Thứ Sáu, ngày 05/01/2024, 10:03

Từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

ThS. Cao Phan Giang
Khoa Chính trị học và Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh là những danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho dòng tư tưởng về dân ở Việt Nam. Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi hội tụ những giá trị vượt trội của thời đại phong kiến với và nhiều quan điểm tiến bộ về dân. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là kết tinh của tư tưởng thân dân truyền thống cùng những giá trị tiến bộ của nhân loại trong ý thức hệ của giai cấp công nhân. Sự giống và khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, ý thức hệ và bài học dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của hai tác giả cho thấy sự vận động và phát triển liên tục của dòng tư tưởng về dân Việt Nam.

Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở(ảnh minh họa từ nguồn: vnanet.vn)

Đặt vấn đề

Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh là những vĩ nhân đã để lại những di sản tư tưởng có giá trị to lớn, cho dân tộc trong đó có điểm chung là chữ “Dân”. Thân dândân chủ là những khái niệm tư tưởng vì dân, trọng dân, ghi nhận và bảo vệ quyền lợi thuộc về nhân dân. Thân dân thường được sử dụng trong xã hội phong kiến, dưới dạng là giá trị tư tưởng. Đến xã hội hiện đại, xuất hiện phạm trù công dân thì dân chủ mới được sử dụng. Khi đó, dân chủ không chỉ thể hiện trong các giá trị tư tưởng mà còn được thể hiện ở thể chế và hành động của các chủ thể chính trị. Sự tiếp nối và phát triển từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến dân chủ của Hồ Chí Minh cho thấy òng chảy xuyên suốt của tư tưởng về dân trong lịch sử chính trị Việt Nam, là nền tảng cho mở rộng nền dân chủ và phát triển đất nước.

1. Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi

Quan niệm của Nguyễn Trãi về chữ dân

Dân là mối quan tâm thường trực ở Nguyễn Trãi ông quan niệm “dân” là nền tảng quan trọng của xã hội, lực lượng chính để bảo vệ đất nước và phát triển xã hội. Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi là một triết lý sâu sắc, cốt lõi, bao trùm toàn bộ cuộc đời ông. Chữ “dân” được nhắc tới trực tiếp 155 lần, ông đặc biệt chú ý đến những tầng lớp nhỏ bé trong xã hội, “người dân trong thôn cùng xóm vắng”, “dân manh lệ”, “xích tử”, “sinh linh”, “bách tính”,…

 Trước hết ông nghi nhận vai trò quan trọng của dân: Nguyễn Trãi cho rằng, sự hưng vong của một triều đại là dựa vào dân. Ông đề cao dân: “… mến người có nhân là dân, mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân” [7, Tr.85]. Thời chiến, dân là lực lượng cơ bản, sức mạnh chính yếu của cuộc kháng chiến. Qua “Bình Ngô đại cáo”, ông khẳng định cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là cuộc khởi nghĩa của dân, của “tứ phương manh lệ”. Thực tiễn kháng chiến 10 năm chống quân Minh nêu bật một chân lý sáng ngời của chiến tranh giữ nước là: đoàn kết toàn dân, cả nước chung sức đánh giặc.

Nhân dân cũng là lực lượng làm ra của cải vật chất để nuôi sống xã hội, làm đẹp cho xã hội. Nguyễn Trãi khuyên: không nên phung phí của dân, “thường nghĩ những quy mô lộng lẫy đều do sức lao khổ của quân dân” [7, Tr.196]. Nho sĩ đương thời nói: “ơn vua, lộc nước”, thì Nguyễn “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”.

Nguyễn Trãi cho rằng, dân gắn liền với nước, yêu nước là thương dân: Trong tư tưởng chính trị đại diện của thời kì Lý, Trần đã biểu hiện rõ ràng tinh thần yêu nước nhưng họ không ghi nhận vai trò của dân. Đến Nguyễn Trãi, yêu nước là thương dân, chiến đấu vì nước phải kết hợp với chiến đấu vì dân, đó là sự nghiệp “chí nhân”, “đại nghĩa”. Vì vậy, trả nợ nước, thù nhà hay cứu khổ, giải phóng cho dân đều là một. 

