Ảnh minh họa: IT
Trong
những năm gần đây, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao tại Thành phố Hồ Chí
Minh và Phòng Kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính thuộc các VKSND cấp tỉnh
khu vực phía Nam thực hiện nhiều hoạt động kiểm sát để giải quyết vụ án hành
chính trong quản lý đất đai, nhằm góp phần bảo đảm quyền, lợi ích và nghĩa vụ
hợp pháp giữa bên (cơ quan, tổ chức, cá nhân) khởi kiện và bên bị kiện đồng
thời duy trì, củng cố hiệu lực quản lý nhà nước đối với đất đai.
1. Một số vấn đề lý luận và pháp lý về kiểm sát việc giải quyết
vụ án hành chính trong quản lý đất đai nhằm góp phần bảo đảm quyền con người
a)
Về lý luận
Bảo
đảm quyền con người trong lĩnh vực kiểm sát này là một hoạt động rất phức tạp,
vì nó liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của cả cơ quan, tổ chức cũng như
cá nhân trong và ngoài Nhà nước; của bên khởi kiện, bên bị kiện và cả những
người có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của vụ án, thậm chí còn có yếu
tố nước ngoài; và quyền con người ở đây không thể dừng ở những phẩm giá, nguyên
tắc pháp lý chung chung, mà phải được xác định cụ thể về tiền, vật chất, kể cả
về tinh thần, phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.
Trong
khi đó, việc thực hiện quyền quản lý nhà nước về đất đai thông qua các quyết
định hành chính (QĐHC) và hành vi hành chính (HVHC) luôn chứa đựng những khả
năng gây tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của các
chủ thể khác nhau trong việc sử dụng đất đai. Từ đó làm phát sinh khiếu kiện
hành chính về đất đai trong quản lý nhà nước về đất đai (Khác với các vụ án dân
sự về tranh chấp quyền sử dụng đất, việc tranh chấp này thuộc đối tượng điều
chỉnh của Luật Tố tụng hành chính (TTHC).
Các
QĐHC và HVHC về quản lý đất đai của cơ quan, tổ chức, cá nhân dễ làm ảnh hưởng
đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ pháp lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền sử
dụng đất hoặc đang sử dụng đất(1). Xét về
quy định tố tụng thì quyền, lợi ích và nghĩa vụ pháp lý giữa hai bên chủ thể
(bên khởi kiện và bên bị kiện) là công bằng, nhưng do địa vị pháp lý giữa một
bên là cơ quan hành chính thực thi quyền lực công và một bên chủ yếu là công
dân, nên trong thực tiễn tố tụng hành chính, vị thế giữa hai bên thường không
ngang bằng nhau.
b)
Về pháp lý
Để
bảo đảm công bằng một cách hợp pháp và hiệu lực, hiệu quả đối với quyền, lợi
ích, nghĩa vụ trong công tác kiểm sát này, cần phải làm rõ và xác định, triển
khai, thực hiện đúng, đủ các yếu tố pháp lý sau:
Về
đối tượng khởi kiện
Theo
quy định của Luật TTHC năm 2015 và pháp luật về đất đai thì đối tượng khởi kiện
vụ án hành chính trong lĩnh vực này phải là QĐHC, HVHC; đồng thời nó phải liên
quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người khởi kiện.
QĐHC về vấn đề này có thể bao gồm: (i) QĐHC được cơ quan hành chính nhà nước,
tổ chức có thẩm quyền hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban
hành trong khi giải quyết, xử lý những việc cụ thể trong hoạt động quản lý nhà
nước về đất đai. QĐHC được ban hành sau khi có khiếu nại và có nội dung sửa
đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ. (ii) HVHC là đối tượng
khởi kiện vụ án hành chính. Vì đây thực chất là quyết định về một vấn đề cụ thể
trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai và được áp dụng một lần đối với một
hoặc vài đối tượng cụ thể. (iii) Yêu cầu bồi th¬ường thiệt hại do QĐHC, HVHC
trong quản lý đất đai gây ra - cũng là đối tượng khởi kiện khi người khởi kiện
yêu cầu đồng thời với QĐHC, HVHC bị khởi kiện.
Về
bên khởi kiện và bên bị kiện
Bên
khởi kiện (hay chủ thể):
Gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các
QĐHC, HVHC về quản lý đất đai. Theo Điều 5 Luật TTHC năm 2015: “Cơ quan, tổ
chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Toà án bảo vệ
quyền, lợi ích hợp pháp của mình” và thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính
đối với những trường hợp theo Điều 115 Luật trên. Điều kiện để người khởi kiện
thực hiện quyền khởi kiện là: Phải có năng lực chủ thể tham gia quan hệ pháp
luật TTHC. Đối với cá nhân phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng
lực hành vi TTHC, trường hợp người khởi kiện là cá nhân đã chết thì người thừa
kế của họ sẽ thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính. Đối với cơ quan, tổ
chức phải là pháp nhân theo Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 và thực hiện quyền
khởi kiện vụ án thông qua người đại diện theo pháp luật. Một số tổ chức, mặc dù
không phải là pháp nhân nhưng do pháp luật quy định có quyền tham gia các quan
hệ pháp lý một cách độc lập nên cũng có quyền khởi kiện, như: Hộ gia đình, tổ
hợp tác, hộ kinh doanh,....; và họ phải có quyền lợi, nghĩa vụ bị ảnh hưởng
trực tiếp bởi QĐHC, HVHC về quản lý đất đai.
Bên
bị kiện: Gồm
người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người có thẩm quyền (đã ban hành
QĐHC, thực hiện HVHC) tham gia tố tụng với tư cách là người bị kiện. Họ có thể
được xem là chủ thể đặc biệt vì đối tượng khởi kiện của loại án này thường là
các QĐHC về thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
các quyết định xử lý vi phạm hành chính, các quyết định giải quyết tranh chấp
về đất đai hoặc hành vi cấp hoặc không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
(GCNQSDĐ)... của Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài
nguyên và Môi trường.
Về
thời hiệu khởi kiện
Theo
Khoản 2 Điều 116 Luật TTHC năm 2015, thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện
kể từ ngày nhận được, biết được QĐHC, HVHC cho đến ngày khởi kiện(2). Ngoài ra, trong trường hợp bất khả kháng, bên
khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định thì thời gian có sự kiện
bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Về các bên tham gia bảo đảm quyền con người
Trong
quan hệ TTHC, không chỉ cơ quan tiến hành tố tụng (TAND, VKSND), người tiến
hành TTHC (Chánh án, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thẩm tra viên, thư ký; viện
trưởng, kiểm sát viên, kiểm tra viên), mà còn gồm các chủ thể khác, như: Đương
sự (bên khởi kiện, bên bị kiện, bên có quyền và nghĩa vụ liên quan) và những
người tham gia tố tụng khác (đại diện ủy quyền của đương sự, người bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người phiên dịch, người giám
định). Như vậy, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính là các
bên tham gia TTHC tuân theo Hội đồng xét xử (HĐXX) của Tòa án, để góp phần bảo
đảm các bên tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật, nhằm giải quyết
vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật và tôn trọng, bảo vệ, thực hiện một
cách công bằng quyền, lợi ích và nghĩa vụ hợp pháp của các chủ thể tham gia
TTHC.
Về
nhiệm vụ, công vụ (hay thẩm quyền) của hội đồng xét xử
HĐXX
của TAND có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của QĐHC, HVHC trong quản lý đất
đai bị khởi kiện. Từ đó, quyết định bác yêu cầu khởi kiện hoặc chấp nhận một
phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Trong trường hợp chấp nhận một phần hoặc
toàn bộ yêu cầu khởi kiện, HĐXX sẽ tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ QĐHC trái
pháp luật và buộc cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan thực hiện thẩm
quyền theo quy định của pháp luật và kiến nghị cách thức xử lý đối với QĐHC
trái pháp luật đã bị hủy; hay tuyên bố HVHC là trái pháp luật, tuyên hủy một
phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có); buộc
cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan này chấm dứt HVHC trái pháp luật(3).
Về
sự tác động của vụ án hành chính đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ hợp pháp của cơ
quan, tổ chức, cá nhân
Việc
giải quyết các vụ án hành chính, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai là vấn
đề chuyên môn, pháp lý được giải quyết theo quy định của pháp luật, nhưng có
ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn
xã hội của địa phương. Do vậy, khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính và
kiểm sát thi hành những vụ án này, bên cạnh việc áp dụng đúng đắn quy định của
pháp luật để bảo đảm cho bản án, quyết định của TAND giải quyết vụ án hành
chính đúng pháp luật và được thi hành nghiêm chỉnh, thì VKSND các cấp phải bảo
vệ quyền, lợi ích, nghĩa vụ hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, công dân; và cần
tránh được tình trạng khiếu kiện kéo dài, đông người, phức tạp; từ đó tác động
tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, gây bất ổn về an ninh chính
trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, nguy cơ các thế lực phản động kích
động, xúi giục tạo điểm nóng về chính trị.
Về
việc thi hành bản án, quyết định của tòa án
Trường
hợp thi hành bản án hay quyết định của Tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu
khởi kiện thì QĐHC, HVHC tiếp tục được thực hiện và bị cưỡng chế hành chính nếu
bên phải thi hành án không tự nguyện thi hành(4).
Đối với trường hợp thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã hủy toàn bộ hoặc
một phần QĐHC, tuyên bố HVHC là trái pháp luật; còn trong trường hợp bên phải
thi hành án không tự nguyện thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự có văn bản
kiến nghị cơ quan, bên có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với bên phải thi
hành án nhưng chậm thi hành án, không chấp hành, hoặc chấp hành không đúng,
không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án, mà không cần thực hiện các
biện pháp cưỡng chế(5).
Về
xác định những vi phạm của tòa án cấp sơ thẩm trong việc bảo đảm nhân quyền dẫn
đến Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm phải hủy, sửa án, tuyên hủy QĐHC, tuyên
bố HVHC trái pháp luật
Gồm:
(i) Xác định không đúng điều kiện hoặc
quyền, nghĩa vụ hay làm mất quyền khởi kiện của đương sự: Theo quy định tại
Khoản 3 Điều 115; (ii) Xác định không đúng
thời hiệu khởi kiện: Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 Luật TTHC năm
2015; (iii) Xác định không đúng đối tượng
khởi kiện; (iv) Xác định không đúng tư cách
tham gia tố tụng của người bị kiện dẫn đến bỏ sót yêu cầu khởi kiện của đương
sự; (v) Không đưa người bị kiện tham gia tố
tụng; (vi) Không đưa người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng; (vii) Vi
phạm quy định về nhập vụ án hành chính; (viii)
HĐXX cấp sơ thẩm quyết định vượt quá thẩm quyền; (ix)
Vi phạm về thu thập chứng cứ, chưa làm rõ những nội dung quan trọng để làm cơ
sở giải quyết vụ án; (x) Không phát hiện vi
phạm pháp luật của QĐHC bị khởi kiện.
2. Thực trạng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính trong
quản lý đất đai nhằm góp phần bảo đảm quyền con người
a)
Kết quả đạt được
Về
thực tiễn hoạt động kiểm sát
Trong
những năm gần đây, tại khu vực phía Nam (gồm các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam
Bộ), công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính trong quản lý đất đai được
quan tâm và tăng cường thực hiện. Trong năm 2019, Viện cấp cao 3 tại Thành phố
Hồ Chí Minh đã kiểm sát thụ lý 1.140 vụ án theo thủ tục phúc thẩm, tăng 21,28%
so với số thụ lý năm 2018; trong đó có 42 kháng nghị của viện kiểm sát (25 của
viện kiểm sát cấp tỉnh, 17 của Viện cấp cao 3). Viện này đã giải quyết 810 vụ
(đạt tỷ lệ 71,05%); trong đó: Đình chỉ xét xử phúc thẩm 58/810 vụ (chiếm tỷ lệ
17,16%); giữ nguyên bản án sơ thẩm 562 vụ/810 vụ (đạt tỷ lệ 69,38%); hủy, sửa
án sơ thẩm 188/810 vụ (chiếm tỷ lệ 23,21%). Thụ lý 21 kháng nghị theo thủ tục
giám đốc thẩm (05 của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, 16 của Viện cấp
cao 3). Đã giải quyết 15/21 kháng nghị giám đốc thẩm (13 kháng nghị của TAND
cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh , 02 kháng nghị của Viện cấp cao 3); trong đó
chấp nhận 15/15, đạt tỷ lệ 100% trên số kháng nghị giám đốc thẩm đã giải quyết(6).
Về
công tác kháng nghị phúc thẩm, trong năm 2019 có 15/23 Thành phố Hồ Chí Minh cấp
tỉnh ban hành 40 kháng nghị, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu 04/29 vụ bị hủy, sửa (đạt
tỷ lệ 13,79%); Bạc Liêu 02/03 vụ bị hủy, sửa (đạt tỷ lệ 66,67%); Bến Tre 02/06
vụ bị hủy, sửa (đạt tỷ lệ 33,33%); Bình Dương 06/09 vụ bị hủy, sửa (đạt tỷ lệ
66,67%); Bình Thuận 05/14 vụ bị hủy, sửa (đạt tỷ lệ 35,71%); Cà Mau 03/08 vụ
hủy, sửa (đạt tỷ lệ 37,5%)(7)...
Về
thành quả bảo đảm nhân quyền
Số
lượng tập thể, cá nhân cần được bảo đảm nhân quyền khi kiểm sát việc giải quyết
các vụ án hành chính trong quản lý đất đai hàng năm luôn tăng cùng với sự gia
tăng các vụ án hành chính thuộc lĩnh vực này. Nhưng với sự nỗ lực thường xuyên,
cơ quan kiểm sát các cấp ở khu vực phía Nam đã phối hợp với Tòa án cùng cấp
giải quyết được một khối lượng khá lớn các vụ án. Riêng Viện cấp cao 3 Thành
phố Hồ Chí Minh đã kiểm sát thụ lý và lập hồ sơ kiểm sát 2.853 vụ án với hàng
nghìn đối tượng cần được tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền, lợi ích và nghĩa
vụ hợp pháp. Trong đó, năm 2016: 206 vụ; năm 2017: 540 vụ; năm 2018: 946 vụ và
năm 2019: 1.161 vụ. Đặc biệt, công tác bảo đảm nhân quyền được quan tâm thực
thi trong kiểm sát 2.815 vụ án phúc thẩm, 38 vụ án giám đốc thẩm cũng như khi
tham gia 1.625 phiên tòa phúc thẩm và 28 phiên tòa giám đốc thẩm.
Số
đối tượng được giải quyết vấn đề bảo đảm quyền con người cũng tăng hàng năm:
Năm 2017 tăng hơn 400%, năm 2018 tăng 73%, năm 2019 tăng 70%. Về chất lượng,
theo thủ tục sơ thẩm có chiều hướng nâng lên do thực hiện đúng các quy định về
tố tụng và áp dụng đúng pháp luật về nội dung kiểm sát. Chất lượng nghiên cứu
hồ sơ vụ án, bài phát biểu của kiểm sát viên về bảo đảm nhân quyền của các đối
tượng liên quan đến các vụ án tại các phiên tòa phúc thẩm của Viện cấp cao 3
đạt chất lượng khá cao. Cụ thể, tỷ lệ quan điểm của kiểm sát viên được tòa án
cùng cấp chấp nhận 1.246/1.422 vụ (đạt tỷ lệ bình quân 87,62%); trong đó, năm
2016 và 2017 đạt tỷ lệ trên 90%(8). Qua đó,
đã góp phần tích cực vào việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền, lợi ích và
nghĩa vụ hợp pháp của các bên tham gia các vụ án này.
b)
Hạn chế và nguyên nhân của hạn chế.
Trong
năm 2018, tỷ lệ kháng nghị về bảo đảm quyền con người liên quan đến các vụ án
hành chính về quản lý đất đai của cơ quan kiểm sát phía Nam được chấp nhận còn
thấp, chỉ đạt 33,33%. Một số viện kiểm sát cấp tỉnh chưa quan tâm đúng mức đến
công tác thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm ngang cấp như ở: Bình Phước, Cần
Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh và Vĩnh Long. Trong
việc giải quyết một số vụ án hành chính về quản lý đất đai, còn chưa có sự phối
hợp thường xuyên, hiệu quả giữa ngành kiểm sát và ngành tòa án, như về hồ sơ
thụ lý, tài liệu phát sinh của bên khởi kiện, bị kiện,… nhằm tạo điểu kiện xác
định kịp thời, đúng đắn mức độ vi phạm, hình thức xử lý vi phạm để bảo kiểm sát
viên cho viện kiểm sát thực hiện tốt quyền kiểm sát theo đúng quy định của pháp
luật.
Ngoài
những nguyên nhân chủ quan (như hạn chế về năng lực nghiệp vụ, đầu tư chưa đúng
mức cho công tác kiểm sát vụ án hành chính, điều kiện làm việc không được ưu
tiên như các khâu công tác kiểm sát khác...), phải kể đến số lượng vụ án hành
chính ngày càng tăng với mức độ đa dạng, phức tạp cao; trong khi quy định của
pháp luật về TTHC, về giải quyết khiếu nại, tố cáo, về quản lý đất đai,... còn
nhiều bất cập, chưa cụ thể, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn và trình độ chuyên
môn của đội ngũ kiểm sát viên còn hạn chế.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án
hành chính trong quản lý đất đai nhằm góp phần bảo đảm quyền con người
Công
tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính trong quản lý đất đai được VKSND
tổ chức thực hiện nhằm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan tiến hành
tố tụng và các bên tham gia TTHC trong việc bảo đảm công bằng kịp thời, đúng
pháp luật về quyền, lợi ích và nghĩa vụ hợp pháp của các bên khởi kiện và bị
kiện. Để nâng cao chất lượng công tác bảo đảm nhân quyền trong hoạt động kiểm
sát giải quyết vụ án hành chính trong quản lý đất đai tại khu vực phía Nam,
thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp có tính khả thi sau:
Thứ
nhất, về hoàn thiện thể chế
Đối
với Luật TTHC năm 2015, tuy đã có nhiều tiến bộ so với Luật TTHC năm 2010 nhưng
cần tiếp tục hoàn thiện một số thể chế như: Về phạm vi của công tác kiểm sát
giải quyết các vụ án hành chính cần được xác đinh: Từ khi Tòa án thụ lý cho đến
khi kết thúc việc giải quyết vụ án(9); về
quyền yêu cầu tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ(10);
về quyền yêu cầu tòa án chuyển hồ sơ cho viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem
xét việc kháng nghị phúc thẩm(11)...
Thứ
hai, về hoàn thiện công tác xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công
chức, đặc biệt đội ngũ kiểm sát viên
Đối
với viện kiểm sát các cấp: Cần
đẩy mạnh đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, trước hết là
đổi mới nhận thức về mục tiêu, hình thức, chế độ đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây
dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt đội ngũ kiểm sát viên, có đủ tiêu
chuẩn, năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành trong tình hình mới,
đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Chú trọng công tác
tổng kết thực tiễn, xây dựng chuyên đề rút kinh nghiệm để tổ chức những lớp tập
huấn chuyên đề hoặc bồi dưỡng chuyên sâu nhằm đổi mới cách thức trang bị kiến
thức, kỹ năng cho đội ngũ kiểm sát viên để có thể phục vụ tốt yêu cầu, nhiệm vụ
của ngành nhằm bảo đảm tốt nhân quyền. Ngoài ra, cần tăng cường nâng cao chất
lượng tổ chức phiên tòa; từ đó rút kinh nghiệm thiết thực thiết thực cho đội
ngũ kiểm sát viên trong việc bảo đảm nhân quyền khi giải quyết các vụ án hành
chính trong quản lý đất đai.
Thứ
ba, về tăng cường công tác phối hợp
Về
quan hệ phối hợp trong ngành: Đối với những quan điểm không thống nhất giữa các ngành
về giải quyết vụ án thì viện kiểm sát cấp dưới phải chủ động báo cáo viện kiểm
sát cấp trên cho ý kiến. Trong quá trình chỉ đạo nghiệp vụ, VKSND tối cao cần
trao đổi thông tin và phối hợp với VKSND cấp cao để bảo đảm việc chỉ đạo của
viện kiểm sát cấp trên đối với viện kiểm sát các địa phương được thống nhất.
Phân định rõ nội dung, phạm vi của công tác chỉ đạo, quản lý nghiệp vụ giữa các
vụ thuộc VKSND tối cao và các bộ phận chuyên môn của VKSND cấp cao với VKSND
cấp tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được xác định phù hợp với pháp luật
nhằm vừa bảo đảm không trùng lắp, vừa khắc phục sự ỷ lại cấp trên, cũng như
nâng cao trách nhiệm của từng cấp kiểm sát.
-
Về quan hệ phối hợp liên ngành: Viện kiểm sát các cấp phải chủ động phối hợp với cơ
quan tòa án cùng cấp nhằm xây dựng được quy chế phối hợp trong quá trình giải
quyết các vụ án hành chính, để làm cơ sở để các bên triển khai, thực hiện. Nội
dung phối hợp phải bảo đảm không can thiệp và gây tác động đến tính độc lập
trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật của các
kiểm sát viên, thẩm phán. Viện kiểm sát phối hợp với tòa án cùng lựa chọn và tổ
chức phiên tòa rút kinh nghiệm chung cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nghiệp
vụ của các cấp kiểm sát; kiểm sát viên tham gia đầy đủ các hoạt động để xác
minh thu thập chứng cứ do tòa án tiến hành khi được mời như tham gia xem xét
thẩm định tại chỗ, định giá tài sản.
Ngoài
ra, ngành kiểm sát cần phối hợp với cơ quan truyền thông để thông tin, tuyên
truyền về vị trí, vai trò của ngành KSND trong TTHC, để mọi tầng lớp nhân dân
hiểu được chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ,
thực hiện nhân quyền. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức về pháp luật,
tin tưởng vào nền pháp chế XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ
tư, về trang bị phương tiện, điều kiện làm việc
Đầu
tư trang thiết bị làm việc để phục vụ hiệu quả cho việc tra cứu văn bản quy
phạm pháp luật; mua sắm, trang bị cho mỗi cán bộ, kiểm sát viên làm nghiệp vụ
các văn bản luật quan trọng, trước hết liên quan trực tiếp đến công tác kiểm
sát việc giải quyết vụ án hành chính trong quản lý đất đai. Chú trọng việc áp
dụng công nghệ trong công tác lập hồ sơ kiểm sát để giúp kiểm sát viên tiến
hành tố tụng hiệu quả tại các phiên tòa.
(theo
lyluanchinhtri.vn)
Ngày nhận bài: 12-10-2023; Ngày bình
duyệt: 15-10-2023; Ngày duyệt đăng: 29-10-2023.
(1) Xem: Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 3 Luật
TT HC năm 2015.
(2) Xem: Điều 120 Luật TTHC năm 2015 và
Điều 4 Nghị quyết 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND
tối cao.
(3) Xem: Khoản 2 Điều 193 Luật TTHC năm
2015.
(4 )Xem: Điều 15 Nghị định số
71/2016/NĐ-CP.
(5) Xem: Khoản 5 Điều 14 Nghị định số
71/2016/NĐ-CP.
(6), (7), (8) Dẫn theo Phụ lục 4, 9 và 12 trong
Báo cáo tổng hợp đề tài: “Thực
trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ
án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai”, VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, 2022.
(9) Xem: Khoản 2 Điều 25 Luật TTHC năm
2015.
(10) Xem: Khoản 6, Điều 84 Luật TTHC năm
2015 và Khoản 1, Điều 22 Thông tư liên tịch số 03/2016.
(11)
Xem: Điều 5 Thông tư liên tịch số 03/2016.