Thứ Bảy, ngày 23/12/2023, 21:05

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới

PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa - TS Nguyễn Văn Dương
Vụ Hợp tác quốc tế và Viện Quan hệ quốc tế

(LLCT) - Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng xây dựng, vun đắp. Bài viết khái quát mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào theo phương châm “hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện”, từ đó đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai nước đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh phát động “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022” - Ảnh: TTXVN

1. Quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào hiện nay

Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh

Sau hơn 35 năm đổi mới, quan hệ Việt - Lào được đẩy mạnh trên cả ba phương diện: đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân theo phương châm: “hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện”, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc là nhân tố bảo đảm sự tồn tại, phát triển của hai nước.

Tuyên bố chung Việt Nam - Lào năm 2021 ghi nhận: “Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, nhân tố bảo đảm sự tồn tại, phát triển của hai nước”. Năm 2022, kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và là “Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào”.

Thời gian gần đây, những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương của hai bên dành cho nhau được thực hiện thường xuyên, liên tục, là những minh chứng sinh động thể hiện tình cảm nồng ấm, tình hữu nghị vĩ đại và đoàn kết đặc biệt giữa hai quốc gia.

Từ ngày 19 đến ngày 21-02-2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith đã có chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Ngày 24-02-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đáp lại lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Lào đã có chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 28 đến ngày 29-6-2021.

Các chuyến thăm góp phần củng cố và đem lại nhiều kết quả cụ thể, tạo động lực mới, có ý nghĩa quan trọng cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào trên tất cả các kênh.

Từ ngày 15 đến ngày 17-5-2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Ngày 11-01-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Từ ngày 10 đến ngày 11-4-2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, góp phần triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao của hai Đảng, hai nước, đặc biệt là Thỏa thuận Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030 và Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2025.

Hợp tác về quốc phòng được hai nước được đặc biệt quan tâm. Bộ Quốc phòng Việt Nam chú trọng giúp Lào xây dựng chiến lược quốc phòng dài hạn, đường lối quốc phòng toàn dân, toàn diện, hợp tác bảo vệ an ninh biên giới. Trên cơ sở đó, hai nước đã đạt được những thành tựu to lớn trong giai đoạn hiện nay, giữ vững định hướng chính trị theo con đường XHCN.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam và Lào cũng còn những khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá nhằm chia rẽ tình đoàn kết giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Tại Lào, các lực lượng thù địch tiếp tục hoạt động “diễn biến hòa bình”, đẩy mạnh việc lôi kéo, chuyển hóa, kích động một số phần tử tiêu cực trong học sinh, sinh viên, trí thức và cán bộ Lào; tổ chức tuyên truyền, kích động chia rẽ nhân dân các bộ tộc Lào, kêu gọi sự can thiệp quốc tế... Góp phần vào quá trình đấu tranh chống lại các lực lượng thù địch, Việt Nam luôn chủ động và đảm nhiệm, gánh vác các công việc khó khăn với phương châm “giúp bạn là tự giúp mình”, “an ninh của bạn cũng chính là an ninh của mình”. Việt Nam đã giúp Lào củng cố và xây dựng lực lượng an ninh có chất lượng cao và đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu của tình hình mới.

Trên lĩnh vực kinh tế

Hiện nay, Việt Nam có vốn đầu tư vào Lào lớn nhất so với 78 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có vốn đầu tư ra nước ngoài. Các hiệp định thương mại được ký kết giữa hai nước nhằm mục đích mở rộng hợp tác hơn nữa trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng truyền thống và tập quán thương mại quốc tế. Hai nước đã ký các hiệp định quá cảnh hàng hóa, ban hành quy chế về hàng hóa của Lào quá cảnh trên lãnh thổ Việt Nam; xây dựng nhiều siêu thị và trung tâm giới thiệu hàng hóa Việt Nam tại các địa phương của Lào; xây dựng một số khu thương mại tự do ở các cửa khẩu biên giới. Qua đó, trao đổi thương mại Việt Nam - Lào không ngừng tăng lên: Kim ngạch 2 chiều năm 2005 đạt 165 triệu USD(1), đến năm 2022, đạt 1, 6 tỷ USD(2).

Thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi, xúc tiến đầu tư - thương mại, Việt Nam tiếp tục là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất tại Lào (cùng với Trung Quốc và Thái Lan), với 413 dự án và tổng vốn đăng ký là 4,22 tỷ USD(3), tăng 35% so với năm 2010. Đặc biệt, năm 2020 có 9 dự án được cấp mới và điều chỉnh, vốn lũy kế hơn 143 triệu USD, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2019(4). Năm 2022, có 3 dự án cấp mới và 3 dự án điều chỉnh tăng vốn. Tổng vốn đăng ký là 65,92 triệu USD, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021(5).

Việt Nam đã đầu tư vào phát triển nhiều lĩnh vực tại Lào như: nông nghiệp, chế biến, chế tạo, tài chính, ngân hàng… Nhiều dự án đầu tư phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, tạo công ăn việc làm, phúc lợi xã hội, giúp thực hiện tốt chính sách xóa nghèo, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế của hai nước.

Tuy vẫn còn khó khăn về vốn nhưng Việt Nam luôn dành nguồn viện trợ phát triển nhất định cho Lào. Giai đoạn 1996-2000, Việt Nam đã viện trợ không hoàn lại cho Lào gần 26,6 triệu USD; giai đoạn 2001-2005 là 37 triệu USD; năm 2013-2014 là 28,2 triệu USD(6); giai đoạn 2016-2020 là 3.250 tỷ đồng(7).

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội

Quan hệ Việt - Lào trên lĩnh vực văn hóa ngày càng được mở rộng và phát triển. Sự hợp tác này được thể hiện qua những văn bản thỏa thuận về: bảo tồn, bảo tàng, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, xuất bản báo chí, thông tin, hợp tác quốc tế, đào tạo cán bộ... Đặc biệt trong lĩnh vực di sản văn hóa, hai nước đã phối hợp trưng bày các chủ đề triển lãm giới thiệu về lịch sử văn hóa, đất nước, con người; về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Hoàng thân Xuphanuvông; nhiều tư liệu quý đã được hai bên hợp tác sưu tầm, nghiên cứu...

Nhân Kỷ niệm 45 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (01-12-1975 - 01-12-2020) và 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản (ngày 13-12-1920 - 13-12-2020), Bộ Văn hóa hai nước phối hợp tổ chức triển lãm ảnh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh với chủ đề “Quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào” nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế và nhân dân hai nước về công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và đổi mới đất nước của Lào; cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản; không ngừng vun đắp mối quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững(8).

Trong giai đoạn 2011-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cùng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã triển khai Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục, phát triển nguồn nhân lực. Việt Nam đã đào tạo cho Lào gần 30.000 sinh viên, học viên ở nhiều cấp học. Năm học 2019-2020, lưu học sinh Lào tại Việt Nam là: 16.644 người học. Việt Nam cũng đã cử 156 giáo viên tiếng Việt sang dạy tại Lào. Trong giai đoạn 2011-2019, phía Lào cũng đã tiếp nhận 395 sinh viên Việt Nam sang học tập, trong đó có 44 thạc sỹ, 289 cử nhân đại học và 62 thực tập tiếng Lào(9).

Ngày 06-12-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục - Thể thao Lào đã ký kết 3 văn bản hợp tác: Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030”; Thỏa thuận Kế hoạch triển khai Đề án “Đưa nội dung các sản phẩm công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào và Lào - Việt Nam vào giảng dạy tại các trường học hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” và Kế hoạch hợp tác năm 2021 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với Bộ Giáo dục - Thể thao Lào, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước.

Việt Nam và Lào thường xuyên trao đổi đoàn để giúp nhau cập nhật thông tin và trao đổi kinh nghiệm, cũng như giúp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và khảo sát các tuyến du lịch trước số lượng khách du lịch qua lại giữa hai nước ngày một tăng. Ngoài ra, hai nước còn phối hợp với Thái Lan xây dựng một tour du lịch đường bộ liên hoàn giữa ba nước. Việt Nam luôn là thị trường lớn thứ hai về số lượng khách du lịch đến Lào. Triển vọng cho du khách tham quan và hợp tác phát triển ngành du lịch hai nước còn rất lớn.

Về y tế, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm và cử chuyên gia sang giúp Lào xây dựng mạng lưới phòng, chống dịch bệnh và chữa bệnh ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, khai thác, sử dụng thuốc dân tộc. Việt Nam cam kết giúp Lào xây dựng và phát triển mạng lưới y tế từ Trung ương đến cơ sở. Việt Nam giúp Lào trong việc đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ y tế của Lào theo chương trình chung; xây dựng 2 bệnh viện hữu nghị mới tại tỉnh Hủaphăn, trị giá khoảng 20 triệu USD và tại tỉnh Xiêng Khoảng, trị giá 17,6 triệu USD(10). Trong phòng, chống đại dịch Covid-19, Việt Nam đã hỗ trợ Lào nhiều trang thiết bị y tế, bao gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm.

Quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng phát triển, nhiều mô hình kết nối điển hình được nhân rộng như: Hà Nội - Viêng Chăn, Hà Nam - Uđômxay, Vĩnh Phúc - Luông Nặm Thà... Các địa phương thường xuyên có những chương trình hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa. Các hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam có nhiều sáng kiến, đóng góp đáng kể trong vai trò làm cầu nối quan trọng giữa các cấp, các ngành và địa phương.

2. Phương hướng và giải pháp thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Lào đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới

Trước bối cảnh thế giới có nhiều biến động sâu sắc, phức tạp, đan xen cơ hội và thách thức; với xu thế đa cực, đa trung tâm ngày càng rõ nét, tương quan lực lượng và cơ cấu địa - chính trị toàn cầu bị đảo lộn. Đặc biệt là đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ucraina, khủng hoảng năng lượng, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với tình hình kinh tế - xã hội trên quy mô toàn cầu nói chung, Việt Nam và Lào nói riêng, đòi hỏi hai nước cần có sự hợp tác chặt chẽ, trao đổi kinh nghiệm để tìm giải pháp cho phát triển kinh tế và quản trị quốc gia.

Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền tảng internet kết nối vạn vật, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo làm biến đổi sâu sắc mọi lĩnh vực trong đời sống quốc tế, trước hết là phương thức sản xuất, kinh doanh và thương mại, đặt ra yêu cầu mới đối với tất cả các quốc gia. Hai nước đều là quốc gia đang phát triển, rất cần thu hút đầu tư nguồn lực, phát triển hạ tầng phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình hội nhập quốc tế trên mọi mặt đời sống của nhân loại gia tăng, với sự thúc đẩy của các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia và những thành tựu khoa học - công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải, công nghệ thông tin, công nghệ số, Việt Nam và Lào cần tận dụng cơ hội để chuyển đổi số và đổi mới công nghệ.

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, cuộc xung đột Nga - Ucraina đặt ra cho Việt Nam và Lào trong quá trình xác lập phương thức, chính sách và đối sách của mỗi quốc gia cũng như cần điều chỉnh chiến lược đối ngoại cho phù hợp. Quan điểm và đường lối đối ngoại của Việt Nam và Lào lúc này được thể hiện rõ trên các diễn đàn quốc tế chính thức là: cả hai nước không chọn bên, không đứng về phía này để chống bên kia; hai nước đã chọn hợp tác phát triển, độc lập chủ quyền, quan hệ rộng mở, giữ gìn hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Quá trình toàn cầu hóa hiện nay đã dẫn đến những thay đổi căn bản của cục diện thế giới và sự phát triển của các quốc gia - dân tộc. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo nhưng tình trạng mất an ninh vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi: xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, bạo loạn, tranh chấp lãnh thổ vẫn tiếp diễn. Các nước lớn vẫn sử dụng ưu thế về sức mạnh tổng hợp quốc gia để có tiếng nói quyết định; chính trị cường quyền và áp đặt vẫn còn phổ biến, chi phối trong quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên, vị thế của Việt Nam và Lào cũng như các nước vừa và nhỏ ngày càng được cải thiện, có tiếng nói quan trọng hơn trên trường quốc tế. Xu hướng dân chủ hóa quan hệ quốc tế không ngừng phát triển, các nước vừa và nhỏ, vừa tham gia hội nhập, liên kết; vừa không ngừng đấu tranh cho một trật tự thế giới công bằng hơn, dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế và bình đẳng chủ quyền. Điều này khiến Việt Nam và Lào cần nhận diện một cách khoa học, toàn diện và sâu sắc tính hai mặt của toàn cầu hóa, tính đa chiều, đa diện của những vấn đề toàn cầu, những vấn đề quốc tế và khu vực trong quá trình hợp tác, để có giải pháp kịp thời, đối sách linh hoạt và hiệu quả trong hợp tác song phương và đa phương.