Quan niệm của Nguyễn Trãi về thân dân được thể hiện qua tư tưởng thương dân, trọng dân, chăm lo đến đời sống của nhân dân. Lòng “ưu dân, ái quốc” ở Nguyễn Trãi càng trăn trở khi đất nước lâm nguy. Trước cảnh “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ dưới hầm tai vạ”, ông đã viết “Bình Ngô Sách” dâng lên và sát cánh cùng minh chủ Lê Lợi đánh đuổi giặc, cứu nước, cứu dân. Còn lúc hoà bình, những nhà cầm quyền phải biết thương dân, dưỡng dân, tiết kiệm sức dân, đem lại lợi ích cho dân, để nơi thôn cùng xóm vắng không có tiếng hờn giận, oán sầu. Đó chính là sự yêu thương, trân trọng, chăm lo cuộc sống của người dân một cách thiết thực ở Nguyễn Trãi. 

 Nguyễn Trãi cho rằng: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, cho nên tư tưởng nhân nghĩa là một biểu hiện đặc sắc của tư tưởng thân dân. Nhân nghĩa ở đây đã xác định rõ đối tượng và yêu cầu. Đối tượng của Nhân là quần chúng “dân đen”, “con đỏ” đang trong cảnh cùng khổ khi nước mất, nhà tan. Yêu cầu của Nghĩa là hành động chiến đấu để giải phóng đất nước đang bị quân thù giày xéo nhằm trả nợ nước, đền ơn dân. Nhân nghĩa từ trong phạm vi quan hệ cá nhân với cá nhân (quân - thần; phụ - tử; phu - phụ…) đã vươn lên, mở rộng bằng quan hệ dân đối với nước, nhân nghĩa với mọi người, nhất là với dân. Đối với Nguyễn Trãi không thể có nhân nghĩa đối lập với thương dân. Nguyễn Trãi yêu nước nồng nàn, nhưng không chỉ là sông, núi, đất đai… những giá trị vật chất mà chủ yếu là nhân dân, tư tưởng thân dân có giá trị thực tiễn cao, là nét độc đáo trong tư tưởng của Nguyễn Trãi. 

Từ vai trò quan trọng của dân đến nhân nghĩa, yêu nước và thương dân, Nguyễn Trãi đã để lại cho hậu thế những tư tưởng lớn, vượt lên trên những khuôn khổ của học thuyết chính trị đạo đức Nho giáo, đạt tới những giá trị văn hoá có tính phổ biến của nhân loại, có ý nghĩa phương pháp luận cho nhiều thế hệ người Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và hạnh phúc điển hình là tư tưởng thân dân. 

2. Tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh

Quan niệm về “dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Dân được tiếp cận dưới góc độ công dân. Người đã phát triển phạm trù “dân” lên một tầm cao mới, là chủ của đất nước, gắn với quyền và nghĩa vụ hợp pháp. Đây chính là cơ sở của tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh. Dân là số đông: tất cả con Lạc, cháu Hồng, là già, trẻ, gái, trai, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái… “trừ bọn Việt gian, bán nước, trừ bọn phát xít, thực dân, là những ác quỷ mà ta phải cương quyết đánh đổ”.

Trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh, thuật ngữ “dân chủ” được dùng trên 1600 lần [1, Tr.61] cho thấy sự quan tâm lớn của Người đến vấn đề này. Nội dung tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh được biểu hiện hết sức thống nhất và toàn diện trên cả ba mặt: giá trị tư tưởng, thể chế thực hiện và thực hành dân chủ. 

Hồ Chí Minh quan niệm về dân chủ hàm súc và thực chất, dân chủ là: dân là chủ; dân làm chủ. Dân là chủ: là khẳng định rõ địa vị người chủ trong chế độ chính trị, trong nhà nước. Dân làm chủ là: thể hiện vai trò, năng lực của người chủ, nhấn mạnh đến yếu tố thực hành, hành động, năng lực thực thi dân chủ. Dân chủ phải được thể hiện toàn diện trên cả hai mặt lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động. 

