Thứ Tư, ngày 01/11/2023, 08:47

Một số vấn đề thực tiễn thi hành pháp luật về luật sư và kiến nghị nâng cao chất lượng hành nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay

Đồng Ngọc Dám
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) - Thể chế, pháp luật về tổ chức và hoạt động của luật sư thời gian qua đã từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Bài viết tìm hiểu thực tiễn thi hành pháp luật về luật sư, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hành nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay.

Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (nguồn: vnanet.vn)

Đặt vấn đề

Thể chế, pháp luật về tổ chức và hoạt động của luật sư thời gian qua đã từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phát triển cả về số lượng và chất lượng, trong đó có đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay một số quy định pháp luật chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thực tiễn phát triển nghề luật sư ở Việt Nam. Do vậy, phát triển nghề luật sư chú trọng về chất lượng dịch vụ, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, vững vàng bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, phục vụ đắc lực cho cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

1. Khái quát pháp luật về luật sư và thực tiễn thi hành

1.1. Về đội ngũ luật sư và hoạt động hành nghề luật sư

Ngay sau khi Luật Luật sư được ban hành, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật cũng được ban hành kịp thời, bảo đảm hiệu quả, đúng thời hạn, đúng định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi, đưa các quy định của pháp luật về luật sư vào cuộc sống, phù hợp với nhu cầu của tổ chức và hoạt động luật sư, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tiếp cận với thông lệ hành nghề luật sư quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Trong thời gian qua, số lượng luật sư phát triển nhanh, chất lượng đội ngũ luật sư đã từng bước được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Luật Luật sư quy định rõ về tiêu chuẩn để trở thành luật sư cùng với quy trình, thủ tục hành chính được đơn giản hóa đã tạo bước phát triển đột phá về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ luật sư [3]. Từ thời điểm triển khai Luật Luật sư 2006 đến nay, đội ngũ luật sư cả nước đã tăng từ 2.871 lên hơn 17.000 luật sư. Các luật sư đều có trình độ cử nhân luật, trong đó hơn 700 luật sư có trình độ trên đại học (chiếm trên 5% tổng số luật sư của cả nước); hơn 1.000 luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế [1]. Chất lượng đội ngũ luật sư được nâng lên thông qua việc quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn luật sư. Bên cạnh tiêu chuẩn về bằng cử nhân luật thì thời gian đào tạo nghề luật sư tăng từ 06 tháng lên 12 tháng; quy định về tập sự hành nghề luật sư cũng chặt chẽ hơn, giao quyền giám sát cho các Đoàn Luật sư; quy định về nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc hằng năm đối với luật sư. Đồng thời, để thu hút các luật sư có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, Luật Luật sư quy định công nhận việc đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài, dẫn đến số lượng đội ngũ luật sư này ngày càng tăng. Có hơn 100 luật sư Việt Nam đã qua khoá đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài (Anh, Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...) và khoảng 20 luật sư Việt Nam được công nhận là luật sư nước ngoài[1].

Pháp luật đã quy định rõ phạm vi hành nghề luật sư gồm tham gia tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và dịch vụ pháp lý khác. Đồng thời, cụ thể hoá quyền, nghĩa vụ của luật sư, quy định rõ hơn cơ chế pháp lý bảo đảm cho luật sư thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ, đề cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trong quá trình hành nghề; mở rộng hơn phạm vi hành nghề của luật sư; đơn giản hóa thủ tục đăng ký tham gia tố tụng của luật sư... Các quy định này đã tạo hành lang pháp lý cho luật sư hành nghề.

Đội ngũ luật sư đã tham gia nhiều vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại... Các luật sư đã tích cực, chủ động tham gia vào việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, hỗ trợ có hiệu quả cho Chính phủ, doanh nghiệp trong các vụ, việc liên quan đến phòng vệ thương mại, tham gia giải quyết tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trợ giúp cho các hãng luật nước ngoài trong quá trình giải quyết vụ việc (ví dụ: Vụ Saigon Metropolitan, vụ kiện Dialasie, vụ kiện South Fork, các vụ kiện tôm, cá ba sa...) [5].

1.2. Về tổ chức hành nghề luật sư

Luật Luật sư quy định đa dạng hơn mô hình tổ chức hành nghề luật sư, bao gồm Văn phòng luật sư, Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc hai thành viên trở lên, Công ty luật hợp danh... Quy định về trình tự, thủ tục thành lập tổ chức hành nghề luật sư theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động, chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề, nhờ đó số lượng tổ chức hành nghề luật sư ngày càng tăng, trong đó có các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. 

Từ thời điểm triển khai Luật Luật sư 2006 đến nay, số lượng tổ chức hành nghề luật sư tăng từ 1.300 tổ chức lên hơn 5.000 tổ chức hành nghề luật sư. 

Việc thành lập nhiều tổ chức hành nghề luật sư đã tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với dịch vụ của luật sư. Một số tổ chức hành nghề luật sư bước đầu phát huy được thế mạnh, xây dựng được thương hiệu của mình, tạo được sự tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và quốc tế, trở thành “đối tác” cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và được các tạp chí uy tín trong khu vực xếp hạng đang ngày một gia tăng.