Châu Á - Thái Bình Dương có vị trí ngày càng quan trọng, phát triển năng động, thu hút sự quan tâm của nhiều nước lớn và nhiều tổ chức quốc tế, cơ chế hợp tác, liên kết ngày càng đa dạng như: nhóm Bộ Tứ (Ấn Độ, Nhật, Mỹ, Ôxtrâylia), Nhóm AUKUS (Ôxtrâylia, Anh và Mỹ), APEC, ASEAN+... Đông Nam Á hiện nay còn nổi lên vấn đề tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải, nhất là ở Biển Đông. Nhiều nước ASEAN gia tăng ngân sách quốc phòng, mua sắm vũ khí hiện đại, tiến hành nhiều cuộc tập trận với quy mô lớn trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, nhiều biến số phức tạp, dễ thay đổi và khó dự đoán, tác động mạnh đến hợp tác Việt Nam - Lào trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay, Lào cũng là nước đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, cần phải phục hồi kinh tế; những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo đà tăng trưởng là một thách thức không nhỏ; vì vậy, hai nước cần trao đổi thường xuyên hợp tác, trao đổi kinh nghiệm. Đặc biệt, là sự giúp đỡ và trao đổi kinh nghiệm đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam sau hơn 35 năm đối với Lào. Những thay đổi sâu sắc trên mọi lĩnh vực của tình hình khu vực và thế giới đòi hỏi Việt Nam và Lào cần tăng cường hợp tác sâu rộng, toàn diện để phát huy tối đa tiềm lực, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Một số phương hướng thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào:

Một là, Việt Nam, Lào là quốc gia độc lập, có chủ quyền và vị thế trên trường quốc tế; có quan hệ ngoại giao rộng mở theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Hợp tác Việt Nam - Lào cần duy trì và phát triển cao hơn nữa, song cần bảo đảm đúng nguyên tắc quan hệ giữa các quốc gia, vừa giữ đúng những quy định, thông lệ quốc tế, vừa có ưu tiên, chiếu cố hoàn cảnh của nhau; đặc biệt cần bảo đảm nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng, tự nguyện và cùng có lợi.

Phương hướng nhiệm vụ hợp tác trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao gồm: (1) duy trì bền vững mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, truyền thống đoàn kết đặc biệt Việt - Lào; (2) phát triển sâu sắc và toàn diện quan hệ chính trị tốt đẹp sẵn có ở các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị đoàn kết ở các cấp từ bộ ngành trung ương tới địa phương; chăm lo thế hệ trẻ, tăng cường giao lưu nhân dân và thanh niên giữa hai nước nói riêng và các nước ASEAN nói chung; (3) mở rộng quan hệ đối ngoại, coi trọng quan hệ bạn bè truyền thống...

Hai là, tiếp tục trao đổi ý kiến về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; tăng cường sự hợp tác trong khuôn khổ Tam giác phát triển, Tiểu vùng sông Mêkông, ASEAN, APEC, Liên hợp quốc…, xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng; khẳng định tiếp tục hợp tác và phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Ba là, tăng cường phối hợp, trao đổi kinh nghiệm và thông tin về an ninh - quốc phòng nhằm chống lại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, chia rẽ quan hệ hai nước.

Chú trọng hơn nữa công tác chuyên gia, tham mưu về công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm tổ chức, quản lý, xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích và quân dự bị động viên giữa hai nước. Hai nước cùng giúp nhau xây dựng vững chắc hơn nữa thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, cần bố trí phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng biên phòng hai nước, đặc biệt là kinh nghiệm truy bắt tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm ma túy; trợ giúp phía bạn triệt tận gốc các ổ phỉ, các nhóm chống đối vũ trang và không để chúng lan rộng. Đẩy mạnh hợp tác mọi mặt giữa các tỉnh có chung biên giới, cùng nhau xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào thành đường biên giới hữu nghị, hợp tác, phát triển toàn diện, bền vững lâu dài.

Bốn là, Việt Nam - Lào tiếp tục cùng nhau hợp tác, phát triển kinh tế, coi đó là quy luật phát triển, nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Đẩy mạnh hiệu quả hợp tác kinh tế tương xứng với quan hệ chính trị, phát triển hợp tác giữa các vùng, miền và hoàn thiện hơn nữa các chính sách ưu tiên, ưu đãi mà hai nước dành cho nhau, phù hợp với luật pháp của mỗi nước và thông lệ quốc tế.