Giá trị tư tưởng dân chủ thể hiện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.

Hồ Chí Minh đã làm thay đổi tận gốc quan điểm về quyền lực và thực hiện quyền lực. Trong đó, nhân dân được đặt ở vị trí cao nhất: chủ thể quyền lực. Nhà nước không còn là công cụ thống trị, nô dịch như trong chế độ nô lệ, phong kiến, tư sản mà trở thành đại diện cho quyền lực của dân. Dân chủ trong lĩnh vực chính trị là sự ghi nhận quyền lực của đa số nhân dân lao động trong việc xây dựng, bảo vệ và sử dụng quyền lực nhà nước: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” [3, Tr.598]. Dân là chủ, theo đó cán bộ phải là đầy tớ của dân: “Dân là chủ thì chính phủ phải là đầy tớ” [3, tr.60]. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nhân dân trở thành chủ thể gốc của quyền lực chính trị.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh vấn đề bản chất của dân chủ trong kinh tế, đó là quyền làm chủ kinh tế của người lao động, trung tâm là vấn đề lợi ích, phải đảm bảo kết hợp hài hòa lợi ích của cá nhân và lợi ích của tập thể. Lựa chọn chế độ xã hội chủ nghĩa bởi lẽ: “không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và đảm bảo cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa” [4, Tr.291]

Dân chủ còn thể hiện trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Văn hóa có vai trò “soi đường cho quốc dân đi”, Người chủ trương “đem văn hóa lãnh đạo nhân dân”. Dân chủ trong văn hóa thể hiện ở mục đích của văn hóa là phải phục vụ nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu; nội dung của văn hóa là xây dựng đời sống văn hóa mới, tạo môi trường đồng thuận, dân chủ để phát triển. 

 Dân chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội có quan hệ thống nhất và gắn bó với nhau cho thấy tính toàn diện về giá trị trong tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh. 

*Dân chủ trong thể chế chính trị. Để hiện thực hóa các giá trị tư tưởng, Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng pháp luật và hệ thống chính trị đảm bảo quyền lực của dân.

Năm 1919, với bản “yêu sách của nhân dân An Nam”, tư tưởng lập pháp vì con người của Hồ Chí Minh được chú trọng từ sớm. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3/9/1945), Người đã đề nghị sớm soạn thảo hiến pháp. Quyền dân chủ được thể ghi nhận rõ trong nội dung của Hiến pháp 1946 và Hiến pháp năm 1959 do Người trực tiếp lãnh đạo xây dựng.

Thể chế dân chủ còn được đảm bảo trong từng thành tố của hệ thống chính trị: Nhà nước của dân, do dân, vì dân, các đoàn thể quần chúng phục vụ nhân dân, Đảng của giai cấp công nhân và của dân tộc. Hệ thống chính trị phải là tổ chức của dân, phấn đấu cho dân, bênh vực quyền lợi của dân…

*Dân chủ thực hành, hành động: Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính thực chất trong dân chủ, Người là một tấm gương điển hình về việc hỏi dân và học dân. Trong vòng 10 năm (1955 - 1965), Người đã có trên 700 cuộc “vi hành” đến các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, nông công trường [1, tr.112]… Người cũng tự mình nêu gương sáng tự phê bình và phê bình, đề cao kỷ luật và ra sức khuyến khích tài năng.

Người đã: “hai lần đứng đầu ủy ban soạn thảo Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, đã ký lệnh công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới dạng luật khác” [5, tr.276]. Người khuyến khích các đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ và gương mẫu trả lời chất vấn của các đại biểu trong kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I, năm 1946. Người cũng phát huy dân chủ bằng các hoạt động đấu tranh chống vi phạm dân chủ, thực hành dân vận thường xuyên… 

 Tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh là một hệ thống toàn diện được thể hiện trên cả ba mặt: tư tưởng, xây dựng thể chế và thực hành dân chủ. Nếu như những giá trị tư tưởng thể hiện chiều sâu, sự tiến bộ của tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh thì việc xây dựng thể chế dân chủ và thực hành dân chủ lại là mặt biểu hiện tính hiện thực, sự thuyết phục của tư tưởng ấy. 

