việt”, Nhà xuất bản Đà Nẵng.

[10] Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn hóa - Thông tin, TP Hồ Chí Minh.

Đọc thêm

Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân

Tác giả: Ngô Hảo Nhi

(GDLL) - Giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ, đặt ra thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết nhận diện các luận điệu sai trái, lệch lạc và đưa ra các luận cứ, luận chứng cùng thực tiễn nhằm đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay.

Vững bước đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự lựa chọn đúng đắn, tất yếu của Đảng và Dân tộc Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Dung - Kiều Hưng

(GDLL) - Chủ nghĩa Mác - Lênin mãi luôn là thành tựu vĩ đại trong sự phát triển của tư duy và trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội. Lý luận của học thuyết này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Bài viết khẳng định sự lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Cường

(TG) - Khái niệm tổ chức cơ sở đảng được gọi chung cho tất cả Đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở tùy thuộc vào số lượng đảng viên và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị cơ sở. Thời gian qua, nội dung phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này”(1).