Tổ chức và hoạt động của luật sư nước ngoài tại Việt Nam đã có bước phát triển (Tính đến tháng 8/2022, có 55 Công ty luật nước ngoài và 36 Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và hơn 300 luật sư nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam), đóng góp tích cực trong việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư, thương mại, giúp các luật sư Việt Nam có thêm cơ hội tiếp nhận, nâng cao kiến thức và kỹ năng hành nghề tư vấn pháp luật về đầu tư, thương mại quốc tế. [5]

1.3. Về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư

Từ khi Liên đoàn Luật sư được thành lập, vị trí, vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp cũng đã từng bước được nâng lên. Bên cạnh đó, Luật Luật sư cũng đã chuyển giao nhiều nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư như cho ý kiến về đề án tổ chức Đại hội, phương án nhân sự và chỉ đạo Đại hội Đoàn Luật sư; thực hiện kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư; bồi dưỡng bắt buộc hàng năm cho luật sư; giải quyết khiếu nại tố cáo; tổ chức cho luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý... [5]

Luật Luật sư cũng tạo hành lang pháp lý thông thoáng để tổ chức xã hội - nghề nghiệp có thể phát huy tối đa tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của mình. Luật Luật sư quy định quản lý luật sư và hành nghề luật sư được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư. Nhà nước thực hiện chức năng định hướng, điều tiết và hỗ trợ phát triển nghề luật sư, không can thiệp vào hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Cơ quan quản lý nhà nước tập trung vào việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển nghề luật sư, hoàn thiện thể chế, đào tạo nghề luật sư, kiểm tra, thanh tra và tranh thủ mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ phát triển nghề luật sư.

2. Một số hạn chế trong hoạt động hành nghề luật sư và nguyên nhân

2.1. Về hạn chế

Trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật về luật sư đã phát sinh một số bất cập, hạn chế như sau: 

(i) Còn một số chủ trương, chính sách phát triển nghề luật sư chưa được thể chế hóa hoặc chưa được triển khai thực hiện đầy đủ tại một số bộ, ngành, địa phương (ví dụ: chính sách hỗ trợ, phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế; chính sách sử dụng luật sư trong các dự án công...).

(ii) Còn tình trạng một số luật sư có hành vi tiêu cực trong hành nghề, trong các hoạt động chính trị, xã hội khác hoặc lợi dụng quyền hành nghề luật sư để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tác động, lôi kéo người dân thực hiện khiếu nại, khiếu kiện, tụ tập đông người trái pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội. 

(iii) Đa số các tổ chức hành nghề luật sư có quy mô nhỏ; công tác quản trị, điều hành, tính chuyên nghiệp của một số tổ chức hành nghề chưa cao, chưa thực sự tạo được niềm tin đối với khách hàng, cơ quan, tổ chức.

(iv) Vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư có điểm còn chưa tương xứng với yêu cầu. Một số nhiệm vụ pháp luật giao cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thực hiện đã được triển khai nhưng chưa thực sự hiệu quả. 

(v) Việc đăng ký kinh doanh hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật còn có cách hiểu chưa thống nhất dẫn đến tình trạng cho phép những người không đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp luật sư được cung cấp dịch vụ như luật sư, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư. 

(vi) Chất lượng dịch vụ của luật sư chưa đồng đều, chưa tương xứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và tạo lập được niềm tin với người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Việc phát triển đội ngũ luật sư có trình độ ngoại ngữ, hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế còn chưa tương xứng với yêu cầu của thực tiễn. 

2.2. Nguyên nhân

a) Nguyên nhân khách quan

- Một số quy định cụ thể của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư chưa theo kịp sự phát triển của nghề luật sư, tính dự báo chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động luật sư. Một số nhiệm vụ trước đây thuộc về quản lý nhà nước được chuyển giao cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư đã và đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần có sự đánh giá, nghiên cứu điều chỉnh trong thời gian tới.

- Quy định đầu vào của luật sư chưa chặt chẽ, tiêu chuẩn trở thành luật sư theo quy định của Luật Luật sư chưa tương thích với pháp luật về các nghề bổ trợ tư pháp khác (công chứng viên, đấu giá viên...).

- Nguyên tắc kết hợp song song giữa quản lý của nhà nước và chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư còn bất cập, đôi khi có sự chồng lấn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý.

- Cơ quan quản lý nhà nước hiện nay còn thiếu công cụ pháp lý để thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động luật sư; thiếu cơ chế hữu hiệu để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước với hoạt động tự quản của luật sư.

b) Nguyên nhân chủ quan

- Nhận thức về tư tưởng, chính trị, ý thức tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của một số luật sư chưa được bảo đảm. 

- Trách nhiệm, vai trò quản lý, sự quan tâm của một số cơ quan quản lý nhà nước, nhận thức của cán bộ quản lý trong lĩnh vực luật sư ở địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình hiện nay dẫn đến hiệu quả triển khai thi hành các văn bản pháp luật còn thấp; công tác quản lý nhà nước và cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành về luật sư có lúc, có nơi còn lúng túng, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

- Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư có lúc, có nơi chưa hiểu đúng về vai trò quản lý nhà nước, còn quá đề cao vai trò tự quản nên có tình trạng chưa nghiêm túc, kịp thời thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của luật sư, có nơi thậm chí muốn tách khỏi sự quản lý của Nhà nước.

3. Một số kiến nghị nâng cao chất lượng hành nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay

Một là, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật, quy định của Nhà nước về hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; các cơ quan, tổ chức có liên quan tham mưu xây dựng quy chế phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả hoạt động của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nâng cao hiệu quả tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư.

Hai là, hoàn thiện thể chế, pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật liên quan đến luật sư và hành nghề luật sư, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân” [2, tr.115]. Cần quy định rõ tính chất pháp lý của nghề Luật sư, nghề Luật sư là nghề đặc thù, hoạt động theo Luật chuyên ngành là Luật Luật sư, từ đó có cơ sở để định hướng quản lý, pháp triển nghề Luật sư. Sửa đổi, bổ sung quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề luật sư, phạm vi hành nghề của luật sư, quy định chặt chẽ hơn các trường hợp được miễn đào tạo nghề, miễn giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư, tương thích với pháp luật về các nghề bổ trợ tư pháp khác (công chứng viên, đấu giá viên...).

Ba là, phát triển đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, có đạo đức, bản lĩnh vững vàng; nâng cao tiêu chuẩn luật sư, chuẩn hóa điều kiện hành nghề, phạm vi hành nghề của luật sư, góp phần bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân [4].

Bốn là, tăng cường trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư, nhất là trong việc tuân thủ pháp luật, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật hành nghề, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội. Xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá phân loại Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư hàng năm. 

Năm là, phát triển tổ chức hành nghề luật sư chuyên nghiệp hơn, có uy tín, năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Rà soát, điều chỉnh các quy định đối với luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tương thích với các quy định đối với luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trong nước.

Sáu là, nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư nhất là trong việc giám sát luật sư, người tập sự hành nghề luật sư trong việc tuân thủ pháp luật, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với luật sư. Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục nâng cao công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ năng tranh tụng và tư vấn pháp luật của Luật sư. Quy định cụ thể một số quyền của Đoàn Luật sư đối với Luật sư thành viên và tổ chức hành nghề để đảm bảo sự hoạt động thống nhất, hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Đoàn Luật sư.

Kết luận

Luật sư và hành nghề luật sư có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư và chất lượng hành nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về luật sư, hành nghề luật sư và đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về luật sư.

Tài liệu tham khảo:

[1] Báo cáo của Bộ Tư pháp về công tác quản lý nhà nước về luật sư.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[3] Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).

[4] Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

[5] https://liendoanluatsu.org.vn

Tin liên quan

Đọc thêm

Hoàn thiện thể chế về kinh tế số ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Tác giả: NGUYỄN THỊ THÙY DUNG

(GDLL) - Hoàn thiện thể chế về kinh tế số là một nội dung rất cấp thiết nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Trên cơ sở khái quát khung lý thuyết thể chế về kinh tế số, bài viết phân tích thực trạng nội dung này ở Việt Nam thời gian qua, đồng thời chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, từ đó đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế về kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở tỉnh Nam Định

Tác giả: NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH - TRẦN HOÀI THU

(GDLL) - Việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có tác động trực tiếp đến hoạt động của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, nắm rõ được điều đó, cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Nam Định quan tâm, chỉ đạo, tổ chức và triển khai hiệu quả. Bài viết trình bày nội dung, thành tựu và hạn chế của việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở tỉnh Nam Định từ đó đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này trong giai đoạn hiện nay.

Phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở văn hóa tộc người nhằm tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc

Tác giả: TRỊNH VƯƠNG CƯỜNG

(GDLL) - Với lợi thế có nhiều phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, môi trường sinh thái trong lành và sự phong phú, đa dạng, độc đáo của bản sắc văn hóa các tộc người, Tây Bắc đã xây dựng và đưa vào khai thác nhiều làng, bản du lịch cộng đồng thu hút được nhiều du khách, đem lại sinh kế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, du lịch cộng đồng ở Tây Bắc vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Bài viết phân tích tiềm năng văn hóa tộc người và thực trạng phát triển du lịch cộng đồng ở Tây Bắc, từ đó, kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng nhằm mang lại sinh kế bền vững cho đồng bào các tộc người nơi đây.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với vấn đề xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay

Tác giả: GIANG THỊ HUYỀN

(GDLL) - Ra đời năm 1943, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh khởi thảo và công bố được coi là bản tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa. Trong suốt 80 năm qua, Đề cương như ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Nhiều tư tưởng trong bản Đề cương đến nay còn nguyên giá trị, định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang

Tác giả: VƯƠNG HỒNG HÀ - NGUYỄN HÙNG LINH NGA

(GDLL) - Trong thời gian qua, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cùng với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội của huyện đã phát huy vai trò phối hợp trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như tái cơ cấu kinh tế toàn huyện.