3. Sự tương đồng và khác biệt trong tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi và tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh

Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi và tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh là những thành tựu tư tưởng ghi dấu sự phát triển từ truyền thống đến hiện đại của dòng tư tưởng vì dân ở Việt Nam. 

Tư tưởng về dân đáp ứng đòi hỏi của lịch sử

Tư tưởng thân dân và dân chủ của hai tác giả là là kết quả của những tiếp thu từ giá trị truyền thống, đương đại và sáng tạo vĩ đại của riêng mỗi nhà tư tưởng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của cuộc đấu tranh giải phóng, bảo vệ và phát triển đất nước. Khoảng cách thời gian từ thời kì Nguyễn Trãi đến thời kì Hồ Chí Minh là gần 500 năm, là những giai đoạn lịch sử đầy biến động, đặc biệt là khủng hoảng về đường lối cứu nước, cứu dân. 

Bên cạnh sự tương đồng đó, thời đại Nguyễn Trãi sống và thời đại Hồ Chí Minh là sự khác biệt của hai hình thái xã hội. Nếu như thế kỷ XV, Nguyễn Trãi sống trong chế độ xã hội quân chủ thì Hồ Chí Minh hoạt động trong xu thế thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - chế độ xã hội giải phóng con người. Bởi vậy, tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi mới chỉ dừng lại ở mong muốn ở giá trị tư tưởng mà thiếu đi cơ sở chính trị hiện thực để xây dựng thành một thể chế như trong thời đại dân chủ của Hồ Chí Minh.

Bài học dựng dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước

Từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh nêu lên một bài học mang tính quy luật để dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước và xây dựng một chế độ chính trị bền vững: dân là gốc. Đây cũng là bài học mà Đảng ta đã tổng kết trong Văn kiện Đại hội XIII (năm 2021). Nếu như bài học đó được Nguyễn Trãi khái quát trong tư tưởng thân dân thì Hồ Chí Minh mở rộng và sâu sắc hơn từ thân dân đến trọng dân, trọng pháp, cuối cùng là dân chủ. Không chỉ đúc kết ở tầm lý luận, bản thân những chiến công, những thành quả xây dựng đất nước mà Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đạt được đã chứng minh cho sự đúng đắn của bài học thân dân trong lịch sử và dân chủ thời hiện đại. Do hoàn cảnh lịch sử xã hội, tư tưởng vì dân của Nguyễn Trãi giới hạn ở mức độ giá trị, mong muốn thì Hồ Chí Minh có những điều kiện để thể chế hoá, hiện thực hoá và phát triển tư tưởng toàn diện ở cả ba mặt giá trị tư tưởng, thể chế và thực hành dân chủ, biến các giá trị thành hiện thực.

Trong tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đặt vấn đề tầm vóc thời đại, xã hội hướng đến vẫn là xã hội phong kiến, dù những giá trị tốt đẹp, tiến bộ đặt ra có tính ưu việt. Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi và lịch sử, văn hóa dân tộc đặt ra vấn đề mang tầm vóc thời đại. Từ ý thức hệ giai cấp công nhân, Người đã vươn tới những tầm cao tư tưởng của thời đại, đất nước phải phát triển theo dòng thời đại, theo xu hướng của thời đại: một thời đại dân chủ. Nếu Nguyễn Trãi chỉ dừng ở xây dựng một quốc gia độc lập, phú cường, tự chủ thì Hồ Chí Minh hướng đến một quốc gia độc lập, giàu có, văn minh theo con đường chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh đã vươn tới những giá trị tiên tiến của thời đại: thời đại tiến lên chủ nghĩa xã hội với ba hệ giá trị lớn: độc lập, tự do, hạnh phúc; trong đó, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Sự phát triển tư tưởng của Hồ Chí Minh so với Nguyễn Trãi thực chất phản ánh những biến đổi và phát triển của thời đại và lịch sử từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX Việt Nam, là những câu trả lời đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện thực và những sáng tạo cá nhân. So sánh sự phát triển tư tưởng về dân ở hai nhà tư tưởng ta thấy mối liên hệ về mặt lịch sử và lôgíc.  Từ thực tế yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Nước lấy dân làm gốc, gốc có vững, cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”, vì vậy Hồ Chí Minh đã kế thừa có chọn lọc và phát triển từ Nguyễn Trãi cũng như truyền thống tư tưởng về dân của dân tộc song Người cũng bổ sung, phát triển các yếu tố hiện đại, tiếp thu các giá trị của nhân loại để vươn đến những giá trị tiên tiến mang tầm vóc của thời đại ngày nay.