Năm là, Việt Nam - Lào tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, thông tin, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thể thao, du lịch... Phía Việt Nam sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của Lào về giáo dục - đào tạo; tiếp tục giảng dạy tiếng Việt và tiếng Lào tại một số cơ sở đào tạo của mỗi nước. Đổi mới và nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục, thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các trường đại học, các cơ sở đào tạo của hai nước. Tăng cường và đẩy mạnh hợp tác toàn diện và sâu rộng giữa các cấp, các ngành, từ trung ương xuống địa phương trên phạm vi toàn quốc, triển khai thiết thực, hiệu quả các hoạt động về y tế, giao lưu nhân dân, khoa học và công nghệ.

Để thực hiện phương hướng trên, một số giải pháp Việt Nam - Lào có thể vận dụng trong thực tiễn hoạt động ngoại giao giữa hai nước như sau:

Một là, Việt Nam - Lào cần bổ sung, sửa đổi các chính sách để khuyến khích, tạo mọi thuận lợi cho quá trình hợp tác hai bên. Những vấn đề chiến lược lâu dài, trước mắt cần quan tâm đến hiệu quả tổng hợp, lấy đại cục làm trọng, hai nước cần tiếp tục duy trì định kỳ các cuộc tiếp xúc ở các ngành, các cấp; đặc biệt cần thường xuyên gặp gỡ, trao đổi ở cấp cao để có những quyết định kịp thời. Đồng thời, tham vấn và bàn bạc cụ thể, ủng hộ lẫn nhau trên những diễn đàn khu vực và quốc tế, phối hợp chặt chẽ ở các diễn đàn đa phương như: APEC, Liên hợp quốc, ASEAN, tiểu vùng Mê Kông…

Hai là, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, dành ưu tiên, ưu đãi cho nhau trên cơ sở quan hệ đặc biệt sẵn có, trao đổi kinh nghiệm đối với các lĩnh vực cùng quan tâm trong quá trình hội nhập quốc tế.

Phát triển kinh tế cửa khẩu, phấn đấu tăng nhanh kim ngạch thương mại hai chiều, tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hóa qua lại.

Việt Nam - Lào cần phối hợp xây dựng kế hoạch hợp tác đầu tư trong những năm tới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thành lập các tổ hợp, liên doanh để triển khai các dự án tại hai nước. Thu hút các doanh nghiệp lớn có quy mô và ảnh hưởng toàn cầu để đầu tư vào các lĩnh vực như: nông nghiệp, phát triển tăng trưởng xanh, năng lượng, công nghệ lõi và các lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế quốc dân; kết nối hạ tầng giao thông, bưu chính viễn thông, lâm, thủy sản; phối hợp bảo vệ rừng, có các biện pháp ngăn chặn việc phá rừng, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với định canh, định cư.

Ba là, Việt Nam và Lào ưu tiên trong hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị, cán bộ quản lý các cấp, giáo dục tại các cấp học; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ học tập và sinh hoạt cho cán bộ, học sinh, sinh viên mỗi nước; giao lưu văn hóa giữa nhân dân và các cấp, các ngành; duy trì kỷ niệm ngày truyền thống hữu nghị theo các năm (5 năm một lần giao lưu tất cả các cấp, các ngành và địa phương) để nâng cao nhận thức và giáo dục truyền thống cho các thế hệ của hai nước

Bốn là, hai nước giữ vững các nguyên tắc cơ bản, đoàn kết, thống nhất, song song với chủ động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề đặt ra trong hợp tác phát triển mới; linh hoạt, sáng tạo để giải quyết các thách thức đối với hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực và trên thế giới; xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, ngăn ngừa xung đột, thực hiện cam kết đã được quy định trong các văn kiện như TAC, DOC, góp phần xây dựng thành công COC; giải quyết các vấn đề trên cơ sở hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế, với tinh thần đoàn kết ASEAN.

Năm là, Việt Nam chú trọng và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về quản trị quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm về hội nhập quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Lào; không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện với các đối tác bên ngoài, chủ động tạo điều kiện và khuyến khích các đối tác tham gia hợp tác xây dựng và đóng góp tích cực hơn nữa vào các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực; xây dựng cộng đồng ASEAN, ứng phó với các thách thức, tăng cường liên kết và kết nối; phát huy vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN.

(theo lyluanchinhtri.vn)

Ngày nhận bài: 05-7-2023; Ngày bình duyệt7 -7-2023; Ngày duyệt đăng: 09-10-2023.

(1) Trung Việt: Kinh tế Lào ngày càng năng động, https://baochinhphu.vn/,ngày 31-8-2006.

(2) Vũ Khuê: Năm 2022: Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào sẽ đạt 1,6 tỷ USD, https://vneconomy.vn/, ngày 13-9-2022

(3) Xem Đại sứ quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào: Tài liệu cơ bản quan hệ Việt Nam - Lào, https://vnembassy-vientiane.mofa.gov. vn.

(4) Xem Hợp tác Việt - Lào: Vượt mục tiêu trong nhiều lĩnh vực, http://baochinhphu.vn.

(5) Hân Nguyễn: Đầu tư của Việt Nam sang Lào tăng trở lại và bền vững hơn, https://dangcongsan.vn/, ngày 31-8-2022.

 (6) CAND: Vừa là đồng chí, vừa là anh em, https://cand.com.vn/, ngày 15-10-2006.

(7) Xem Đức Tuân: Thường trực Chính phủ họp về thúc đẩy hợp tác với Lào, http:// baochinhphu.vn.

 (8) Xem Thiện Tâm: Triển lãm ảnh “Quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào”, http:// baochinhphu.vn.

(9) Trung tâm truyền thông giáo dục: Việt Nam - Lào ký kết 3 văn bản hợp tác về giáo dục và đào tạo, https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/, ngày 6-12-2020.

(10) Nguyễn Văn Du, Nguyễn Thị Thúy: Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, https://www.xaydungdang.org.vn/, ngày 22-3-2022.

Tin liên quan

Đọc thêm

Hiệp định Pari - thắng lợi có ý nghĩa chiến lược dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Tác giả: TS. Vũ Ngọc Lương

(LLCT&TT) Hội nghị Paris là cuộc đụng đầu ngoại giao tay đôi đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, kết thúc bằng Hiệp định Paris. Hiệp định Paris đã góp phần tạo nên bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc kháng chiến của dân tộc ta, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, từng bước đi vào giải pháp, chấm dứt chiến tranh và can thiệp ở Việt Nam. Việc Mỹ buộc phải “cút” khỏi miền Nam đã mở ra cục diện chính trị và chiến trường thuận lợi để quân và dân ta tiến tới “đánh cho ngụy nhào” mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Khai thác giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo trong phát triển du lịch ở nước ta

Tác giả: TS. Bùi Hồng Thanh

(LLCTTTĐT) Du lịch đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, nâng cao mức sống cho người dân và được cụ thể bằng quan điểm Đảng và Nhà nước ta phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó, những quan điểm về tôn giáo trong thời kỳ đổi mới là bệ phóng để nhiều địa phương trong cả nước từng bước mạnh dạn khai thác và phát huy những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, khai thác những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để phát triển du lịch nói chung ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này phần nào được lý giải trong khi có nhiều người nhận thức được giá trị tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo và thấy cần thiết phải khai thác, phát huy thì cũng có không ít người còn dè dặt về tính phức tạp, nhạy cảm của nó. Do đó, việc nhận diện khách quan những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để có những định hướng nhằm khai thác hiệu quả, phát huy lợi thế trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.

Khơi thông mọi nguồn lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Tác giả: PGS. TS. Đào Duy Quát

(TG) - Chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới là sứ mệnh vô cùng vẻ vang nhưng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải “tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm đảm bảo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng và phát triển văn hóa từ Trung ương tới cơ sở”, đồng thời “huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa”.

Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền

Tác giả: TSKH. Đặng Huy Trinh

(TG) - Sau khi hai tác phẩm kinh điển “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” của Rousseau chuyển bị về mặt lý luận cho Cách mạng dân chủ tư sản Pháp ra đời người ta thường nói đến thuộc tính pháp quyền gắn liền với nền dân chủ tư sản, người ta nói đến nhà nước pháp quyền tư sản, hệ thống dân chủ tư sản. Đến chủ nghĩa xã hội thì thuộc tính pháp quyền này lại ít được nhắc đến. Liệu chủ nghĩa xã hội có mang thuộc tính pháp quyền hay không và thuộc tính pháp quyền này khác với thuộc tính pháp quyên dân chủ tư sản như thế nào?

Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là nền tảng xây dựng đạo đức công vụ

Tác giả: Bảo Châu

(TG) - Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng đối với việc củng cố uy tín, năng lực của mỗi cán bộ, đảng viên; góp phần tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị, giữ vững vị thế cầm quyền của Đảng. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên làm nền tảng xây dựng đạo đức công vụ là yêu cầu, nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.