Thứ Ba, ngày 28/11/2023, 14:37

Sứ mệnh, trọng trách của Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế xã hội đất nước thời kỳ đổi mới

Phạm Thị Hồng Hương, Nguyễn Văn Nhi, Đỗ Thị Tuyết, Nguyễn Ngọc Cảnh, Nguyễn Quang Lê, Trần Công Luận
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Đặt vấn đề

Thành lập tháng 10/2004, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước đầu tư, quản lý khai thác, bảo trì và thu phí hoàn vốn hệ thống đường cao tốc quốc gia. Sau 19 năm xây dựng và phát triển, Tổng Công ty đã khẳng định vai trò là doanh nghiệp nhà nước nòng cốt trong hoạt động đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia. Trải qua chặng đường 19 năm xây dựng, không ngừng phấn đấu và trưởng thành của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đặc biệt trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 đầy thử thách, với sự dẫn dắt của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC đã từng bước khắc phục khó khăn và gặt hái nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo tiền đề hoàn thành tái cơ cấu doanh nghiệp thành công, hoàn thành sứ mệnh, trọng trách được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó.

1. Viên gạch hồng - Nền móng đầu tiên của đường cao tốc

Những năm đầu thế kỷ XXI, hệ thống giao thông của Việt Nam phải đối mặt với một số hạn chế, đó là tốc độ phát triển hệ thống giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế. Tình trạng ùn tắc cục bộ trên những tuyến đường giao thông chủ chốt là sức cản của nền kinh tế.

Trước yêu cầu cấp bách thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và chiến lược đột phá xây dựng hạ tầng của ngành Giao thông tận tải, Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam được thành lập vào tháng 10 năm 2004, vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng với kỳ vọng: Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là doanh nghiệp nòng cốt trong đầu tư phát triển đường bộ cao tốc ở Việt Nam và là viên gạch hồng nền móng đầu tiên của đường cao tốc vào thập niên đầu của thế kỷ XXI.

Mô hình hoạt động của VEC là Tổng công ty mẹ, có 11 ban tham mưu, 03 ban quản lý dự án, 03 trung tâm và 07 doanh nghiệp trực thuộc. Số lượng cán bộ công nhân viên và người lao động ban đầu khi mới thành lập là 22 người và đã phát triển qua các thời kỳ cho đến hiện nay là trên 1.300 người. Đóng góp vào sự thành công của VEC phải kể đến đội ngũ cán bộ, đảng viên là 327 đồng chí, chiếm tỷ lệ 25,15% trên tổng số cán bộ, công nhân viên và người lao động.

Gánh vác trọng trách của đất nước, VEC đã được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư 05 dự án đường cao tốc trọng điểm quốc gia, với tổng chiều dài 582,8 km và tổng mức đầu tư là 134.315 tỷ đồng. Trong đó, 04 dự án đã được đưa vào vận hành khai thác và 01 dự án đang trong quá trình khởi động, thi công trở lại.

2. Nghị quyết soi đường

Nghị quyết số 13-NQ/TW về “Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” được Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thông qua ngày 16/01/2012 (gọi tắt là Nghị quyết 13 -NQ/TW), trong đó đã đề ra mục tiêu trọng tâm về hạ tầng giao thông: bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đồng bộ, năng lực vận tải được nâng cao, giao thông được thông suốt, an toàn, theo hướng đồng bộ, một số công trình hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu nước ta cơ bản đạt được quy mô và trình độ của nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Tiếp đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/6/2012 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là phát triển kinh tế của 4 vùng kinh tế trọng điểm với mạng đường bộ cao tốc được quy hoạch gồm 31 tuyến đường với tổng chiều dài 6.411 km là tiền đề quan trọng trong định hướng phát triển chiến lược giao thông vận tải (Quyết định số 326 /QĐ-TTg, ngày 01/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030).

 Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: Việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là một trong ba đột phá chiến lược. Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đã xác định đến năm 2020 nước ta hoàn thành xây dựng khoảng 2.000 km đường bộ cao tốc.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) Đảng tiếp tục xác định: Một trong ba đột phá chiến lược là tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông. Mục tiêu Đảng đặt ra: Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Từ sau Nghị quyết 13 -NQ/TW, sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc, tốc độ phát triển trung bình đạt 16-20%/năm. Tổng số km đường cao tốc đã hoàn thành là 1822 km đường, giai đoạn 2001 - 2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89 km đường cao tốc. Giai đoạn 2011 - 2020, đưa vào khai thác thêm 1.074 km đường cao tốc; giai đoạn từ năm 2021 đến nay cả nước đưa vào khai thác thêm 659 km (gồm các tuyến: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vân Đồn - Móng Cái, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu). Từ những bước đột phá trong phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đã đưa Việt Nam đứng vào top 3 các nước có đường cao tốc lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Từ chủ trương, đường lối của Đảng, ngay từ khi thành lập, VEC đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào Nghị quyết của các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ VEC, đặt ra mục tiêu chiến lược phát triển Tổng công ty xuyên suốt : Chuyển đổi mô hình hoạt động Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam theo mô hình Công ty mẹ - Tổng công ty ĐTPT đường cao tốc Việt Nam, lãnh đạo Tổng công ty thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế chính trị - Xây dựng Tổng công ty thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp, là đơn vị nòng cốt trong lĩnh vực đầu tư phát triển đường cao tốc của quốc gia.

3. Sản phẩm đầu tay thấy ngay lợi ích

Tuyến cao tốc Cầu Giẽ -Ninh Bình

Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là sản phẩm đầu tay và là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam Đồng bằng Bắc Bộ. Dự án là một phần của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, nối dài đường cao tốc từ Bắc Giang qua Bắc Ninh - Hà Nội - Pháp Vân - Cầu Giẽ tới Ninh Bình, kết nối đi tiếp tới Thanh Hóa rồi tới Vinh.

Những lợi ích xã hội từ khi có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phải kể đến sự phát triển của 8 khu công nghiệp phát triển dọc trục tuyến cao tốc của tỉnh Hà Nam đã tăng 06 khu công nghiệp so với khi chưa có tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trong những năm gần đây, tỉnh Hà Nam cũng đã thu hút khoảng trên 100 dự án đầu tư mới tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động là con em của Hà Nam được đi làm gần nhà, có thu nhập và ổn định cuộc sống.

Đường xá thuận lợi, cũng là điểm cộng để du khách lựa chọn đến với các Khu du lịch Tràng An, Chùa Bái Đính, Tam Cốc, Bích Động. Từ giao thông, du lịch, GDP của Tỉnh cũng tăng lên rất nhiều so với trước đây.

Phúc lợi xã hội cũng được tiếp cận đến với người dân gần hơn khi chưa đầy 01km đã có 02 bệnh viện lớn cơ sở 2 thuộc tuyến Trung ương được tọa lạc trên đất Hà Nam đó là bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai.

Ngoài ra, trên địa tỉnh bàn Hà Nam cũng có các tuyến đường bộ kết nối vùng như QL1A, QL21A, đã góp phần làm giảm thiểu tình trạng ùn tắc,bảo đảm giao thông an toàn.

Không chỉ vậy, lưu thông trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, các phương tiện và chủ doanh nghiệp vận tải còn tiết kiệm được tối đa nhiên liệu, giảm thiểu chi phí đi lại (12-15%) so với lưu thông trên tuyến quốc lộ cũ. Đặc biệt, tuyến cao tốc đã góp phần giảm áp lực giao thông và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A.

Phát triển các khu công nghiệp của tỉnh Hà Nam -

Lợi ích xã hội từ tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mang lại

4. Thông xe cao tốc, cán mốc - mục tiêu

Từ sản phẩm đầu tay của 50 km đường cao tốc thuộc Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được thông xe vào tháng 9 năm 2011, Đảng bộ VEC đã bám sát sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm, hỗ trợ của Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng các Bộ, Ban, Ngành, Địa phương; sự lãnh đạo sát sao của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên và người lao động của VEC để đưa tiếp 435 km đường cao tốc vào khai thác, nâng tổng số đường cao tốc của VEC lên 485 km(chiếm hơn 26,61% tổng chiều dài hiện tại của hệ thống đường cao tốc Việt Nam đã được đưa vào khai thác).Trong đó:

Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 245km

Với chiều dài 245km, giữ “kỷ lục” về chiều dài trong số các tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đánh giá là bước đột phá lớn của toàn ngành Giao thông vận tải (GTVT), tạo đà dịch chuyển kinh tế-xã hội, đòn bẩy tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cho các tỉnh khu vực miền Tây Bắc; góp phần kết nối các khu vực nghèo, vùng sâu vùng xa của Tây Bắc với các trung tâm kinh tế, tạo đà phát triển phía hữu ngạn sông Hồng, khu vực Tây Bắc.

Các ngành nghề du lịch, giao thương tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai phát triển mạnh từ lợi ích của đường cao tốc Nội Bài Lào Cai. Đặc biệt, lượng khách đến du lịch Sa Pa mỗi năm tăng từ 10-15%. Hàng loạt những địa danh như: Đền Hùng, vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ); Mù Cang Chải, lòng hồ Thác Bà (Yên Bái); Sa Pa, Bát Xát với đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, Phan Xi Păng, đèo Ô Quy Hồ và Bắc Hà - Mường Khương - Xi Ma Cai cùng nền văn hoá đa dạng của các dân tộc bản địa đã được kết nối dễ dàng hơn với du khách khắp trong và ngoài nước.

Đặc biệt, lợi ích thấy rõ của việc khai thác vận tải trên tuyến cao tốc là rút ngắn hơn một nửa thời gian di chuyển. Trước đây hành trình Hà Nội - Lào Cai mất khoảng 9 tiếng, nay còn khoảng 4 tiếng đã mang lại cho người dân, xã hội, không chỉ tiết kiệm thời gian mà việc đi lại trở nên an toàn, thuận tiện hơn.

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, xứng tầm hạt nhân kinh tế vùng Tây

5. Dầu Giây huyết mạch giao thông Bắc - Nam kết nối, xe thông, dân chờ

Tuyến đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây: tuyến giao thông huyết mạch thuộc cao tốc Bắc - Nam

Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh Long Thành - Dầu Giây là Dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực phía Nam do VEC đầu tư, quản lý và khai thác. Dự án được khởi công ngày 03/10/2009, thông xe toàn tuyến ngày 08/02/2015, với tổng chiều dài 55km, đi qua Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.

Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc HLD) là tuyến giao thông huyết mạch thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - một trong những khu vực phát triển năng động nhất và đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế quốc dân.

Việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TP. Hồ Chí Minh như đi huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai hiện nay dài khoảng 45km, thời gian lưu thông mất chừng 60 phút, nay rút ngắn khoảng cách xuống còn 22km với thời gian lưu thông giảm ước chỉ còn 20 phút. Đi Vũng Tàu hiện nay dài khoảng 120km, thời gian lưu thông mất hơn 2,5 giờ đồng hồ; nhưng nếu đi trên cao tốc, sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95km, thời gian lưu thông chỉ hơn 1 giờ 20 phút do rút ngắn được quãng đường và không bị ùn tắc.

Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã khai thác tối đa thế mạnh của từng địa phương trong vùng, là nhân tố tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương dọc tuyến nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung (gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bình Phước…), trong đó lĩnh vực vận tải và du lịch sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Giao thông thuận lợi đã giúp các doanh nghiệp vận tải tăng cường khả năng quay vòng xe, khả năng lưu thông hàng hóa và vận chuyển hành khách giữa các tỉnh thành trong khu vực, đặc biệt là hàng hóa từ cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) đến các khu công nghiệp ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), cũng như vận chuyển hành khách từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh đến các địa danh du lịch như Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt. Từ đó, doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa địa phương nói riêng và hàng hóa Việt nói chung…

Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đưa vào sử dụng đã góp phần giảm tai nạn giao thông và ùn tắc nghiêm trọng thường xuyên xảy ra tại cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố đoạn TP. Hồ Chí Minh - Biên Hòa trước đây; góp phần từng bước hình thành nên mạng lưới đường cao tốc cho khu vực theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, Dự án còn góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Hàng không và hội nhập quốc tế; thúc đẩy sự phát triển của các đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh như Long Thành, Nhơn Trạch, Gò Dầu, Phú Mỹ, giảm áp lực giao thông liên thành phố đối với trung tâm TP. Hồ Chí Minh, giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường đô thị.

6. Chủ trương thu phí không dừng văn hóa cao tốc, dân mừng hân hoan

Thu phí không dừng tại Trạm thu phí Km6 tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai

Có thể nói, hoạt động thu phí không dừng ETC đã trở thành xu hướng phát triển không thể thiếu của ngành giao thông trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tối ưu hóa quy trình thu phí và mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và người dân. Việc áp dụng hình thức thu phí không dừng ETC đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa giao thông, đặc biệt là cho các tuyến cao tốc trải dài trên khắp cả nước đã tạo nên sự lan tỏa như một phong cách sống hiện đại, hòa chung với các con đường trên thế giới, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, tối ưu hóa thời gian di chuyển và tiết kiệm nhiên.

Đứng trước xu hướng tất yếu về công cuộc chuyển đổi số, trong bối cảnh và xu thế toàn cầu về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chủ trương số hóa của Đảng, Chính phủ, VEC đã triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng ETC trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, giúp cho quá trình đầu tư, xây dựng quản lý và vận hành các tuyến đường cao tốc của VEC trở lên thuận lợi và hiệu quả. Đặc biệt, mang lại hiệu quả rất thiết thực về kinh tế, xã hội và mang lại những trải nghiệm khác biệt cho khách hàng..

7. Cao tốc Bến Lức sinh sau VEC cùng cố gắng để mau hoàn thành

Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành: Dự án đường cao tốc có chiều dài 57,1km

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có chiều dài 57,1km, đi qua các tỉnh Long An: 2,7km (huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc); TP. Hồ Chí Minh: 26,4km (huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ) và tỉnh Đồng Nai: 28km (huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành). Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h cùng 16 hạng mục cầu, 06 nút giao trong Giai đoạn I và 02 nút giao trong Giai đoạn II, các cống hộp dân sinh, cống thoát nước và các công trình ngầm, hệ thống ITS toàn tuyến, có 20,1km cầu và cầu cạn, trong đó có 02 cầu lớn có kết cấu dây văng là cầu Bình Khánh và cầu Phước Khánh với khổ tĩnh không thông thuyền cao 55m, chiều dài nhịp chính tương ứng là 375m và 300m.

Đến tháng 01 năm 2023, với sự vào cuộc của cả Hệ thống chính trị, Dự án Bến Lức - Long Thành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương điều chỉnh dự án theo Quyết định số 791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 961/QĐ-BGTVT ngày 04/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ngoài ra, vốn vay ADB và JICA được gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 30/9/2025, đây là cơ sở pháp lý để VEC tiếp tục triển khai thực hiện, tái khởi động thi công trở lại đối với dự án Bến Lức - Long Thành.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế Đông Nam Bộ; khai thác thế mạnh và phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch của TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và tỉnh Đồng Nai. Dự án hoàn thành giúp cho giao thông liên vùng phía Tây và phía Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP. Hồ Chí Minh, nối trực tiếp với mạng đường cao tốc - quốc lộ, với hệ thống cảng biển Hiệp Phước, Thị Vải - Cái Mép và với Sân bay quốc tế Long Thành. Đồng thời, Dự án góp phần làm giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, giảm thiểu tai nạn giao thông; rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa; rút ngắn hành trình từ tỉnh Long An đến thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại từ đó thúc đẩy phát huy hiệu quả đầu tư các khu công nghiệp do các Nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư tại các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu (dự kiến) tạo thành một phần của tuyến Hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnom Penh, thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu.

Đặc biệt, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sau khi hoàn thành sẽ tạo ra kết nối cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện với cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết, các tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, sân bay quốc tế Long Thành sẽ thúc đẩy và phát triển nền kinh tế các tỉnh thành khu vực phía nam 1 cách vượt bật.

 Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ VEC, nhiệm kỳ 2020 -2025 “Tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương tiếp tục thực hiện phương án tái cơ cấu 5 dự án theo Quyết đinh số 2072 /QĐ/TTg, bố trí đủ vốn để thực hiện đầu tư, xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác chính thức 05 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư”, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc và sự chung sức, đồng lòng của toàn thể cán bộ công nhân viên và người lao động trong toàn Tổng công ty quyết tâm hoàn thành mục tiêu cán đích của Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành vào năm 2025 đáp ứng được kỳ vọng chung của xã hội, nhân dân, lãnh đạo các cấp nói chung và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam nói riêng.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA DỰ ÁN ĐƯỜNG CAO TỐC BẾN LỨC – LONG THÀNH

 

Toàn cảnh Cầu dây văng Bình Khánh của Dự án đường cao tốc

Bến Lức - Long Thành đang trong giai đoạn thi công

Hình ảnh Cầu dây văng Bình Khánh (Km21+739,5 - Km24+503) Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành (Hợp phần JICA tài trợ).

*/ Bài viết của Nhóm đồng tác giả có tham khảo một số ý để kế thừa, bổ sung của Bài viết “”Hiệu quả đầu tư của các tuyến đường cao tốc” được đăng trên Cổng thông tin điển tử, Bộ Giao thông vận tải - Chuyên trang môi trường giao thông vận tải https://mt.gov.vn/moitruong

Nhóm tác giả của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam


Tin liên quan

Đọc thêm

Tạp chí Giáo dục lý luận với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới

Tác giả: ĐINH THỊ THU NGA

(GDLL) - Những năm qua, cùng với hệ thống báo chí cả nước, Tạp chí Giáo dục lý luận đã có nhiều đóng góp tích cực trên mặt trận tư tưởng của Đảng, đặc biệt là công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động. Bài viết đánh giá những kết quả đạt được cũng như hạn chế của Tạp chí Giáo dục lý luận trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, từ đó đề ra một số giải pháp để Tạp chí ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ này trong tình hình mới.