Kết luận

Nghiên cứu dòng tư tưởng vì dân trong lịch sử qua tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi và tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh cho thấy những yếu tố để xây dựng một nền dân chủ, văn hoá thân dân, vì dân là một giá trị mang tính truyền thống tồn tại xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “phát huy dân chủ Xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân”[2, tr.172]. Điều đó cũng thể hiện một đặc điểm riêng biệt của chính trị Việt Nam: chính trị thân dân, vì dân.

Tài liệu tham khảo:

[1] Phạm Văn Bính (2008): Phương pháp dân chủ Hồ chí Minh, Nxb chính trị Quốc gia.

 [2] Đảng cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập 1), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.

[3] Hồ Chí Minh (2000): Toàn tập (Tập 5), Nxb Chính trị quốc gia.

[4] Hồ Chí Minh (2000): Toàn tập (tập 9), Nxb Chính trị quốc gia.

[5] Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (2003): Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị quốc gia. 

[6]Viện khoa học xã hội Việt Nam (1998): Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb KHXH.

[7]Viện sử học (1979): Nguyễn Trãi, toàn tập. Nxb Khoa học xã hội.

[8] Viện khoa học xã hội Việt Nam (1998): Đại Việt sử ký toàn thư (Tập II), Nxb KHXH.

Đọc thêm

Giải pháp thực hiện Cam kết của Việt Nam về "Net zero" vào năm 2050

Tác giả: Phạm Tú Tài

(GDLL) - Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam đã ký cam kết đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050 (Net Zero). Bài viết tập trung phân tích những tác động của phát thải khí nhà kính, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu; nỗ lực của Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính và đề xuất một số giải pháp Việt Nam cần thực hiện trong lộ trình "Net Zero" vào năm 2050.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Hoài Phương

(GDLL) - Trong quá trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ, công chức đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức đã nỗ lực hết mình để thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Bài viết nghiên cứu về thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

Quá trình phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tác giả: Lục Việt Dũng

(GDLL) - Bài viết khái quát sự phát triển nhận thức của Đảng về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhấn mạnh những nội dung mới tại Nghị quyết số 27-NQTW; từ đó đề xuất một số giải pháp bảo đảm các đặc trưng này trong quá trình xây dựng, hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay

Tác giả: ThS Lưu Thị Thu Phương

(LLCT) - Nghiên cứu, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là một hoạt động quan trọng trong lãnh đạo, quản lý xã hội, do đó cần không ngừng được đổi mới công tác này để giúp cấp ủy, chính quyền phát hiện những điểm nóng về tư tưởng, kịp thời giải tỏa xung đột xã hội tiềm tàng. Bài viết tập trung làm rõ các phương pháp định hướng dư luận xã hội đang được sử dụng, nguyên tắc và nội dung đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Một số vấn đề thực tiễn thi hành pháp luật về luật sư và kiến nghị nâng cao chất lượng hành nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Đồng Ngọc Dám

(GDLL) - Thể chế, pháp luật về tổ chức và hoạt động của luật sư thời gian qua đã từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Bài viết tìm hiểu thực tiễn thi hành pháp luật về luật sư, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hành nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay.